ĐỂ HIỂU THÊM VỀ THĂNG LONG - HÀ NỘI
Cho đến nay khi nói về kinh đô Thăng Long – Hà Nội, các nhà nghiên
cứu lịch sử lấy mốc năm 1010 khi Lý Công Uẩn dời đô từ vùng đất Hoa
Lư ra Thăng Long – Hà Nội, được coi là
khởi điểm của sự hình thành và phát triển
kinh đô của dân tộc. Sử cũ chép “Mùa thu tháng bảy, vua từ thành Hoa Lư,
dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện
lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long” 1
Sự kiện, lý do dời đô theo
nội dung chiếu dời đô cho biết “ …hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường
mệnh trời… cứ chiụ yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn
ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp” Việc dời đô nhằm mục đích “Làm như
thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời,
trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận
nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Lý Công Uẩn đã chọn “… thành Đại La…ở giữa
khu vực đất trời, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện
nghi núi sông sau trước.. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà
sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi phồn
thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của
bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” 2
Như vậy, thời điểm, mục đích dời đô
cuả Lý Công Uẩn được sử sách ghi chép khá rõ ràng, nhưng giá trị lịch sử của
việc dời đô này, cho đến nay 1000 năm vẫn là đề tài được nhiều thế hệ học giả
quan tâm nghiên cứu trong lịch sử dân tộc.
Để hiểu thêm về sự kiện trọng đại này, trước hết cần
tìm hiểu vấn đề lịch sử và con người đã
tạo nên bước ngoặt vĩ đại ấy. Trước hết về vấn đề lịch sử, sau hơn 1000 năm
trường kỳ chống Bắc thuộc, vào thế kỷ X, dân tộc Việt đã khẳng định bản lĩnh
của mình, giành được độc lập. Năm 938 sau khi dẹp nội loạn Kiều Công Tiễn, Ngô
Quyền chỉ huy quân dân phá tan quân xâm
lược Nam Hán “tự lập làm vương, đóng đô ở Loa Thành”. Năm 939 “Mùa xuân vua bắt
đầu xưng vương, lập Dượng Thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi
phẩm phục”. Bàn về sự kiện này, về sau sử thần Lê Văn Hưu viết “ ..Ngô Vương có
thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu
Hoằng Tháo, mở nước xưng vương… Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên
hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”. Sử thần Ngô
Sĩ Liên bình luận “.. Ngô Vương nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi,
việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của
bậc đế vương”. Mặc dù có những biến động, Dương Tam Kha cướp ngôi 5 năm (945 –
950); nhà Ngô duy trì được 3 đời vua,
kinh đô của thời kỳ này vẫn tồn tại ở
Loa Thành kéo dài 29 năm (939 -967). Sau khi dẹp loạn 12 xứ quân, năm
968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi “ dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới,
đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi”. Kinh đô Hoa Lư hình thành và
kéo dài hai triều đại Đinh - Lê (tiền
Lê) VÀ O1 năm đầu nhà Lý ( 1009) gồm 43 năm( 968 -1010.). Như vậy, trước cuộc
dời đô của Lý Công Uẩn, nhà nước Việt độc lập đã có hai vùng đất kinh đô: Loa
Thành (Đông Anh – Hà Nội) và Hoa Lư (Ninh Bình). Kinh đô độc lập đầu tiên được
kế thừa từ kinh đô cũ của người Việt, Loa Thành của An Dương Vương thời dựng
nước. Đây là vùng đất cao thoáng, nằm trung tâm đồng bằng bắc bộ, kinh tế trù
phú, sản vật dồi dào, một trung tâm kinh tế
có mặt sớm trong cộng đồng cư dân người Việt. Sau nghìn năm dân tộc bị
nô lệ, khuất phục và kiên cường đấu tranh chống đồng hóa bắc phương, khi giành
được độc lập,Ngô Quyền chọn nơi định đô ở đây là có ý muốn tiếp nối, kế thừa
truyền thống độc lập của dân tộc, khẳng định ý trí bản lĩnh của người Việt. Sự
chuyển đô năm 968 về vùng đất Hoa Lư là
một sự kiện nhấn của lịch sử, dời vùng trung tâm về nơi hiểm yếu, thích ứng với
tình hình lịch sử gìn giữ độc lập, nhưng thiếu yếu tố trung tâm hội tụ để phát
triển bền vững, đưa dân tộc phát triển lên một tầm cao mới. Ngay sau khi Lý
Công Uẩn lên ngôi, sự chuyển đô này đã đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ phát
triển rực rỡ của văn hóa Đại Việt, khẳng định bản lĩnh dân tộc, mà cho đến nay
chúng ta vẫn được kế thừa và phát triển. Vấn đề vì sao khi chuyển đô, Lý Công
Uẩn không chọn vùng đất Loa Thành- kinh đô của vua cũ vừa bị lãng quên 43 năm,
một trung tâm, căn cứ thành quân sự quan trọng “ thành xây xoắn ốc, quanh co 9
lớp” mà lại chọn thành Đại La? Hai vùng đất này chỉ cách nhau con sông Cái (Sông
Hồng) bên bờ bắc và bờ nam mà thôi?.
Trước hết về vị trí, “Vùng này mặt đất
rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối
tăm” thì vùng đất Loa Thành (Cổ Loa) còn cao hơn, mùa mưa không bị nước sông
ngập lụt, trong khi đó quanh Thăng Long vẫn mịt mù sóng nước, hồ Tây vẫn rộng mênh mông mù sương, hệ thống
sông hồ vẫn chảy ngang dọc, sau naỳ nhà
Lý phải đắp đê Cơ Xá ngăn nước sông Cái vào thành, mỗi khi mùa mưa về. Như vậy, chúng ta phải xem đến giá trị
của thành Đại La, được Lý Công Uẩn chọn làm nơi định đô của vương triều mình.
Trong một ngàn năm xâm lược và đô hộ,
biến nước ta thành quận huyện, các triều đại phong kiến phương bắc đã
chọn nhiều địa điểm khác nhau xây dựng: Luy Lâu (Bắc Ninh); Long Biên( ?). Thế
kỷ VIII, trước sự nổi dậy của nhân dân, sự xâm hấn của người bên ngoài Côn Lôn, Chà Bà đến cướp;
Kinh lược sứ Trấn Nam đô hộ phủ Trương Bá Nghi cho đắp La Thành (năm 767). Sau
cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng (năm 791); Triệu Xương viên quan đô hộ lại lại
đắp thêm làm thành kiên cố hơn trước. Năm 808 Trương Chu làm Đô hộ Giao châu
lại đắp thêm thành Đại La. Theo sử liệu, thành Đại La thời kỳ này có quy mô
nhỏ, đến năm 864 Tiết độ sứ Cao Biền mới mở rộng quy mô tòa thành này “ Cao
Biền giữ phủ xưng vương, đắp La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, thân
thành cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, bốn mặt thành đắp
những nữ tường nhỏ trên bốn mặt thành cao 5 thước 5 tấc, lầu nhìn giặc 55 sở,
cửa ống 6 sở, cừ nước 3 sở, đường bộ 34 sở. Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125
trượng 8 thước; cao 1 trượng 5 thước; chan rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn
40 vạn gian” 3. Với quy mô to
lớn tòa thành này được sử dụng cho đến năm 907 khi Khúc Hạo lên làm Tiết độ sứ,
mới dần mất vai trò trị sở. Năm 938 Ngô
Quyền đánh tan quan Nam Hán giành được độc lập, từ viên quan quyền quản Ái Châu, khi xưng vương, ông phải chọn một
kinh đô mới về vùng đất trung tâm để có
điều kiện gìn giữ độc lập và phát triển. Thời điểm này trên địa bàn có hai tòa
thành, hai trung tâm. Loa thành – kinh đô cũ của An Dương vương và thành Đại La trị sở cũ của nhà Đường để lại. Sự lựa
chọn của ông là Đô thành cũ đã bỏ hoang
của dân tộc- thành Cổ Loa. Về mặt ý thức tự cường độc lập của dân tộc, đây là
sự lựa chọn chính xác, bởi chọn kinh đô ở đây là thể hiện ý trí độc lập, nối
tiếp quốc thống tự cường của dân tộc. Về
tính liên tục và phát triển, việc lựa chọn này có sự hạn chế. Sau một
thời kỳ dài, địa điểm này không còn là trung tâm kinh tế, tạo nội lực cho sự
phát triển lâu dài. Chính vì thế, sau khi định đô ở đây, nhiều biến động xã hội
nảy sinh dẫn đến cuộc khủng hoảng kéo dài và sau 29 năm tồn tại, sự thắng thế
của Đinh Bộ Lĩnh đã dẫn đến việc chuyển đô về vùng Hoa Lư xa xôi. Vùng đô Hoa Lư không đáp ứng được nhu cầu phát triển
lịch sử của dân tộc.Một là nằm trên địa bàn quá xa, không phải là vùng đất
trung tâm thuận lợi quản lý đất nước, hai là không phải là trung tâm kinh tế,
thu hút, sản sinh ra nhân tài vật lực đưa đất nước phát triển bền vững. Vì thế
sau 43 năm tồn tại, trước nhu cầu bức xúc về sự phát triển của dân tộc, vấn đề
dời kinh đô lại được đặt ra. Nhận thức được điều đó, năm 1010 Lý Công Uẩn lên
nối ngôi, ông nhận thấy hạn chế “…hai
nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời… cứ chụi yên đóng đô nơi
đây,…, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp” khiến ông quyết định chọn nơi định
đô mới. Sự lựa chọn về trung tâm xây dựng kinh đô của Lý Công Uẩn cũng đứng
trước những thách thức của lịch sử như
Ngô Quyền. Địa bàn trung tâm đất nước có hai địa điểm, một địa điểm có tính
chất kế thừa, nối tiếp quốc thống, nhưng hạn chế phát triển, một trung tâm kinh
tế mất vai trò hơn 1000 năm và sau này được chọn làm kinh đô, những chưa phát
huy được vai trò của nó. Một địa điểm là
một trung tâm kinh tế truyền thống, được hình thành và luôn phát triển, từ tòa
thành nhỏ ban đầu (xây năm 767). Sau gần 100 năm tồn tại và phát triển thành
một tòa thành lớn (năm 864), quy mô rộng, dân cư đông đúc, một trung tâm kinh
tế mạnh, hôi tụ đầy đủ các yếu tố của tộc người. Trung tâm này có đủ nội lực để
đưa đất nước đi lên. Như vậy lý do kinh tế là mục đích chủ yếu cho việc lựa
chọn của ông, ông chọn nơi “ muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh” lại “tiện
nghi núi sông sau trước” làm nơi định đô của vương triều. Lý Công Uẩn đã đủ can
đảm và sáng suốt lựa chọn vị trí thứ hai “ thành Đại La, đô cũ của Cao Vương”
nhưng “ Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của
bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh
sư mãi muôn đời” và “ Làm như thế cốt để
mưu việc lớn, làm kế cho con cháu muôn vạn đời”. Như vậy , dân tộc Việt đã xây dựng hàng thế
kỷ trung tâm kinh tế này, để thế kỷ
VIII, đây được chọn làm trung tâm chính
trị, kinh tế, hình thành nên tuyến đô thị
phát triển : La Thành - Đại La – Thăng Long .Sau khi chọn và định đô
trên cơ sở của thành Đại La, trung tâm chính trị kinh tế của dân tộc mang
một sức sống mới, sắc thái mới, hội tụ
được tài và lực của cả dân tộc, đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Kinh đô mang tên Thăng Long, Lý công Uẩn
cho “ Dựng kho tàng, đắp thành đào hào. Bốn mặt thành mở 4 cửa: phía đông gọi
là cửa tường phù; phía tây gọi là cửa Quảng Phúc; phía nam gọi là cửa Đại Hưng;
phía bắc gọi là cửa Diệu Đức”. Trong thành cho xây dựng hàng loạt các công
trình kiến trúc “ Lại xây dựng các cung điện trong thành Thăng Long, phía trước
dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng
điện Giảng Võ . Lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng
thông với cửa Uy Viễn, hướng chính nam dựng điện Cao Minh, đều có thềm rồng,
trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên
dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang,
bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa, Long Thụy làm
chỗ ở cho cung nữ” Ngoài các kiến trúc tại Thăng Long, nhiều kiến trúc tôn giáo
khác được xây dựng rầm rộ “ phát tiền kho 2 vạn quan thuê thợ làm chùa ở phủ
Thiên Đức…Ngoài thành phía nam dựng chùa Thắng Nghiêm …” vv… tạo nên diện mạo
mới của vùng đất kinh đô.
Cho đến nay gần 1000 năm trôi qua,
bao biến thiên của xã hội, sự đổi thay tàn nhẫn của tự nhiên, sự can thiệp thô
bạo của con người, khiến cho ngoài dòng sử liệu trên khó có thể cho biết về nguyên nhân và giá trị lớn
lao của sự kiện trọng đại dời kinh đô trong lịch sử. Gần đây những cuộc khai
quật khảo cổ học trên 3 vùng kinh đô cũ đã cho thấy phần nào những tư liệu vật
chất chân xác minh chứng cho những dòng tư liệu sử chép khô khan. Các cuộc khai
quật khảo cổ học tại kinh đô Cổ Loa tài
liệu thu được cho thấy nơi đây là một trung tâm kinh tế phát triển rực rỡ vào
thời kỳ An Dương Vương với những phát hiện kho mũi tên đồng Cầu Vực thu được
hàng vạn mũi tên 3 cạnh, hay trống đồng tìm được tại Mả Tre, xác tín nơi đây là
trung tâm chính trị, kinh tế, kỹ thuật của thời kỳ dựng nước. Thời kỳ 1000 năm
chống bắc thuộc tài liệu thu được ít ỏi, chứng tỏ sau thời kỳ phát triển rực
rỡ, nơi đây dần mất vai trò trung tâm kinh tế. Cuộc khai quật năm 2005 – 2007
tại Đền Thượng (Cổ Loa), trong hàng nghìn hiện vật thu được, chưa tìm thấy dấu
vết của một kinh thành thời kỳ Ngô Vương (938 – 967), vết tích để lại thuộc các
thế kỷ sau này (chủ yếu là thời Lê). Như vậy có thể thấy, Cổ Loa đã mất vai trò
trung tâm kinh tế, mặc dù thế kỷ X được sử dụng làm vùng đất kinh đô nhưng cũng
không tạo nên được sức sống về sau. Tại kinh đô Hoa Lư các cuộc khai quật khảo
cổ học vào thập nên 90 thế kỷ trước, ngoài vết tích của kinh thành Hoa Lư, nền
móng cung thất, vật liệu xây dựng trang trí mỹ thuật, thì dấu vết vật chất thuộc giai đoạn trước thế kỷ X hầu như rất
ít, chứng tỏ trước khi là vùng đất kinh
đô đây không phải là một trung tâm kinh tế, xã hội phát triển. Việc định đô ở
đây theo Lý Công Uẩn là “theo ý riêng” xuất phát điểm đây là vùng đất bản bộ,
thang mộc, khởi đầu từ Đinh Bộ Lĩnh. Chính vì nằm nơi hiểm yếu, không hội tụ
được tinh lực của ca tộc người nên vai trò kinh đô không được phát huy, dẫn đến
sự dịch chuyển vị trí kinh đô là một tất yếu của lịch sử. Trái lại vùng đất
Thăng Long, qua các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây( 2002 -2008) tại Đàn Xã
Tắc, Nam Giao, thành Thăng Long ( 18 Hoàng Diệu) đã cho thấy tư liệu vật chất
vô cùng phong phú, gồm nhiều loại hình, gạch ngói, đồ gốm, đồ sứ, vật liệu
trang trí mỹ thuật có mặt theo xuốt chiều dài lịch sử từ Hán, Lục Triều, Đường
, Tống vv… Xa hơn còn tìm thấy dấu vết cư trú của con người từ
văn hóa Phùng Nguyên – Dồng Đậu. Từ một ngàn năm chống bắc thuộc với vị
thế trung tâm, nơi đây dần xác định vai trò
trở thành trung tâm kinh tế phồn thịnh, đặt tiền đề dần trở thành trung
tâm chính trị của bộ máy xâm lược với sự ra đời của thành Đại La. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, sản vật dồi
dào, trung tâm kinh tế này ngày càng phát triển, hội tụ các điều kiện làm tiền
đề cho sự phát triển trong tương lai. Khi Lý Công Uẩn chọn Đại La làm nơi định đô cho
vương triều, nơi đây đã có bề dày
gần ba trăm năm là trị sở của quân xâm lược, làm tầng nền cho Thăng Long trở
thành một trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của dân tộc. Khác hẳn với Ngô
Quyền, Lý Công Uẩn vì quyền lợi dân
tộc đã vượt qua được những định kiến,
mạnh dạn, dũng cảm chọn trị sở cũ của quân xâm lược làm kinh đô. Một quyết định
taó bạo, có cân nhắc, mặc dù trong chiếu dời đô ông có nhắc” Trẫm muốn nhân địa
lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nảo? ”
Để có được thành quả này là cả một
quá trình nhận thức và nguồn gốc xuất thân của những người lãnh đạo. Năm 938
sau khi đánh tan quân xâm lược giành được độc lập, Ngô Quyền đã định đô ở Cổ
Loa. Ông là người Đường Lâm (Hà Tây), xuất thân từ nhà đời đời làm quý tộc, cho
nên mặc dù làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ, được giao cho quyền quản Ái Châu (Thanh Hóa) vùng đất phía nam xa xôi,
nhưng khi xưng vương, với tầm nhìn chiến lược của mình, ông đã chọn vùng đất
trung tâm đồng bằng bắc bộ làm nơi định đô của triều đình. Địa điểm định đô lần
này còn những hạn chế, dẫn đến khúc
quanh của lich sử, nhưng có thể đây là bài học , tiền đề nhận thức để sau này
Lý Công Uẩn có sự lựa chọn chính xác. Khi Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, châu
Đại Hoàng (Ninh Bình) lên làm vua ông đã định đô ngay chính nơi quê cha đất tổ
của mình. Sự lựa chọn này là theo ý riêng, đảm bảo sự an toàn cho vương triều
hơn là vì sự phát triển chung của dân tộc. Sau này Lê Hoàn lên nối ngôi, vốn
xuất thân là người Ái Châu nên giữ lại
kinh đô cũ là điều dế hiểu, kinh đô nằm
gần quê hương bản quán, dễ quản lý nhưng không giữ vị trí chiến lược. Chính vì
thế việc dời đô của Lý Công Uẩn là một sự kiện bản lề mở ra cho lịch sử dân tộc
một thời kỳ mới. Lý Công Uẩn vốn người châu Cổ Pháp Bắc Giang (nay là Bắc Ninh)
cách không xa trung tâm Cổ Loa, Đại La, khi nhỏ được theo học trong chùa Lục
Tổ, được hưởng nền giáo dục của những vị cao tăng, được coi là những tri thức lớn của thời đại. Nơi ông sinh
ra và lớn lên lại là vùng trung tâm Phật giáo phát triển. Vốn thông minh dĩnh
ngộ lại được giáo dục hoàn chỉnh từ nhỏ,
ông thâu nhận được tinh hoa của thời đại, từ nhận thức đó khi đứng đầu
vương triều ông đã đưa ra bước ngoặt
lịch sử, đáp ứng được nhu cầu phát triển của
dân tộc, tạo nên một thời kỳ mới, như sử cũ nhận xét “ Vua ứng mệnh
trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận”
Để làm được việc dời đô, trước hết
phải có nhận thức thấu đáo, tầm nhìn sáng xuốt,
có tính chiến lược, bản lĩnh vững vàng lãnh đạo đất nước cùng với thời
điểm thực hiện thuận lợi. Những yếu tố ấy được hội tụ trong con người Lý Công
Uẩn và thời điểm ông chọn. Sự kiện dời
đô đã tạo nên nền móng vững chắc cho dân tộc phát triển sau này, cho đến nay
1000 năm sau, vị trí của kinh đô Thăng
Long vẫn còn nguyên giá trị.
(1- 2- 3) Đại
Việt sử ký toàn thư. NXB KHXH – Hà Nội 1998 tr 241- 199
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét