Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015



QUAN HỆ ĐẠI VIỆT- CHAMPA
DƯỚI VƯƠNG TRIỀU LÝ
                                                                           
            Năm 1010 vương triều Lý chính thức được xác lập với sự lên ngôi của Lý Công Uẩn.  Bước ngoặt lịch sử là việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Sử cũ chép “ Mùa thu tháng bảy, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long” Lý Công Uẩn đã chọn vùng đất “… ở giữa khu vực đất trời, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.  Sự chuyển đô này đã đánh dấu một thời kỳ mới, tạo tiền đề cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đại Việt, khẳng định bản lĩnh dân tộc. Vương triều Lý tồn tại trên 200 năm ( 1010 – 1225) với nhiều thành tựu hội tụ, phát triển tinh hoa văn hóa của cả dân tộc  trong một thời kỳ lịch sử, trong những đóng góp đó có sự góp mặt của các nền văn hóa từ những  tộc người anh em, trong đó có dân tộc Chăm, một tộc người sinh sống quản lý trên dải đất phương nam
I Những tiền đề  mối quan hệ Việt Chăm trong lịch sử.
Theo các nguồn sử liệu, người Chăm là một tộc người sinh sống chủ yếu trên vùng đất Trung bộ hiện nay kéo dài từ Quảng Bình tới Bình Thuận. Do điều kiện lịch sử, sau nhiều lần nổi dậy chống sự đô hộ của người Hán, từ cuối thế kỷ II (năm 192),  người Chăm đã giành được độc lập, thành lập một quốc gia tự chủ mà sử liệu gọi là Lâm Ấp. Trong  đêm trường tăm tối1000 năm dưới sự đô hộ của các triều đại  phong kiến phương bắc và bền bỉ gìn giữ bản sắc văn hóa chống đồng hóa của người Việt thì người Chăm đã xây dựng một nền văn hóa riêng mang đậm bản sắc của tộc người và tỏa sáng trên vùng đất đông Nam á. Mặc có sự khác nhau, nhưng cùng sinh sống trên dải đất, có mối quan hệ lâu đời trong lịch sử, người Việt và người Chăm đã có giao lưu văn hóa mật thiết với nhau. Những trống đồng sản phẩm văn hóa đặc trưng của người Việt có mặt trên suốt dải đất người Chăm sinh sống như  phát hiện được tại Ba Đồn; Quảng Trạch ( Quảng Bình) Phong Thu ( Thừa Thiên Huế) hay xa hơn tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa  đã nói lên điều đó. Trong thời kỳ lịch sử, khi giành được độc lập, người Chăm luôn luôn tìm cách tiến ra bắc, ủng hộ các cuộc khởi nghĩa của người Việt, khiến bọn quan lại đô hộ Trung Hoa phải luôn luôn tìm cách đánh dẹp. Các cuộc chiến điển hình của Đan Hòa Chi ( năm 446); Lưu Phương ( năm 605) đã nói lên điều đó. Bước sang thế kỷ X sau năm 938 người Việt giành được độc lập, xây dựng quốc gia tự chủ thì mối quan hệ Việt – Chăm chuyển sang một bước mới thân thiện và từng bước hòa nhập. Mối quan hệ thân thiện đó thể hiện  sự đan xen giữa người Việt và Chăm. Dưới triều vua Đinh, Phò mã Nhật Khánh “ đem cả vợ con chạy sang Chiêm Thành”; khi Tiên Hoàng chết “ Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc cướp muốn đánh thành Hoa Lư…” “ Nhật Khánh là con cháu của Ngô tiên chúa Quyền, trước xưng là An vương cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng ”.Dưới triều Lê Đại Hành năm 982 đã cử sứ giả sang giao hảo. Mối bang giao thất bại, khiến cuộc chiến đầu tiên người Việt tiến vào kinh đô Chămpa tại Indrappura  (Đồng Dương- Quảng Nam) với tư cách là đội quân một quốc gia độc lập. Sau trận chiến này, Quản giáp Lưu Kế Tông một vị tướng của Lê Hoàn đã trốn ở lại..Năm 989 “ Quản Giáp Dương Tiến Lộc đem hai châu Hoan  Ái, xin phụ Chiêm Thành.”. Năm 1005 trong khi tranh giành quyền lực “Đông Thành vương thua chạy vào Chiêm Thành bị giết chết”. Đông Thành Vương là Long Tích con vua Lê Đại Hành, cùng Trung Tông vương (Long Việt) Trung Quốc vương ( Long Kính) Khai Minh Vương ( Long Đĩnh) tranh giành ngôi sau khi  vua Lê Đại Hành chết.
 Ngược lại, mối thân thiện ấy còn thể hiện nhà Lê thu nhận người Chăm làm dân Đại Việt: năm 986 người Chiêm Thành là Bồ La Át  đem hơn trăm người họ xin nội phụ” hay trao trả những người Chăm sang sinh sống ở Đại Việt về quê cũ;  năm 992 “ Mùa hạ cho người Chiêm Thành nhận lĩnh hơn 360 người ở thành cũ châu Địa Lý đem về châu Ô Lý” và Triều đình Đại Việt độc lập là chỗ dựa tin cậy cho người Chăm. Năm 994 “ Cháu vua nước Chiêm Thành là Chế Cai vào chầu”.. Như vậy có thể thấy, mối quan hệ bang giao Việt Chiêm trong lịch sử là mối quan hệ  lâu đời, thân thiết gắn bó đa phương, đa diện với nhau, đặc biệt là mỗi khi có sự biến, vùng đất người Chăm quản lý là nơi nương náu cuối cùng. Điều này khác hẳn,người Việt khi gặp sự cố không ngược lên phía bắc để dung thân. Đây chính là tiền đề ban đầu cho mối bang giao Việt – Chăm thời Lý phát triển.
II. Mối quan hệ Đại Việt – Champa dưới vương triều Lý
Với một vương triều mới thành lập, việc sử lý công việc biên viễn là một việc khó khăn phức tạp và lâu dài. Cùng với việc xác lập bảo vệ biên cương phía bắc, vùng biện viễn phía nam cũng được nhà Lý luôn quan tâm chú trọng. Mối bang giao Việt Chăm  dưới vương triều Lý được thể hiện dưới 3 lĩnh vực:  Ngoại giao; quân sự và giao lưu văn hóa.
 1.Quan hệ ngoại giao.
 Khi triều Lý lên ngôi, định đô ở Thăng Long mở đầu mối quan hệ  với tư cách của hai vương triều,  năm 1011 người Chăm đã tỏ lòng hữu hảo bằng cách dâng Sư Tử lên tiến cống, ngay sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi một năm  Mối bang giao thân hữu ấy được thể hiện theo thống kê ghi chép của Việt sử lược, riêng thời Lý, triều đình Champa cử hơn 43 đoàn sứ bộ sang Đại việt tiến cống sư tử, voi trắng, cá sấu cùng nhiều sản vật địa phương  như tơ lụa, vàng bạc vv... Năm 1198 là năm sứ bộ cuối cùng của Chiêm Thành sang cống nhà Lý và xin cầu Phong. Mật độ sứ giả bang giao rất nhộn nhịp có giai đoạn 2 năm sai sứ sang Đại Việt một lần như các năm 1057 đến 1065; hoặc mỗi năm một lần như các năm từ 1081 đến 1089.  Nhưng cũng có thời gian bị gián đoạn từ năm 1050  đến 1055 - 5 năm mới có một đoàn sứ bộ đến Đại Việt hoặc dưới thời vua Lý Thái Tông “ đến nay đã 16 năm rồi mà Chiêm Thành chưa từng sai một sứ giả nào sang”.Như vậy có thể  thấy bình quân hơn 4 năm lại có một đoàn sứ giả Chiêm Thành có mặt tại Thăng Long. Các sứ giả đại diện cho người Chăm khi có mặt tại Thăng long được nhà Lý rất quan tâm đáp lại bằng con đường ngoại giao khá  tế nhị. Năm 1072 “ Tha thuế sợi vải trắng của Chiêm Thành”; năm 1093 sai “ Hàn Lâm học sĩ Mạc Hiển Tích sang sứ Chiêm Thành” năm 1118 mở hội Thiên Phật ( nghìn Phật để khánh thành chùa Thắng Nghiên Thánh Thọ, cho sứ Chiêm Thành đến xem; năm 1126 hội đèn Quảng chiếu ở Long Trì, xuống chiếu cho sứ Chiêm Thành vào xem;  năm 1128 vua Lý lên ngôi sang báo cho Chiêm Thành;  năm 1130 Vua đánh cầu ở Long Trì, cho sứ nước Chiêm Thành vào hầu xem”;năm 1154 “vua nước Chiêm Thành là Chế Bì La Bút dâng con gái vua nhận”. Năm 1199 nhà Lý “ Sai sứ sang phong vua nước Chiêm Thành” vv…
Trong mối quan hệ này  còn nâng cấp mỗi khi có biến động xã hội, theo truyền thống hai bên là chỗ dựa tin cậy của nhau. Năm 1039 “ Con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt cùng bọn Lạc Thuẫn; Sạ Đâu; La Kế; A Thát Lạt 5 người sang quy phụ nước ta”. Năm 1040 “ Mùa thu tháng 8 người giữ trại Bố Chính của nước Chiêm Thành là Bố Linh; Bố Kha; Lan Đà Tinh đem bộ thuộc hơn 100 người sang quy phụ. Năm 1124 người nước Chiêm Thành là Cụ Ông và 3 người anh em họ đến chầu, tháng 5 cùng năm, người nước Chiêm Thành là bọn Bă Tư Bồ Đà La 30 người sang quy phụ. Năm 1130” Tháng 3 người nước Chiêm thành là Ung Ma, Ung Câu sang quy phụ. Năm 1152 “ người nước Chiêm Thành là Ung Minh Ta Điệp đến cửa khuyết xin mệnh cho làm vua nước ấy. Xuống chiếu cho Thượng chế Lý Mông đem hơn 5.000 người ở phủ Thanh Hoa và châu Nghệ An sang Chiêm Thành lập Ung Minh Ta Điệp làm vua”. Năm 1203 “ Vua nước Chiêm Thành Là Bố Trì bị chú là Văn Bố Điền đuổi, nay đem cả vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La, ý muốn cầu cứu.” Sự kiện này được Việt sử Lược ghi rõ hơn “Chúa Chiêm Thành là Bố Trì bị chú là Bố Do đuổi, đem hơn 200 chiếc thuyền Bị Lan chở vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La muốn cầu cứu ta”
 Ngược lại khi người Việt có biến động, vùng đất phía nam vẫn là nơi họ tìm đến “ năm 1103 người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản… Giác thua trốn sang Chiêm Thành..”
 Hệ quả của mối bang giao thời Lý với hai thế kỷ đi lại gắn bó mật thiết giúp cho hai tộc người hiểu nhau hơn về văn hóa là điều kiện xích lại gần nhau khi có điều kiện
2 Mối quan hệ quân sự.
 Hơn hai thế kỷ dưới vương triều Lý với tư cách một quốc gia độc lập, không ngừng lớn mạnh. Để củng cố nền độc lập, ý trí muốn thống nhất lãnh thổ, song hành với mối quan hệ ngoại giao, vương triều Lý đã từng bước sử dụng sức mạnh để khẳng định vai trò của mình. Từ sự kiện năm 997 “ Chiêm Thành đem quân dòm ngó biên giới nước ta”, khi lên ngôi quản lý đất nước, vương triều Lý đã chú ý đến miền biên viễn phương Nam. Sau khi lên ngôi Lý Công Uẩn  đổi địa giới hành chính 10 đạo thành 24 lộ, châu Hoan , châu Ái  miền biên viễn phía nam làm trại để nới rộng quyền tự chủ cho người quản lý vùng biên. Năm 1036 đặt hành dinh tại Châu Hoan đổi tên châu ấy là Nghệ An. Năm 1041 cho Hoàng tử thứ 8 của Lý Thái Tổ là Uy Minh Hầu Nhật Quang làm tri châu Nghệ An. Điều này cho thấy nhà Lý chú trọng đến vùng đất biên viễn như thế nào.
 Từ những cơ cấu tổ chức hành chính ấy là cơ sở sau này cho các cuộc tiến quân của nhà Lý về phương nam. Năm 1020 sai Khai Thiên Vương Phật Mã và Đào Thạc Phụ đem quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính. Năm 1044 Lý Thái Tông  thân chinh cầm quân xuống phương nam, người Việt tiến vào vùng đất VịJaya ( Bình Định) quốc đô của Champa. Năm 1069 Lý Thánh Tông  cầm quân đI đánh Chămpa bắt vua nước ấy cùng dân chúng hơn 5 vạn người. Năm 1075 trước khi lập phòng tuyến sông Như Nguyệt chặn cuộc xâm lược của nhà Tống. Lý Thường Kiệt đã đem quân di đánh Chiêm Thành. Năm 1104 Lý Thường Kiệt lại cầm quân đi đánh Chiêm Thành.Năm 1167. Tô Hiến Thành cầm quân đi đánh Chiêm Thành Như vậy theo sử liệu ghi chép vương triều Lý đã 6 lần tiến quân xuống phương nam. Hơn hai trăm năm cầm quyền với 6 lần tiến quân, bình quân trên 30 năm mới có một lần người Việt tiến xuống phía nam.
 Ngược lại theo sử liệu ghi chép kể từ khi vương triều Lý cầm quyền người Chăm có đến  8 cuộc người Chiêm Thành đem quân ra cướp phá biên giới. Năm 1043 tháng 4 giặc sóng gió Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển; năm 1068 Chiêm Thành quấy nhiễu biên giới. Năm 1074 Chiêm Thành lại quấy rối biên giới; năm 1104 Vua Chiêm thành là Chế Ma Na đem quân vào cướp, năm 1132 Chiêm thành vào cướp châu Nghệ An; năm 1166 sứ Chiêm thành đi đến miền Ô Lý dùng quân phong thủy mà vượt biển cướp bóc nhân dân ven biển nước ta. Năm 1177 Chiêm thành đến cướp châu Nghệ An. Năm 1218 Chiêm thành đến cướp châu Nghệ An. Các cuộc xung đột biên giới này thường dân đến hệ quả là các cuộc tiến quân  của Đại Việt xuống Champa.
Hệ quả của các cuộc tiến quân là năm 1069 Lý Thánh Tông bắt được vua Chế Củ “ Chế Củ xin dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng tha cho Chế Củ về nước”. Lần đầu tiên một phần đất phía nam được hòa nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Đây là  sự sát nhập tự nguyện  trao đổi có điều kiện. Để củng cố quyền quản lý lãnh thổ năm 1075 cùng với việc sai Lý Thường Kiệt tổng lĩnh các quân đI đánh Chiêm Thành… Thường Kiệt bèn họa địa đồ hình thế núi sông của ba châu Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh rồi về. Đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh là châu Minh Linh, chiêu mộ dân chúng đến đấy ở” . Để bảo vệ quyền lãnh thổ này năm 1104 vua Chiêm Thành là Chế Ma Na đem quân vào cướp lại phần đất 3 châu  đã sát nhập, nhà Lý lại cử quân chinh phạt gìn giữ, Chế Ma Na lại dâng nộp đất ấy. Phần quản lý lãnh thổ của vương triều Lý mở đến vùng bắc sông Thạch Hãn ( Quảng Trị ) ngày nay. Đây là bước chuẩn bị ban đầu, điểm tựa vững chắc để nhà nước Đại Việt dần hoàn thành sứ mệnh hòa nhập lãnh thổ sau này.
3. Bước đầu của sự hội nhập - Văn hóa.
Để thực hiện việc hòa nhập nhà Lý đã có những chính sách mềm dẻo dần hòa đồng giữa hai tộc người Việt Chăm trên vùng đât mới .Năm 1025 sau khi tiến vào đất Bố Chính nhà Lý  “Xuống chiếu lập trại Định Phiên ở địa giới phía nam Hoan Châu” để quy tụ người Chăm sinh sống. Năm  1044 Lý Thái Tông  đánh kinh thành bắt sống hơn 5.000 người đưa về Đại Việt cho ở từ trấn Vinh khang ( Nghệ An) đến Đăng châu( Yên Bái – Lào Cai) sinh sống cho các tù binh được nhận người cùng bộ tộc, đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành. Đặc biệt hơn một bộ phận người Chăm được nhà Lý  tạo điều kiện cho định cư tại chính trung tâm Thăng Long. Lý Thái Tông khi vào Phật Thệ ( ViJaya) bắt vợ cả vợ lẽ… và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên đưa về Thăng Long, năm 1046 “ dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành”
 Năm 1045 sau cuộc chinh phạt phương nam, vua Lý chế xe Thái Bình lấy vàng trang sức “ Bồng La nga” tức cái bành voi của Chiêm Thành để kéo. Năm 1060 lại “ Tháng 8 phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành sai nhạc công ca hát”. Năm 1203  “ Sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành, tiếng trong trẻo ai oán buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt”.
                          Bản đồ lãnh thổ Đại Việt thời Lý
( Nguồn theo bản đồ minh họa của Đào Duy Anh : Đất nước Việt Nam qua các thời đại- NXB Thuận Hóa  1996)
Đặc biệt hơn về tinh thần năm 1069 Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, trong số những tù binh bắt được đưa về Thăng Long có một nhà sư Trung Quốc. Là người hâm mộ đạo phật, tiếp thu những giáo lý Phật giáo; Lý Thánh Tông  đã đưa vị sư này về chùa Khai Quốc, phong làm Quốc sư  khai sinh ra phái Thảo đường, một thiền phái của phật giáo vương triều và tự mình  trở thành thế hệ đầu của thiền phái này.. Thiền phái Thảo đường duy trì được 5 thế hệ trong đó có 3 vị vua tham gia ( Lý Anh Tông thế hệ thứ ba;  Lý Cao Tông thế hệ thứ năm) cùng nhiều vị quan lại đại thần trong triều như Tham chính Ngô Ích ( thế hệ thứ hai); Thái phó Đỗ  Anh Vũ(thế hệ thứ  ba); thái phó Đỗ Thường ( thế hệ thứ tư) và Quản giáp Nguyễn Thức ( thế hệ thứ năm).
Hệ quả của việc giao lưu tộc người và văn hóa  là bước đầu văn hóa Việt tiếp nhận và chọn lọc  đưa những giá trị văn hóa tinh thần từ văn hóa Chăm vào tham gia thành tố văn hóa Việt, mà trong đó Thăng Long là nơi hội tụ kết tinh.
III Nh÷ng chøng cø lÞch sö.
Từ những tư liệu lịch sử, trong nhiều năm gần đây, việc nghiên cứu tìm hiểu mối giao lưu văn hóa giữa hai tộc người Việt – Chăm được quan tâm những bằng chứng vật chất ban đầu dần  được tiếp cận.
Trước hết về những nhân vật lịch sử thời Lý, theo tư liệu lịch sử nhà Lý rất coi trọng quản lý vùng đất biên viễn phương nam, cụ thể năm  1041 cho Hoàng tử thứ 8 của Lý Thái Tổ là Uy Minh Hầu Nhật Quang làm tri châu Nghệ An “ Trao Tiết Việt trấn thủ châu ấy”. Được toàn quyền quyết định chính sách. Ông là một hoàng tộc tài ba, ông tổ chức thu tô hàng năm, lập trại Bà Hòa, khiến cho trấn ấy được vững chắc, lại đặt điểm canh các nơi cất chứa lương thực đầy đủ cái gì cũng vừa ý vua và được phong tước vương.  Sau này  khi nhà Lý sát nhập lãnh thổ, ông lại là người đứng đầu sóng ngọn gió  tổ chức bảo vệ vùng đất mới. Uy vọng của ông được người dân vùng đất ghi nhớ, hiện nay đền thờ ông có mặt nhiều nơi trên vùng đất Quảng Bình và xa hơn là tại đền Tam Tòa ( Nhơn Hải – Quy Nhơn – Bình Định) Theo sử liệu cho biết khi các bộ lạc Chiêm làm phản, để ổn định tình hình Nhà Lý phải cử Oai Minh Vương vị hoàng tử nhiều tài năng trấn trị phương Nam đưa quân vào giúp đỡ Champa mà người Chăm sau này dựng đền thờ ghi công tại Tam toà ven cảng Thi Nại “Đền Uy Minh Vương có tên nữa là đền thần núi Tam Toà, ở cửa biển Thi Nại.Thần họ Lý huý là Nhật Quang, con thứ tám của Lý Thái Tôn được phong UY Minh Vương, coi phủ Nghệ An có chính tích tốt,nhân dân mến phục.Bấy giờ có bộ lạc Chiêm Thành làm phản,vua Chiêm Thành cầu viện,quân của vương đóng ở dưới núi Tam Toà,vua Chiêm thành đón rước.Bộ lạc ChiêmThành được tin đều đến cửa quân sụp lạy và cam đoan xin theo lệnh vua Chiêm,không dám hai lòng.Vương đem quân về, người Chiêm Thành nhớ công đức bèn lập đền thờ ở dưới núi Tam Toà…”. Những cuộc điều tra khảo cổ học hiện nay trên đất Quảng Bình đã tìm được nhiều hiện vật thời Lý trên vùng đất. Những chiếc bát thời Lý men ngọc ( Celadon) tìm được trên vùng núi Tuyên Hóa đã cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa Lý đến vùng đất. Đặc biệt hơn những cuộc khai quật khảo cổ học các phế tích  tháp Champa tại Trung Quán, Đại Hữu đều cho thấy các tháp này có niên đại xây dựng trước thế kỷ thứ X. Điều này góp phần khẳng định thế kỷ XI vùng đất này đã thuộc quyền quản lý của người Việt

Bát men ngọc thời Lý tìm được ở Quảng Bình Khác với người Việt, trong 1000 năm bền bỉ gìn giữ văn hóa dân tộc sau thế kỷ X, văn hóa dân tộc mới có điều kiện phát triển, tộc người Chăm đã có điều kiện xây dựng nền văn hóa của dân tộc, tạo nên một nền văn hóa phong phú “ cao đẹp không thua bất kỳ một nền văn hóa  nào ở các nước đông nam á thời trung cổ”  mà đỉnh cao của nó vào thế kỷ X với phong cách nghệ thuật Mỹ Sơn A1 trong kiến trúc và phong cách Trà Kiệu trong điêu khắc. Chính thời gian đó người Việt đã tiếp xúc với đỉnh cao nền văn hóa này qua các cuộc viếng thăm  chính thức và “không chính thức”. Vẻ đẹp kỳ diễm của các công trình kiến trúc; sự sang trọng tinh tế của các tác phẩm điêu khắc, sự mê hoặc của các điệu vũ công, sự mượt mà của câu ca giọng hát đã thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội từ vua quan đến thường dân. Những cuộc thăm đất nước Champa “ không chính thức” đã đưa hàng ngàn người dân Chăm về sinh sống trên Đại Việt từ Nghệ An cho đến Yên Bái – Lao cai. Những người dân Chăm đến sinh sống có nhiều tầng lớp, người theo tôn giáo, cung nhân, thợ thủ công. Đến sống trên vùng đất mới được quy tụ theo bộ tộc hương ấp, văn hóa Champa lại có điều kiện tồn tại trong lòng nền văn hóa Việt. Tại Hà Nội cho đến nay còn nhiều làng gốc người Chăm cũ như thôn Bà Già ( Từ Liêm – Hà Nội) vùng ven đất Thăng Long.Nếp sống của người Chăm hòa lẫn vào văn hóa Việt. Đặc biệt trong các công trình kiến trúc tôn giáo có tính chất quốc gia  xây dựng thời Lý như chùa Phật Tích (Bắc Ninh) Tháp Chương Sơn ( Nam Hà); tháp Tường Long ( Hải Phòng); đền thờ Bà Tấm ( Hà Nội) tài liệu thu được qua khai quật khảo cổ học tìm được nhiều hiện vật trang trí mang dáng dấp nghệ thuật Champa, tượng Kisna, tượng Khỉ, tượng Sư Tử vv… hay các tượng đát nung Garuda, các lá đề đất nung trang trí. Điều nhận thấy tương đồng khi thời Lý tiếp xúc với văn hóa Champa tại ViJaya ( Bình Định) các kiến trúc Champa được xây dựng trên các ngọn đồi cao thì các công trình kiến trúc thời Lý cũng lựa chọn địa điểm các đồi cao để xây dựng các kiến trúc Phật giáo của mình. Có nhà nghiên cứu nhận xét các công trình xây dựng này có nhiều nét văn hóa Chăm, có thể do các thợ thủ công người Chăm tham gia xây dựng. Gần đây trong cuộc khai quật khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu còn tìm thấy một viên gạch viết chữ Chăm trong lòng đất. Những tư liệu này cho thấy  thời Lý qua các mối quan hệ đa chiều, văn hóa Champa đa góp mặt vào văn hóa Đại Việt. Ngược lại khi nghiên cứu các di tích văn hóa Chămpa dấu vết văn hóa Đại Việt cũng xuất hiện phảng phất trong các công trình kiến trúc. Phù điêu trang trí Makara tháp Đôi ( Bình Định) có thân mình uốn lượn hình sin đều đặn, trơn nhẵn mang dáng dấp của thân con rồng thời Lý.  Dù còn ít ỏi, nhưng có thể thấy văn hóa Đại Việt – Champa có mối quan hệ khá đa chiều, bình đẳng tiếp thu ảnh hưởng lẫn nhau, đó cũng là thể hiện tính chất một xã hội hòa đồng thời Lý.
 Những tài liệu trên cho thấy mối quan hệ Đại Việt – Champa diễn ra hơn hai thế kỷ dưới vương triều Lý, trước hết dựa trên nền tảng hai tộc người cùng sống chung trên dải đất, có mối quan hệ mật thiết với nhau từ trong cội nguồn lịch sử. Khi có điều kiện, triều Lý độc lập tự chủ thì mối quan hệ này được nâng lên một tầm cao mới. Mối quan hệ đó thể hiện đa chiều, thường xuyên rộng khắp trên các lĩnh vực, là nguồn gốc cơ sở để hai tộc người dần từng bước hội nhập với nhau trên một nền văn hóa . Quan hệ Đại Việt – Champa dưới vương triều Lý đặt nền móng mở đầu cho việc hòa nhập lãnh thổ, hội nhập văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng tỏa sáng trong lịch sử./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét