DẤU ẤN VĂN HÓA ẤN ĐỘ Ở MIỀN TRUNG- VIỆT NAM
Trong những công trình nghiên
cứu hiện biết, nhiều nguồn tài liệu cho thấy mối giao lưu quan hệ văn hóa giữa
các vùng Đông Nam Á với Ấn Độ có từ lâu trong lịch sử trong đó có miền Trung
Việt Nam. Ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ vào Đông Nam á xuất phát từ nhu cầu thương
mại có truyền thống lâu đời từ những năm trước công nguyên. Nhu cầu thương mại
chính trong con đường buôn bán đó là
vàng và hương liệu và Đông Nam Á được coi " một xứ sở đầy vàng ở bên kia
đại dương".
Miền Trung Việt
Nam ở vị trí nằm trên con đường thương mại biển thuận lợi với sản vật phong
phú giàu khoáng sản vàng, nhiều trầm
hương, sản phẩm nhiệt đới quý đã trở thành vùng đất hấp dẫn cho các thương nhân
Ấn đến trao đổi buôn bán.
Sự giao lưu
càng được tăng cường khi họ phát hiện ra được quy luật của gió mùa trong quá
trình vượt biển đến buôn bán với các nước vùng Đông Nam á. Trong khi đó những
thế kỷ trước công nguyên người Ấn buôn bán vàng chủ yếu với La Mã thì đầu công
nguyên con đường này bị cấm. Họ quay
sang tìm mua vàng và hương liệu ở Đông Nam á. Chịu ảnh hưởng chi phối của gió
mùa, khi đến Đông Nam á mua hàng họ thường phải chờ đợi gió thuận khi trở về,
trong thời gian đó họ xây dựng các thương điếm, tạo cơ sở đứng chân buôn bán
lâu dài và truyền bá văn hoá, tôn giáo của họ tới các cộng đồng cư dân địa
phương. Trong các thương điếm được dựng xây có những cơ sở tín ngưỡng của họ.
Đây có thể coi là những cơ sở tôn giáo đầu tiên của Ấn Độ trên các nước khu vực
Đông Nam á trong đó miền Trung Việt Nam.
Dấu ấn để lại thời kỳ này trong văn hoá Sa Huỳnh ở
miền Trung cho biết cư dân nơi đây đã có mối liên hệ giao lưu trao đổi với văn
hoá Ấn Độ. Những sản phẩm đồ trang sức bằng thuỷ tinh, mã não, đá ngọc tìm được
trong văn hoá Sa Huỳnh, đồ gốm tìm được ở Trà Kiệu là những bằng chứng đầu tiên
về mối giao lưu đó. Bước vào thời kỳ lịch sử, kế thừa con đường thương mại đó,
khi người Chăm giành được độc lập, văn hóa Ấn Độ có điều kiện phát triển và trở
thành dòng chảy chính tạo nên diện mạo văn hóa trên vùng đất.
Trước hết có thể
thấy, bên cạnh sự có mặt của văn hóa Ấn Độ trên dải đất miền Trung còn có sự ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Các
di tích văn hóa Sa Huỳnh di vật có nguồn
gốc Trung Hoa xuất hiện khá phổ biến, gương đồng, dao thời Tây Hán, đồ gốm Hán,
tiền ngũ thù đã có mặt. Đặc biệt nhà Hán đã đặt được quận huyện cai trị trên
vùng đất bắc miền Trung (quận Nhật Nam). Sau thế kỷ II (năm 192), người Chăm
giành được độc lập dựng nên nhà nước tự chủ (Lin Y - Lâm Ấp) họ đã chọn mô hình
xã hội, tinh thần Ấn Độ để xây dựng nên nền văn hóa của mình và tồn tại đến khi
hội nhập chung vào lãnh thổ dân tộc.
Trong quá trình
tồn tại và phát triển, người Chăm đã chọn mô hình văn hóa Ấn Độ, kết hợp với
tầng nền văn hóa bản địa để tạo nên văn hóa Champa.“ Dân tộc Chàm đồng hoá nhanh với nền văn minh ấy;
họ theo tôn giáo và phong tục, chữ viết và tư tưởng; hành chính và pháp luật
của nền văn minh ấy”. Dấu ấn sớm nhất của văn hóa Ấn Độ để lại trên miền Trung
là bia Võ Cạnh (Khánh Hòa) " viết bằng chữ Phạn đúng cách, cho ta thấy
rằng họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Ấn Độ". “ bia Võ Cạnh là một dạng Sankrít có nguồn gốc Tamul. Tên
gọi Srimara tức là Paramara hay maran là một tước vua của người xứ Pandya, mà
rất có thể là người xứ này đến lập nghiệp ở Kauthara (Nha Trang) đã có ý muốn
gợi nhớ lại dòng giống Pandya của mình khi khắc bia Võ Cạnh làm kỷ niệm ”. Niên
đại bia vào thế kỷ II - IV.
Sau đó là các bia ký: Mỹ Sơn I, Hòn Cục, Chiêm Sơn
(Quảng Nam); chợ Dinh ( Phú Yên) có niên đại vào thế kỷ V đã cho biết sự phổ
biến của nền văn hóa Ấn Độ trong văn hóa Champa.
Từ sự lựa chọn
ban đầu đó, cho đến nay người Chăm đã đưa tinh thần và văn hóa Ấn Độ để lại
trên mọi hoạt động, phương thức sống của mình và tồn tại cho đến ngày nay.Với
di sản văn hóa Champa đồ sộ để lại gồm vật thể và phi vật thể có thể thấy dấu
ấn văn hóa Ấn Độ để lại vô cùng phong phú trên mọi lĩnh vực. Khai thác nguồn tư
liệu vật thể: văn bia, kiến trúc, điêu khắc cho thấy những yếu tố văn hóa thấm
đậm tinh thần Ấn Độ:
1.Tài liệu văn
bia :
Theo thống kê của các học giả người Pháp vào năm
1923, số bia ký Chăm đã được biết là 170( đánh số từ C1 đến C170) , tất cả các bia ký Chăm đều được khắc
lên đá thành những tấm bia to và đẹp và một số bia ký khác được khắc lên tường
của các tháp Chăm. Cho đến
nay có gần 200 bia ký Champa được biết đến trong đó có khoảng số 130 bia ký có thể
hiểu được nội dung thì 94 bia nói về Siva giáo, 5 bia về thần Brahma, 3 bia về
thần Visnu, 7 bia về đức Phật và 21 bia không rõ về về tính tôn giáo.[1].
Văn bia được coi như nguồn sử liệu tin cậy cung cấp tư liệu nhiều mặt về đời
sống xã hội và văn hoá của người Chăm trong lịch sử.
1.1 Địa danh lịch sử:
Theo nguồn tư liệu lịch sử, tên gọi vương quốc cổ
Champa có nguồn gốc từ một tên gọi vùng đất Ấn Độ- tên thành phố thuộc lãnh địa
của Đại đế Bimbisara và " Dường như những ngưới Ấn định cư tại Việt Nam đã
đến từ vùng Champa (tức Bhagalpur, thuộc bang Bihar" [2]. Tên gọi Champa (Campapura) “ đấng
SriSambhubhađrêxvara oai linh …trong thánh thi vận hạnh của Campa” hay “ …con
đường đi tới nguồn hạnh phúc cho xứ xở Campa”[3]
được người Chăm sử dụng trong các bi ký của mình dù lịch sử bên ngoài ghi chép
tên quốc gia cổ ấy là Lâm Ấp ( Lin Y); Hoàn Vương, Chiêm Thành vv...Tên gọi đó
chỉ khác nhau trong các thời điểm lịch sử. Có tên gọi khác nhau, đó là từ những
tư liệu lịch sử “đứng bên lề” ghi lại theo mỗi phân kỳ lịch sử, còn trong bia
ký Champa tên gọi Campa hầu như là danh chính của nhà nước cổ này được ghi chép
qua nhiều thế kỷ. Chính vì thế, cho đến nay tên gọi Champa là định danh được nhiều nhà khoa học thừa nhận.
Tên gọi các vùng
đất Champa, theo các nguồn tư liệu cho biết, Champa chia thành nhiều vùng khác
nhau với các tên gọi có nguồn gốc Ấn Độ:
Châu Amaravati,
Vijaya; Kauthara, Panduranga là những tên gọi có nguồn gốc xuất phát từ những
vùng đất Ấn Độ, ví dụ như Amaravati (bang Andhra Pradesh).
Những tên gọi
kinh đô như Simhapura, Indrapura, Vijaya, Virapura đều gắn với sự tích liên
quan, ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ.
1.2. Cấu trúc xã
hội
Theo tài liệu
bia ký, cư dân Champa chia làm 4 nhóm:
- Ba la môn là
tầng lớp tăng lữ cao quý nhất, người chăm sóc tinh thần của cộng đồng. Vua Champa xuất thân “ là con trai của một người
Balamôn xuất sắc..”,và “ không có một tội ác nào lớn hơn tội giết một vị
Balamôn”1 .
- Ksatriya là tầng lớp trên và được coi là cao quý trong
xã hội Champa.
- Vaishya là
tầng lớp bình dân đông đảo trong cư dân
- Shudra là tầng
lớp nô lệ. Văn bia Champa nói đến việc nhà vua dâng cúng cho các vị thần được
thờ ngoài đồ vật kim loại quý, còn có nô lệ phục vụ thần.
Như vậy mô hình
cấu trúc cư dân Chăm cũng được phân ra theo mô hình cấu trúc tầng lớp cư dân xã
hội Ấn Độ. Văn hóa Ấn Độ đã ảnh hưởng hết sức sâu sắc trong việc tổ chức cư dân
Champa. Cư dân chia thành nhiều đẳng
cấp, trong đó đẳng cấp Bhama và Ksatriya là tầng lớp trên năm giữ tinh thần và
tổ chức quản lý xã hội.
1.3. Danh xưng:
Tên các vị vua
sáng lập các triều đại trong lịch sử Champa đều gọi theo tên Ấn Độ
Theo Bia Võ Cạnh
vị vua được coi đầu tiên là CriMara. Bia Mỹ Sơn I vua là Sambhuvarman. Sau này là các vị vua: Vijayavarman;
Gangaraja; Rudravarman; Vikrantavarman;
Indravarman vv... đều lấy danh xưng theo tên gọi có nguồn gốc văn hóa Ấn.
1.4. Lịch pháp
Lịch pháp Champa sử dụng theo lịch pháp có
nguồn gốc Ấn Độ.Văn bia Champa còn ghi lại năm tháng tạo dựng theo lịch Saka,
lịch do vua Phật giáo Kaniska sáng lập sau năm 78 sau công nguyên.
1.5. Văn tự:
Chữ viết trên các văn bia đều lấy nguồn
gốc từ văn tự Ấn Độ. Đến thế kỷ IX văn tự cổ Champa xuất hiện cũng xuất phát từ
nguồn gốc văn tự Ấn Độ (Sanskrits).
1.6. Ngoài những yếu tố trên văn bia Champa còn cung cấp thêm
những kiến thức về thiên văn học, đơn vị đo lường, sự tích văn học lấy từ nguồn
cảm hứng có nguồn gốc từ văn hóa Ấn Độ.
2. Kiến trúc:
Trải qua những biến động xã hội và
thiên nhiên can thiệp, cho đến nay, miền Trung còn lại một hệ thống kiến trúc
tháp Champa với số lượng lớn trên 60 địa điểm trên mọi vùng khác nhau. Niên đại
xây dựng kéo dài trong lịch sử. Nghiên cứu hệ thống kiến trúc tháp hiện còn cho
thấy:
Tháp Champa được dựng lên là cơ sở tôn giáo
thờ các vị thần mang nội dung tôn giáo Ấn Độ. Chính vì thế, mô hình và mặt bằng
kiến trúc tháp đều chuyển tải nội dung Ấn Độ giáo, biểu tượng cho núi Meru nơi
ngự trị của thần linh. Trong một quần thể kiến trúc, kiến trúc trung tâm chính-
điện thờ thần, bao giờ cũng cao và có quy mô lớn nhất, xung quanh là hệ thống
kiến trúc phụ thấp dần. Mặt bằng kiến trúc tháp được coi có biểu tượng như hình
Yony- mặt âm của thần Shiva, kiến trúc nhô cao được coi được coi là biểu tượng
Linga - mặt dương của thần Shiva. Khối
của kiến trúc tháp có tỉ lệ thích hợp
với đế tháp đồ sộ vững trãi, thân khối vuông vức vươn cao, hệ thống cửa
ra vào, cửa giả trang trí cân đối. Hệ thống diềm mái phân biệt thân và nóc kiến trúc nhiều lớp
nhịp nhàng. Nóc tháp gồm nhiều tầng thu nhỏ lên trên, mỗi tầng là mô hình thu
nhỏ của thân tháp và kết thúc đỉnh tháp là biểu tượng Linga. Tỉ lệ các phần cân
đối hài hòa tạo nên nhịp điệu kiến trúc nhịp nhàng, sang trọng. Tháp được xây
dựng chủ yếu bằng gạch, kỹ thuật xây khó thấy mạch cùng chất kết dính. Trang
trí tháp hoàn chỉnh từ đế tháp đến các khối kiến trúc hài hòa, chuyển tải nội
dung liên quan đến các vị thần được thờ. Kỹ thuật khắc tạc điêu luyện với nhận
thức thẩm mỹ cao." Tháp Chăm ở Việt nam chính là một mô hình thu nhỏ về
kiểu dáng của các ngôi đền ở phía Nam Ấn Độ...Chúng giống nhau đến nỗi dường
như bí quyết về kỹ thuật chế tạo gạch và nghệ thuật xây gạch dính sát với nhau
ở Việt Nam đã được nhập khẩu từ Ấn Độ"1
.
3. Điêu khắc.
Cho đến nay hàng nghìn tác phẩm điêu
khắc Champa được phát hiện, tiêu biểu cho các giai đoạn nghệ thuật điêu khắc
Champa trong các thời kỳ khác nhau có mặt trong các bảo tàng lớn trong và ngoài
nước, tiêu biểu là Bảo tàng điêu khắc đá Champa (Đà Nẵng).
Nội dung các tác phẩm điêu khắc này
đều mang nội dung tôn giáo và văn hóa Ấn Độ. Trước hết là hệ thống bệ thờ được
chế tác thờ trong lòng các tháp. Linh vật thờ chủ yếu là biểu tượng của thần
Shiva - một trong ba vị thần chính của Ấn Độ giáo. Biểu tượng này xuyên xuốt nội dung thờ trong
văn hóa Champa. Có thể lấy hai tác phẩm sớm và muộn nhất trong các tháp thờ
Champa. Bệ thờ Mỹ Sơn E1 vào thế kỷ VII. Trang trí bệ thờ là các hình ảnh tu luyện
của các tu sĩ theo giáo lý tôn giáo. Biểu tượng thờ là Linga. Bệ thờ tháp
Porome thế kỷ XVII vật thờ là Yony - Linga có tạc Mukhalinga.
Hệ thống thần linh trong Ấn Độ giáo
đều được thể hiện trong các tác phẩm điêu khắc với 3 vị thần chính: Shiva- Visnu-
Bhrama.
Thần
Bhrama
Ngoài 3 vị thần chính còn có cả hệ
thống thần linh như thần Inđra (thần Sấm sét); thần Surya (thần mặt trời); thần
lửa (Agnhi), thần gió (Vayu),thần biển (Varuna); thần mặt trăng (Soma); thần
Rừng (Yaksa); thần chết hay Diêm vương (Yama); thần Tài Lộc (Kubera); các vị
thần phương hướng (Lokapara); thần thời gian (KaLa); thần thần chiến tranh
(Skanda); thần bảo vệ (Drapalla); thiên thần vũ nữ (Appsara); nữ thần may mắn
(Laksmi);nữ thần nghệ thuật (Sarasvati); nữ thần Bhagavati; nữ thần Durga hay
Quỷ vương Ravana trên các Ty pam tháp Mỹ Sơn F3
Bên cạnh đó là hình ảnh các vị thần
vật linh như Ganesa, Nam din, Ham sa, thần Rắn (Naga), hầu vương Haruman, rắn
Seka, Gajasimha( voi - sư tử), tượng voi, tượng sư tử vv... đều chuyển tải nội
dung tôn giáo Ấn Độ phù hợp với nhận thức của người dân. Đặc biệt một số tác
phẩm điêu khắc còn thể hiện những nội dung theo tinh thần sử thi văn hóa Ấn như
cuộc thi tài bắn cung của hoàng tử Rama trên bệ Trà Kiệu, hay sự tích Hầu Vương
Haruman cứu Sita chân tháp Khương Mỹ, cuộc thi tài của thần Shiava với quỷ
vương Ravana điệu múa thiêng Shiva trên
các bức Typam Mỹ Sơn C1, Ponaga, Lương Hậu vv...
Như vậy có thể thấy, toàn bộ nội dung các tác phẩm điêu khắc Champa đều
chuyển tải nội dung văn hóa Ấn Độ vào cộng đồng cư dân trong lịch sử. Đó là
hằng số văn hóa xuyên xuốt trong toàn bộ tiến trình văn hóa Champa.
4. Một số nguồn tư liệu khác.
Cùng với
những dòng chảy chủ yếu mang nội dung văn hóa Ấn Độ nêu trên, nhiều tư
liệu vật chất và tinh thần của người Chăm còn mang đậm những dấu ấn từ văn hóa
Ấn Độ.
Đồ gốm những
bình gốm (Kendi) có mặt trong suốt tiến trình nghề sản xuất gốm Champa cũng
được coi là bằng chứng ảnh hưởng từ nghề sản xuất gốm Ấn Độ. Bên cạnh đó các
phong tục tập quán trong tang lễ (hỏa táng), cưới xin, hay văn học, nghệ thuật
Champa đều có dấu ấn của nền văn minh đồ sộ từ Ấn Độ chuyển qua được người Chăm
tiếp thu làm phong phú thêm đời sống vật chất tinh thần của người dân theo xuốt
chiều dài lịch sử.
Điểm qua nguồn
tư liệu hiện biết, có thể thấy tinh thần cùng văn hóa Ấn Độ là hằng số xuyên
xuốt tạo nên giá trị vật chất, tinh thần
văn hóa Champa đóng góp làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc.
Sự hiện diện của
người Chăm cùng lịch sử và văn hoá từ quá khứ cho đến ngày nay luôn là một bộ
phận khăng khít trên phần đất bán đảo Đông Dương, trong lãnh thổ Việt Nam đa
dân tộc. Cư trú trên địa bàn không gian mở, từ cội nguồn văn hoá truyền thống
được xây dựng, người Chăm đã tiếp xúc và tiếp thu văn hóa Ấn Độ đa chiều xuyên
xuốt theo chiều dài lịch sử. Hội tụ chắt lọc, người Chăm đã tạo nên một nền văn
hoá rực rỡ thấm đậm tinh thần tôn giáo
văn hóa Ấn Độ và trở thành một bộ phận quan trọng trong tổng thể văn hóa dân
tộc Việt Nam cho đến ngày nay. Đó là tiền đề quan trọng để hai dân tộc Việt -
Ấn song hành cùng đi tới tương lại./.
[1] Lương Ninh : Vài nét về Văn bia Champa.
NPHMVKCH. Hà Nội 1985; tr 247- 249
[2] Geetesh.
Sharma: Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam. Nhà xuất bản văn hóa văn nghệ
TP Hồ Chí Minh. 2012
[3] Nội dung
bia Mỹ Sơn III
1 Bia Mỹ Sơn
III
1 Geetesh.
Sharma: Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam. Nhà xuất bản văn hóa văn nghệ
TP Hồ Chí Minh. 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét