Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

CHUYỆN GẪU:
 ÁO BÌNH ĐẲNG.....
                                     Chuyện xưa kể rằng: ngày xưa có một vị quan đến hiệu thợ may cắt áo. Ông phó may hỏi: Quan may áo mặc để tiếp dân hay tiếp Quan trên? Vị quan nọ thấy lạ hỏi lại; thế nào là áo tiếp quan và tiếp dân? Ông phó may trả lời: Nếu quan may áo mặc tiếp dân thì tôi may tà áo trước dài hơn, nếu quan may áo mặc lên với quan trên thì may tà áo sau dài hơn. Sao lại rắc rối thế? Vị quan thắc mắc. Ông phó may giải thích: Áo mặc tiếp quan thì tà trước ngắn, tà sau dài, khi quan cúi  xuống lạy là tà áo cân xứng. Ngược lại khi gặp dân, quan ưỡn ngực, tà sau ngắn, tà trước dài nên áo vẫn cân xứng....
Từ câu chuyện trên, khi thấy người mặc áo có tà trước sau dài không đều được gọi là áo quan!
Hôm vừa rồi đi dọc đường, bên cạnh những cửa hiệu bán quần áo đủ kiểu, đủ loại, đủ màu sắc thì có cửa hàng treo biển hiệu: Cửa hàng bán Áo Quan. Đi một quãng không xa lại có cửa hiệu đề biển: Tại đây làm Áo Quan. Đó là những cửa hàng bán và đóng quan tài để chôn người đã khuất. 
Thế mới có chuyện để tán gẫu.
-  Thì ra, trong cuộc sống của con người có nhiều loại áo khác nhau, áo trong, áo ngoài, áo dài, áo ngắn. áo lót, áo khoác vv...Đủ tên gọi khác nhau theo chức năng sử dụng. Quân đội có quần áo đồng phục thì gọi là Quân Phục. Quần áo cảnh sát thì gọi là sắc phục. Học sinh quy định mặc giống nhau thì gọi là đồng phục. Ngành nghề  mặc như nhau thống nhất gọi là trang phục. Người có địa vị chức tước ăn mặc sang trọng Vetston  trong dịp lễ lạt gọi là Lễ Phục...Dân mặc đủ loại  không thống nhất thì gọi là dân phục( dân sự)... Nhưng tất cả các loại phục ấy đều là vật ngoài thân và khi chết dù mặc quần áo gì đi chăng nữa không ai thiếu cái áo ấy. Cái áo ấy được gọi tên chung là Áo Quan. Dân chết cũng chui vào áo quan. Quan chết cũng chui vào Áo Quan. Chui vào đấy ai cũng có chữ Quan- Bình đẳng.
Hay thật, con người khi sống thì phân ra đủ giai tầng, giai cấp, thân phận, giàu nghèo nhưng khi giã từ thì ai cũng có Áo Quan. Thượng đế công bằng, cái áo con người nghĩ ra đặt tên cũng công bằng. Ai lúc ra đi đều có Áo Quan và bình đẳng mỗi người chỉ một chiếc.  Khi phải chui vào đấy ai cũng Quan
Áo quan thời kinh tế thị trường cũng có phân biệt: chất lượng gỗ, hình dáng, trang trí.... Nhưng làm gì thì làm tên nó vẫn là Áo Quan.
Từ tên gọi Áo Quan, người ta còn gọi vật ấy là quan tài. Phải chăng khi sử dụng cái áo ấy, người ta sẽ phát tài. Con cháu cúng giỗ, hưởng chuối cả nải, gà cả con?
Tiếng Việt mình hay thật và người sáng tạo đặt tên gọi cũng quá hay.... Mong các nhà nghiên cứu văn hóa Việt, dân tộc học góp ý mạn đàm.....










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét