Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

thanh hoa chau

 Lê Đình Phụng
Tạp chí Khoa học và công nghệ, Số1/1998, Trang 62-67
Nhiều năm gần đây, việc nghiên cứu hệ thống thành cổ trên dải đất miền Trung được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, trong đó có các thành cổ nằm trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Đặc biệt thành Hoá châu - một toà thành cổ được nhiều người biết đến, quan tâm nghiên cứu bởi vị thế của nó là toà thành đầu tiên của người Việt xây dựng trong lịch sử mở nước xuống phương Nam.
Dựa vào nguồn thư tịch sử liệu, kết quả khảo sát khai quật trong những năm gần đây, bước đầu chúng tôi muốn góp đôi chút hiểu biết về toà thành quan trọng này.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Sau cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân nhà Trần với vua Chăm Chế Mân (1306), Chế Mân cắt hai châu Ô, Lý phía bắc Champa, tiếp giáp Đại Việt, làm đồ sính lễ. “Mùa xuân, tháng Giêng đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó… chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về…”
Sau nhiều lần binh lửa Việt - Chăm, để giữ vững chủ quyền miền đất mới, năm 1362, “tháng 3 Chiêm Thành cướp Hoá châu. Mùa hạ, tháng 4 sai Đỗ Tử Bình duyệt bổ quân ở Lâm Bình - Thuận Hoá và đắp thành Hoá châu”. Thành Hoá châu sau nhiều lần tu bổ trở thành một toà thành kiên cố phên dậu ở phương Nam và trở thành hậu cứ của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Năm 1413, “Vua (Trần Quý Khoáng) ngự đến Hoá châu… Tháng 6, Trương Phụ và Mộc Thạnh nhà Minh họp các tướng bàn kế đánh chiếm, Thạnh nói: “Hoá châu núi cao biển rộng, chưa dễ lấy được”, Phụ nói: “Tôi sống được cũng là vì Hoá châu, có làm ma cũng là vì Hoá châu…” Bèn đem quân thuỷ đi mất 21 ngày, đánh vào thành châu Thuận Hóa.
Có lẽ, sau cuộc chiến tàn khốc ấy, thành Hoá châu dần mất vai trò vị trí quân sự. Năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn “… đánh các thành Tân Bình, Thuận Hoá và chiêu dụ nhân dân… Thế là Thuận Hoá, Tân Bình đều thuộc về ta”.
Sau khi giành được độc lập, vị trí quân sự của thành Hoá châu có thể lùi xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ cho vị trí hành chính, kinh tế. Chính vì thế, thời gian sau, thành Hoá châu ít được các sử gia ghi chép. Năm 1427, khi dẫn binh đi bình Chăm mở nước, vua Lê sai “phát thóc kho Thuận Hoá làm gạo” phục vụ cho cuộc Nam chinh. Sau sự kiện ấy, biên giới Đại Việt mở rộng xuống phương Nam, thành Hoá châu mất vai trò vị trí tiền tiêu, dần bị quên lãng.
Giữa thế kỷ XVI, khi biên soạn Ô châu cận lục, Dương Văn An đã viết về thành Hoá Châu: “Thành ở địa phận huyện Đan Điền, phía tây có sông Đan Điền chảy qua. Sông ấy lại có một nhánh nhỏ chảy vào trong thành. Bên phải sông là nơi đặt nha môn học đô thừa của phủ Triệu Phong. Sông Kim Trà chảy ở phía nam thành. Phá phía bắc, đầm phía nam, ước muôn ngàn khoảnh, bao bọc bốn mặt đều là sông nước chạy quanh. Thành cao trăm trĩ, sừng sững như đám mây dài…”
Dương Văn An còn ghi rõ: “Năm thứ năm niên hiện Đại Trị (1362) đời vua Trần Dụ Tông, Đỗ Tử Bình khi được bổ cầm quân Lâm Bình, Thuận Hoá mới xây dựng nên thành này”.
Năm 1776, khi viết Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn nhận thấy: “Xem sách Ô châu cận lục do Đô cấp trung sự đời Nguỵ Mạc là Dương Văn An soạn thì núi sông cửa biển xứ Thuận Hoá chép trong ấy nay vẫn y nguyên, mà những thành trì, trạm dò, chùa tháp thì so với trước đã khác…”. Về thành Hoá châu ông viết: “Thành Hoá châu ở xã Đan Điền, huyện Đan Điền, sông lớn ở phía tây, có một sông nhỏ chạy qua giữa thành, bên hữu sông là nhà và các nha môn đô ty, thừa ty phủ Triệu Phong, sông Kim Trà chảy ở phía nam, bốn mặt thành do các sông bao quanh, trông vào trong thành thì cao chót vót trăm trĩ…”
Những sử gia sau này thường dựa vào sử cũ ghi chép lại, nhưng có đôi chỗ bất cập. Ví dụ, Đại Nam nhất thống chí chép: “Năm Đại Trị thứ năm đời Dụ Tông nhà Trần, sai Đỗ Tử Bình phân bổ quân sĩ Tân Bình, Thuận Hoá và sửa sang thành này”. Và chua thêm: “Nay không biết ở chỗ nào”.
Sơ lược những dòng sử liệu cho thấy, thành Hoá châu từ xưa đã được nhiều sử gia chú ý, sự quan tâm ấy cho đến nay vẫn là điều trăn trở khi nghiên cứu lịch sử vùng đất phương Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Năm 1997, khi nghiên cứu các toà thành cổ hiện còn trên địa bàn Thừa Thiên Huế, thành Hoá châu được các cán bộ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiến hành đo vẽ, khoả sát, khai quật, nhằm kiếm tìm tài liệu góp phần phục dựng lại gương mặt lịch sử của thành Hoá châu thông qua tư liệu khảo cổ học.
 Theo tài liệu khoả sát cho thấy: Thành Hoá châu được xây dựng trên một dải đất cao thoáng toạ lạc trên địa bàn xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, cách thành phố Huế khoảng 9km về phía tây bắc. Thành được xây dựng khá quy chỉnh, kết hợp hài hoà với yếu tố tự nhiên tạo nên toà thành kiên cố trấn giữ vùng đất trọng yếu Hoá châu. Thành có cấu trúc hình chữ nhật tương đối hoàn chỉnh, nằm theo trục bắc nam, tường thành đắp đất dày cao đầm lèn vững chắc, xung quanh thành là hệ thống đầm phá, sông bao bọc làm nên hệ thống hào tự nhiên hiểm trở. Giữa thành có nhánh sông nhỏ chảy qua, làm nên hệ thống giao thông thuỷ thuận tiện giữa trong và ngoài thành. Thành có quy mô lớn, kích thước đo được:
- Tường thành ngang hướng đông bắc: dài 570m, tường đắp đất trộn gạch đầm lèn chặt, cao 1,7-2m so với mặt ruộng bên ngoài, mặt tường thành rộng 40,6-51,6m, hẹp nhất 36m; trên mặt thành hiện còn nhiều gò mộ. Sát chân thành là hệ thống rộng trên 20m, nối với sông Thành Trung cắt đôi tường thành gần chính giữa làm nên cửa nước ra vào thành. Ngoài xa là hệ thống gò đất cao, có khả năng là những vị trí tiền tiêu ngoài thành.
- Tường thành dọc hướng đông nam: dài 1890m, cao 1,5-1,8m so với mặt ruộng; mặt tường thành rộng 50m, hẹp nhất 9-10m, trên đặt nhiều gò mộ. Ngoài thành là hệ thống bàu trũng, xa hơn là sông Thanh Phước. Từ sông Thanh Phước, 6 cửa nước cắt ngang tường thành thông với sông Thành Trung làm nên hệ thống giao thông thuận lợi trong và ngoài thành. Hệ thống tường thành được đắp uốn lượn vòng cung theo dòng chảy tự nhiên của sông Thanh Phước. Ngoài ra là ruộng trũng, mùa mưa mênh mông sóng nước. Sáu cửa dẫn nước vào trong thành còn để lại dấu vết kè gỗ cho tường thành thêm vững chắc.
 - Tường thành ngang hướng tây nam (Tây Thành và An Thành): dài 580m, uốn cong vòng cung. Sông Thành Trung chảy chia đôi cắt ngang tường thành, tạo nên hệ thống giao thông thuỷ dọc theo thành. Tường cao 1,5-1,8m, nay là nơi cư trú.
- Tường thành dọc hướng tây bắc: dài 1920m: tường thành cao 2-2,5m so với mặt ruộng; mặt tường thành rộng 24-51m, trên có mộ táng. Ngoài tường thành là ruộng trũng ngập nước mênh mông. Tường thành mở hai cửa nước thông ra bên ngoài.
Trong lòng thành được chia đôi bởi dải tường thành cụt, phía tây bờ thành cụt là dải đất cao mang tên Kho Hạ, Kho Thượng, Kho Trung.
Nhìn tổng thể, thành Hoá châu có quy mô lớn, cấu trúc thành hoàn chỉnh, với tường cao, hào sâu, địa thế hiểm trở, đáp ứng được nhu cầu quân sự trong phòng thủ cũng như tấn công. Thế liên hoàn thuỷ bộ, đặc biệt là đường thuỷ thông ra biển đã gắn kết chặt chẽ giữa toà thành với hậu phương, bảo đảm tốt là vị trí tiền tiêu, phên dậu phía Nam của vùng biên viễn Đại Việt.
Sử ký còn ghi lại, năm 1470 “tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp thành châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành rồi chạy thư cáo cấp”.
Sau sự kiện ấy, nhà Lê chinh phạt phương Nam, thành Hoá châu trở thành hậu cứ trong cuộc Nam chinh (1471).
Qua khảo sát cấu trúc, dấu vết toà thành còn lại cho thấy, mặc dù trải qua nhiều cuộc binh lửa, sự tàn phá của tự nhiên, nhưng dấu vết của toà thành còn khá rõ. Cấu trúc, quy mô của toà thành phù hợp với sử liệu đã ghi. Có thể khẳng định đây chính là dấu vết của thành Hoá châu xưa, điều mà Đại Nam nhất thống chí ghi “Nay không biết ở chỗ nào”.
* Cùng với khảo sát cấu trúc, quy mô toà thành, năm 1997, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn tiến hành khai quật 200m2 trong lòng thành nhằm làm sáng tỏ niên đại, chức năng của toà thành.
Các hố khai quật nằm trên địa danh mang tên Kho Thượng, Kho Trung. Tầng văn hoá trong các hố khai quật dày không đều, nơi dày nhất 1,2m, nơi mỏng 0,6m. Trong tầng văn hoá có nhiều lớp ẩn chứa những hiện vật mang đặc trưng riêng của từng thời đại. Lớp trên cùng dày 0,1m là lớp đất canh tác, hiện vật bị xáo trộn, Lớp dưới từ 0,1-0,6m, tầng văn hoá ổn định, hiện vật mang đặc trưng thời Lê (niên đại thế kỷ XV-XVII). Từ độ sâu 0,6-0,8m, hiện vật mang đặc trưng thời Trần (niên đại thế kỷ XIII-XV). Riêng tầng văn hoá nằm ở độ sâu 0,8-1,2m số lượng hiện vật ít, hầu như vỡ nát, thông qua đồ gốm sứ có thể đặt chung nhóm hiện vật này có niên đại trước thế kỷ XIII.
Cuộc khai quật đã đưa khỏi lòng đất hàng nghìn hiện vật, gồm nhiều loại hình, chế tác từ nhiều chất liệu: đá, đất nung, đồ gốm sứ, các loại vật liệu xây dựng gạch ngói với nhiều kích cỡ khác nhau.
- Nhóm hiện vật thời Trần, gồm các di vật đặc trưng:
Đồ đất nung gồm: hiện vật hình lá đề trang trí lửa thiêng, dùng để trang trí các công trình kiến trúc. Tượng vịt đất nung, ngói mũi hài kích thước lớn dùng trong bộ mái kiến trúc. Những loại hình hiện vật này thường gặp trong các công trình kiến trúc thời Trần ở Tam Đường (Thái Bình), Tây Đô (Thanh Hoá), chùa Pháp Điện, chùa Dâu (Bắc Ninh).
Đồ gốm sứ với các loại hình: bát, đĩa, bình, vò… Đặc biệt là gốm hoa nâu điển hình thời Trần. Bên cạnh đó là các loại hình đồ gốm Trung Quốc có niên đại thế kỷ XIII-XV.
- Nhóm hiện vật thời Lê, chiếm đa số trong tổng số hiện vật thu được, bao gồm các loại:
 Đồ đất nung: có nhiều loại gạch với các kích cỡ khác nhau, có loại kích thước lớn (40-22-8cm) thường được gọi là gạch hòm sớ. Ngóin chủ yếu là ngói vảy cá, kích thước nhỏ, mỏng, độ nung già, ken dày từng lớp xếp đè lên nhau, dấu tích của công trình kiến trúc bị sụp đổ.
Đồ gốm sứ khá nhiều, đa dạng về loại hình: bát, đĩa, bình, bình vôi, lọ… Đặc biệt gốm sứ men trắng hoa lam, đáy bôi son màu sôcôla tìm được khá nhiều. Lẫn trong lớp hiện vật này còn tìm thấy hai bó giáo sắt, loại hình vũ khí quen thuộc thời Lê.
Một loại hiện vật thường gặp trong tầng văn hóa là ngói mũi lá, loại vật liệu phổ biến lợp mái trong các công trình kiến trúc Champa. Ngói có kích thước lớn, bản chữ nhật, mũi nhọn dài, độ nung khá cao. Riêng lớp cuối (độ sâu 0,8-1,2m) xuất hiện đồ gốm mang nhiều yếu tố ảnh hưởng của đồ gốm trong văn hoá Sa Huỳnh. Có thể đây là đồ gốm thuộc giai đoạn văn hoá Champa.
Điều đáng quan tâm là trong lòng thành Hoá châu còn tìm thấy một số hiện vật điêu khắc đá Champa. Tượng Visnu hiện lưu giữ tại chùa Thành Trung, tượng tu sĩ khắc tạc trên chân tảng tìm được ven bờ thành cụt… Những hiệt vật này có niên đại thế kỷ X-XI.
Với nguồn tài liệu thu được qua khai quật, dù trên một diện tích hạn hẹp, nhưng chúng đã phản ánh được phần nào tiến trình lịch sử thành Hoá châu nói riêng, châu Hoá nói chung.
1. Vấn đề chủ nhân
Trước đây khi nghiên cứu thành Hoá châu, với nguồn tài liệu được biết, có ý kiến cho rằng chủ nhân đầu tiên của toà thành này có thể là người Chăm, vì:
- Về không gian, đây là vùng đất nằm khá sâu trong lãnh thổ cực bắc Champa. Với vị trí quan trọng như vậy, có thể nơi đây người Chăm đã xây dựng một toà thành, bởi họ là một cộng đồng người luôn chú trọng hướng ra biển.
- Về thời gian, đây là vùng đất người Chăm quản lý khá dài trong lịch sử (thgế kỷ II-XIV). Dấu tích văn hoá Champa không những được phát hiện trong lòng thành Hoá châu (tượng tròn, phù điêu) mà những khu vực lân cận dấu vết để lại khá đậm đặc: Liễu Cốc, Cổ Tháp, Đức Nhuận… Có thể đây là một trung tâm văn hoá Champa vùng ven biển.
Mặc dù vậy, trước đây khi nghiên cứu các dấu tích văn hoá Champa ở Thừa Thiên Huế, với hai toà thành hiện còn, các nhà nghiên cứu nhận thấy thành Lồi (Huế) thuộc văn hoá Champa (Rarmentie H.), thành Hoá châu được coi là toà thành của người Việt.
Nguồn sử liệu để lại ghi rõ: đầu thế ký XIV (1306) phần đất này mới thuộc người Việt quản lý hành chính. Sự giành giật vùng đất giữa hai cộng đồng Việt - Chăm dẫn đến năm 1362 người Việt xây dựng thành Hoá châu để trấn ải vùng đất mới.
Kết quả khai quật khảo cổ học bước đầu xác nhận tính chân xác của các tài liệu lịch sử, khẳng định chủ nhân đích thực xây dựng thành Hoá châu là người Việt.
2. Vấn đề niên đại
Sử liệu cho biết chính xác niên đại xây dựng thành Hoá châu (tháng 4 năm 1362) cũng như việc mất dần vai trò vị trí quân sự của nó sau cuộc bình Chiêm (1471), biên giới Đại Việt mở rộng đến đèo Cù Mông. Có lẽ đến thế kỷ XVI, Hoá châu trở thành trung tâm hành chính, kinh tế hơn vai trò quân sự “… nơi đặt nha môn học đô thừa của phủ Triệu Phong…” Thế kỷ XVIII (1776) thì ở Hoá châu: “… bên hữu sông là nhà và các nha môn đô ty, thừa ty phủ Triệu Phong…” Như vậy, kể từ khi được xây dựng, quá trình tồn tại của thành Hoá châu dần biến đổi chức năng, từ trung tâm quân sự dần chuyển sang trung tâm hành chính - kinh tế theo tiến trình lịch sử, rối dần quên lãng.
Kết quả khai quật đã phần nào phản ánh tiến trình đó. Những hiện vật tìm được ở đây sớm nhất có niên đại thời Trần, pảhn ánh sự có mặt phổ biến của cộng đồng người Việt trên vùng đất mới, càng về sau càng củng cố phát triển.
3. Tài liệu thu được dù còn ít ỏi, mong manh về dấu vết văn hoá Champa ở Hoá châu nhưng cũng góp phần soi lại lịch sử vùng đất này trước thế kỷ XIV. Có thể nơi đây trước thế kỷ XIV là nơi cư trú khá trù mật của người Chăm, những hiện vật đồ gốm mang nhiều yếu tố ảnh hưởng của đồ gốm Sa Huỳnh khá phổ biến, nhiều đồ sứ, bán sứ có nguồn gốc Trung Hoa trước thế kỷ XI cũng có mặt ở đây đã phản ánh điều đó. Những hiện vật điêu khắc Champa (tượng Visnu, tu sĩ) cho biết có thể nơi đây trước kia có một công trình kiến trúc tôn giáo.
Dựa vào các yếu tố đó, với vị thế thuận lợi, khi quản lý vùng đất này nhà Trần đã xây dựng thành Hoá châu. Trong quá trình xây dựng, nhiều vật liệu xây dựng của người Chăm được sử dụng lại, điều đó lý giải cho sự có mặt của ngói mũi lá tìm được trong các phế tích kiến trúc.
Có thể còn quá sớm khi đưa ra những kiến giải về toà thành này, bởi diện tích khai quật còn quá khiêm tốn so với quy mô của nó; nhưng kết quả thu được đã góp thêm những hiểu biết về thành Hoá châu và vùng đất châu Hoá. Hy vọng trong tương lai, các cuộc khai quật tiếp tục được triển khai, góp phần hiểu sâu hơn về miền đất Thừa Thiên Huế trong lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét