MỘT THOÁNG MỸ SƠN GỬI LẠI MAI SAU
Năm 1999 tổ chức giáo dục Khoa học Văn
hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận khu di tích Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế
giới, một tài sản văn hóa vô giá của nhân loại. Từ một di sản văn hóa dân tộc,
Mỹ Sơn trở thành một di sản văn hóa nhân loại với đúng tầm vóc, giá trị được
dựng xây trong lịch sử.
Nằm gọn trong
một thung lũng hẹp, giới hạn bởi các vòng núi cao khép kín trên vùng đất bán
sơn địa của vùng đất xứ Quảng, khu di
tích Mỹ Sơn thuộc địa bàn thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên với biểu
tượng núi Mahaparvatta (Hòn Đền) huyền thoại quanh năm mây uốn lượn lờ ven dòng
sông Thu Bồn cuộn chảy.
Núi Hòn Đền (Mỹ Sơn)
Theo tài liệu
bia ký ở Mỹ Sơn cho biết vào cuối thế kỷ IV đầu thế kỷ V, vương triều vua
Bhađra varman I sau khi thống nhất phần lãnh thổ do người Chăm quản lý, ông đã
hiến dâng vùng đất này cho thần linh và
dựng xây nơi đây trở thành một trung tâm tôn giáo của vương quốc mình. Từ yếu
tố bản địa, hội nhập có chọn lọc văn hóa tôn giáo Ấn Độ, đây trở thành nơi thờ
thần Bhađrêxvarax - một dạng của thần Shiva- vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo
làm người bảo trợ cho vương triều và quốc gia với lòng mong muốn sự cường
thịnh, vững bền cùng khát vọng giàu có.
Lời kêu gọi của
ông " xin đừng phá hoại những đồ cúng của tôi" cho các thần, được các
vị vua kế nghiệp nhiều triều đại hưởng ứng. Nơi đây đã trở thành vùng đất
thiêng, không gian thiêng, biểu tượng thiêng, nơi gửi gắm tâm linh huyền bí của
dân tộc Chăm theo suốt chiều dài lịch sử và trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử, tôn giáo xuyên xuốt trong
đời sống tinh thần của người Chăm theo dặm dài năm tháng.
Từ đó, mỗi vương
triều kế nghiệp, mỗi vị vua đăng quang, hay mỗi khi quyết định những điều trọng
đại của đất nước, người Chăm đều đến đây làm lễ cầu xin thần linh phù hộ. Để tỏ
lòng biết ơn hay đánh dấu sự kế nghiệp, đăng quang của vương triều, họ đã xây
dựng những đền đài thờ cúng cùng dâng lên những lễ vật linh thiêng trước thần.
Hơn một ngàn năm
tồn tại, kể từ thế kỷ thứ V từ những đền đài được dựng cất bằng vật biệu kém
bền vững tre gỗ, đến thế kỷ VII sau một vụ hỏa hoạn những kiến trúc ở đây được
thay thế dựng xây bằng gạch một chất liệu bền vững với lòng mong muốn làm nơi
trú ngụ vĩnh hằng dâng hiến tới thần linh. Mỗi triều đại, mỗi vị vua các công
trình kiến trúc đua nhau mọc lên theo chiều dài lịch sử cho đến cuối thế kỷ
XIII, vương triều Paramesvaravarman (1220 -1265), để lại các công trình kiến
trúc cuối cùng được xây dựng tại đây. Mỹ Sơn trở thành khu di tích duy nhất
trong văn hóa Champa có quá trình dựng xây, phát triển liên tục trong gần một
ngàn năm lịch sử. Những công trình xây gạch bền vững được các triều đại xây dựng theo năm tháng đã tạo nên một "
rừng" đền tháp hòa cùng rừng núi đại ngàn thâm u tạo nên một thung lũng
thần linh.
Kiến trúc ở Mỹ Sơn.
Cuối thế kỷ XIX
khi tái phát hiện và tổ chức nghiên cứu, tại Mỹ Sơn còn tồn tại 68 công trình
kiến trúc còn khá nguyên trạng, được xây dựng thành 8 cụm kiến trúc nằm tập
trung chính giữa vùng lòng chảo Mỹ Sơn. Các nhà nghiên cứu đã đánh ký hiệu các
nhóm tháp theo thứ tự A, A', B, C, D, E, F, G, H, K để tiện theo dõi khi tiếp
cận. Dựa vào dấu vết để lại, các nhà nghiên cứu cho rằng con số 68 kiến trúc
hiện còn, còn xa mới có thể đại diện cho toàn thể các công trình đã từng hiện
diện ở đó. Mặc cho những thăng trầm của lịch sử, biến động của thời gian, trong
những công trình còn lại có những kiến trúc được coi là kiệt tác của nghệ thuật
điêu khắc, kiến trúc gạch ở vùng Đông Nam Á như tháp A1. Trong hàng trăm tác
phẩm điêu khắc đá hiện còn, có những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật
hoàn mỹ, đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc đá Champa như bệ thờ Mỹ Sơn E1. Kiến
trúc và điêu khắc ở Mỹ Sơn nơi được coi là tựu trung tài năng, tinh hoa nghệ
thuật, nơi thăng hoa tinh thần của cả tộc người được thể hiện qua các công
trình kiến trúc hoàng tráng, những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tuyệt mỹ, đỉnh
cao của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa.
Điêu khắc trang trí mi cửa Mỹ Sơn E1
Trải qua hai
cuộc chiến tranh của thế kỷ XX, bị chiến tranh tàn phá, lãng quên chìm dưới mưa
nắng thiên nhiên nhiệt đới hủy hoại, nhiều di tích không còn lại hiện trạng ban
đầu. Trong 8 nhóm kiến trúc, một số nhóm tháp bị bom phá hủy chỉ còn lại là phế
tích, đa phần bị hư hại nhiều, chỉ còn lại nhóm tháp B, C, D còn tương đối
nguyên vẹn. Nhiều tác phẩm điêu khắc bị hủy hoại vương vãi khắp nơi hay thất lạc. Mặc dù vậy,
những công trình kiến trúc, những tác phẩm điêu khắc đá còn lại vẫn sừng sững
tỏa bóng hùng vĩ, những tác phẩm điêu
khắc vẫn thâm trầm toát lên vẻ đẹp kiêu sa, lắng đọng sự tinh tế tài hoa, những
tinh hoa được chắt lọc từ ngàn năm để lại làm say đắm lòng người.
Sau nhiều
năm bảo tồn, tôn tạo, đến Mỹ Sơn ngày
nay, đắm mình trong không gian tĩnh lặng huyền bí, du khách sẽ ngỡ ngàng trước
quần thể kiến trúc đồ sộ với những tháp cao thấp nhấp nhô ẩn chứa biết bao điều
bí ẩn mà người xưa gửi lại cho hậu thế. Được tạo nên chủ yếu bằng chất liệu
gạch, với chức năng làm nơi thờ phụng thần linh, mỗi tháp ở Mỹ Sơn được xây
dựng với chức năng riêng, mang biểu tượng
riêng theo nội dung tư tưởng Ấn Độ giáo, một tôn giáo từ nền văn minh Ấn Độ xa
xôi đưa lại được người Chăm tiếp thu trong lịch sử.
Trong mỗi nhóm
kiến trúc, trung tâm là tháp thờ chính (Kalan), nơi thờ phụng thần chủ Shiva
thường có quy mô lớn nhất, cao nhất, được trang trí hoàn hảo nhất với đường nét
điêu khắc trên gạch tinh mỹ. Tháp có bình đồ vuông cao từ trên 10m đến 20m, có
tháp cao đến 24m, được xây bằng gạch, với những viên gạch xây liền khít gắn kết
vững trãi đỏ rực như một khối gạch khổng lồ. Vòm cửa chính đi vào lòng tháp mở
về hướng đông vươn dài khỏi thân tháp, hướng về hướng mặt trời, nhận những tia
nắng tinh khiết ban mai, nguồn năng lượng được coi là nguồn gốc của sự sinh sôi
này nở. Khối kiến trúc tháp là hình ảnh mô phỏng núi Mêru nơi trú ngụ của thần
linh thể hiện qua bộ mái tháp nhiều tầng thu nhỏ dần lên trên, đỉnh cao nhất là
biểu tượng của thần Shiva- vị thần cai quản bao quát cả thế giới. Mỗi tàng với
hệ thống tháp góc vươn lên thể hiện là những nơi ngự trị của các vị thần linh khác
nhau.
Tháp Mỹ Sơn B3
Thân tháp ba mặt
là hệ thống cửa giả nhô ra, cùng với hệ cột thẳng đứng thanh thoát vươn lên.
Trong vòm cửa giả với vòm cuốn nhiều lớp, trang trí hoa văn xoắn đối xứng vươn
lên theo thân tháp tạo nên hiệu ứng chiều sâu khiến cho thân tháp thanh thoát
nhẹ nhàng. Chính giữa vòm cửa khắc tạc hình ảnh tu sĩ gương mặt thành kính chắp
tay cung kính tạo hình ảnh tôn nghiêm cho ngôi nhà của thần. Đế tháp hình khối
hộp bề thế vững trãi tạo nên khối với những ô trụ trong đó trang trí những vật
linh liên quan đến những vị thần được thờ như: Voi, Sư tử, Nan din, Garuda...
hay những môtip hoa lá xoắn uốn lượn được khắc tạc trực tiếp lên gạch với đường
nét khối gọn, uyển chuyển tinh tế, giàu tính hiện thực. các đề tài trang trí
lấy tính đăng đối làm chủ đạo, tạo nên vẻ đẹp khỏe khoắn.....(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét