Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015




KHẢO CỔ HỌC CHAMPA - SAU NĂM 1975
                                                                                     
Văn hóa Champa là nền văn hóa lớn, có mặt theo suốt chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc trên dải đất miền Trung và Cao nguyên đại ngàn. Sự độc đáo, giàu bản sắc tộc người chủ nhân sáng tạo ra, văn hóa Champa được nhiều thế hệ học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Do điều kiện lịch sử, sau năm 1975 khi nước nhà được thống nhất việc nghiên cứu văn hóa Champa được  khởi động lại và tiến hành đồng bộ trên nhiều lĩnh vực với nhiều cơ quan nghiên cứu khác nhau, trong đó có Khảo cổ học.
I. Những cuộc khai quật khảo cổ học trước năm 1975.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi tiếp xúc với các di tích văn hóa Champa, cùng với việc nghiên cứu các dấu tích vật chất còn lại trên mặt đất, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành. Đầu thế kỷ XX các học giả người pháp tiến hành khai quật các di tích Champa như Mỹ Sơn ( 1901 -1902); Đồng Dương ( 1904); Chánh Lộ( 1904); PoNaga ( 1906 - 1909), tiếp theo là các cuộc khai quật ở Mỹ Đức, Trung Quán ( Quảng Bình) năm 1927 -1928; Trà Kiệu ( 1927 -1928) vv.... và cuối cùng là cuộc khai quật Tháp Mẫm ( Bình Định – 1934).
Kết quả khai quật được đăng tải trên các tập san nghiên cứu thời kỳ đó và được sử dụng trong các công trình nghiên cứu về văn hóa Champa sau này. Những cuộc khai quật này cho thấy:
- Tiến hành tổ chức khai quật nghiên cứu khảo cổ học chủ yếu là các học giả nước ngoài đảm nhận
- Các cuộc khai quật  tiến hành trên loại hình kiến trúc và phế tích kiến trúc, tìm kiếm hiện vật, chủ yếu là hiện vật điêu khắc
- Khảo cổ học phục vụ mục đích  là khảo cổ học nghệ thuật
Những  hiện vật thu được qua khai quật bổ xung cho hiện vật sưu tầm góp phần hình thành nên các bộ sưu tập trưng bày tại các bảo tàng: Đà Nẵng, cung đình Huế, Hà Nội, Sài Gòn.
Sau cuộc khai quật tháp Mẫm ( 1934) cùng sự hoàn thiện các sưu tập trưng bày tại  bảo tàng, các cuộc khai quật Khảo cổ học hầu như chấm dứt.
II. Những cuộc khai quật Khảo cổ học sau năm 1975.
1. Điều kiện lịch sử - xã hội:
Sau năm 1975, nước nhà được thống nhất việc phục hồi và xây dựng phát triển nền văn hóa dân tộc sau chiến tranh được đặt ra, trong đó có việc nghiên cứu các nền văn hóa trong lịch sử.
 Cùng với nền văn hóa chung của dân tộc, văn hóa Champa tiếp tục được khởi động nghiên cứu với tinh thần, nội dung mới toàn diện hơn theo quan điểm lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật Lịch sử làm kim chỉ nam.
Kế thừa kinh nghiệm nghiên cứu của ngành khảo cổ học Việt Nam, nghiên cứu Khảo cổ học Champa được thực hiện chủ yếu do các nhà Khảo cổ học Việt Nam  chủ động tiến hành với sự cộng tác của nhiều cơ quan nghiên cứu Khảo cổ học nước ngoài như Anh, Nhật, Hoa kỳ, Pháp, Italya vv...
Khảo cổ học Champa được tiến hành toàn diện hơn với mọi loại hình di tích nhằm góp phần tìm hiểu toàn diện hơn văn hóa Champa trong lịch sử cùng những đóng góp độc đáo của nền văn hóa này vào văn hóa chung của dân tộc.
Với mục tiêu đặt ra, sau năm 1975 các cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, mọi địa hình, loại hình di tích mà người Chăm đã sáng tạo ra trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa của mình.
2. Những cuộc khai quật khảo cổ học
2.1. Khai quật kiến trúc tháp - phế tích.
Sau năm 1975 cùng với việc gìn giữ phát huy giá trị của các kiến trúc tháp Champa hiện còn, thì nhiều cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành với mục đích tìm kiếm tư liệu chân xác phục vụ cho việc trùng tu tôn tạo các tháp. Bên cạnh đó nhiều cuộc khai quật làm xuất lộ dấu tích các kiến trúc nhằm góp phần nghiên cứu về giá trị của loại hình kiến trúc này qua các nguồn tư liệu: mặt bằng kiến trúc, vật liệu, kỹ thuật xây dựng, họa tiết trang trí cùng giá trị tâm linh của tôn giáo. Đặc biệt nhiều cuộc khai quật đã tìm được nhiều tác phẩm điêu khắc đá góp phần hình thành nên các phòng trưng bày chuyên đề giới thiệu về văn hóa Champa như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định vv...
Theo thống kê sau năm 1975 Khảo cổ học đã tiến hành khai quật các di tích kiến trúc tháp và phế tích như sau:
BẢNG THỐNG KÊ CÁC KIẾN TRÚC THÁP CHAMPA
KHAI QUẬT SAU NĂM 1975
Số TT
Tên kiến trúc
Địa điểm
Ghi chú
1
An Xá
 thôn An Xá- Trung Sơn- huyện Do Linh- Quảng Trị

2
Vân Trạch Hòa
Vân Trạch Hòa- Phong Thu- Phong Điền- Thừa Thiên Huế

3
Mỹ Khánh
thôn Mỹ Khánh- Phú Diên, huyện Phú Vang-  ThừaThiên – Huế

4
Phong Lệ
Thôn 3, Phường Hòa Thọ Đông, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng.

5

Cấm Mít
thôn Cẩm Toại Đông- Hòa Phong- Hòa Vang – Đà Nẵng

6
Chiên Đàn
xã Tam An, huyện Phú Ninh- Quảng Nam

7
Khương Mỹ
 xã Tam Xuân I; huyện Núi Thành- Quảng Nam

8
An Phú
thôn An Thiện- Tam An- Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

9
Tháp F
Mỹ Sơn- Duy Xuyên- Quảng Nam

10
Tháp G
Mỹ Sơn- Duy Xuyên- Quảng Nam

11
Tháp D
Mỹ Sơn- Duy Xuyên- Quảng Nam

12
Khánh Vân
thôn Thọ Đông xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh. tỉnh Quảng Ngãi

13
Bình Lâm
thôn Bình Lâm- Phước Hòa, huyện Tuy Phước- Bình Định

14
Cánh Tiên
thôn Bả Canh, xã Nhân Hậu, huyện An Nhơn- Bình Định

15
Bánh Ít
 thôn Đại Lộc- Phước Hiệp, huyện Tuy Phước - Bình Định.

16
Dương Long
thôn vân Tường xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn – Bình Định

17
Tháp Mẫm
thôn Vạn Thuận- Nhơn Thành, thị xã An Nhơn- Bình Định

18
Tháp Núi Bà
Đông Hòa - Phú Yên

19
PoNaGa
thuộc phường Vĩnh Hải- TP Nha Trang – Khánh Hòa

20
Hòa Lai
thôn Ba Tháp- Bắc Phong, huyện Thuận Bắc – NinhThuận.

21
PoDam
Thôn Tuy Tịnh – xã Phú lạc – Tuy Phong – Bình Thuận

22
Yang Prong
xã Ea Rop, huyện EaSup - Đắc Lắc. 

23
Kbeng
Buôn Jú, xã Krông Năng  huyện Krông Pa- Gia Lai

2.2 Khai quật Khảo cổ học những tòa thành cổ.
Trong những di tích văn hóa Champa để lại, thành cổ là loại hình khá phổ biến, có mặt trên mọi vùng đất do người Chăm quản lý trong lịch sử. Đây là những trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa, quân sự quan trọng, hạt nhân trong hệ thống di tích văn hóa Champa, đặc biệt là những tòa thành giữ vai trò kinh đô trong lịch sử( Simhapura, Indrapura, Vijaya vv...). Sau năm 1975 nhận rõ về vai trò của các tòa thành trong việc nghiên cứu toàn diện văn hóa Champa, các tòa thành được khảo sát tiến hành khai quật ( cắt tường thành, di tích trong thành). Kết quả khai quật đã góp nhiều tư liệu quan trọng phục dựng đời sống kinh tế, văn hóa champa qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.
Bảng thống kê các tòa thành được khai quật sau năm 1975
Số TT
Tên thành
Địa điểm
Ghi chú
1
Thành Cao Lao Hạ
Quảng Trạch - Quảng Bình

2
Thành Hóa Châu
Quảng Điền - Thừa Thiên Huế

3
Thành Trà Kiệu
Duy Xuyên - Quảng Nam

4
Thành Hồ
Phú Hòa - Phú Yên

2.3 Khai quật các di chỉ cư trú.
Di chỉ cư trú là loại hình di tích khá phổ biến trên địa bàn cư trú của người Chăm trong lịch sử. Sau năm 1975 nhiều di tích cư trú được tiến hành khai quật nhằm tìm kiếm tư liệu góp phần phục dựng lại đời sống của cư dân Chăm xưa trong lịch sử. Qua các địa tầng cư trú, hiện vật sinh hoạt, kiến trúc đã phần nào phản ánh đời sống kinh tế của người Chăm qua các thời kỳ lịch sử. Những tài liệu thu được góp phần phục dựng bức tranh tổng thể về đời sống vật chất tinh thần của người Chăm, bổ xung cho nguồn sử liệu ghi chép.
Bảng thống kê các di tích cư trú được khai quật sau năm 1975
Số TT
Tên di tích
Địa điểm
 Ghi chú
1
Nam Thổ Sơn
Ngũ hành Sơn - Đà Nẵng

2
Bãi làng
Cù Lao Chàm - Hội An - Quảng Nam

3
Gò Cấm
Mậu Hòa - Duy Xuyên - Quảng Nam

4
Cổ Lũy- Phú Thọ Hòa
Tư Nghĩa - Quảng Ngãi

2.4. Khai quật các lò gốm cổ.
Đồ gốm là một loại hình di vật quan trọng trong việc tiếp cận, nghiên cứu một nền văn hóa . Nghiên cứu đồ gốm là lĩnh vực mới trong văn hóa Champa. sau năm 1975 cùng với việc khảo sát, thu thập di vật đồ gốm Champa trong lịch sử, thì các cuộc khai quật các lò nung gốm cũng được tiến hành. Tư liệu qua các cuộc khai quật lò nung cung cấp cho biết về nghề sản xuất gốm Champa trong lịch sử về kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật nung, chế tác, các loại hình sản phẩm từ đó tìm ra những đặc trưng của gốm Champa trong lịch sử, các mối quan hệ thương mại thông qua sự có mặt của đồ gốm trên nhiều vùng khác nhau. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của Khảo cổ học Việt Nam trong việc nghiên cứu văn hóa Champa.
Bảng thống kê các lò nung gốm được khai quật sau năm 1975
Số TT
Tên di tích
Địa điểm
Ghi chú
1
Núi Chồi
Sơn Tịnh - Quảng Ngãi

2
Gò Cây Mận
Gò Sành - An Nhơn - Bình Định

3
Gò Cây Quảng
Gò Sành - An Nhơn - Bình Định

4
Gò Hời
Tây Sơn - Bình Định

5
Gò Trường Cửu
An Nhơn - Bình Định

III. Những đóng góp của Khảo cổ học vào nghiên cứu văn hóa Champa.
Văn hóa Champa cho đến nay có cả bề dày nghiên cứu hơn một thế kỷ với nhiều thế hệ học giả trong và ngoài nước, tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau trong đó có ngành khảo cổ học. Những kết quả nghiên cứu được công bố đã khẳng định giá trị vô giá của nền văn hóa này đóng góp vào bề dày lịch sử văn hóa chung dân tộc. Kế thừa những thành tựu nghiên cứu dưới góc độ khảo cổ học đi trước, trong những năm sau 1975, khảo cổ học đã tiến hành hàng loạt các cuộc khai quật, thu được khối lượng tài liệu lớn, vô cùng phong phú góp thêm những nhận thức, hiểu biết về văn hóa Champa trong lịch sử.Những di tích, di vật tìm được qua những kết quả khảo cổ học đã góp phần  nhận thức những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc trong lịch sử  trên vùng đất miền Trung Tây Nguyên, góp phần nhận thức về các nền văn hóa theo suốt chiều dài lịch sử
 1. Những kết quả thu được qua khai quật khảo cổ học sau năm 1975 đã cung cấp nguồn tư liệu chân xác góp phần nhận thức, nhận diện mới về  lịch sử văn hóa Champa  trên các vấn đề sau:
1.1. Nguồn gốc văn hóa Champa.
Văn hóa Champa là một nền văn hóa lớn, độc đáo, giữ vị trí quan trọng trong bức tranh tổng thể văn hóa dân tộc trong lịch sử. Sự nổi trội, đặc sắc của nền văn hóa này, đặc biệt là các công trình kiến trúc tôn giáo ( đền tháp) đã hấp dẫn các học giả thực dân ngay buổi đầu xâm lược nước ta. Được quan tâm nghiên cứu từ những thập niên cuối của thế kỷ XIX kéo dài đến giữa thế kỷ XX văn hóa Champa được biết đến khá đa dạng dưới các góc độ:  sử học, dân tộc tộc, bia ký, phong tục, tập quán, tôn giáo và đặc biệt là khảo cổ học. Việc nghiên cứu các di chỉ cư trú, những tòa thành cổ, trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của người Chăm chưa được quan tâm đúng mức.
Sau năm 1975, kế thừa những thành tựu nghiên cứu trước đó, việc nghiên cứu văn hóa Champa được đẩy mạnh trên các lĩnh vực, trong đó có việc tìm về cội nguồn của nền văn hóa này. Cùng với việc nghiên cứu các công trình kiến trúc, các tòa thành cổ, di chỉ cư trú được khảo cổ học quan tâm. Kết quả thu được đã góp những tư liệu quý nhằm tìm về nguồn gốc của nền văn hóa này. Cùng tồn tại trên dải đất miền Trung, trước đây khi nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa, các nhà nghiên cứu đã  manh nha nhận thấy tính kế thừa, liên tục của hai nền văn hóa.
Về nguồn gốc văn hóa Champa  có nhà nghiên cứu khi nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh đã đặt nghi vấn “ Phải chăng người Chăm là hậu duệ của chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh ” .
 Sau này khi so sánh đối chiếu  tài liệu văn hoá Champa với văn hoá Sa  Huỳnh, các nhà nghiên cứu nhận thấy: “ người Chăm cũng là cư dân nói tiếng Nam đảo hay Mãlai – Pôlinêdiên và tiếng Chăm cũng đã pha trộn nhiều yếu tố tiếng Nam á” và chỉ ra những yếu tố tiếp nối phát triển từ văn hoá Sa Huỳnh lên văn hoá Champa
 “ Từ thực tiễn khảo cổ học đã đề cập trên về văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá Champa, chúng ta có thể suy luận một cách lôgíc rằng: văn hoá Champa đã nảy sinh từ văn hoá Sa Huỳnh và người Chăm cổ là con cháu của người Sa Huỳnh xưa”
Từ cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học đầu tiên về thành cổ Trà kiệu năm 1985 do khoa Lịch sử Trường Đại học tổng hợp Hà Nội tiến hành đã cho thấy một lớp cư trú của người dân Champa trong tòa thành cổ này. Lớp cư trú dày từ 0,6m – 1,0m với nhiều di vật đồ gốm kiến trúc, đồ gốm vô cùng phong phú phản ánh nhiều hoạt động kinh tế, sinh hoạt của cư dân Chăm xưa với khung niên đại thế kỷ III – VI.Phân tích địa tầng cùng di vật gốm, những người khai quật đã nhận thấy mối liên hệ giữa đồ gốm Champa với những đồ gồm Sa Huỳnh muộn có sự tương đồng về chất liệu,  nhiệt độ nung hay hình dáng gốm. Phải chăng văn hóa Champa có nguồn gốc từ văn hóa Sa Huỳnh.
 Những cuộc khai quật các di chỉ cứ trú trong các tòa thành cổ: Trà Kiệu, Cổ Lũy, Thành Hồ và di tích Nam Thổ Sơn, đã cung cấp thêm những tư liệu hiện vật để  làm sáng tỏ luận cứ khoa học đã nêu có thể thấy các cuộc khai quật này đều có địa tầng văn hóa từ 0,8m – 1,0m với nhiều lớp văn hóa khác nhau, trong hàng nghìn  mảnh gốm tìm được thuộc nhiều thời đại khác nhau, đồ gốm lớp dưới cùng sát sinh thổ đã tìm thấy khá nhiều mảnh gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh lẫn cùng những mảnh gốm được các nhà nghiên cứu gọi là gốm tiền “Champa”. Tại di tích thành Trà Kiệu nằm tại độ sâu 1,0m sát đất sinh thổ, hay tại thành Hồ nằm ở độ sâu 0,8m các mảnh gốm đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh có mặt chứng tỏ, người Chăm có sử dụng đồ gốm Sa Huỳnh hay chế tác đồ gốm theo phong cách gốm Sa Huỳnh.
Tại di tích thành Hóa Châu, dưới lớp gốm Việt, Chăm là những mảnh gốm Sa Huỳnh đã cho thấy tòa thành này có nguồn gốc từ một tòa thành cổ của người Chăm, và nơi đây cũng đã từng có mặt của cư dân Sa Huỳnh.
 Điều dễ nhận thấy các đồ gốm sớm của người Chăm có cùng chất liệu, màu sắc hay độ nung tương tự gốm Sa Huỳnh. Đồ gốm thu được tại các di tích cư trú như Nam Thổ Sơn, Cổ Lũy, Trà Kiệu, Thành Hồ, thành Hóa Châu cho thấy, lớp gốm dưới cùng sát lớp đất sinh thổ đều có gốm Sa Huỳnh, tiếp đến là gốm Champa. Chỉ thị về địa tầng và đồ gốm cho thấy có sự kế thừa nhau về địa điểm cư trú, đồ dùng sinh hoạt chất liệu gốm. Gốm Champa tiếp nối mang những đặc trưng cơ bản của gốm Sa Huỳnh. Gốm có hai dòng chính về chất liệu đó là gốm thô và gốm mịn. Gốm thô có xương dày pha cát hạt thô hoặc bã thực vật. Gốm mịn xương mỏng mịn, có pha cát hạt mịn.Về chất liệu xương gốm có chất liệu tương tự nhau đó là đất sét đỏ được pha cát và bã thực vật. Màu sắc gốm thường có màu đỏ hay vàng nhạt. Độ nung không cao. Hoa văn trang trí đơn giản. Loại hình được kế thừa về hình dáng: cốc chân cao, nồi vò, bát.Những tư liệu này  là cơ sở góp phần khẳng định văn hóa Champa là sự kế tiếp của văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung hay nói cách khác văn hóa Sa Huỳnh là một bộ phận hình thành nên văn hóa Champa trong lịch sử. Như vậy về lịch sử, tài liệu khảo cổ học đã góp phần tìm về nguồn gốc của văn hóa Champa, nối dài lịch sử của nền văn hóa này, khẳng định tính bản địa, nội sinh của văn hóa Champa .Nguồn gốc của tộc người Chăm là cư dân bản địa có trình độ phát triển kinh tế văn hóa  tổ chức xã hội cao.Đây là tiền đề tầng nền để xây dựng nên nhà nước cổ Champa, nền văn hóa Champa rực rỡ giai đoạn sau.
1.2. Kết quả khai quật di tích Gò Cấm ven dòng sông Bà Rén ( Duy Xuyên – Quảng Nam) trong những năm 2000 – 2001 kết quả cho thấy đây là dấu tích của một ngôi nhà sàn gỗ sụp cháy với toàn bộ ngói lợp.  Ngôi nhà có diện tích rộng khoảng trên 100m2  với cột gỗ , sàn gỗ, mái lợp ngói âm dương. Ngói ở đây có kích thước lớn( dài 0,3m; rộng 0,20m dày 0,02m), tạo dáng uốn cong lòng mo. Ngói được chế tác bằng khuôn với những dấu thanh tre làm cốt, lòng lót vải khá mịn, được nung già, độ cứng cao.  Cùng với ngói là những hiện vật liên quan như dao sắt thời Hán, đồ thuỷ tinh, Phong Nê, đồ gốm vv… Dựa vào khối di vật tìm được cho thấy di tích kiến trúc này có niên đại  vào khoảng thế kỷ I – II. Điều này cho thấy  hai vấn đề: sự có mặt của người Trung Hoa ở phía Nam như tài liệu lịch sử ghi chép về cuộc khởi nghĩa của người Chăm ở quận Nhật Nam chống lại ách đô hộ của người Hán giành độc lập, lập nên nhà nước Lâm Ấp vào cuối thế kỷ II. Hai là người Chăm có mối giao lưu văn hóa sớm với nền văn minh Trung Hoa đã tiếp thu sử dụng những thành tựu của nền văn hóa này vào đời sống cư dân Chăm.  Những hiện vật như ngói âm dương, đầu ngói ống có nguồn gốc văn hóa Trung Hoa là sự minh chứng cho sự tiếp thu giao lưu với các nền văn hóa bên ngoài, trong đó văn hóa Trung Hoa giữ vai trò quan trọng trong buổi đầu người Chăm độc lập. Dù thế nào đi chăng nữa tài liệu góp phần khẳng định  sự giao lưu văn hóa giữa người Chăm và Trung Hoa có mặt sớm trên dải đất miền Trung trong lịch sử. Từ cơ sở văn hóa bản đại người Chăm đã tiếp thu có chọn lọc các yếu tổ văn hóa bên ngoài để xây dựng nên nền văn hóa Champa rực rỡ.
Những tài liệu vật chất tìm được qua khai quật các di chỉ cư trú, thành cổ góp thêm nhận thức về lịch sử giai đoạn đầu của văn hóa Champa. Kết quả các cuộc  khai quật tại thành Trà Kiệu, Cổ Lũy, thành Hồ, Gò Cấm cho thấy đồ gốm gồm bát, đĩa, cốc chân cao, kendi, ngói âm dương, đầu ngói ống, trụ gốm trang trí có hình dáng, kích thước, đề tài trang trí tương tự nhau nhưng vẫn thấy nét riêng biệt của từng vùng. Có thể so sánh về loại hình trên hai nhóm: đồ gốm dân dụng và gốm kiến trúc.
 Gốm dân dụng cho thấy về bát gốm có điểm chung nhất là chân đế thấp, vành miệng loe nhưng chất liệu gốm khác nhau. Gốm vùng phía bắc( Trà Kiệu, gò Cấm,  Cổ Lũy) có màu đỏ nhạt, xương gốm tinh mịn. Gốm  di tích thành Hồ có màu vàng nhạt, xương gốm dày và thô hơn.
Cốc chân cao tìm được ở Trà Kiệu có dáng chân cao, đế vững trãi, thân thon dài, miệng loe, trong khi đó cốc chân cao ở thành Hồ có dáng thấp, chân đế nhỏ, phần thân cốc to tròn.
Vật liệu gốm trang trí kiến trúc đáng chú ý có hai loại hình
Trụ gốm trang trí kiến trúc  là loại hình khá độc đáo, được sử dụng trang trí bờ nóc kiến trúc.  Trụ gốm được chế tác hình khối trụ tròn, đáy bằng hoặc vát.Thân tiện nấc nhiều lớp, chia thành nhiều phần, thót dần lên trên,  kết thúc  đỉnh là khối tròn búp nhọn như búp sen. Lòng trụ gốm rỗng. Kích thước dài 35cm – 45cm; đường kính chân 10 cm – 13cm, xương gốm dày 0,6cm – 1,0cm. Cho đến nay có 3 địa điểm xuất hiện loại hình trang trí kiến trúc này trên các địa phương khác nhau. Dù về hình dáng tương tự nhau nhưng cách thể hiện mỗi vùng khác nhau.Tại thành Trà Kiệu (Quảng nam) số Lượng hiện vật tại đây tìm được khá nhiều, nhiều hiện vật còn nguyên vẹn. Nguồn gốc các hiện vật chủ yếu tìm được qua sưu tầm, do nhân dân địa phương khi canh tác, làm thủy lợi, xây dựng tìm được. Hiện tại lưu giữ tại nhà thờ Trà Kiệu; Bảo tàng huyện Duy Xuyên. Các cuộc khai quật tại thành Trà Kiệu, chỉ tìm được mảnh vỡ của loại hình này.Thân trụ có nhiều vòng trang trí, đầu búp sen thường to mập. Chất liệu gốm thường đỏ nhạt, xương gốm tinh mịn, độ nung cao khá cứng
Trụ gốm tìm được trong quá trình khai quật khảo cổ học tại Cổ Lũy không nhiều. Hiện vật tìm được nằm trong tầng văn hóa với các loại vật liệu xây dựng khác như đầu ngói ống, ngói âm, dương, gạch. Ở Cổ Lũy trụ gốm được thể hiện cân đối đẹp.Trụ gốm tìm được trong quá trình khai quật di tích kiến trúc tại thành Hồ. Hiện vật tìm được nằm trong tầng văn hóa cùng với các loại vật liệu kiến trúc khác như ngói, đầu ngói ống, đồ gốm vv.. Trụ được chế tác thanh thoát, đầu búp sen thon gọn. Gốm có màu vàng nhạtTừ những nguồn tư liệu trên  cho thấy:về chất liệu như tên gọi  loại hình trang trí kiến trúc này nguồn gốc đất nung. Độ nung già, khá cứng. Màu sắc có màu đỏ sậm, đỏ nhạt, vàng nhạt. So sánh chất liệu với vật liệu kiến trúc chúng có sự tương đồng, điều đó cho thấy sản phẩm là gốm địa phương, được sản xuất tại chỗ phục vụ cho xây dựng. Về chức năng loại hình này dùng để trang trí các công trình kiến trúc có mái. Chúng được sử dụng gắn trang trí trên bờ nóc và bờ xiên mái. Cuộc khai quật thành Hồ cho thấy các trụ gốm có đáy cắt vát dùng để gắn trang trí bờ xiên mái. Kỹ thuật gắn trụ gốm trang trí kiến trúc sử dụng chốt gốm lồng vào ruột trụ tạo nên sự ổn định. Loại hình trụ gốm trang trí tìm được có không gian phân bố khá rộng từ Quảng Nam tới Phú Yên. Niên đại tương đồng nhau  khoảng thế kỷ VII – VIII.
 Đáng chú nhất về loại hình đầu ngói ống.  Về hình dáng chung đầu ngói ống hình tròn, kích thước đường kính dao động từ 16cm – 23 cm. Cá biệt có đầu ngói ống kích thước lớn trên 32cm. Bên cạnh những nét chung, trang trí đầu ngói ống thể hiện khá khát biệt của mỗi vùng tồn tại. Đầu ngói ống tìm được tại Trà Kiệu có kích thước trung bình, trang trí có nhiều loại hình mặt hề,  sư tử, khỉ. Đầu ngói ống tìm được tại Cổ Lũy thì motips mặt hề giữ vai trò chủ đạo. Đầu ngói ống tại thành Hồ bên cạnh trang trí hình mặt hề thì trang trí hoa văn cánh sen giữ vai chò chủ đạo. Sự khác nhau về đề tài trang trí phản ánh tính thẩm mỹ của cư dân khu vực. Những so sánh sơ lược trên cho thấy tính khu vực khu biệt riêng của từng vùng nhưng sớm có tính thống nhất  của văn hóa Champa như nhận xét không gian lịch sử Champa buổi đầu như “một không gian chính trị văn hóa quần đảo về mặt địa lý”. Mỗi tiểu vùng văn hóa có nét đặc trưng riêng bên cạnh tính chất chung của văn hóa Champa.Kết quả cho thấy về lịch sử, do điều kiện tự nhiên chi phối, có nhiều nhóm người Chăm thuộc các vùng khác nhau có tính độc lập nhất định, nhưng vẫn có nền tảng văn hóa chung để sau này thống nhất lãnh thổ quản lý của người Chăm. Những kết quả khai quật khảo cổ đã góp thêm tài liệu trong giai đoạn lịch sử đầu, người Chăm có những nhóm người cư trú khác nhau theo khu vực địa lý, những có nguồn gốc chung, chung cơ sở văn hóa tầng nền. Đây là tiền đề thuận lợi sau này thống nhất lãnh thổ quản lý của các triều đại. Đúng như văn bia Champa đã từng xác nhận người Chăm có hai tộc người chính tại văn bia Mỹ Sơn ( Bia Mỹ Sơn XII ; mặt A) cho biết, buổi đầu lịch sử người Chăm có nhiều bộ tộc sinh sống dải rác trên địa bàn  Trung bộ trong đó có hai bộ tộc lớn là bộ tộc Cau(Kramuka Vamsa) ở phía nam và bộ tộc Dừa ( NarikelaVamsa) ở phía bắc.
1.3. Cuộc khai quật trong các năm 1998 – 2000 tại Trà Kiệu kinh đô cổ của Lâm Ấp cho thấy ở đây có nhiều lớp kiến trúc khác nhau, lớp sớm có thể vật liệu là tre gỗ . Do bị cháy nên toàn bộ di tích chứa rất nhiều than củi, hố chôn cột gỗ và cột tre được tìm thấy minh chứng cho lớp kiến trúc này.Lớp dưới tìm được một hệ thống cột trụ  móng của các công trình kiến trúc, lớp kề cận kiến trúc tre gỗ .Cột hình trụ tròn là móng trụ sỏi sông  trộn đất sét đá vôi, trụ đá tự nhiên; tiếp đó là hệ thống trụ gạch ăn sâu trong lòng đất chịu tác dụng lực nén từ các cột của công trình kiến trúc. Lớp trên cùng là hệ thống móng gạch . Những phát hiện trên cho thấy ở Trà Kiệu có 3 lớp kiến trúc tương ứng với 3 thời kỳ khác nhau trong vật liệu xây dựng. Lớp sớm nhất sử dụng vật liệu nhẹ tre gỗ. Lớp tiếp theo sử dụng vật liệu tự nhiên : đá, cuội sông, đất sét và lớp cuối cùng sử dụng chất liệu gạch.Dựa vào khoảng cách các trụ móng chúng tôi cho rằng đây là một kiến trúc có bình đồ hình chữ nhật với khoảng cách gian là 3,2m, lòng rộng 4,2m. Với phần trụ móng chịu lực vững chắc có thể công trình kiến trúc này cao hai tầng với bộ khung là vật liệu gỗ, mái lợp ngói âm dương.Theo nhận xét của Ian Glove, thành viên đoàn khai quật “ địa điểm khai quật Hoàn Châu( di tích Trà Kiệu) sâu hơn 3m với những sàn gạch bị phá nặng nề nằm bên trên, được lót bằng những lớp sạn và cát, và còn bảo quản được một loạt những cột trụ bằng gạch và đá đào được ở những địa điểm sâu ít nhất là một mét và chúng tôi tin đó là những đế trụ chống đỡ một cột trụ gỗ lớn để gánh lấy một mái ngói nặng… vào cuối mùa khai quật năm 2000 đã có đủ dữ kiện để khôi phục một phần chính của một sảnh đường bằng cột với nền gạch không hoàn chỉnh…”.Kết quả bước đầu cho biết có một nền kiến trúc Champa buổi đầu với vật liệu chủ yếu là gỗ, tre, những vật liệu tự nhiên.Bên cạnh dấu vết kiến trúc ở Trà Kiệu còn tìm được nhiều vật liệu kiến trúc khác như đầu ngói ống trang trí mặt hề, sư tử, trụ gốm con tiện trang trí kiến trúc, ngói âm dương vv.. cho biết thời kỳ đầu trong văn hoá Chăm, người Chăm đã sản xuất nhiều loại vật liệu đất nung phục vụ xây dựng các công trình kiến trúc cuả mình trong đó có các kiến trúc tín ngưỡng.Như vậy có thể thấy có một nền kiến trúc bản địa Champa, bên cạnh những công trình kiến trúc tháp tôn giáo hiện còn. Nền kiến trúc  này bên cạnh những yếu tố hội nhập từ Trung Hoa đưa lại như đầu ngói ống mặt hề, người Chăm đã tiếp thu sáng tạo nên sản phẩm mang đậm  văn hóa của tộc người như đầu ngói ống trang trí  mặt Sư tử, biểu tượng của kinh thành Simhapura.Giai đoạn đầu của lịch sử Champa là giai đoạn kế thừa, chọn lọc các yếu tố bên ngoài đưa vào để hình thành nên lịch sử và văn hóa Champa. Cùng với những sắc thái văn hoá bản địa, chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán Hoa,  khi giành được độc lập quốc gia này có điều kiện mới chịu ảnh hưởng của một nền văn hoá mới  - Văn hoá Ấn độ .“Lịch sử của 4 thế kỷ này trên thực tế rất rắc rối và người ta luôn không rõ người Lâm Ấp nguyên thuỷ đã theo đạo Hindu hay chưa và bắt đầu từ khi nào một vương triều theo Hindu giáo…”
1.4. Kiến trúc tháp Champa
Cũng như các tộc người khác, người Chăm đã có một nền kiến trúc được dựng xây và phát triển khá đa dạng trên nhiều loại hình theo suốt chiều dài lịch sử: kiến trúc dân dụng, kiến trúc tôn giáo. Do biến động trong lịch sử, sự can thiệp của tự nhiên cho đến nay hầu hết các kiến trúc chỉ để lại dấu vết, những mảnh
vụn quá khứ để lại như hệ thống móng, vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc. Điều may mắn nhất kiến trúc Champa còn để lại là hệ thống kiến trúc tháp tôn
giáo khá đậm đặc, trên nhiều vùng đất với niên đại kéo dài trong lịch sử.Theo điều tra cơ bản hiện nay trên địa bàn 15 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện có trờn 150 địa điểm có di tích và phế tích đền tháp Champa trong đó có 24 nhóm tháp và tháp còn tồn tại ở mức độ khác nhau với tổng số khoảng trên 60 đền tháp. Kiến trúc Champa được phát hiện qua khai quật hiện còn chỉ là phần còn lại của tổng thể kiến trúc được dựng xây  trong lịch sử. Kết quả khai quật cho thấy nổi bật lên những vấn đề sau:
 Những công trình kiến trúc hiện còn chỉ là phần còn lại của tổng thể các công trình kiến trúc trước kia. Mỗi địa điểm là một nhóm kiến trúc với nhiều chức năng khác nhau. Những kiến trúc hiện còn là những tháp trung tâm( Kalan) đền thờ chính, bên cạnh là các công trình kiến trúc phụ trợ mà qua khai quật chỉ còn lại dấu tích móng.Những nhóm tháp  hiện còn 3 chiếc như Chiên Đàn, Khương Mỹ, Dương Long cho thấy ở đây có cả một hệ thống kiến trúc bao quanh gồm tháp cổng, nhà hành lễ hay các công trình phụ trợ. Những tháp còn 01 chiếc như Mỹ Khánh, Bình Lâm, Cánh Tiên, YangProng, Kbeng vv... đều để lại các công trình kiến trúc liên quan như bệ thờ ngoài trời, nhà hành lễ, vòm cửa dẫn phía trước vv.... bao quanh hệ thống kiến trúc này là hệ thống tường bao tạo nên không gian khép kín, “ không gian thiêng”. Kết quả khai quật các khu tháp Mỹ Sơn G, Mỹ Sơn F, Chiên Đàn
Kể từ khi giành được độc lập, người Chăm đã chọn mô hình tổ chức theo xã hội Ấn Độ được các thương nhân và tu sĩ Ấn qua thương mại đưa lại.Họ đã tiếp thu tinh thần Ấn Độ giáo  phù hợp với tín ngưỡng tộc người đã dần hình thành nên một nền văn hóa Champa mang đậm tinh thần Ấn độ. Mảnh gốm Akendu tìm được tại Trà kiệu niên đại thế kỷ II – III đã nói lên sự có mặt sớm của Ấn Độ trong vùng cư dân Chăm cư trú..Tinh thần tôn giáo văn hóa Ấn Độ được thể hiện rõ nét qua các kiến trúc Champa. Trước hết sự có mặt của các công trình tôn giáo Champa theo tinh thần tôn giáo Ấn Độ được kế thừa từ các đền thờ tín ngưỡng Champa. Các kiến trúc Champa như đền thờ Mỹ Khánh, dấu vết đền thờ tại Mỹ Sơn, đền thờ Mỹ Sơn E1.Các cuộc khai quật tại Mỹ Khánh, Mỹ Sơn cho biết  khi tôn giáo Ấn Độ ảnh hưởng vào vùng đất nơi đây đã có tín ngưỡng cư dân bản địa là các đền thờ các vị thần tự nhiên. Sự hội nhập của tôn giáo  Án Độ đã kế thừa cơ sở tôn giáo tầng nền từ các đền thờ. Từ dạng kiến trúc đền thờ những thế kỷ sau mới chuyển dạng sang các kiến trúc tháp thờ. Sự có mặt của các kiến trúc còn lại như tháp Mỹ Sơn C3, nhóm tháp PoDam đã nói lên tiến trình phát triển đó. Mặc dù vậy sự chuyển dạng kiến trúc này cũng không đều nhau về thời gian qua các vùng. Nếu kiến trúc Hòa Lai ở phía nam đã chuyển sang dạng tháp thờ thì kiến trúc vùng phía bắc vẫn còn dạng đền thờ như đền Mỹ Khánh.Sự bắt nguồn từ các đền thờ chuyển sang tháp thờ cho thấy những kiến trúc Champa hiện có hai nhóm: Nhóm kiến trúc tháp thờ có bình đồ hình vuông chiếm chủ đạo. Nhóm đền thờ có mặt bằng hình chữ nhật như tháp Mỹ Khánh, Kbeng. Bên cạnh đó là hệ thống kiến trúc phụ trợ cũng có mặt bằng hình chữ nhật
Kiến trúc Champa được xây dựng theo mô hình kiến trúc Ấn Độ( Srikhara), kiến trúc bộ mái nhiều tầng, thờ biểu tượng các vị thần Ấn Độ giáo nhưng mang tính bản địa đặc sắc. Kết qua khai quật các kiến trúc tháp cho thấy về mặt bằng kiến trúc có hai loại : mặt bằng hình vuông và mặt bằng hình chữ nhật. Mặt bằng hình chữ nhật gồm các kiến trúc có dạng đền thờ  như các tháp Mỹ Khánh, Hòa Lai. KBeng, An phú. Giai đoạn sau  mặt bằng hình chữ nhật chủ yếu sử dụng xây dựng các công trình phụ trợ như nhà dài( Madapa)  như các dấu vết tìm được tại Chiên Đàn, Dương Long. Mặt bằng kiến trúc hình vuông chiếm vai trò chủ đạo trong các kiến trúc tháp thờ chính  như Chiên Đàn, Mỹ Sơn F1, Mỹ Sơn G. Điều đóng góp mới qua khai quật lộ rõ các mặt bằng kiến trúc như Dương Long là mặt bằng tháp hình vuông, thân hình bát giác khác hẳn nguồn tài liệu công bố trước đây. Tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ,  Bánh Ít cho thấy hệ thống chân đế tháp có trang trí ốp chân đá mà các tài liệu trước kia chưa được biết đến.
Vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gạch, gạch Champa có đặc trưng riêng: kích thước thường lớn trung bình dài 28cm – 34cm, rộng 18 cm – 22cm, dày 5cm – 7cm. Gạch có độ nung khá cao, độ hút ẩm lớn, trong lõi thường có màu xám nhạt.
 Những kiến trúc xây dựng trước thế kỷ X vật liệu chủ yếu là gạch. các tháp có niên đại sớm được khai quật như Mỹ Khánh, Hòa Lai Khương Mỹ hầu như ít có sự tham gia của chất liệu đá. Kỹ thuật xây mài chập truyền thống,  các viên gạch liền khít nhau như không có chất kết dính. Qua tài liệu thu được cho thấy các viên gạch có sử dụng chất kết dính là nhựa thực vật.
. Những tháp xây dựng sau thế kỷ X như Chiên Đàn, Dương Long, Cánh Tiên sự tham gia của chất liệu đá khá phổ biến. Đá được sử dụng tham gia vào những bộ phận kiến trúc quan trọng như cột cửa, mi cửa, bậc cửa, ốp trang trí chân đế tháp. Giai đoạn sau tháp Champa được sử dụng nhiều hơn đặc biệt khi có sự ảnh hưởng của văn hóa Khmer. Hệ thống đá trang trí các tháp Dương Long, Bánh ít, Chiên Đàn đã cho thấy đá sử dụng nhiều. Các kiến trúc khác như Cánh Tiên, Khánh Vân, Bình Lâm đá được sử dụng trang trí trên các bộ phận nóc tháp như đá điểm góc. Đá được sử dụng với kỹ thuật gá lắp mộng khớp liên kết nhau thành khối vững chắc đảm bảo độ ổn định của kiến trúc.
Những kết quả khai quật mới đã làm rõ thêm các giai đoạn kiến trúc trong lịch sử Champa. Có thể phác dựng các chặng đường hình thành nên các giai đoạn nghệ thuật kiến trúc Champa.
 Giai đoạn trước thế kỷ VIII, kiến trúc tôn giáo Champa có nguồn gốc từ các cơ sở tín ngưỡng bản địa, sự gia nhập của tôn giáo Ấn Độ vào tín ngưỡng bản địa  tạo nên các đền thờ( Templ) có mặt bằng kiến trúc hình vuông, đa phần được xây dựng bằng vật liệu nhẹ( gỗ lá), sau này dần được thay thế bằng vật liệu bền vững( gạch). Văn bia Mỹ Sơn cho biết vào cuối thế kỷ VII vua Bhravacrman I mới cho xây dựng các ngôi đền bằng gạch tại thánh địa này. Di tích Mỹ Khánh, Mỹ Sơn F1( giai đoạn sớm), PoDam đã cho thấy mặt bằng kiến trúc tháp chính loại hình này. Kiến trúc dạng đền thờ sau này còn được tiếp tục có mặt tại KBeng.
 Sau thế kỷ IX sự phát triển rầm rộ của các kiến trúc Champa, những công trình kiến trúc chính đều có dạng tháp thờ( Tour) với mặt bằng kiến trúc hình vuông. Được xây dựng bằng vật liệu bền vững, bộ mái tháp vòm cuốn, được trang trí mỹ thuật đẹp với vòm mái nhiều tầng, hệ thống tháp góc phụ trang trí. Trang trí tháp được chú trọng trên từng bộ phận kiến trúc:  đế tháp, trang trí vòm cửa, mi cửa, đá điểm góc, chóp tháp. Sự thay đổi khối kiến trúc, họa tiết trang trí đã làm nên phong cách nghệ thuật các giai đoạn kiến trúc khác nhau theo những thời kỳ lịch sử. Những kết quả khai quật đã làm rõ thêm tư liệu về các giai đoạn kiến trúc, đó là sự đa dạng thể hiện trong các phong cách nghệ thuật.Tài liệu thu được qua khai quật đã khẳng định truyền thống nghệ thuật kiến trúc Champa. Một số kiến trúc trước đây khi nghiên cứu được cho rằng được xây dựng do ảnh hưởng của các kiến trúc bên ngoài đưa lại, kết quả cho thấy, mặt bằng, kỹ thuật, vật liệu xây dựng kiến trúc Champa được phát triển lien tục, những vẫn tuân theo  truyền thống để khẳng định kiến trúc Champa có bản sắc riêng.
1.5.  Điêu khắc Champa
Mỹ thuật trang trí các tháp qua những hiện vật thu được vô cùng phong phú có thể thấy trên hai loại chất liệu khác nhau. Trang trí  chạm khắc trực tiếp lên khối gạch xây như các tháp Mỹ Khánh, Vân Trạch Hòa, Hòa Lai, Chiên Đàn, An Phú thể hiện các hình ảnh thú linh vật( Voi, sư tử), hoa văn xoắn, cánh sen vv…
Đây là đặc trưng riêng của mỹ thuật điêu khắc trên chất liệu gạch Champa. Để thực hiện chủ đề trang trí, gạch được xây khối chập liền khít tạo nền trang trí. Đề tài được thể hiện đa dạng. Những hình ảnh thần linh theo Ấn Độ Giáo, hay những họa tiết hoa văn thực vật được thể hiện trên các kiến trúc đã khẳng định nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Champa và được các nhà nghiên cứu cho rằng“ độc đáo nhất Đông Nam Á”
Điêu khắc trên đá được sử dụng không nhiều, chủ yếu trên một số bộ phận khối kiến trúc: trang trí trên các ốp chân tháp bậc cửa, cột cửa, mi vửa, vòm cửa, đá điểm góc, chop tháp. Những điêu khắc đá tìm được tại: Dương Long, Bánh Ít, Chiên Đàn, đã cho thấy sự phong phú và những chuyển biến về đề tài, phong cách thể hiện trên điêu khắc đá những tác phẩm tìm được ở đây. Đặc biệt hơn tháp Khương Mỹ xuất hiện dải trang trí chất liệu đá xen với chất liệu gạch hoàn chỉnh nói lên sự sáng tạo của người Chăm trong dựng xây kiến trúc.
Nghệ thuật điêu khắc đá Champa được thể hiện theo hai xu hướng chính. Nghệ thuật truyền thống  thể hiện những đề tài theo nội dung tôn giáo văn hóa Ấn Độ. Đó là hình ảnh các vị thần Ấn Độ giáo, những vật linh thú liên quan đến thần thoại. Hình ảnh thần linh đó được thể hiện theo các phong cách khác nhau mang tính thời đại tạo tác để hình thành nên các phong cách nghệ thuật điêu khắc tương ứng với các thời kỳ. Tính truyền thống là yếu tố chủ đạo chi phối theo suốt thời kỳ của văn hóa Champa trong lịch sử. Những tác phẩm điêu khắc đá Champa tìm được qua khai quật và điều tra khảo sát  phản ánh đặc trưng các giai đoạn nghệ thuật điêu khắc đá Champa. Những tác phẩm điêu khắc trước thế kỷ X thường có kích thước nhỏ, họa tiết tỉ mỉ, khối nhỏ gọn đẹp, chi tiết nuột nà. Đây là hằng số ảnh hưởng, chi phối trong nghệ thuật Champa  mà kết quả khai quật tại tháp Chiên Đàn có niên đại thế kỷ XII vẫn được sử dụng. Những thế kỷ tiếp điêu khắc đá Champa  có những  tác phẩm kích thước lớn. Đề tài thể hiện các tác phẩm thống nhất theo nội dung văn hóa, tôn giáo Ấn Độ là hình ảnh các vị thần, các vật linh cùng những họa tiết hoa văn đặc trưng Champa.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, kiến trúc tháp Champa ngoài yếu tố truyền thống về mô hình, khối kiến trúc, họa tiết trang trí thì có mối giao lưu, hội nhập với các yếu tố kiến trúc bên ngoài, những nền văn hóa cùng ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Cuộc khai quật tháp Dương Long, Cánh Tiên cho thấy, tháp Dương Long có mô hình kiến trúc tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Khmer như bình đồ thân bát giác, bộ mái tròn thu nhiều tầng, hay kiến trúc tháp Cánh Tiên hệ thống tháp góc nhiều tầng trang trí trên các tầng mái. Những ảnh hưởng văn hóa này còn thể hiện rõ trên các bộ phận kiến trúc, khối kiến trúc, trang trí kiến trúc hiện còn thuộc phong cách nghệ thuật kiến trúc tháp Bình Định như tháp Đôi.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, điêu khắc đá Champa có sự ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc đá từ các nền văn hóa bên ngoài. Giai đoạn thế kỷ IX – X có sự ảnh hưởng của điêu khắc JaVa trên các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng như bệ thờ Vân Trạch Hòa, hay điêu khắc trang trí chân tháp Khương Mỹ. Đặc biệt là tư thế tượng ngồi kiểu Java khá phổ biến với hai chân chống song song. Những thế kỷ sau vào thế kỷ XIII ảnh hưởng của điêu khắc Khmer khá rõ nét trên các kiến trúc tháp Bánh Ít, Dương Long với các môtip như rắn Naga nhiều đầu hay tượng Garuda đứng ưỡn ngực.Bên cạnh sự tiếp thu hội nhập các yếu tố nghệ thuật bên ngoài điêu khắc Champa còn ảnh hưởng lan tỏa đến các nền văn hóa tộc người xung quanh. Với các tộc người sinh sống ở Tây Nguyên, những tượng chim đất nung thuộc văn hóa Tây Nguyên gia nhập vào kiến trúc Champa như tháp Yang Prong, hay những tượng Champa có mặt tại Tây Nguyên mang dáng dấp  nghệ thuật của các tộc người sinh sống ở đây. Sự lan tỏa này còn thể hiện trong các tác phẩm điêu khắc đá tộc người Việt vào thế kỷ XI như các tác phẩn Garuda, Krisna tại chùa Phật tích, tượng Khỉ tháp Chương Sơn vv....
 Do những biến động của xã hội, phần đất quản lý của người Chăm dần hội nhập vào lãnh thổ dân tộc nhưng nghệ thuật điêu khắc truyền thống của người Chăm vẫn có sức sống riêng, những tượng thờ các vị vua, hoàng Hậu vẫn được khắc tạc theo truyền thống nghệ thuật, tôn giáo Champa. Tượng người trên bệ thờ,  các họa tiết hoa văn trang trí, hoa văn xoắn, núm vú vv... quen thuộc vẫn được sử dụng. Các tượng Kuts vẫn được tạc dựng nối dài nền nghệ thuật điêu khắc Champa kéo dài gần 2 thiên niên kỷ với sự độc đáo riêng, đặc sắc, mang đậm bản sắc tộc người – chủ nhân sáng tạo ra.
1.6 Đồ gốm Champa được biết đến sớm với nhiều loại hình khác nhau được sản xuất phục vụ cho đời sống cư dân. Những kết quả khai quật các lò nung gốm cho biết, đồ gốm Champa được sản xuất theo kỹ thuật lò nung khá muộn vào thế kỷ IX - X( lò gốm núi Chồi) và đặc biệt phát triển vào thế kỷ XIII - XIV. Nếu lò nung gốm giai đoạn sớm sản phẩm tìm được là các tác phẩm Phật giáo, thì những lò nung gốm giai đoạn sau nung nhiều loại sản phẩm khác nhau: Vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm dân dụng. Sự phát triển của nghề sản xuất gốm sau thế kỷ X là sự kế thừa của kỹ thuật nung gốm giai đoạn trước cùng sự hội nhập các yếu tố kỹ thuật bên ngoài đưa lại tạo nên sức sống cho nghề thủ công này. Sản phầm gốm Champa thời kỳ này không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong lãnh thổ mà còn là hàng hóa trao đổi với nhiều nước trong khu vực.
2.Văn hóa Champa là một nền văn hóa lớn, độc đáo giữ vai trò chủ đạo theo suốt chiều dài lịch sử văn hóa miền Trung. Đây là nền văn hóa có nguồn gốc bản địa, được kế thừa, phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh trước đó. Trong quá trình tồn tại và phát triển, sự ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo Ấn Độ giữ vai trò quan trọng hình thành nên bản sắc văn hóa Champa theo suốt chiều dài lịch sử khi vùng đất này sát nhập vào lãnh thổ chung dân tộc. Những di tích cư trú như Trà Kiệu, Nam Thổ Sơn, Cổ Lũy, thành Hồ đã cho thấy sự có mặt của gốm Sa Huỳnh lớp dưới đã minh chứng điều đó. Văn hóa Champa phong phú, đa dạng về nhiều loại hình,  trong đó nổi bật lên là kiến trúc tôn giáo và điêu khắc. Nguồn gốc các kiến trúc bắt nguồn từ các nơi thờ tự tôn giáo bản địa kết hợp với kiến trúc tôn giáo Ấn Độ hình thành nên diện mạo kiến trúc tôn giáo Champa theo suốt chiều dài lịch sử. Kiến trúc Champa có nhiều loại hình như tháp thờ, nhà dài, trong đó kiến trúc tháp thờ giữ vai trò chủ đạo với hai mặt bằng hình chữ nhật và hình vuông. Bình đồ kiến trúc tháp thờ Champa có sự chuyển biến từ bình đồ hình chữ nhật giai đoạn sớm như đền tháp Mỹ Khánh  sang kiến trúc bình đồ hình vuông như các tháp giai đoạn sau được khai quật như Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bánh Ít, Mỹ Sơn F1. Vật liệu kiến trúc Champa chủ yếu là gạch xây với kỹ thuật mài chập là chủ yếu mà điển hình là các tháp Mỹ Khánh Hòa lai, Po Dam. Trong quá trình phát triển do giao lưu với văn hóa bên ngoài vật liệu đá dần tham gia vào kiến trúc giai đoạn sau như các tháp Dương Long, tháp Đôi. Điều đặc biệt nhất qua các cuộc khai quật lần đầu xuất lộ tài liệu trang trí đế tháp từ chất liệu gạch và đá mà trước đây khi nghiên cứu các nhà nghiên cứu trước chưa tiếp cận. Sự phát hiện này góp phần cho việc nhận diện tổng thể các bộ phận  kiến trúc Champa, nhận thức mới về nghệ thuật kiến trúc tháp trên các tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bánh Ít. Về những tác phẩm điêu khắc những hiện vật tìm được cho thấy điêu khắc đá Champa có cả một quá trình phát triển. Nội dung thể hiện chủ đạo là hình ảnh các vị thần liên quan đến văn hóa tôn giáo Ân Độ. Nội dung tôn giáo này chi phối toàn bộ những tác phẩm điêu khắc Champa trong nhiều giai đoạn và được thể hiện với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Nhiều tác phẩm tìm được có thể được coi là điển hình của một giai đoạn nghệ thuật Champa như điêu khắc tại tháp Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bánh ít. Trong quá trình phát triển điêu khắc đá Champa có những yếu tố văn hóa Khmer hội nhập về đề tài và phong cách thể hiện tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật như tháp Dương Long, tháp Đôi, hay các yếu tố văn hóa cư dân bản địa Tây Nguyên cũng gia nhập vào tạo nên sự phong phú đa dạng của các tác phẩm hiện biết như tháp Yang Prong. Đặc biệt giai đoạn cuối của nghệ thuật Champa, bên cạnh yếu tố truyền thống thì các yếu tố tộc người cũng thể hiện rõ qua các tượng thờ các vị vua, Hoàng Hậu cuối cùng của Champa. Tất cả hiện vật biết đến cho thấy  văn hóa Champa có cả quá trình phát triển lâu dài, liên tục, mỗi thời đại bên cạnh những yếu tố truyền thống nền văn hóa này lại tiếp thu những ảnh hưởng bên ngoài tạo nên một chỉnh thể văn hóa Champa thống nhất mà đa dạng trước khi hội nhập vào nền văn hóa chung dân tộc./.