Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

EFEO VỚI SỰ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
GIÁ TRỊ  DI SẢN VĂN HOÁ CHAMPA
                                                                   
                Văn hoá Champa là nền văn hoá lớn, độc đáo được xây dựng theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc Chăm. Hơn một thiên niên kỷ dựng xây và phát triển, người Chăm đã để lại một di sản văn hoá vô cùng phong phú, độc đáo trên nhiều loại hình kiến trúc, điêu khắc, đồ gốm vv... và trở thành một bộ phận đặc sắc trong tổng thể văn hoá Việt Nam theo chiều dài lịch sử.
Cuối thế kỷ XIX khi tiếp xúc với các di sản văn hoá Việt Nam trong đó có văn hoá Champa, cùng với sự tiếp cận hệ thống tháp tại Bình Định, việc phát hiện ra các khu di tích Mỹ Sơn, Đồng Dương( Quảng Nam) đã trở thành một trong những động lực để hình thành nên tổ chức chuyên nghiên cứu về các nền văn hoá bản địa ở Việt Nam nói riêng và bán đảo Đông Dương nói chung. Đó là Viện Viễn Đông Bác Cổ( EFEO).
Kể từ khi được thành lập(1900) việc nghiên cứu di sản văn hoá Champa được tiến hành bài bản, có hệ thống trên toàn bộ lãnh thổ người Chăm trong lịch sử. Trước hết là việc điều tra khảo sát toàn bộ dấu tích, đánh giá hiện trạng các di tích, di vật hiện còn. Đây là cơ sở để hình thành nên công trình của H.Parmentier: Inventaire Descriptie des Monuments Cams de L’An Nam.Paris 1918( Thông kê khảo tả các di tích Camở An Nam), một công trình có ý nghĩa đặt nền tảng cho việc nghiên cứu, bảo tồn văn hoá Champa sau này.
Cùng với điều tra khảo sát, các cuộc khai quật tại các di tích Mỹ Sơn ( 1901-1902); PoNaga, Chánh Lộ,Đồng Dương( 1904); Trà Kiệu( 1927- 1928) Đại Hữu, Trung quán( 1927 -1928) vv.. đã góp phần phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo các kiến trúc ở Mỹ Sơn, PoNaga, hay sưu tập các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa đưa về bảo quản góp phần bảo tồn các di sản văn hoá quý giá này.
 Đặc biệt với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác cổ, sau nhiều năm kiên trì, năm 1916 Bảo tàng điêu khắc Champa tại Đà Nẵng được thành lập với 268 hiện vật ban đầu được đưa vào bảo quản, trưng bày giới thiệu đánh dấu một bước chuyển mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá. Từ cơ sở ban đầu, Bảo tàng ngày càng được quan tâm và bổ xung, đặc biệt sau năm 1934 cuộc khai quật Tháp Mẫm( Bình Định) đã bổ xung thêm nhiều hiện vật có giá trị cho Bảo tàng.
Dựa vào những  thành tựu nghiên cứu cơ bản ban đầu, là tiền đề cho nhiều tác phẩm về văn hoá Champa được xuắt bản như:  Ph. Stern:L’art du Champa et son Evolution. Toulose 1942( Nghệ thuật Champa và quá trình phát triển); J. Boisselier: La Statuaire du Champa Recherches sur  les Cuites et L’Iconographie. Paris 1963(Tiếu tượng học Champa ). Đặc biệt dựa vào di sản văn hoá trên các lĩnh vực là cơ sở cho việc hình thành dựng lại gương mặt lịch sử của người Chăm qua tác phẩm của G.Maxpero: Le Royaume de Cham. NXB Van Oest. Paris 1928.( Vương quốc Cham).
Do biến động của xã hội, sau năm 1975 việc nghiên cứu văn hoá Champa chủ yếu do các nhà nghiên cứu trong nước thực hiện. Kế thừa thành tựu mà các học giả Viễn Đông Bác cổ đạt được, nhiều cuộc sưu tầm, điều tra khảo sát khai quật khảo cổ học được tiến hành trên mọi vùng, đặc biệt trên vùng đất cố đô cũ như Quảng Nam; Bình Định. Song hành với Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng, nhiều phòng trưng bày về điêu khắc Champa có mặt tại các địa phương như Thừa Thiên Huế- Quảng Nam- Quảng Ngãi, Bình Định góp phần Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống văn hoá ngày nay.
 Nhiều công trình nghiên cứu văn hoá Champa được xuất bản đã góp phần cho việc hiểu sâu toàn diện hơn  và khẳng định giá trị  vô giá của văn hoá Champa trong lịch sử dân tộc.

Có thể thấy, những kết quả nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ trong quá khứ là tầng nền vững chắc để tạo nên những thành tựu nghiên cứu  văn hoá Champa ngày nay. Những thành tựu của quá khứ, hiện tại và tương lai đều nhằm mục đích chung gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Champa trong lịch sử./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét