Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

ĐẠI THÁNH  TỪ ĐẠO HẠNH- MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HÓA VIỆT NAM
                                                                        
I Sơ lược về tinh thần văn hóa Việt 10 thế kỷ đầu công nguyên.
 Sau năm 43, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị đàn áp, nước ta rơi vào thời kỳ mất độc lập tự chủ.  Trong điều kiện đó, bên cạnh  truyền thống văn hóa được xây dựng từ thời dựng nước văn hóa Đông Sơn  thì trong điều kiện lịch sử mới nhiều thành tố văn hóa mới  từ bên ngoài hội nhập vào xã hội Việt tạo nên diện mạo mới cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
1. Trước hết sự du nhập của Phật giáo  từ những thế kỷ đầu, tự cội nguồn giáo lý có sự tương đồng với tín ngưỡng dân gian, sự du nhập có tính hòa bình. Phật giáo  thích nghi hòa đồng với đời sống tinh thần của người dân cho nên đã hình thành nhiều trung tâm phật giáo, trong đó nổi trội với trung tâm Phật giáo Luy Lâu nổi tiếng,  sau trở thành trị sở của thiền phái Tỳ ni đa lưu chi  và duy trì theo suốt chiều dài lịch sử 10 thế kỷ đầu công nguyên. Phật giáo Thiền phái này ngoài Phật tính còn có các yếu tố khác đan xen. Tượng thờ trong Phật điện lấy thờ Phật Tứ Pháp làm trọng tâm. Bên cạnh đó có yếu tố của Ấn Độ giáo: thờ biểu tượng Linga được coi là Đức Thạch quang. Hoạt động tín ngưỡng có yếu tố thần bí như truyền thuyết kể vị sư Khâu Đà La  đứng tu thiền 1 chân ( Độc Cước) hay khi gặp trời đại hạn đập cây gậy cây Tích trượng mấy cái là có mưa liền. Mặc dù vậy yếu tố Phật vẫn nổi trội với sự kiện,  năm 1033 “ Ở chùa Pháp Vân thuộc Cổ Châu, có nhà sư nói, trong chùa phát ra mấy đường ánh sáng. Rồi theo chỗ ánh sáng ấy mà đào lên thì được một cái hộp bằng đá, trong hộp bằng đá có cái hộp bằng bạc, trong hộp bằng bạc có cái hộp bằng vàng, trong hộp bằng vàng có cái bình bằng Lưu Ly, trong cái bình bằng Lưu Ly có Xá Lợi Phật”. Như vậy suy ra  chiếc hòm đá này có trước thế kỷ XI.  Cuộc khai quật khảo cổ học tại Tháp Nhạn ( Nghệ An) năm 1986 đã tìm thấy hình ảnh hòm Xá Lợi này trong lòng nền tháp.
- Cùng với thiền phái Tỳ Ni đa lưu chi thì một dòng Phật giáo Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc truyền sang cùng gia nhập vào xã hội tinh thần Việt Nam với trung tâm là chùa Kiến Sơ ( Gia Lâm – Hà Nội). Hai dòng Phật giáo này đều hội tụ ở vùng đất xứ Bắc với trung tâm chính trị kinh tế văn hóa Luy Lâu. Thời Lý,  nhà sư Thông Biện đã dẫn truyện Đàm Thiên Pháp sư cho biết “ Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên trúc. Khi Phập pháp đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới 20 ngôi bảo tháp độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi”.
Vào thế kỷ VI sau cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn, nhà nước Vạn Xuân độc lập  được thành lập  thì Phật giáo đã giữ vai trò quan trong trong đời sống chính trị, Vua cho xây dựng chùa Trấn Quốc.
Như vậy có thể thấy 10 thế kỷ đầu công nguyên phật giáo đã có mặt và lan tỏa khá nhiều vùng trong cả nước với nhiều chùa tháp ; Phật giáo đã trở thành một lực lượng tinh thần với đông đảo cơ sở vật chất,  hình thành nên một “quyền lực mềm” trong đời sống xã hội.
2. Nho giáo
Nho giáo ra đời sớm ở Trung Quốc và coi Khổng Tử là người sáng lập. Nho giáo theo chân các nhà cai trị có mặt sớm tại nước ta. Người được vinh danh nhất là Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp “ khi còn ít tuổi ..du học ở kinh đô nhà Hán....chuyên trị sách Tả Thị xuân thu, có làm chú giải; được cử Hiếu Liêm, bổ làm Thượng Thư Lang... làm Thái Thú Giao châu” được khen là “ Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị... những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn”. Sĩ Nhiếp đã truyền bá nho giáo khá sâu rộng trong thờ kỳ cầm quyền ( 186 – 226) tạo nên tầng lớp nho sĩ  buổi đầu và sau này được tôn là “ Nam giao học tổ”. Mặc dù là nho gia nhưng Sĩ Nhiếp vẫn theo đạo giáo “ Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường; người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người... ” “ Trước vương ốm, đã chết đi 3 ngày, người tiên là Đổng Phụng cho một viên thuốc hòa vào nước ngậm, rồi đỡ lấy đầu mà lay động, một chốc lát mở mắt động tay sắc mặt bình phục dần. Hay  “ tục truyền rằng sau khi vương chết đã chôn, đến cuối thời nhà Tấn đã hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lại lấp lại, người địa phương cho là thần làm miếu để thờ gọi là Tiên Sĩ Vương”.. Sau Sĩ Nhiếp là các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên ( năm 231) “ dựng nhà học, dẫn dắt bằng lễ nghĩa”
Hiện tượng Sĩ Nhiếp, Tích Quang, Nhâm Diên đã cho thấy  xã hội Việt Nam hình thành tầng lớp nho giáo. Một số nho gia đã kết hợp với đạo giáo hình thành nên hệ tư tưởng chi phối đời sống tinh thần trong những thế kỷ đầu,  đặc biệt trong tầng lớp quan lại hình thành nên mối quan hệ Nho – Đạo gắn bó chặt chẽ với nhau.
3. Đạo Giáo:
 Đạo giáo có mặt sớm trong xã hội Trung Quốc và Lão Tử được coi là người tiêu biểu. Theo chân các nhà cai trị , đạo giáo cũng sớm có mặt tại nước ta Thẻo truyền thuyết An Kỳ Sinh là vị đạo sĩ Trung Quốc đầu tiên có mặt tại nước ta, ông tu tại núi Châu Sơn hay còn gọi là Vũ Ninh Sơn, ông tu luyện được đến trường sinh bất tử. Tượng ông hiện còn tại núi Yên tử ( Quảng Ninh). Viên quan đầu tiên là Thứ sử Trương Tân ( năm 221)“ Tân thích việc quỷ thần, thường đội khăn đỏ gảy đàn, đốt hương , đọc sách Đạo giáo...”. Viên quan Thái thú  Giao Châu là Sĩ Nhiếp cũng liên quan đến đạo giáo. Đạo giáo Việt Nam theo Mâu Tử viết trong tác phẩm Lý hoặc Luận cho biết “  Hồi bấy giờ sau Linh Đế mất, chỉ có Giao Châu là còn hơi yên tĩnh. Nhân tài phương bắc đều về ở đây, phần nhiều theo phép thần tiên tịch cốc, trường sinh, đương thời có nhiều người theo học”. Hiện tượng  lan tỏa này khá mạnh mẽ đến nỗi năm 420 Thái thú Giao Châu là Tuệ Độ “ cấm thờ nhảm, sửa nhà học” Mặc dù vậy Đạo giáo vẫn phát triển. Theo Giao Châu bát huyện ký vào thời nhà Đường thế kỷ IX Giao Châu có 88 chùa miếu Phật giáo và 21 am của quán Đạo giáo. Những   câu chuyện về yểm bùa chú của Cao Biền hay những câu chuyện thần tiên khi đắc đạo đã cho thấy Đạo giáo có ảnh hưởng khá lớn trong xã hội Việt Nam. Những người tin theo đạo giáo thường là những nhà nho, nhiều người là quan cai trị. Nho – Đạo kết hợp nhau hình thành nên hệ tư tưởng của bộ máy đô hộ  phong kiến phương bắc với  Việt Nam.
Tinh thần văn hóa Việt 10 thế kỷ đầu công nguyên, bên cạnh những yếu tố tín ngưỡng văn hóa truyền thống, có thể thấy có 3 trục tinh thần Phật – Nho – Đạo giáo gia nhập và có mặt theo suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Đây là những yếu tố nền tảng để hình thành nên hệ tư tưởng Việt Nam sau khi giành được độc lập.
 II. Sự hiện diện của các hệ tư tưởng, tôn giáo buổi đầu độc lập
Năm 938 đánh dấu cho sự độc lập của dân tộc với chiến thắng Bạch Đằng vang dội, vương triều Ngô được thành lập. Năm 939 “ vua bắt đầu xưng vương...đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi “ bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi”.Trong chức vụ của quan lại triều đình có sự tham gia của  đại diện các tôn giáo” Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư, Trương Nga Mi làm Tăng Lục. Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng Chân Uy Nghi” Như vậy triều đình đã xác định vị trí cao nhất của hệ thống Phật giáo và Đạo giáo trong cả nước.Những cuộc khai quật khảo cổ học tại kinh đô Hoa Lư ( Ninh Bình) đã tìm thấy gần một trăm cột  đá khắc kinh phật dưới triều Đinh đã cho biết hệ tư tưởng Phật giáo đã dần  chiếm vị trí quan trọng
 . Năm 981 Lê Hoàn lên ngôi đánh tan quân Tống xâm lược,  trong triều đình nhà Lê  có mặt tham gia của các nhà sư Phật giáo. Pháp sư Pháp Thuận thay vua đón sứ giả Lý Giác. Sư Khuông Việt qua bài thơ Lý Giác còn tán tụng “ thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống”, nhưng sự có mặt của các vị sư cũng chỉ là tham vấn của triều đình. Bên cạnh các nhà sư là Thái Sư Hồng Hiến “ Hiến là người Bắc thông hiểu kinh sử, thường theo các cuộc chinh phạt làm quân sư cũng là khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc”, đó là sự có mặt của nho giáo trong triều chính. Vua Lê Ngọa Triều lên ngôi “ sửa đổi quan chế và quan chế của các quan văn võ và Tăng đạo”, nhưng có lẽ các tôn giáo không được quan tâm đặc biệt là đạo Phật. Sử cũ ghi  “ vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vỡ lỡ tay làm đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười” đã phần nào phản ánh tình trạng đó.
Kế thừa tinh thần phật giáo 10 thế kỷ đầu công nguyên, trải qua 3 triều đại độc lập bên cạnh kế thừa tinh thần Phật giáo thì Phật giáo gia nhập vào đời sống tinh thần xã hội khá sâu đậm các thiền sư đã có những bài thần chú đọc để cầu mưa, cầu tạnh, chữa bệnh, trừ tà, đoán tướng số, sấm thi... làm những công việc gần giống như đạo sĩ Đạo giáo.
Được sự ủng hộ của đạo Phật, Lý Công Uẩn lên ngôi, chuyển đô về Thăng Long, tạo nền tảng vững chắc cho nền độc lập dân tộc. Việc chuyển đô này, ngoài việc về trung tâm kinh tế, văn hóa đất nước thì cũng liên quan đến vùng đất trung tâm phật giáo xứ Bắc và xứ Đoài,  nơi quê hương có lực lượng phật giáo đông đảo ủng hộ ông, mở  một  thời kỳ mới cho Phật giáo phát triển cả về lượng và chất, được coi là Quốc Giáo . Các vua triều Lý đều quan tâm xây dựng chùa chiền, xin kinh Phật, , tổ chức nhiều đại lễ Phật giáo, hoàn thiện tổ chức, nhiều cao tăng được phong là Quốc sư.
 Bên cạnh Phật giáo Nho giáo cũng được chú trọng nhằm đào tạo nên hệ thống quan lại tổ chức quản lý đất nước, đỉnh cao là năm 1072 “ làm Văn miếu... Hoàng Thái tử đến học ở đây”, năm  1075” xuống chiếu tuyển Minh Kinh bác học và cho thi học tam trường.Lê văn Thịnh trúng tuyển cho vào hầu vua học”. Những người nho sinh thi đỗ tam trường đều được sử dụng làm quan trong hệ thống chính trị nhà nước.
Đạo giáo thời Lý cũng khá phát triển, cùng quan tâm  Phật giáo, các vua Lý cũng chú trọng Đạo giáo. Sử cũ ghi lại Lý Thái Tông đã từng có mối quan hệ mật thiết với giới đạo sĩ” Vua lấy áo ngự ban cho Trần Tuệ Long là đạo sĩ ở quán Nam Đế”. Vua còn cho phép các Đạo sĩ được nhận Ký Lục ở cung Thái Thanh như là sự thừa nhận của nhà vua với việc tu hành của các đạo sĩ. Vua Lý Thánh Tông khi Công Bình đánh được Chân Lạp xâm lược bờ cõi “ vua ngự đến cung Thái Thanh và Cảnh Linh và các chùa quán trong thành để tạ ơn Phật và Đạo đã giúp ngầm cho Công Bình đánh được giặc”. Năm 1135 “ vua  ngự đến quán Ngũ Nhạc để khánh thành tượng Tam Tôn bằng vàng”. Một đạo quán của Đạo Giáo ở Thăng Long.
 Sơ lược điểm qua vài sự kiện đã cho thấy đời sống tinh thần ở nước ta trong buổi đầu độc lập đã song hành cùng tồn tại 3 hệ tư tưởng Phật – Đạo – Nho trong đời sống tinh thần từ vua quan đến thường dân. Ba hệ tư tưởng này không bài xích nhau, cùng phục vụ cho sự phát triển và gìn giữ nền độc lập của dân tộc. Mặc dù có sự chú trọng khác nhau, sự nổi trội của  Phật giáo, nhưng có thể nói 3 tôn giáo này là 3 trục tinh thần chính của xã hội Việt Nam . Chính vì thế có nhà nghiên cứu cho rằng đây là thời kỳ “Tam giáo đồng quy”. Chính hoàn cảnh xã hội như vậy đã xuất hiện một hiện tượng lịch sử được nhiều tài liệu biết đến  đó là Đại Thánh Từ Đạo Hạnh.
III.Đại  Thánh  Từ Đạo Hạnh- Một hiện tượng văn hóa thời Lý.
Tài liệu lịch sử sớm nhất viết về Từ Đạo Hạnh là trong Thuyền Uyển tập anh viết về “Thiền Sư Đạo Hạnh”, tài liệu chỉ cho biết năm mất 1117 chứ không rõ năm sinh. Trong Việt Điện u linh viết về “ Sự tích đại thánh Từ Đạo Hạnh”. Đây là hai cuốn sách được biên soạn thời Trần(?) cách thời Lý không xa. Các cuốn sử cũ như Việt sử lược; Đại Việt sử lược thời Trần, hay bộ Đại Việt sử ký toàn thư sau này đều có vài dòng ghi chép về Từ Đạo Hạnh. Trong Lĩnh Nam chích quái cũng ghi chép một truyện riêng “ Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không”. Những ghi chép trên cho thấy có sự khác biệt cùng trên một nhân vật Từ Đạo Hạnh. Trong Thuyền Uyển tập anh ghi rằng Từ Đạo Hạnh là nhà sư thuộc thiền phái Tỳ Ni đa lưu chi. Trong Việt điện u linh  Từ Đạo Hạnh là Đại Thánh. Vậy nhận vật này là Phật hay Thánh.
Có thể chia tóm tắt sự tích Từ Đạo Hạnh thành ba thời kỳ qua các tài liệu ghi chép như sau:
 Thời kỳ thứ nhất: con người  học và thành đạo
 Theo các nguồn tài liệu Từ Đạo Hạnh sinh  ra trong gia đình Cha  là Từ Vinh theo đạo Phật làm chức Đô sát ngạch tăng quan đời Lý. Mẹ họ Tăng tên Loan tại xóm Nam làng An Lãng( làng Láng- Hà Nội). Khi sinh ra, Từ Đạo Hạnh đã lộ có khí cốt Tiên – Phật. Thời trẻ kết bạn với nhà nho tên là Phí Sinh, một đạo sĩ tên là Lê Toàn Nghĩa và một người đàn hát là Phạm Át. Từ Đạo hạnh  thi khoa Bạch Liên đỗ thứ nhất, nhưng không chịu ra làm quan. Như vậy Từ Đạo Hạnh học nho giáo, có mối quan hệ với Đạo giáo. Cha ông - Từ Vinh dùng Tà Thuật làm phật ý Diên Thành Hầu. Diên Thành Hầu nhờ Đại Điên thiền sư dùng phép thuật đánh chết. Từ Đạo Hạnh tìm cách báo thù nhưng không được “ Từ đó ông quyết chí đánh đường sang Ấn Độ cầu học phép lạ để về báo thù cho cha. Đến nước Kim Xỉ gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về. Theo sự tích Đại thánh Từ Đạo Hạnh trong Lĩnh Nam chích quái thì cùng đi còn có hai đạo hữu là Minh Không và Giác Hải. Hai vị này học được đạo về trước. Từ đạo Hạnh học được phép rút đất và lời thần chú Đà Ni. Từ Đạo Hạnh còn biết kiếp sau của mình “ tôi còn vướng trần duyên, sau này sẽ lại ra thế gian ở ngôi nhân chủ ” và biết “ sẽ không tránh khỏi bệnh nạn, các anh có duyên với ta, xin cứu cho” . Ba người cùng truyền phép thuật xuống nước, lên không, bắt rồng, hổ phải hàng phục; xuất quỷ nhập thần không ai lường được.Sau đó ông ẩn cư trong hang sâu núi Phật Tích, ngày ngày chuyên trì tụng Đại Bi tâm Đà La Ni đủ mười vạn tám nghìn lần. Sau khi thành đạt, sai khiến được thần linh “ Tứ trấn thiên vương” và  trả thù cha, mối tục lụy đã lắng. ông đi chơi khắp nơi rừng sâu để cầu ấn quyết. Ông đã vân du gặp cao tăng Trí Huyền ở Thái Bình, Sùng Phạm ở Pháp Vân ( Bắc Ninh) học hỏi” Từ đó pháp thuật ngày càng cao, lòng thiền ngày càng chính, khiến được các chim các thú đến đầy trước mặt để sai bảo. Dân ở quanh vùng ấy hễ có bệnh tật đến xin bùa dấu đều được khỏi luôn”.
Như vậy có thể thấy ông sinh ra trong ra đình  có nguồn gốc Tam Giáo, cha làm quan( nho học) theo Phật ( Tăng quan) nhưng biết dùng Tà Thuật ( Đạo giáo). Bản thân ông lúc nhỏ theo học ( Nho ) , mối quan hệ bàn bè cả Phật giáo và Đạo giáo. Khi tu luyện có Phật học ( tụng kinh), có phép thuật ( Đạo sĩ). Trong con người ông có đủ 3 yếu tố ( Nho – Phật – Đạo) và khi hành nghiệp trong đời cũng thực thi cả 3 yếu tố: tụng kinh, ấn quyết, chữa bệnh phù chú..... Ông là con người hội tụ điển hình của các hệ tư tưởng thời Lý. Tam giáo đồng quy trong một cá nhân cụ thể. Đây là điều kiện  có và đủ để Từ Đạo Hạnh thăng hoa thành “ Nhân chủ” của quốc gia Đại Việt độc lập.
Thời kỳ thứ hai:  hiện thân “ Tái sinh”
Theo các nguồn tư liệu cho biết để tạ ơn Lý Nhân Tông, Từ Đạo Hạnh “ hóa” vào cửa nhà Sùng Hiền Hầu để đầu thai lên làm vua. Ông biết việc của mình “ ta chưa hết nhân duyên với đời., lại phải thác sinh làm vua ở nhân gian”. Căn dặn đệ tử: khi nào chết lại về làm chủ “ Tam thập tam thiên” nếu thấy thân nhân ta bị nát hết, bấy giờ ta mới vào cõi “ bất sinh bất diệt”. Ông “ đập đầu vào vách đá, nện chân lên bàn đá rồi hóa... Xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho, người làng lấy làm lạ để vào trong cái khám để thờ”
Từ Đạo Hạnh là hiện thân của Lý Thần Tông, lúc nhỏ “không cần nuôi mà chóng lớn, không cần học mà thông suốt, người đẹp mà có tài vô song”. Lớn lên trị vì đất nước (1128 -1138) được coi là vị vua “ tư chất thông minh, độ lượng nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thủy chung đều chính, nhiệm nhặt khúc nói, không có gì sai lệch... Song quá thích điềm lành, tôn sùng đạo Phật”. Ông là người “ tạ ơn Phật và Đạo ở hai cung Thái Thanh và Cảnh Linh cùng các chùa trong kinh thành xây sửa nhiều chùa, khánh thành 8 vạn 4 nghìn bảo thápvv... Cuộc đời của ông linh ứng với kiếp trước, năm 21 tuổi bị bệnh mình mọc đầy lông biến hình như con hổ và chỉ được đạo hữu Minh Không chữa khỏi theo lời nguyền kiếp trước.Khi ông mất “ chùa Thiên Phúc hiện lên khí thiêng lạ thường, ai trông thấy cũng phải kinh sợ”
Thời kỳ thứ 3 : Luân Hồi
 Gần 300 năm sau, khi quân Minh sang xâm lược nước ta( 1403 -1424) “ đến chỗ này thấy mùi hương thơm nức, tìm đến trong khám thấy Chân nhân một vị đạo nhân, nét mặt tươi như lúc sống. Người Minh cho là Tiên, mới rước sang chùa Hương Sơn làm phép hỏa táng.... nhặt lấy tro đắp thành tượng, bỏ vào khám cũ để thờ ở bên trái chùa Thiên Phúc”.
Hơn 300 năm sau( 1460 -1469) Trường Lạc Hoàng Hậu sai Thái úy Trinh Quốc Công lên động chùa Thiên Phúc cầu tự. Khi làm lễ có một phiến đá ngoài động bày vào, Trình Quốc công mang về trình Hoàng Hậu. Ít bữa sau, hoàng hậu mộng thấy rồng vàng vào bên sườn, rồi có mang sinh ra vua Lê Hiến Tông. Từ đó chùa càng nổi tiếng thiêng.... tới nay hương khói không lúc nào dứt”

Như vậy, nhân vật Từ Đạo Hạnh là một hiện tượng lịch sử, gắn liền với một địa danh lịch sử ( chùa Thiên Phúc) cùng chuỗi truyền thuyết lịch sử hình thành nên “một tuyến” trong văn hóa Việt Nam. Địa danh được gọi là chùa Thầy, nhân vật được coi là Thánh ( bùa chú, ấn quyết...), cuộc sống luân hồi ( Phật), hành xử như Tiên, tụng kinh như Phật. Hiện tượng Từ Đạo Hạnh hội tụ đủ các yếu tố văn hóa : Phật- Đạo – tín ngưỡng thờ cúng tiền nhân, được mở đầu từ thời Lý và kéo dài cho đến ngày nay là một điểm nhấn đặc sắc, phản ánh khá đầy đủ hệ tư tưởng, tín ngưỡng  của dân tộc, một truyền thống văn hóa mở làm nên bản sắc văn hóa dân tộc trong lịch sử./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét