Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Kể chuyện vùng biên
Khi tôi viết bài thơ: Ký ức vùng biên, nhiều người đọc và có người bạn chê: ông viết thơ đọc cứ lủng củng, chẳng vần điều gì cả, nội dung không rõ ông nói gì?.
Thứ nhất, tôi không phải nhà thơ, và thơ tôi viết gọi là thơ con cóc.
Thứ hai tôi là người làm sử và mỗi câu thơ là một câu chuyện của quá khứ. Vậy tôi xin kể từng câu chuyện trong mỗi câu gọi là vần thơ của tôi.
Mùa đông năm 2014, có dịp đi công tác tại vùng biên tỉnh Cao Bằng, trời lạnh lắm, trong những buổi tối bập bùng quanh bếp lửa, tôi được nghe các câu chuyện xảy ra cách đây 35 năm về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của đồng bào địa phương.
- Nửa đêm. 
Bàng hoàng. Súng nổ.
Cuộc chiến ấy, người dân ở đây không mong đợi. Sau bao năm chiến tranh, họ muốn có cuộc sống hòa bình yên ổn làm ăn dưới mái nhà, ruộng nương của mình. Không ai ngờ cuộc chiến mới lại từ bên kia biên giới của người được coi là "anh em" đưa lại. Tối 16- 2- 1979 tại đồn biên phòng Tà Lùng( Phục Hòa - Cao Bằng) bộ đội biên phòng tổ chức chiếu phim cho bà con địa phương xem. Đây là việc làm thường xuyên, gắn bó tình quân dân vùng biên . Đến xem ngoài người dân địa phương, còn có những người dân bên kia biên giới cùng sang. Mối quan hệ nhân dân giữa hai vùng biên ấy mật thiết và khăng khít chia xẻ với nhau có từ xưa. Nhưng lẫn trong người dân bên kia biên giới sang xem, những tốp thám báo trà trộn vào. Xem xong phim tản ra rừng nằm ém lại. Bộ đội biên phòng phát hiện, và cuộc chiến đã nổ ra. Có thể nói cuộc chiến toàn tuyến biên giới nổ ra và điểm sớm nhất là Cao Bằng.
Tiếng súng nổ gay gắt vào lúc nửa đêm khiến người dân bàng hoàng. Họ không hiểu tiếng súng ấy từ đâu  và càng không ngờ từ bên kia biên giới đưa lại. Họ không hiểu vì sao từ tình hữu nghị " núi liền núi, sông liền sông" lại trở mặt bắn giết ?.
- Xác trẻ thơ dưới chớp đạn.... Nhập nhằng.
  Tiếng súng nổ là hiệu lệnh phát ra, hàng loạt khẩu đại bác  đủ các cỡ bên kia khai hỏa,  chớp đạn xanh lè rạch vào đêm đen thẫm, nhiều xóm làng  nhà cửa bốc cháy ngùn ngụt. Những em thơ, cụ già bị giết trong giấc ngủ, không biết vì sao. Nhập nhằng: chẳng hiểu bạn - thù - ta - địch?
- Bên kia sông tiếng gào rú loạn điên.
Sau trận mưa đạn đại bác,là tiếng hò hét của những đạo quân ào ạt vượt sông sang đánh chiếm các bản làng, công sở, cơ sở kinh tế trong vùng Những người trước đây gặp nhau   còn bắt tay  thân mật, hôm nay sao mặt hằm hằm dữ tợn, súng lăm lăm trong tay sẵn sàng nổ súng giết từ cụ già đến trẻ thơ cùng trâu bò lợn gà, không tha một sự sống nào.Phá phách, cướp bóc không tha một thứ gì.
- Bạn hóa thù?. Đất cha ông phải giữ.
Tình hữu nghị giữa những người dân ở hai vùng biên có từ lâu đời mật thiết gắn bó cùng nhau. Có người còn cho là " truyền thống lâu đời" giữa hai dân tộc, bỗng chốc đổ vỡ, hành vi không biện minh được cho lời nói. "Người bạn" đã vào đất ta. Đây là đất cha ông ngàn đời đã đổ mồ hôi xương máu tạo nên. Cháu con  không thể vì ai mà mất đất cha ông. Kẻ nào cướp, giày xéo đất cha ông đó là kẻ thù của ta. Người dân ở đây tâm niệm đơn giản như vậy. Phải giữ lấy đất cha ông đó là khẩu hiệu của người dân vùng biên thời gian ấy.
- Núi dựng thành, rừng cây hóa lũy.
Súng nổ, quân xâm lược tràn sang giết người,  cướp bóc. Người dân không một tấc sắt trong tay. Họ chạy vào núi, vào rừng. Núi rừng như thành, như lũy ngăn làn đạn giặc ôm ấp chở che con người. Sinh sống trên mảnh đất ông cha, người dân thuộc từng hang đá, ngọn suối, rừng cây, họ náu thân tổ chức chống xâm lược.
-  Người dân bỏ cuốc cày, cầm súng hóa chiến binh.
Sau chiến tranh( 1975) người dân trở về thời bình, họ chăm sóc mảnh vườn, ruông nương làm ăn cần cù, mong có cuộc sống tốt đẹp. Hàng ngày họ quen cầm cày, cầm cuốc, thành thơi trên mảnh đất của mình. Nhưng chiến tranh đã cướp đi của họ tất cả: nhà cửa, trâu bò, tài sản, người thân. Họ phải buộc đứng lên cầm súng. Súng của họ chủ yếu là súng săn tự chế dùng để săn thú dữ bảo vệ xóm làng, nay phải đương đầu với giặc . Nhưng họ đâu có sợ. Họ là chủ mảnh đất này, thuộc đường ngang lối tắt, thuộc sườn núi , dòng sông, cầm chắc súng diệt giặc bảo vệ quê hương. Họ đã trở thành những chiến binh dũng cảm, những thiện xạ, nỗi khiếp đảm của những tên xâm lược. Người ta kể lại, quân xâm lược không dám đi vào các vùng núi vì bị bắn chặn, chủ yếu chúng đóng quân dọc theo đường quốc lộ từ cửa khẩu Tà Lùng xuống Phục Hòa
- Dòng máu đỏ, tưới nòng súng đỏ.
Cuộc chiến ấy dai dẳng và khốc liệt. Để bảo vệ đất cha ông, vùng địa đầu biên viễn của Tổ Quốc, nhiều người con của dân tộc đã anh dũng hy sinh. Quân xâm lược ỷ thế cậy đông, những người giữ đất bằn giặc đến đỏ nòng súng. Họ ngã xuống trong tư thế hiên ngang, dòng máu đỏ của họ rực lên cùng nòng súng đỏ vì căm hờn quân xâm lược. Người dân  đã khóc khi kể về sự hy sinh của các chiến sỹ biên phòng đồn Tà Lùng. Máu các anh tưới thắm đỏ dải đất biên cương mà sau 35 năm sau tinh thần của các anh vẫn sừng sững trấn giữ vùng  địa đầu sóng gió.
- Cháy trắng trời một dải biên cương
Cả một vùng biên giới rực cháy. Nhà cháy, rừng cháy, nòng súng cháy, những trái tim và ánh mắt cháy căm hờn cho đến hôm nay vẫn cháy.
Tôi chỉ nghe và nhớ lại những gì người dân kể và bây giờ đã trở thành huyền thoại vùng biên cương về một thời đã qua. Nỗi ám ảnh và tinh thần ấy vẫn cháy trong tim mỗi người và tôi viết nên bài thơ: Ký ức vùng biên cương
 Nửa đêm
 Bàng hoàng. Súng nổ
Xác trẻ thơ dưới chớp đạn... Nhập nhằng.
Bên kia sông tiếng gào thét loại điên
Bạn hóa thù?. Đất cha ông phải giữ
Núi dựng thành, rừng cây hóa lũy.
Người dân bỏ cuốc cày, cầm súng hóa chiến binh.
Dòng máu đỏ, tưới nòng súng đỏ.
Cháy trắng trời một dải biên cương.
Chân thành cảm tạ những người đã quan tâm, thơ phải giải thích nội dung là thơ tồi. Đúng là thơ con cóc.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét