Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

TƯỢNG KÚT CHAMPA Ở BÌNH THUẬN

 Trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa, tượng Kút là một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Về không gian, loại hình này chỉ xuất hiện từ tỉnh Phú Yên đến tỉnh Bình Thuận, đặc biệt tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận - địa bàn cư dân Chăm cư trú cho đến hiện nay. Về thời gian, cho đến nay nguồn gốc của loại hình này vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu làm sáng tỏ, có phải Kút có nguồn gốc từ loại hình tượng thờ trong nghệ thuật Champa niên đại khá muộn, hay xưa hơn là từ tục thờ đá của người Chăm trong lịch sử có nguồn gốc niên đại khá sớm. Về hình dáng tạo tác, các nhà nghiên cứu đều cho rằng Kút có hình thức tương tự như các bia mộ của người Việt, Trung Hoa hay người theo đạo Hồi ở Inđônêxia. Về góc độ tín ngưỡng thì chức năng của Kút hiện thấy là một biểu hiện hình thức tang ma của người Chăm. Dù còn nhiều vấn đề cần tiếp tục lý giải, nhưng hiện hữu cho đến nay người Chăm vẫn làm, sử dụng Kút trong tang lễ của mình và vẫn thờ các Kút cổ xưa của tổ tiên truyền lại trong các đền thờ, nhà thờ dòng họ. Chính vì thế việc nghiên cứu loại hình Kút là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm cách lý giải. Để góp phần tìm hiểu loại hình nghệ thuật này, dựa trên tư liệu của nhóm Kút trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bước đầu chúng tôi thử hệ thống hoá và đưa ra một vài kiến giải.
I. TƯỢNG THỜ - KÚT THỜ Ở BÌNH THUẬN
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là huyện Bắc Bình nơi người Chăm sinh sống còn khá nhiều địa điểm thờ Kút. Có đền thờ, nhà thờ họ vẫn còn sử dụng, nhưng cũng không ít đền thờ đã bị đổ nát không còn thờ phụng, những Kút ở đây bị bỏ hoang nằm tại chỗ, hoặc một số được đưa về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh (Nguyễn Trường Đông, Lê Đình Phụng 2002). Sau đây là những địa điểm, những Kút được khảo sát.
1. 1. Đền PoNít
Đền PoNít thuộc địa bàn thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, được xây dựng trên vùng đất rộng phẳng nằm ven Quốc lộ I. Trong khu đền hiện nay còn thờ khá nhiều tượng và Kút.
- Trong đền thờ, gian chính thờ tượng Vua PoNít, 2 gian bên cạnh thờ 2 Hoàng hậu. Bên cạnh tượng Hoàng hậu thứ nhất là bệ thờ Kút, theo bà con địa phương truyền lại, đây là Kút thờ người con trai Hoàng hậu. Kút được tạo dáng hình khối thon dẹt cao 0,82m, rộng ngang 0,5m, đầu và chân thon lại. Mặt Kút để trơn không trang trí. Kút đặt trên bệ hình khối hộp, trên mặt bệ là Yony hình chữ nhật cạnh dài 0,67m, rộng 0,58m, vòi dẫn vươn ra dài 0,09m có khe hẹp dẫn nước thiêng khi thờ cúng. Kế tiếp là Kút thờ người con gái. Kút là khối đá thon dài, hai đầu thót lại được chôn sâu xuống nền đền thờ. Kích thước đo được cao 0,6m, rộng nhất 0,36m. Mặt lòng Kút đục lõm dọc, toàn bộ để trơn không trang trí.
Kế tiếp tượng Hoàng hậu thứ hai là 4 Kút thờ. Tương truyền đây là 4 Kút thờ 4 người con gái do vị Hoàng hậu này sinh ra. Kút được tạo dáng hình cánh sen, mũi uốn cong vươn ra, đuôi thon dần được chôn sâu xuống nền đền thờ. Kích thước (dài x rộng) các Kút: (0,49x0,31; 0,67x0,4; 0,48x0,43 và 0,45x0,45)m.
- Ngoài đền thờ, hai bên sân hiện có hai dãy Kút dựng đăng đối nhau qua đền. Theo nhân dân địa phương, hai dãy Kút này là vật thờ những bà con trong hoàng tộc Vua PoNít. Dãy bên phải thuộc về họ nội, dãy bên trái thuộc về họ ngoại.
Dãy bên trái có 7 tượng, 4 tượng được tạo dáng chung là phiến đá dẹt dài, mũi hình cung tù, lượn tròn rồi thắt dần xuống dưới, trên một số chiếc tạc hoa văn trang trí, 3 chiếc tạo dáng hình tượng người nhưng giản lược với khối lượn tròn phân biệt đầu, vai và thân. Có 4 chiếc lòng Kút thể hiện cột thiêng chính giữa. Mặc dù vậy các Kút này vẫn được chế tác hoàn chỉnh, đường nét tạo dáng, khối gọn gàng trau chuốt được coi là một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh. Toàn bộ số Kút này được đặt trên bệ xây xi măng hình khối hộp, dựng vững chắc (Ảnh 1, 2). Kích thước các Kút như sau:
TT
Chiều cao (m)
Chiều rộng (m)
Dày (m)
Bệ: Dài x rộng x dày
1
2
3
4
5
6
7
0,76
0,8
0,62
0,69
0,46
0,49
0,52
0,43
0,38
0,38
0,41
0,32
0,43
0,35
0,2
0,18
0,18
0,17
0,16
0,23
0,18
0,65x0,47x0,185
0,54 x 0,36 x 0,18
0,54 x 0,54 x 0,12
0,50 x 0,35 x 0,14
Dẫy bên phải có 4 tượng Kút, trong đó có 1 tượng được xây bệ gạch xi măng, 3 tượng dạng bệ đá thờ.
Tượng số 1 bệ đá hình khối hộp chữ nhật dài 0,56m, rộng 0,47m, dày 0,185m, thành mặt đứng trang trí hình núm vú tròn nhỏ kết dải vây xung quanh. Kút tạo dáng hình lá sen mũi nhọn, vai vê tròn dưới thắt có chân đỡ. Mặt phía sau để trơn, mặt phía trước xung quanh khắc diềm, dưới chân là 6 hoạ tiết bông hoa hình 6 cánh, xung quanh là hoa văn hình móc xoắn và cánh sen nhìn nghiêng. Lòng Kút tạc hình trụ thiêng nhô lên. Kích thước cao 0,55m, rộng nhất 0,37m, dày 0,18m (Ảnh 4).
Tượng số 2 đặt trên bệ khối hộp xây xi măng, tạo dáng hình cung tù. Kích thước dài 0,54m, rộng nhất 0,36m, dày 0,18m.
Tượng số 3 đặt trên bệ đá hình khối hộp vuông. Kích thước cạnh bệ 0,54m, dày 0,12m. Kút tạo dáng hình cung tù cao 0,53m, rộng nhất 0,33m, dày 0,21m.
Tượng số 4 đặt trên bệ đá hình khối hộp chữ nhật dài 0, 5m, rộng 0, 35m, dày 0, 14m. Thành đứng tạc hình cánh sen kết dải vây quanh. Kút tạo dáng như hình người thể hiện ước lệ với các khối tương ứng các phần đầu, vai, ngực, thân cơ thể. Khối gọn khoẻ. Kích thước cao 0,47m, rộng ngang 0,35m, dày 0,135m (Ảnh 3).
Đây là khu đền hiện còn lưu giữ số lượng tượng Kút thờ nhiều nhất trên địa bàn.
1.2. Đền PoKlung Mơnai
Đền được xây dựng trên vùng đồi cát cao thuộc địa bàn thôn Mai Lãnh, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình. Đây vốn có tên là thôn Mơnai (Play Mơ nai). Đền thờ được xây dựng từ lâu trong lịch sử và được tu sửa nhiều lần, hiện nay được dòng họ Bà Nguyễn Thị Thềm - một dòng họ hoàng tộc người Chăm thờ cúng. Đền thờ vua Klung Mơnai hay còn gọi là PoMưk Taha, cùng Hoàng hậu và con cháu. Trong đền hiện nay còn thờ các tượng Kút sau:
Tượng vua PoKlung Mơnai và tượng 2 Hoàng hậu. Theo nhân dân địa phương, 1 Hoàng hậu có tên là Pia Xom và 1 Hoàng hậu là người Việt.
Kút thờ trong đền có 4 chiếc, đặt thẳng hàng với các tượng thờ.
Chiếc thứ nhất tạc hình cánh sen thon dài mũi nhọn, chân trang trí cánh sen kết dải, diềm trang trí hoa văn móc xoắn đối xứng nhau, lòng để phẳng không trang trí. Kích thước cao 0,46m, rộng nhất 0,43m, dày 0,06m.
Chiếc thứ hai tạo dáng hình cánh sen thắt giữa, mũi nhọn, vai uốn xuôi vê tròn, diềm tạc hoa văn xoắn đối xứng hai bên. Lòng trang trí cột thiêng như hình Linga nhọn nhỏ nhô lên. Kút đặt trên bệ khối hộp hình chữ nhật dài 0,52m, rộng 0,49m, dày 0,13m. Chiếc thứ ba tạo dáng hình cánh sen mũi nhọn, thân thon dài, hai diềm tạc hoa văn xoắn kết dải, lòng để trơn, đặt trên bệ khối hình hộp vuông, kích thước cạnh 0,55m, cao 0,17m, thành đứng tạc hoa văn cánh sen kết dải vây quanh. Kút kích thước cao 0,49m, rộng nhất 0,39m, dày 0,19m.
 Chiếc thứ tư tạo dáng hình cánh sen, hai diềm tạc hoa văn móc xoắn kết dải, lòng để trơn. Kút đặt trên bệ hình khối hộp chữ nhật cạnh dài 0,49m, rộng 0,39, cao 0,21m, thành đứng bệ trang trí hoa văn cánh sen kết dải vây quanh. Kích thước Kút cao 0,55m, rộng nhất 0,56m, dày 0,12m.
Bên ngoài đền có 1 Kút là khối đá thon dài dẹt dựng trước cửa cao 0,46m, rộng 0,22m, dày 0,12m đặt trên bệ xây gạch hình chữ nhật dài 0,57m, rộng 0,54m cao 0,27m. Theo nhân dân địa phương cho biết đây là Kút dựng thờ người nô bộc của vua PoKlung Mơnai.
1.3. Đền PoTầmMưk
Đền PoTầmMưk được dựng trên gò đất cao thuộc địa bàn thôn Xuân Quang, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình. Đền đã bị đổ nát lâu ngày nay chỉ là phế tích. Hiện nay, ở đây còn 4 tượng Kút nằm đổ ngổn ngang, Kút rời khỏi bệ vùi lấp trong lòng đất. Kút được tạo dáng hình cánh sen thon nhọn, bệ hình khối hộp chữ nhật. Một số Kút còn đo được kích thước dài 0,55m, rộng ngang 0,34m, dày 0,16m. Một số chiếc diềm tạc hoa văn hình dây uốn lượn hay hoạ tiết hình ngọn lửa uốn vươn lên. Bệ một số tạc hoa văn hoa 4 cánh nở xoè đều đối xứng (Nguyễn Thị Nhi 2002).
1.4. Đền Gò Cà Nương
Đền nằm cách phế tích đền PoTầm Mưk không xa và cũng bị đổ nát thành phế tích. Trên nền phế tích hiện còn một Kút nằm chôn sâu trong lòng đất. Kút là phiến đá dài thon nhọn, màu đỏ sậm, không khắc tạc hoa văn trang trí.
1.5. Đền PoYang Thok
Đền nằm trên gò đất cao ven đường liên thôn thuộc địa bàn thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Trong đền hiện còn thờ 5 Kút chôn sâu xuống nền đền. Chiếc chính giữa tạo dáng hình thon dài, đầu thon nhọn vai xuôi, cao 1,02m, rộng 0,62m, dày 0,48m. Kút để trơn không trang trí, lòng tạc hoạ tiết hoa văn xoáy tròn hình núm vú. Hai chiếc bên phải hình thon nhọn cao 0,44m và 0,39m; rộng 0,37m và 0,33m; dày 0,18m và 0,19m. Diềm để trơn, lòng tạc cột thiêng hình Linga nhỏ nhọn vươn lên. Hai chiếc còn lại dáng thon nhọn, cao 0,43m và 0,46m; rộng 0,32m và 0,3m; dày 0,11m và 0,15m. Kút để trơn không trang trí.
1.6. Kút lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận
Nhận thấy Kút là một loại hình điêu khắc khá đặc biệt trong đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc Chăm, trong nhiều năm qua Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành sưu tầm, tập hợp lưu giữ một số Kút thờ trên địa bàn. Hiện nay có 3 Kút cùng bệ khá hoàn chỉnh được bảo quản tại đây.
Chiếc thứ nhất được tạo dáng như tấm bia mộ của người Việt với đỉnh uốn cong hình cung, diềm trang trí hoa văn móc xoắn tròn nối nhau, chân diềm trang trí hoa văn cách sen kết dải. Mặt Kút phẳng nhẵn chính giữa khắc cột thiêng hình Linga nhô lên. Chân có cốt cắm vào bệ. Kích thước cao 0,83m, rộng ngang 0,38m, dày 0,17m (Ảnh 5).
Chiếc thứ hai thể hiện tương tự như chiếc thứ nhất, điểm khác là hình vòng cung tù có tạc hoa văn hình móc xoắn uốn lượn quanh. Chính giữa lòng là cột thiêng hình Linga nhô lên giữa hoa văn móc uốn đều hai bên. Kích thước: cao 0,93 m, rộng 0,34m, dày 0,16m (Ảnh 6).
Chiếc thứ ba tạo dáng như một bia đá, phía trước lồi lên hình ảnh người phụ nữ tạc khối cách điệu với đầu mặt thể hiện ước lệ, hai bầu ngực to, xung quanh trang trí hoa văn xoắn. Kích thước: cao 1,07m, rộng 0,49m, dày 0,20m.
Cùng với Kút là 3 chiếc bệ hình khối hộp chữ nhật, mặt bệ có mộng xuyên thủng dùng để cắm Kút.
Bệ thứ nhất có 3 tầng thu nhỏ dần lên trên. Kích thước tầng dưới dài 0,23m, rộng 0,21m, dày 0,12m. Lỗ mộng cắm Kút dài 0,08m, rộng 0,07m, sâu 0,08m.
Bệ thứ hai hình khối hộp vuông. Kích thước cạnh 0,45m, cao 0,12m.
Bệ thứ ba khối hộp hình vuông cạnh 0,45m, cao 0,12m, mặt chính giữa có lỗ mộng vuông cạnh 0,15m. Thành đứng mặt bệ trang trí các núm vú tròn kết dải vây quanh mỗi cạnh có 16 và 14 núm vú.
Cùng với những Kút được biết đến ở Bình Thuận đã nêu, trước đây và trong nhiều năm gần đây, Kút đã được phát hiện và nghiên cứu trên nhiều vùng khác nhau.
- Tại bệ thờ Linga-Yony trong tháp PoKlong Gialai (Ninh Thuận) mặt thành đứng bệ thờ tạc hình người biểu tượng thần Siva đồng nghĩa với biểu tượng vua PoKlong Gialai, một biểu hiện của dạng Kút.
- Tháp PoRome (Ninh Thuận) thành đứng mặt bệ thờ Linga-Yony tạc biểu tượng thần Siva đồng nghĩa với biểu tượng vua PoRome cũng là một dạng của Kút.
- Tháp PoDam (Ninh Thuận) có Kút dựng thờ nhà thiên văn học PoGanuơr Mantri và nô bộc của vua Po Paghu.
- Năm 1990, trên địa bàn tỉnh Phú Yên phát hiện được 1 Kút tại thôn Đông Tác, xã Phú Lâm, huyện Tuy Hoà (Trần Kỳ Phuương 2002). Kút cao toàn bộ 0, 627m, chốt cắm dài 0, 15m; rộng 0, 357m; dày 0, 10m. Tác phẩm được chạm khắc cả hai mặt giống nhau mang tính đối xứng. Phần trên trang trí đồ án trong bố cục hình tam giác có đỉnh nhọn và có đường gờ hình kỷ hà ở đáy tam giác. Phần thân có hai vai xuôi tròn, trên vai có trang trí hình lá hai lớp gặp nhau ở chính giữa tạo nên hình mũi tên hướng về phía dưới, ở trung tâm có hình tròn kép, phía dưới thắt vào tạo thành hình cái eo, giữa eo có hình lá hai lớp tạo thành hình mũi tên hướng lên đối xứng với phần hình lá mũi tên của phần vai. “Nhìn chung, tấm Kút có dáng phảng phất của một hình người ngồi xếp bằng: có đầu vai, eo, rốn và chân tạo thành một khối chữ nhật. Mặc dầu chỉ được trang trí đơn giản nhưng tấm Kút Đông Tác có giá trị thẩm mỹ rất cao”(Sở Văn hóa Thông tin Thuận Hải 1989). Như vậy, có thể nói Kút thờ là loại hình thờ khá phổ biến của người Chăm trên vùng đất phía Nam, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và nghệ thuật Champa trong lịch sử.
Với những tài liệu trên có thể thấy những nét chung của Kút Champa như sau:
- Về chất liệu tuân thủ theo truyền thống nghệ thuật điêu khắc Champa, chất liệu chế tác Kút là đá. Đá thường có màu xám nhạt, hạt mịn, độ cứng không cao, dễ đục chạm tạo nên tác phẩm.
- Về tạo dáng, Kút thường có hình cánh sen chiếm chủ yếu. Từ Kút cánh sen dáng thon nhọn được biến thể thành các loại khác nhau với vai xuôi vê tròn, thắt giữa tạo nên nét độc đáo riêng của thời đại tạo tác ra chúng. Một số Kút tạo dáng hình người nhưng vẫn lấy dáng cánh sen làm nền chủ đạo tạo nên hồn của tác phẩm.
- Kỹ thuật chế tác thường có bệ riêng, Kút riêng gá lắp vào nhau theo kỹ thuật mộng khớp liên kết với nhau tạo nên vật thờ hoàn chỉnh. Một số Kút chế tác liền khối, hoặc không có bệ chôn trực tiếp xuống nơi thờ.
- Hoa văn trang trí Kút khá đơn giản, đa phần dùng hoạ tiết hoa văn thực vật, cánh hoa, hoa dây uốn lượn, hoạ tiết hoa xoắn hình ngọn lửa. Một số bệ Kút tạc hoa văn cánh sen, núm vú kết dải vây quanh. Trang trí lòng bệ Kút đơn giản, để phân biệt giới tính người quá cố, lòng Kút tạc hình cột thiêng, tương tự hình ảnh Linga thu nhỏ, biểu hiện đó là nam giới. Lòng Kút tác hoa văn xoắn hình núm vú biểu hiện đó là nữ giới.
Thông thường Kút nữ giới thường được tạo tác kích thước lớn hơn, trang trí đẹp hơn các Kút nam giới, điều đó chứng tỏ địa vị người phụ nữ được coi trọng hơn trong cộng đồng cư dân Champa trong thời kỳ này.
II. NIÊN ĐẠI VÀ GIÁ TRỊ VĂN HOÁ
2.1. Niên đại
Cho đến nay khi nghiên cứu Kút, các nhà nghiên cứu đều thống nhất niên đại Kút khá muộn trong tiến trình nghệ thuật điêu khắc đá Champa, thuộc những giai đoạn kế tiếp của phong cách nghệ thuật PoRome “…tất cả dường như muộn hơn các ngẫu tượng ở PoRome…” (Lưu Trần Tiêu, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Quốc Hùng 2000) và là giai đoạn cuối của nghệ thuật tượng thờ Champa. Những Kút này thường có niên đại thế kỷ XVI-XVII. Người ta cho rằng tượng bán thân PoRome (1627-1651) gắn với bệ thờ Linga-Yony tháp PoRome là dạng khởi đầu của loại hình này. “ Kút chứng minh một ý chí có dụng tâm làm biến hẳn tượng người… các Kút minh hoạ một sự tiến hoá thụt lùi, những Kút có tượng có thể là những Kút xưa nhất, những Kút trần trụi nhất thể hiện những sản phẩm cuối cùng của người Chàm…” (Boisselier 1963). Sau này người Chăm vẫn tiếp tục dựng Kút nhưng chỉ là những hòn đá bia mộ tự nhiên mà cho đến ngày nay vẫn còn sử dụng.
2.2. Giá trị văn hoá
Nằm trong truyền thống nghệ thuật điêu khắc Champa, cùng giá trị mỹ thuật, những tượng Kút còn phản ánh đời sống xã hội tôn giáo của cư dân Champa trong một thời kỳ dài lịch sử.
Trước hết về đời sống xã hội, Kút là vật thờ của người Chăm được dựng trong các đền lăng, nhà thờ dòng họ. Theo người Chăm cho biết những người được dựng Kút thờ là những người có địa vị trong xã hội (Vua, quan, hoàng tộc), trong dòng họ (tộc trưởng), khi chết phải “ sạch sẽ” chết già, chết bệnh, chết toàn thây trước sự chứng kiến của thân nhân và được thày Cả làm lễ, khi hoả thiêu xong mới tiến hành lễ nhập Kút và đưa vào thờ. Tang lễ của người Chăm trong lich sử là vấn đề phức tạp với nhiều nghi lễ khác nhau, bên cạnh tính truyền thống còn có sự thay đổi trong mỗi thời kỳ. Nhưng dựng Kút để thờ trong giai đoạn này là một hiện tượng thực tế, do vậy nhiều nhà nghiên cứu cố tìm về nguồn gốc của loại hình này. Có ý kiến cho rằng tục thờ Kút có nguồn gốc xa xưa của người Chăm trong lịch sử, từ tục thờ ông bà tổ tiên buổi ban đầu. Khi văn hoá Champa chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, tục thờ cúng này hoà chung vào tôn giáo thờ phụng ở các tháp, thể hiện rõ là các vị vua thường gắn vương quyền với thần quyền, các tháp bên cạnh việc thờ phụng thần linh thường gắn với vị vua dựng xây tháp. Sau này khi không đủ điều kiện xây tháp, dựng tượng thờ thì tục thờ cúng các vị vua, ông bà dòng họ trở về cội nguồn, họ dựng Kút để thờ, để tưởng nhớ người đã khuất. “Tính chất phong phú lớn hoặc bé của Kút phụ thuộc nhất là vào ngôi thứ của nhân vật đã quá cố mà nó thể hiện… một vật tượng trưng nhắc lại ngôi thứ của người quá cố” (Maspero 1928).
Có ý kiến cho rằng, Kút thờ của người Chăm ảnh hưởng của bia mộ đạo Hồi mà hiện thấy phổ biến tại Inđônêxia, Malaixia, Campuchia. Chẳng hạn, ý kiến của Bồ Xuân Hồ “Những Kút ở miền PhanRí không phải là không có liên quan với các tấm bia của các ngôi mộ Hồi giáo ở Gia va mà chúng ta còn tìm thấy lại ký ức trong cách cấu tạo một vài tấm bia của các nghĩa trang Chàm Hồi giáo ở Campuchia… chắc chắn là một ảnh hưởng của Hồi giáo” (Bồ Xuân Hồ 1997). Hay, ý kiến của Boisselier “có thể là chứng cứ cho sự truyền bá của đạo Hồi từ bán đảo Mã Lai vào Champa trong thời cực thịnh của ngành hải thương Hồi giáo ở Đông Nam Á…” (Boisselier 1963).
Dựa vào chức năng và hình dáng tạo tác Kút cũng có ý kiến cho rằng “ đã có ảnh hưởng của các tấm bia của Trung Quốc và Việt Nam” (Nguyễn Duy Tỳ, Lê Minh Phong 1993) khi miền đất này có mối giao lưu mật thiết với văn hoá Việt thế kỷ XVI-XVII. Như vậy, nguồn gốc của Kút có nhiều kiến giải khác nhau. Dựa vào những Kút được khảo sát, chúng tôi thấy các Kút thường được tạo dáng hình cánh sen, tương tự như những tấm bia đá Champa một loại hình được sử dụng khá phổ biến trong nghệ thuật Champa. Trang trí các Kút cho thấy sử dụng nhiều hoạ tiết quen thuộc trong nghệ thuật Champa như hình cánh sen, hình núm vú kết dải có từ nghệ thuật Trà Kiệu, Tháp Mẫm, hay trang trí trên tháp Dương Long (Bình Định). Điều đó cho thấy hình dáng và trang trí Kút nằm chung trong dòng chảy nghệ thuật Champa. Hiện tượng thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tín ngưỡng bản địa trong đời sống tinh thần của người Chăm, bên cạnh những tôn giáo sơ khai thờ đa thần ( hòn đá, núi sông, cỏ cây…), các hiện tượng tự nhiên (mưa nắng, sấm sét, biển cả…). Khi văn hoá Ấn Độ truyền bá vào, bên cạnh Ấn Độ giáo, trong nhân dân vẫn duy trì tín ngưỡng của mình, tục thờ tổ tiên ông bà, cha mẹ. Nếu thời gian trước, khi Ấn Độ giáo phát triển phong tục đó được ẩn vào thờ cúng trong các tháp - những trung tâm tôn giáo, thì thời kỳ này khi các tháp không được xây dựng tục thờ cúng lan toả ra các cộng đồng cư dân mà hình thức của nó biểu hiện qua các Kút.
Như vậy, sự xuất hiện Kút trong nghệ thuật điêu khắc Champa, những vấn đề xung quanh Kút còn nhiều cần được tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ, nhưng Kút là một sản phẩm bản địa độc đáo của người Chăm, gắn bó mật thiết với đặc trưng tín ngưỡng thờ tổ tiên, tang lễ Champa. Việc gìn giữ nghiên cứu loại hình này, một bộ phận cấu thành của văn hoá Champa là vấn đề cần được quan tâm làm sáng tỏ, thúc đẩy việc nghiên cứu văn hoá Champa toàn diện hơn trong tương lai.
TÀI LIỆU DẪN
BOISSELIER J. 1963. La Statuarie de Champa. Paris 1963 (Nghệ thuật tạc tượng của nước Champa. Bản dịch tư liệu Viện Khảo cổ học).
BỒ XUÂN HỒ 1977. Tín ngưỡng tượng Kút ở vùng Chàm Thuận Hải. Dân tộc học, số 4: 17-22.
LƯU TRẦN TIÊU, NGÔ VĂN DOANH, NGUYỄN QUỐC HÙNG 2000. Giữ gìn những kiệt tác kiến trúc trong nền văn hoá Chăm. Nxb. Văn hoá Dân tộc. Hà Nội.
MAXPERO G. 1928. Le Royaume de Champa. Paris 1928 (Vương quốc Champa. Bản dịch tư liệu Viện Khảo cổ học).
NGUYỄN DUY TỲ, LÊ MINH PHONG 1994. Điều tra khảo cổ văn hoá Chàm ở Ninh Thuận năm 1993. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1993. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 284-285.
NGUYỄN THỊ NHI… 2002. Phế tích PoTầm MưK (Bình Thuận). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 840.
NGUYỄN TRƯỜNG ĐÔNG, LÊ ĐÌNH PHỤNG 2003. Kút người Champa ở Bình Thuận. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2002. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 837-840.
SỞ VĂN HOÁ THÔNG TIN THUẬN HẢI 1989. Người Chăm ở Thuận Hải.

TRẦN KỲ PHƯƠNG 2003. Về hai hiện vật thuộc nghệ thuật Champa tại Bảo tàng Phú Yên. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2002. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 846-849. 

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

DẤU TÍCH VĂN HÓA CHĂM
 TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA THĂNG LONG

            Vào cuối thế kỷ X, khi dân tộc Việt giành được độc lập, định đô tại Hoa Lư, mối quan hệ Việt – Chăm được xác lập trên tầm cao mới - mối quan hệ của hai tộc người độc lập. Nếu trước kia khi dân tộc Việt chìm trong đêm trường tăm tối ngàn năm Bắc thuộc, thì người Chăm đã giành được độc lập từ thế kỷ II ( 192) và xây dựng nên một nền văn hóa dân tộc đặc sắc tỏa sáng trên vùng Đông Nam á. Trong điều kiện mới, buổi đầu độc lập, văn hóa Việt sau ngàn năm gìn giữ nay có điều kiện dần phục hồi, xây dựng và tỏa sáng thì mối quan hệ với  văn hóa Chăm có tiền đề phát triển. Mối quan hệ đó diễn ra đa chiều, trên mọi lĩnh vực và văn hóa Chăm đã phần nào góp thêm những màu sắc làm phong phú văn hóa Việt trong lịch sử. Theo sử liệu ghi chép dưới triều Lê Đại Hành:Năm 982, "Vua Thân đi đánh nước Chiêm Thành thắng được...bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một người thầy tăng người Thiên Trúc; lấy các đồ quý mang về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn; san phẳng thành trì, phá hủy tôn miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư" . Những người Chăm được đưa về Hoa Lư đã để lại dấu ấn khá nhiều trên vùng đất kinh đô này.  Những phát hiện về cột kinh tại Hoa Lư mang đậm yếu tố Mật Tông của phật giáo có ảnh hưởng  phảng phất  của  Phật giáo Chămpa tại Kinh đô Đồng Dương thế kỷ IX –X. Những viên ngói mũi lá tìm được ở Hoa Lư là sự kế thừa của loại hình ngói lợp Champa. Nhiều phong tục, lễ hội của người dân trong vùng cho đến nay vẫn còn những yếu tố văn hóa Chăm ẩn tàng trong các nghi thức.
 Vào thế kỷ XI ( năm 1010) khi nhà Lý chuyển đô về Thăng Longlà nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.  Sự chuyển đô này đã đánh dấu một thời kỳ mới, tạo tiền đề cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đại Việt, khẳng định bản lĩnh dân tộc. Vương triều Lý tồn tại trên 200 năm ( 1009 – 1225) với nhiều thành tựu hội tụ, phát triển tinh hoa văn hóa của cả dân tộc  trong một thời kỳ lịch sử, trong những đóng góp đó có sự góp mặt của các nền văn hóa từ những  tộc người anh em, trong đó có dân tộc Chăm, một tộc người sinh sống quản lý trên dải đất phương nam
 I Những điều kiện lịch sử
Khi triều Lý lên ngôi, định đô ở Thăng Long mở đầu mối quan hệ  với tư cách của hai vương triều,  năm 1011 người Chăm đã tỏ lòng hữu hảo bằng cách dâng Sư Tử lên tiến cống, ngay sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi một năm  Mối bang giao thân hữu ấy được thể hiện theo thống kê ghi chép của Việt sử lược, riêng thời Lý, triều đình Champa cử hơn 43 đoàn sứ bộ sang Đại việt tiến cống sư tử, voi trắng, cá sấu cùng nhiều sản vật địa phương  như tơ lụa, vàng bạc vv... Năm 1198 là năm sứ bộ cuối cùng của Chiêm Thành sang cống nhà Lý và xin cầu phong. Mật độ sứ giả bang giao rất nhộn nhịp có giai đoạn 2 năm sai sứ sang Đại Việt một lần như các năm 1057 đến 1065; hoặc mỗi năm một lần như các năm từ 1081 đến 1089. 
Về quân sự theo sử liệu ghi chép vương triều Lý đã 6 lần tiến quân xuống phương nam. Hơn hai trăm năm cầm quyền với 6 lần tiến quân, bình quân trên 30 năm mới có một lần người Việt tiến xuống phía nam. Năm 1020 sai Khai Thiên Vương Phật Mã và Đào Thạc Phụ đem quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính. Năm 1044 Lý Thái Tông  thân chinh cầm quân xuống phương nam, người Việt tiến vào vùng đất VịJaya ( Bình Định) quốc đô của Champa. Năm 1069 Lý Thánh Tông  cầm quân đi đánh Chămpa bắt vua nước ấy cùng dân chúng hơn 5 vạn người. Năm 1075 trước khi lập phòng tuyến sông Như Nguyệt chặn cuộc xâm lược của nhà Tống. Lý Thường Kiệt đã đem quân di đánh Chiêm Thành. Năm 1104 Lý Thường Kiệt lại cầm quân đi đánh Chiêm Thành.Năm 1167. Tô Hiến Thành cầm quân đi đánh Chiêm Thành
 Ngược lại theo sử liệu ghi chép kể từ khi vương triều Lý cầm quyền người Chăm có đến  8 cuộc người Chiêm Thành đem quân ra cướp phá biên giới. Năm 1043 tháng 4 giặc sóng gió Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển; năm 1068 Chiêm Thành quấy nhiễu biên giới. Năm 1074 Chiêm Thành lại quấy rối biên giới; năm 1104 Vua Chiêm thành là Chế Ma Na đem quân vào cướp, năm 1132 Chiêm thành vào cướp châu Nghệ An; năm 1166 sứ Chiêm thành đi đến miền Ô Lý dùng quân phong thủy mà vượt biển cướp bóc nhân dân ven biển nước ta. Năm 1177 Chiêm thành đến cướp châu Nghệ An. Năm 1218 Chiêm thành đến cướp châu Nghệ An. Các cuộc xung đột biên giới này thường dân đến hệ quả là các cuộc tiến quân  của Đại Việt xuống Champa.
Hệ quả của các cuộc tiến quân là năm 1069 Lý Thánh Tông bắt được vua Chế Củ “ Chế Củ xin dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng tha cho Chế Củ về nước”. Lần đầu tiên một phần đất phía nam được hòa nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Đây là  sự sát nhập tự nguyện  trao đổi có điều kiện. Để củng cố quyền quản lý lãnh thổ năm 1075 cùng với việc sai Lý Thường Kiệt tổng lĩnh các quân đi đánh Chiêm Thành… Thường Kiệt bèn họa địa đồ hình thế núi sông của ba châu Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh rồi về. Đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh là châu Minh Linh, chiêu mộ dân chúng đến đấy ở”. Những hoạt động quân sự hay ngoại giao đã tạo điều kiện thuận lợi đa chiều cho văn hóa Champa dần từng bước hội nhập vào văn hóa Việt trong đó có không gian văn hóa Thăng Long.
Trong những mối quan hệ , đáng chú ý: Năm  1044 Lý Thái Tông  đánh kinh thành bắt sống hơn 5.000 người đưa về Đại Việt cho ở từ trấn Vinh khang ( Nghệ An) đến Đăng châu( Yên Bái – Lào Cai) sinh sống cho các tù binh được nhận người cùng bộ tộc, đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành. Đặc biệt hơn một bộ phận người Chăm được nhà Lý  tạo điều kiện cho định cư tại chính trung tâm Thăng Long. Lý Thái Tông khi vào Phật Thệ ( ViJaya) bắt vợ cả vợ lẽ… và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên đưa về Thăng Long.  Năm 1045 sau cuộc chinh phạt phương nam, vua Lý chế xe Thái Bình lấy vàng trang sức “ Bồng La nga” tức cái bành voi của Chiêm Thành để kéo...năm 1046 “ dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành”
 Năm 1060 lại “ Tháng 8 phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành sai nhạc công ca hát”. Năm 1203  “ Sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành, tiếng trong trẻo ai oán buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt”.Đặc biệt hơn về tinh thần năm 1069 Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, trong số những tù binh bắt được đưa về Thăng Long có một nhà sư Trung Quốc. Là người hâm mộ đạo phật, tiếp thu những giáo lý Phật giáo; Lý Thánh Tông  đã đưa vị sư này về chùa Khai Quốc, phong làm Quốc sư  khai sinh ra phái Thảo đường, một thiền phái của phật giáo vương triều và tự mình  trở thành thế hệ đầu của thiền phái này.. Thiền phái Thảo đường duy trì được 5 thế hệ trong đó có 3 vị vua tham gia ( Lý Anh Tông thế hệ thứ ba;  Lý Cao Tông thế hệ thứ năm) cùng nhiều vị quan lại đại thần trong triều như Tham chính Ngô Ích ( thế hệ thứ hai); Thái phó Đỗ  Anh Vũ(thế hệ thứ  ba); thái phó Đỗ Thường ( thế hệ thứ tư) và Quản giáp Nguyễn Thức ( thế hệ thứ năm). Từ nền tảng ban đầu mà nhà Lý tạo bước đột phá, các triều đại  Trần – Lê tiếp nối, các cuộc hội nhập văn hóa Việt – Chăm diễn ra thường xuyên trong lịch sử để đến cuối thế kỷ XV ( năm 1472) cơ bản phần đất người Chăm quản lý đã hội nhập vào lãnh thổ chung và văn hóa Champa trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc Việt Nam trong lịch sử.
Hệ quả của việc giao lưu tộc người và văn hóa  là văn hóa Việt tiếp nhận và chọn lọc  đưa những giá trị văn hóa tinh thần từ văn hóa Chăm vào tham gia thành tố văn hóa Việt, mà trong đó Thăng Long là nơi hội tụ kết tinh.
II Những bằng chứng lịch sử.
          Trước đây khi nghiên cứu về  văn hóa Thăng Long thời Lý – Trần, những nhà nghiên cứu đã chú ý về những dòng ghi chép trong lịch sử về sự có mặt của những nhóm người Chăm sinh sống, cùng những phong tục mang ảnh hưởng của văn hóa Chăm với nhóm cộng đồng người vùng đất xung quanh Thăng Long. Tuy nhiên, những công trình hay bài viết về những dấu ấn văn hóa Chăm ở Thăng Long - Hà Nội chưa được chú ý nhiều. Chúng ta chỉ bắt gặp những phát hiện, những nghiên cứu  đơn lẻ về dấu ấn của văn hóa Chăm nằm chìm trong nền văn hóa Việt. Những phát hiện này được tìm thấy qua các cuộc điều tra điền dã khảo cổ học như: Nguyễn Vinh Phúc: tìm ra thôn Bà Già ( 1986); Những pho tượng phỗng Chàm trong các di tích ở Hà Nội của Nguyễn Xuân Diện; Làng Phú Gia từ truyền thống tới hiện tại của Công Phương Khương(1999); Hai bức tượng Chăm ở chùa Bạch Sam (Hà Nội) của Nguyễn Tiến Đông và Nguyễn Hữu Thiết ( 2004) hay về Tượng uyên ương thời Lý ở chùa Bà Tấm, Phật tích, Dạm…của Trần Anh Dũng, Trần Thị Trúc Đào ( 2007). Và xa hơn nữa là công trình nghiên cứu về : Thần người đất Việt của Tạ Chí Đại Trường cũng đề cập một vài  dấu ấn văn hóa Chăm trên vùng đất Thăng Long.Nhìn chung những nghiên cứu về  văn hóa Việt - Chăm có số lượng không nhiều, chỉ dừng lại ở những nghiên cứu trường hợp nhỏ lẻ, thiếu hệ thống.
Đáng chú ý về khảo sát là tìm ra thôn Bà Già, một làng người Chăm được tụ cư sinh sống từ thời Lý, nay chính là thôn Phú Gia ( Từ Liêm- Hà Nội). Dựa vào cuốn sách cổ “ Bản xã thần ký”  truy tìm trong lịch sử đã cho thấy nhóm người Chăm được Lý Thánh Tôn sau khi chinh phạt Champa ( 1044) đã đưa nhóm người này đến vùng ven Thăng Long cư trú lập ra thôn Đa da li ( sau được phiên âm là Bà Già). Làng Chăm này đến thời Trần khá thịnh đạt, tướng Trần Nhật Duật thường đến đây ngao du. Tài liệu này phù hợp với lịch sử ghi chép 
Theo suốt dặm dài lịch sử, dấu ấn văn hóa Champa để lại cùng ảnh hưởng từ nền văn hóa này đã lan tỏa và để lại dấu ấn trong lòng văn hóa Đại Việt, văn hóa Thăng Long vô cùng đa dạng dưới nhiều loại hình và hình thức khác nhau, vật thể và phi vật thể.
Tại kinh thành Thăng Long, cuộc khai quật khảo cổ học tại di tích Hoàng thành xưa ( 18 Hoàng Diệu) trong những hiện vật tìm được có một viên gạch viết chữ

Chăm cổ ( tự dạng Skanrit). Bên cạnh đó là hàng loạt các hiện vật đồ gốm có men mang đặc trưng của  gốm Champa tại Bình Định ( ViJaya).Các di tích khác như tháp Báo Thiên xây thời Lý có dấu ấn của văn hóa Chăm qua các điêu khắc; chùa Bà Đanh “ Xây dựng từ đời Hồng Đức nhà Lê để cho dòng dõi Lâm ấp ở (Tống gọi là Chiêm Thành, tục ta gọi là Xiêm?). Đời hậu Lê đã phá bỏ „ cho đến
 Gạch chữ Chăm tại Thăng Long
nay chỉ còn lại trong sử liệu ghi chép
Những vùng ngoại vi Thăng Long, đền Bà Tấm ( Gia Lâm – Hà Nội) cho đến nay vẫn còn hai hai đầu tượng Sư Tử mang dấu ấn từ văn hóa Chăm
Tượng Sư Tử Champa
Đầu Sư tử đền Bà Tấm
Một số chùa ở Hà Nội bên những tín ngưỡng Phật giáo của người Việt, trong chùa xuất hiện những tượng thờ mang  yếu tố Champa. Chùa Chài ( Đông Anh – Hà Nội), tượng Phật bà thể hiện như tượng thần Mẹ xứ sở trong văn hóa Champa trong đó có những nét tương đồng về phong cách, hình thái thể hiện, hay tượng thần Shiva là vị thần Ân Độ giáo cũng được gia nhập vào phật điện chùa Việt
T­ượng Mẹ PoNaga ( Champa)
T­ượng Phật chùa Chài ( Đông Anh – Hà Nộ)

T­îng Shiva – BT Đà nẵng
T­îng Shiva chúa Chài
 Tại các công trình kiến trúc Phật giáo không xa Thăng Long như chùa Phật Tích ( Bắc Ninh), ngoài yếu tố xây dựng tháp trên núi cao theo truyền thống địa điểm xây dựng tháp Champa theo phong cách Bình Định ( thế kỷ XI – XIII)Thì các điêu khắc trang trí tháp mang nhiều đề tài theo nghệ thuật điêu khắc Champa như Kirana, tượng đất nung Uyên ương
Đầu tượng Sư Tử và tượng Kirana ( chùa Phật Tích- Bắc Ninh)Đầu tượng Sư Tử và tượng Kirana ( chựa Phật Tích- Bắc Ninh)
Các chùa  tháp như Tường Long ( Hải Phòng); Chương Sơn, Đọi Sơn (  Hà Nam)
dấu ấn văn hóa Champa để lại khá phong phú trên các tác phẩm điêu khắc trang trí tháp. Nhưng tài liệu vật chất hiện thấy cho biết văn hóa Champa theo năm tháng có ảnh hưởng khá rộng đến cư dân văn hóa Việt, nhất là nơi có cộng đồng người Chăm cư trú đang dần hội nhập vào văn hóa Việt, trong đó trung tâm là Thăng Long.
Bên cạnh những di tích vật thể,  dấu ấn văn hóa phi vật thể vẫn hiện hữu trong đời sống tinh thần của những nhóm cộng đồng cư dân.. 

Những cuộc thăm đất nước Champa “ không chính thức” bằng vũ lực đã đưa hàng ngàn người dân Chăm về sinh sống trên Đại Việt từ Nghệ An cho đến Yên Bái – Lao cai. Những người dân Chăm đến sinh sống có nhiều tầng lớp, người theo tôn giáo, cung nhân, thợ thủ công. Đến sống trên vùng đất mới được quy tụ theo bộ tộc hương ấp, văn hóa Champa lại có điều kiện tồn tại trong lòng nền văn hóa Việt. Tại Hà Nội cho đến nay còn nhiều làng gốc người Chăm cũ như thôn Bà Già ( Từ Liêm – Hà Nội). Các vùng ven Thăng Long như Yên Sở, Hoài Đức, Chương Mỹ  cho đến nay còn nhiều dấu ấn văn hóa Chăm như kỹ thuật khai thác đá ong, kỹ thuật xây giếng nước cùng nhiều phong tục, tập quán của ngươì Chăm để lại. Có ý kiến cho rằng, cây dừa là biểu tượng của người Chăm ( thị tộc Dừa), cho nên khi đến cư trú nơi sống mới họ thường mang theo cây dừa để nhớ về quê cũ. Hoài Đức xứ xở  của Dừa ven Thăng Long; Thanh Hóa quê hương của Dừa  xứ bắc được coi là một tiêu chí văn hóa Chăm lan tỏa trong không gian văn hóa Việt. Các trí thức, nghệ nhân, nghệ sĩ, tôn giáo, người Chăm đã mang đôi tay tài hoa và khối óc thấm đậm văn hóa Chămpa ngàn năm dần hội nhập vào văn hóa Việt. Nếp sống của người Chăm hòa lẫn vào văn hóa Việt theo thời gian.Văn hóa Champa không chỉ hòa trộn trong không gian văn hóa Thăng Long; với  số lượng người đông được phân bố rộng khắp  trên lãnh thổ Đại Việt chắc chắn sẽ diễn ra quá trình tiếp biến văn hóa Việt - Chăm mạnh mẽ, kéo dài qua nhiều thế kỷ Lý – Trần – Lê tạo nên sắc màu cuộc sống phong phú, đa dạng trong lòng văn hóa Việt truyền thống.  Văn hóa Chăm trong không gian văn hóa Thăng Long  là một trong những tâm điểm của quá trình hội nhập lâu dài đó./. 

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

EFEO VỚI SỰ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
GIÁ TRỊ  DI SẢN VĂN HOÁ CHAMPA
                                                                   
                Văn hoá Champa là nền văn hoá lớn, độc đáo được xây dựng theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc Chăm. Hơn một thiên niên kỷ dựng xây và phát triển, người Chăm đã để lại một di sản văn hoá vô cùng phong phú, độc đáo trên nhiều loại hình kiến trúc, điêu khắc, đồ gốm vv... và trở thành một bộ phận đặc sắc trong tổng thể văn hoá Việt Nam theo chiều dài lịch sử.
Cuối thế kỷ XIX khi tiếp xúc với các di sản văn hoá Việt Nam trong đó có văn hoá Champa, cùng với sự tiếp cận hệ thống tháp tại Bình Định, việc phát hiện ra các khu di tích Mỹ Sơn, Đồng Dương( Quảng Nam) đã trở thành một trong những động lực để hình thành nên tổ chức chuyên nghiên cứu về các nền văn hoá bản địa ở Việt Nam nói riêng và bán đảo Đông Dương nói chung. Đó là Viện Viễn Đông Bác Cổ( EFEO).
Kể từ khi được thành lập(1900) việc nghiên cứu di sản văn hoá Champa được tiến hành bài bản, có hệ thống trên toàn bộ lãnh thổ người Chăm trong lịch sử. Trước hết là việc điều tra khảo sát toàn bộ dấu tích, đánh giá hiện trạng các di tích, di vật hiện còn. Đây là cơ sở để hình thành nên công trình của H.Parmentier: Inventaire Descriptie des Monuments Cams de L’An Nam.Paris 1918( Thông kê khảo tả các di tích Camở An Nam), một công trình có ý nghĩa đặt nền tảng cho việc nghiên cứu, bảo tồn văn hoá Champa sau này.
Cùng với điều tra khảo sát, các cuộc khai quật tại các di tích Mỹ Sơn ( 1901-1902); PoNaga, Chánh Lộ,Đồng Dương( 1904); Trà Kiệu( 1927- 1928) Đại Hữu, Trung quán( 1927 -1928) vv.. đã góp phần phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo các kiến trúc ở Mỹ Sơn, PoNaga, hay sưu tập các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa đưa về bảo quản góp phần bảo tồn các di sản văn hoá quý giá này.
 Đặc biệt với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác cổ, sau nhiều năm kiên trì, năm 1916 Bảo tàng điêu khắc Champa tại Đà Nẵng được thành lập với 268 hiện vật ban đầu được đưa vào bảo quản, trưng bày giới thiệu đánh dấu một bước chuyển mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá. Từ cơ sở ban đầu, Bảo tàng ngày càng được quan tâm và bổ xung, đặc biệt sau năm 1934 cuộc khai quật Tháp Mẫm( Bình Định) đã bổ xung thêm nhiều hiện vật có giá trị cho Bảo tàng.
Dựa vào những  thành tựu nghiên cứu cơ bản ban đầu, là tiền đề cho nhiều tác phẩm về văn hoá Champa được xuắt bản như:  Ph. Stern:L’art du Champa et son Evolution. Toulose 1942( Nghệ thuật Champa và quá trình phát triển); J. Boisselier: La Statuaire du Champa Recherches sur  les Cuites et L’Iconographie. Paris 1963(Tiếu tượng học Champa ). Đặc biệt dựa vào di sản văn hoá trên các lĩnh vực là cơ sở cho việc hình thành dựng lại gương mặt lịch sử của người Chăm qua tác phẩm của G.Maxpero: Le Royaume de Cham. NXB Van Oest. Paris 1928.( Vương quốc Cham).
Do biến động của xã hội, sau năm 1975 việc nghiên cứu văn hoá Champa chủ yếu do các nhà nghiên cứu trong nước thực hiện. Kế thừa thành tựu mà các học giả Viễn Đông Bác cổ đạt được, nhiều cuộc sưu tầm, điều tra khảo sát khai quật khảo cổ học được tiến hành trên mọi vùng, đặc biệt trên vùng đất cố đô cũ như Quảng Nam; Bình Định. Song hành với Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng, nhiều phòng trưng bày về điêu khắc Champa có mặt tại các địa phương như Thừa Thiên Huế- Quảng Nam- Quảng Ngãi, Bình Định góp phần Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống văn hoá ngày nay.
 Nhiều công trình nghiên cứu văn hoá Champa được xuất bản đã góp phần cho việc hiểu sâu toàn diện hơn  và khẳng định giá trị  vô giá của văn hoá Champa trong lịch sử dân tộc.

Có thể thấy, những kết quả nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ trong quá khứ là tầng nền vững chắc để tạo nên những thành tựu nghiên cứu  văn hoá Champa ngày nay. Những thành tựu của quá khứ, hiện tại và tương lai đều nhằm mục đích chung gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Champa trong lịch sử./.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

ĐẠI THÁNH  TỪ ĐẠO HẠNH- MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HÓA VIỆT NAM
                                                                        
I Sơ lược về tinh thần văn hóa Việt 10 thế kỷ đầu công nguyên.
 Sau năm 43, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị đàn áp, nước ta rơi vào thời kỳ mất độc lập tự chủ.  Trong điều kiện đó, bên cạnh  truyền thống văn hóa được xây dựng từ thời dựng nước văn hóa Đông Sơn  thì trong điều kiện lịch sử mới nhiều thành tố văn hóa mới  từ bên ngoài hội nhập vào xã hội Việt tạo nên diện mạo mới cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
1. Trước hết sự du nhập của Phật giáo  từ những thế kỷ đầu, tự cội nguồn giáo lý có sự tương đồng với tín ngưỡng dân gian, sự du nhập có tính hòa bình. Phật giáo  thích nghi hòa đồng với đời sống tinh thần của người dân cho nên đã hình thành nhiều trung tâm phật giáo, trong đó nổi trội với trung tâm Phật giáo Luy Lâu nổi tiếng,  sau trở thành trị sở của thiền phái Tỳ ni đa lưu chi  và duy trì theo suốt chiều dài lịch sử 10 thế kỷ đầu công nguyên. Phật giáo Thiền phái này ngoài Phật tính còn có các yếu tố khác đan xen. Tượng thờ trong Phật điện lấy thờ Phật Tứ Pháp làm trọng tâm. Bên cạnh đó có yếu tố của Ấn Độ giáo: thờ biểu tượng Linga được coi là Đức Thạch quang. Hoạt động tín ngưỡng có yếu tố thần bí như truyền thuyết kể vị sư Khâu Đà La  đứng tu thiền 1 chân ( Độc Cước) hay khi gặp trời đại hạn đập cây gậy cây Tích trượng mấy cái là có mưa liền. Mặc dù vậy yếu tố Phật vẫn nổi trội với sự kiện,  năm 1033 “ Ở chùa Pháp Vân thuộc Cổ Châu, có nhà sư nói, trong chùa phát ra mấy đường ánh sáng. Rồi theo chỗ ánh sáng ấy mà đào lên thì được một cái hộp bằng đá, trong hộp bằng đá có cái hộp bằng bạc, trong hộp bằng bạc có cái hộp bằng vàng, trong hộp bằng vàng có cái bình bằng Lưu Ly, trong cái bình bằng Lưu Ly có Xá Lợi Phật”. Như vậy suy ra  chiếc hòm đá này có trước thế kỷ XI.  Cuộc khai quật khảo cổ học tại Tháp Nhạn ( Nghệ An) năm 1986 đã tìm thấy hình ảnh hòm Xá Lợi này trong lòng nền tháp.
- Cùng với thiền phái Tỳ Ni đa lưu chi thì một dòng Phật giáo Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc truyền sang cùng gia nhập vào xã hội tinh thần Việt Nam với trung tâm là chùa Kiến Sơ ( Gia Lâm – Hà Nội). Hai dòng Phật giáo này đều hội tụ ở vùng đất xứ Bắc với trung tâm chính trị kinh tế văn hóa Luy Lâu. Thời Lý,  nhà sư Thông Biện đã dẫn truyện Đàm Thiên Pháp sư cho biết “ Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên trúc. Khi Phập pháp đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới 20 ngôi bảo tháp độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi”.
Vào thế kỷ VI sau cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn, nhà nước Vạn Xuân độc lập  được thành lập  thì Phật giáo đã giữ vai trò quan trong trong đời sống chính trị, Vua cho xây dựng chùa Trấn Quốc.
Như vậy có thể thấy 10 thế kỷ đầu công nguyên phật giáo đã có mặt và lan tỏa khá nhiều vùng trong cả nước với nhiều chùa tháp ; Phật giáo đã trở thành một lực lượng tinh thần với đông đảo cơ sở vật chất,  hình thành nên một “quyền lực mềm” trong đời sống xã hội.
2. Nho giáo
Nho giáo ra đời sớm ở Trung Quốc và coi Khổng Tử là người sáng lập. Nho giáo theo chân các nhà cai trị có mặt sớm tại nước ta. Người được vinh danh nhất là Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp “ khi còn ít tuổi ..du học ở kinh đô nhà Hán....chuyên trị sách Tả Thị xuân thu, có làm chú giải; được cử Hiếu Liêm, bổ làm Thượng Thư Lang... làm Thái Thú Giao châu” được khen là “ Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị... những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn”. Sĩ Nhiếp đã truyền bá nho giáo khá sâu rộng trong thờ kỳ cầm quyền ( 186 – 226) tạo nên tầng lớp nho sĩ  buổi đầu và sau này được tôn là “ Nam giao học tổ”. Mặc dù là nho gia nhưng Sĩ Nhiếp vẫn theo đạo giáo “ Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường; người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người... ” “ Trước vương ốm, đã chết đi 3 ngày, người tiên là Đổng Phụng cho một viên thuốc hòa vào nước ngậm, rồi đỡ lấy đầu mà lay động, một chốc lát mở mắt động tay sắc mặt bình phục dần. Hay  “ tục truyền rằng sau khi vương chết đã chôn, đến cuối thời nhà Tấn đã hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lại lấp lại, người địa phương cho là thần làm miếu để thờ gọi là Tiên Sĩ Vương”.. Sau Sĩ Nhiếp là các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên ( năm 231) “ dựng nhà học, dẫn dắt bằng lễ nghĩa”
Hiện tượng Sĩ Nhiếp, Tích Quang, Nhâm Diên đã cho thấy  xã hội Việt Nam hình thành tầng lớp nho giáo. Một số nho gia đã kết hợp với đạo giáo hình thành nên hệ tư tưởng chi phối đời sống tinh thần trong những thế kỷ đầu,  đặc biệt trong tầng lớp quan lại hình thành nên mối quan hệ Nho – Đạo gắn bó chặt chẽ với nhau.
3. Đạo Giáo:
 Đạo giáo có mặt sớm trong xã hội Trung Quốc và Lão Tử được coi là người tiêu biểu. Theo chân các nhà cai trị , đạo giáo cũng sớm có mặt tại nước ta Thẻo truyền thuyết An Kỳ Sinh là vị đạo sĩ Trung Quốc đầu tiên có mặt tại nước ta, ông tu tại núi Châu Sơn hay còn gọi là Vũ Ninh Sơn, ông tu luyện được đến trường sinh bất tử. Tượng ông hiện còn tại núi Yên tử ( Quảng Ninh). Viên quan đầu tiên là Thứ sử Trương Tân ( năm 221)“ Tân thích việc quỷ thần, thường đội khăn đỏ gảy đàn, đốt hương , đọc sách Đạo giáo...”. Viên quan Thái thú  Giao Châu là Sĩ Nhiếp cũng liên quan đến đạo giáo. Đạo giáo Việt Nam theo Mâu Tử viết trong tác phẩm Lý hoặc Luận cho biết “  Hồi bấy giờ sau Linh Đế mất, chỉ có Giao Châu là còn hơi yên tĩnh. Nhân tài phương bắc đều về ở đây, phần nhiều theo phép thần tiên tịch cốc, trường sinh, đương thời có nhiều người theo học”. Hiện tượng  lan tỏa này khá mạnh mẽ đến nỗi năm 420 Thái thú Giao Châu là Tuệ Độ “ cấm thờ nhảm, sửa nhà học” Mặc dù vậy Đạo giáo vẫn phát triển. Theo Giao Châu bát huyện ký vào thời nhà Đường thế kỷ IX Giao Châu có 88 chùa miếu Phật giáo và 21 am của quán Đạo giáo. Những   câu chuyện về yểm bùa chú của Cao Biền hay những câu chuyện thần tiên khi đắc đạo đã cho thấy Đạo giáo có ảnh hưởng khá lớn trong xã hội Việt Nam. Những người tin theo đạo giáo thường là những nhà nho, nhiều người là quan cai trị. Nho – Đạo kết hợp nhau hình thành nên hệ tư tưởng của bộ máy đô hộ  phong kiến phương bắc với  Việt Nam.
Tinh thần văn hóa Việt 10 thế kỷ đầu công nguyên, bên cạnh những yếu tố tín ngưỡng văn hóa truyền thống, có thể thấy có 3 trục tinh thần Phật – Nho – Đạo giáo gia nhập và có mặt theo suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Đây là những yếu tố nền tảng để hình thành nên hệ tư tưởng Việt Nam sau khi giành được độc lập.
 II. Sự hiện diện của các hệ tư tưởng, tôn giáo buổi đầu độc lập
Năm 938 đánh dấu cho sự độc lập của dân tộc với chiến thắng Bạch Đằng vang dội, vương triều Ngô được thành lập. Năm 939 “ vua bắt đầu xưng vương...đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi “ bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi”.Trong chức vụ của quan lại triều đình có sự tham gia của  đại diện các tôn giáo” Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư, Trương Nga Mi làm Tăng Lục. Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng Chân Uy Nghi” Như vậy triều đình đã xác định vị trí cao nhất của hệ thống Phật giáo và Đạo giáo trong cả nước.Những cuộc khai quật khảo cổ học tại kinh đô Hoa Lư ( Ninh Bình) đã tìm thấy gần một trăm cột  đá khắc kinh phật dưới triều Đinh đã cho biết hệ tư tưởng Phật giáo đã dần  chiếm vị trí quan trọng
 . Năm 981 Lê Hoàn lên ngôi đánh tan quân Tống xâm lược,  trong triều đình nhà Lê  có mặt tham gia của các nhà sư Phật giáo. Pháp sư Pháp Thuận thay vua đón sứ giả Lý Giác. Sư Khuông Việt qua bài thơ Lý Giác còn tán tụng “ thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống”, nhưng sự có mặt của các vị sư cũng chỉ là tham vấn của triều đình. Bên cạnh các nhà sư là Thái Sư Hồng Hiến “ Hiến là người Bắc thông hiểu kinh sử, thường theo các cuộc chinh phạt làm quân sư cũng là khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc”, đó là sự có mặt của nho giáo trong triều chính. Vua Lê Ngọa Triều lên ngôi “ sửa đổi quan chế và quan chế của các quan văn võ và Tăng đạo”, nhưng có lẽ các tôn giáo không được quan tâm đặc biệt là đạo Phật. Sử cũ ghi  “ vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vỡ lỡ tay làm đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười” đã phần nào phản ánh tình trạng đó.
Kế thừa tinh thần phật giáo 10 thế kỷ đầu công nguyên, trải qua 3 triều đại độc lập bên cạnh kế thừa tinh thần Phật giáo thì Phật giáo gia nhập vào đời sống tinh thần xã hội khá sâu đậm các thiền sư đã có những bài thần chú đọc để cầu mưa, cầu tạnh, chữa bệnh, trừ tà, đoán tướng số, sấm thi... làm những công việc gần giống như đạo sĩ Đạo giáo.
Được sự ủng hộ của đạo Phật, Lý Công Uẩn lên ngôi, chuyển đô về Thăng Long, tạo nền tảng vững chắc cho nền độc lập dân tộc. Việc chuyển đô này, ngoài việc về trung tâm kinh tế, văn hóa đất nước thì cũng liên quan đến vùng đất trung tâm phật giáo xứ Bắc và xứ Đoài,  nơi quê hương có lực lượng phật giáo đông đảo ủng hộ ông, mở  một  thời kỳ mới cho Phật giáo phát triển cả về lượng và chất, được coi là Quốc Giáo . Các vua triều Lý đều quan tâm xây dựng chùa chiền, xin kinh Phật, , tổ chức nhiều đại lễ Phật giáo, hoàn thiện tổ chức, nhiều cao tăng được phong là Quốc sư.
 Bên cạnh Phật giáo Nho giáo cũng được chú trọng nhằm đào tạo nên hệ thống quan lại tổ chức quản lý đất nước, đỉnh cao là năm 1072 “ làm Văn miếu... Hoàng Thái tử đến học ở đây”, năm  1075” xuống chiếu tuyển Minh Kinh bác học và cho thi học tam trường.Lê văn Thịnh trúng tuyển cho vào hầu vua học”. Những người nho sinh thi đỗ tam trường đều được sử dụng làm quan trong hệ thống chính trị nhà nước.
Đạo giáo thời Lý cũng khá phát triển, cùng quan tâm  Phật giáo, các vua Lý cũng chú trọng Đạo giáo. Sử cũ ghi lại Lý Thái Tông đã từng có mối quan hệ mật thiết với giới đạo sĩ” Vua lấy áo ngự ban cho Trần Tuệ Long là đạo sĩ ở quán Nam Đế”. Vua còn cho phép các Đạo sĩ được nhận Ký Lục ở cung Thái Thanh như là sự thừa nhận của nhà vua với việc tu hành của các đạo sĩ. Vua Lý Thánh Tông khi Công Bình đánh được Chân Lạp xâm lược bờ cõi “ vua ngự đến cung Thái Thanh và Cảnh Linh và các chùa quán trong thành để tạ ơn Phật và Đạo đã giúp ngầm cho Công Bình đánh được giặc”. Năm 1135 “ vua  ngự đến quán Ngũ Nhạc để khánh thành tượng Tam Tôn bằng vàng”. Một đạo quán của Đạo Giáo ở Thăng Long.
 Sơ lược điểm qua vài sự kiện đã cho thấy đời sống tinh thần ở nước ta trong buổi đầu độc lập đã song hành cùng tồn tại 3 hệ tư tưởng Phật – Đạo – Nho trong đời sống tinh thần từ vua quan đến thường dân. Ba hệ tư tưởng này không bài xích nhau, cùng phục vụ cho sự phát triển và gìn giữ nền độc lập của dân tộc. Mặc dù có sự chú trọng khác nhau, sự nổi trội của  Phật giáo, nhưng có thể nói 3 tôn giáo này là 3 trục tinh thần chính của xã hội Việt Nam . Chính vì thế có nhà nghiên cứu cho rằng đây là thời kỳ “Tam giáo đồng quy”. Chính hoàn cảnh xã hội như vậy đã xuất hiện một hiện tượng lịch sử được nhiều tài liệu biết đến  đó là Đại Thánh Từ Đạo Hạnh.
III.Đại  Thánh  Từ Đạo Hạnh- Một hiện tượng văn hóa thời Lý.
Tài liệu lịch sử sớm nhất viết về Từ Đạo Hạnh là trong Thuyền Uyển tập anh viết về “Thiền Sư Đạo Hạnh”, tài liệu chỉ cho biết năm mất 1117 chứ không rõ năm sinh. Trong Việt Điện u linh viết về “ Sự tích đại thánh Từ Đạo Hạnh”. Đây là hai cuốn sách được biên soạn thời Trần(?) cách thời Lý không xa. Các cuốn sử cũ như Việt sử lược; Đại Việt sử lược thời Trần, hay bộ Đại Việt sử ký toàn thư sau này đều có vài dòng ghi chép về Từ Đạo Hạnh. Trong Lĩnh Nam chích quái cũng ghi chép một truyện riêng “ Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không”. Những ghi chép trên cho thấy có sự khác biệt cùng trên một nhân vật Từ Đạo Hạnh. Trong Thuyền Uyển tập anh ghi rằng Từ Đạo Hạnh là nhà sư thuộc thiền phái Tỳ Ni đa lưu chi. Trong Việt điện u linh  Từ Đạo Hạnh là Đại Thánh. Vậy nhận vật này là Phật hay Thánh.
Có thể chia tóm tắt sự tích Từ Đạo Hạnh thành ba thời kỳ qua các tài liệu ghi chép như sau:
 Thời kỳ thứ nhất: con người  học và thành đạo
 Theo các nguồn tài liệu Từ Đạo Hạnh sinh  ra trong gia đình Cha  là Từ Vinh theo đạo Phật làm chức Đô sát ngạch tăng quan đời Lý. Mẹ họ Tăng tên Loan tại xóm Nam làng An Lãng( làng Láng- Hà Nội). Khi sinh ra, Từ Đạo Hạnh đã lộ có khí cốt Tiên – Phật. Thời trẻ kết bạn với nhà nho tên là Phí Sinh, một đạo sĩ tên là Lê Toàn Nghĩa và một người đàn hát là Phạm Át. Từ Đạo hạnh  thi khoa Bạch Liên đỗ thứ nhất, nhưng không chịu ra làm quan. Như vậy Từ Đạo Hạnh học nho giáo, có mối quan hệ với Đạo giáo. Cha ông - Từ Vinh dùng Tà Thuật làm phật ý Diên Thành Hầu. Diên Thành Hầu nhờ Đại Điên thiền sư dùng phép thuật đánh chết. Từ Đạo Hạnh tìm cách báo thù nhưng không được “ Từ đó ông quyết chí đánh đường sang Ấn Độ cầu học phép lạ để về báo thù cho cha. Đến nước Kim Xỉ gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về. Theo sự tích Đại thánh Từ Đạo Hạnh trong Lĩnh Nam chích quái thì cùng đi còn có hai đạo hữu là Minh Không và Giác Hải. Hai vị này học được đạo về trước. Từ đạo Hạnh học được phép rút đất và lời thần chú Đà Ni. Từ Đạo Hạnh còn biết kiếp sau của mình “ tôi còn vướng trần duyên, sau này sẽ lại ra thế gian ở ngôi nhân chủ ” và biết “ sẽ không tránh khỏi bệnh nạn, các anh có duyên với ta, xin cứu cho” . Ba người cùng truyền phép thuật xuống nước, lên không, bắt rồng, hổ phải hàng phục; xuất quỷ nhập thần không ai lường được.Sau đó ông ẩn cư trong hang sâu núi Phật Tích, ngày ngày chuyên trì tụng Đại Bi tâm Đà La Ni đủ mười vạn tám nghìn lần. Sau khi thành đạt, sai khiến được thần linh “ Tứ trấn thiên vương” và  trả thù cha, mối tục lụy đã lắng. ông đi chơi khắp nơi rừng sâu để cầu ấn quyết. Ông đã vân du gặp cao tăng Trí Huyền ở Thái Bình, Sùng Phạm ở Pháp Vân ( Bắc Ninh) học hỏi” Từ đó pháp thuật ngày càng cao, lòng thiền ngày càng chính, khiến được các chim các thú đến đầy trước mặt để sai bảo. Dân ở quanh vùng ấy hễ có bệnh tật đến xin bùa dấu đều được khỏi luôn”.
Như vậy có thể thấy ông sinh ra trong ra đình  có nguồn gốc Tam Giáo, cha làm quan( nho học) theo Phật ( Tăng quan) nhưng biết dùng Tà Thuật ( Đạo giáo). Bản thân ông lúc nhỏ theo học ( Nho ) , mối quan hệ bàn bè cả Phật giáo và Đạo giáo. Khi tu luyện có Phật học ( tụng kinh), có phép thuật ( Đạo sĩ). Trong con người ông có đủ 3 yếu tố ( Nho – Phật – Đạo) và khi hành nghiệp trong đời cũng thực thi cả 3 yếu tố: tụng kinh, ấn quyết, chữa bệnh phù chú..... Ông là con người hội tụ điển hình của các hệ tư tưởng thời Lý. Tam giáo đồng quy trong một cá nhân cụ thể. Đây là điều kiện  có và đủ để Từ Đạo Hạnh thăng hoa thành “ Nhân chủ” của quốc gia Đại Việt độc lập.
Thời kỳ thứ hai:  hiện thân “ Tái sinh”
Theo các nguồn tư liệu cho biết để tạ ơn Lý Nhân Tông, Từ Đạo Hạnh “ hóa” vào cửa nhà Sùng Hiền Hầu để đầu thai lên làm vua. Ông biết việc của mình “ ta chưa hết nhân duyên với đời., lại phải thác sinh làm vua ở nhân gian”. Căn dặn đệ tử: khi nào chết lại về làm chủ “ Tam thập tam thiên” nếu thấy thân nhân ta bị nát hết, bấy giờ ta mới vào cõi “ bất sinh bất diệt”. Ông “ đập đầu vào vách đá, nện chân lên bàn đá rồi hóa... Xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho, người làng lấy làm lạ để vào trong cái khám để thờ”
Từ Đạo Hạnh là hiện thân của Lý Thần Tông, lúc nhỏ “không cần nuôi mà chóng lớn, không cần học mà thông suốt, người đẹp mà có tài vô song”. Lớn lên trị vì đất nước (1128 -1138) được coi là vị vua “ tư chất thông minh, độ lượng nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thủy chung đều chính, nhiệm nhặt khúc nói, không có gì sai lệch... Song quá thích điềm lành, tôn sùng đạo Phật”. Ông là người “ tạ ơn Phật và Đạo ở hai cung Thái Thanh và Cảnh Linh cùng các chùa trong kinh thành xây sửa nhiều chùa, khánh thành 8 vạn 4 nghìn bảo thápvv... Cuộc đời của ông linh ứng với kiếp trước, năm 21 tuổi bị bệnh mình mọc đầy lông biến hình như con hổ và chỉ được đạo hữu Minh Không chữa khỏi theo lời nguyền kiếp trước.Khi ông mất “ chùa Thiên Phúc hiện lên khí thiêng lạ thường, ai trông thấy cũng phải kinh sợ”
Thời kỳ thứ 3 : Luân Hồi
 Gần 300 năm sau, khi quân Minh sang xâm lược nước ta( 1403 -1424) “ đến chỗ này thấy mùi hương thơm nức, tìm đến trong khám thấy Chân nhân một vị đạo nhân, nét mặt tươi như lúc sống. Người Minh cho là Tiên, mới rước sang chùa Hương Sơn làm phép hỏa táng.... nhặt lấy tro đắp thành tượng, bỏ vào khám cũ để thờ ở bên trái chùa Thiên Phúc”.
Hơn 300 năm sau( 1460 -1469) Trường Lạc Hoàng Hậu sai Thái úy Trinh Quốc Công lên động chùa Thiên Phúc cầu tự. Khi làm lễ có một phiến đá ngoài động bày vào, Trình Quốc công mang về trình Hoàng Hậu. Ít bữa sau, hoàng hậu mộng thấy rồng vàng vào bên sườn, rồi có mang sinh ra vua Lê Hiến Tông. Từ đó chùa càng nổi tiếng thiêng.... tới nay hương khói không lúc nào dứt”

Như vậy, nhân vật Từ Đạo Hạnh là một hiện tượng lịch sử, gắn liền với một địa danh lịch sử ( chùa Thiên Phúc) cùng chuỗi truyền thuyết lịch sử hình thành nên “một tuyến” trong văn hóa Việt Nam. Địa danh được gọi là chùa Thầy, nhân vật được coi là Thánh ( bùa chú, ấn quyết...), cuộc sống luân hồi ( Phật), hành xử như Tiên, tụng kinh như Phật. Hiện tượng Từ Đạo Hạnh hội tụ đủ các yếu tố văn hóa : Phật- Đạo – tín ngưỡng thờ cúng tiền nhân, được mở đầu từ thời Lý và kéo dài cho đến ngày nay là một điểm nhấn đặc sắc, phản ánh khá đầy đủ hệ tư tưởng, tín ngưỡng  của dân tộc, một truyền thống văn hóa mở làm nên bản sắc văn hóa dân tộc trong lịch sử./.