CHÙA NHẪM DƯƠNG (HẢI DƯƠNG) VÀ THIỀN PHÁI PHẬT GIÁO TÀO ĐỘNG
Phật giáo là tôn giáo lớn, đóng
vai trò quan trọng, đồng hành theo suốt chiều dài lịch sử nền văn hóa dân tộc.
Mặc dù có nguồn gốc "ngoại sinh", khi hội nhập vào đời sông tinh thần
của người dân, Phật giáo đã trở thành hệ tư tưởng và có nhiều đóng góp vào sự
nghiệp bảo vệ nền độc lập và bản sắc văn
hóa dân tộc.Trong quá trình hội nhập và phát triển, trong mỗi giai đoạn lịch sử
các Thiền phái Phật giáo có nhiều đóng
góp khác nhau, trong đó có thiền phái Tào Động, xuất hiện trong dòng chảy Phật
giáo Việt Nam vào thế kỷ XVII - XVIII
I.Vài nét về
nguồn gốc:
Theo lịch sử
nguồn gốc Thiền Phái Tào Động xuất hiện tại Trung Hoa vào thế kỷ IX. Thiền phái này có hai thiền sư Ðộng Sơn và
Lương Giới (807-869) và Tào Sơn Bản Tịch (840-901) sáng lập. Vào thế kỷ
XVII thiền phái được du nhập vào Việt Nam Theo tấm bia chùa Hồng Phúc (Hà Nội)
soạn năm 1932 cho biết vị Tổ thứ nhất của thiền phái ở Việt Nam là Hòa thượng
Thủy Nguyệt, pháp húy Thông giác đạo Nam thiền sư và được coi là truyền thừa
đời thứ 36 của thiền phái Tào Động nói chung.
Theo hành trạng
của Tổ cho biết ông sinh năm 1637, quê ở Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên
Hưng đạo Sơn Nam, vốn có nguồn gốc gia đình " thi thư đời trước nối
truyền, đạo đức sửa mình trong sạch. Thiếu thời thi đỗ nho khoa, tên sớm nêu
cao bảng hổ. Tráng niên nghiên cứu thêm Thiền học..." (1). Xuất
thân từ gia đình nho học, năm 18 tuổi
thi đỗ Cống cử tứ trường, năm 20 tuổi chán cảnh bọt bèo dâu bể tìm để chùa xã
Hổ Đội, huyện Thụy Anh xin xuất gia học đạo. Năm 1664, ông cùng hai đệ tử đi tu
học tại chùa trên núi Phượng Hoàng, Hồ
Châu (Trung Quốc) trực tiếp với Hòa thượng Nhất Cú Trì giáo tổ thứ 35 của thiền
phái Tào Động " đạo vốn nhận từ núi phượng xa xôi". Trong sáu năm
theo học căn cốt giáo lý cơ bản của thiền phái Tào Động, năm 1667
(2) ông trở về Việt Nam cư trú tại chùa Vọng Lão ở núi An Sơn, huyện Ðông
Triều, tỉnh Hải Dương, hoằng Dương giáo
lý của thiền phái này.
Với giáo lý "Dòng Tào Ðộng chủ trương Vị quân thần".
Có vua là vì có bầy tôi, có bầy tôi là vì
có vua:
Vua trông thấy bầy tôi.
Bầy tôi hướng về vua
Vua (một mình)
Bầy tôi (một mình)
Vua và bầy tôi (bên nhau).
Ông đã có mặt
tại nhiều ngôi chùa trên các vùng để lan tỏa giáo lý: Tư Phúc (Côn Sơn - Hải
Dương), Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn
vv... Đặc biệt tại kinh đô Thăng Long: các chùa Hàm Long, Hòa Giai và Trấn Quốc
(Hà Nội) đều thuộc tông phái Tào Ðộng. Sức sống của thiền phái Tào Động lan tỏa
ảnh hưởng khá rộng. Năm 1704,
ông mất thọ sáu mươi tám tuổi, được coi là ông tổ thứ nhất của thiền
phái Tào Động (Nam thiền sư) ở Việt Nam và tổ thứ 36 của thiền phái Tào Động
nói chung.
Vài sơ lược hành
trạng của Hòa thượng Thủy Nguyệt- tổ thứ nhất cho thấy:(3)
- Bối cảnh xã
hội Việt Nam lúc đó sau cuộc chiến tranh Lê - Mạc liên miên, mặc dù Phật giáo
có bề dày hàng ngàn năm trong đời sống tinh thần dân tộc với nhiều thiền phái
đóng góp đáng kể, nhưng sau chiến tranh chùa chiền bị quên lãng, phá hủy, sức
sống Phật giáo bị tản mát. Cho nên sau chiến tranh việc phục hưng phật giáo để
củng cố ý thức hệ dân tộc, tái cấu trúc một xã hội ổn định là việc làm cấp
thiết. Thiền phái Tào Động xuất hiện trong thời điểm lịch sử đó đáp ứng được nhu cầu của dân tộc.
- Tổ thứ nhất
của thiền phái Tào Động ở Việt Nam là nhà nho khoa bảng xuất gia. Ông có nền
tảng kiến thức cơ bản về nhận thức xã
hội, nhận thấy nên và cần có một thiền phái Phật giáo phù hợp điều kiện xã hội
mới để xây dựng hệ tư tưởng phù hợp với
hoàn cảnh lịch sử. Ông đã chọn giáo lý của phái Tào Động làm mục tiêu truyền
bá. Xuất thân từ Đại khoa nho giáo ông có đủ kiến thức để nhận biết, tiếp thu
giáo lý đạo Phật căn cốt, có chọn lọc phục vụ cho mục đích.
- Phái Tào Động
truyền vào Việt Nam do được người Việt
Nam chủ động du nhập. Giáo lý được tiếp thu cơ bản, trực tiếp từ nơi khai sinh
ra thiền phái tôn giáo này. Người tiếp thu, truyền bá có kiến thức quảng bác,
chọn lọc phù hợp với tinh thần dân tộc nên thiền phái Tào Động có điều kiện
dương danh và lưu truyền rộng rãi lâu dài cho đến ngày nay.
II. Chùa Nhẫm Dương và những ngôi chùa liên quan.
Hơn 3 thập niên
cuối đời hoằng dương giáo lý thiền phái
Tào Động, tư liệu ghi chép về những địa danh cho biết ông đã tiếp xúc với Hòa
thượng chùa Thượng Long (Đông Triều) và trụ lại tại chùa Hạ Long để khuông đồ
lãnh chúng' "Sư ở đây không bao lâu dân chúng đến nghe pháp và quy y rất
đông"
Từ chùa Hạ Long,
cuối đời " Sư bảo bổn chúng rằng: Nay ta lên chơi trên núi Nhẫm Dương, nếu
bảy ngày không trở về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy. Tứ
chúng bùi ngùi mà không dám theo. Đợi đúng 7 ngày không thấy nhà sư trở về, tứ
chúng cùng nhau kéo lên núi Nhẫm Dương nghe gió thổi mùi hương ngào ngạt, mọi
người tìm đến một cái hang thấy sư ngồi kiết già trên trên tảng đá trong
hang... Tứ chúng thỉnh nhục thân sư về hỏa táng, chia linh cốt thờ hai nơi, một
ở chùa Hạ Long, một ở hang núi Nhẫm Dương".
Như vậy trong
hành trạng của mình, tài liệu cho biết Thủy Nguyệt tổ sư liên quan đến 3 địa
danh: chùa Hổ Đội quê hương, nơi xuất gia đầu tiên. Chùa Hạ Long nơi chù trì
và chùa Nhẫm Dương nơi tịch tại hang núi
Nhẫm Dương. Cốt được thờ hai nơi: chùa Hạ Long và Nhẫm Dương. Từ đó tín đồ coi chùa
Nhẫm Dương là chốn Tổ Đình.
Do thăng trầm biến động của lịch sử, qua năm
tháng khảo sát những địa danh ghi chép cho thấy:
1. Chùa Thượng
Long:
Dấu tích chùa Thượng Long nằm trên ngọn núi
cao trên 820m so với mực nước biển thuộc xã Bình Khê, thị trấn Mạo Khê. Chùa
nằm nơi cao nhất của dãy núi nên tên chùa là Thượng Long? Đỉnh là khoảng đất
khá phẳng rộng. Chính giữa là một " huyệt linh" khá vuông vức trấn trời đất rộng khoảng 9m2
, hiện mọc đầy lau sậy, mà người dân ở đây tương truyền là giếng? Bên
cạnh là khối đá sạn hình khối chữ nhật được coi là Mộ thiêng của vị Thiền sư,
người thường đàm đạo với sư tổ Tào Động. Phía Đông thấp dưới sườn là khoảnh đất phẳng, hiện còn
lại dấu vết nền chùa cũ. Dựa vào địa hình cho thấy quy mô chùa khá nhỏ. Chắc
được dựng bằng vật liệu kém bền vững nên chưa thấy dấu vết vật liệu bền vững.
Phía Tây còn lại là ngôi mộ thủy Tổ(?) mới được tôn tạo. Với dấu tích, địa danh
còn lại có thể thấy đây là địa điểm Phật
giáo liên quan đến Tổ Sư thiền phái Tào Động
Hai Ngôi Mộ(?) liên quan đến chùa
Thượng Long
2 Chùa Hạ Long:
Chùa nằm dưới vị
trí sườn núi thấp trên đường lên chùa Thượng Long. Do năm tháng chùa hiện nay
được tôn tạo lại. Kiến trúc xưa duy nhất để lại là tháp Mộ. Căn cứ vào dáng
tháp, số tầng, kỹ thuật xây dựng cho thấy đây là ngọn tháp được xây dựng vào
thế kỷ XVIII. Có thể đây là nơi chứa Bảo cốt của thiền sư Tổ.
3 Chùa Non Đông
(Tường Quang)
Chùa Non Đông tọa lạc trên vùng đất phẳng dưới
chân núi thuộc khu Vĩnh Lập, thị trấn Mạo Khê (Đông Triều). Do biến loạn xã
hội, chùa cũ không còn, trên địa điểm xưa chùa được tôn tạo lại. Khảo sát hiện
trạng cho thấy, tại đây còn lưu giữ 01 tấm bia thế kỷ XIV. Niên hiệu Khai Hựu
năm thứ 3 với kích thước còn lại cao 118cm, rộng 52cm, dày 12cm, đặt trên bệ đá
khối hộp chữ nhật vuông dài 89cm, rộng
46cm.
Bia đá chùa Non Đông
Viền khối tạc
hoa văn cánh sen khắc nổi mập tròn. Trấn bia vỡ, một bên trang trí hình chim
Phượng. Lòng bia khắc chữ khá rõ. 01 tấm bia
niên hiệu Tự Đức, Khối chữ nhật mỏng, để trơn không trang trí. Nội dung
bia nói về hành trạng sư chù trì chùa - Tổ Cua. 01 chân tảng đá vuông vức, kích
thước lớn.Hai Bảo tháp đá ba tầng thu nhỏ gọn vút cao, các tầng cân đối hài hòa
vững chãi. Tháp có niên đại vào thế kỷ XVII - XVIII.
Hai tháp Mộ chùa Non Đông
Dựa vào di vật còn lại cho thấy chùa là địa
điểm thiêng, được hưng công nhiều lần. Lần hưng công có quy mô lớn nhất có thể
vào thời thiền phái Tào Động chù trì.
4. Phế tích kiến
trúc.
Phế tích nằm
không xa chùa Non Đông, ven sườn một quả đòi thấp. Khảo sát địa hình cho thấy
tại đây còn dấu vết nền kiến trúc không rộng được kè đá vững chắc. Hạt nhân của
kiến trúc hiện còn hai ngôi mộ, trong đó có tháp mộ quy mô không lớn. Di vật
liên quan đến tháp mộ còn một phiến đá hình chữ nhật khá dày, được chế tác cẩn
thận, hai mặt mài nhẵn có viết về hành trạng sự nghiệp của sư trù trì chùa vào
thế kỷ XVIII. Kich thước phiến đá:
Kè đá mặt bằng kiến trúc
|
Di vật ghi hành trạng
|
Dài 1,08m, rộng
0,435m, dày 0,22m
5 Chùa Nhẫm
Dương (Thánh Quang)
Chùa Nhẫm Dương
nằm trên vùng đất phẳng, dưỡi chân dãy núi Nhãm Dương. Đây là dãy núi đá vôi có
phong cảnh đẹp, hữu tình trên vùng đất. Do kiến tạo địa chất, qua năm tháng can
thiệp của tự nhiên nhiều hang động trong dãy núi được hình thành tạo nên những
kỳ quan. Theo tài liệu cho biết Sư tổ thiền phái Tào Động hóa trong hang núi
tại đây. Chùa được lưu giữ một phần linh cốt nên nơi đây được thiền phái coi là
chốn Tổ Đình. Chùa Nhiễm Dương, do năm tháng cùng biến động xã hội, kiến trúc
xưa không còn. Trên địa điểm cũ, chùa được dựng lại. Những dấu tích còn lại
ngoài hang thánh tích xưa nơi hóa của Tổ Thiền, những di vật chùa xưa còn lại :
01 chân tảng khối hộp vuông dá xanh, mặt
trang trí cánh sen, kích thước 0,55m x 0,55m
Chân tảng
|
Trán
bia thời Nguyễn
|
04 bia đá cùng một tháp Mộ, trong đó bia Thánh
Quang thiền tự dựng năm Tự Đức thứ 12 được trang trí đẹp, đề tài lưỡng
long (hóa lá) chầu nguyệt được chạm khắc
sắc sảo điển hình cho nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn ở phía Bắc.
III. Sự đóng góp
của thiền phái Tào Động vào văn hóa dân tộc thế kỷ XVII - XVIII.
Phật giáo có mặt ở Việt Nam khá sớm từ những
năm đầu công nguyên. Vào thời điểm thiền phái Tào Động có mặt ở Việt Nam, phật
giáo đã đứng chân trên dải đất gần hai ngàn năm với nhiều dòng thiền lớn ảnh
hưởng sâu rộng: Vô ngôn thông, Tỳ ni đa lưu chi.... hay những thiền phái được
người Việt sáng lập như Thảo Đường, Trúc Lâm. Đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm
do Vua Trần Nhân Tông sáng lập với 3 vị tổ ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Việt
Nam với các trung tâm Yên Tử, Quỳnh Lâm, Côn Sơn.
Vị thế của Phật
giáo sa sút vào thế kỷ XV khi ý thức hệ nho giáo thắng thế trong nhà nước quân
chủ thời Lê. Sự biến động của xã hội, sự tranh chấp quyền lực của các tập đoàn
phong kiến Nam - Bắc triều (Mạc - Lê Trịnh); Đàng trong - Đàng ngoài (Lê Trịnh
- Nguyễn) sau hơn trăm năm loạn lạc khiến ý thức hệ nho giáo khủng hoảng. Tầng
lớp nho sĩ ngả nghiêng, xã hội biến loạn người dân có xu hướng quay về nương náu tinh thần nơi
cửa phật. Vào thế kỷ XVII khi xã hội dần tương đối ổn định, phật giáo từng bước
dần phục hưng. Kế thừa những dòng thiền truyền thống cùng với sự hồi sinh của
thiền phái Trúc Lâm thì xuất hiện nhiều dòng thiền khác như Lâm Tế, Liên
Tông Tào Động. Sự xuất hiện thiền phái
Tào Động trong điều kiện sự nở rộ của các thiền phái cho thấy thiền phái này có
vị thế riêng bởi những đóng góp vào hệ tư tưởng dân tộc.
Khảo sát các di tích chùa thuộc thiền phái Tào
Động với trung tâm là tổ đình Nhẫm Dương bước đầu cho thấy:
- Cơ sở tu hành
của thiền phái vốn có từ những cơ sở phật giáo cũ được Tào Động dương danh trở
lại nhưng mang nội dung mới. Nằm trên địa bàn vòng cung Đông Triều, các chùa
của Tào Động vốn kế thừa các cơ sở của thiền phái Trúc Lâm. Sự có mặt của sư tổ
tại các di tích Côn Sơn, Yên Tử... những trung tâm của Trúc Lâm xưa cho thấy
khi hoằng dương ông đã chọn một dòng thiền của dân tộc để dương danh. Chính vì
thế các chùa thuộc phái Tào Động có liên quan mật thiết nằm tập trung ở vùng đất Đông Triều và Nhẫm Dương - Hạ Long được chọn làm nơi tu
hành, chứa linh cốt và trở thành Tổ Đình của thiền phái.
- Những cơ sở vật chất của Tào Động giai đoạn
đầu chủ yếu xuất hiện tại những vùng núi do điều kiện lịch sử, đời Vĩnh Trị
(1678- 1680) vua Lê Hy Tông ra lệnh cho các quan trong cả nước bất cứ ở đâu
Tăng ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết về nơi rừng núi. Cho nên các di tích
biết đến đều được xây dựng trên các vùng
địa hình này.Do Tào Động xuất hiện muộn, chưa có bề dày năm tháng so với các
thiền phái khác, lại không được bảo trợ của chính quyền nên cơ sở vật chất thường
quy mô không lớn, mang tính chất cộng đồng nhỏ.
- Vào cuối thế
kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII thiền phái Tào Động được phát huy bởi công của vị Tổ
thứ 2 là Thiền sư Tông Diễn. Ông là người nhận thức Phật giáo chỉ phát triển
được khi có sự ủng hộ của chính quyền và ông đã tìm cách đưa tinh thần phật
giáo Tào Động về kinh đô. Người đã lấy tinh thần của dòng phật giáo Tào Động
thuyết pháp nội dung: Dòng Tào Ðộng
chủ trương Vị
quân thần. Có vua là vì có bầy tôi, có bầy tôi là vì có vua." Phép vua
chính cùng phép Phật gắn liền như thịt với da". Tinh thần này phần nào
giải quyết cho sự khủng hoảng của tinh thần nho giáo, ủng hộ tinh thần trung
Quân, nâng cao vị thế của nhà vua nên được sự ủng hộ của chính quyền. Điều kiện
đã cho phép phái Tào Động phát triển trên hai địa bàn, nơi đứng chân đầu tiên (Hạ
Long - Nhẫm Dương nơi vị tổ thứ nhất trù trì) và nơi trung tâm đất nước
( Kinh đô Thăng Long). Tại nơi khởi nguồn với Hạ
Long - Nhẫm Dương làm trung tâm, phái Tào Động hòa cùng các thiền phái khác
dương danh đạo Phật, biến vùng đất Đông Triều thành một trung tâm Phật giáo lớn
vào thế kỷ XVII - XVIII mà vào thế kỷ XVII, Nguyễn Dữ đã nhận xét ở Đông
Triều chùa “… dựng nhan nhản khắp nơi, những người cắt tóc làm tăng ni nhiều
bằng nửa số dân thường…”.
Tại Thăng Long thiền sư Tông Diễn đã cho khắc bản
in kinh Hoa Nghiêm ở chùa Báo Thiên, khắc bản in kinh Pháp Hoa để ở chùa Khán
Sơn. Tu sửa chùa Hòa Nhai (Hồng Phúc) làm nơi trù trì, mở nhiều cơ sở của thiền
phái nhiều nơi làm nên hệ thống chùa của
phái Tào Động trên vùng đất Thăng Long và phụ cận " kế tục quá khứ,
mở rộng tương lai, chốn tùng lâm Hồng Phúc lại chấn hưng; đèn Thiền lại ngời
ánh lửa. dòng phái Tào Khê mãi mãi dài lâu. Phong trào tôn giáo lại dâng cao,
cùng núi Nùng sông Nhị muôn đời tồn tại"4. Thiền phái Tào Động
phát huy rầm rộ vào đầu thế kỷ XVIII và cho đến sau này. Theo văn bia chùa Hồng
Phúc cho biết, thiền phái Tào Động khi khắc bia( 1932) được truyền đến đời thư 47, tức là được 12 đời của thiền phái
Tào Động ở Việt Nam.
Sự có mặt của
thiền phái Tào Động và sự truyền bá tinh thần Phật giáo trong đời sống xã hội
lúc đó đã tạo nên, củng cố ý thức hệ tinh thần dân tộc. Đề cao vai trò của nhà
vua là đề cao tính dân tộc " trung quân ái quốc". Tạo nên sự ổn định
của xã hội làm nền cho sự phát triển kinh tế văn hóa. Sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền quản lý xã
hội với phật giáo đã đưa phật giáo nhập thế xã hội, tăng cường sự đoàn
kết toàn dân tạo nên sức mạnh cho dân tộc. Đó là những đóng góp về tinh
thần của thiền phái Tào Động.
Được sự bảo trợ
của chính quyền với hai bình tuyến phát triển tại vùng đất Tổ và kinh đô, thiền
phái Tào Động đã xây dựng nên hệ thống cơ sở vật chất khá phong phú trong hệ
thống chùa tháp Việt Nam. Với hai vùng được xây dựng trong lịch sử, vùng đất
Thăng Long cho đến nay còn duy trì khá nhiều di tích cần được điều tra khảo sát
tường tận hơn, khẳng định những giá trị lịch sử, đóng góp của dòng Tào Động vào
văn hóa Thăng Long trong một thời kỳ lịch sử. Vùng đất Tổ đình Nhẫm Dương cho
đến nay nhiều cơ sở vật chất không còn, nhưng dấu tích để lại cho thấy quy mô
dù khiêm tốn nhưng đã góp phần khẳng định những giá trị tinh thần và vật chất
đóng góp chung vào văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Tại đây cần có kế
hoạch phục hồi tôn tạo các di tích trên các địa danh, dấu tích hiện còn góp phần xây dựng tinh thần Phật
giáo trong đời sống văn hóa mới dân tộc: nhân hòa - bác ái, độc lập trên vùng
đất địa đầu Đông Bắc của tổ quốc./.
(1-
4) Tuyển tập văn bia Hà Nội' Quyển I: Các vị sư tổ phái Tào Động. NXB KHXH. Hà
Nội 1978, tr 118.
(2)
Thích Thanh Tứ: Thiền Sư Việt Nam. Thành Hội Phật giáo TP HCM. 1995
(3)
Về hành trạng của Tổ Thủy Nguyệt có thể
tham khảo:
-
Thích Thanh Tứ: Thiền Sư Việt Nam. Thành Hội Phật giáo TP HCM. 1995
-
Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb Văn học. Hà Nội 2000
-
Nguyễn Duy Hinh: Lịch sử đạo Phật Việt Nam. Nxb Tôn giáo - Từ điển bách khoa.
Hà Nội 2009.
-
Sa môn Như Sơn: Thiền Uyển kế đăng lục. Nxb Hồng Đức.Hà Nội 2015
- Nguyễn Đại Đồng: Phật giáo Việt Nam( từ khởi
nguyên đến năm 1981). Nxb Văn học . Hà Nội 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét