Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

TƯỢNG KÚT CHAMPA Ở BÌNH THUẬN

 Trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa, tượng Kút là một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Về không gian, loại hình này chỉ xuất hiện từ tỉnh Phú Yên đến tỉnh Bình Thuận, đặc biệt tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận - địa bàn cư dân Chăm cư trú cho đến hiện nay. Về thời gian, cho đến nay nguồn gốc của loại hình này vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu làm sáng tỏ, có phải Kút có nguồn gốc từ loại hình tượng thờ trong nghệ thuật Champa niên đại khá muộn, hay xưa hơn là từ tục thờ đá của người Chăm trong lịch sử có nguồn gốc niên đại khá sớm. Về hình dáng tạo tác, các nhà nghiên cứu đều cho rằng Kút có hình thức tương tự như các bia mộ của người Việt, Trung Hoa hay người theo đạo Hồi ở Inđônêxia. Về góc độ tín ngưỡng thì chức năng của Kút hiện thấy là một biểu hiện hình thức tang ma của người Chăm. Dù còn nhiều vấn đề cần tiếp tục lý giải, nhưng hiện hữu cho đến nay người Chăm vẫn làm, sử dụng Kút trong tang lễ của mình và vẫn thờ các Kút cổ xưa của tổ tiên truyền lại trong các đền thờ, nhà thờ dòng họ. Chính vì thế việc nghiên cứu loại hình Kút là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm cách lý giải. Để góp phần tìm hiểu loại hình nghệ thuật này, dựa trên tư liệu của nhóm Kút trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bước đầu chúng tôi thử hệ thống hoá và đưa ra một vài kiến giải.
I. TƯỢNG THỜ - KÚT THỜ Ở BÌNH THUẬN
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là huyện Bắc Bình nơi người Chăm sinh sống còn khá nhiều địa điểm thờ Kút. Có đền thờ, nhà thờ họ vẫn còn sử dụng, nhưng cũng không ít đền thờ đã bị đổ nát không còn thờ phụng, những Kút ở đây bị bỏ hoang nằm tại chỗ, hoặc một số được đưa về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh (Nguyễn Trường Đông, Lê Đình Phụng 2002). Sau đây là những địa điểm, những Kút được khảo sát.
1. 1. Đền PoNít
Đền PoNít thuộc địa bàn thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, được xây dựng trên vùng đất rộng phẳng nằm ven Quốc lộ I. Trong khu đền hiện nay còn thờ khá nhiều tượng và Kút.
- Trong đền thờ, gian chính thờ tượng Vua PoNít, 2 gian bên cạnh thờ 2 Hoàng hậu. Bên cạnh tượng Hoàng hậu thứ nhất là bệ thờ Kút, theo bà con địa phương truyền lại, đây là Kút thờ người con trai Hoàng hậu. Kút được tạo dáng hình khối thon dẹt cao 0,82m, rộng ngang 0,5m, đầu và chân thon lại. Mặt Kút để trơn không trang trí. Kút đặt trên bệ hình khối hộp, trên mặt bệ là Yony hình chữ nhật cạnh dài 0,67m, rộng 0,58m, vòi dẫn vươn ra dài 0,09m có khe hẹp dẫn nước thiêng khi thờ cúng. Kế tiếp là Kút thờ người con gái. Kút là khối đá thon dài, hai đầu thót lại được chôn sâu xuống nền đền thờ. Kích thước đo được cao 0,6m, rộng nhất 0,36m. Mặt lòng Kút đục lõm dọc, toàn bộ để trơn không trang trí.
Kế tiếp tượng Hoàng hậu thứ hai là 4 Kút thờ. Tương truyền đây là 4 Kút thờ 4 người con gái do vị Hoàng hậu này sinh ra. Kút được tạo dáng hình cánh sen, mũi uốn cong vươn ra, đuôi thon dần được chôn sâu xuống nền đền thờ. Kích thước (dài x rộng) các Kút: (0,49x0,31; 0,67x0,4; 0,48x0,43 và 0,45x0,45)m.
- Ngoài đền thờ, hai bên sân hiện có hai dãy Kút dựng đăng đối nhau qua đền. Theo nhân dân địa phương, hai dãy Kút này là vật thờ những bà con trong hoàng tộc Vua PoNít. Dãy bên phải thuộc về họ nội, dãy bên trái thuộc về họ ngoại.
Dãy bên trái có 7 tượng, 4 tượng được tạo dáng chung là phiến đá dẹt dài, mũi hình cung tù, lượn tròn rồi thắt dần xuống dưới, trên một số chiếc tạc hoa văn trang trí, 3 chiếc tạo dáng hình tượng người nhưng giản lược với khối lượn tròn phân biệt đầu, vai và thân. Có 4 chiếc lòng Kút thể hiện cột thiêng chính giữa. Mặc dù vậy các Kút này vẫn được chế tác hoàn chỉnh, đường nét tạo dáng, khối gọn gàng trau chuốt được coi là một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh. Toàn bộ số Kút này được đặt trên bệ xây xi măng hình khối hộp, dựng vững chắc (Ảnh 1, 2). Kích thước các Kút như sau:
TT
Chiều cao (m)
Chiều rộng (m)
Dày (m)
Bệ: Dài x rộng x dày
1
2
3
4
5
6
7
0,76
0,8
0,62
0,69
0,46
0,49
0,52
0,43
0,38
0,38
0,41
0,32
0,43
0,35
0,2
0,18
0,18
0,17
0,16
0,23
0,18
0,65x0,47x0,185
0,54 x 0,36 x 0,18
0,54 x 0,54 x 0,12
0,50 x 0,35 x 0,14
Dẫy bên phải có 4 tượng Kút, trong đó có 1 tượng được xây bệ gạch xi măng, 3 tượng dạng bệ đá thờ.
Tượng số 1 bệ đá hình khối hộp chữ nhật dài 0,56m, rộng 0,47m, dày 0,185m, thành mặt đứng trang trí hình núm vú tròn nhỏ kết dải vây xung quanh. Kút tạo dáng hình lá sen mũi nhọn, vai vê tròn dưới thắt có chân đỡ. Mặt phía sau để trơn, mặt phía trước xung quanh khắc diềm, dưới chân là 6 hoạ tiết bông hoa hình 6 cánh, xung quanh là hoa văn hình móc xoắn và cánh sen nhìn nghiêng. Lòng Kút tạc hình trụ thiêng nhô lên. Kích thước cao 0,55m, rộng nhất 0,37m, dày 0,18m (Ảnh 4).
Tượng số 2 đặt trên bệ khối hộp xây xi măng, tạo dáng hình cung tù. Kích thước dài 0,54m, rộng nhất 0,36m, dày 0,18m.
Tượng số 3 đặt trên bệ đá hình khối hộp vuông. Kích thước cạnh bệ 0,54m, dày 0,12m. Kút tạo dáng hình cung tù cao 0,53m, rộng nhất 0,33m, dày 0,21m.
Tượng số 4 đặt trên bệ đá hình khối hộp chữ nhật dài 0, 5m, rộng 0, 35m, dày 0, 14m. Thành đứng tạc hình cánh sen kết dải vây quanh. Kút tạo dáng như hình người thể hiện ước lệ với các khối tương ứng các phần đầu, vai, ngực, thân cơ thể. Khối gọn khoẻ. Kích thước cao 0,47m, rộng ngang 0,35m, dày 0,135m (Ảnh 3).
Đây là khu đền hiện còn lưu giữ số lượng tượng Kút thờ nhiều nhất trên địa bàn.
1.2. Đền PoKlung Mơnai
Đền được xây dựng trên vùng đồi cát cao thuộc địa bàn thôn Mai Lãnh, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình. Đây vốn có tên là thôn Mơnai (Play Mơ nai). Đền thờ được xây dựng từ lâu trong lịch sử và được tu sửa nhiều lần, hiện nay được dòng họ Bà Nguyễn Thị Thềm - một dòng họ hoàng tộc người Chăm thờ cúng. Đền thờ vua Klung Mơnai hay còn gọi là PoMưk Taha, cùng Hoàng hậu và con cháu. Trong đền hiện nay còn thờ các tượng Kút sau:
Tượng vua PoKlung Mơnai và tượng 2 Hoàng hậu. Theo nhân dân địa phương, 1 Hoàng hậu có tên là Pia Xom và 1 Hoàng hậu là người Việt.
Kút thờ trong đền có 4 chiếc, đặt thẳng hàng với các tượng thờ.
Chiếc thứ nhất tạc hình cánh sen thon dài mũi nhọn, chân trang trí cánh sen kết dải, diềm trang trí hoa văn móc xoắn đối xứng nhau, lòng để phẳng không trang trí. Kích thước cao 0,46m, rộng nhất 0,43m, dày 0,06m.
Chiếc thứ hai tạo dáng hình cánh sen thắt giữa, mũi nhọn, vai uốn xuôi vê tròn, diềm tạc hoa văn xoắn đối xứng hai bên. Lòng trang trí cột thiêng như hình Linga nhọn nhỏ nhô lên. Kút đặt trên bệ khối hộp hình chữ nhật dài 0,52m, rộng 0,49m, dày 0,13m. Chiếc thứ ba tạo dáng hình cánh sen mũi nhọn, thân thon dài, hai diềm tạc hoa văn xoắn kết dải, lòng để trơn, đặt trên bệ khối hình hộp vuông, kích thước cạnh 0,55m, cao 0,17m, thành đứng tạc hoa văn cánh sen kết dải vây quanh. Kút kích thước cao 0,49m, rộng nhất 0,39m, dày 0,19m.
 Chiếc thứ tư tạo dáng hình cánh sen, hai diềm tạc hoa văn móc xoắn kết dải, lòng để trơn. Kút đặt trên bệ hình khối hộp chữ nhật cạnh dài 0,49m, rộng 0,39, cao 0,21m, thành đứng bệ trang trí hoa văn cánh sen kết dải vây quanh. Kích thước Kút cao 0,55m, rộng nhất 0,56m, dày 0,12m.
Bên ngoài đền có 1 Kút là khối đá thon dài dẹt dựng trước cửa cao 0,46m, rộng 0,22m, dày 0,12m đặt trên bệ xây gạch hình chữ nhật dài 0,57m, rộng 0,54m cao 0,27m. Theo nhân dân địa phương cho biết đây là Kút dựng thờ người nô bộc của vua PoKlung Mơnai.
1.3. Đền PoTầmMưk
Đền PoTầmMưk được dựng trên gò đất cao thuộc địa bàn thôn Xuân Quang, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình. Đền đã bị đổ nát lâu ngày nay chỉ là phế tích. Hiện nay, ở đây còn 4 tượng Kút nằm đổ ngổn ngang, Kút rời khỏi bệ vùi lấp trong lòng đất. Kút được tạo dáng hình cánh sen thon nhọn, bệ hình khối hộp chữ nhật. Một số Kút còn đo được kích thước dài 0,55m, rộng ngang 0,34m, dày 0,16m. Một số chiếc diềm tạc hoa văn hình dây uốn lượn hay hoạ tiết hình ngọn lửa uốn vươn lên. Bệ một số tạc hoa văn hoa 4 cánh nở xoè đều đối xứng (Nguyễn Thị Nhi 2002).
1.4. Đền Gò Cà Nương
Đền nằm cách phế tích đền PoTầm Mưk không xa và cũng bị đổ nát thành phế tích. Trên nền phế tích hiện còn một Kút nằm chôn sâu trong lòng đất. Kút là phiến đá dài thon nhọn, màu đỏ sậm, không khắc tạc hoa văn trang trí.
1.5. Đền PoYang Thok
Đền nằm trên gò đất cao ven đường liên thôn thuộc địa bàn thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Trong đền hiện còn thờ 5 Kút chôn sâu xuống nền đền. Chiếc chính giữa tạo dáng hình thon dài, đầu thon nhọn vai xuôi, cao 1,02m, rộng 0,62m, dày 0,48m. Kút để trơn không trang trí, lòng tạc hoạ tiết hoa văn xoáy tròn hình núm vú. Hai chiếc bên phải hình thon nhọn cao 0,44m và 0,39m; rộng 0,37m và 0,33m; dày 0,18m và 0,19m. Diềm để trơn, lòng tạc cột thiêng hình Linga nhỏ nhọn vươn lên. Hai chiếc còn lại dáng thon nhọn, cao 0,43m và 0,46m; rộng 0,32m và 0,3m; dày 0,11m và 0,15m. Kút để trơn không trang trí.
1.6. Kút lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận
Nhận thấy Kút là một loại hình điêu khắc khá đặc biệt trong đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc Chăm, trong nhiều năm qua Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành sưu tầm, tập hợp lưu giữ một số Kút thờ trên địa bàn. Hiện nay có 3 Kút cùng bệ khá hoàn chỉnh được bảo quản tại đây.
Chiếc thứ nhất được tạo dáng như tấm bia mộ của người Việt với đỉnh uốn cong hình cung, diềm trang trí hoa văn móc xoắn tròn nối nhau, chân diềm trang trí hoa văn cách sen kết dải. Mặt Kút phẳng nhẵn chính giữa khắc cột thiêng hình Linga nhô lên. Chân có cốt cắm vào bệ. Kích thước cao 0,83m, rộng ngang 0,38m, dày 0,17m (Ảnh 5).
Chiếc thứ hai thể hiện tương tự như chiếc thứ nhất, điểm khác là hình vòng cung tù có tạc hoa văn hình móc xoắn uốn lượn quanh. Chính giữa lòng là cột thiêng hình Linga nhô lên giữa hoa văn móc uốn đều hai bên. Kích thước: cao 0,93 m, rộng 0,34m, dày 0,16m (Ảnh 6).
Chiếc thứ ba tạo dáng như một bia đá, phía trước lồi lên hình ảnh người phụ nữ tạc khối cách điệu với đầu mặt thể hiện ước lệ, hai bầu ngực to, xung quanh trang trí hoa văn xoắn. Kích thước: cao 1,07m, rộng 0,49m, dày 0,20m.
Cùng với Kút là 3 chiếc bệ hình khối hộp chữ nhật, mặt bệ có mộng xuyên thủng dùng để cắm Kút.
Bệ thứ nhất có 3 tầng thu nhỏ dần lên trên. Kích thước tầng dưới dài 0,23m, rộng 0,21m, dày 0,12m. Lỗ mộng cắm Kút dài 0,08m, rộng 0,07m, sâu 0,08m.
Bệ thứ hai hình khối hộp vuông. Kích thước cạnh 0,45m, cao 0,12m.
Bệ thứ ba khối hộp hình vuông cạnh 0,45m, cao 0,12m, mặt chính giữa có lỗ mộng vuông cạnh 0,15m. Thành đứng mặt bệ trang trí các núm vú tròn kết dải vây quanh mỗi cạnh có 16 và 14 núm vú.
Cùng với những Kút được biết đến ở Bình Thuận đã nêu, trước đây và trong nhiều năm gần đây, Kút đã được phát hiện và nghiên cứu trên nhiều vùng khác nhau.
- Tại bệ thờ Linga-Yony trong tháp PoKlong Gialai (Ninh Thuận) mặt thành đứng bệ thờ tạc hình người biểu tượng thần Siva đồng nghĩa với biểu tượng vua PoKlong Gialai, một biểu hiện của dạng Kút.
- Tháp PoRome (Ninh Thuận) thành đứng mặt bệ thờ Linga-Yony tạc biểu tượng thần Siva đồng nghĩa với biểu tượng vua PoRome cũng là một dạng của Kút.
- Tháp PoDam (Ninh Thuận) có Kút dựng thờ nhà thiên văn học PoGanuơr Mantri và nô bộc của vua Po Paghu.
- Năm 1990, trên địa bàn tỉnh Phú Yên phát hiện được 1 Kút tại thôn Đông Tác, xã Phú Lâm, huyện Tuy Hoà (Trần Kỳ Phuương 2002). Kút cao toàn bộ 0, 627m, chốt cắm dài 0, 15m; rộng 0, 357m; dày 0, 10m. Tác phẩm được chạm khắc cả hai mặt giống nhau mang tính đối xứng. Phần trên trang trí đồ án trong bố cục hình tam giác có đỉnh nhọn và có đường gờ hình kỷ hà ở đáy tam giác. Phần thân có hai vai xuôi tròn, trên vai có trang trí hình lá hai lớp gặp nhau ở chính giữa tạo nên hình mũi tên hướng về phía dưới, ở trung tâm có hình tròn kép, phía dưới thắt vào tạo thành hình cái eo, giữa eo có hình lá hai lớp tạo thành hình mũi tên hướng lên đối xứng với phần hình lá mũi tên của phần vai. “Nhìn chung, tấm Kút có dáng phảng phất của một hình người ngồi xếp bằng: có đầu vai, eo, rốn và chân tạo thành một khối chữ nhật. Mặc dầu chỉ được trang trí đơn giản nhưng tấm Kút Đông Tác có giá trị thẩm mỹ rất cao”(Sở Văn hóa Thông tin Thuận Hải 1989). Như vậy, có thể nói Kút thờ là loại hình thờ khá phổ biến của người Chăm trên vùng đất phía Nam, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và nghệ thuật Champa trong lịch sử.
Với những tài liệu trên có thể thấy những nét chung của Kút Champa như sau:
- Về chất liệu tuân thủ theo truyền thống nghệ thuật điêu khắc Champa, chất liệu chế tác Kút là đá. Đá thường có màu xám nhạt, hạt mịn, độ cứng không cao, dễ đục chạm tạo nên tác phẩm.
- Về tạo dáng, Kút thường có hình cánh sen chiếm chủ yếu. Từ Kút cánh sen dáng thon nhọn được biến thể thành các loại khác nhau với vai xuôi vê tròn, thắt giữa tạo nên nét độc đáo riêng của thời đại tạo tác ra chúng. Một số Kút tạo dáng hình người nhưng vẫn lấy dáng cánh sen làm nền chủ đạo tạo nên hồn của tác phẩm.
- Kỹ thuật chế tác thường có bệ riêng, Kút riêng gá lắp vào nhau theo kỹ thuật mộng khớp liên kết với nhau tạo nên vật thờ hoàn chỉnh. Một số Kút chế tác liền khối, hoặc không có bệ chôn trực tiếp xuống nơi thờ.
- Hoa văn trang trí Kút khá đơn giản, đa phần dùng hoạ tiết hoa văn thực vật, cánh hoa, hoa dây uốn lượn, hoạ tiết hoa xoắn hình ngọn lửa. Một số bệ Kút tạc hoa văn cánh sen, núm vú kết dải vây quanh. Trang trí lòng bệ Kút đơn giản, để phân biệt giới tính người quá cố, lòng Kút tạc hình cột thiêng, tương tự hình ảnh Linga thu nhỏ, biểu hiện đó là nam giới. Lòng Kút tác hoa văn xoắn hình núm vú biểu hiện đó là nữ giới.
Thông thường Kút nữ giới thường được tạo tác kích thước lớn hơn, trang trí đẹp hơn các Kút nam giới, điều đó chứng tỏ địa vị người phụ nữ được coi trọng hơn trong cộng đồng cư dân Champa trong thời kỳ này.
II. NIÊN ĐẠI VÀ GIÁ TRỊ VĂN HOÁ
2.1. Niên đại
Cho đến nay khi nghiên cứu Kút, các nhà nghiên cứu đều thống nhất niên đại Kút khá muộn trong tiến trình nghệ thuật điêu khắc đá Champa, thuộc những giai đoạn kế tiếp của phong cách nghệ thuật PoRome “…tất cả dường như muộn hơn các ngẫu tượng ở PoRome…” (Lưu Trần Tiêu, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Quốc Hùng 2000) và là giai đoạn cuối của nghệ thuật tượng thờ Champa. Những Kút này thường có niên đại thế kỷ XVI-XVII. Người ta cho rằng tượng bán thân PoRome (1627-1651) gắn với bệ thờ Linga-Yony tháp PoRome là dạng khởi đầu của loại hình này. “ Kút chứng minh một ý chí có dụng tâm làm biến hẳn tượng người… các Kút minh hoạ một sự tiến hoá thụt lùi, những Kút có tượng có thể là những Kút xưa nhất, những Kút trần trụi nhất thể hiện những sản phẩm cuối cùng của người Chàm…” (Boisselier 1963). Sau này người Chăm vẫn tiếp tục dựng Kút nhưng chỉ là những hòn đá bia mộ tự nhiên mà cho đến ngày nay vẫn còn sử dụng.
2.2. Giá trị văn hoá
Nằm trong truyền thống nghệ thuật điêu khắc Champa, cùng giá trị mỹ thuật, những tượng Kút còn phản ánh đời sống xã hội tôn giáo của cư dân Champa trong một thời kỳ dài lịch sử.
Trước hết về đời sống xã hội, Kút là vật thờ của người Chăm được dựng trong các đền lăng, nhà thờ dòng họ. Theo người Chăm cho biết những người được dựng Kút thờ là những người có địa vị trong xã hội (Vua, quan, hoàng tộc), trong dòng họ (tộc trưởng), khi chết phải “ sạch sẽ” chết già, chết bệnh, chết toàn thây trước sự chứng kiến của thân nhân và được thày Cả làm lễ, khi hoả thiêu xong mới tiến hành lễ nhập Kút và đưa vào thờ. Tang lễ của người Chăm trong lich sử là vấn đề phức tạp với nhiều nghi lễ khác nhau, bên cạnh tính truyền thống còn có sự thay đổi trong mỗi thời kỳ. Nhưng dựng Kút để thờ trong giai đoạn này là một hiện tượng thực tế, do vậy nhiều nhà nghiên cứu cố tìm về nguồn gốc của loại hình này. Có ý kiến cho rằng tục thờ Kút có nguồn gốc xa xưa của người Chăm trong lịch sử, từ tục thờ ông bà tổ tiên buổi ban đầu. Khi văn hoá Champa chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, tục thờ cúng này hoà chung vào tôn giáo thờ phụng ở các tháp, thể hiện rõ là các vị vua thường gắn vương quyền với thần quyền, các tháp bên cạnh việc thờ phụng thần linh thường gắn với vị vua dựng xây tháp. Sau này khi không đủ điều kiện xây tháp, dựng tượng thờ thì tục thờ cúng các vị vua, ông bà dòng họ trở về cội nguồn, họ dựng Kút để thờ, để tưởng nhớ người đã khuất. “Tính chất phong phú lớn hoặc bé của Kút phụ thuộc nhất là vào ngôi thứ của nhân vật đã quá cố mà nó thể hiện… một vật tượng trưng nhắc lại ngôi thứ của người quá cố” (Maspero 1928).
Có ý kiến cho rằng, Kút thờ của người Chăm ảnh hưởng của bia mộ đạo Hồi mà hiện thấy phổ biến tại Inđônêxia, Malaixia, Campuchia. Chẳng hạn, ý kiến của Bồ Xuân Hồ “Những Kút ở miền PhanRí không phải là không có liên quan với các tấm bia của các ngôi mộ Hồi giáo ở Gia va mà chúng ta còn tìm thấy lại ký ức trong cách cấu tạo một vài tấm bia của các nghĩa trang Chàm Hồi giáo ở Campuchia… chắc chắn là một ảnh hưởng của Hồi giáo” (Bồ Xuân Hồ 1997). Hay, ý kiến của Boisselier “có thể là chứng cứ cho sự truyền bá của đạo Hồi từ bán đảo Mã Lai vào Champa trong thời cực thịnh của ngành hải thương Hồi giáo ở Đông Nam Á…” (Boisselier 1963).
Dựa vào chức năng và hình dáng tạo tác Kút cũng có ý kiến cho rằng “ đã có ảnh hưởng của các tấm bia của Trung Quốc và Việt Nam” (Nguyễn Duy Tỳ, Lê Minh Phong 1993) khi miền đất này có mối giao lưu mật thiết với văn hoá Việt thế kỷ XVI-XVII. Như vậy, nguồn gốc của Kút có nhiều kiến giải khác nhau. Dựa vào những Kút được khảo sát, chúng tôi thấy các Kút thường được tạo dáng hình cánh sen, tương tự như những tấm bia đá Champa một loại hình được sử dụng khá phổ biến trong nghệ thuật Champa. Trang trí các Kút cho thấy sử dụng nhiều hoạ tiết quen thuộc trong nghệ thuật Champa như hình cánh sen, hình núm vú kết dải có từ nghệ thuật Trà Kiệu, Tháp Mẫm, hay trang trí trên tháp Dương Long (Bình Định). Điều đó cho thấy hình dáng và trang trí Kút nằm chung trong dòng chảy nghệ thuật Champa. Hiện tượng thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tín ngưỡng bản địa trong đời sống tinh thần của người Chăm, bên cạnh những tôn giáo sơ khai thờ đa thần ( hòn đá, núi sông, cỏ cây…), các hiện tượng tự nhiên (mưa nắng, sấm sét, biển cả…). Khi văn hoá Ấn Độ truyền bá vào, bên cạnh Ấn Độ giáo, trong nhân dân vẫn duy trì tín ngưỡng của mình, tục thờ tổ tiên ông bà, cha mẹ. Nếu thời gian trước, khi Ấn Độ giáo phát triển phong tục đó được ẩn vào thờ cúng trong các tháp - những trung tâm tôn giáo, thì thời kỳ này khi các tháp không được xây dựng tục thờ cúng lan toả ra các cộng đồng cư dân mà hình thức của nó biểu hiện qua các Kút.
Như vậy, sự xuất hiện Kút trong nghệ thuật điêu khắc Champa, những vấn đề xung quanh Kút còn nhiều cần được tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ, nhưng Kút là một sản phẩm bản địa độc đáo của người Chăm, gắn bó mật thiết với đặc trưng tín ngưỡng thờ tổ tiên, tang lễ Champa. Việc gìn giữ nghiên cứu loại hình này, một bộ phận cấu thành của văn hoá Champa là vấn đề cần được quan tâm làm sáng tỏ, thúc đẩy việc nghiên cứu văn hoá Champa toàn diện hơn trong tương lai.
TÀI LIỆU DẪN
BOISSELIER J. 1963. La Statuarie de Champa. Paris 1963 (Nghệ thuật tạc tượng của nước Champa. Bản dịch tư liệu Viện Khảo cổ học).
BỒ XUÂN HỒ 1977. Tín ngưỡng tượng Kút ở vùng Chàm Thuận Hải. Dân tộc học, số 4: 17-22.
LƯU TRẦN TIÊU, NGÔ VĂN DOANH, NGUYỄN QUỐC HÙNG 2000. Giữ gìn những kiệt tác kiến trúc trong nền văn hoá Chăm. Nxb. Văn hoá Dân tộc. Hà Nội.
MAXPERO G. 1928. Le Royaume de Champa. Paris 1928 (Vương quốc Champa. Bản dịch tư liệu Viện Khảo cổ học).
NGUYỄN DUY TỲ, LÊ MINH PHONG 1994. Điều tra khảo cổ văn hoá Chàm ở Ninh Thuận năm 1993. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1993. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 284-285.
NGUYỄN THỊ NHI… 2002. Phế tích PoTầm MưK (Bình Thuận). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 840.
NGUYỄN TRƯỜNG ĐÔNG, LÊ ĐÌNH PHỤNG 2003. Kút người Champa ở Bình Thuận. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2002. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 837-840.
SỞ VĂN HOÁ THÔNG TIN THUẬN HẢI 1989. Người Chăm ở Thuận Hải.

TRẦN KỲ PHƯƠNG 2003. Về hai hiện vật thuộc nghệ thuật Champa tại Bảo tàng Phú Yên. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2002. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 846-849. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét