Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

THÀNH Ô DIÊN TRONG LỊCH SỬ
I . Những ghi chép và vấn đề lịch sử:                           
         Thành Ô Diên là một tòa thành cổ được ghi chép sớm nhất trong cuốn Việt điện U linh thuộc thế kỷ XIV(1) trong mục Triệu Việt Vương và Lý Nam đế. “ Nam đế đã thôn tính xong Triệu Việt Vương bèn thiên đô đến Lộc Hoa và Vũ Ninh; phong anh là Xương Ngập làm Thái bình hầu giữ thành Long Biên; phong đại tướng Lý Tấn Đỉnh làm An ninh hầu giữ thành Ô Diên. Nam đế làm vua 30 năm thì chết”. Đây là tài liệu sớm nhất về tòa thành này. Các bộ sử về sau khi viết về triều đại độc lập đầu tiên của dân tộc ( Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân) đã đề cập chi tiết hơn về triều đại này và thành Ô Diên. Đại Việt sử ký toàn thư bộ sử chính thống của nhà nước độc lập viết vào thế kỷ XV chép: năm 571 sau khi đánh đuổi Triệu Việt Vương “ Vua họ Lý, tên húy là Phật Tử, là tướng người họ của Tiền ( Lý) Nam đế, đuổi Triệu Việt Vương, nối vị hiệu của Nam đế, đóng đô ở thành Ô Diên sau dời đến Phong Châu” (2)
Năm 602 “ Vua sai con của anh là Lý Đại Quyền giữ thành Long Biên, Biệt súy là Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên( bấy giờ vua đóng đô ở Phong Châu)(3)
Bộ sử chính thống của triều đại phong kiến cuối cùng – nhà Nguyễn viết vào thế kỷ XIX cũng ghi: “ Phật Tử kéo quân về phía đông, đánh nhau với Triệu Việt Vương ở Thái Bình...Lý Phật Tử mới dời sang ở thành Ô Diên...”(4).
Từ nguồn tư liệu trên, sau này những nhà biên soạn lịch sử khi đề cập đến nhà Tiền Lý đều có ghi chép về sự kiện này và đề cập đến thành Ô Diên.
“ Phật Tử cất binh diệt được họ Triệu vẫn xưng là Nam đế, đóng đô ở Ô Diên, rồi rời ra Phong Châu. Ở ngôi được 47 năm ”(5)
“ Lý Phật Tử lấy được thành Long Biên rồi, xưng đế hiệu, đóng đô ở Phong Châu, sai Lý Đại Quyền giữ Long Biên Lý Phổ Đỉnh giữ Ô Diên” (6)
“ Năm 555 Lý Phật Tử tranh ngôi, Triệu Quang Phục chia nước làm hai lấy bãi Quần Thần ( nay là địa phận các xã Thượng Cát và Hạ Cát huyện Hoài Đức) làm giới hạn, để cho Lý Phật tử đóng đô ở thành Ô Diên( nay là làng Đại Mỗ huyện Hoài Đức) (7)
“Họ Lý đóng ở Ô Diên. Họ Triệu đóng ở Long Biên. Năm 571 Lý Phật Tử bất ngờ đánh úp Triệu Việt Vương chiếm toàn bộ quyền hành và đất đai...Năm 603 nhà Tùy tiến đánh Giao châu Lý Phật Tử cũng bố trí lực lượng để chống lại quân xâm lược Tùy. Họ Lý sai con người anh là Lý Đại Quyền đem quân trấn giữ thành Long Biên, sai một viên tướng khác là Lý Phổ Đỉnh đem quân giữ thành Ô Diên( Từ Liêm- Đan Phượng – Hà Nội) còn tự mình thì trấn giữ ở khoảng thành Cổ Loa- Hà Nội”(8)
Lược qua những dòng lịch sử Việt Nam cho biết trong hệ thống thành cổ Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên có ghi chép về thành Ô Diên. Thành Ô Diên có vai trò là nơi đóng đô của Lý Phật Tử sau cuộc kháng chiến thắng lợi - cân bằng vị thế  với thành Long Biên – nơi đóng đô của nhà nước Vạn Xuân và là đô của Triệu Việt Vương. Sau khi thống nhất lãnh thổ và quyền lực Lý Phật tử đã định đô ở đây với vị thế là Kinh đô của Hậu Lý Nam đế. Khi kinh đô của Lý Phật Tử chuyển đô về Phong Châu thì Lý Phổ Đỉnh được phân đóng giữ thành Ô Diên cũng cân bằng với Lý Đại Quyền đóng quân ở thành Long Biên.Thành Ô Diên trở thành kinh đô của Lý Phật Tử lên nắm quyền từ năm 555 đến năm 571 khi Lý Phật Tử đánh bại Triệu Quang Phục(16 năm).Theo Việt điện u linh thì sau khi đánh bại Triệu Quang Phục thì Lý Phật Tử thiên đô đến  Lộc Hoa và Vũ Ninh; thành Ô Diên giao cho Lý Phổ Đỉnh trần giữ đến năm 603- Đây là tòa thành với vai trò quân sự (32 năm).Như vậy, thành Ô Diên được biết đến, sử dụng trong 58 năm, Lý Phật Tử ở ngôi được 47 năm. Tòa thành này có hai vai trò: kinh đô là trung tâm chính trị quyền lực, hành chính và kinh tế văn hóa của một vương triều và thành quân sự vị trí trọng yếu của vùng đất, trấn giữ phía tây khi cuộc kháng chiến chống nhà Tùy xâm lược ( Lý Phật tử đóng quân ở thành Cổ Loa)
Với thời gian tồn tại và vị thế của thành Ô Diên có thể thấy đây là một tòa thành có vai trò quan trọng trong hơn nửa thế kỷ buổi đầu giành được độc lập của dân tộc Việt Nam( 548 -603) kể từ cuộc khởi nghĩa của Lý Bí với nhà nước độc lập Vạn Xuân và kinh đô Long Biên- nền tảng cho kinh đô Thăng Long sau này tỏa sáng
II. Những dấu tích thành cổ Ô Diên.
Sau một thời kỳ lóe sáng của độc lập dân tộc, nước ta lại chìm vào vòng đô hộ của phong kiến phương bắc Tùy- Đường; cùng với việc vơ vét kinh tế, chính sách đô hộ đồng hóa văn hóa được các triều đại thi hành tàn khốc, những dấu tích vang vọng của thời kỳ độc lập qua năm tháng dần bị mai một, trong đó có thành cổ Ô Diên. Các sử gia sau này khi biên sử cũng cố công tìm lại dấu xưa nhưng  các ghi chép cũng khác nhau. Về địa danh Ô Diên Phan Huy Chú cho biết “  Đền Nhã Lang ở xã Hạ Mỗ; Nhã Lang là con Hậu Lý Nam Đế ở đất Ô Diên , lấy con gái Triệu Việt Vương là Cảo Nương, lấy trộm mũ đầu mâu, có móng rồng rồi phản bố vợ, lập mưu đánh úp Triệu Việt Vương.Ô Diên tức là xã Hạ Mỗ ”(9). Một số chuyên khảo cho rằng thành Ô Diên ở địa bàn huyện Đan Phượng ( Hà Tây cũ). Hay “Lý Phật Tử đóng đô ở thành Ô Diên( nay là làng Đại Mỗ huyện Hoài Đức)” (7). Để tìm về vị trí thành Ô Diên, thử tìm trong tài liệu lịch sử. Cuộc khởi nghĩa Lý Bí nổ ra năm 541 dẫn đến hình thành nhà nước độc lập Vạn Xuân và kinh đô Long Biên thành.Năm 544 Lý Bí xưng là Nam việt Đế; năm 545 nhà Lương đưa quân sang xâm lược, vua thua ở cửa sông Tô Lịch chạy về thành Gia Ninh, năm 546 thành Gia Ninh thất thủ vua chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương, sau đóng quân ở hồ Điển Triệt. Quân Lương phá quân ở Điển Triệt, vua lui về động Khuất Lão và giao bình quyền cho đại tướng là Triệu Quang Phục. Năm 550 Triệu Quang Phục thắng quân Lương “ Vua vào thành Long Biên ở” (9). Khi vua lui về động Khuất Lão thì anh của Lý Nam đế là Lý Thiên Bảo cùng với tướng người họ là Lý Phật Tử đem 3 vạn người vào Cửu Chân lập nước Dã Năng xưng là Đào Lang Vương. Năm 555 Đào Lang Vương mất “ Lý Phật Tử lên nối ngôi thống lĩnh quân chúng”(10). Năm 557 Lý Phật Tử đánh nhau với Triệu Việt Vương 5 lần không phân thắng bại “ Vua nghĩ rằng Phật tử là người họ của Tiền Lý Nam đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia đại giới ở bãi Quần Thần ( nay là hai xã Thượng cát và Hạ cát ở huyện Từ Liêm), cho ở phía Tây của nước. Phật Tử rời xuống ở thành Ô Diên( nay là xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm” (11). Năm 571 Lý Phật Tử đánhbại Triệu Việt Vương và lên ngôi được coi là Hậu Lý Nam Đế. Thành Ô Diên cho đến nay về vị trí có các nguồn tài liệu khác nhau thuộc địa bàn xã Hạ Mỗ huyện Từ Liêm; xã Đại Mỗ huyện Hoài Đức và xã Hạ Mỗ huyện Đan Phượng. Theo khảo cứu cho biết vào thời kỳ nhà Đường đô hộ “ Châu Nam Từ gồm đất 3 huyện Từ Liêm, Ô Diên, Vũ Lập. Huyện Ô Diên đặt tên là do sông Ô Diên là khúc sông Hồng tiếp sang sông Đưống tức khoảng huyện Hoài Đức ngày nay” (12).
Thời Lý  Lộ Quốc Oai...là miền Hà Tây trên lưu vực sông Đáy”. Thời Trần châu Từ Liêm gồm hai huyện Đan Phượng và Thạch Thất “Xem thế thì thấy châu Từ Liêm là tương đương với miền tỉnh Hà Tây ở trên đoạn phía bắc của sông Đáy”(13)
Thời thuộc Minh huyện Đan Phượng đổi thành huyện Đan Sơn “ Phủ Giao Châu có châu Từ Liêm lãnh hai huyện Đan Sơn và Thạch Thất” (14) Đời Lê Quang Thuận lại  đổi tên thành huyện Đan Phượng.
Như vậy dù ghi chép chưa thống nhất xã Hạ Mỗ của Từ Liêm, Hoài Đức hay Đan Phượng thì vị trí thành Ô Diên vẫn thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây ngày nay và tòa thành này gắn với hệ thống sông Hồng – Đáy chảy trên địa bàn. Để tìm về địa bàn thành Ô Diên trong lịch sử. Ghi chép của Phan Huy Chú cho biết “ Đền Nhã Lang ở xã Hạ Mỗ; Nhã Lang là con Hậu Lý Nam Đế ở đất Ô Diên , lấy con gái Triệu Việt Vương là Cảo Nương, lấy trộm mũ đầu mâu, có móng rồng rồi phản bố vợ, lập mưu đánh úp Triệu Việt Vương.Ô Diên tức là xã Hạ Mỗ ”.Phần Đền miếu trong Đại Nam nhất thống chí không thấy ghi chép về đền thờ Nhã Lang mà có ghi chép về miếu Tiền Lý Nam Đế thờ tại xã Kim Thi huyện Đan Phượng. Vậy địa điểm thờ Nhã Lang  mà Phan Huy Chú ghi chép có liên quan gì đến thành Ô Diên cũ. Hiện  nay trên địa bàn thôn Hạ Mỗ xã Hạ Mỗ huyện Đan Phượng có tên gọi miếu Hàm Rồng “ Miếu nguyên xưa là gò hạt ngọc, nổi giữa đầm Hàm rồng, thuộc về trong thành Ô Diên, nay có đê vòng sau miếu”(15). Miếu còn được gọi là quán Bét cách đọc Bát kiêng húy của Lý Bát Lang. Theo tài liệu cho biết địa điểm miếu Hàm rồng nay chính là địa điểm xây dựng phủ đệ xưa của Lý Bát Lang khi Lý Phật Tử định đô tại đây, năm 571 Lý Bát Lang mất, địa điểm này được xây miếu để phụng thờ (16).  Miếu thờ Lý Bát Lang có phải là  Đền thờ Nhã Lang , hai nhân vật này là hai hay một. Đây là vấn đề lịch sử cần được khảo cứu thêm. Tại thôn còn có đền Chính khí được xây dựng trên vùng đất cao nhất của làng Hạ Mỗ. Trên khu đất này được coi là trung tâm thành Ô Diên xưa nhân dân đã dựng nên một ngôi đền thờ Lý Phật Tử cùng các vương tôn, tướng lĩnh nhà Hậu Lý Nam Đế. Đền thờ Tứ vị Đại Vương trong đó có Nhã Lang linh ứng đại vương ( con Lý Phật tử) và Biệt súy Phổ Đỉnh đại vương ( người trần giữ thành Ô Diên.). Cùng với miếu đền còn có đình Vạn Xuân thờ các nhân vật liên quan đến thành Ô Diên trong lịch sử. Như vậy vị trí miếu, đền, đình  ngày nay, theo tài liệu được xây dựng ở vị trí trung tâm hay  nằm trong lòng thành Ô Diên cổ và thờ các vị thần liên quan đến triều đại Hậu Lý Nam đế.  Có thể thấy mật độ di tích ở đây khá đậm và thống nhất liên quan đến nhân vật và thành Ô Diên trong lịch sử.
Tài liệu lịch sử và di tích đã cung cấp phần nào về địa điểm của thành Ô Diên trong lịch sử.


(1)    Việt điện u linh là cuốn sách được Lý Tế Xuyên viết vào đầu thế kỷ XIV( bài tựa được viết năm 1329) và được tục biên nhiều năm sau đến thế kỷ XIX. NXB Văn học – Hà Nội 1972 – tr42 -46
(2)    ( 3) Đại Việt sử ký toàn thư. NXBKHXH. Hà Nội 1998 – tr 184-185
(4) Khâm định Việt sử cương mục. NXB KHXH. Hà Nội 2006 tr
(  5 -9)Phan Huy Chú : Lịch triều hiến chương loại chí Tập I. NXB Giáo dục – Hà Nội 2008 tr 224- 134
(6) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược.NXB Đà Nẵng 2003 – tr 54
(7) Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời. NXB Thuận Hóa  -1995 tr 84
(8) Viện sử học: Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X. NXBKHXH Hà Nội 2001 tr 348 -350
(9- 10- 11)Đại Việt sử ký toàn thư. NXBKHXH. Hà Nội 1998 – tr 183
(12-13)Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời. NXB Thuận Hóa  -1995 tr 88- 130
(14) Đại Nam Nhất thống chí. Tập IV. NXB Thuận Hóa – 2006 tr212
(15) Thần tích, thần sắc làng Hạ Mỗ, tổng Thượng Hội, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông- Viện thông tin KHXH – Hà Nội 1995

(16) Theo: Hậu Lý Nam Dế Bát Lang Hoàng công Hy Minh Dũng nghị đại vương ngọc phả cổ lục – soạn năm 1572