KHẢO CỔ HỌC VÀ TRÙNG TU THÁP CHAMPA
Trong các loại hình kiến trúc tôn
giáo cổ ở nước ta; tháp Champa chiếm vị
trí khá đặc biệt. Đây là loại hình kiến trúc của người Chăm xây dựng trong lịch
sử, là một bộ phận quan trọng, hình thành nên bản sắc văn hoá Champa, góp thêm
sự phong phú đa dạng, vào nền văn hoá dân tộc được dựng xây trong lịch sử. Kể từ
khi hoà nhập vào nền văn hoá chung, với
bản sắc riêng, độc đáo, các tháp Champa đã trở thành di sản văn hoá vô giá,
mang đậm bản sắc của tộc người tạo dựng. Cho đến nay hàng ngàn năm trôi qua, mặc
thăng trầm của xã hội, mặc mưa nắng biến đổi, những tháp Champa vẫn sừng sững,
kiên gan toả bóng thách đố cùng thời gian, trở thành biểu tượng của một nền văn
hoá trong thành phần văn hoá dân tộc đa sắc màu trong lịch sử.
I. Tháp Champa.
1.Theo thống kê, hiện nay trên dải đất miền
Trung và Tây Nguyên có 24 địa điểm còn các kiến trúc tháp Champa với trên 60
công trình còn tồn tại với các hiện trạng khác nhau, nằm rải rác trên địa bàn
các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế cho đến
Bình Thuận, xa hơn là Đắc Lắc. Hiện trạng tháp Champa hiện còn cho thấy: có địa
điểm có 01 tháp; có địa điểm là 3 tháp
xây thẳng hàng; có địa điểm là một quần thể kiến trúc gồm nhiều tháp. Đặc biệt
là Mỹ Sơn ( Quảng Nam) là một tổng thể gồm nhiều cụm tháp, được các nhà nghiên
cứu coi là “ một đô thị tôn giáo”; mà giá trị của nó sau này được công nhận là
Di sản văn hoá thế giới. Như vậy, có thể thấy, về số lượng các kiến trúc tháp
Champa hiện còn khá nhiều, trên nhiều địa điểm khác nhau, chiếm vị trí quan trọng
trong tổng số các di sản văn hoá, trên nhiều vùng đất. Đó là định lượng về loại
hình di tích này.
2. Trong hệ thống tháp Champa hiện còn, có
nhiều loại hình kiến trúc được xây dựng với chức năng khác nhau. Về cơ bản,
công trình kiến trúc chính là tháp thờ, vây quanh là hệ thống kiến trúc phù trợ
như ; tháp cổng; tháp kho, nhà dài ( Mandapa), tháp bia vv.. Mỗi loại hình kiến
trúc đảm nhận một công năng khác nhau, cho nên quy mô kiến trúc, khối kiến trúc
và hoạ tiết trang trí khác nhau. Thông thường các tháp thờ được xây dựng quy mô
lớn nhất cao từ 15m – 24m. Cá biệt có kiến trúc cao trên 40 m ( tháp giữa – Dương
Long), được xây dựng khối kiến trúc hài hoà, khắc tạc trang trí đẹp nhất. Các kiến trúc phụ trợ tuỳ
theo công năng sử dụng mà có quy mô, trang trí khác nhau. Nhìn chung các kiến
trúc Champa được xây dựng, trang trí hài hoà, có giá trị thẩm mỹ. Mỗi kiến trúc
được coi là một tác phẩm về nghệ thuật đặc sắc, mang đặc trưng của thời đại xây
dựng.
3. Với trên 60 công trình kiến trúc hiện
còn, về niên đại cho thấy tháp được xây dựng sớm nhất vào thế kỷ VIII ( tháp Mỹ
Khánh – Thừa thiên – Huế) và muộn nhất vào thế kỷ XVII ( tháp Po Rome- Ninh Thuận)
và đa phần được xây dựng vào thế kỷ IX – XIII. Sự khác nhau về niên đại xây dựng
này thể hiện qua bình đồ, quy mô, thành phần kiến trúc. Đặc biệt hơn là sự biến
đổi của các bộ phận khối kiến trúc, hoa
văn hoạ tiết khắc tạc trang trí. Từ cơ sở này, các nhà nghiên cứu đã định ra
phong cách nghệ thuật kiến trúc của các thời kỳ, với những đặc trưng điển hình.
Tiến trình xây dựng gần một thiên niên kỷ trên một loại hình kiến trúc, cho nên
có thể thấy các tháp Champa hiện còn, ngoài những đặc trưng cơ bản chung, mỗi
giai đoạn có nét riêng điển hình riêng của thời đại như kỹ thuật xây dựng, hoa
văn trang trí, cùng với tính địa phương của nơi xây dựng. Những đặc trưng đó thể
hiện qua các lĩnh vực sau:
a. Đặc điểm chung:
- Tháp
được xây dựng với mục đích phục vụ cho tôn giáo, cụ thể là tôn giáo ảnh
hưởng từ văn hoá Ấn Độ. Tháp là ngôi
nhà, nơi trú ngụ cuả thần linh, nên công trình này được xây dựng trên vị trí đẹp
nhất, trang trọng nhất trên mỗi vùng đất và thoả mãn được giáo lý tôn giáo theo
nhận thức của mỗi thời đại dựng xây.
- Vật liệu xây dựng tháp cơ bản là gạch. Giai đoạn đầu gạch là vật liệu chủ yếu tạo
nên hình hài kiến trúc, sau này có sự tham gia của vật liệu đá, nhưng gạch vẫn giữ vai trò chủ đạo.
- Kỹ thuật xây dựng về cơ bản vẫn là xây
mài chập liền khít kết khối vững chắc, hầu như không thấy mạch vữa liên kết, mặc
dù có sự tham gia kết dính của nhựa cây.
- Các tháp đều được khắc tạc trang trí
hoàn chỉnh, mỹ thuật đẹp có giá trị thẩm mỹ cao.
b. Những nét riêng.
Do
các kiến trúc được xây dựng về niên đại khác nhau, trên các địa phương khác
nhau cho nên mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm độc lập, phản ánh thời đại
sản sinh ra chúng. Sự khác nhau phản ánh
dưới các góc độ:
- Thời đại xây dựng tháp được thể hiện
qua mô hình kiến trúc, khối kiến trúc, các bộ phận tham gia như: hệ thống đế
tháp, thân tháp, cột tường, cột góc, diềm mái, điểm góc trang trí, tháp góc
trang trí mái và chóp tháp.
-
Hoạ tiết trang trí tương thích với các bộ phận, khối kiến trúc, các hoạ
tiết này được thể hiện biến đổi theo thời gian và sự nhận thức thẩm mỹ của mỗi
thời đại. Mỗi hoạ tiết đều mang đặc trưng riêng, không trùng lặp, có sự kế thừa
và thay đổi theo thời gian.
- Kỹ thuật xây dựng và kỹ thuật trang trí
mỗi kiến trúc có sự thay đổi theo thời gian, phù hợp với kết cấu kiến trúc. Kỹ
thuật xây dựng, từ xây mài khít liền khối cùng chất liệu gạch, tiến tới kỹ thuật
lồng ghép giữa hai loại vật liệu gạch, đá, mà vẫn đạt hiệu quả cao, vừa bền vững,
vừa có tính thống nhất. Kỹ thuật từ chạm khắc trực tiếp trên gạch, tiến tới sự
kết hợp giữa chạm khắc trang trí trực tiếp
với các thành phần trang trí đất nung sẵn mà vẫn đạt giá trị thẩm mỹ, tạo nên vẻ
đẹp riêng, khoẻ mạnh.
- Bên cạnh những yếu tố kiến trúc, mỹ thuật
trang trí truyền thống Champa, do tác động của lịch sử, sự giao lưu, ảnh hương
từ các nền văn hoá khu vực, các tháp Champa có giai đoạn được xây dựng vừa có
tính truyền thống kết hợp với sự ảnh hưởng của các nền kiến trúc bên ngoài về
khối, hoạ tiết trang trí.
Như
vậy, nhìn tổng quan có thể thấy các kiến trúc tháp Champa được dựng xây trong lịch sử vừa có tính thống
nhất, vừa có sự đa dạng, làm nên một
truyền thống nghệ thuật kiến trúc Champa độc đáo riêng biệt, mang đậm bản sắc văn
hoá dân tộc “ không thua kém bất kỳ một nền văn hoá cao đẹp nào thời cổ đại và trung cổ ở Đông
Nam á”
II Khảo cổ học và trùng tu tháp Champa
Cho đến nay, các tháp Champa hiện còn, có tuổi
đời tồn tại ít nhất là gần 400 năm ( tháp Porome- Ninh Thuận), nhiều nhất là
trên 1000 năm trong lịch sử. Tồn tại trên dải đất khí hậu nhiệt đới nóng ẩm,
nhiều bão tố, các điều kiện tự nhiên can thiệp cùng những biến động chiến
tranh, cho nên các kiến trúc hầu như bị
hư hại, không còn giữ nguyên được dáng vẻ ban đầu. Đặc biệt các cuộc chiến
tranh đã tàn phá huỷ hoại không ít các công trình kiến trúc như các di tích: Đồng
Dương- Mỹ sơn ( Quảng Nam). Với giá trị lịch sử hiện còn, các kiến trúc này đều
được xếp hạng là di sản văn hoá nước
nhà, và có di tích được công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Chính vì thế hầu
hết các tháp được quan tâm gìn giữ, bảo vệ và có kế hoạch trùng tu, tôn tạo.
Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của nhà nước, sự quan tâm của các tổ chức văn hoá trong và ngoài nước, hầu hết các tháp Champa được gia cố bền vững, hay
trùng tu, trả lại giá trị ban đầu. Nhiều tháp đã đạt được những hiệu quả tốt như: Mỹ Khánh ( thừa Thiên – Huế); PoKLLong Giarai
( Ninh Thuận); tháp Đôi ( Bình Định) vv.. Đặc biệt khu đền tháp Mỹ Sơn, với giá trị độc đáo được dựng
xây trong lịch sử, được quan tâm thường xuyên trong quá trình bảo vệ và trung
tu khu di tích quan trọng này, mở đầu bằng sự gia cố, tôn tạo với sự giúp đỡ của
các chuyên gia trùng tu Ba Lan. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo các kiến trúc
tháp Champa, ngành Khảo cổ học đã có những đóng góp quan trọng, là trợ thủ đắc
lực giúp cho việc trùng tu, tôn tạo đạt
hiệu quả cao nhất. Tài liệu khảo cổ thu được
qua mô tả, bản vẽ, bản ảnh, trước hết giúp cho các nhà trùng tu hiểu về mỗi kiến trúc tháp dưới các góc độ niên đại
xây dựng, đặc trưng về mặt bằng, khối, bộ
phận kiến trúc; đặc trưng của hoa văn trang trí, kỹ thuật điêu khắc, vật liệu,
kỹ thuật xây dựng, làm tư liệu ban đầu, định hướng cho các nhà trùng tu hình
dung nội dung công việc của mình. Theo
nguyên tắc “ Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải đảm bảo tối đa
những yếu tố nguyên gốc của di tích”.
Các cuộc khai quật khảo cổ tìm kiếm những thành phần kiến trúc bị sụp đổ
vùi lấp, trả các hiện vật thu được về đúng vị trí công năng đảm nhận ban đầu,
trở lại tình trạng đã biết trước kia. Cung cấp tư liệu tin cậy cho việc trùng
tu phục dựng, đáp ứng yêu cầu “ trùng tu chỉ thích đáng khi có đầy đủ bằng chứng
về tình trạng trước đó của kết cấu”. Với những mục tiêu đó, trong thời gian vừa
qua, được sự chỉ đạo của Cục Di sản ( Bộ Văn hoá - Thông tin)theo phương châm
Khảo cổ học phải đi trước một bước trong việc trùng tu tôn tạo các di tích lịch
sử, trong đó có các tháp Champa đã được thực hiện đúng theo nguyên tắc này.
Tại Mỹ Sơn, nếu trước đây các nhà Khảo cổ
tham gia tích cực vào góp phần gia cố, tôn tạo lại bước đầu các kiến trúc bị hư
hại, thì những năm gần đây các cuộc khai quật khảo cổ đã đi đầu trong các kế hoạch
chuẩn bị cho việc trùng tu. Nhiều cuộc khai quật được tiến hành tại các nhóm
tháp F ( năm 2002); nhóm G năm 2005 – 2006 đã chuẩn bị tốt tư liệu cho công tác
trùng tu sau này. Ngoài sự tham gia của các nhà khảo cổ học Việt Nam, sự có mặt
của các nhà khảo cổ Ytalia đã làm cho công tác khai quật khảo cổ được hoàn thiện
hơn. Những cuộc khai quật này đã cung cấp
tư liệu chính xác, góp phần định rõ niên
đại, các thành phần kiến trúc bị mất, bản chất của vật liệu xây dựng, kỹ thuật
xây dựng của các nhóm tháp F – G. Từ cơ sở khoa học đó, định hướng cho việc
trùng tu các nhóm tháp này một cách hiệu quả hơn, từng bước trả lại giá trị văn
hoá ban đầu của mỗi kiến trúc. Với 8 nhóm tháp, có trên 20 công trình kiến trúc
hiện còn, của nhiều loại hình, có nhiều niên đại khác nhau ở Mỹ Sơn, do vậy việc
trùng tu mỗi tháp phải dựa trên kết quả khảo cổ của chính kiến trúc đó. Trong mật
độ di tích mỗi nhóm khá dày đặc, có niên đại khác nhau, việc xác định rõ các
thành phần kiến trúc tìm được của mỗi công trình cần được khảo cứu tỉ mỉ, đưa
ra tư liệu tin cậy để giúp cho việc trùng tu có hiệu quả. Chưa kể trong lịch sử,
nhiều tháp đã từng được chính chủ nhân xây dựng trùng tu tôn tạo lại dễ có nét
tương đồng, cho nên việc tiến hành khai quật, nghiên cứu thận trọng, là việc
làm không thể thiếu. Có thể nói, cho đến nay công việc trùng tu, tôn tạo các kiến trúc ở Mỹ Sơn mới chỉ là khởi động
ban đầu, điều đó cho thấy khảo cổ học cần đi trước một bước trong công việc tôn
tạo trùng tu tháp Champa là cần thiết./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét