Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

MỸ SƠN THUNG LŨNG THẦN LINH
( tiếp theo và hết)
29. KỸ THUẬT XÂY DỰNG Ở MỸ SƠN  ĐẶC SẮC NHƯ THẾ NÀO?
     Đến thăm Mỹ Sơn ngày nay, bên cạnh những đền tháp đổ nát theo thời gian, những tác phẩm điêu khắc, những thành phần kiến trúc đá nằm chơ vơ thi gan cùng năm tháng thì những gì còn lại trên các công trình kiến trúc không khiến khỏi du khách ngỡ ngàng. Dù không còn nguyên vẹn nhưng những tháp còn lại vẫn vững trãi tồn
Điêu khắc gạch tháp A10
tại trên ngàn năm trơ gan cùng tuế nguyệt, thách đố với thời gian, rực  lên màu đỏ nồng ấm đầy quyến rũ. Hầu hết các kiến trúc ở Mỹ Sơn đều được xây bằng chất liệu gạch, hàng vạn vạn viên gạch kích thước nhỏ được gắn kết với nhau tạo nên hình hài. Tuy quy mô  tháp không lớn, tạo cảm giác không bền vững bằng chất liệu đá, nhưng mỗi tháp đều  toát lên  vẻ đẹp gần gũi, nồng ấm của đất và lửa tạo nên, kết hợp với bàn tay nghệ nhân điêu khắc tài ba tạo nên mỗi kiến trúc như một công trình nghệ thuật. Những viên gạch nhỏ bé được xây xếp ở đây, qua khắc tạc tạo nên những hình khối hài hòa, duyên dáng, cân bằng về nhịp điệu gợi cảm giác nhẹ nhàng bay bổng trong không gian yên tĩnh. Trước đây khi tiếp xúc các công trình kiến trúc này, các nhà nghiên cứu đã ca ngợi những người thợ Chăm là bậc thầy về nghệ thuật kiến trúc gạch, họ đã tạo nên những công trình kiến trúc tiêu biểu, tuyệt đẹp đỉnh cao về nghệ thuật xây cất gạch ở Đông Nam Á. Ngày nay khi tiếp xúc những công trình được xây cất bằng gạch, những viên gạch xây liền khít nhau như một khối thống nhất, không thấy mạch vữa liên kết, cả kiến trúc như một khối gạch khổng lồ đỏ rực dưới nắng chiều khiến không ít người băn khoăn tự hỏi, kỹ thuật xây dựng của người Chăm xưa như thế nào để đạt được trình độ trác tuyệt như vậy?
Thực nghiệm mài và gắn gạch bằng nhựa cây Dầu Rái
Một thế kỷ nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tháp Champa, cho đến nay có nhiều giả thuyết về kỹ thuật xây dựng như sau:
- Đầu tiên một số học giả cho rằng các tháp Chăm được xây dựng bằng gạch mộc, mài xếp liền khối nhau tạo nên hình hài kiến trúc sau đó chất củi nung chín toàn bộ ngôi tháp “…tháp Chàm được xây bằng  gạch mộc rồi mới chồng củi đốt thành đám cháy khổng lồ để nung thành ”. Sau này dựa vào truyền thuyết dân gian người Chăm có ý kiến phục dựng lại quá trình tạo nên tháp Chăm như sau “ Tháp Chàm được xây dựng tiến hành qua hai giai đoạn: xây lớp bên trong ( lớp cốt) và lớp bên ngoài ( lớp da). Lớp cốt xây bằng gạch mộc, chất kết dính đất sét pha tro, chấu theo tỷ lệ 1/1. Lớp ngoài xây bằng gạch mộc ướt, mỗi ngày xây 4- 5 lớp, khi xây lên
Khai quật nhóm tháp E – Mỹ Sơn
cao 1,5m họ chất củi xung quanh sau đó họ đứng trên lớp củi tiếp tục xây tiếp cho đến khi xong tháp. Cuối cùng họ đốt lửa  nung đỏ tháp ”. Ý kiến này tiếp tục được khẳng định trong quá trình thực nghiệm tháp “được xây bằng gạch mộc trước rồi nung sau” phù hợp với tư liệu truyền lại cho rằng “ cách xây và nung tháp của người Chiêm Thành thì bắt buộc phải xây từ dưới lên trên  và nung từ trên  nung xuống… Xây tháp đến đâu thì đổ đầy đất cả trong lẫn ngoài đến đó, ngang với mặt tường đang xây ém đất thật chặt để cho tháp vững. Khi tháp xây lên tới đỉnh… để như vậy vài ngày cho gạch khô, đoạn bới dần đất ở phần đỉnh tháp ra, chất  cây khô xung quanh đốt cháy lên để nung phần đỉnh tháp cho chín đỏ. Khi phần đỉnh tháp được nung xong rồi thì người ta bới đất để đốt lửa nung phần tháp tiếp theo ở dưới. Cứ thế, người ta đốt lửa nung dần từng phần cho đến phần chân tháp…”
Khai quật tại Mỹ Sơn
.- Đa phần các ý kiến khi nghiên cứu đều cho rằng, tháp Champa được xây từ vật liệu gạch đất nung sẵn, sau đó lựa chọn gạch tiến hành xây tháp. Ý kiến này chia thành hai nhóm. Một nhóm cho rằng “tháp Champa ngoài việc sử dụng gạch nung sẵn  dùng chất kết dinh là đất sét sau đó nung lại một lần nữa thành tháp hoàn chỉnh”. Một nhóm cho rằng tháp được xây từ gạch nung sẵn, được lựa chọn, mài gia cố cẩn thận trước khi xây. Kỹ thuật xây mài xếp có sử dụng chất kết dính đó là dầu thực vật có độ liên kết cao, chính vì thế mà các viên gạch mài xếp liền khít nhau như một khối thống nhất không thấy mạch vữa. Kỹ thuật xây này vừa có độ bền vững cao ( bởi gạch nung sẵn), vừa có sự liên kết khối vững chắc, chính vì thế tháp có độ bền vững cao, trải qua hàng ngàn năm mưa nắng vẫn thi gan cùng năm tháng. Ý kiến này cho đến nay được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận bởi các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy giữa các viên gạch thường có một màng vữa mỏng gắn các viên gạch lại với nhau. Phân tích thành phần hóa chất của lớp vữa mỏng này cho thấy đây là lớp dầu thực vật, có thể là nhựa cây dầu Rái, có khi là  nhớt cây Bời Lời, hoặc nhựa cây Ô Dước. Một số kiến trúc xây dựng niên đại muộn cho thấy lớp vữa này là nhựa cây Xương rồng trộn với mật mía tạo thành. Như vậy, cho đến nay các ý kiến về kỹ thuật xây dựng tháp Champa vẫn chưa có tiếng nói thống nhất, điều này là dễ hiểu, bởi các kiến trúc hiện còn có cả một khoảng cách xa vời vợi. Kiến trúc có mặt sớm nhất vào thế kỷ VII –
Khai quật tháp  G1
VIII; kiến trúc muộn nhất được xây vào thế kỷ XVII ( tháp Po Rome – năm 1625), cách nhau cả ngàn năm trong lịch sử. Một thiên niên kỷ chậm chạp trôi đi thì kỹ thuật xây dựng các tháp cũng có những thích ứng với sự phát triển kỹ thuật của mỗi thời đại. Bên cạnh đó các tháp Champa lại xây trên các vùng khác nhau việc sử dụng nguyên liệu địa phương phục vụ cho việc xây dựng tháp là tất yếu. Chính vì thế vữa liên kết có thể là nhựa cây Dầu Rái, Bời Lời, hay Ô Dước là điều dễ hiểu. Nhưng việc đạt đến trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao trong điêu khắc gạch là một tiếng nói chung xuyên xuốt trong quá trình xây dựng tháp. Để làm được điều này  ngoài tay nghề tinh luyện tài hoa của người thợ thì thuộc về bản chất của vật liệu. Gạch Champa có độ nung không cao, nhưng đủ độ
Lớp gạch tháp bị đổ
bền vững, độ nén chịu lực đáp ứng được yêu cầu bền vững của công trình. Gạch có cấu trúc mịn, pha cát hoặc bã thực vật mịn có độ hút ẩm cao, thuận lợi cho việc khắc tạc. Gạch Chăm có đặc tính, xương mịn khi hút ẩm có độ mềm dễ đục chạm, khi được phơi khô trở lại độ cứng ban đầu rắn chắc, chính vì thế việc chạm khắc thực hiện được dễ dàng, những họa tiết thể hiện sắc sảo, đường nét mềm mại như đục chạm trên chất liệu gỗ. Để có một tháp Chămpa được khắc tạc thể hiện như một tác phẩm nghệ thuật, trước hết phải nói đến vẻ đẹp của hình khối kiến trúc. Trước khi khắc tạc trang trí, khối kiến trúc được xây dựng với tỷ lệ hài hòa, cân đối có nhịp điệu tạo nền cho việc điêu khắc. Để có khối nền thể hiện, kỹ thuật xây dựng đóng vai trò quyết định. Các viên gạch được lựa chọn kỹ càng, gạch già đều, có màu sắc tương đồng, trước khi xây mài góc cạnh vuông vức. Khi tiến hành xây xếp các viên gạch được gắn liên kết bằng lớp nhựa cây mỏng, xây câu móc vào nhau tạo nên khối vững chắc. Khối xây trên mỗi bộ phận được tính toán chuẩn xác, liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên sự hài hòa hoàn chỉnh. Công đoạn khắc tạc được tiến hành cuối cùng trên mỗi bộ phận kiến trúc. Trong một kiến trúc tháp thường có cấu trúc khối 3 phần: đế tháp, thân tháp và mái tháp, ngăn cách phân biệt  mỗi phần là một đường gờ với các bộ phận nhô ra. Các khối có tỷ lệ hài hòa, đề thấp vững trãi, thân cao to khỏe, thân có hệ thống cửa, cửa ra vào, cửa giả trang trí. Bộ mái thường có nhiều tầng mô phỏng theo thân tháp thu nhỏ lên trên.
Điêu khắc trên gạch – Tượng voi tháp B5
Với nhiều bộ phận khối, tỷ lệ khác nhau, kỹ thuật gắn kết các viên gạch đạt đến trình độ cả cây tháp  như  một khối gạch khổng lồ, liền khít đã cho thấy tài năng của những người thợ xây ở đây đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật xây cất. Từ nền của kỹ thuật xây họ khắc tạc trực tiếp lên gạch với nhiều đề tài hoa văn thể hiện khác nhau. Tại Mỹ Sơn đa phần các tháp đều được xây dựng tuân thủ theo kỹ thuật xây dựng truyền thống, các tháp được xây chủ yếu từ chất liệu gạch tạo nên hình hài kiến trúc. Các viên gạch xây xếp mài liền khít vững chắc, trải qua năm tháng cho đến nay, kỹ thuật xây dựng này vẫn ẩn chứa, bao nhiêu điều bí mật cần khám phá và luôn là câu hỏi cho du khách khi đến thăm di sản này.
Tháp Mỹ Sơn  G1
30.MỸ SƠN CÓ VỊ TRÍ  NHƯ THẾ NÀO TRONG VĂN HÓA CHAMPA?
                   Nằm trong tổng thể chung của hệ thống tháp Champa hiện còn trên dải đất miền Trung, có thể thấy Mỹ Sơn là nơi hội tụ đỉnh cao của nghệ thuật  kiến trúc và điêu khắc Champa trong lịch sử.Trải dài trong không gian, có mặt xuốt theo thời gian chiều dài
Trang trí cột tháp
lịch sử tộc người Chăm, cho đến nay trên địa bàn miền Trung nước ta còn khoảng trên 60 kiến trúc tháp, trong đó ở Mỹ Sơn chiếm hơn 1/3 số lượng kiến trúc hiện còn. Nếu số lượng  tháp còn lại nằm rải rác trên địa bàn nhiều tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận, thì ở Mỹ Sơn số lượng  tháp tập trung với mật độ lớn nhất mà không nơi nào có được. Đó là định lượng giá trị của Di sản Mỹ Sơn. Trong một thế kỷ nghiên cứu kiến trúc Champa, các nhà nghiên cứu dựa vào tài liệu lịch sử, bi ký, đặc biệt là đặc trưng kiến trúc về hình khối, họa tiết trang trí , đề tài thể hiện của mỗi thời kỳ đã chia nghệ thuật kiến trúc tháp Champa thành 6 phong cách kiến trúc lớn khác nhau phát triển liên tục theo trục thời gian . Trong 6 phong cách nghệ thuật kiến trúc tháp điển hình ấy thì các kiến trúc ở Mỹ Sơn có tới 5 phong cách, trong đó có những kiến trúc điển hình, đỉnh cao của giai đoạn nghệ thuật ấy. Các kiến trúc có mặt ở Mỹ Sơn gồm các kiến trúc sau:
Phù điêu ốp đế tháp
- Phong cách  nghệ thuật cổ điển hình là tháp E1
- Phong cách nghệ thuật kiến trúc Hòa Lai là tháp C7
- Phong cách nghệ thuật kiến trúc Đồng Dương – tháp B4
-  Phong cách nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn A1 là hàng loạt các kiến trúcB3 – B5 – B6 – B7 – C1- C2 – C3 – D1 D2 vv…
- Phong cách nghệ thuật kiến trúc  Bình Định với các tháp nhóm H; G . Riêng nhóm tháp K nằm trong bước chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định. Trong những kiến trúc này, có những tháp đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc tháp Champa về hình dáng, hoa văn trang trí cùng những biểu tượng được thể hiện, trở thành tài sản văn hóa vô giá không những của Việt Nam mà còn của cả nhân loại.
Đó chính là định chất về giá trị nghệ thuật của các kiến trúc tháp ở Mỹ Sơn Ngoài  giá trị vật chất, tinh thần được thể hiện qua các kiến trúc thì tại Mỹ Sơn lưu giữ cả một kho tàng vô giá về những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá Champa được tạo tác trong mọi thời đại lịch sử. Cùng những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu được giới thiệu, tại Mỹ Sơn còn cung cấp cho thấy nhiều thành phần kiến trúc
Cột đá nhóm tháp A’
điêu khắc đá đặc sắc chỉ xuất hiện ở Mỹ Sơn mà không nơi nào có được. Những phiến đá ốp trang trí đế tháp được khắc tạc  hình khối cân xứng, trang nhã, khắc tạc tinh mỹ với hình ảnh tu sĩ đứng thành kính Những cột cửa được tạo khối hình tròn, bát giác, chữ nhật, trang trí phủ dày hoa văn với nhiều đề tài khác nhau: cánh sen kết dải, ô trám, hoa thị, hoa dây móc hình thoi xoắn… thể hiện đối xứng nhau với đường nét chạm khắc mềm mại sống động. Những mi cửa được khắc tạc đường nét sắc sảo, hay cảnh sinh hoạt của cả một triều đình được thể hiện tại có được. Hoặc những u chóp tháp được tạo cầu kỳ, hình khối mang tính biểu tượng cao, thể hiện tượng trưng hình ảnh của thần Shiva qua biểu tượng Linga được khắc tạc trau chuốt ngạo nghễ vươn lên trên nền trời. Có thể nói, trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa, tác phẩm điêu khắc đá có mặt sớm nhất tại Mỹ Sơn. Số lượng tác phẩm điêu khắc ở đây nhiều nhất, có kích thước lớn nhất và có giá trị mỹ thuật cao, giàu sức sống. Nhiều tác phẩm được coi là điển hình của nghệ thuật điêu khắc đá Champa nói riêng và điêu khắc đá Đông Nam Á nói chung.
Trang trí mi cửa tháp E4
Các di tích văn hóa Champa có mặt trên khắp dải đất miền Trung người Chăm quản  lý trong lịch sử, nhưng không biết đến tinh hoa của nền văn hóa này phải đến Mỹ Sơn mà chiêm nghiệm, suy ngẫm. Đó là vị trí độc nhất vô nhị mà không di tích Champa nào thay thế được. địa điểm  nào có một quá trình xây dựng và tồn tại lâu dài như Mỹ Sơn. Không một nơi nào tập trung số lượng nhiều các kiến trúc và điêu khắc như ở đây. Và không nơi nào có những kiến trúc, điêu khắc thể hiện đẹp tinh mỹ giàu tính mỹ thuật điển hình cho nghệ thuật Champa như ở đây. Có thể nói Mỹ Sơn là đại diện tinh hoa cho nghệ thuật và văn hóa Champa theo suốt chiều dài lịch sử. Muốn hiểu văn hóa Champa, ta phải hiểu Mỹ Sơn và muốn Đến thăm Mỹ Sơn thông qua những kiến trúc, tác phẩm điêu khắc ở đây sẽ là những nguồn tư liệu tin cậy giúp ta hình dung được nhiều mặt của xã hội Champa đã qua trong lịch sử. Về kinh tế, sựcó mặt của các kiến trúc trong các thời đại khác nhau giúp ta hình dung được thời kỳ xây dựng tháp là
Cột cửa đá  ở Mỹ Sơn
những thời điểm nền kinh tế Champa phát triển rực rỡ nhất, họ có đủ điều kiện để huy động nhân tài vật lực  đưa vào các công trình xây dựng dâng hiến lên thần linh. Đó là thời kỳ xã hội Champa ổn định, kinh tế phát triển trên các lĩnh vực, của cải dồi dào. Về nghệ thuật sẽ thấy cả một tiến trình nhận thức, sáng tạo thẩm mỹ của cư dân Chăm,  mỗi tác phẩm đều toát lên vẻ đẹp hoàn mỹ, những sáng tạo tài hoa tinh tế của người thợ Chăm trong lịch sử. Bên cạnh đó những “trang sử đá” được lưu giữ ở đây cho biết về phả hệ các đời vua Champa, các vương triều,  cấu trúc xã hội cư dân, đời sống tinh thần, tôn giáo, văn học cùng nhiều lĩnh vực khác như thiên văn, đơn vị đo lường vv… Từ câm lặng các  di tích, di vật ở Mỹ Sơn cứ lặng lẽ tỏa sáng, đưa con người quay về một quá khứ huy hoàng, một nền văn minh văn minh đã tắt, dần sáng lên với giá trị ngàn năm được dựng xây bồi đắp.
31. MỸ SƠN CÓ GIÁ TRỊ NHƯ THẾ NÀO TRONG CÁC DI TÍCH VÙNG ĐÔNG NAM Á.
Theo con đường thương mại lan tỏa quá xuống các nước vùng Đông Nam  á, quá trình ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo Ấn Độ theo bước các thương nhân cũng hòa nhập lặng lẽ, hòa bình với các cộng đồng cư dân ở đây và hình thành nên các trung tâm văn hóa, tôn giáo nổi tiếng trong lịch sử. Cộng đồng cư dân Nam Đảo qua năm tháng góp gom, hình thành nên  di tích Borobudua ( In đônêxia) nổi tiếng với những tháp gạch san sát quần tụ đến 72 tháp vây quanh trên một tháp chính nổi lên, trên cùng một địa điểm trở thành một trung tâm phật giáo nổi tiếng với sự kỳ vĩ mang dáng dấp của riêng mình.
Mô hình Di tích Burabuđua( Inđônêxia)
Người Khmer với 4 thế kỷ( TK IX – XIII) dựng xây đã tạo nên quần thể AngKo hùng vĩ vơí đỉnh cao là AngKo Vát gồm 4 ngọn tháp sừng sững tỏa bóng vây quanh tháp chính ngạo nghễ vương lên nền trời với độ cao 65m là niềm kiêu hành của dân tộc mình;  thì  kiến trúc ở Mỹ Sơn không lớn, không quần tụ đậm đặc, nhưng cứ theo năm tháng lặng lẽ tỏa ánh hào quang. Trên bán đảo Đông Dương cùng với sự xuất hiện của Mỹ Sơn là các trung tâm tôn giáo ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo Ấn Độ như VatPhu ( Lào), AngKoVat; AngKo Thom cùng nhóm di tích tại SamboPreiKuc( Campuchia). Mỗi di tích đều mang vẻ đẹp riêng, kỳ vĩ riêng mang đậm bản sắc, nhận thức thẩm mỹ, giá trị tinh thần của người dân dựng xây nên. Sự hình thành các di tích nổi tiếng ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ đã được các nhà nghiên cứu gọi là vùng “ ngoại Ấn”.
Mô hình AngKo Vát ( Campuchia)
Theo tiến trình phát triển của lịch sử, mỗi di tích có số phận riêng, giá trị riêng được bồi đắp dựng xây theo năm tháng.Nếu Borobuđua mang nội dung thấm nhuần tinh thần đại thừa của Phật giáo thì các di tích còn lại đều mang đậm yếu tố Ấn giáo. Nhưng trong những yếu tố Ấn giáo, mỗi di tích lại mang tính chất riêng, nếu các công trình ở Cmapuchia tính Visnu giáo nổi trội hòa cùng phật giáo thì ở Mỹ Sơn tính Shiva giáo hoàn toàn thống trị.  Về mặt kiến trúc khi so sánh điều dễ nhận thấy Di tích Mỹ Sơn không đồ sộ bằng Borobuđua, không hoành tráng, kỹ vĩ bằng AngKo nhưng Mỹ Sơn mang một giá trị đặc biệt riêng mà không di tích nào có được đó là không gian kiến trúc, một không gian kín mà mở trước thiên nhiên bao la hùng vĩ. Một không gian có cả hai yếu tố núi và biển hòa nhập. Nếu Borobuđua mang đậm yếu tố biển, AngKo mang đậm yếu tố lục địa thì ở Mỹ Sơn là sự kết hợp hài hòa cả hai yếu tố để hình thành nên một không gian riêng của Mỹ Sơn- không gian thần linh núi và biển hai thành tố vĩ đại của vũ trụ. Trong không gian thần linh rộng lớn ấy các công trình kiến trúc được xây dựng hài hòa, đan xen hòa nhập với cảnh quan tạo nên sự thiêng liêng huyền bí. Nếu đứng trước những buổi bình minh đưa những tia nắng đầu tiên vào thung lũng, hay những buổi chiều tà khi hoàng hôn xuống những tia nắng cuối cùng đọng lại vàng ánh trên tường tháp sẽ cảm nhận được vẻ đẹp sang trọng, thiêng liêng trên mỗi công trình kiến trúc ở đây. Trong sự tinh khôi ấy, sự huyền bí thiêng liêng tỏa ra hòa cùng cảnh thiên nhiên hùng vĩ đã tạo cho con người ấn tượng khó quên khi đến thăm di tích này. Giá trị nổi bật của Mỹ Sơn còn được thể hiện qua năm tháng dựng xây, nếu Borobudua được xây dựng vào thế kỷ VIII – IX, của vương triều Núi Sailendra, hay Ang Ko được xây dựng vào thế kỷ IX – XIII, của các triều đại Ang Ko thì Mỹ Sơn sớm có mặt ngay từ thế IV –V, từ vương triều của Bhradvarman I kéo dài theo suốt lịch sử Champa đến vương triều ViJaya thế kỷ XIII. Thật khó có một di tích nào được gìn giữ xây dựng có tuổi đời tồn tại kéo dài như thế và cho đến tận ngày nay. Dù quy mô không to lớn, các kiến trúc không xây dựng tập trung, hay sử dụng các chất liệu bền vững như đá, nhưng từ những viên gạch đất nung nhỏ bé được những người thợ xây dựng kỹ thuật tài ba với chất kết dính riêng mang đặc thù địa phương các tháp Champa ở đây vẫn có độ bền vững cao, có tháp trên một ngàn năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, tỏa lên sự nồng ấm gần gũi không xa lạ với người dân. Bên cạnh đó những bàn tay tài hoa của nghệ nhân điêu khắc đã khắc tạc những nhát đục tinh xảo khắc vào các kiến trúc, biến mối công trình thành những tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng mà không di tích nào có được. Chính vì thế các kiến trúc gạch ở Mỹ Sơn được khắc tạc đã được các nhà nghiên cứu khẳng định những người thợ xây dựng Mỹ Sơn trong lịch sử họ là những bậc thầy về nghệ thuật xây dựng và điêu khắc trên gạch ở Đông Nam Á. Đó chính là sự khẳng định giá trị vô giá của Mỹ Sơn “ một bằng chứng độc đáo về nền văn minh quan trọng của châu Á thuở xa xưa”
32.  MỸ SƠN ĐƯỢC HỒI SINH NHƯ THẾ NÀO?
           Nằm gọn trong một thung lũng rộng bốn bề núi giăng như lũy như thành, xung quanh là hệ thống núi đồi vây quanh trùng điệp, Mỹ Sơn là một vùng đất hiểm trở, chính vì thế nơi đây trong hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc đã trở thành căn cứ  kháng chiến.  Lợi dụng địa hình hiểm trở, đầy đủ các điều kiện nước, rừng, những người kháng chiến đã xây dựng nơi đây làm căn

Mỹ Sơn sau trận bom 1969
cứ địa, an toàn khu, nơi đi về bàn đạp của lực lượng cách mạng Quảng Nam nói riêng và quân khu V nói chung. Nơi đây trong kháng chiến, luôn được  quan tâm bố phòng bảo vệ cẩn mật, nhưng cũng là nơi quân thù luôn luôn tìm cách đánh phá. Năm 1947, cuộc kháng chiến lần thứ nhất tầu chiến quân xâm lược thực dân Pháp chạy dọc sông Thu Bồn đã nhiều lần nã đại bác vào khu vực này. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mỹ Sơn lại nhiều lần bị máy bay Mỹ oanh kích, đặc biệt năm 1969, không lực  Hoa  Kỳ đã sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm hủy diệt cả vùng đất. Nhiều kiến trúc bị bom  làm sụp đổ, hư hại, nhiều tháp bị phá hủy hoàn toàn chỉ là đống gạch đổ nát trong đó có tháp A1 một kiệt tác kiến trúc của Champa và Đông Nam á. Sau năm 1975  cuộc kháng chiến thắng lợi, nước nhà thống nhất, Mỹ
 Nhóm tháp  A bị bom phá hủy
Sơn trở nên hoang tàn, đền tháp bị đổ nát bỏ hoang, trong lòng đất còn ẩn chứa đầy bom mìn do chiến tranh để lại, cây cỏ xâm thực dìm các kiến trúc còn lại trong màu xanh của thảm thực vật nhiệt đới. Nhận rõ giá trị văn hóa của khu di tích Mỹ Sơn, mặc dù sau chiến tranh còn bộn bừa khó khăn nhưng được sự quan tâm của nhà nước và chính quyền các cấp, khu di tích được quan tâm chú ý. Trước hết việc dọn dẹp giải phóng bom mìn trong khu di tích được quan tâm. Mười sáu chiến sĩ công binh đã hy sinh, bị thương khi rà phá bom mìn trong khu di tích “  Mai sau khi Mỹ Sơn đã hoàn toàn hồi sinh, xin hãy dựng bia ghi ơn những người quá cố đã đi tiên phong trong việc bảo vệ  và xây dựng lại phế tích này”. Năm 1978, một đoàn cán bộ quản lý và các nhà nghiên cứu của Bộ Văn hóa đã vào đây khảo sát đánh giá giá trị còn lại của khu di tích này sau chiến tranh. Năm 1979 khu di tích được nhà nước công nhận là di tích Lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 1980, công cuộc dọn dẹp, gia cố các kiến trúc bị hư hại ở Mỹ Sơn được tiến hành, các tác phẩm được thu dọn xắp xếp lại với sự trợ giúp của các chuyên gia
Khai quật Khảo cổ học tại Mỹ Sơn
Ba Lan đứng đầu là kiến trúc sư Kazimiers Kwiat Kowski, đánh dấu một thời kỳ mới- Mỹ Sơn  dần được hồi sinh.  Trước một Mỹ Sơn đổ nát, những nhà trùng tu tôn tạo  đã thận trọng dựa vào kết quả nghiên cứu, nâng niu từng viên gạch, xắp xếp gia cố bền vững từng khối kiến trúc, định vị những  họa tiết trang trí cho phù hợp, dần trả lại diện mạo cho mỗi kiến trúc ở Mỹ Sơn. Cũng như những bậc tiền nhân sáng tạo, xây dựng nên Mỹ Sơn, những người gìn giữ tôn tạo Mỹ Sơn hôm nay cũng đổ mồ hôi thấm trên từng viên gạch, phiến đá, cũng trở trăn suy tư  để tạo nên một diện mạo Mỹ Sơn sống dậy trung thực với lịch sử đã từng tồn tại. Cũng bắt đầu từ đó các cuộc khai quật khảo cổ học phục vụ cho việc trùng tu tôn tạo di tích được tiến hành,  từ kết quả khảo cổ học đã cung cấp nhiều tài liệu quý chân thực phục vụ cho việc nghiên cứu Mỹ Sơn và làm cơ sở bước đầu cho việc bảo vệ, phục vụ cho việc tôn tạo di tích này, nhiều nhóm tháp qua khai quật khảo cổ đã được trùng tu tôn tạo,  bước
Mỹ Sơn A đổ nát sau trận bom
đầu được hồi sinh và ngày càng tỏa sáng. Để có được diện mạo Mỹ Sơn, trước hết phải nói đến sự quan tâm của nhà nước, của chính quyền địa phương các cấp, bên cạnh đó là sự giúp đỡ quan tâm của các tổ chức văn hóa quốc tế, các học giả nước ngoài đã chung tay góp sức. Đặc biệt hơn là những đóng góp thiết thực trực tiếp có hiệu quả của những người dân địa phương,  ban quản lý di tích, những người  đã tận tâm bảo vệ gìn giữ di tích Mỹ Sơn bất chấp mọi khó khăn để có được một Mỹ Sơn ngày càng bền vững với thời gian, tỏa sáng trong nền văn hóa dân tộc và bạn bè thế giới.



















THAY  LỜI CUỐI SÁCH
               Mỹ Sơn hôm nay chỉ còn những đền tháp đổ nát theo thời gian, những tượng Chăm tróc lở nhuốm rêu phong, những bia đá câm lặng theo thời gian, chìm trong không gian thanh vắng. Tất cả như lùi vào dĩ vãng, khó có thể nhận ra sự ẩn chứa niềm kiêu hãnh một thời  huy hoàng trong quá khứ. Mỗi viên gạch, tượng đá ở đây đều âm thầm mang những thông điệp của thời gian  chuyển tải gửi lại thế hệ mai sau, như dòng suối Khe Thẻ ngàn năm chảy mãi, từ những giọt sương rơi trên đỉnh Hòn Đền góp nhặt tạo nên dòng suối đưa nước chảy về sông đổ ra biển lớn. Tất cả những gì còn lại của Mỹ Sơn hôm nay, từ đền tháp rêu phong cổ kính sừng sững tỏa bóng đến những viên gạch rơi vãi lặng câm đều mang trong mình dòng chảy của lịch sử, dòng chảy thời gian, thấm đẫm mồ hôi trí tuệ người lao động. Sự cần cù nhẫn nại của bao thế hệ con  người, sự sùng kính niềm tin vào thần thánh, nỗi khát vọng thể hiện bản lĩnh dân tộc đã kết tinh tại đây để hình thành nên Mỹ Sơn. Từ đất và lửa, từ đá cội nguồn hàng triệu năm hình thành nên lãnh thổ dân tộc,  qua bàn tay người thợ Chăm tài hoa đã biến thành những sản phẩm văn hóa vô giá làm tài sản cho các thế hệ mai sau. Dấu ấn ấy sống mãi với thời gian cho dù năm tháng trôi qua,  mặc sự khắc nghiệt của tự nhiên, cùng sự biến động của thời cuộc. Mỗi viên gạch, mỗi tác phẩm điêu khắc ở đây dù bé nhỏ mong manh đều mang hơi thở từ ngàn năm thổi lại, như những giọt sương li ti tạo nên nguồn chảy những dòng suối để làm nên biển lớn, để lại cho đến hôm nay làm rung động trái tim biết bao thế hệ người dân Việt cùng bạn bè quốc tế. Đó chính là giá trị vĩnh hằng của người xưa gửi lại mãi cho thế hệ mai sau, một thông điệp của quá khứ gửi lại cho hiện tại với ước muốn được gìn giữ làm sống lại những giá trị chân – thiện – mỹ được kết tinh từ ngàn xưa ngày càng rạng tỏa trong đời sống tinh thần của mỗi người dân đương đại và mãi mãi mai sau. Nếu bạn chưa một lần đến Mỹ Sơn, hãy đến với Mỹ Sơn – một di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại.
Khai quËt kh¶o cæ häc t¹i Mü S¬n









Mục lục
Lời nói đầu                                                                                                          
Lời giới thiệu                                                                                                      
1. Di sản văn hóa Mỹ Sơn được xây dựng ở đâu?                                                 
2. Đến Mỹ Sơn đi theo con đường nào?                                                                
3 .Chủ nhân di sản văn hóa Mỹ Sơn là ai?                                                            
4.  Mỹ Sơn được xây dựng trong điều kiện nào?                                                 
5.Vì sao người Chăm lại chọn xây dựng thánh địa ở Mỹ Sơn?                                           6.Tại sao có tên gọi Mỹ Sơn?                                                                               
7. Mỹ Sơn được phát hiện khi nào ?                                                                    
8. Ai là người đầu tiên sáng lập xây dựng ở Mỹ Sơn?                                         
9. Vai trò của Mỹ Sơn tồn tại đến bao giờ?                                                         
10. Mỹ Sơn có bao nhiêu  kiến trúc?                                                                   
11. Mỹ Sơn có các loại hình kiến trúc nào?                                                         
12. Kiến trúc nào được xây dựng sớm nhất ở Mỹ Sơn.?                                     
13. Nhóm Tháp nào có mật độ kiến trúc nhiều nhất ở Mỹ Sơn?                        
14. Nhóm tháp nào được xây dựng  lâu năm nhất ở Mỹ Sơn?                                    
15. Kiến trúc nào lớn nhất ở Mỹ Sơn?                                                                
16. Tháp nào được chạm khắc đẹp nhất ở Mỹ Sơn?                                           
17.  Công trình kiến trúc xây dựng cuối cùng ở Mỹ Sơn ?                                  
18. Mỹ Sơn thờ vị thần nào?                                                                               
19 Bao nhiêu vị thần được thờ ở Mỹ Sơn?.                                                          
 20.Tác phẩm điêu khắc nào cổ nhất ở Mỹ Sơn?                                                
 21. Tác phẩm điêu khắc nào có giá trị mỹ thuật ở Mỹ Sơn?                              
22. Tác phẩm điêu khắc đá nào lớn nhất ở Mỹ Sơn?                                           
23. Mỹ Sơn có tượng  thần bằng kim loại quý hay không?                                
24.Mỹ Sơn  có bao nhiêu bia ký?                                                                       
 25. Bia ký ở Mỹ Sơn viết gì?                                                                               
26.Triều đại nào xây dựng nhiều nhất ở Mỹ Sơn?                                              
 27.Vị vua nào đã đóng góp nhiều nhất ở Mỹ Sơn?                                             
 28.Tại sao gọi Mỹ Sơn là thung lũng của thần linh?                                          
29. Kỹ thuật xây dựng ở Mỹ Sơn đặc sắc như thế nào ?                                     
30 . Mỹ Sơn có vị trí như thế nào trong văn hóa Champa?
31. Mỹ Sơn có giá trị như thế nào trong các di tích vùng Đông Nam Á
32. Mỹ Sơn được hồi sinh như thế nào?                                                               
Thay lời kết luận                                                                                                 
Mục lục                                                                                                             
Tài liệu tham khảo chính                 

                                                               


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Di tích Mỹ Sơn. Sở Văn hoá Thông Tin Quảng Nam 1998.
2. Di tích và danh thắng Quảng Nam. Sở Văn hoá Thông tin Quảng Nam 2002.
3. Hồ Xuân Tịnh: Di tích Chăm ở Quảng Nam.NXB Đà Nẵng 1998.
4 Trần Kỳ Phương:Mỹ Sơn  trong lịch sử nghệ thuật Chàm.NXB Đà Nẵng 1988.
5. Ngô Văn Doanh: Thánh địa Mỹ Sơn. NXB Thanh Niên 2003
-  Tháp cổ Champa sự thật và huyền thoại. NXB Văn hóa & Thông tin. Hà Nội 1998
6.Lương Ninh: - Vương quốc Champa. NXB Đại học Quốc gia. Hà Nội 2004
7. G. Maxpero : Vương quốc Chàm. Bản dịch tư liệu viện KCH
8.  Lê Xuân Diệm – Vũ Kim Lộc: Cổ vật Champa. NXB Văn hoá Dân tộc. Hà Nội 1996
9. Nguyễn Tấn Đắc: Văn hoá  Ấn Độ. NXB Thành phố Hồ Chí Minh.2000
10.Cao Huy Đỉnh: Tìm hiểu thần thoại  Ấn Độ.NXB Khoa học. Hà Nội 1964.
11.Nguyễn Thừa Hỷ: Tìm hiểu văn hoá  Ấn Độ. NXB Văn hoá. Hà Nội 1986
12. Điêu khắc Chàm. NXB Khoa học Xã hội . Hà Nội 1988
13.Lê Đình Phụng: Kiến trúc điêu khắc ở Mỹ Sơn- Di sản văn hoá thế giới. NXB Khoa học Xã hội . Hà Nội 2004.
- Tìm hiểu lịch sử kiến trúc tháp Champa. NXB Văn hoá & Thông Tin. Hà Nội 2005
- Di tích văn hóa Champa ở Bình Định NXBKHXH. Hà Nội 2002.
- Văn hóa Champa ở Thừa thiên – Huế NXB Văn hoá & Thông Tin. Hà Nội 2006
14.Will Durant: Lịch sử văn minh  Ấn Độ. NXB Văn hoá & Thông tin. Hà Nội 2003.
15. L Malleres: Tìm hiểu biểu tượng nghệ thuật điêu khắc Phật giáo- Balamôn giáo ở Đông Dương. Bản dịch tư liệu viện KCH
16 Wendy.doniger oflaherty: Thần thoại Ấn Độ.NXB Mỹ Thuật. Hà Nội 2005
17. G Coedes: Lịch sử cổ đại các nước ở Viễn đông chịu ảnh hưởng của nền văn minh  Ấn Độ. Bản dịch tư liệu viện KCH
18. H. Parmentier – Inventaire descriptif monuments Chams de l’Annam, Avol.Paris 1909 – 1918(Bản dịch tư liệu Viện Khảo cổ học).
 -  Le Cirque de Mĩ Sơn .Hà Nội 1904.
-  Catalogue du musse Cam de Tourane. Hà Nội 1919
19. G.Maxpero: Le Royaume de Cham . NXB Van Oest.Paris 1928.
20 L.Finot: Les inscription du Cirque de Mĩ Sơn .Hà Nội 1904
 - L.Finot: Etudes Epigraphiques sur le pays Cham.Paris 1995
21 Ph.Stern : L’ art du Champa et son Evolution. Toulouse 1942
22 Lafon et Po Dharma: Bibliographie Campa ét Cam.Paris 1988.
23.J. Boisselier: La Statuaire de Champa. Paris 1963……





















Lê Đình Phụng
 Quê quán: Gia lâm - Hà Nội
Tốt nghiệp khoa Lịch sử
Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội 1980
Tiến sĩ Lịch sử - chuyên ngành KCH 1995
Công tác tại Viện khảo cổ học
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Cùng một tác giả:
- Di tích văn hoá Champa  ở Bình Định. NXB

KHXH  . Hà Nội 2002
- Kiến trúc - Điêu khắc ở Mỹ Sơn: Di sản văn hoá thế giới. NXBKHXH Hà Nội  2004
- Tìm hiểu lịch sử kiến trúc tháp Champa. NXB Văn hoá & Thông tin. Hà Nội 2005
- Văn hoá Champa ở Thừa Thiên Huế. NXB Văn hoá & Thông tin. Hà Nội 2006
- Di tích Cát Tiên Lâm Đồng- Lịch sử và văn hóa. NXB KHXH  Hà Nội 2006
- Thành Hoàng Đế – Kinh đô vương triều Tây Sơn. NXB KHXH  Hà Nội 2007
- Đối thoại với nền văn minh cổ Champa( đang xuất bản)
- Mỹ Sơn Thung Lũng thần Linh. ( chưa xuất bản)

Những công trình khác:
- Khảo cổ học Việt Nam Tập III NXB KHXH  Hà Nội 1998 ( viết chung).
-  Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam. NXB KHXH  Hà Nội 2002( viết chung)
- Đền tháp Champa – Bí ẩn xây dựng. NXB Xây dựng-  Hà Nội 2007( viết chung)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét