Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

CHUYỆN GẪU 9 VÀ THƠ CON CÓC
Tôi có anh bạn học từ thời phổ thông là người thích thơ, hay làm thơ. Từ ngày lấy vợ,  tôi thấy anh làm thơ ít dần rồi thôi hẳn. Tôi hỏi anh: vợ làm mất cảm hứng à?
 Anh cười: Ừ vợ mình không thích.
Quả là người chiều vợ. Vì vợ sẵn sàng bỏ cả niềm đam mê của mình từ thời còn mơ ước. Anh có lẽ thuộc nhóm  người sắp tiến dần đến  mục tiêu được ghi vào Sách đỏ.
Hôm ngồi cùng anh uống chè chén vỉa hè, tôi kể lại câu chuyện nghe được về thơ.
 Ở một tỉnh nọ, có hai vợ chồng công nhân nhà máy dệt. Anh là người thích làm thơ, thơ anh làm được dán báo tường, báo liếp của nhà máy. Anh còn làm thơ thiếu nhi cho con anh sử dụng cho báo tường ở lớp mỗi khi có ngày lễ như 20 - 11; hay 15-5 ngày thành lập Đội v v.... Thơ anh khá hay, nhiều người khen là có hồn.Vợ anh nhiều lúc cũng tự hào lắm.
Thời buổi khủng hoảng kinh tế, nhà máy đóng cửa, vợ chồng  thất nghiệp phải nghỉ ở nhà không có lương đành tìm  kế sinh nhai. Thời buổi gạo châu củi quế, điện tăng, nước tăng, tiền hai đứa con đi học... làm vợ chồng anh xoay như chong chóng. Vợ anh nhanh nhẹn, mở quán bán bún đầu khu tập thể. Chị nấu ăn ngon, làm sạch sẽ vệ sinh, giá cả lại bình dân nên quán cứ ngày càng đông khách. Đã không có việc làm, tiền đâu mà mướn người giúp việc, chị nhờ anh ra trông quán. Chị bán, anh bưng bê, dọn bàn, đưa tăm, lấy nước vv.. làm tất ăn cả. Mặc dù bận vậy, nhưng anh vẫn thích làm thơ, bởi anh thấy đó là  niềm đam mê, thú vui tao nhã... Những lúc phụ việc giúp vợ, đầu anh vẫn nảy ra những tứ thơ, anh đọc thầm gật gù tâm đắc. Nhiều lần giúp vợ mải nghĩ thơ, làm việc nọ quên việc kia,  khiến chị vợ nổi cáu.
Một lần  mải nghĩ tứ thơ, anh đứng thần mặt, quên bưng bát bún cho khách. Vợ quát: ông nghĩ gì mà mặt đần ra thế, hay nhớ con nào?.
Luống cuống, anh sợ quá khai thật: anh đang nghĩ làm thơ. Khai vậy may ra vợ nó còn thông cảm, chứ không nó tưởng nhớ con nào thì toi cửa, nát nhà.
Thơ thơ, thẩn thẩn gì. Vợ anh ca cẩm. Thơ có ra cơm ra gạo không? Không làm lấy cái gì hốc vào mồm, lúc nào cũng thơ với thẩn, tôi thì dí lồ... vào thơ của anh ấy.
Sau lần đó, anh tuyệt nhiên không dám làm thơ lúc bán hàng. Về nhà  những lúc rảnh việc anh lại lén lút làm thơ vụng  không cho vợ biết. Thương vợ tần tảo vất vả,  anh làm được bài thơ hay  viết về vợ, trong đó giang hồ đồn thổi  là có câu:
Rồi một mai anh trở về cát bụi
Bỏ lại đời tất cả, chỉ mang em...
Năm ấy có tờ báo mở mục thi thơ, anh gửi trộm bài thơ đi thi. Không ngờ Ban tổ chức lại chấm giải, trao thưởng cho bài thơ của anh.
Hôm nhận giải về, bạn bè đến chúc mừng, khen bài thơ hay, tình cảm. Uống ngà ngà say, anh tức cảnh làm thơ:
 Vợ tôi là đứa mất khôn
Suốt ngày ca cẩm dí lồ... vào thơ
Còn tôi là đứa ngẩn ngơ
Suốt ngày thơ thẩn làm thơ vì lồ...
Chỉ ban tổ chức là khôn
Mới trao cho giải về lồ.. của thơ.

Kể đến đây, tôi chợt nhớ lại,  có một nhà thơ giảng về kỹ thuật viết thơ cho các nhà thơ trẻ. Cuối bài giảng ông dặn lại:
 Làm thơ phải tránh vần ồn
Không làm ảnh hưởng tâm hồn chị em
Bài thơ ứng tác của anh có sáu câu, thì năm câu có vần ồn. Quả là thơ khiếp thật. Có nên gọi là thơ con cóc?














KINH THÀNH VIJAYA

 Trước hết phải nói kinh thành ViJaya là tên gọi theo theo bia ký của người Chăm để lại nói về một tòa thành cổ- kinh đô của người Chăm trong lịch sử trên vùng đất châu ViJaya xưa. Kinh thành này theo các nguồn sử liệu của Việt Nam, gọi đó là thành Phật Thệ, Chà Bàn, tên này được sử dụng  trong các bộ chính sử nhà Nguyễn ( 1802 -1945) trong đó có Đại Nam nhất thống chí. Tòa thành này còn nhiều tên gọi khác nhau: thành Cũ, thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế. Mỗi tên gọi đều có nguồn gốc và ẩn chứa nội dung của một thời kỳ, nhưng nhìn chung đều chỉ một tòa thành cổ nằm trên địa bàn xã Nhơn Hậu và một phần thị trấn Đập Đá huyện An Nhơn ( Bình Định) ngày nay.
Tên gọi kinh thành Vijaya theo tài liệu lịch sử dân tộc Chăm có hai nguồn gốc. Một là tòa thành cổ là trung tâm kinh tế, chính trị quân sự của một vùng đất lãnh thổ của châu Vijaya xưa. Đây là một trong 38 châu mà trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1443 cho biết “ Tổng cộng các châu lớn nhỏ cả thảy là 38 châu, chiều dọc rộng độ 600 dặm”.Hai là kinh thành Vijaya, kinh đô của cả tộc người Chăm trong lịch sử. Năm 998  trước nhu cầu phát triển trong điều kiện lịch sử mới, người Chăm chuyển đô từ Inđrapura(Đồng Dương – Quảng Nam) về châu Vijaya. Sự chuyển đô này là cả một quá trình. Sau nhiều biến động của lịch sử, sự tranh giành quyền lực trong vương triều, nhiều thủ lĩnh ở các châu nổi lên xưng vương, trong đó có thủ lĩnh trị vì châu Vijaya.Theo nhiều nguồn sử liệu cho biết vị vua trị vì đầu tiên ở ViJaya là Harivarman II lên ngôi năm 989, những người Chăm “ ...kéo người đó về ViJaya, họ công nhận người ấy làm vua”. Vị vua này có lẽ định đô tại thành Tra ( xã Nhơn Lộc) hiện nay. Từ Vijaya vua Harivarman II  tiến tới quản lý toàn bộ lãnh thổ Chămpa và vẫn duy trì kinh đô ở Inđrapura. Có thể coi vùng đất ViJaya là vùng đất cơ bản của vương triều này để đến khi con ông lên nối ngôi năm 999, mới chính thức từ bỏ Indrapura  và năm 1000  kéo quân về ViJaya thì vai trò kinh đô của vùng đất được xác lập vững vàng.Về địa lý đây là vùng đất trung tâm của dải đất miền Trung do người Chăm quản lý kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Nơi đây đồng ruộng rộng rãi, màu mỡ, sản vật phong phú, dựa lưng vào vùng cao nguyên giàu có, nhìn ra biển rộng với hải cảng Thi Nại thuận giao thương, hội tụ đủ điều kiện để phát triển, tạo nên một thời kỳ mới của tộc người Chăm. Vị vua mới lên ngôi lấy tên hiệu là Yang.Po ku ViJaya Sri mở đầu cho vương triều mới –Vương triều ViJaya- kinh đô là Vijaya.  Vương triều ViJaya mở đầu vào cuối thế kỷ X( 1000),kết thúc vào cuối thế kỷ XV (1471) với nhiều triều đại, nhiều khúc quanh, nhiều bước thăng trầm khác nhau nhưng đã để lại nhiều dấu ấn huy hoàng trong lịch sử Champa, trong đó văn hoá thời kỳ ViJaya phát triển rực rỡ. Như vậy, có thể thấy khi mới chuyển đô về đây vương triều đã có sẵn một đô thành của của châu Vijaya( Thành Tra- Nhơn Lộc).Tòa thành này được sử dụng, trong nhiều thế kỷ, có thể sau thế kỷ XIII, khi người Chăm giành lại được quyền  độc lập từ sự thống trị của đế quốc Khmer, thì người Chăm chuyển đô về vị trí mới, xây dựng một kinh đô mới là : thành Chà Bàn, hay Đồ Bàn trên vị trí ngày nay, trong xu hướng tiến ra biển chung của người Chăm trong lịch sử. Chính vì thế khi viết Đồ Bàn thành ký, Nguyễn Văn Hiển đã viết “Đồ Bàn có tự lâu đời, khắc phục tự nhà Trần, bị phá vỡ tự đời nhà Lê…” đã lược trình về thời gian tồn tại của tòa thành này. Theo khảo tả của các sử gia cũ “ Thành Đồ Bàn là nơi vua cũ nước Chiêm ở đó, lộng lẫy kiên cố nay dấu cũ hay còn”. Theo sách Thiên nam tứ thư lộ đồ chi  thời Lê cho biết” xã Phú Đa xưa có thành xây bằng gạch, gọi là thành Đồ Bàn. Thành vuông mỗi bề dài một dặm. Có 4 cửa. Trong thành có điện có tháp. Điện đã bị đổ, tháp còn lại 12 tòa gọi là tháp con gái”. Theo Đại Nam nhất thống chí “ Thành cũ Chà Bàn ở địa phận 3 thôn: Nam Định; Bắc Thuận và Bả Canh về phía đông huyện Tuy Viễn, xưa là quốc đô xưa của Chiêm Thành, chu vi 30 dặm trong thành có tháp cổ, có nghê đá, voi đá đều là của người Chiêm Thành”.
Sau thế kỷ XV, phần đất này sát nhập vào lãnh thổ dân tộc tòa thành này bị bỏ hoang; đến thế kỷ XVIII ( 1778) Nguyễn Nhạc lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn lại dựa trên dấu vết thành cũ, tôn tạo mở rộng thêm đặt tên thành là Thành Hoàng Đế làm kinh đô của vương triều Tây Sơn. Vậy trên cùng một địa điểm, tòa thành này hai lần giữ vị trí vai trò kinh đô, trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của hai tộc người, hai triều đại khác nhau, cách xa nhau hơn 300 năm. Bị bỏ hoang phế hơn 300 năm dãi dầu mưa nắng, bị xã hội và tự nhiên can thiệp, sau này lại bị cải tạo, dấu vết kinh thành Hoàng Đế phủ trùm lên, do vậy việc tìm lại dấu vết kinh thành xưa là một việc làm khó khăn.
Trước đây khi nghiên cứu văn hóa Champa, dựa vào dấu vết vật chất, các công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc,  các nhà nghiên cứu đã cố tách bóc để tìm lại diện mạo kinh thành Vijaya xưa. Từ tài liệu khảo sát đã dựng nên cấu trúc thành Vijaya xưa có mặt bằng hình chữ nhật hướng đông – tây, dài 1400m, rộng 1.100m, còn dấu vết 4 cửa thành phân bố khá cân xứng. Mặt bằng tòa thành này thoát hẳn mặt bằng của thành Hoàng Đế để lại. Nếu so sánh số đo của thành Hoàng Đế với thành Đồ Bàn có thể thấy thành Hoàng Đế rộng gần gấp đôi kinh đô Vijaya xưa.
 Bản vẽ Thành Chà Bàn( Nguồn : H.Parmentier 1909 –1918)
Như vậy có thể thấy, việc sử dụng lại thành cũ Vijaya xây dựng nên thành Hoàng Đế  chỉ có tính kế thừa về địa điểm. Theo bản vẽ của H. Parmentier cho thấy về dấu tích vật chất  tháp Cánh Tiên được xây dựng tại trung tâm Kinh thành Vijaya xưa, bổ xung cho nguồn tư liệu là những phát hiện về giếng Chăm; tương voi, sư tử được chôn lấp xung quanh khu tháp này gần đây khẳng định giả thiết khoa học này của ông là đúng. Về mô hình,  với những tài liệu phát hiện có thể chấp nhận thành Đồ Bàn được xây dựng sau thế kỷ XIII, được quy hoạch theo mô hình ảnh hưởng của Khmer là có cơ sở, nhưng có thể là hình vuông mà tháp Cánh Tiên là trung tâm. Nếu lấy tháp Cánh Tiên làm trung tâm thì những tác phẩm nghệ thuật Champa hiện còn như tượng voi, tượng sư tử đều không xa , quần tụ quanh tháp

Bản vẽ thành Hoàng Đế -2006
Bảng so sánh kích thước
Kích thước
Dài(m)
Rộng(m)
Ghi chú
Thành Vijaya (Đồ Bàn )
1.400
1.100
H. Parmentier
Thành Hoàng Đế
2230- 2353
1627- 1630
Số đo năm 2006




Hệ thống tường thành Hoàng Đế hiện nay do chưa có điều kiện cắt tường thành, để làm rõ cấu trúc; nhưng qua dấu vết đoạn tường thành phía nam cho thấy ruột tường xây bằng đá ong, giữa các lớp đá ong phát hiện thấy kè ngói mũi lá có tráng men. Với vật liệu đá ong trong kiến trúc Champa chỉ xuất hiện sau khi có mặt của người Khmer, cùng với ngói mũi lá của người Chăm được sản xuất tại các trung tâm gốm cổ như Gò Sành, Gò Cây Me, Trường Cửu, cho biết khả năng đoạn tường này được xây dựng từ thời Champa là có cơ sở. Đúng như sử liệu Việt Nam sau này ghi: thành xây bằng gạch. Từ tường thành xây đá ong ban đầu, sau này được Nguyễn Nhạc tận dụng cho bồi đắp đất lên thành tường thành Hoàng Đế ngày nay. Dấu vết những đọan tường thành hiện nay, chủ yếu là diện mạo của thành Hoàng Đế xưa, mà cho đến nay chúng ta chưa có tài liệu và hiểu về tường thành Vijaya.
Hai tượng Voi
Gần đây trong chương trình nghiên cứu  thành Hoàng Đế của Sở Văn hóa và thông tin tỉnh Bình Định, cuộc khai quật khảo cổ học tại nền cung cũ, nền hậu cung đã cho thấy một lớp văn hóa thuộc kinh thành Vijaya cũ. Nằm sâu dưới lòng đất đỏ dày 0,35m là một tầng văn hóa đất màu đen dày từ 0,45m đến 0,6m. Đây chính là tầng văn hóa của Vijaya xưa. Các hiện vật tìm được tại độ sâu này là các mảnh bát, đĩa, ngói, vật liệu trang trí kiến trúc liên quan  của người Chăm sản xuất và có liên quan đến kinh thành Vijaya . Do việc tôn tạo thành Hoàng Đế, lớp đất đỏ tôn nền lấp phía trên để lại tầng văn hóa ở đây khá ổn định
ngãi, vËt liÖu trang trÝ kiÕn tróc liªn quan  cña ng­êi Ch¨m s¶n xuÊt vµ cã liªn quan ®Õn kinh thµnh Vijaya . Do viÖc t«n t¹o thµnh Hoµng §Õ, líp ®Êt ®á t«n nÒn lÊp phÝa trªn ®Ó l¹i tÇng v¨n hãa ë ®©y kh¸ æn ®Þnh
Gạch và gốm trang trí Chămpa trong hố khai quật
Tấ cả những tài liệu hiện còn trên mặt đất và tìm được trong nhiều năm gần đây  trên nhiều chất liệu đá, gốm đều cho thấy chúng có cùng niên đại vào thế kỷ XIII – XV. Như vậy niên đại kinh thành Vijaya ( Đồ Bàn) tồn tại từ thế kỷ XIII – XV là hợp lý. Điều này khác hẳn với các hiện vật phát hiện tại thành Tra có niên đại vào thế kỷ XII. Bổ xung cho nhận định trên là những phát hiện tại gò Tháp Mẫm, gò Thập Tháp là những tác phẩm điêu khắc đá gồm đủ các loại hình đều có niên đại vào thế kỷ XIII – XIV.

Điêu khắc phát hiện tại thành Tra
Nguồn tư liệu vật chất để lại trên vùng đất An Nhơn ngày nay, đất trọng yếu của châu Vijaya xưa, hiện còn hai tòa thành đều có quy mô lớn, liên quan đến hai tòa thành là hệ thống di tích, di vật được tìm thấy . Hệ thống hai nguồn tư liệu này cho biết có hai giai đoạn khác nhau khi người Chăm định đô trên vùng đất này. Mặt bằng cấu trúc thành Tra được xây dựng theo truyền thống kỹ thuật xây thành cổ Champa, các hiện vật có niên đại sớm hơn thành Đồ Bàn. Đây chính là vùng đất Kinh đô Vijaya gai đoạn đầu cuối thế kỷ X- XII. Mặt bằng  thành Đồ Bàn,  do ảnh hưởng của văn hóa  Khmer có thể có mô hình hình vuông đó là  kinh đô Vijaya thế kỷ XIII – XV. Sự chuyển dịch kinh đô này do yếu tố lịch sử chi phối, người Chăm bị sự xâm chiếm của người Khmer mất quyền độc lập tử chủ.Thời gian tồn tại của kinh thành Vijaya trong lịch sử Champa kéo dài gần 500 năm( 1000 – 1471) với hai kinh đô của hai giai đoạn lịch sử khác nhau, thông qua tài liệu vật chất đã nói lên hai giai đoạn phát triển của văn hóa Champa trên đất Bình Định để hình thành nên nền văn hóa Champa phát triển rực rỡ.

Thành Đồ Bàn- kinh thành Vijaya giai đoạn sau, sau hơn 300 năm bị lãng quên, sau này kinh thành Hoàng Đế được xây dựng phủ trùm lên, quy mô lớn hơn, dấu vết kinh thành Vijaya bị mờ dần, ẩn chìm trong lòng đất, mà cho đến hôm nay chúng ta chỉ được thấy những mảnh vỡ từ một kinh thành hoa lệ xưa kia để lại. Để  tìm hiểu rõ hơn về một cố đô cổ  thời Champa thế kỷ XIII – XV của người Chăm, trước hết cần phải hiểu về quy hoạch một kinh đô của người Chăm lấy tháp Cánh Tiên làm trung tâm tòa thành, từ đó mở rộng ra các khu cư trú, hoàng cung, xu hướng này theo truyền thống của người Chăm là gần sông nước, hướng ra biển. Dấu tích các khu di tích gò Thập Tháp, gò Tháp Mẫm  tìm được đã phần nào phản ánh ý thức này. Nhưng muốn hiểu  sâu hơn, toàn diện hơn, cần có nhiều cuộc khai quật khảo cổ học nơi đây để làm rõ. Hiểu về một vùng đất kinh đô, một nền văn hóa, đại diện là một tòa thành kinh đô kéo dài hơn hai thế kỷ của người Chăm trong lịch sử, đó là cả một quá trình, đây chỉ là đôi điều cảm nhận  khoa học, mong muốn được gợi bày, chia xẻ với những người nặng lòng tình yêu với miền đất./.

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Bài thơ vui.
Bài thơ thuộc dạng nào?
Cái ấy

Tài tử giai nhân giai thích chí
Chẳng gì hơn cái ấy nữa mà thôi !
Khách văn nhân tài tử ai ai
Sinh cũng đấy mà vui chơi thời cũng đấy
Dầu lá tre, lá vông thì cũng vậy
Hở hang ra coi thấy, dễ càng đau !
Khách tài tình rày ước mai ao
“Mao” cũng thú, mà “vô mao” càng tuyệt thú !
Nền gấm lơ thơ tơ liễu rủ,
Cửa son thấp thoáng hạt hồng non

Quyền thế gì một thú con con
Dầu trăm khéo, ngàn khôn thời cũng mắc !
Đố ai biết bên nào là chắc
Dầu có chăng, bên “ấy” nữa mà thôi !
Của bà bà vỗ bà chơi !

Khuyết danh?
CHUYỆN GẪU 8:
VĂN HÓA LÀNG QUÊ
Truyền thống văn hóa dân tộc, được xây dựng lâu dài và gom góp trên nền tảng văn hóa của các làng quê. Những tinh hoa được tựu trung lại hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Trên đất nước tồn tại và phát triển của nền kinh tế nông nghiệp có biết bao nhiêu làng quê và mỗi đơn vị cư trú ấy lại có bao nhiêu nét văn hóa riêng để hình thành nên "lệ làng" đến nỗi nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều khi " phép vua thua lệ làng". Văn hóa làng- liên làng- siêu làng trở thành văn hóa dân tộc.Trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ngày nay, xây dựng làng văn hóa là một tiêu chí quan trọng để thực hiện mục tiêu: xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy  làng văn hóa có mặt phải và mặt trái không?
Văn hóa làng xưa có gì.
 Xin thưa một làng được coi là có nền nếp xưa trên đồng bằng Bắc bộ có những tiêu chí cơ bản sau:
1. Cơ sở vật chất:
- Vào làng có cổng làng, nơi vào ra không gian cư trú chung của cộng đồng.  Các thành viên trong làng vào ra khi sống và khi chết đều qua cổng làng. Chính vì thế các làng rất chú trọng xây cổng làng to đẹp như biểu tượng của sự phồn vinh bề thế làng mình.
- Đường làng thường to rộng, được lát vật liệu bền vững: đá tảng, gạch xếp nghiêng vững chắc. Số vật liệu này do quỹ làng đóng góp và  nhiều làng có quy định con gái làng đi lấy chồng, nhà trai phải nộp cho làng một số vật liệu lát đường theo quy định. Ví dụ như bao nhiêu tảng đá khối hay mấy trăm viên gạch để lát đường. Qua năm tháng, số đường làng được lát ngày càng dài ra. Vào làng thấy  đường được lát đá, gạch rộng, sạch, nhiều cũng là một tiêu chí cho sự có văn hóa.
- Đình làng là cơ sở thờ cúng tín ngưỡng của mỗi làng. Đình càng to, cao rộng, nhiều công trình liên quan , điêu khắc trang trí đẹp, càng được tự hào.
- Chùa:  làng nào cũng có chùa"đất vua chùa làng". Chùa càng to, quy mô lớn, tượng thờ nhiều được coi là làng  văn hóa sùng đạo?
- Hệ thống công trình công cộng khá đầy đủ, đặc biệt là hệ thống giếng cung cấp cho dân làng....
- Hệ thống nhà ở của cư dân cộng đồng khá khang trang, đời sống ổn định ....
 Đây là một số tiêu chí cơ bản về cơ sở vật chất của một làng
2. Tinh thần:
- Làng thờ vị bảo trợ tinh thần làm Thần Hoàng thờ ở đình là một người có danh tiếng trong lịch sử; Danh tướng có công đánh giặc giữ nước. Ông tổ nghề làng nên sự thịnh vượng của nghề
- Làng có những dòng họ lớn, danh tiếng: dòng họ đỗ đại khoa, dòng họ sản sinh ra những người có danh trong lịch sử. Dòng họ có người đang làm quan đương thời vv.....
Những tiêu chí trên là câu chuyện tự hào của mỗi làng và là của "khoe tinh thần" mỗi khi nói về làng tôi.
 Nhưng làng xưa cũng có những" tinh thần lạ"ẩn chứa trong ngôi làng truyền thống đó, xin kể một số cái có trong đó:
Trong khối cộng đồng dân cư sinh sống trong làng, tuân theo" lệ". Chi tiết ra có những cái rất phổ biến:
1. Trong làng xưa bao giờ cũng xuất hiện anh " Chí Phèo". Tuy không lắm, song đời nào cũng có. Nghề của anh là  uống rượi, trộm cắp vặt" trộm chó câu gà". Dân làng ai cũng biết, nhưng không ai nói, bởi nói ra là anh chửi. Nhiều lúc uống rượi say anh chửi cả làng. Nhưng dân làng ai cũng nghĩ" chắc nó chừa mình ra" nên không ai chấp. Chính quyền làng, hay có người can thiệp là anh lăn ra ăn vạ, phiền phức thêm. Dân làng có câu " vừa ăn cắp vừa la làng".
2. Làng bao giờ cũng có một hoặc vài cô lẳng lơ " chân dài, tốn giai".  Sau này được khái quát chung gọi là Thị Mầu. Những cô này thường có nhan sắc  được, tính tình phóng khoáng," mắt lá khoai, liếc chồng chồng chết, liếc giai giai mù". Các cô này thường chê chồng, chán chồng, góa chồng hoặc ở vậy chơi bời. Đối tượng chơi bời của các cô từ anh lực điền đến ông chức sắc. Hành vi câu giai của các cô khiến nhiều lúc dân làng toán loạn, bởi những vụ đánh ghen chửi bới ầm làng, mất trật tự. Nhưng các cô vẫn tồn tại bởi có cho làng thêm vui, cánh đàn ông có chỗ vui vẻ. Dân làng ai cũng không thích, ban ngày ai gặp cũng tỏ vẻ lạnh nhạt, nhưng tối đến thì mấy bà có việc giữ chồng. Cổng nhà các cô luôn luôn mở, cánh đàn ông đi qua cứ rầm rập. Nhóm người này sau lại được nghệ thuật hóa lên thành Thị Hến, bởi sức hút của nó không những trong làng mà phổ rộng ra ngoài làng. Tham gia vui vẻ không những có giai làng mà có cả chức sắc làng, xã, nhiều khi cả huyện ,phủ...
3.Trong làng bao giờ cũng có ông " Thày Đồ". Ông là người dạy học cho lũ trẻ trong làng. Thầy Đồ có thể là người làng, có thể là người nơi khác đến được những gia chủ có máu mặt đưa về dạy cho con cháu cái chữ. Được coi là người có học vấn nhất trong làng, các ông thường sống đạo mạo, song cũng không hiếm chuyện thị phi, ví như buồn buồn ông cũng đến thăm Thị Hến.Nhưng ông là người lắm chuyện nhất làng, dân làng hay đến hỏi các ông tư vấn các việc. Ông là tác giả của những bài vè dân gian mà nhiều người làng ưa thích, truyền khẩu, nhưng chức sắc không ưa. Bài vè về đôi voi đắp trước cổng làng được truyền lại là của Cao Bá Quát viết lúc trẻ nhưng có lẽ là của mấy ông đồ:
 Khen ai khéo đắp đôi voi
Có đủ bốn chân đủ cả vòi
 Chỉ có cái kia là không thấy
 Hay là Lý trưởng lấy đi rồi
4. Để đảm bảo đời sống tinh thần, làng nào cũng có ông " thày điạ". Ông là người giải quyết đời sống tinh thần cho dân làng, ví như xem đất cát  đặt mồ mả, động thổ làm nhà, ngày đặt nóc, hay xem ngày lành tháng tốt cho hôn nhân. Ông bấm ngón tay nói như" thánh", dân làng ai cũng tin kể cả chức sắc. Thường ông thày địa này có khi là thày đồ kiêm luôn, nhưng nhiều nơi thày địa vẫn là một lãnh địa riêng có người chuyên nghiệp.
5. Thày thuốc: làng thường có hai người, một ông thì cắt thuốc trị bệnh, một bà thì đỡ đẻ. Ông cắt thuốc trị bệnh thì " thập phần đại giỏi" Bệnh gì ông cũng bắt mạch, cắt thuốc, trúng thì khỏi, trật thì thôi. Thuốc nam đủ các loại lá lẩu biết thế nào. Nhưng do làm lâu năm có kinh nghiệm, thường hay được gia truyền nên ông cũng được bà con tín nhiệm lắm. Bà đỡ thì cứ nhà ai có người sinh đẻ là đón bà đến đỡ, sau khi sinh bà đến tắm rửa cho cháu bé. Nghề này đòi hỏi kiên nhẫn, khéo tay nên cũng có bà được coi là mát tay. Bên cạnh hai thày thuốc dân làng chính, làng còn có nhiều thày thuốc khác chuyên về một khoa có thể gọi là chuyên khoa. Một làng thấy có hai bà lang: một bà gọi là "lang Liếm" bà chuyên trị về bệnh Hậu sản, phụ nữ sau khi sinh. Bà hái thuốc lá về phơi sao tẩm, nhào luyện chế thành thứ thuốc viên tễ. Bà lấy giấy bản gói lại từng viên rồi lấy lưỡi liếm dán lại nên có tên gọi thế.  Một bà gọi là "Lang Nhá" chuyên chữa bệnh mụn nhọt.  Trẻ con, người lớn bị mụn nhọt đến bà xem sau đó bà  đi hái lá thuốc, gọi người bệnh đến bà nhá các loại lá vào với nhau thành miếng dán vào chỗ mụn nhọt. Thế mà bệnh cũng khỏi. Bí quyết của các bà là hái loại lá gì, vào giờ nào, sao ủ ra sao có hiệu quả nhất. Chính vì thế chữa khỏi thì được dân làng khen, chữa không được dân làng gọi là " Lăng Băm"
6. Các vị chức sắc.
Với quan niệm" Sống trong làng hơn sang thiên hạ", tranh giành chức sắc là bệnh phổ biến của mỗi làng. Thường chức sắc trong làng do các dòng họ lớn có vị thế tranh nhau. Người dựa vào của cải, người dựa vào thế gia, các dòng họ tranh giành nhau kịch liệt. Chả thế mới có chuyện của cụ Ngô Tất Tố " cái bát từ mâm ông Lý Cựu bay vèo sang mâm ông Lý Đương, cái bát từ tay ông Lý Đương đập đánh chát vào cột đình bên ông Lý Cựu ngồi" Đương và Cựu là hai ông lý trưởng đương chức và ông đã nghỉ.
Đây là một vài ví dụ về  văn hóa làng xưa đã và từng có. Nay làng văn hóa với bao nhiêu tiêu chí, kế thừa và loại bỏ cái gì ,có gì nên giữ, có gì nên bỏ quả là câu chuyện dài kỳ. Những gì kể trên đều tiềm ẩn trong mỗi làng hiện đại?












Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

CHUYỆN GẪU 7 VÀ THƠ CON CÓC
Huế với điện gác rêu phong, soi bóng nghiêng ven dòng sông Hương thơ mộng. Huế nơi ao ước của bao người muốn một lần đến thăm cố đô cổ kính. Anh bạn tôi cũng thế, một người hoài cổ xa xăm, anh có thể đứng hàng tiếng đồng hồ ngắm mái đao đình cong vút, hay ngẩn ngơ trước pho tượng Phật diệu kỳ. Anh khát khao đến Huế một lần và  đi thật. Sau những ngày chiêm ngưỡng Hoàng cung, thăm những lăng tẩm uy nghi, thơ mộng, anh dành hẳn một ngày thăm sông Hương. Sông Hương mùa ấy nước trong xanh như ngọc, chảy êm đềm dưới những tán cây cổ thụ xanh thẫm. Tối cuối cùng ở lại Huế, anh xuống bờ sông Hương, muốn đi thuyền trải nghiệm sự hư ảo của dòng sông. Anh gọi đò thuê đi. Chủ đò là một  trung niên trông khá đôn hậu.
 - Chú thuê đi về hay thuê ngơi.
- Thuê ngơi thì bao nhiêu? anh hỏi lại.
- Ngơi mình hay ngơi đôi?
- Ngơi mình.
- Chú cho 300 ngàn.
Anh thầm nghĩ ngủ khách sạn cũng 300, mình thử ngủ thuyền một đêm xem sao. Anh xuống thuyền, con thuyền chèo ngược sông Hương về thượng nguồn. Người lái đò bảo: đi ngược lên trên rồi thả xuôi, tới sáng là thuyền tới đập Vĩ Dạ đó chú.
 Đập Vĩ Dạ là con đập ngăn sông Hương, nối nội thành đi sang huyện Phú Vang. Con thuyền lướt nhẹ trên dòng sông yên tĩnh, những dãy núi mờ xa, phủ màn sương nhạt như ngái ngủ. Hơi nước mát từ sông bốc lên cùng sự tĩnh lặng khiến anh băn khoăn  sao tên gọi là sông Hương. Chợt mùi thơm nhẹ nhàng thoảng qua, mùi của loài hoa gì đó, hương phảng phất, diụ êm. Có lẽ tên gọi sông Hương là từ những mùi thơm thiên nhiên ấy. Thuyền chồng chành khó ngủ, con đò cứ đi rồi trôi xuôi lúc nào không biết. Canh bốn, canh năm vừa chợt mắt. Ai hô vi lôn không( Ai hột vịt lộn không). Tiếng cô gái bán rao thoảng dài theo gió, lẩn trong màn sương mờ đục trước bình minh. Thuyền đã ghé  bên đập Vĩ Dạ. Anh cám ơn người chủ thuyền rồi  về.
Kỷ niệm về chuyến đi thăm Huế có nhiều, nhưng sâu đậm nhất với anh là đêm ngủ đò. Nhớ Huế anh làm bài thơ :
Chưa đi thì nhớ Huế thương.
Đi rồi thấy Huế cũng thường thế thôi
Có khác là khác chỗ ngơi
Mình ngơi dưới đất, Huế ngơi trên thuyền.
Anh bảo: ông chủ thuyền ấy gọi ngủ là ngơi.Không biết đó là tiếng Huế hay ở đâu đến Huế./.



THƠ CON CÓC  1
MÚA CHĂM
Em đứng múa
Ngàn năm vẫn thế
Đôi chân trần...
No nắng hoàng hôn
Tháp nghiêng
Em múa nghiêng
Bàn tay nghiêng che mặt
Đôi mắt buồn, thấm đẫm thời gian
Apssara
 điệu múa hoan ca
Tưởng lãng quên
 ngờ đâu quay lại
Líu ríu chân...
 đưa anh về lễ hội Ka Tê./.
                           KaTê 2014
CHUYỆN GẪU 6

THƠ CON CÓC
Chuyện xưa kể lại: 
Ngày xưa ở một vùng nọ, có bốn chàng khóa sinh, tự coi mình là tài giỏi. Sự tài giỏi ấy đến nỗi đi thi năm nào cũng trượt. Thấy mình không có số "bảng vàng bia đá" mấy người đổi nghề làm thày dạy học, từ đó lại càng coi thiên hạ không vào đâu.Họ gặp nhau, tán tụng tâng bốc lẫn nhau, chê bai  người khác, dương dương tự đắc tự coi mình là cự phách văn chương. Một hôm trời mưa, bốn thày rủ nhau đến một quán rượi. Chén chú chén anh, chợt nảy ý làm thơ. Bầu rượi túi thơ mới là người tao nhã.Họ đồng lòng cùng làm chung một bài thơ để thiên hạ biết tài. Ngó quanh quất tìm chủ đề,  nhìn thấy một con cóc ngồi trong hang. Họ đồng lòng làm thơ chủ đề về con cóc. Thày thứ nhất, sau khi  nhấp chén rượi trổ tài xuất khẩu thành thơ: 
Con cóc trong hang.
Thày thứ hai gật gù khen được. Thơ tả chân thế là nhất đấy. Nâng cốc rượi mừng thi tứ. Con cóc bấy giờ từ trong hang nhảy ra. Thày thứ hai bật câu thơ tiếp nối:
Con cóc nhảy ra.
Hay! các thày cùng đồng thanh reo lên. Thơ thày vận ý, vận lời hay tuyệt, đúng chủ đề, đúng thể thơ. các đệ xin bái phục. Chúc mừng thày. Họ lại chạm cốc nhau. Con cóc nhảy ra, ngồi yên một chỗ giương mắt nhìn bốn người. Ngoài trời mưa vẫn rả rích. Thày thứ ba nheo nheo con mắt nhìn con cóc. Con cóc ngồi yên không động đậy, mắt chớp chớp nhìn  thày. Chợt thày vỗ đùi đánh đét, cười kha khá: các thày nghe tôi đọc tiếp đây: 
Con cóc ngồi đấy.
Thày thứ tư không cần phải nghĩ ngợi đọc tiếp luôn:
Con cóc nhảy đi.
Chả là các thày mải cười không để ý, con cóc thấy tiếng cười to quá nhảy vội đi, thày chớp được cơ hội đọc luôn không cần suy nghĩ.
Thế là mỗi người đủ một câu thơ, thành một bài thơ hoàn chỉnh về con cóc. Các thày lại " liên thủ"( chạm cốc) mừng cho câu thơ hay của mình. Một bài thơ mà tả được đủ cả nơi sinh sống, động tác vận động nhảy  ra, nhảy đi, ngồi đấy ... quả là "liên thi" Chỉ những bậc tài năng mẫn cảm mới nhận được. Ngôn ngữ sống động, liên tưởng của những bậc phi phàm. Bốn câu thơ ghép lại thành bài thơ con cóc:
Con cóc trong hang
con cóc nhảy ra
con cóc ngồi đấy
 con cóc nhảy đi
Các thày bảo  nhau bài thơ hay thế không truyền cho thiên hạ biết quả là phí uổng. Họ xin chủ quán một tờ giấy Hồng điều, chép bài thơ con cóc dán lên tường để mọi người cùng thưởng thức. Kiệt tác thơ ấy được lưu truyền cho đến ngày nay. Sau này mỗi khi có bài thơ nào được sáng tác quá "tuyệt tác" người đời thường gọi đó là thơ con cóc.
 Sau này thiên hạ còn truyền lại một bài thơ về bốn anh khóa sinh  lên kinh dự thi vào thăm chùa có bài thơ vịnh về cái chuông chùa. Bài thơ quá hay, các anh tự thấy " tinh anh phát tiết ra ngoài" thường hay chết yểu nên sợ quá nhờ Sư chù trì chùa đi mua hộ bốn cái quan tài, nghĩ rằng khi bài thơ hay được lan truyền đến mọi người biết thì các anh sẽ chết. Nhà sư hỏi vì sao, các thày khóa đọc lại 4 câu thơ vừa làm, nhà sư bèn đi mua về  5 cái quan tài. Các thày khóa hỏi vì sao. Nhà Sư nói, trước khi vào chùa, kẻ tu hành này cùng theo nghiệp văn chương, những sau thấy mình làm thơ dở quá nên bỏ vào chùa  ăn mày  cửa phật và có lời nguyền: Ngày sau nếu tôi gặp người nào làm thơ dở hơn thơ tôi thì tôi sẽ chết. Chắc ngày hôm nay là đến hạn của mình.
Kẻ hậu sinh này  chắc cũng như mấy anh thày khóa,  tập tọng làm thơ, nay  xin mở mục thơ con cóc để đọc cho vui sánh cùng CHUYỆN GẪU.


















Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

CHUYỆN GẪU: 5
TÀU ĐIỆN Ở HÀ NỘI
Trong các phương tiện di chuyển, giao thông ở nước ta có nhiều loại gọi là tàu:
- Bay trên trời gọi là tàu bay
- Chạy dưới sông gọi là tàu thủy.
- Chạy trên đường ray gọi là tàu lửa
- Xe tăng chiến đấu gọi là tàu bò
- Chạy trên đường ray nhưng bằng điện gọi là tàu điện
- Lặn dưới nước gọi là tàu ngầm vv... Lắm loại tàu.
Có người hỏi, người ta hay hoài niệm về một Hà Nội cổ kính  xưa là có tiếng tàu điện chạy với chuông reo leng keng. Tàu điện ở Hà Nội bây giờ không còn nữa. Vậy  Tàu điện xưa thế nào?
Tàu điện là phương tiện giao thông xưa được sử dụng khá phổ biến, bình dân trong khu vực nội thành. Tàu điện do người Pháp xây dựng từ trước. Sau này tiếp quản thủ đô, tàu điện vẫn được sử dụng cho đến những thập kỷ cuối của thế kỷ XX.
Gọi là tàu vì toa chở khách, hàng hóa được đóng như toa tàu lửa nhưng nhỏ hơn, ngắn hơn. Toa đầu máy phía trên có cần móc vào đường dây điện  giăng phía trên để kéo tàu chạy. Tàu có bánh sắt như tầu hỏa, chạy trên đường ray. Đầu toa là buồng điều khiển của người lái tàu. Tàu chạy thường có hai hoặc ba toa: gồm toa đầu kéo và một hoặc 2 toa chở khách không có buồng lái phía sau. Thân toa bên ngoài, phía dưới sơn màu đỏ nhạt, nửa trên thường sơn trắng và có những ô cửa kính để đóng mở, lên xuống theo thân tàu che mưa nắng. Trong lòng toa có hai hàng ghế  gỗ nan đặt dọc  theo chiều dài toa để mọi người đi tàu ngồi. Giữa là lối đi. Hai đầu toa có hai cửa lên xuống, bậc thấp rất thuận lợi. Sau này có một số toa cải tiến đặt ghế ngang nhưng không thuận tiện lắm.
Hà Nội có 3 đường tàu điện chính. Lấy Bờ Hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm nơi có nhà ga ( Nhà ga mà sau này cải tạo thành tòa nhà thương mại bây giờ mà người Hà Nội hay gọi là Hàm cá Mập) làm tiêu chí tính thì có những tuyến sau. 
- Từ Bờ Hồ đi chợ Mơ theo các phố Đinh Tiên Hoàng- Phố Huế- Bạch Mai bây giờ và kết thúc trước cửa chợ Mơ. Nơi đây có đường ray tránh, đổi đầu tàu kéo các toa. 
- Từ Bờ Hồ đi Yên Phụ và Phố Thụy Khê. Tầu đi theo các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, ... đến đầu phố Hàng Đậu( chỗ tháp nước hiện còn) chia làm hai ngả. Một từ Hàng Đậu, theo phố Quán Thánh, Thụy Khuê về đây có xưởng của Nhà xe Điện. Đây là nơi tập kết của các tàu điện về tối đỗ ở đây.Một từ chỗ rẽ này chạy theo Hàng Than lên dốc Yên Phụ chạy đến cuối đường Yên Phụ( đầu đường Nghi Tàm bây giờ.  Đây là bến cuối có đường ray phụ để tàu quay đầu.
- Từ Bờ Hồ đi Cầu Giấy và Hà Đông. Tàu đi từ Bờ Hồ theo các phố Hàng Bông đến Cửa Nam theo đường Nguyễn Thái Học đến góc bắt tường Văn Miếu rẽ chia làm hai nhánh. (Góc tường Văn miếu xưa có cây gạo cổ thụ được người xưa thờ cúng hương khói quanh năm với nhiều truyền thuyết linh thiêng về ngôi miếu xây ở đây. Nay đã dỡ bỏ). Một nhánh đi theo phố  Hàng Bột( Nay đổi tên là Tôn Đức Thắng?) xuống Ô chợ Dừa, theo đường Nguyễn Trãi tới Đầu  cầu Hà Đông bên bờ sông Nhuệ( Trước cửa khách sạn sông Nhuệ hiện nay). Ở đây có đường ray tránh để tàu quay đầu.
Với đường phố hẹp, ray đường tàu được bố trí khá khoa học. Các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào... Quán Thánh....  Phố Huế, Bạch mai đường tàu đặt chính giữa chia hai bên bằng nhau. Hoặc được đặt bên một mép đường như Yên Phụ, Nguyễn Trãi hay lượn cong theo bờ hồ Hoàn Kiếm
Mặc dù không nhiều tuyến nhưng giá trị giao thông của tàu điện khá cao liên thông nhau đi từ đầu đến cuối thành phố  thuận lợi. Ngoài vận chuyển hành khách, tàu còn chở hàng hóa từ các vùng ngoại thành  vào nội thành.  Tuyến Mơ- Bờ hồ chở các gánh rau leo lên tàu vào, tuyến Yên Phụ chở các loại hoa từ Nghi Tàm, Yên Phụ đến. Tuyến Hà Đông, Cầu Giấy chở nông sản, hoa quả . Toa cuối đoàn tàu thường chở hàng hóa, người đi chủ yếu ngồi toa trên. Khi hết hàng, quanh gánh thường được các bà, các chị treo cuối toa cho gọn gàng. Tốc độ của tàu không cao lắm, khoảng 10km đến 15 Km/ h.Do đường đi chung với các phương tiện giao thông khác nên khi gặp chướng ngại vật, hay  sắp đến bến đỗ tàu thường kéo chuông kêu Leng keng báo hiệu. Người lái tàu và người bán vé lúc đầu còn mặc đồng phục, sau do chiến tranh nên ăn mặc cũng thay đổi cho phù hợp. Giá vé các tuyến tàu đầu tiên là 5xu, sau đó lên một hào. Nếu có quang gánh xếp rau, hoa quả thì tính thêm một vé. Do thuận lợi giao thông nên số người đi tàu điện khá đông: học sinh, công nhân, viên chức, nông dân. Nhiều người từ các tỉnh về Hà Nội chơi thường sử dụng phương tiện này đi thăm thú thành phố.
Đi tàu điện có thú vui, tốc độ  không nhanh, bậc tàu thấp dễ lên xuống nên người già đi lại cũng thuận lợi, giá vé bình dân nên người đi tàu đông, an toàn. Học sinh đi học thường lấy nhảy tàu làm trò vui nhưng cũng ít khi xảy ra tai nạn. Nhưng cũng có người mất chân vì nhảy, bánh tàu nghiến phải.
Có hai chuyện đáng nhớ về tàu điện:
- Sau năm 1973 và năm 1975  sau lễ duyệt binh mừng chiến thắng có xe tăng( tàu bò) tham dự, do trọng tải  xe tăng lớn, một số nơi nền đất yếu đường ray tàu điện bị lún nên có khi tàu điện chạy những khúc quanh bị trượt bánh lao ra ngoài. Do tốc độ chậm nên cũng ít có tai nạn. Khi xảy ra sự cố tàu điện trật bánh lao ra ngoài đường ray, người Hà Nội bảo tàu bò húc nghiêng tàu điện.
- Một số đoạn đường Hà Nội hơi dốc, như từ bờ Hồ lên Đồng Xuân hay từ Hàng Đậu lên đê Yên Phụ, chỗ dốc Hàng Than, nếu gặp trời mưa phùn,nhất là vào mùa Xuân,  đường ray trơn, tàu cứ leo lên lại tụt xuống. Nhiều hôm phải đấu hai đầu tàu kéo và đẩy. Khi tàu lên hay tụt xuống người lái tàu lại kéo chuông leng keng báo hiệu để mọi người chú ý. Vì chuyện này, khi  gặp người nói chuyện không đâu vào đâu người ta lại hỏi nhau: Thằng ấy, con ấy có leng keng không. Nghĩa là chuyện ấy như chuông tàu điện Leng keng nhưng không biết đi lên hay đi xuống.
Do sự phát triển của kinh tế, sau này Hà Nội xuất hiện tàu điện bánh hơi, nhưng tàu điện bánh hơi ít để lại trong ký ức người Hà Nội. Rồi tàu điện dần biến mất, đường ray bị dỡ bỏ, toa xe bỏ đi. Tàu điện chỉ còn lại trong hoài niệm của người Hà Nội, thấm vào thơ ca, nhạc họa như một kỷ niệm đã qua. Thuật ngữ ăn nói Leng keng cũng hầu như biến mất./.










Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

CHUYỆN GẪU 4
LẮM ĐIỀU VÀ HAY NÓI
 Sau nhiều năm ra trường, hai anh bạn đã trở thành những nhà nghiên cứu ngôn ngữ lớn. Gặp nhau hỏi thăm chuyện gia đình.
Anh thứ nhất ca thán: Tớ lấy phải cô vợ lắm điều.
- Lắm điều là thế nào. Anh bạn hỏi lại.
- Lắm điều là cô ấy nói suốt ngày, nói mọi lúc, mọi nơi, mọi vấn đề. Lắm là nhiều; điều là các vấn đề. Bất kỳ chuyện gì cô ấy cũng đề cập đến, trong mọi không gian và thời gian của gia đình.
- Nội dung của lắm điều là gì?
- Là ca thán, chỉ bảo, đề nghị mọi lĩnh vực, công việc trong gia đình.
- Mọi việc có tốt không.
- Thì cũng tốt, cuộc sống ổn định, con cái chăm ngoan... Nhưng chỉ phải cái tội lắm điều.
Thế còn ông thế nào?. Người bạn hỏi lại.
- Cô vợ tớ được cái hay nói.
- Thế thì tốt vui cửa vui nhà.
- Vui cái nỗi gì, tai họa chung thân đấy ông ạ. Này nhé cô ấy hay nói ríu rít cả ngày, nói hay lắm...anh ơi em 
muốn, anh ơi em thèm, anh ơi anh giúp em, anh ơi cố lên.... Nói như đài, nhưng cô ấy chẳng làm gì, không động chân, động tay, chỉ đề ra đường lối, mọi việc nhà đổ lên đầu mình, vất vả cả ngày chỉ để nghe cô ấy nói.Tôi sợ nhất trên đời này là những người nói hay. Hay nói và nói hay là một thảm họa.
-Bây giời ai chẳng nói hay, lại hay nói, gọi là độc diễn đấy. Nói hay và hay nói là đỉnh cao trí tuệ của thời nay.
- Thôi con lạy bố, cứ lắm điều đi mà được việc, còn hơn nói hay mà chẳng đâu vào đâu.
Nghe hai ông bạn kể chuyện, tôi chẳng hiểu gì, vốn dốt về ngôn ngữ.Trong cuộc sống lại có: Lắm điều  hay hơn nói hay. Xin kể lại để mọi người cùng biết.
 Như ông bà ta bảo" Nói thật mất lòng". Lắm điều nhưng là sự thật, còn hơn nói hay mà giả tạo?
Nhân chuyện này, xin kể về câu chuyện ngôn ngữ trong tiếng Việt:
Có một anh bạn Nghiên cứu sinh về tiếng Việt. Để thuận lợi trong giao tiếp anh xin trọ trong xóm của những người dân lao động để làm phong phú thêm ngôn ngữ của mình. Hàng ngày tiếp xúc anh học thêm được nhiều từ ngữ lạ không có trong từ điển.
Một hôm anh nghe mấy bà hàng xóm gọi nhau:
Ra chợ mua rau đi. Hôm nay rau rẻ thối.
Lần khác lại nghe thấy họ bảo nhau: Hôm nay ra mà mua cá, cá nhiều rẻ thối ra.
Ngày khác lại bảo nhau: Hoa quả hôm nay bán rẻ thối.
Anh không hiểu từ Thối, bèn tra từ điển, thấy chữ thối là bẩn thỉu(  chuối thối, thịt thối, lòng thối....thối nát vv...). Anh về hỏi lại thối là gì. Mấy bà hàng xóm giải thích rẻ thối là rẻ lắm, rẻ lắm lắm ấy. Anh ghi vào sổ tay: thối = lắm lắm.
Sau kỳ học, hôm bảo vệ Luận văn, anh muốn cảm ơn Hội đồng, những Giáo sư  đáng kính. Để chứng tỏ tiếng Việt của mình khá thuần thục, phong phú anh nói.
Để bảo vệ  xuất sắc Luận văn ngày hôm nay. Một lần nữa tôi xin cảm ơn Hội đồng các Giáo sư Thối Thối. ( Thật ra anh muốn nói tôi xin cảm ơn Hôị đồng các Giáo sư lắm lắm)
Khốn nạn! Khổ thân cho ngôn ngữ Việt.















Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

LỜI BÀI HÁT HAY MÀ TÔI THÍCH
Hà Nội và tôi
Nơi tôi sinh Hà Nội 
Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy 
Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó 
Đêm lặng nghe trong gió 
Tiếng sông Hồng thở than. 

Những ngày tôi lang thang 
Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội 
Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi
Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi 
Tuổi thơ đã đi qua không trở lại 
Cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi. 

Hà Nội ơi! Hà Nội ơi ! 
Cái ngày tôi chia xa Hà Nội 
Giờ ra đi mới thấy lòng tiếc nuối 
Những kỷ niệm một thời nông nổi 
Cứ thôi thúc hoài, khắc khoải nơi trái tim. 

Hà Nội ơi ! Hà Nội ơi! 
Khát vọng trong tôi, tình yêu trong tôi 
Thời gian có bao giờ phôi phai 
Như nước Hồ Gươm xanh vời vợi
Như hương hoa sữa nồng nàn đắm đuối 
Bước chân tôi qua bao nẻo đường
Vẫn mong một ngày trở về quê hương. 

Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó 
Trong giấc mơ tôi vẫn thầm mơ...

                                            Lê Vinh
CHUYỆN GẪU 3

Hôm vừa rồi ngồi uống cafe với mấy ông bạn văn nghệ sĩ. Trong câu chuyện, một anh nhạc sĩ kể:

- Các cậu có biết Nhạc sĩ Thế Song ốm không.

Không. Mọi người trả lời.
Ông ấy ốm thế nào. Một người hỏi lại.
Anh kể tiếp ông ấy ốm  nằm viện mà chưa thấy ai vào thăm, chỉ có mấy anh bạn Nhạc sĩ đến thăm nhau. Ông ấy sáng tác nhiều bài hát hay, trong đó có bài: Nơi đảo xa mà bây giờ sử dụng nhiều, được coi là đốt lửa tinh thần dân tộc đấy.Thế mà chưa thấy cơ quan đoàn thể nào quan tâm.
Mọi người bình luận về sự thiệt thòi của các nhạc sĩ. Những người có đóng góp như vậy nên được xã hội và các đoàn thể lưu tâm, nhất là lúc ốm đau. Dù chỉ là động viên tinh thần.
Nghe  bình luận một anh nói:
- Các ông nói thế nào chứ. Nhà nước cho đi học cả đời, sáng tác được mỗi một bài hay, động một tí lại kể công?
Thật khó hiểu về những nguồn dư luận trái chiều.....
CHUYỆN HÃO
                 Mới đây có Blogger đăng bài thơ Văn tế thập loại Giáo Sư, nghe nói bài này của Thày giáo Nguyễn Hùng Vĩ- Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.Có lẽ bài này viết theo như Văn tế thập loại chúng sinh của cụ Nguyễn Du với câu đầu:
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Tỏa hơi may lạnh buốt xương da....
( Nguyễn Du)
 Thấy vui vui , xin đăng lại vài câu giải trí cuối tuần:
1 
Tiết quý Thu gió mưa vuồn vuột 
Dân quê miềng lạnh buốt xương da
Lập đàn đèn nến hương hoa
Lạy ông tiến sĩ, lạy bà giáo sư. 
2. 
Bể học vấn hư hư thực thực
Lối quan trường bắc bực gai chông
Vênh vênh một lũ Hội đồng
Phiếu bầu thì có, đầu không có gì. 

3.  
Không có gì mà gì cũng có
Sự học hàm ngấp ngó đua tranh
Đua tranh thì có giá thành
Mua danh ba vạn, bán danh ba hào. 
4.
Nào những kẻ mũ cao áo rộng 
Chốn tam đình ngong ngóng vào ra
Thanh binh chính thị nghiệp nhà
Ô hô mồm giải mép loa cũng tài. 
5
Nào những kẻ miệt mài đèn sách
Đạo văn người chắp nhặt nên câu
Sách người làm mọt làm sâu
Ô hô nhai lại kiếp trâu kiếp bò. 
6. 
Nào những kẻ tò vò nuôi nhện
Bụng nhện tròn nó quện luôn ông
Ô hô mông quạnh đồng không
Có hương có khói nhưng không bàn thờ.
7. 
Nào những kẻ lập lờ đục nước
Hội Tâm linh mưu chước sắp bày
Dị nhân đuổi gió hô mây
Quái nhân múa mép, múa tay, múa tiền.
8. 
Nào những kẻ điên điên dại dại
Nay quốc ca mai lại quốc hoa
Ô hô vỏ lựu mào gà
Nước nôi man mác biết là còn không. 
9. 
Nào những kẻ lưu vong thất thổ
Cõi Tây phương mặt rỗ kỳ khu
Học đòi lí lẽ ba xu
Chở về đàn gảy tai tru mà rầu.
10. 
Nào những kẻ Đông Âu tu luyện
Trợ cấp còm tằn tiện từng khâu
Gái xinh chẳng dám nhìn lâu
Áo phông son Thái khấu đầu bán buôn. 
11. 
Nào những kẻ cúi luồn thân phận
Tay bút gươm lòng lận bút lông
Ô hô trời đất thấu không
Đô Long hạ bệ, đốc Đông thượng tòa. 
12. 
Nào những kẻ ghen gà tiếng gáy
Hám vinh danh tháu xoáy công trình
Chưa thôi tranh luận rập rình
Đã lôi nhau đến pháp đình… tội chưa. 
13. 
Cũng có kẻ thân lừa ưa nặng
Cũng có cha lẵng nhẵng oán ân
Cuốc Liên điện thoại Ma Lân
Đánh rơi thằng nọ, xí phần đứa kia…
14. 
Phận bèo bọt thia lia mặt nước
Giang sơn này độc dược tràn lan
Bán buôn sông biển non ngàn
Hồn hề hồn hỡi hồn tan hay còn…


Mời mọi người đọc và bình luận cho vui./.