Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

LỊCH SỬ?
1. Lịch sử
Theo Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh phổ thông:
Lịch sử dt. Quá trình phát sinh, phát triển đã qua của một hiện tượng, một sự vật nào đó diễn ra theo thứ tự thời gian.(1)
Đây là cách diễn giải đơn giản nhất cho học sinh phổ thông hiểu từ Lịch sử theo danh từ. Suy rộng ra Lịch sử là những gì xảy ra đã qua. Lịch sử là quá khứ.
Quá khứ thân phận của một con người, một dòng tộc, một tộc người là lịch sử.
Ghi chép tiểu sử một con người, gia phả một dòng tộc,  về ngọn nguồn của một tộc người đó là lịch sử.
Nguồn gốc hình thành, quá trình tồn tại và phát triển của một vùng đất, lãnh thổ một dân tộc là lịch sử.
 Ghi chép về một vùng đất (lịch sử địa phương), một không gian sống lãnh thổ của dân tộc Quốc gia (Quốc sử). Lịch sử là "Đường thời gian mà ở đó tất cả các sự kiện đã diễn ra trên mọi khía cạnh của cuộc sống, từ chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, văn học - nghệ thuật, tôn giáo - tín ngưỡng, chiến tranh" (2) Những ghi chép đó hình thành nên những sách lịch sử của một vùng đất hay Quốc gia
 Nếu cứ tạm hiểu như vậy  thì từ  " Đời xưa các nước, nước nào cũng có sử"(3)
Vậy người xưa viết sử để làm gì:
"Vì sao mà làm Quốc sử? Vì sử chủ yếu là để ghi chép sự việc. Có chính trị của một đời, tất phải có sử của một đời. Mà ngòi bút chép sử giữ nghị luận rất nghiêm, ca ngợi đời thịnh trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, lên án kẻ loạn tặc thì gay gắt như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn, quan hệ đến việc chính trị không phải là không nhiều.."(4) hay " Sử để ghi việc, mà việc hay hoặc dở đều dùng làm gương răn cho đời sau" (5)
Nước ta, do điều kiện bi thương, sau thời kỳ văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ, một nhà nước sơ khai  mới manh nha hình thành đã bị vùi lấp trước lớp sóng đồng hóa của Trung Hoa. Hơn một ngàn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của dân tộc, lãnh thổ nước ta trở thành một quận huyên. Lịch sử  bị ghi chép như một bộ phận của lịch sử Trung Hoa.Máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam đổ ra đòi độc lập (cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Lý Bôn...) bị nhạt nhòa không dòng ghi chép, hay ghi chép xuyên tạc của kẻ thù.
Chính vì thế sau khi giành độc lập dân tộc ta đã chú trọng ghi chép lịch sử dân tộc. Với khuyết thiếu của lịch sử dân tộc ngàn năm đầu" Nhưng vì thiếu sử sách biên chép, mà thực sự đều nghe truyền miệng, lời ghi có phần quái đản, sự việc có khi quên sót..."(6). Với những danh nho lừng danh " Văn Hưu là đại thủ bút thời Trần, Phu Tiên là bậc cố lão của thành triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử của nước ta.." nên những bộ Quốc sử được hình thành như Việt sử lược, Đại Việt sử ký, Đại Việt sử ký toàn thư... với những sử gia danh tiếng như: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Hồ Tông Thốc, Ngô Sĩ Liên... và trở thành truyền thống viết lịch sử dân tộc.
Nhờ có những bộ Lịch sử dân tộc ghi chép mà ngày nay chúng ta biết bài thơ thần của Lý Thường Kiệt với câu thơ:
Sông núi nước Nam , Nam đế ở
Rõ ràng phân định tại sách trời...
Hào khí dân tộc ấy, được hậu thế tôn vinh là Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.(7)
Hay  đọc Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn mà đau xót cho dân tộc " Huống chi ta cùng các ngươi, sinh ra phải thời rối ren, lớn lên gặp buổi khó nhọc, ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, ỷ cái thân dê chó mà bắt nạt tể phụ... Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết nhục, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường thiết yến sứ ngụy mà không biết căm...."
Dù thăng trầm của lịch sử,  nhưng lòng tự hào dân tộc là ngọn lửa thắp sáng dẫn đường, kiêu hãnh:
" Xét như nước Đại Việt ta
Thực là một nước văn hiến
Bờ cõi sông núi đã riêng
Phong tục bắc nam cũng khác
Trải Triệu , Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước
 Cùng Hán, Đường, Tồng, Nguyên đều làm chủ một phương..."
Cũng từ Bản Đại cáo bình Ngô mà gương mặt tàn ác của quân xâm lược bị vạch trần:
"Tát cạn nước Đông Hải không đủ rửa tanh nhơ
Chặt hết trúc Nam Sơn không đủ ghi tội ác"
 Trải bao nếm mật nằm gai, bao máu xương đổ xuống:
"Để mở nền thái bình muôn thưở
 Để rửa mối sỉ nhục ngàn xưa"
 Nền độc lập phải trả bằng xương máu ấy, cho đến nay vẫn là niềm tự hào của mỗi người con dân Việt. Hậu thế  coi Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai.
Tư thế dân tộc một lần nữa được khẳng định khi đại phá quân Thanh xâm lược, người anh hùng áo vải Quang Trung  đã nói:
 Đánh cho để dài tóc
 Đanh cho để răng đen
 Đánh cho biết nước Nam anh hùng chi hữu chủ...
 Những ghi chép trong sử sách đó là linh hồn, biểu tượng cho dân tộc Việt, con người Việt, như mạch nguồn chảy mãi trong dòng máu mỗi người dân bấp chấp sự thăng trầm của lịch sử
Đầu thế kỷ XX đầy tao loạn, cuồng phong của chính trị, truyền thống lịch sử dân tộc lại là cứu cánh. Nhà sử học Trần Trọng Kim  tâm huyết viết cuốn Việt Nam lược sử. Ông viết để làm gì:
" Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự linh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực như thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này. Người trong nước có thông hiểu sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tổ tiên đã dựng xây nên mà để lại cho mình..."
Như vậy sự cần biết lịch sử dân tộc như thế nào, khỏi phải bàn nữa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: Dân ta phải biết sử ta
2. Chiều nay 16- 11 - 2015 nghe "ngài" Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời chất vấn trước Quốc hội nói đưa môn học Lịch sử vào gói tích hợp.... "Ngài"  ví von khi học sinh học bài Đại cáo Bình Ngô là đã đưa môn lịch sử vào vì phải đưa vấn đề lịch sử ra đời khi viết Bài Cáo đó... Hay khi hát bài câu hò trên bến Hiền Lương là phải nói về lịch sử ra đời của bài hát.... Nghe thật là ngược đời, "Ngài" đã lẫn lộn vấn đề như các nhà Triết học tranh luận: quả trứng có trước hay con gà có trước.
 Xin thưa, nếu không có gần thập niên nếm mật nằm gai " Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần. Lúc Khôi huyện quân không còn một lữ" thì có được Bài Bình Ngô Đại cáo không?
Nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động điạ cầu, hiệp định Giơ Ne Vơ chia cắt núi sông thì có bài hát da diết Câu hò trên bến Hiền Lương?
" Ngài " bộ trưởng cố tình nhầm hay không hiểu, nếu không có lịch sử chi phối làm nền, thăng hoa thì đâu có những tác phẩm nổi danh để lại cho Hậu thế.  Tác phẩm là sản phẩm của lịch sử hay lịch sử là sản phẩm của tác phẩm thưa "Ngài".
Muốn hiểu được những giá trị của các tác phẩm, cần phải hiểu rõ hoàn cảnh ra đời đó chính là lịch sử. Kiến thức căn cốt không hiểu thì lại định hướng hiểu ngược lại. Chẳng khác gì người ta nhìn cuộc đời bằng tư thế lộn ngược?
3. Những bài học
Trải qua năm tháng, sự biến động của xã hội, ý thức hệ chủ quan của con người. Lịch sử nhiều dân tộc dần bị biến mất khỏi ký ức: Tây Hạ, Thổ Phồn, Đại Lý... Gần đây là Tây Tạng. Mất Lịch sử dân tộc là mất ký ức quá khứ, sẽ sản sinh ra những chủ nhân sống vật vờ trên chính mảnh đất tổ tiên ông bà, mẹ cha để lại.



(1)Từ điển tiếng việt dành cho học sinh phổ thông. Nhà xuất bản Khoa học xã hội- Hà Nội 2014, tr 356
(2) Mai Thanh Sơn
(3) Bài tựa sách Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư - Đại Việt sử ký toàn thư. Nhà xuất bản Khoa học xã hội- Hà Nội 1998, tr 99 
(4) Sách Đại Việt Sử ký tục biên- Đại Việt sử ký toàn thư. Nhà xuất bản Khoa học xã hội- Hà Nội 1998, tr 96
(5) Bài tựa sách Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư - Đại Việt sử ký toàn thư. Nhà xuất bản Khoa học xã hội- Hà Nội 1998, tr 99 
(6) Bài tựa sách Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư - Đại Việt sử ký toàn thư. Nhà xuất bản Khoa học xã hội- Hà Nội 1998, tr 99
(7) Về nguồn gốc bài thơ có ý kiến của các nhà nghiên cứu còn cho rằng, bài thơ thần xuất hiện sớm hơn vào cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược thời vua Lê Đại Hành