VIỆN HÀN
LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
VIỆN KHẢO
CỔ HỌC
- - - - -
- - - - - - ***- - - - - - - - - - - - -
LÊ ĐÌNH PHỤNG
ĐỐI THOẠI
VỚI NỀN VĂN MINH CỔ
NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI
Hà Nội - 2015
|
LỜI ĐẦU SÁCH
Song
hành cùng lịch sử nhà nước cổ Champa (từ cuối thế kỷ II đến thế kỷ XVII), người
Chăm đã xây dựng và để lại một nền văn hóa vật chất phong phú đa dạng, trên
nhiều loại hình, nhiều chất liệu khác nhau, đặc biệt là các đền tháp tráng lệ,
các tác phẩm điêu khắc tinh tế cùng hệ thống thành quách, bi ký, các trung tâm
sản xuất gốm, hệ thống thuỷ lợi... cùng đời sống tinh thần phong phú.
Hơn
một thế kỷ nay, sự tinh tế đa dạng, giàu nhân bản của văn hóa Champa đã thu hút
nhiều thế hệ học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Nhiều công trình
khoa học về văn hóa Champa được công bố và ngày càng cuốn hút các thế hệ nghiên
cứu mãi về sau.
Trong quá trình công tác ở Viện Khảo cổ học, tôi được phân công nghiên cứu
về khảo cổ học Champa. Ngày ấy đất nước còn khó khăn, mỗi chuyến công tác của
tôi là một cuộc vật lộn nhưng bù lại, được nhìn những kiến trúc tháp sừng sững,
những tượng điêu khắc đá đẹp như mơ hay những trang sử đá chữ viết khác lạ
khiến cho tâm hồn run rẩy. Sau năm 1975, nhiều học giả Việt Nam và nước ngoài
có điều kiện đi sâu vào nghiên cứu văn hóa Champa, nhiều công trình nghiên cứu
được xuất bản, tôi có điều kiện đọc và đi để chứng kiến, đối chiếu, mong để
hiểu từng vấn đề trong lịch sử. Nhưng sau hơn 30 năm nghiên cứu nền văn hóa
Champa để lại, tôi vẫn tự hỏi mình biết gì về nền văn hóa này và luôn cảm thấy
mình là người “đứng bên lề”nền văn hóa ấy. Những câu hỏi luôn đặt ra trong tôi
mà chưa có lời giải đáp. Không cách gì hơn, bằng kiến thức của mình, tôi tự độc
thoại với nền văn minh trong quá khứ. Từ những ý kiến của các nhà nghiên cứu,
nhiều vấn đề tưởng như đã có phần giải đáp; nhưng bằng những nhận thức riêng,
tự đặt câu hỏi và tìm cách trả lời. Chính vì thế, ở đây tôi không nêu các thành
tựu nghiên cứu đã đạt được mà chỉ nêu những vấn đề còn chưa có lời giải thỏa
đáng. Các ý kiến trong cuốn sách này là của riêng tác giả mà người đọc có quyền
đồng ý hay nghi ngờ, thậm chí phản đối. Rất mong nhận được sự hồi âm của bạn
đọc gần xa. Để có được ấn phẩm trên tay, tôi chân thành cảm ơn Viện Khảo cổ
học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã tạo điều kiện cho cuốn sách được đến tay
bạn đọc.
Tác giả
Lê Đình Phụng
CHƯƠNG I
ĐỐI THOẠI VỚI CHỦ NHÂN NỀN VĂN HÓA CHAMPA
NGƯỜI CHĂM
Trước khi đến với văn minh cổ Champa, đầu tiên hãy đối thoại với chủ nhân
sáng tạo ra nền văn minh ấy.
|
1. Người Chăm - là ai?
Người Chăm - là ai? Nguồn gốc từ đâu, sinh
sống như thế nào trong quá khứ? Một câu hỏi khó trả lời mặc dù ngày nay cộng
đồng người Chăm vẫn hiện diện, góp phần tạo nên giá trị văn minh của thời kỳ
mới trong cộng đồng chung 54 dân tộc sinh sống trên dải đất Việt Nam.
Câu hỏi ấy được các nhà
khoa học đặt ra từ những đầu thế kỷ XX khi tiếp cận, nghiên cứu văn minh vật
chất, tinh thần của người Chăm còn lại trên dải đất miền Trung.
Trước hết, khi tiếp cận
các nguồn tài liệu các nhà nghiên cứu nhận thấy: “Tộc người Chăm cư trú trên
lãnh thổ Việt Nam đã mấy nghìn năm, có thể từ những thế kỷ trước công nguyên. Ngôn
ngữ của người Chăm thuộc dòng Malayo - Polinesien”[1]. Đó
là nhận định của nhà nghiên cứu nhân chủng.
Các nhà khảo cổ trước đây
khi tiến hành khai quật, nghiên cứu các di tích văn hoá Sa Huỳnh tại Quảng
Ngãi, dựa vào tài liệu thu thập được M. Colani đã đưa ra giả thiết “Phải chăng
người Chăm là hậu duệ của chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh”[2]. Nhưng thật ra nhận định này chỉ dựa trên
tư liệu vật chất, những tư liệu về nhân chủng còn thiếu sự thuyết phục.
Cho đến nay, trên 100 di
tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh được khai quật nghiên cứu nhưng tài liệu về xương
cốt vẫn còn thiếu vắng. Hàng nghìn ngôi mộ gốm Sa Huỳnh được biết đến từ Quảng
Bình đến Bình Thuận hay Tây Nguyên xa xôi, cùng những hiện vật trong mộ chum
được xác định là thuộc văn hóa Sa Huỳnh, nhưng có đâu tìm được di cốt người xưa
và người Sa Huỳnh thế nào vẫn là một câu hỏi. Những trống đồng từ văn hóa Đông
Sơn của người Việt có mặt trên địa bàn Thừa Thiên - Huế; Quảng Nam, Quảng Ngãi,
Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vùng Tàu, trên Cao Nguyên xa lắc hay bộ đồ đồng
Đông Sơn có mặt trong di tích Hóa Quê(Quảng Ngãi) đã nói lên mối quan hệ giữa
người Sa Huỳnh và các tộc người xung quanh, nhưng chủ nhân Sa Huỳnh vẫn là phần
bỏ ngỏ.
Như vậy, trước khi tìm về
nguồn gốc người Chăm, chúng ta phải đi ngược thời gian xa hơn tìm về nguồn gốc
chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh - người Sa Huỳnh.
Về chủ nhân văn hoá Sa
Huỳnh, cho đến nay, dù nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận rằng: “Hiện nay chúng ta
hầu như không có tài liệu quan trọng nhất - tài liệu nhân chủng”1,
dù rằng “chúng ta đã phát hiện ra hàng nghìn bộ chum văn hoá Sa Huỳnh từ giai
đoạn sơ kỳ đến giai đoạn hậu kỳ. Nhưng xương cốt còn lại trong các mộ chum rất
ít và không có khả năng xác định nhân chủng...”.
Nhưng có người dựa vào nội dung văn hoá đã đưa ra ý
kiến: “Chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh (giai đoạn sơ kỳ) rất có thể là người nguyên Malayo
- Polinesien ( ProMalai - Polinesiens) hay nguyên Nam đảo ( Proto - Austronesiens)”[3], “...tiếng nói của chủ nhân văn hoá
Sa Huỳnh là tiếng Nam đảo hay Malayo - Polinesien nhưng có nhiều yếu tố của
tiếng nói Nam Á”[4]. Vậy người Sa Huỳnh có từ bao giờ và
họ từ đâu đến. Nếu đúng như giả thiết nêu trên thì dựa vào cội nguồn của ngôn
ngữ Malayo - Polinesien có hai giả thiết được quan tâm.
- Giả thiết thứ nhất cho rằng
khu vực hình thành ngôn ngữ Malayo - Polinesien. Khu vực hình thành ngôn ngữ
Malayo - Polinesien là miền Đông Nam Trung Quốc, từ đó lan truyền xuống Đông
Nam Á và châu Đại Dương. “Bộ phận lớn đi xuống phía Nam mà con đường chính là
từ Đài Loan qua Philippines; xâm nhập Indonesia rồi tới châu Đại dương; một số
vào lục địa, đến Malaca (người Mã Lai), đến Trung bộ Việt Nam (người Chăm). Ngoài
ra có con đường phụ men bờ biển Việt Nam đi xuống từ đó lại vượt biển ra đảo ”[5].
- Giả thiết thứ hai cho rằng khu vực hình
thành đầu tiên của ngôn ngữ Malayo - Polinesien là vùng đảo Đông Nam Á, mà
trung tâm là từ miền Đông Indonesia tới Nam Philippines rồi phát triển dần ra
xung quanh “Giai đoạn ngôn ngữ Nam đảo lan rộng ra xung quanh ước định vào
thiên niên kỷ II trước Công nguyên, từ Bắc tới Nam Trung Quốc; Đông tới
Pôlinêdi. Cũng vào giai đoạn này, tổ tiên người Chăm đến duyên hải Việt Nam và
để lại dấu tích trong các di chỉ thuộc phức hệ văn hoá Sa Huỳnh”[6].
Tóm lại, về người Sa
Huỳnh có nhiều giả thuyết khoa học khác nhau, nhưng tựu trung lại có hai ý kiến
chính:
- Một là, nhóm cư dân từ Trung Quốc thiên di
đi xuống bằng đường bộ, đường biển tới miền Trung Việt Nam ngày nay và đi ra
các vùng hải đảo Đông Nam Á (Heine - Geldern,1932; P. Maxpero, 1927; Ph. Stern,1948;
Coedes, 1964; Bình Nguyên Lộc, 1971; Tạ Đức, 2013...)
- Hai là, người Sa Huỳnh từ biển đi vào lục
địa Đông Nam Á trong đó có miền Trung Việt Nam (Blust, 1983; Bellwood, 1985;
Thurgood, 2009...)[7].
Về khoa học, sự trùng hợp
về không gian văn hoá giữa văn hóa Sa Huỳnh và Champa trong nghiên cứu của các
nhà nhân chủng và khảo cổ đều có chung giả thuyết cho rằng người Chăm có nguồn
gốc từ người Sa Huỳnh.
Văn hoá Sa Huỳnh là một
nền văn hoá lớn được phát hiện với diện phân bố khá rộng, kéo dài từ vĩ tuyến
11012’ (Bình Thuận) đến vĩ tuyến17 054’ (Quảng Bình).
Di tích văn hoá Sa Huỳnh
xa nhất ở phía Bắc là Cổ Giang(Quảng Bình), về phía Nam đến các di tích ven bờ
sông Bắc Đồng Nai(Bình Thuận), về phía Đông là hàng loạt các di tích trên chuỗi
đảo ven bờ như Cù Lao Chàm(Quảng Nam); Cù Lao Ré (Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi); đảo
Phú Quý(Bình Thuận); về phía Tây, văn hoá Sa Huỳnh có mặt trên khắp các tỉnh Tây
Nguyên như các di tích Lung Leng(KonTum); Trà Dôm, Biển Hồ(Gia Lai); Buôn Triết(Đắc
Lắc). Theo một số nhà nghiên cứu, văn hoá Sa Huỳnh còn ảnh hưởng rộng đến các
vùng đất Đông Nam Bộ[8]. Đặc
biệt vùng đất đậm đặc dấu vết văn hoá Sa Huỳnh là dải đất đồng bằng ven biển
miền Trung: Thừa Thiên - Huế; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định... có thể coi là
những trung tâm, nơi phát triển đỉnh cao của nền văn hoá này. Như vậy, có thể
thấy về không gian văn hoá Sa Huỳnh chiếm lĩnh toàn bộ vùng đất phía Nam Trung
Bộ, trên đủ mọi địa hình: núi, đồng bằng, hải đảo. Không gian vùng đất này hoàn
toàn trùng khớp với địa bàn cư dân Champa cư trú sau này trong lịch sử gần một thế
kỷ nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh, các nhà nghiên cứu đã nhận định: “Văn hoá Sa
Huỳnh là một văn hoá kim khí bản địa ở miền Nam Trung Bộ nước ta, có quá trình
phát triển liên tục kế tiếp nhau từ đầu thời đại đồng thau đến đầu thời đại sắt...”[9]. Dựa
vào số lượng hiện vật thu được qua các cuộc khai quật, qua nghiên cứu phân tích
so sánh đối chiếu, các nhà nghiên cứu cho biết: “Cư dân văn hoá Sa Huỳnh là cư
dân nông nghiệp trồng lúa nước... Chắc chắn bên cạnh trồng lúa, cư dân Sa Huỳnh
cũng đã trồng các loại cây ăn quả, ăn củ, cây có sợi (bông; đay; gai...) để
phục vụ nhu cầu ăn, mặc của mình. Do môi trường sinh sống ven biển, kề rừng,
chắc hẳn họ đã biết khai thác triệt để nguồn lợi của biển (đánh bắt, chế biến
các loại hải sản); của rừng (khai thác gỗ, hương liệu, trầm hương, quế); khai
thác khoáng sản (vàng, bạc, hổ phách, đá ngọc, mã não...)
Bên cạnh nghề nông trồng
lúa nước, cư dân văn hoá Sa Huỳnh còn phát triển các nghề thủ công như xe sợi,
dệt vải, chế tạo gốm, làm đồ trang sức và luyện kim đồng thau, sắt, nấu thuỷ
tinh... Nghề thủ công chế tạo đồ trang sức của cư dân văn hoá Sa Huỳnh không
chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của chính họ mà chắc rằng còn để trao đổi,
buôn bán nữa... Và họ có thể đã bước vào một xã hội có giai cấp và nhà nước sơ
khai, là tiền đề cho sự ra đời của vương quốc Champa cổ đại ”[10].
Từ những thành tựu
nghiên cứu trên, khi so sánh đối chiếu văn hoá Champa với văn hoá Sa Huỳnh, các
nhà nghiên cứu nhận thấy: “Người Chăm cũng là cư dân nói tiếng Nam Đảo hay Malayo
- Polinesien và tiếng Chăm cũng đã pha trộn nhiều yếu tố tiếng Nam Á”[11] và
chỉ ra những yếu tố tiếp nối phát triển từ văn hoá Sa Huỳnh lên văn hoá Champa:
- Thư tịch cổ Trung Hoa thế
kỷ VI cho biết, người Chăm: “mắt sâu, mũi cao, da đen, tóc đen" biết làm
ruộng hai mùa lúa, trồng dâu nuôi tằm, một năm tám lứa tơ, trồng bông dệt vải,
nhuộm 5 màu “đến nay đã 600 năm” nghĩa là từ đầu Công nguyên"[12]
người Chăm là sự tiếp nối truyền thống văn hoá
nông nghiệp lúa nước từ người Sa Huỳnh.
- Thư tịch cổ Trung quốc thế
kỷ III (Bão Phác Tử Nội Thiên) viết người Chăm biết nấu cát làm thuỷ tinh,
trong cống phẩm của Champa cho Trung Quốc có đồ thuỷ tinh. Đây là nghề thủ công
kế thừa từ nghề thủ công nấu thuỷ tinh của người Sa Huỳnh.
- Theo thư tịch cổ Trung
Hoa (Nam sử - Di Mạnh Truyện) người Chăm có tục hoả táng “Người chết thì đem
đốt ở giữa đồng gọi là hoả táng”. Tuỳ Thư còn cho biết rõ: “Đốt xong thu dư
cốt, vua thì bỏ vào bình vàng, quan thì bỏ vào bình đồng, thường dân thì bỏ vào
bình đất mà thả xuống sông” hay cửa biển. Đây là sự kế thừa phong tục táng tục
từ cư dân cổ Sa Huỳnh.
- Người Chăm cũng ưa
thích và hay sử dụng đồ trang sức bằng vàng, đồ ngọc, mã não. Một truyền thống
sử dụng trang sức trong văn hoá Sa Huỳnh.
- Nghề khai thác biển, khai
thác rừng của người Chăm phát triển là sự tiếp nối nghề biển, nghề rừng của
người Sa Huỳnh[13]. “Tóm lại không có sự đứt gãy mà chỉ
có sự tiếp nối giữa văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá dân gian Chăm”[14]. “Từ thực tiễn khảo cổ học đã đề cập
trên về văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá Champa, chúng ta có thể suy luận một cách
lôgíc rằng: văn hoá Champa đã nảy sinh từ văn hoá Sa Huỳnh và người Chăm cổ là
con cháu của người Sa Huỳnh xưa”[15].
Như vậy, có thể nói, gần một thế kỷ nghiên cứu cho đến
nay đa phần ý kiến đều cho rằng người Chăm, văn hoá Chăm là sự kế thừa trực
tiếp từ văn hoá Sa Huỳnh đi lên. Từ tầng nền văn hoá Sa Huỳnh phát triển rực rỡ
đạt ngang tầm với các nền văn hoá của các tộc người trong khu vực. “Rất có thể,
quốc gia Chăm mà Khu Liên đã lập nên ở miền đất này vào thế kỷ II sau Công
nguyên chỉ là sự tiếp nối nhà nước Sa Huỳnh đã ra đời vào cuối giai đoạn Sa
Huỳnh hậu kỳ ” (14)[16]. Từ những giả thuyết đó có thể chấp nhận tổ
tiên người Chăm là chủ nhân văn hóa trước đó là Sa Huỳnh. Mặc dù vậy, các nhà
nghiên cứu vẫn cẩn trọng “...để chứng minh sự phát triển kế tiếp giữa văn hoá
Champa và văn hoá Sa Huỳnh... chúng ta cần có nhiều tài liệu hơn nữa, đặc biệt
là tài liệu khảo cổ học về văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá Champa sớm. Đây là khâu
mấu chốt, quyết định...”[17].
Trong nhiều năm gần đây,
việc nghiên cứu văn hoá Champa được đẩy mạnh, nhiều cuộc khai quật các di tích
cư trú Champa được tiến hành, đặc biệt tại địa điểm Trà Kiệu (Quảng Nam) được coi là vùng đô cũ đầu
tiên của tộc người Chăm trong lịch sử. Kết quả khai quật tại Trà Kiệu cho thấy có một lớp văn hoá Chăm sớm,
không thuộc văn hoá Sa Huỳnh, nổi bật lên trong các hiện vật thu được là đồ “gốm
thô, xương dày, pha nhiều cát, màu vàng nghệ nhạt, hoa văn chải thô, một số
mảnh đáy của loại hình bình đáy nhọn rất dày và thô”[18].
Đồ gốm thô này gọi “là gốm tiền Chàm thì đúng với tình trạng khai quật hơn gọi
là đồ gốm Sa Huỳnh”. Niên đại của lớp sớm này “...có thể còn trước thời Đông
Hán, tức là trước công nguyên một quãng thời gian một vài thế kỷ”[19].
Các cuộc khai quật ở đây
những năm tiếp theo 1996, 1997, 1998, 2000 thu được các loại hình hiện vật càng
khẳng định thêm kết luận đã nêu: “Tại di tích Trà Kiệu, hiện tượng cư chiếm sớm nhất bắt đầu vào
khoảng thế kỷ I - II trước Công nguyên cho đến thế kỷ I - II sau Công nguyên,
đại diện của lớp cư chiếm này là tầng nhiều than cháy và gốm thô, rất hiếm gạch
ngói và nếu có chỉ có ngói văn thừng dấu vải. Sự có mặt của bình hình trứng là
đặc điểm lớn nhất của lớp này”[20]. Niên đại các địa
điểm này tương đương với một số di tích văn hoá Sa Huỳnh muộn nhưng lại không
thuộc văn hoá Sa Huỳnh mà được các nhà khai quật gọi là tiền Champa.
Chính vì thế, vấn đề đặt ra là văn hoá Champa ngoài
nguồn gốc văn hoá Sa Huỳnh là chủ đạo còn có nguồn khác gần gũi với Sa Huỳnh
góp phần tạo nên văn hoá Champa sau này. Sự phát triển của các nền văn hoá tạo
nên văn hoá Champa không phải là đơn tuyến mà là đa tuyến. Điều này càng được
tin cậy khi cuộc khai quật di chỉ cư trú tại Gò Cấm (xã Duy Trung; huyện Duy
Xuyên) cách thành Trà Kiệu không xa, tại
đây cũng có một lớp văn hoá tương đương với Trà Kiệu, niên đại thế kỷ I trước Công nguyên và thế
kỷ I sau Công nguyên. Cuộc khai quật di chỉ Hoà Diêm (Khánh Hoà) năm 2002 với
số lượng lớn hiện vật tìm được bao gồm đồ gốm, công cụ sắt, đồ trang sức hạt
chuỗi bằng vàng cho thấy, cư dân ở đây có nền kinh tế phát triển cao, sớm hơn
cư dân Champa; nhưng cũng cho thấy, lớp văn hoá này không phải văn hoá Sa
Huỳnh, thể hiện đặc biệt rõ trên đồ gốm và có niên đại tương đương Sa Huỳnh
muộn, cùng có mối quan hệ chặt chẽ với văn hoá Champa[21]. Chủ
nhân loại hình di tích này không phải người Sa Huỳnh nhưng chắc chắn gần gũi
với người Sa Huỳnh. Phải chăng bên cạnh người Sa Huỳnh còn có những nhóm người
cùng ngữ hệ Malayo - Polinesien, chủng tộc Anhđôniêdiêng cùng tồn tại song song
trên các vùng lãnh thổ để sau này hoà nhập cùng người Sa Huỳnh phát triển thành
người Chăm tạo nên nền văn hoá Champa trên dải đất miền Trung trong lịch sử.
Như vậy, chủ nhân nền
văn minh Champa tiếp nối văn hoá Sa Huỳnh ở Miền Trung là người Chăm, người
Chăm có thể là người Sa Huỳnh, nhưng cũng có thể không phải là người Sa Huỳnh,
hoặc có thể có một nhóm người xuất hiện xâm cư vào địa bàn của người Sa Huỳnh,
kết hợp với người Sa Huỳnh tạo nên nền văn minh này.2
Thảo luận về nguồn gốc
người Chăm, có ý kiến cho rằng, người Chăm là nhóm người từ biển đi vào, họ
chọn nơi cư trú là dải đất miền Trung xâm cư với người Sa Huỳnh và xây dựng nên
nền văn minh Champa.
Không hiểu từ nguồn tư
liệu nào, năm 1933 khi viết cuốn Địa chí Quảng Ngãi Tuần phủ Nguyễn Bá Trác làm
chủ biên đã viết về vùng đất miền Trung: “Chỉ là một dải đất dài dằng dặc, bên
thời núi, bên thời bể... Thổ dân tính chất hiền lành yên tĩnh, ở bên nước Văn
Lang mà không thấy đánh phá bao giờ. Tiếc thay không được biết rõ nguồn gốc và
cách sinh hoạt của dân ấy. Vả lại chẳng bao lâu vì ngọn lửa chiến tranh mà cuộc
thế chuyển truyền mà dân tộc ấy phải tiêu diệt, một dân tộc khác thế vào gọi là
người Chăm... Và dân tộc mới này là ai? Ở đâu đến và đến lúc nào? Tác giả (vô
danh) của một quyển Nam sử chép rằng: mấy trăm năm về trước kỷ nguyên, miền
trung châu sông Cửu Long tức là Cao Man bây giờ có người Chàm ở. Sau cứ theo
lịch sử chép về vua Cao Man thời 289 trước kỷ nguyên, vua Chàm Acohay bị người
Khmer là ông bà người Cao Miên bây giờ đánh lấy mất nước Chân Lạp(Cao Miên),
thành thử người Chàm phải tràn qua phía Đông - Nam, rồi theo bờ biển mà tràn
mãi ra phía Bắc khắp các tỉnh Trung Nam kỳ bây giờ...” [22]
Theo như ý kiến tác giả,
người Chăm là tộc người di cư đến miền Trung vài trăm năm trước công nguyên, họ
không đến từ biển mà từ phía Nam lại, họ đã tiêu diệt tộc người đang sinh sống
ở đây và thế chỗ quản lý vùng đất. Như vậy, lớp người đầu tiên ở đây là “Thổ
dân tính chất hiền lành yên tĩnh” sau đó là lớp người Chăm làm nên văn hoá
Champa sau này. Độ tin cậy của giả thuyết này có lẽ còn kiểm chứng nhưng có thể
ghi nhận rằng giả thiết này có phần nào cũng phù hợp với tư liệu khảo cổ học
được nghiên cứu qua vật chất tại cuộc khai quật tại Trà Kiệu cho thấy trên lớp gốm văn hoá Sa Huỳnh,
có một lớp gốm không phải Sa Huỳnh được gọi là gốm Chăm sớm. Những phát hiện di
tích Sa Huỳnh trên vùng đất Tây Nguyên phải chăng là do người Sa Huỳnh bị “xô
đẩy” khỏi dải đất ven biển miền Trung họ lên cao nguyên sinh sống. Hay khi
nghiên cứu về di vật các tác phẩm điêu khắc các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy
không có những tác phẩm nào sớm phù hợp với thời điểm lịch sử ghi chép về sự
xuất hiện của nhà nước cổ độc lập Champa.
Tán đồng quan điểm này,
có ý kiến " Tổ tiên của người Chàm từ các hải đảo Mã Lai, Nam Dương tràn
lên bờ biển Trung Việt ngày nay từ nhiều thế kỷ trước Tây lịch kỷ nguyên. Ở
đấy, họ tiếp xúc với thổ dân là người Kiratas, thuộc giống Indonesiens; số
người Kiratas không chịu họ chế ngự thì dồn lên ở các miền núi Trường Sơn,
những người ấy sau này chúng ta gọi là Mọi"[23]
Một công trình nghiên cứu cho rằng: “Trước khi
người Chăm đến Trung phần Việt Nam đã có tộc người nói tiếng Môn - Khmer cư ngụ
ở đó rồi và giống dân nói tiếng Môn - Khmer này đã hình thành một nhóm quan
trọng để tạo nên nước Lâm Ấp”[24]. Như
vậy, theo tác giả, nhóm người Môn - Khmer mới là dân bản địa, còn cư dân Chăm
là người đến sau.
Trong công trình nghiên
cứu khác viết: “...người Chăm gồm hai nhóm di dân nói tiếng Kadai (trung gian
giữa tiếng Thái và tiếng Nam Đảo): nhóm Kam từ hai nước Ngô - Việt vùng Đông Nam
Trung Quốc; nhóm Lê từ bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông, đảo Hải Nam và vùng biển Bắc
Việt Nam. Cả hai nhóm đi bằng đường biển là chính và vào thời giam khác nhau. Nhóm
Kam đến trước là chủ thể của các nước Lâm Ấp, Champa, Phù Nam với vua quan họ
Phạm. Nhóm Lê đến sau là tổ tiên trực tiếp của các tộc Ê Đê, Gia Rai, Chu Ru ở Tây
Nguyên” và cho rằng “Nhóm thứ nhất đến trước là người Kam, sau khi nước Ngô bị
nước Việt thôn tính, đã di tản đến miền Trung Việt Nam và nhiều nơi khác ở Đông
Nam Á bằng đường biển, là chủ nhân của văn hoá đồ sắt Sa Huỳnh và sau đó là tộc
người chủ thể của các nước Lâm Ấp, Champa và Phù Nam. Nhóm thứ hai đến sau là
người Lê gốc Hải Nam nhưng đã sống lâu đời ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và đã di
tản bằng cả đường biển và đường bộ đến vùng Bình Trị Thiên sau cuộc khởi nghĩa
của Mai Thúc Loan bị thất bại năm 722. Từ thế kỷ 9, họ giành quyền thống trị
nước Champa”[25]. Tất
nhiên đây cũng là một giả thuyết khoa học lý giải về nguồn gốc của người Chăm.
Gần đây trong có công trình
nghiên cứu còn cho biết: “...một vài sử gia Ấn Độ đã nói đến việc cộng đồng
Champa ở Việt Nam không ai khác chính là những người Ấn, là các thương nhân Ấn
Độ đã mang hàng hóa đến Việt Nam và trải qua một thời gian, họ đã kiến lập nên
các vương quốc của mình..." " Trên thực tế, người Chăm của Việt Nam
chính là hậu duệ của những người Ấn Độ đã di cư đến Việt Nam. Dường như những
người Ấn đầu tiên định cư tại Việt Nam đã đến từ vùng Chămpa ( tức Bhagalpur,
thuộc bang Bihar), và đó có thể là lý do tại sao họ tự gọi mình là cộng đồng
Chămpa. Về sau cũng có những di dân từ các vùng khác của Ấn Độ như Kalinga
(bang Orissa), Amaravati (bang Andhra Pradesh) và Gujarat gia nhập vào cộng
đồng Chămpa và họ cũng tự gọi mình là người Chăm hay Chămpa" và " Dân
Ấn đã sống chan hòa với cư dân bản địa đến mức một thời gian sau, người Ấn đã
trở thành một bộ phận không thể tách rời trong xã hội và nhân chủng của họ khó
có thể phân biệt được với nhau...”[26].
Theo quan điểm của tác
giả, người Chăm là sự hòa huyết của người Ấn di cư với cư dân bản địa tạo nên. Điều
này được xem là hướng mở khi nghiên cứu nhân chủng về người Chăm.
Vậy người Chăm như thế
nào?
Những ghi chép đầu tiên
trong sử liệu Trung Quốc cho biết: “Người nước đó tóc quăn, da đen. Tục đều đi
chân đất”[27] hay “Người
nước đó mắt sâu, mũi cao, tóc quăn da đen”[28]. Ngoài
thông tin ngắn ngủi đó không có một thông tin nào về nhân chủng của tộc người
này. Sau này, khi nghiên cứu những người Chăm hiện đại về nhân chủng, đa phần ý
kiến cho rằng người Chăm thuộc chủng tộc Anhđônêdiên “người Chăm có tầm vóc
trung bình so với những cư dân đa số ở Đông Nam Á (thường thuộc nhóm loại hình Nam
Á) nhưng tương đối cao hơn các tộc ít người ở miền núi (thường thuộc nhóm loại
hình Anhđônêdiên); kích thước đầu và mặt vừa phải, nhưng hộp sọ hơi rộng ngang
khiến dạng đầu khá tròn (ngắn), cánh mũi không rộng lắm, theo chỉ số là dạng
mũi trung bình, khe mắt ít xiên, nếp mi góc phát triển rõ... Xét tổng hợp các
tài liệu đã phân tích thì người Chăm có nhiều đặc điểm gần với nhóm loại hình Nam
Á như tầm người trung bình, dạng hộp sọ ngắn, rộng ngang, dạng mặt ngắn nhưng
thiên về phía trung bình, cánh mũi rộng vừa phải, dạng mũi cũng theo chỉ số
thuộc dạng trung bình, môi dày,
môi trên dô... Đồng thời người Chăm lại có một số nét tựa nhóm loại hình Anhđônêdiên:
mặt hơi hẹp ngang, da sẫm màu, tần suất tóc uốn tăng.” [29].
Người Chăm hiện nay
(Nguồn:
Trung tâm nghiên cứu văn hóa Champa - Ninh Thuận)
Người Chăm hiện nay đúng như sử
liệu Trung Hoa để lại cho biết là họ có " nước da đen, mắt sâu, mũi cao, tóc quăn”. Cùng nguồn gốc ngôn
ngữ Malayo - Polinesien và đặc điểm nhân chủng với người Chăm ngày nay cư trú
trên địa bàn Tây Nguyên còn có các tộc người anh em như Ê Đê, Gia Rai, Chu Ru,
Kờ Tu... Gần gũi hơn nữa có 2 tộc người là Chăm Kho và Chăm Hre, họ tự nhận là
một nhánh của người Chăm xưa và có đời sống văn hoá tương tự như người Chăm từ
trong lịch sử và trong đời sống văn hoá hiện nay, họ có nhiều gắn bó với văn
hoá của người Chăm hiện tại. Mặc dù lược qua những tài liệu cơ bản về tộc người
Chăm xưa và nay, nhưng vấn đề đặt ra vẫn bỏ ngỏ. Người Chăm có phải là người Sa
Huỳnh? Cho đến hôm nay người Sa Huỳnh như thế nào vẫn là câu hỏi dành cho các
nhà nghiên cứu! Người Chăm trong lịch sử họ có nguồn gốc Malayo - Polinesien hay
Môn - Khmer cổ hay không, chúng ta cũng chưa có tài liệu khẳng định chắc chắn
và có những ý kiến khác nhau. Người Chăm hiện nay về nhân chủng có nguồn gốc Polinesien,
họ có phải là hậu duệ của người Chăm xưa hay không cũng cần có những tài liệu
khoa học tin cậy. Đó là những vấn đề mở ra để các nhà khoa học tiếp tục trả lời.
Điểm qua nguồn gốc của người Chăm trong lịch sử mong góp phần nhận diện tộc
người Chăm, phần nào trả lời câu hỏi “Người Chăm là Ai?” và làm tiền đề để đối
thoại với nền văn minh người Chăm đã dựng xây, góp một bản sắc riêng vào văn
hóa dân tộc để lại cho đến ngày nay.
Theo
tài liệu điều tra dân số gần đây, hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam người Chăm có
khoảng trên 161.729 người[30],
sinh sống tập trung chủ yếu trên dải đồng bằng nhỏ hẹp thuộc hai tỉnh Ninh
Thuận, Bình Thuận, ngoài ra còn một bộ phận không nhiều cư trú rải rác trên địa
bàn các tỉnh An Giang, Đồng Nai, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Một bộ nhỏ
khác sống xen cư cùng cộng đồng người Việt trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên - Huế
(Vân Thê), Quảng Nam (Đồng Dương, Đại Lộc), Bình Định (An Nhơn, Vân Canh ), Phú
Yên (Đồng Xuân, La Hai). Tài liệu còn cho biết do biến động của lịch sử cùng sự
ảnh hưởng lại qua của các nền văn hoá trong khu vực, người Chăm còn có mặt ở
nhiều nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Indonesia...[31].
Trong lịch sử, quá trình tồn tại phát triển tạo nên diện mạo văn hoá Champa
người Chăm chủ nhân của nền văn hoá này có bao nhiêu người, con số này cho đến
nay không có nguồn tài liệu nào. Tài liệu lịch sử các tộc người liên quan như
sử liệu Việt Nam, Trung Quốc hay các văn bia của người Chăm để lại đều không
ghi chép. Một công trình nghiên cứu công bố trước đây dự tính người Chăm trong
lịch sử có khoảng dưới 2,5 triệu “Dân cư không đông lắm và chắc chắn không lên
tới 2,5 triệu như xứ Trung Kỳ ngày nay”[32].
Mặc
dù con số dân cư Chăm chưa bao giờ được ghi chép chính thức bằng văn bản nhưng
qua những tư liệu lịch sử ghi chép về số người liên quan đến các sự kiện được
biết có thể ước tính được tổng số dân số. Sử liệu cho biết năm 100 thời Vĩnh
Nguyên thứ 12 hơn 2000 người Nhật Nam nổi dậy bắt đầu từ huyện Tượng Lâm ở phía
Nam. Năm 144 “Mùa Đông, tháng 10, người Nhật Nam lại đốt quận ấp”. “Năm thứ 3
hiệu Vĩnh Thọ đời Hoàn đế người trong huyện là bọn Chu Đạt cùng với tụi Mường
Mọi đông đến bốn năm nghìn người họp nhau đánh huyện lệnh... Đô uý Cửu Chân là
Nguỵ Lãng đánh phá chém được hai nghìn người...”[33].
Tài liệu ban đầu cho thấy, những thế kỷ đầu, vùng đất quận Nhật Nam, phía Bắc
Champa ngày nay (khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam) số lượng dân cư không
đông lắm. Nếu năm 144 có đến 4.000 - 5.000 người tụ họp đánh huyện lệnh thì giả
sử 50% dân số đủ sức (người khỏe mạnh) tham gia, còn 50% người già yếu, trẻ con
không tham gia thì dân số ở đây cũng chỉ khoảng trên dưới 10.000 người.
Năm 605, Lưu Phương là viên
quan nhà Tùy cai trị Giao Chỉ đem quân đánh cướp Lâm Ấp “bắt tù hàng vạn người”chắc
cũng chỉ là con số phiếm chỉ, ra oai chứ thực ra số lượng người Chăm đâu có
nhiều như vậy. Theo Tùy Thư, tư liệu về Lâm Ấp sau cuộc chinh phục của Lưu
Phương có lập 3 quận mới là: Quận Tí Cảnh với 4 huyện gồm 1.815 hộ; Quận Hải Âm
có 4 huyện với 1.100 hộ; Quận Lâm Ấp có 4 huyện với 1.220 hộ. Tổng cộng 3 quận
mới có 4.135 hộ[34]. Giả
thiết mỗi hộ có 3 đời chung sống, số người trong mỗi hộ nhiều là 9 người, ít là
6 người sinh sống trong một hộ thì số dân Lâm Âp bấy giờ khoảng từ 25.000 đến 37.000
người. Tất nhiên đây là số dân vào đầu thế kỷ VII mà địa bàn cư trú khoảng từ Quảng
Bình, đến Quảng Nam mà thôi. Cựu Đường thư ghi chép cho biết “Thị vệ của nhà
vua có 5.000 quân, đều dùng nỏ, kích và toan - một loại vũ khí giống kích, lấy
mây làm áo giáp, lấy tre làm cung, cưỡi voi để chiến đấu”[35]. Đây
là đội quân thường trực chính bảo vệ vua ở kinh đô mà có 5.000 thì số lượng
quân đội khó có thể nhiều như vậy. Theo Tống sử ghi lại về quản lý hành chính “cả
nước chia làm 38 châu lớn nhỏ. Nhân số không đến 3 vạn nhà. Cả xã có hơn 100 xã
thôn, mỗi thôn gồm 300, 500, 700nhà”[36]. Theo
ghi chép trên, giả sử có đến 30.000 nhà, mỗi nhà có 3 thế hệ sinh sống chung,
mỗi thế hệ khoảng 2-3 người thì
mỗi nhà có từ 6 đến 9 người. Tổng số dân Champa bấy giờ ước khoảng 180.000-270.000
người. Đây là con số không đông nếu phân bố đều ra không gian người Chăm quản
lý từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Liệu
có thể lấy ước lượng quân số 4 trận chiến tiêu biểu của người Chăm - Việt thử
luận về dân số Champa được không?
Cuối thế kỷ X (979),
khi triều đình nhà Đinh xảy ra nội biến rối loạn: “Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn
thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp muốn đánh thành Hoa Lư...”[37]. Nếu đúng như sử ghi, giả thiết mỗi thuyền chiến quân
Chiêm Thành có từ 30 đến 50 người lính thì thủy quân Chiêm Thành có khoảng 30.000
đến 50.000 người. Để huy động được số quân này, nếu chiếm 10% đến 15% dân số
thì người Chăm bấy giờ có khoảng 300.000-500.000 người (tỉ lệ 10%) hoặc trên
dưới 1 triệu người[38].
Con số khoảng trên dưới 1 triệu người có khả năng thuyết phục hơn. Con số này
vẫn khác xa, gấp khoảng 4-5 lần với con số ước tính như Tống sử ghi lại. Cuộc
chiến năm 1044, Lý Thái Tông dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, đánh vào kinh đô Chiêm
Thành “...chém được 3 vạn thủ cấp ...đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5.000
người”[39].
Năm 1069, do người Chăm “...lại quấy nhiễu biên giới”,
Lý Thánh Tông xuất quân chinh phạt phương Nam”Mùa xuân, tháng Hai, vua thân đi
đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ (Rudravarman III) và dân chúng
5 vạn người”3. Ông cho kiểm tra hộ khẩu được 2.560 hộ, ra lệnh đốt
hết tất cả những nhà nào dựng trong nội và ngoại thành Vijaya. Riêng kinh đô Vijaya
có 2.560 hộ, nếu tính theo tỉ lệ mỗi hộ 6 người đến 9 người như trên thì kinh
đô có khoảng trên 15.000 đến 23.000 dân, nhưng sử liệu lại cho biết là bắt được
đến 5 vạn dân (50.000); mà chúng ta biết rằng thời kỳ này quá trình đô thị hóa
chưa cao thì số dân trên là chấp nhận được. Với con số ghi chép về số người bị giết
trên là thực, nếu tính theo tỷ lệ quân lính và người dân đã nêu thì dân số Chăm
thời kỳ lịch sử này khoảng 1 triệu đến hơn 1 triệu là hợp lý.
Minh thực lục có ghi lại cuộc chiến năm 1450 người
Việt mang quân đánh Chiêm Thành và đưa về Việt Nam khoảng 33.500 người 4.
Cuộc chiến năm 1471, vua Lê huy động “hơn 1. 000 chiến thuyền, hơn 70 vạn tinh
binh” 5 đi đánh Chiêm Thành, khi đánh vào kinh đô Vijaya “bắt sống
hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp” 6. Nếu lấy số 4 vạn là quân
lính thì với tỉ lệ 10% dân làm lính dân số sẽ khoảng 400. 000 người và lấy lính
đến 15% thì dân số trên 300. 000 người. Từ những tư liệu trên có thể suy đoán
dân số người Chăm sinh sống trên dải đất miền Trung cao nhất trong lịch sử không
quá hơn 1 triệu người. Điều này cũng phù hợp với mật độ dân số nước ta trong
lịch sử. Tài liệu lịch sử Việt Nam cho biết, trong cuộc kháng chiến chống quân
Nguyên xâm lược năm 1285, khi nhà Trần tạm thời thất bại giai đoạn đầu cuộc
kháng chiến, vua Trần lui quân về Thanh Hóa. Vua Trần vẫn tin tưởng cuộc kháng
chiến thắng lợi và cảm khái viết nên vần thơ:
Cối kê cựu sự
quân tu ký
Hoan
Diễn do tồn thập vạn binh
(Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ
Hoan Diễn còn kia chục vạn quân)[40]
Hoan Diễn là vùng đất
Thanh - Nghệ hiện nay. Nếu tính theo tỉ lệ 10% dân làm lính thì dân số vùng này
khoảng 1 triệu và 15% thì dân số khoảng trên 700.000.
Đây là con số chấp nhận
được, một cách tính khi nhận biết số lượng người dân trong lịch sử. Nếu tạm
chấp nhận số dân Champa trong lịch sử có khoảng trên dưới 1 triệu người là chủ
nhân của nền văn hóa Champa thì trong quá trình hội nhập vào lãnh thổ chung dân
tộc, số người Chăm này họ ở đâu, đi đâu sau này?
2. Người Chăm ra phía Bắc.
Có thể nhận thấy vấn đề
này qua các tài liệu lịch sử. Trước hết là nói về số lượng người Chăm ngược ra Bắc.
Do biến động lịch sử, người Chăm đi ra Bắc có hai dòng chuyển cư chính:
Dòng chuyển cư cưỡng bức
gồm những người bị bắt buộc đưa về Bắc sau những cuộc tiến quân về phía Nam của
các triều đại phong kiến Việt Nam. Đây là lực lượng chủ yếu, chiếm số đông và trong
nhiều triều đại khác nhau.
Dòng chuyển cư tự nguyện
gồm những người Chăm tự nguyện chuyển cư, gia nhập về phía Bắc do những biến
động của xã hội Champa. Dòng chuyển cư này số lượng không nhiều nhưng liên tục
trong lịch sử. Họ là quan lại, hoàng tộc Champa khi đấu tranh nội bộ thất thế
chạy ra phía Bắc nương nhờ chính quyền ở đây và thương nhân tham gia buôn bán,
khi xã hội Champa có biến động, họ ở lại nơi buôn bán quen thuộc hội nhập vào
xã hội người Việt.
Đối với dòng chuyển cư thứ nhất, có thể sơ bộ
thống kê ra theo sự kiện lịch sử về số người Chăm ngược ra phía Bắc do sự “áp
đặt”dưới các triều đại:
- Cuộc chinh phục Chiêm Thành đầu tiên vào năm
982 do Lê Hoàn thân chinh dẫn quân đánh vào kinh đô Inddrapuurra “bắt sống được
quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà
sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về...”[41].
Số người này có lẽ được đưa về kinh đô Hoa Lư.
- Năm 1044, Lý Thái Tông đánh kinh thành bắt
sống hơn 5.000 người đưa về Đại Việt cho ở từ trấn Vinh Khang (Nghệ An) đến
Đăng Châu (Yên Bái - Lào Cai) sinh sống; cho các tù binh được nhận người cùng
bộ tộc, đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành. Lý Thái Tông khi vào
Phật Thệ (Vijaya) bắt vợ cả, vợ lẽ... và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây
Thiên đưa về Thăng Long, năm 1046 “dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành”
2. Đây là lần di dân đầu tiên ồ ạt , số lượng người lớn, gồm nhiều thành
phần, được phân ra cư trú khắp nơi từ phía nam lên phía bắc và tập trung chủ
yếu tại kinh đô Thăng Long. Một số thành phần gia nhập vào đời sống cung đình
của Đại Việt.
Năm 1069, Lý Thánh Tông cầm
quân đi đánh Champa " Tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành bắt vua nước
ấy là Chế Củ cùng dân chúng hơn 5 vạn người"3. Đặc biệt hơn về
tinh thần, trong số những tù binh bắt được đưa về Thăng Long có một nhà sư
Trung Quốc. Là người hâm mộ đạo Phật, tiếp thu những giáo lý Phật giáo; Lý
Thánh Tông đã đưa vị sư này về chùa Khai Quốc, phong làm Quốc sư khai sinh ra
phái Thảo đường, một thiền phái của phật giáo vương triều và tự mình trở thành
thế hệ đầu của thiền phái này.
- Năm 1252, Trần Thái Tông đi đánh Chiêm Thành
“bắt được vợ của chúa Chiêm Thành là Bố Da La và nhiều thần thiếp nhân dân của
y rồi về” [42]. Năm
1312, “bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đem về” [43]. Năm
1313 Chế Chí đến hành cung Gia Lâm chết đem hỏa táng” [44]
- Năm 1446, Lê Nhân Tông đánh Chiêm Thành "
bắt được chúa nó là Bí Cai và các phi
tần bộ thuộc, ngựa voi vũ khí cùng các hàng tướng rồi đem quân về" “Giữ
chúa Chiêm Thành là Bí Cai và ba người phi tần ở kinh sư” 4
- Năm 1471, Lê Thánh Tông đánh kinh đô Vijaya
" bắt sống hơn 3 vạn người...bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về" 5
và sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ chung lập nên đơn vị hành chính Thừa
tuyên Quảng Nam. Vương quốc cổ của người Chăm về cơ bản đã sáp nhập vào lãnh
thổ Việt Nam từ vùng đất Quảng Bình đến
đèo Cù Mông ngày nay và dòng người Chăm ngược lên phía Bắc cơ bản là chấm dứt.
Những thống kê sơ bộ ghi
chép trong lịch sử cho thấy dưới 3 triều đại Lý - Trần - Lê có những cuộc di
dân “cưỡng bức” ra Bắc khá lớn, do nhà nước tổ chức. Cuộc di dân lớn đầu tiên
diễn ra dưới thời Lý, có lẽ thời đó, do nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh
tế, xây dựng đất nước, nhà Lý đã di dân hàng loạt ra và phân bố trên nhiều vùng
khác nhau, từ Nghệ An - Yên Bái - Lào Cai. Tôn trọng phong tục, truyền thống
văn hóa của người Chăm nhà Lý còn cho tù binh được nhận họ tộc, đặt hương ấp
phỏng theo tên cũ của Chiêm Thành để người dân nhớ về bản quán. Sau này, số
lượng người Chăm đưa ra ít dần, cơ bản là tập trung ở vùng kinh đô. Tại Thăng
Long, vua còn cho dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành. Những người Chăm
được lựa chọn đưa ra có thể thấy đầu tiên là Hoàng tộc Chăm, vua, vợ cả, vợ lẽ,
cung nữ. Tiếp đến là những tướng lĩnh, binh sĩ, những thợ thủ công lành nghề và
cả những nhà sư... Họ được coi như thần dân của nhà nước phong kiến Đại Việt,
có nghĩa vụ công dân dưới sự quản lý của chính quyền các cấp. Số người Chăm cư
trú trên vùng đất phía bắc đông đến nỗi nhà vua phải " Sai kiểm xét hộ
khẩu của người Chiêm đã quy thuận"[45]
Cuộc di dân lớn thứ hai do nhà Lê thực hiện
vào thế kỷ XV sau khi tiến quân vào Vijaya kinh đô của người Chăm. Những người
dân đủ mọi thành phần hoàng tộc, quan lại, thợ thủ công, người dân được nhà Lê đưa
ra phía Bắc, chủ yếu tập trung trên địa bàn Thanh Hóa, đất khởi nghiệp, nơi đây
được xây dựng làm kinh đô thứ hai của vương triều - Tây Đô. Người Chăm vào thời
Lê khá đông cư trú ở nhiều nơi và có ảnh hưởng đến vùng đất Tây
Đô. Sử cũ ghi lại năm 1509: “Vua xua đuổi người tông thất và công thần về xứ
Thanh Hoa và giết các nữ sử nội thần người Chiêm” 2 dẫn đến sự kiện “Văn
Lang đem bọn Chế Mạn là nô lệ người Chiêm cùng Vũ Bá, Vũ Tiếp và người ba phủ
nổi nghĩa quân ở thành Tây Đô, đem quân giữ cửa biển Thần Phù” 3.
Hay năm 1516 Trần Cảo "...cùng với con là Cung và bè đảng là bọn Phan Ất (
tức người Chiêm, tên là Đồng Lợi, nguyên là gia nô của Trịnh Duy Đại), Đình
Ngạn, Đình Nghệ, Công Uẩn, Đình Bảo, Đoàn Bố dấy quân ở chùa Quỳnh Lâm, chiếm
cứ các nơi ở hai huyện Thủy Đường và Đông Triều, trấn Hải Dương" 4.
Những sự kiện trên với sự tham gia của người Chăm đã cho thấy người Chăm có mặt
trong Hoàng cung và mọi miền trong đó tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa đất khởi
nghiệp nhà Lê.
Đây là những cuộc di dân
cơ học với số lượng lớn, nhiều thành phần được phân ra cư trú nhiều nơi. Trong
những thành phần chuyển cư " cưỡng bức" đó có những thành phần ưu tú,
tạo nên sóng chuyển một phần tinh túy diện mạo văn hóa Champa trong lịch sử tham
gia, hội nhập vào văn hóa Việt.
Những cuộc di dân này thường gắn liền
với việc hội nhập vùng đất lãnh thổ. Thời Lý sáp nhập 3 châu: Đại Linh, Minh Linh, Bố Chính. Thời
Trần sáp nhập châu Ô, châu Lý. Thời Lê sáp nhập châu Vijaya. Riêng thời Hồ
(1398-1407) với chính sách mới, nhà Hồ sáp nhập hai châu Chiêm Động và Cổ Luỹ, nhưng
không thực hiện chính sách di dân ra phía Bắc mà ngược lại, khuyến khích đưa
người phía Bắc váo cư trú phía Nam " đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa biên chế thành
quân ngũ. Quan lại ở các lộ, phủ, châu, huyện chia đất cho họ ở... mộ dân nộp
châu để cấp cho dân mới dời đến ở Thăng Hoa, người nộp được ban tước." [46]
. Dòng chuyển cư thứ hai số lượng không
diễn ra rầm rộ những được thực hiện liên tục trong mọi thời đại với tinh thần
tự nguyện của người ra đi. Cùng với nhóm người được đưa ra “cưỡng bức” thì
trong tiến trình lịch sử, do mối quan hệ lâu đời truyền thống giữa hai tộc
người Việt - Chăm, cùng với mối bang giao giữa hai nhà nước, mỗi khi có biến
động thì một bộ phận người Chăm lại chạy ra phía Bắc nương thân. Những người ra
đi thường là Hoàng tộc thất thế khi tranh giành quyền lực, hay những người buôn
bán, thần dân vùng biên khi xã hội có biến động. Sử cũ ghi lại: Năm
986 “người Chiêm
Thành là Bồ La Át đem hơn trăm người họ xin nội phụ”2. Năm 1039, “Con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt cùng
bọn Lạc Thuẫn, Sạ Đâu, La Kế, A Thát Lạt 5
người sang quy phụ nước ta”3. Năm 1040, “Mùa thu tháng Tám, người
giữ trại Bố Chính của nước Chiêm Thành là Bố Linh, Bố Kha, Lan Đà Tinh đem bộ
thuộc hơn 100 người sang quy phụ" 4. Năm 1124 "người nước Chiêm
Thành là Cụ Ông và 3 người anh em họ đến chầu... Tháng năm, người nước Chiêm
Thành là bọn Ba Tư Bồ Đà La 30 người sang quy phụ"[47].
"Tháng Năm năm 1124, người Chiêm Thành là Ba Tư Bồ Đà La 30 người sang quy
phụ" 2. Năm 1130, “Tháng Ba, người nước Chiêm Thành là Ung Ma,
Ung Câu sang quy phụ” 3. Năm 1152, “người nước Chiêm Thành là Ung
Minh Ta Điệp đến cửa khuyết xin mệnh cho làm vua nước ấy. Xuống chiếu cho
Thượng cho Lý Mông đem hơn 5.000 người ở phủ Thanh Hoa và châu Nghệ An sang
Chiêm Thành lập Ung Minh Ta Điệp làm vua” 4.
Năm
1154, “vua nước Chiêm Thành là Chế Bì La
Bút dâng con gái vua nhận” 5. Năm 1203 “Vua nước Chiêm Thành Là Bố
Trì bị chú là Văn Bố Điền đuổi, nay đem cả vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La, ý
muốn cầu cứu.” 6. Sự kiện này được Việt sử Lược ghi rõ hơn “Chúa Chiêm
Thành là Bố Trì bị chú là Bố Do đuổi, đem hơn 200 chiếc thuyền Bị Lan chở vợ,
con đến ngụ ở cửa biển Cơ La muốn cầu cứu ta” 7
Năm 1279 “Chiêm Thành sai Chế Năng, Tra Diệp
sang cống. Bọn Chế năng xin ở lại làm nội thần” 8. Năm 1352 “Chế Mỗ
là người Chiêm Thành chạy sang ta, dâng voi trắng, ngựa trắng, mỗi thứ một con...
Chế Mỗ ở lại nước ta, không bao lâu rồi chết” 9. Năm 1390, La Ngai
tự lập ngôi vua “Con của Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan và em là Chế Sơn Nô sợ bị
giết bèn chạy sang ta. Phong Ma Nan làm Hiệu chính hầu, Sơn Nô làm Á hầu” 10.
Năm 1396, “Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành, bắt được tướng nước ấy là Bố Đông đem
về, ban cho họ tên là Kim Trung Liệt, chỉ huy quân Hổ Bôn. Khi phòng ngự, thành
Đa Bang Trung Liệt (Bố Đông) dâng kế sách đưa quân lên biên giới đón đánh,
không cho quân giặc tiến vào nước ta, không để chúng ỷ vào trường binh và thông
được đường tiến quân. Nhưng các tướng không nghe theo kế ấy. Bố Đông bị bệnh
rồi chết”[48].
Năm 1397
“Tướng Chiêm Thành là Chế Đa Biệt cùng với em là Mộ Hoa Tư Ca Diệp đem cả nhà
sang hang; ban tên cho Đa Biệt là Đại Trung, phong làm Kim ngô vệ tướng quân.
Ca Diệp làm Cấm vệ đô, đều ban họ Đinh lại cho làm trấn thủ Hóa Châu để chống
giữ Chiêm Thành” [49]. Năm
1448 “Người Chiêm Thành là Phan Mỗ dẫn hơn 340 đàn ông, đàn bà sang hàng, xuống
chiếu chia cho ở các đạo” [50]. Thời
điểm này, người Chăm tự nguyện đi ra phía bắc hầu như không đáng kể, nên các
nguồn tư liệu không được ghi chép.
Thành phần người Chăm tự nguyện
chạy ra phía Bắc cơ bản là người Hoàng tộc do tranh giành ngôi vị thất bại, hay
những tướng lĩnh và bản thân các sứ thần khi sang ngoại giao thấy tình hình
biến động cũng chủ động xin ở lại. Một số người được ban chức tước
của các triều đình Đại Việt, được ban họ
hay tự nhận họ người Việt là điều kiện để những thế hệ sau dần Việt hóa. Số
lượng những người tự nguyện gia nhập không nhiều, họ thường ở kinh đô hoặc
trung tâm chính trị kinh tế, văn hóa các vùng và cũng có thể là chia đều cho
các đạo. Những cứ liệu nêu trên chắc chỉ là một phần trong lịch sử, bởi trong
mối quan hệ gần gũi giữa hai tộc người còn nhiều thành phần người khác nữa như
thương nhân, thợ thủ công, nhà sư vv... khi đến Đại Việt làm ăn cũng tự nguyện ở lại. Hay những
cuộc di dân cưỡng bức của nhà Lê sau này do không chính thống nên không được sử
xưa chú ý ghi lại. Chỉ theo nguồn tài liệu trên, có thể thấy có hàng vạn người
dân Chăm có mặt trên lãnh thổ Đại Việt theo xuốt chiều dài lịch sử.
Vậy những người Chăm xưa kia và hậu duệ họ
hiện nay ra sao?.
Cho
đến nay có thể nói, phần địa lý phía Bắc từ Quảng Bình trở ra trong thành phần
tộc người hiện nay không hề có người Chăm. Họ đã biến mất trong lịch sử đương
đại chăng? Để tìm về nguyên nhân, trước hết hãy cùng tìm về những ghi chép
trong lịch sử. Sự có mặt của người Chăm cùng với sự xuất hiện phong tục tập
quán của một tộc người trong lòng cộng đồng người Việt. Cuộc sống xen cư đã tạo
điều kiện cho hai tộc người có mối quan hệ với nhau mà trong đó, người Việt,
văn hóa Việt làm chủ thể. Mặc dù thân phận từ tộc người bên ngoài đưa lại hay
là tù binh các cuộc chiến, nhưng người Chăm vẫn có được sự bình đẳng với người
Việt. Sử cũ ghi lại nhiều người Chăm tham gia vào nhiều lĩnh vực quan trọng của
chính quyền.
Trên
lĩnh vực tôn giáo, cuộc chinh phạt đầu tiên của Lê Đại Hành (năm 982) vào kinh
đô Inđrapurra (Quảng Nam) trong số người bị bắt đưa về kinh đô Hoa Lư có nhà sư
Thiên Trúc (Ấn Độ), nhà sư này có tiếp tục hành nghề hay không, điều này sử
liệu không ghi chép. Nhưng sự có mặt của chùa Nhất Trụ tại Hoa Lư hay các cuộc
khai quật khảo cổ học tìm thấy hàng trăm cột đá khắc kinh Phật ở Hoa Lư đã cho
thấy các triều đại Đinh - Lê có quan tâm đến Phật giáo. Số lượng các cột đá
khắc kinh Phật nhiều, tập trung vùng kinh đô; có thể kết luận trong lịch sử
kinh đô Hoa Lư là một trung tâm Phật giáo lớn. Nhà sư Thiên Trúc được đưa từ Champa
ra có mối liên hệ gì với Phật giáo ở đây, vấn đề này cho đến nay vẫn bỏ ngỏ
nhưng nội dung các kinh phật khắc trên cột đá mang đậm yếu tố Mật Tông, một yếu
tố đậm trong Phật giáo Champa với trung tâm là Đồng Dương cùng thời đại có mối
quan hệ thế nào vẫn là vấn đề bí ẩn.
Năm
1069, khi đánh vào kinh đô Vijaya (Bình Định) những tù binh bị bắt ra được phân
chia cho bá quan, chùa chiền làm nô bộc. Trong số những người bị bắt, đưa ra
Thăng Long có nhà sư Thảo Đường. Sau khi phát hiện ra tông tích của sư, vua Lý
đã trọng dụng, phong ông là Quốc sư, mời trụ trì chùa Khai Quốc (Thăng Long) và
lập ra thiền phái Thảo Đường mà Lý Thánh Tông trở thành thế hệ thứ nhất. Thiền
phái Thảo Đường truyền được 5 thế hệ trong hoàng tộc, quan lại nhà Lý [51].
Bên cạnh những vị sư đã biết, Phật giáo Việt Nam còn ghi nhận sự có mặt các vị
Thiền sư trong các dòng thiền vào thời kỳ nhà Lý như: Thiền sư Ma Ha (dòng Tỳ
ni đa lưu chi). Thiền sư tên cũ là Ma Ha Ma Da (Mahamaya) tổ tiên người Chiêm
Thành, tự lấy họ Dương. Cha là Bối Da, am hiểu sách lá Bối, giữ chức quan bối
trưởng, dưới triều tiền Lê. Sư là người hiểu biết sâu rộng, giỏi cả chữ Hán và chữ
Phạn” hay Thiền Sư Ngộ Ấn (1019-1088) dòng Vô Ngôn Thông vốn được một nhà sư Chiêm
Thành nuôi dạy thành đạo. “Sư họ Đàm tên Khí quê ở Tư Lý làng Kim Bài. Trong
làng có một nhà Sư họ Đàm người Chiêm Thành lựợm đem về nuôi và đặt tên Khí. Năm
sư lên 10, nhà sư Chiêm Thành cho sư theo học nho, học vấn ngày càng tiến tới. Sư
thông cả hai chữ Hán và Phạn”[52]
Thời
Trần các nhà sư Chiêm Thành mỗi khi có điều kiện lại có mặt ở phía bắc để
truyền bá Phật giáo.Năm 1304 " Sư Du Già nước Chiêm thành sang ta, chỉ ăn
sữa bò" 2 . Như vậy, những nhà Sư Chiêm Thành vào thời Lý- Trần đã có mặt khá đông
đảo trong Phật giáo Việt Nam buổi đầu phục hưng văn hóa dân tộc. Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt,
họ đã có những đóng góp nhất định cho sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam
trong thời kỳ xây dựng bản sắc văn hóa Việt.
Trong lĩnh vực quân sự, những người Chăm khi được đưa ra Bắc có người là
tướng lĩnh, quan sĩ phục vụ trong quân đội Champa, những người có tài năng quân
sự đều được triều đình phong kiến Việt Nam trọng dụng và có đóng góp nhất định
trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Vào cuối thời Lý, khi khủng hoảng chính trị nổ ra, nhiều tập đoàn phong
kiến trỗi dậy tranh giành quyền lực, trong đó nổi lên Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương
Nguyễn Nộn, dưới trướng của ông có vị tướng người Chăm là Phan Ma Lôi. Sau khi
Nguyễn Nộn ốm chết, “Phan Ma Lôi ngầm phóng ngựa chạy trốn, không biết là đi
đâu. Ma Lôi người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài
chủ động đánh thắng và dụng binh như thần” [53].
Cuối thời Trần, các con của Chế Bồng Nga do sự tranh chấp quyền lực chạy
sang quy phụ nước ta được nhà Trần phong tước: Hiệu Chính Hầu và Á Hầu làm quan
trong triều đình như sử sách đã ghi lại.
Thời Hồ, tướng Bố Đông người Chiêm
khi quy hàng còn được ban tên Việt là Kim Trung Liệt, chỉ huy quân Hổ Bôn của
triều đình tham gia cùng tướng lĩnh nhà Hồ kháng chiến chống quân xâm lược Minh.
Hay năm 1397, Chế Đa Biệt cùng với em là Mộ Hoa Tư Ca Diệp đem cả nhà sang hang
Trần Thuận Tông ban tên cho Đa Biệt là Đại Trung, phong làm Kim ngô vệ tướng
quân. Ca Diệp làm Cấm vệ đô, đều ban họ Đinh và cho làm trấn thủ Hóa Châu.
Như vậy, những người Chăm tham gia
quân đội các triều đại đều được ban họ của người Việt, nhận chức tước Việt được
coi như một thành phần trong cộng đồng chung dân tộc. Khi người Chăm được đưa
ra phía Bắc, có thể nói đa phần họ là những tầng lớp ưu tú của người Chăm, họ
mang những thành tựu, bề dày truyền thống hơn nghìn năm xây dựng và phát triển
của văn hóa dân tộc Chăm ra hội nhập vào văn hóa Việt. Những yếu tố lạ, nổi
trội của văn hóa Chăm đã du nhập vào cuộc sống văn hóa cung đình cùng văn hóa
các vùng mà họ cư trú, góp phần, xây dựng làm phong phú thêm bản sắc văn hóa
dân tộc Việt Nam.
Sử cũ ghi lại: tại Thăng Long, vua
Lý "Chế xe Thái Bình lấy vàng trang sức “bồng la nga” (tức cái bành voi
của Chiêm Thành) đóng voi để kéo" 2;
“Dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành” 3, ; năm
1060, lại “Tháng Tám, phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành
sai nhạc công ca hát”; năm 1203, “Sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm
Thành, tiếng trong trẻo ai oán buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt” 4
Một phần những người Chăm bị bắt làm nô, phần chia cho đi ở các địa phương
và trong quá trình sinh sống, họ đã tạo nên nét riêng trong văn hóa các địa
phương mang dấu ấn của văn hóa tộc người. Dựa vào cuốn sách cổ “Bản xã thần ký”
truy tìm trong lịch sử cho thấy nhóm người Chăm được Lý Thánh Tông sau khi
chinh phạt Champa (1044) đã đưa nhóm người này đến vùng ven Thăng Long cư trú
lập ra thôn Đa Da Li (sau được phiên âm là Bà Già). Làng Chăm này
đến thời Trần
khá thịnh đạt, tướng Trần Nhật Duật, một quý tộc nhà Trần, thường đến đây ngao
du “ Nhật
Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn
này hồi Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy
tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Ly sau gọi sai thành " Bà Già”) có khi ba
bốn ngày mới về" [54].
Lược qua những ghi chép trong lịch sử cho thấy, người Chăm ra phía Bắc đã
đưa văn hóa Chăm gia nhập tích cực vào tầng lớp cung đình, góp thêm nét tươi
mới trong văn hóa dân tộc trong buổi đầu giành được độc lập bên cạnh những
truyền thống văn hoá dân tộc được gìn giữ sau nghìn năm đô hộ và phát huy nở rộ
vào thời kỳ được lập tự chủ.
Những người Chăm còn lại được đưa đi cư trú tại các vùng ở đâu và hậu duệ
họ sau này thế nào, cho đến nay chưa thấy cuốn sử nào ghi chép, nhưng những
phát hiện khảo cổ học đã tìm được những “mảnh vụn”dấu vết văn hóa Chăm, có thể
là những nơi cư trú của người Chăm xưa, nơi mà họ sinh sống.
Cuộc khai quật khảo cổ học tại Luy Lâu (Bắc Ninh), một trung tâm chính trị,
kinh tế văn hóa, trị sở của các triều đại phong kiến phương Bắc từ thế kỷ I đến
thế kỷ VII đã tìm thấy những đầu ngói ống có kích thước và trang trí mặt hề giống
hệt đầu ngói Champa tìm được tại Trà Kiệu. Những đầu ngói ống ở Luy Lâu có hình
dáng, kích thước và hoa văn trang trí như cặp “song sinh” với các đầu ngói ống
Champa có liên quan gì đến người Chăm? Phải chăng trong các cuộc chinh phạt
Champa của Đào Hoàng ( thế kỷ V), Lưu Phương ( thế kỷ VII), ngoài chiến lợi
phẩm thu được còn có những thợ thủ công Chăm bị bắt đưa ra vùng Luy Lâu và họ
là những người mang kỹ thuật, họa tiết trang trí theo truyền thống vật liệu xây
dựng Champa chế tác ra những vật liệu xây dựng phục vụ cho việc xây dựng kiến
trúc trên vùng đất trị sở này hay những thợ thủ công Chăm hướng dẫn người dân ở
đây sản xuất theo kỹ thuật của họ. Dù thế nào đi chăng nữa những người Chăm đó
họ đi đâu hay nhưng cuộc hôn nhân Việt - Chăm, những nếp sống ở đây đã đồng hoá
họ và trở thành người Việt?
Ảnh - bản vẽ đầu ngói ống - thế
kỷ V-VI (Luy Lâu, Bắc Ninh)
|
Đầu ngói ống Champa - thế kỷ
V-VI
(Trà Kiệu, Quảng Nam)
|
Tại kinh đô Hoa Lư (Ninh
Bình), nơi được biết là có số lượng người Chăm ra đông nhất sau cuộc chiến 982
cư trú tại đây. Họ đã tham gia xây dựng các công trình kiến trúc và để lại dấu
ấn của nền văn hóa này. Cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy nhiều đầu ngói
ống trang trí cánh hoa, ngói Mũi lá. Có thể so sánh những hiện vật này với ngói
Champa.
Ngói Mũi Lá được sản xuất
và sử dụng khá phổ biến trong các công trình kiến trúc Champa, đặc biệt là vùng
kinh đô cũ Trà Kiệu ( Simhappura), Đồng Dương ( Indrapura) với đặc trưng mũi
ngói nhọn hình tam giác cân, thân hình chữ nhật dài, chuôi ngói uốn vuông với
thân móc vào bộ mái.
Ngói
Mũi lá - thế kỷ VII-IX ( Trà Kiệu)
|
Ngói Mũi lá - thế
kỷ X (Hoa Lư, Ninh Bình)
|
Ngói ở Hoa Lư được sản xuất có hình dạng như
ngói Champa mũi nhọn hình tam giác cân, thân chữ nhật, chuôi có móc uốn vuông
thước thợ dùng móc vào sườn bộ mái. Kích thước ngói tương tự nhau ( dài 20cm -
28cm, bản rộng 8cm - 12cm, dày 1cm - 1,5cm). Sự khác biệt là hai rìa ngói có
gờ, lòng thấp hơn để dễ thoát nước và dày hơn với kỹ thuật nung già cứng.
Với loại hình đầu ngói
ống có mặt khá nhiều trên các trung tâm kinh tế của người Chăm như Trà Kiệu, Đồng Dương (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng
Ngãi), thành Hồ (Phú Yên) có khá nhiều nhiều đề tài trang trí khác nhau, trong
đó có đầu ngói trang trí chấm hình cánh
hoa nổi.
Đầu ngói ống Hoa Lư, thế kỷ X
|
Đầu
ngói ống Champa, thế kỷ IX-X
|
Những đầu ngói ống tìm
được ở Hoa Lư có hình dáng, kích thước tương tự, đặc biệt là hoa tiết cánh hoa
nở đều cân xứng. Nhiều hơn cả là những hiện vật trang trí kiến trúc đất nung
với hoạ tiết trang trí tinh xảo mang kỹ thuật và hoa văn truyền thống đất nung
Champa. Những vật liệu xây dựng này có khả năng được sử dụng bởi những thợ thủ
công người Chăm tham gia sản xuất phục vụ kiến trúc tại kinh đô Hoa Lư. Cùng
với sự có mặt của nhà sư, sự có mặt của những cư dân Chăm ở đây có thể nói Hoa
Lư là một vùng có mặt người Chăm được đưa ra cư trú đông và sớm. Những người
Chăm này có lẽ được đưa về sau cuộc chinh phạt của Lê Hoàn vào kinh đô Champa
năm 982. Số lượng này chắc khá đông đảo, gồm nhiều thành phần cho nên sự ảnh
hưởng khá rộng trên nhiều lĩnh vực như Phật giáo và xây dựng.
Tại Nghệ An, trong cuộc
điều tra khảo cổ học đã phát hiện tượng thần Skanda ( thần chiến tranh) của
người Chăm được thờ trong một ngôi đền cổ phường Hồng Sơn, thành phố Vinh. Tượng
chế tác liền khối phí dưới là bệ đá hình hộp chữ nhật cao 6,6 cm. Phía trên thể
hiện người phụ nữ đứng trên mình chim công. Tượng người cao 17cm, con công phía
dưới cao 21cm. Khối tượng nhỏ gọn, đường nét chi tiết sắc sảo. Người dân địa
phương cho biết, tượng có từ thế kỷ XI ( nhà Lý) trước thờ ở chùa Đà, xã Vinh
Tân, thành phố Vinh sau được đưa về đây. Với kích thước nhỏ gọn, rất có thể đây
là tượng được người Chăm mang theo khi ra đây và lập nên nơi thờ phụng [55]. Điều
này phù hợp với tư liệu nhà Lý đưa dân Chăm đến ở trấn Vĩnh Kháng. Đây vốn là
đất Trấn Vĩnh Khang trong lịch sử.
Kim
cương chùy (VaJra) tại Yên Bái & Champa
|
Tượng thần Skanda
(Champa)
|
Tại Yên Bái, người dân ở
đây khi đào đất đã tìm được một hiện vật Chăm, họ gọi là chùy Kim Cương ( Vijra).
Hiện vật làm bằng chất liệu đồng dài 25cm cấu tạo gồm 3 phần, thân chùy dài
7cm, hai đầu là 5 mấu nhọn uốn cong. Trên thân có trang trí hoa văn [56]. Đây
là vật thiêng của Phật giáo xuất hiện khá nhiều trong văn hóa Chăm. Những hiện
vật này đều có kích thước nhỏ, dễ được người Chăm mang theo khi di chuyển. Phải
chăng đây là dấu tích còn lại của người dân Chăm xa xưa khi có mặt trên vùng
đất này lập nghiệp?. Tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang lưu giữ một phần
trang trí vòm cửa tháp Champa tìm được tại đầm Vạc ( thị xã Phúc Yên). Phần còn
lại thể hiện hình ảnh vị thần Bhrama, một vị thần quen thuộc trong đời sống
tinh thần người Chăm, niên đại vào thế kỷ XII-XIII [57]. Hiện vật đó nói lên có khả năng có
một bộ phận người Chăm được đưa đến đây khai phá khẩn hoang. Đây có thể là một
bộ phận người Chăm được đưa ra thời Lý. Tại nơi cư trú mới, họ dựng đền thờ và
thờ cúng theo phong tục Chăm, sau này, lớp người Chăm hòa đồng thành người Việt…
Trong nhiều năm gần đấy nhiều cuộc khai quật khảo cổ học các công trình kiến
trúc đại danh lam thời Lý, do triều đình nhà Lý đứng ra xây dựng như Tháp Tường
Long ( Hải Phòng), tháp Chương Sơn ( Nam Hà), chùa Đọi Sơn ( Hà Nam), chùa Phật
Tích, chùa Dạm ( Bắc Ninh), nhiều hiện vật thời Lý niên đại thế kỷ XI-XII được
biết đến hay tại đền thờ Bà Tấm ( Dương Xá, Gia Lâm) nơi đây còn giữ một tượng
đầu sư tử thờ Lý. Đầu sư tử này mang nhiều dấu ấn của tượng sư tử Champa.
Tượng sư Tử Champa - Thế
kỷ XII
|
Sư
tử đền Bà Tấm (Hà Nội) - Thế kỷ XII
|
Những tác phẩm điêu khắc
đá được chạm khắc tinh sảo, nhiều tác phẩm mang nội hàm của văn hóa Champa, các
nhà nghiên cứu đã đưa ra ý kiến phải chăng khi xây dựng các công trình kiến
trúc này có nghệ nhân người Chăm tham gia. Sự giống nhau khá đồng điệu về chủ
đề cùng chất liệu, kỹ thuật khắc tạc trên các di tích được nhận thấy và vấn đề
đặt ra phải chăng có các đội điêu khắc đá người Chăm chuyên biệt chuyên đi xây
dựng các công trình của nhà nước, dưới hình thức các “nô” như sử sách ghi chép.
Hay những thợ người Chăm ấy khi xây dựng xong họ có ở lại địa phương có di tích.
Nếu suy luận như vậy, có thể thấy sự có mặt của người Chăm được phân bố trên
địa bàn không gian khá rộng, từ Nghệ An đến Yên Bái, hay đồng bằng Bắc Bộ mà
tập trung nhiều trên đất Bắc Ninh quê hương dựng nghiệp của vương triều Lý. Tại
kinh đô Thăng Long: những cuộc khai quật trước đây tại Quần Ngựa đã tìm được
những tượng Garuda đất nung khá đẹp, một hiện vật mang đặc trưng và nội dung
văn hóa Champa. Cuộc khai quật tại Hoàng Thành gần đây, trong những hiện vật
thu được, đáng chú ý có một viên gạch viết chữ Chăm. Tự dạng và kỹ thuật viết
như những sản phẩm thu được tại các kiến trúc tháp Champa.
Tượng
Garuda - đất nung (Quần Ngựa)
|
Gạch chữ Chăm Thăng Long
|
Bên cạnh đó là các tác
phẩm đất nung những biểu tượng chim Phượng thời Lý còn nhận thấy hình ảnh ngỗng
thần Hamsa hay những đầu tượng rồng bằng đất nung mang hình dáng giống các con
thuỷ quái Makara, những hoa văn cúc dây vòng xoắn thời Lý mang hoạ tiết của
nghệ thuật Champa [58]. Dù
ít ỏi nhưng đây là tài liệu cho thấy sự có mặt của người Chăm ở kinh thành
Thăng Long.
Tượng thờ Thiên Yana (Phú Thượng)
|
Tượng thờ Thiên Yana Po Nagar
|
Ngoài thành Thăng Long xưa tìm lại về thôn Bà Già trong lịch sử ( nay là
địa bàn xã Phú Thượng, Tây Hồ), trong đình thờ còn bức tượng thờ Thiên Yana hay
những tượng Phỗng Chàm. Ngoài những di tích trên, những kiến trúc sau này như
các bệ đá thời Trần, Lê vẫn còn phảng phất những họa tiết hoa văn mang đậm dấu
ấn phong cách mỹ thuật Champa. Đó là những chim thần Garuda được khắc tạc trên
kiến trúc gỗ, trên góc các bệ đá. Trên vùng núi xa xôi phía Bắc, các cuộc khai
quật khảo cổ học tại chùa Nậm Dầu ( Hà Giang) có niên đại vào thế kỷ XIII-XIV
trong những hiện vật trang trí kiến trúc đất nung tìm được có những hiện vật
được chế tác tương tự như những mặt Kala đất nung thuộc văn hoá Champa. Phải
chăng trên vùng núi này cũng có mặt những cư dân Chăm được đưa lên đây sinh
sống?
Mặt Hổ Phù (chùa Nậm Dầu - Hà Giang)
|
Mặt KaLa (Champa)
|
Những biểu tượng trong
văn hoá Champa còn được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm điêu khắc thời Trần
như trên các bệ đá hoa sen chùa Thầy, chùa Bối Khê ( Hà Tây cũ), chùa Hoa Long
( Thanh Hóa)... Mà sau này khi nghiên cứu, có nhà khảo cổ đã viết “những tượng
Garuda ào ạt bay vào trang trí những bệ đá thời Trần” [59].
Garuda trang trí góc bệ thờ chùa Nam Sơn (Thanh Hoá)
Cuộc di dân rầm rộ cuối
cùng vào cuối thế kỷ XV, khi sáp nhập vùng đất Vijaya, nhà Lê đưa những người
Chăm một phần về Thăng Long và chủ yếu đưa về vùng đất Thanh Hoá. Tại Thanh Hoá
những nhóm người Chăm được phân bố sống xen các tộc người khác ( Việt - Mường),
dấu ấn của họ đã để lại trên các tác phẩm điêu khắc ở đây. Những biểu tượng
trong văn hoá Champa gia nhập vào các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng như các chùa,
đền tín ngưỡng trong vùng cùng những tín ngưỡng, nếp sống sinh hoạt khác tạo
nên bản sắc văn hoá vùng rõ nét.
Giếng nước hình vuông Chăm
tháp Khương Mỹ (Quảng Nam)
|
Giếng nước hình vuông Chăm
(Tuy Hòa - Phú Yên)
|
Trong lĩnh vực đời sống,
các cuộc khảo sát cũng thấy nhiều công trình dân sinh cũng mang dấu ấn người
Chăm, như các giếng nước có khẩu giếng hình vuông có mặt tại nhiều nơi từ Hà
Tĩnh, Thanh Hóa đến ngoại thành Hà Nội ( Hà Tây cũ) như tại Song Phượng ( Đan
Phượng, Hà Nội), Yên Sở, Đắc Sở ( Hoài Đức, Hà Nội), Làng Viềng ( Bắc Ninh)... Đây
là những giếng nước được đào xây theo kỹ thuật truyền thống giếng vuông Champa
có mặt trên khắp dải đất miền Trung trên địa bàn cư trú của người Chăm.
Sự có mặt của các giếng
trên những vùng đất được đào xây theo kỹ thuật Champa phải chăng đây là địa bàn
trước kia có người Chăm sinh sống. Theo tài liệu điều tra dân tộc học, nhiều
vùng ở ngoại thành Hà Nội ngày nay được truyền lại là những vùng cư trú của
người Chăm. Các triều đại Lý - Trần - Lê khi đưa người Chăm ra Bắc đã chọn các
vùng đất hoang vu trũng thấp, các đồi gò thành lập các sở khai phá khẩn hoang
lập làng.
Giếng vuông ( Làng Diềm, Bắc Ninh)
|
Giếng vuông ( Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)
|
Các địa danh như Yên Sở
gồm: sở Thượng, sở Hạ ( Thanh Trì, Hà Nội), Yên Sở ( Hoài Đức, Hà Nội), sở Hoa
Lâm ( Long Biên, Hà Nội), Phú Thượng
( Từ Liêm, Hà Nội) vốn cũ là các sở do
người Chăm khai phá dựng nên. Tài liệu địa chí một số làng khẳng định, nhiều
làng được hình thành nhờ công sức khai phá của người Chăm. Cuốn sách chép tay “
Lư sử điển yếu điển lệ”của làng Tả Thanh Oai tương truyền do Ngô Thì Nhậm soạn
năm 1794 cho biết làng Thượng Phúc bên cạnh được hình thành vào giữa thế kỷ XV,
do một bộ phận người Chăm bị đưa về đây khai khẩn vùng đất trũng. Nhiều làng
cho đến nay như làng Khương Hạ ( Thanh Xuân, Hà Nội) trước đây có xóm cư dân
gọi là xóm Chàm. Các nguồn tài liệu cho biết, đây là nơi tập trung người Chăm
từ thời chinh phạt của Lê Thánh Tông ( 1471). Chiếc cổng xóm xưa kia còn ghi
chữ “ Xóm Đức Long Chàm”. Làng Cổ Sở ( nay là các xã Yên Sở, Đắc Sở, huyện Hoài
Đức) cũng là nơi truyền lại là sở, làng cũ của người Chăm. Xưa kia làng có 73
giếng nước được xây dựng theo kỹ thuật khai thác nước ngầm Champa.
Ngay tại ven hồ Tây theo ghi chép cho biết xưa
kia có ngôi chùa Bà Đanh thờ các tượng thần của người Chăm “ được xây dựng từ
đời Hống Đức nhà Lê để cho dòng dõi Lâm Ấp ở ( Tống gọi là Chiêm Thành, tục ta
gọi là Xiêm?). Đời Hậu Lê đã phá bỏ” [60]. Theo
sách Tây Hồ chí, Chùa Bà Đanh được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông
đã cho xây dựng một thiền viện ( vừa là chùa, vừa là trung tâm nghiên cứu) ở gò
Phượng Chủy bên bờ Nam hồ Tây để cho người Chăm hành đạo gọi là thiền viện Châu
Lâm. Chùa được xây dựng ở vị trí gần trường Chu Văn An ngày nay, nhân dân trong
vùng quen gọi là chùa Bà Đanh vì gắn liền với tên của vị sư có mặt ngay từ buổi
đầu xây dựng và xây cất chùa. Vì chùa xây dựng theo quy mô kiến trúc và văn
hóa, tín ngưỡng của người Chăm, phục vụ nhu cầu hành đạo của người Chăm nên từ
khi xây dựng xong, chùa chỉ có người Chăm lui tới lễ bái. Khi những người Chăm
di chuyển đến nhiều khu vực khác sinh sống và không lui tới chùa lễ bái nữa thì
chùa trở nên hoang phế. Do đó, dân gian mới có câu ví von: “ Vắng như chùa Bà
Đanh”. Trong chùa hiện còn lưu tấm bia ghi tên Bà Đanh và vị sư Tổ có công trụ
trì chùa.
Theo thần tích chùa Thiên Niên thuộc
làng Trích Sài, khu vực Bưởi ven Hồ Tây kể lại về sự tích " bà chúa dệt
lĩnh”. Thời Lê Thánh Tông vua đi đánh Chiêm Thành thắng trận, được vua Chiêm
hiến con gái đẹp, trong đó có một cô, về sau có tên Việt là Phan Thị Ngọc Đô. Vua
rất yêu mến Ngọc Đô muốn giữ cô trong cung, nhưng triều đình tâu là không nên,
vì Ngọc Đô là tỳ thiếp cũ của vua Chiêm. Vua ban cho Ngọc Đô trở về làng Trích
Sài, ở đấy cảnh trí đẹp, lại có khoảng rộng hơn 76 mẫu thuộc các xã Cáo Đỉnh,
Phú Gia được triều đình cắt cho làm đất hoa lợi, gọi là Thiên Niên trang. Xưa
từ Chiêm Thành ra Bắc, Ngọc Đô có mang theo 24 thị tỳ. Ngọc Đô nhập tịch dân Trích
Sài và qua tay thị tỳ đem nghề dệt lĩnh Chiêm Thành truyền cho nhân dân trong
vùng... Nhân dân Trích Sài nhớ ơn bà, lập miếu thờ bà chúa dệt lĩnh... Chùa
Thiên Niên trải thời gian binh lửa bị đổ nát. Thời Mạc có quan Thái bảo Đà Quốc
công Mạc Ngọc Liễn đã đứng ra tu sửa. Cúng 5 mẫu ruộng. Đến năm Vĩnh Thịnh thứ
5 ( 1709) lại tu sửa lớn lập bia... Nay chùa còn bài vị của bà chúa dệt lĩnh...”
[61]
Đặc biệt là Bà Già ( Phú Thượng, Từ Liêm) được
lịch sử ghi chép có mặt từ
thời Trần thì ngày nay bên cạnh thờ cúng những di vật có nguồn gốc văn hóa
Champa còn giữ lại nhiều tâp quán như kiêng ăn thịt bò - một phong tục kiêng cữ
của người Chăm theo theo Ba La Môn giáo.
Người dân ở đây xây miếu thờ “thần bò”, không ăn thịt bò, không cúng giỗ, lễ
bằng thịt bò. Từ đó, người làng Võng La nghe theo lời phát thệ, trong làng
không có bóng dáng một con bò nào, không nuôi bò, không ăn thịt bò hay nấu món
thịt bò để cúng giỗ chạp và cũng tránh nhắc đến từ “ bò”vì sợ phạm húy. Phong
tục này hiện vẫn còn được giữ gìn trong một cố cộng đồng người Chăm ở Ninh - Bình
Thuận [62].
Nhiều ý kiến còn cho rằng, những công trình kiến trúc xây bằng vật liệu đá
ong hiện diện tại các vùng Ba Vì, Quốc Oai, Sơn Tây, Hoài Đức mà nổi bật là
làng Đường Lâm ( Sơn Tây) được kế thừa từ nguồn gốc khai thác đá ong tự nhiên
của người Chăm phục vụ cho xây dựng [63]. Hay
những vùng trồng dừa nhiều ở nước ta như Cát Quế ( Hoài Đức, Hà Nội) hay Hoằng
Hóa ( Thanh Hóa) là những nơi cư trú của người Chăm. Khi bị đưa ra Bắc sinh
sống họ đã mang theo những quả dừa để trồng ở nơi cư trú mới. Những cây dừa để
nhắc nhở họ không quên nguồn gốc mình ra đi từ thị tộc Dừa. Nhiều dấu ấn văn
hoá phi vật thể hiện còn được gìn giữ đến ngày nay trên những vùng đất người
Chăm cư trú trong lịch sử. Dọc dòng sông Mã ( Thanh Hoá) ngày nay vẫn gìn giữ
những điệu hò đò Dọc mênh mang sông nước ra biển cả phải chăng có nguồn gốc từ
văn hoá Chăm theo người Chăm ra đây sinh sống đến nay vẫn được bảo lưu?
Những thống kê trên chưa đầy đủ nhưng
đã cho thấy người Chăm được đưa ra phía Bắc có mặt ở nhiều nơi. Từ chốn xa xôi
miền biển, miền núi đến chốn kinh kỳ, nghệ thuật của người Chăm có mặt trong
các công trình kiến trúc cung đình đến các công trình tôn giáo, các công trình
dân sinh. Dấu ấn ở khắp nơi, nhưng chủ nhân hầu như biến mất. Chưa ai tìm thấy
người Chăm trên vùng đất xứ Bắc xưa. Vậy họ đi đâu hay hậu duệ của họ là ai. Thật
khó thể trả lời, những ghi chép sử liệu và những tài liệu dân tộc học manh nha
phần nào giải thích hiện tượng đó. Việc người Chăm dời địa bàn cư trú, canh tác
quen thuộc lấy biển và núi làm tư liệu sản xuất chính nay đến vùng cư trú mới
lấy địa bàn đồng bằng làm nơi sinh sống, họ đã thích nghi như thế nào. Có thể
chia người Chăm ra xứ Bắc thành hai nhóm:
- Nhóm tầng lớp trên: quan lại, thầy Tăng, thương nhân, thợ thủ công, cung
nữ, họ được tiếp nhận, tham gia các hoạt động chính tại các trung tâm văn hóa
kinh tế của người Việt. Nhiều người họ được triều đình ban cho tên Việt, họ
Việt, họ tham gia quân đội, thợ thủ công nhà nước, xây dựng các kiến trúc do
triều đình đứng ra hưng công với thân phận “nô”, hay thành những tầng lớp tôn
giáo trên dần dần họ hòa nhập và trở thành Việt.
- Nhóm bình dân gồm binh lính,
thường dân họ được đưa đi các vùng khai phá tự nhiên dựng nên các Sở, làng Chăm
sống xen cư cùng người Việt. Trong môi trường rộng lớn, thấm đẫm văn hóa Việt,
cộng đồng người Chăm quá ít ỏi, mặc dù mang truyền thống văn hóa nghìn năm
nhưng để thích nghi, người Chăm từng bước hòa nhập vào môi trường văn hóa của
cộng đồng người Việt một cách hòa bình, tự nguyện. Giai đoạn đầu những phong
tục, tập quán, văn hóa Chăm còn bảo lưu. Những năm tiếp theo, họ tiếp thu
chuyển biến dần theo lối sống Việt cho phù hợp với điều kiện xã hội và hoạt
động kinh tế. Đặc biệt hơn, trong quá trình sinh sống lâu dài đó, sự hòa huyết
giữa người Chăm và Việt qua việc lấy vợ lấy chồng, đã hội nhập hai tộc người
này làm một. Họ đã dần chính thức trở thành người Việt trong những thế hệ sau,
có chăng chỉ còn lại một số phong tục , tín ngưỡng của người Chăm xưa còn bảo
lưu lại. Khảo sát tại thôn Bà Già xưa cho biết, nhiều người Chăm sinh sống tại
đây họ đã đổi họ Chăm thành họ Việt như: họ Ông đổi thành họ Công, họ Bố đổi
thành họ Hy. Bên cạnh những đổi thay đó nhiều dòng họ người Chăm dù sinh sống
trên đất Bắc đã lâu truyền đời qua nhiều thế hệ họ vẫn giữ được các họ Phạm,
Bố, Ông... cho đến ngày nay. Hiện tượng này cũng diễn ra trên nhiều vùng khác,
có chăng chỉ để lại dấu vết như những rặng dừa tươi tốt xanh ngắt tỏa bóng một
vùng đất và những giọng nói mang âm tiết dài hơi nặng, kéo dài âm đuôi, hay mất
dấu huyền, dấu hỏi khi nói như dân các vùng Cát Quế ( Hoài Đức), Ba Vì ( Hà
Nội). Hoặc những làn điệu dân ca mượt mà của hát Quan họ hay giọng ru Hời xa
xôi mà nhiều người cho rằng có nguồn gốc âm tiết hát ru của người Chăm?
Như vậy, người Chăm trong quá trình chuyển cư ra Bắc, một phần người Chăm
đã hội nhập và dần từng bước Việt hóa và trở thành người Việt một cách tự nhiên
theo năm tháng. Cho đến nay, nếu tính những người Chăm có mặt trên đất Bắc đầu
tiên có khả năng là tù binh thế kỷ V-VII để dấu ấn tại Luy Lâu và những người
Chăm có mặt cuối cùng vào thế kỷ XV sau cuộc sáp nhập của Lê Thánh Tông tạo nên
Quảng Nam thừa tuyên thì người Chăm ít nhất có trên 500 hội nhập và nhiều nhất
đến trên 1.000 năm, những người Chăm đó Việt hóa là điều tất nhiên. Dư âm để
lại chỉ là những dấu ấn một thời xa lắm, còn chủ nhân cho đến nay không còn
nhận ra hoặc chỉ còn trong ký ức. Sau thế kỷ XV, đặc biệt sau năm 1600 do điều
kiện lịch sử với sự ngăn cách và quyền quản lý của hai xứ Đàng Ngoài và Đàng
Trong thì con đường hội nhập người Chăm ra xứ Bắc hầu như chấm dứt.
3. Người Chăm ở lại trong quá
trình hội nhập dân tộc.
Nếu chúng ta chấp nhận con số người Chăm cao nhất trong lịch sử đã tính
toán có khoảng trên dưới 1 triệu người thì số lượng người Chăm đi ra Bắc không
nhiều, con số chỉ khoảng từ 1 đến 3 vạn mà thôi, còn số lượng người Chăm ở lại
miền đất của họ là chủ yếu. Họ là ai, khi ngày nay trên dải đất Trung Bộ, dân
số trên 20 triệu người mà cộng đồng người Chăm chỉ còn khoảng chưa đến 20 vạn
người với tỷ lệ 1% dân số, sinh sống chủ yếu tập trung trên hai địa bàn tỉnh
Ninh Thuận và Bình Thuận cùng những cộng đồng nhỏ sống xen cư với cộng đồng
người Việt hiện nay. Để xem xét hiện tượng này, chúng ta hãy thử tìm về quá
trình hội nhập lãnh thổ của dân tộc Chăm.
Thế kỷ X, sau gần 1.000 năm chịu sự thống trị, đồng hóa của các triều đại
phong kiến Trung Hoa, người Việt giành được độc lập “ nối lại nghiệp xưa họ
Hùng” [64]. Kế
thừa truyền thống văn hóa dân tộc cội nguồn từ văn hóa Đông Sơn, người Việt đã
xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ ngày càng vững mạnh. Trước một đế chế
phong kiến phương Bắc hùng mạnh, khát khao bành trướng chiếm đất, người Việt
luôn tìm cách mở cõi xuống phương Nam, hội nhập lãnh thổ để tăng cường tiềm lực
bảo vệ nền độc lập. Xu hướng thống nhất lãnh thổ là tất yếu và là nguyện vọng
của hai tộc người Việt - Chăm. Chính vì thế, bằng các con đường, đấu tranh
ngoại giao, hôn nhân hòa bình hay sức mạnh quân sự, hai tộc người dần hội nhập
với nhau tạo nên diện mạo lãnh thổ dân tộc thống nhất. Quá trình hội nhập ấy
đầy gian nan vất vả, kéo dài gần nghìn năm theo chiều dài lịch sử kể từ những
năm đầu phục hưng dân tộc.
Dựa trên mối giao lưu quan hệ truyền thống có từ thời xa xưa, ngay sau khi
giành được độc lập tự chủ, người Việt đã chủ động từng bước mở cõi xuống phương
Nam. Năm 982, Lê Hoàn đưa quân vào đất người Chăm quản lý. Viên Quản giáp người
Việt Lưu Kế Tông đã “ trốn” ở lại tự làm vua Champa. Sự việc bất thành. Lưu Kế
Tông bị giết chết. Người Chăm vẫn quản lý vùng đất [65] .
Sự hội nhập lãnh thổ được diễn ra
khá thường xuyên dưới các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập dẫn
đến sự mở rộng địa bàn cư trú sang phần lãnh thổ của người Chăm từng cư trú lâu
dài và họ dần trở thành công dân của triều đình Đại Việt. Theo biên niên sử liệu
ghi chép có thể thấy 5 lần mở rộng lãnh thổ của các triều đại trong suốt gần
một nghìn năm hội nhập (1069-1693)
a. Sự hội nhập lãnh thổ đầu tiên vào
thời Lý (1009-1225)
Sử liệu ghi chép: Năm 1069, “ Vua
thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn
người... Chế Củ xin dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua
bằng lòng tha cho Chế Củ về nước...” [66].
Lần đầu tiên sau khi giành được độc lập một phần đất phía Nam được hòa nhập
vào lãnh thổ Đại Việt. Đây là sự sáp nhập tự nguyện, trao đổi có điều kiện. Để
củng cố quyền quản lý lãnh thổ, năm 1075, cùng với việc sai Lý Thường Kiệt tổng
lĩnh các quân đi đánh Chiêm Thành “... Thường Kiệt bèn họa địa đồ hình thế núi
sông của ba châu Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh rồi về. Đổi châu Địa Lý làm châu Lâm
Bình, châu Ma Linh là châu Minh Linh, chiêu mộ dân chúng đến đấy ở” [67]. Như
vậy, chính thức từ năm 1075, một phần đất phía Nam đã sáp nhập vào lãnh thổ dân
tộc trên địa đồ và mang tên đơn vị hành chính Việt. Theo các nhà nghiên cứu địa
danh cổ, phần đất này, theo địa danh ngày nay, bao gồm tỉnh Quảng Bình và một
phần tỉnh Quảng Trị, có thể đến bờ Bắc sông Thạch Hãn ngày nay.
Sự sáp nhập lãnh thổ này là tự
nguyện, có tính trao đổi, mang tính chất giữa hai triều đình quản lý đất nước,
còn những người dân Chăm ở đây ra sao? Có hai giả thiết, một bộ phận người Chăm
là quan lại, những tầng lớp trên họ sẽ ra đi về miền đất còn lại do người Chăm
quản lý, còn đại bộ phận người dân vẫn còn ở lại dưới sự quản lý của chính
quyền Đại Việt. Có lẽ sau khi họa địa đồ, hình thế núi sông, nhận thấy cư dân
còn thưa thớt, nhà Lý mới dùng chính sách chiêu mộ dân chúng đến đấy ở.
Theo một tài liệu gần đây cho biết, số dân ở Quảng Bình đầu thế kỷ XX có
223.264 người, bình quân có 28 người trên 1 km2, thị xã Đồng Hới
không đến 3.000 dân kể cả các vùng ngoại ô [68]. Như
vậy, số dân ngày đó cách đây khoảng 1.000 năm hẳn còn thưa thớt hơn nhiều. Số
người Chăm ngày ấy ở lại cho đến nay cũng hầu như không thấy. Họ đã hòa nhập
vào cộng đồng người Việt và thành người Việt. Đó đây trên địa bàn tỉnh Quảng
Bình chỉ còn dấu vết các kiến trúc Champa do người Chăm xưa để lại như: Lũy cũ Hoàn
Vương, Lâm Ấp thế lũy, phế tích tháp Trung Quán, Đại Hữu hay những giếng vuông, tượng Chăm mà người Việt còn gìn
giữ cho đến ngày nay. Khảo sát các di tích hiện còn trên địa bàn tỉnh Quảng
Bình, Quảng Trị, trong các làng cổ trên địa bàn hiện vẫn duy trì sử dụng hàng
loạt các giếng vuông khai thác nước của người Chăm. Những giếng nước này do
người Chăm ở lại tiếp tục sử dụng khi người Việt vào đây cư trú sử dụng kế thừa.
Cư dân ở đây hiện nay ở đây không còn ai tự nhận mình là người Chăm, trong khi
đó, sử liệu ghi sự di dân vào là thưa thớt mà đa phần dân Chăm vẫn ở lại. Gần
nghìn năm qua đi, phải chăng bằng những nẻo đường khác nhau: hoà huyết Việt -
Chăm qua hôn nhân, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhau mà phần nổi trội là văn
hoá Việt, sự can thiệp chính sách của các cấp chính quyền người Việt qua các
thời đại mà những người Chăm ở đây hoàn toàn trở thành một “ bộ phận địa phương”của
tộc người Việt?. Giọng nói và ngôn từ địa phương hiện nay phải chăng có nguồn
gốc từ người Chăm nói tiếng Việt?
Phế tích tháp Đại Hữu - Quảng Bình
|
Phế tích tháp Vân Tập - Quảng Bình
|
b. Cuộc hội nhập lãnh thổ lần thứ hai vào thời Trần (1226-1398)
Hơn hai thế kỷ sau với “chính sách thân dân, thân láng
giềng” cùng mối bang giao khăng khít của hai tộc người Việt - Chăm, trước mối
hiểm hoạ xâm lăng từ phương Bắc, hai dân tộc Việt - Chăm đã sát cánh
cùng nhau chống sự xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông xuống vùng Đông Nam Á. Trong
cuộc chiến tranh này để bảo vệ nền độc lập của Champa, nhà Trần đã chi viện một
đạo quân gần 2 vạn người cùng 500 chiến thuyền cùng người Chăm chống quân xâm
lược [69].
Cuộc kháng chiến thắng lợi “ tháng Ba ( năm 1301) Thượng hoàng ( Trần Nhân
Tông) vân du các nơi, sang Chiêm Thành” [70]
hứa gả con gái cho vua Chiêm “Tháng Hai ( năm 1305) Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài
và bộ đảng hơn trăm người dâng biếu vàng bạc, hương quý vật lạ làm lễ vật cầu
hôn” 3, “ Mùa hạ, tháng Sáu, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm
Thành Chế Mân” 4. Ngoài vàng bạc làm lễ cầu hôn, vua Chiêm còn dâng
đất 2 châu Ô, Lý làm đồ sính lễ. Nhà Trần tiếp thu vùng đất mới vào lãnh thổ
Đại Việt “ Mùa xuân, tháng giêng
( năm
1307), đổi hai châu Ô, Lý thành Châu Thuận và Châu Hoá. Sai hành khiển Đoàn Nhữ
Hài đến vỗ yên dân hai châu đó... Vua
sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý ( của nhà vua) chọn người trong bọn họ trao cho
quan tước, lại cấp ruộng đất miễn tô thuế 3 năm để vỗ về”5 . Như
vậy, một vùng đất khá rộng lớn phía Bắc Champa sáp nhập
vào lãnh thổ hành chính dân tộc của Đại Việt tự nguyện, bằng quan hệ hoà bình,
cư dân Chăm ở đây trở thành một bộ phận trong cộng đồng cư dân chung của dân
tộc Đại Việt. Vùng
đất mới này bao gồm địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một phần đất
Quảng Nam ngày nay.
Giếng vuông người Chăm
(Quảng Phú - Quảng Bình)
|
Giếng vuông người Chăm
(Quảng Phong - Quảng Bình)
|
Theo
sách Ô châu cận lục, viết vào thế kỷ XVI, Hóa Châu còn 66 xã Nam đèo Hải Vân
thuộc huyện Điện Bàn ( Quảng Nam) ngày nay tức là đến bờ Bắc sông Thu Bồn. Vùng
đất có may mắn trở thành món quà sinh lễ của vua
Champa dâng cưới công chúa Huyền Trân đã gia nhập hoà bình vào cộng đồng lãnh
thổ Đại Việt. Những người Chăm sinh sống trên vùng đất có hai sự lựa
chọn, hoặc là chuyển dịch về Nam vùng đất người Chăm quản lý
hoặc ở lại sinh sống dưới chính quyền quản lý mới của Đại Việt. Sự sáp
nhập lãnh thổ lần đầu, chắc gặp nhiều khó khăn " những người ở các thôn La
Thủy,Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo" [71]
, nhưng bằng nhiều chính sách nhà Trần đã từng bước quản lý vững chắc
vùng đất " sai hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó" 2.
Để xây dựng vùng đất ổn định lâu dài, chính quyền Đại Việt khuyến khích dân
Việt vào vùng đất mới khẩn hoang sinh sống cùng với người Chăm. Năm 1362, “ mùa
hạ, tháng Tư sai Đỗ Tử Bình duyệt bổ quân ở Lâm Bình, Thuận Hoá và đắp thành
Hoá Châu”3. Chính sự hội nhập hòa bình này dẫn đến số người Chăm ở
lại khá đông, nhà Trần đã chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, một bộ
phận quan lại người Chăm đã trở thành quan lại của chính quyền Đại Việt đối với
người dân ở lại thì cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về, ổn định cuộc
sống. Họ đã trở thành thần dân nước Việt. Chính điều kiện này đã tạo cho số
người Chăm ở lại khá đông. Cùng với sự di dân vào vùng đất mới của người Việt, đầu
thế kỷ XV, phủ Thuận Hoá đã có 2 châu 11
huyện gồm 79 xã với 1.470 gia đình gồm 5.663 người cùng ruộng đất là 71 khoảnh 4
Cho đến
nay khi khảo sát cư dân vùng đất, bên cạnh những cộng đồng người Việt ở Thừa
Thiên - Huế vẫn tồn tại những nhóm người Chăm như làng Vân Thê với khoảng 200
người dân họ vẫn mang phong tục tập quán của người Chăm nhưng đã có yếu tố giao
thoa với văn hóa Việt. Bên cạnh đó vẫn có nhiều người Chăm sống chung với người
Việt trong các điểm quần cư làng xóm. Điều kiện sống và cách sống của họ không
khác người Việt, có chăng họ chỉ mang các họ người Chăm như Chế, Ông, Trà, Bố. Ngược
lại ở Thừa Thiên Huế, ở một số địa phương vùng Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang...
người dân Việt ở đây hằng năm vẫn giữ tục thờ cúng chủ đất. Họ cúng chủ đất cũ
là người Chăm đã đi, để lại đất cho họ khi họ vào vùng đất lạ định cư. Phải
chăng những làng không có tục cúng chủ đất cũ chính là người Chăm đã Việt hóa? Họ
ở chính nơi mảnh đất của cha ông họ thì sao phải cúng chủ cũ, hay đó là bộ phận
cư dân Việt có nguồn gốc từ phía bắc đi vào.
Những
người Chăm ở lại họ đã ứng xử như thế nào?
Trước hết, những người Chăm khi cộng cư vào lãnh thổ dân tộc chung đã có truyền thống văn hoá, sinh hoạt kinh tế hàng nghìn năm, kinh nghiệm đó đã góp sức
vào xây dựng miền đất ngày càng phát triển. Những người Việt vào mở mang khai
phá vùng đất mới, quản lý lãnh thổ có thể có mặt rất sớm trước khi vùng đất hoà
nhập vào lãnh thổ chung hoặc hoà nhập vào giai đoạn sau. Bên cạnh hành trang vào sống
vùng đất mới họ mang theo kinh nghiệm hoạt động kinh tế, nền văn hoá, tôn giáo
của dân tộc mình hàng nghìn năm vào tạo dựng vùng đất mới. Cùng sinh sống trên dải đất,
sống xen cư nhau, hai dân tộc tiếp thu các yếu tố hoạt động kinh tế, văn hoá
tôn giáo của nhau, từ đó chắt lọc ra xây dựng nên bản sắc văn hoá của mình làm
phong phú thêm sự đa dạng của nền văn hoá dân tộc. Bên cạnh đó phải kể đến
chính sách phù hợp, ổn
định của nhà nước quân chủ phong kiến. Khi tiếp thu quản lý vùng đất mới, nhà Trần có những chính
sách mềm dẻo với cộng đồng cư dân Chăm ở đây “...chọn người trong bọn họ
trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất miễn tô thuế 3 năm để vỗ về”[72]
yên dân. Sử liệu cho biết, năm 1397, nhà Trần còn phong cho Chế Bà Điệt là một viên quan người Chăm
làm trấn thủ Hoá Châu, được đổi tên là Đinh Đại Trung, phong chức Kim ngô vệ
tướng quân chỉ huy quân dân vùng châu Hoá.
Một vùng đất được sáp nhập vào
lãnh thổ chung trong điều kiện hoà bình, hai tộc người có những mối quan hệ gần
gũi nhau cùng những chính sách phù hợp đã tạo điều kiện để hai dân tộc, hai nền
văn hoá hoà quyện nhau cùng nhau phát triển góp phần vào nền văn hoá chung dân
tộc. Bên cạnh văn hóa
truyền thống của mình, người Chăm tiếp thu những yếu tố văn hóa mới của người
Việt, chung sống với nhau trên dải đất bằng các mối quan hệ giao lưu, hôn nhân
hòa huyết lẫn nhau đã tạo nên tầng lớp cư dân mới Việt - Chăm rồi Việt hóa. Người Việt
và người Chăm sinh sống hòa đồng ở đây tạo nên một vùng văn hóa riêng. "
Ma chay thì mau chôn cất, chẳng bày vẽ sớm chiều mà thờ cúng cha mẹ; tế lễ thì
chuộng đàn chay, chẳng dốc của cải muôn vàn để tỏ lòng kính Phật. Đưa ma thì
múa hát trước linh cữu gọi là " tiền vong". Đến như hội đình làng thì
sáng mở chiều tan, để dành năm tới; đám múa hát thì canh giờ thúc trống, chỉ
vui một đêm." [73]. Cùng
với phong tục Việt “ Ngày xuân mở hội bơi chải, phấp phới lụa là, tiết hạ bày
tiệc tàng quy tưng bừng hát múa...” 2 thì “Người La Giang nói tiếng Chiêm, gái Thuỷ Bạn mặc
áo Chiêm” 3 là nét đặc trưng riêng ở vùng đất mới, rồi hoà nhau “Đàn
bà mặc váy Chiêm, đàn ông dùng quạt Bắc” 4 . Theo một số nhà nghiên
cứu, người Chăm có truyền thống phương thức sản xuất làm vườn, trồng cây quanh
nhà, kinh tế làm vườn trồng cây có củ, rau, cây ăn quả là chủ yếu, phù hợp với
địa hình khí hậu địa phương. Khi người Việt vào sinh sống mang theo truyền
thống văn minh lúa nước, để phù hợp với vùng đất mới, họ đã học theo truyền
thống canh tác của người Chăm. Những tên gọi như hạt Mè ( Hồ ma), hạt Ngò ( Hồ
ly), dưa chuột ( Hồ qua)... vốn có nguồn gốc từ cư dân Chăm lưu lại. Trong
những công cụ canh tác nông nghiệp trên vùng đất đai nhiều cỏ rậm, khô hạn khó
cày, “ Để cày được dễ, người Việt bắt chước những chiếc cày của người Chăm, nó
khoẻ hơn; đặc biệt phần lưỡi cày và có thêm bộ phận chỉnh góc. Các bộ phận của
loại cày mới theo mẫu cày Chăm lấy cả tên Chăm, trong khi các bộ phận có thêm
chức năng lại mang tên Việt" [74]. “
Cày buộc tai Trâu, lưỡi cày ở giữa, bừa tựa tấm phản, người đứng ở trên ...” [75]. Đó
là truyền thống kỹ thuật của người Chăm được người Việt kế thừa, cải tiến sử
dụng trong sản xuất. Một số người còn cho rằng: “ Kỹ thuật đóng thuyền nói
chung do người Việt mượn của người Chăm” [76]. Trong
phong tục, ngôn ngữ ảnh hưởng của người Chăm khá phổ biến. Bên cạnh " Ngôn ngữ giống vùng châu
Hoan" 4 thì sự hồn dung
lối sống " Nói tiếng châu Hóa mặc áo Chiêm" 5 được người
Việt vẫn duy trì trong đời sống văn hoá của mình. Như vậy trên vùng đất hội
nhập, người Chăm ở lại nhiều, ổn định, họ vẫn giữ được những nét truyền thống
văn hóa, qua thời gian hội nhập với văn hóa Việt, hòa với nhau tạo nên nét văn
hóa vùng khá đặc trưng mà văn hóa Huế sau này còn lưu lại. Đặc biệt hơn là việc
tạo ra tiếng nói châu Hóa giống ngôn ngữ vùng châu Hoan như sử cũ ghi lại. Một
số nhà nghiên cứu còn cho rằng, hơi Ai, hơi Oán, hơi Xuân trong ca Huế chịu ảnh
hưởng của âm nhạc Chăm 6.
Những người Chăm ở lại có
lẽ khá đông, những dấu tích văn hoá Champa ở đây còn lại khá dày đặc, nhiều
loại hình: thành cổ ( Hoá Châu, Thành Lồi), kiến trúc tháp như Mỹ Khánh, Linh
Thái, Liêu Cốc... Hệ thống các phế tích gồm 33 địa điểm như Vân Trạch Hoà, Ưu
Điềm, Phước Tích, Lương Hậu vv... cùng các tác phẩm điêu khắc đồ gốm sứ vô cùng
phong phú. Đặc biệt ở đây còn gìn giữ được đi tích đền thờ Quốc Vương Chiêm
Thành ( Thuỷ Biều, Huế) là nơi thờ cúng các vua Champa thuở trước. Những di
tích, di vật này được các chủ nhân người Chăm gìn giữ bảo quản song hành cùng
các di tích văn hoá Việt đã hình thành nên một vùng văn hoá đặc sắc mang đậm
tính địa phương. Do không có các điều kiện thuận lợi dựng xây và phát triển,
các di tích ở đây được giữ dưới dạng các miếu thờ và trở thành địa điểm tín
ngưỡng linh thiêng của cả hai tộc người Việt và Chăm sinh sống trên cùng vùng
đất.
Như vậy, hơn 3 thế
kỷ trường chinh mở cõi,
lãnh thổ Đại Việt đã mở rộng tới Bắc đèo Hải Vân hiện nay, những người Chăm ở
đây từng bước đồng hóa cùng người Việt, họ trở thành một bộ phận Việt mang hơi
thở văn hóa tinh thần Chăm tạo nên văn hóa một vùng đất với giọng Huế, văn hóa
Huế đặc trưng tạo đà cho cuộc trường chinh mới của dân tộc khi mở cõi về phương
Nam ". Xét châu Ô, Lý ta nối liền ở Phương Nam...khảo cứu tận ngọn nguồn
thì đất này từ thời Hồ, Lê trở đi, triều đình mới đặt thành quận, huyện. Từ sau
khi nhà Trần, nhà Hồ ra chiếu cho dân chuyển đến sinh sống thì về ngôn ngữ gần
giống dân châu Hoan, về phong tục có khác ngoại tộc, xấp xỉ ngang hàng thượng
quốc” [77].
Miếu
thờ tượng 8 tay - Mỹ Xuyên
|
Miếu thờ tượng Bà
Chuẩn Đề - Lương Hậu
|
Như vậy, giọng Huế là sự
pha trộn giọng nói người châu Hoan hòa âm với giọng nói người Chăm tạo ra âm
Huế, một phát âm khu vực mang tính lịch sử của sự hòa hợp Việt - Chăm. Sau cuộc
hợp nhất lãnh thổ hòa bình bằng hôn nhân tặng đất, khát vọng mở cõi, hội nhập lại
gia tăng, những cuộc chiến giành giật đất đai diễn ra liên tục. Hệ quả là Trần
Duệ Tông chết trận khi tiến vào kinh đô Champa ( năm 1337). Nhà Trần suy yếu,
quân Chăm liên tục tấn công Thăng Long. Dưới triều vua Chế Bồng Nga ( 1360-1390),
người Chăm phát triển
cường thịnh trên nhiều lĩnh vực. Chế Bồng Nga đã huy động và thống lĩnh quân
Chăm 3 lần đại phá kinh thành Thăng Long của Đại Việt (1371, 1377 và 1390) “
giặc ùa vào thành, đốt phá cung điện, cướp lấy con gái, ngọc lụa đem về...
Chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy sạch không" [78]. Tình
trạng ấy chấm dứt vào cuối thế kỷ XIV khi Chế Bồng Nga chết, triều đình Champa
rối loạn. Nhà Hồ lên ngôi đánh dấu một thời kỳ mới hội nhập lãnh thổ.
c. Cuộc
hội nhập lãnh thổ lần thứ ba vào thời Hồ ( 1400-1406)
Nhà
Hồ sau khi cướp ngôi nhà Trần( 1400) đã
tiến hành cuộc dời đô. Kinh đô mới được xây dựng trên vùng đất Thanh Hóa. Việc
chuyển đô về thành Hồ, ngoài ý nghĩa xây dựng kinh đô mới trên vùng đất
"cố thổ" thì đây cũng là vùng đất trung tâm gần hơn nhìn về phương
nam trong quá trình mở cõi.
Những
năm đầu thế kỷ XV là những đợt tiến quân của Hồ Quý Ly xuống Champa gây áp lực
ép vua JayaSinhavarman V (1400-1441). Vua Chiêm buộc
“ dâng đất Chiêm Động để xin
rút quân” [79], phần
đất Chiêm Động ( Quảng Nam- Đà Nẵng) ngày nay được sát nhập vào lãnh thổ chung
dân tộc. Cùng năm đó phần đất động Cổ Luỹ ( Quảng Ngãi ngày nay) lại hội nhập
vào lãnh thổ chung do nhà Hồ quản lý. “ Họ Hồ đánh Chiêm, người Chiêm dâng đất,
Quý Ly bắt dâng hết cả đất Chiêm Luỹ của Chiêm rồi đặt làm phủ Thăng Hoa” 3.
Chưa đủ, “ Quý Ly bắt ép phải sửa tờ biểu là dâng nộp cả động Cỏ Lũy, rồi chia
đất ấy thành 4 châu Thăng Hoa Tư Nghĩa. Đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng
Hoa để cai trị; miền đầu nguồn đất ấy thì đặt trấn Tân Ninh. Chiêm Thành thu
lấy những dân phụ cận đưa về nước. Người ở lại thì bổ làm quan.” 4.
Viên quan đầy năng lực là Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa, “ lấy
Hiệu Chính hầu Chế Ma Nô Đà Nan làm Cổ Lũy huyện thượng hầu trấn châu Tư,
Nghĩa, chiêu dụ, vỗ về dân chúng người Chiêm” 5.
Để xây dựng củng cố vùng đất mới nhà Hồ thi
hành nhiều chính sách tích cực khẳng định vị thế của vương triều. Năm 1402
" Hán Thương cho đắp sửa đường xá từ thành Tây Đô đến Hoá Châu. Dọc đường
đặt phố xá và trạm truyền thư, gọi là đường thiên lý" [80] thuận
tiện đi lại đẩy mạnh giao thông từ kinh đô đến vùng đất mới. Tổ chức chia phần
đất được sát nhập thành những đơn vị hành chính để quản lý chặt chẽ, thống
nhất.
Cùng
với chính sách an dân, để tăng cường sức sống cho vùng đất mới. Năm 1403, “ Hán
Thương đem những người có ruộng và có của dời đến Thăng Hoa, biên chế thành
quân ngũ. Quan lại ở các Lộ, Phủ, Châu, huyện chia đất cho họ ở. Người ở châu
nào thì thích tên hai chữ châu ấy vào hai cánh tay để làm dấu hiệu. Đến năm sau
đưa vợ con đi theo, giữa đường bị bão chết đuối, dân phần nhiều ta oán. Hán
Thương mộ dân nộp trâu để cấp cho dân mới dời đến ở Thăng Hoa, người nộp được
ban tước” [81]. Những
người Việt vào sinh sống ở đây ngoài chịu sự quản lý của quan lại người Việt,
họ còn chịu sự quản lý của quan lại người Chăm.
Cuộc
hội nhập lần thứ ba này có những điều kiện lịch sử mới:
Đây là vùng đất kinh đô xưa
của người Chăm một vùng đất trù phú giàu có, dân cư đông đúc với những kinh
thành cổ Simhapura, Indrapura, cùng thánh địa thiêng liêng Mỹ Sơn. Một trung
tâm chính trị, kinh tế, văn hóa kéo dài hơn 10 thế kỷ tự chủ của người Chăm.
Vùng đất cơ bản nuôi dưỡng, phát triển văn hóa Champa. Bên cạnh đó triều đình
Đại Việt chủ thể cuộc sáp nhập lúc này khó khăn chồng chất bởi nạn ngoại xâm từ
phương Bắc, sự dịch chuyển kinh đô nên có chính sách khá mềm dẻo. Người Chăm
hầu như được giữ nguyên sinh sống trên mảnh đất của họ, có chăng chỉ là sự thay
đổi quyền quản lý.
Thông
tin trên cho thấy, cuộc sáp nhập này về cơ bản nhà Hồ không di dân người Chăm
ra phía bắc, người Chăm vẫn ở lại đất cũ, các tầng lớp trên người Chăm trừ một
bộ phần ra đi thì một phần được giữ phận quản lý, phong tước hầu thuộc triều
đình Đại Việt. Ngược lại nhà Hồ lại chủ động di dân phía Bắc vào phía nam vùng
đất mới sáp nhập. Bên cạnh những quan lại người Việt được cử vào có quan lại
người Chăm và người Chăm sinh sống ở đây dưới sự quản lý song trùng của quan lại người Việt và người Chăm.
Vậy
quá trình cộng cư ấy như thế nào? Theo một công trình nghiên cứu cho biết về cơ
bản người dân Chăm giai đoạn này vẫn lưu lại vùng đất cũ [82]. Người
Việt vào sinh sống cùng người Chăm, bên cạnh những truyền thống văn hóa Việt,
thì văn hóa Chăm vẫn tồn tại đan xen nhau. Sự tồn tại của văn hóa Chăm do người
dân duy trì đến mức năm 1435, khi biên khảo cuốn Dư địa chí, Lý Tử Tấn đã viết:
“Dân vùng này nhiễm tục cũ của người Chiêm” [83]. Nhiễm
tục của người Chiêm có hai xu hướng: số người Việt vào đây không nhiều hơn
người Chăm hoặc văn hóa Champa có những điểm tương đồng với văn hóa Việt và khi sống xen cư những yếu tố văn hóa Chăm được
người Việt tiếp thu. Sinh sống trong vùng đất mới, người Việt nói tiếng Chăm để
giao tiếp với người Chăm và ngược lại, người Chăm phải nói tiếng Việt. Theo
thời gian giọng nói của hai tộc người hòa đồng nhau tạo nên giọng Việt mang đặc
trưng xứ Quảng: “ Giọng xứ Quảng thường ở bè trầm, ồ ồ, nằng nặng, bằng bằng” [84],
không giống giọng xứ Huế là sự pha giọng của người Châu Hoan với giọng người
Chăm. Có lẽ với số dân ở lại đông, sự có mặt của quan lại người Chăm cho nên
vùng đất này giữ
được nhiều yếu tố Chăm, hình thành nên nét đặc
trưng văn hóa xứ Quảng, không những giọng nói mà còn các nghi lễ tín ngưỡng,
hệ thống đo lường khá riêng biệt, để sau này khi tiếp xúc với vùng đất, các
thương nhân ngoại quốc khi đến đây đã gọi
|
Nhà thờ họ Hồ ở Bồ Bản
(Hòa
Phong, Hòa Vang)
|
xứ này là “ Quảng Nam
Quốc”. Những thời kỳ lịch sử sau, do sự ổn định tình hình xã hội của vùng đất,
người dân Việt mới di cư rầm rộ vào đây để khai khẩn. Theo khảo sát của Huỳnh
Công Bá, riêng vùng phía Bắc Quảng Nam theo thống kê có đến 64 họ có nguồn gốc
từ các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An và kinh đô Thăng Long vào đây lập
nghiệp, trong đó có 32 họ từ Nghệ An chiếm 50% [85]. Điều
này cũng phù hợp với những kết quả khảo sát khác như tại Trà Kiệu ( Duy Xuyên, Quảng
Nam) có Đình Ngũ Xã thờ 5 vị tiền hiền của 5 dòng họ khi vào vùng đất này lập
nghiệp. Tài liệu thờ tại đình cho biết, 5 dòng họ này vào đây vào năm 1472 khi
theo Lê Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành. Một số nhà thờ Họ ở Quảng Nam
cùng cho biết như nhà thờ Họ Hồ ở Bồ Bản ( Hòa Vang, Đà Nẵng) vào đây lập nghiệp
sau năm 1476, hay họ Trần ở Hòa Tiến cũng sớm có mặt trên vùng đất. Khảo sát
trên địa bàn Quảng Nam ngày nay, tại các vùng kinh đô cũ như Đồng Dương ( Indrapura)
vẫn có những gia đình người Chăm sống cộng cư trong cộng đồng người Việt, họ
mang các họ Chế, Trà, Ông truyền thống của người Chăm. Tại Trà Kiệu ( Simhapura)
hay một số làng trên địa bàn, một số gia đình Chăm, số người Chăm vẫn sống xen
cư cùng người Việt. Đặc biệt vùng núi Đại Lộc ( Quảng Nam) có cả một xã với hơn
3.000 người Chăm sinh sống, họ có nhà thờ dòng họ và mang họ Nguyễn như người
Việt. Những người Chăm này cho đến nay, ăn, mặc, thói quen sinh hoạt hằng ngày,
nhà cửa, quần áo trang phục hoàn toàn như người Việt, khó phân biệt được với
người dân xung quanh. Khi nghiên cứu vấn đề người Chăm và người Việt ở Quảng Nam
trong lịch sử, có nhà nghiên cứu đã thốt lên: “ Thế thi hóa ra tất cả những
người Quảng Nam hiện nay đều mang trong người năm mươi phần trăm dòng máu của
người Chăm? Và còn hơn thế nữa họ đang nói tiếng Việt bằng giọng Chăm!” [86]
Sự có mặt đa số là người
Chăm trên vùng đất Quảng Nam dần Việt hóa, có thể đó là lý do mà mãi sau này,
khi các chúa Nguyễn hùng cứ phương Nam vẫn chỉ đặt phủ chúa trên vùng đất Thừa
Thiên - Huế mà không dám đặt ở Quảng Nam, mặc dù vùng đất này giàu có, trù phú,
rộng rãi hơn.
Sự có mặt của người gốc Chăm ở lại với số
lượng đông là một điều kiện, khi chính quyền Đại Việt suy yếu, chính quyền
người Chăm muốn giành lại đất, người dân vùng lãnh thổ mới lại ủng hộ. Năm 1407,
quân Minh sang xâm lược, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, người Chăm lại
giành quyền quản lý các châu Thăng - Hoa - Tư Nghĩa, đến chân đèo Hải Vân giáp
châu Hóa. Những người Việt di cư thuần Việt phải chạy về Hóa Châu, một bộ phận
Việt - Chăm ở lại.
Khu di tích Mỹ Sơn
|
Di tích Đồng Dương
|
Sử cũ có ghi: “ Đến khi Chiêm Thành cất
quân định thu lại đất cũ, dân di cư sợ chạy tan cả, bọn Hối Khanh trở lại Hóa
Châu, chỉ một mình Ma Nô Đà Nan chống nhau với Chiêm Thành, thế cô sức núng bị
người Chiêm giết chết” [87].
Phả tộc Phan làng Đà Sơn
( Quảng Nam) ghi lại cho biết: “ Khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ đem đất Chiêm
Động, Cổ Lũy trả lại cho Chiêm Thành thì người Việt do họ Hồ điều vào nay lại
chạy ra Hóa Châu, ông Phan Công Nhân vẫn khôn khéo xử trí để đảm bảo cho người
Việt được an toàn” [88]
Sau khi cuộc kháng chiến
của nhà Hồ thất bại, người Chăm lại tiếp tục quản lý vùng đất. Với tư cách là
chủ các di tích, phong tục, tập quán của người Chăm được phục hồi, bên cạnh đó
có những yếu tố văn hoá Việt dần gia nhập hoà bình vào văn hoá vùng đất. Chính
vì thế mà hệ thống di tích, di vật văn hoá Chăm ở đây được giữ lại vô cùng
phong phú cho đến ngày nay.
d. Cuộc hội nhập lãnh
thổ lần thứ tư vào thời Lê Sơ ( 1427-1527)
Sau
mười năm ( 1418 -1428) gian lao kháng chiến giành thắng lợi. Nhà Lê được
thành lập xây dựng nhà nước quân chủ phong kiến hùng mạnh. Nhà Lê tiếp tục được
thực thi việc tái nhập lãnh thổ. Năm 1444 do " chúa Chiêm Thành là Bí Cai
vào cướp thành châu Hóa. Sai Nhập nội kiểm hiệu thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê
Khả đem 10 vạn quân đi đánh" [89].
Năm 1446 " bọn Lê Thụ tiến công thành Chà Bàn phá tan quân giặc, bắt được
chúa nó là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi vũ khí cùng các hàng tướng
rồi đem quân về" 2. Sau nhiều lần tiến quân xuống phương Nam, năm
1471, Lê Thánh Tông chỉ huy chinh phạt tiến đánh kinh đô Chà Bàn ( Vijaya) sáp
nhập vùng đất này, lập ra đơn vị hành chính mới là Quảng Nam thừa tuyên. Lãnh
thổ Đại Việt mở đến chân đèo Cù Mông
( Phú Yên). Sau cuộc sáp
nhập này, cơ bản lãnh thổ do người Chăm quản lý từ phía Nam đèo Ngang đến Bắc đèo Cù Mông đã
trở thành một bộ phận lãnh thổ chung Đại Việt và sau 400 năm, người Chăm đã trở
thành một tộc người trong cộng đồng chung dân tộc. Người Chăm chỉ quản lý vùng
đất từ Phú Yên trở vào. Vua Lê Thánh Tông chia phần đất còn lại của người Chăm
quản lý thành 3 nước nhỏ, phong vương để ràng buộc. Người Chăm ở Vijaya ngoài số
bị chết trong chiến tranh, một số bị bắt đưa ra ngoài Bắc, thì đa số người Chăm
vẫn ở lại vùng đất, trở thành dân của Đại Việt. Chỉ còn lại một bộ phận nhỏ của
người Chăm cư trú từ Phú Yên đến Bình Thuận.
Đây
là vùng đất có bề dày gần 5 thế kỷ là trung tâm văn hoá, chính trị kinh tế của
người Chăm, cho nên dân số ở đây khá đông đúc. Sự sáp nhập này đã phân cư dân
Chăm thành 3 nhóm: số dân bị đưa ra phía Bắc ( Hoàng tộc, quan lại, binh sĩ,
thợ thủ công…; một bộ phận có thể di chuyển nơi cư trú về phía Nam hoặc ra bên
ngoài. Đa số còn lại vẫn ở lại sinh sống trên vùng đất dưới sự quản lý của
triều đình Đại Việt. Số người Chăm đưa ra Bắc chủ yếu về các vùng Đông Đô
( Thăng Long); Tây Đô ( Thanh Hóa). Những
người Chăm ở lại vùng đất mới hội nhập dưới quyền quản lý của triều đình Đại
Việt như thế nào? Nhà Lê " lấy đất
Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa"[90].
Theo
" Thiên Nam dư hạ
tập của bản triều có chép rằng trong đời Hồng Đức định bản đồ... Quảng Nam Thừa
tuyên sứ ty quản 3 phủ 9 huyện: Phủ Thăng Hoa 3 huyện... Phủ tư Nghĩa 3 huyện
...Phủ Hoài Nhơn 3 huyện..." 2. Những người Chăm ở lại nhà Lê
" Ra sắc chỉ cho Thái bộc tự khanh xét họ tên của bọn người Chiêm...Họ của
người Chiêm thì mới cũ theo đúng quy chế... Cấm quan viên và dân chúng không
được lén lút chứa giấu người Chiêm Thành" 3. Những người Chăm ở
lại dần Việt hóa theo quy chế quản lý và từng bước theo thời gian hòa nhập vào
văn hóa Việt.
Tháp
Cánh Tiên (Bình Định)
|
Tháp Dương Long (Bình Định)
|
Điều
tra khảo sát cho thấy, tại vùng đất thành Chà Bàn xưa ( An Nhơn, Bình Định) vẫn
còn một số người gốc Chăm cư trú, họ mang các họ Chế, Trà, Ông. Nhưng khi hỏi
về nguồn gốc Chăm họ nói đó là các cụ kể lại, chứ còn hiện tại, họ tổ chức cuộc
sống và sinh hoạt hoàn toàn là người Việt. Trong quá trình sinh sống, họ tiếp
thu hội nhập các thành tựu văn hoá Việt, bên cạnh duy trì đời sống tinh thần
văn hoá Chăm tạo nên bản sắc văn hoá riêng của địa phương. Hiện tượng này cũng
diễn ra tại Vân Canh là nơi có khoảng trên 5.000 người Chăm đang sinh sống, hay
gần 20.000 dân Chăm ở Phú Yên, họ hòa nhập vào khối cộng đồng chung vào văn hóa
Việt nhưng vẫn có những phong tục tập quán riêng của người Chăm còn bảo lưu
trong đời sống vật chất và tinh thần. Khi hỏi về nguồn gốc văn hoá Chăm được
duy trì gìn giữ thì câu trả lời chỉ là những hồi cố về quá khứ. Sự có mặt đông
đảo của người Chăm trên vùng đất đã phần nào lý giải cho sự tồn tại đậm đặc,
sừng sững của những tháp Chăm còn lại cho đến ngày nay trên vùng đất Bình Định.
e.
Cuộc hội nhập lãnh thổ lần thứ năm vào thời các chúa Nguyễn ( 1611-1694)
Do những biến động xã
hội sự tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến cuối triều Lê, phải
đến đầu thế kỷ XII, các chúa Nguyễn mới tiếp tục sự nghiệp mở cõi. Đứng chân
vững chắc tại Thuận Hoá và Quảng Nam thừa Tuyên, sau khi chặn đứng sự bành
trướng của tập đoàn phong kiến Lê Trịnh, các chúa Nguyễn dành sự quan tâm đến
việc mở cõi phương Nam.
- Năm 1611, nhân sự vụ người Chiêm xâm hấn, Nguyễn Hoàng cử tri huyện Tuy
Viễn là Lương Văn Chánh cùng chủ bạ là Văn Phong phối hợp với quân dân phủ Hoài
Nhơn đem quân đi đánh lấy đất Phú Yên ngày nay rồi đặt làm phủ Phú Yên với hai
huyện là Đồng Xuân và Tuy Hoà. Sai Văn Phong làm Lưu thủ phủ Phú Yên. Lãnh
thổ nhà Nguyễn quản lý kéo dài về phía Nam đến hết địa phận tỉnh Phú Yên.
- Năm 1653, nhân người Chiêm quấy rối, lấn đất
Phú Yên, Nguyễn Hoàng sai Hùng Lộc hầu cầm quân đi đánh dẹp và mở mang thêm đất
đến sông Phan Rang, đặt làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, đặt dinh trấn thủ
Thái Khang, đưa quan lại quân dân vào khai thác vùng đất mới. Đến
thời kỳ này về phía Nam, đất đai nhà Nguyễn mở rộng đến tận phía Bắc đất Phan
Rang ngày nay.
- Năm 1692, vua Chiêm là Chế Bà Tranh đưa quân
gây hấn, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai tướng sang đánh, lấy đất Phan Rí, Phan Rang
đặt ra phủ Bình Thuận gồm hai huyện An Phước và Hoà Đa, phần đất còn lại ( vùng
Ninh Thuận này nay) do người Chăm cư trú đổi làm trấn Thuận Thành, cho con vua nước
Chiêm cũ làm cai cơ, tước hầu thuộc quản lý của chúa Nguyễn. Như vậy, về cơ bản
dải đất Nam Trung Bộ hiện nay đến năm 1692 đã sáp nhập vào phần đất do các chúa
Nguyễn quản lý được chia thành các phủ, trấn, huyện, bổ quan lại cai trị quản
lý thống nhất. Sau nhiều năm quản lý trên phần đất người Chăm cư trú, năm 1694,
chúa Nguyễn đổi phủ Bình Thuận làm trấn Thuận Thành giao lại cho người Chăm là
Kế Bà Tử với chức Tả đô đốc, để người Chăm quản lý người Chăm. Sau khi đã hoàn
thành thống nhất lãnh thổ phần đất miền Trung, chúa Nguyễn tiếp tục từng bước sáp
nhập phần đất Nam Bộ.
Đền
thờ của người Chăm (Ninh Thuận)
|
Tượng Kút người Chăm (Bình
Thuận)
|
Với sự nỗ lực cùng xu
hướng hội nhập tất yếu, từ năm
1611 đến năm 1694, trong vòng 83 năm, các chúa Nguyễn đã hoàn
thành việc sáp nhập lãnh thổ vùng Nam Trung Bộ ngày nay. Ở vùng đất từ Phú Yên
đến Bình Thuận, những nhóm người Chăm cuối cùng đã hội nhập vào cộng đồng dân
tộc chung. Cùng với việc bổ nhiệm quan lại người Việt quản lý thì tầng lớp trên,
người Chăm cũng được đổi họ, phong tước, nhận chức quan lại trực tiếp quản lý
người Chăm. Mặc dù nằm trong cộng đồng chung nhưng người Chăm có những cộng
đồng nhỏ riêng tự quản lý, họ được duy trì lối sống văn hóa riêng nằm trong
tổng thể văn hóa chung dân tộc. Chính vì thế mà số lượng người Chăm cư trú trên
vùng đất này hiện nay chiếm số lượng đông nhất. Điển hình là trấn Thuận Thành (
gồm địa bàn hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay). Dù có những biến động
của lịch sử nhưng cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận - Bình Thuận ngày nay vẫn
giữ được nét văn hóa riêng của người Chăm trong lịch sử.
Theo điều tra khảo sát,
năm 2003, tại Ninh Thuận có 61.000 người, Bình Thuận 29.312 người [91],
con số này chắc tăng lên nhiều sau gần 10 năm công bố. Những người Chăm ở đây
sống khá tập trung, hình thành các làng ( Plei) giữ được các nghề sản xuất thủ
công như làm gốm, dệt vải... Họ vẫn duy trì phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn
giáo riêng của tộc người mình, nhưng đã được những yếu tố văn hóa Việt tham gia tích cực, người Chăm mang họ Việt khá
đông, dòng dõi Hoàng tộc mang họ Nguyễn như bà Nguyễn Thị Thiềm ( Bắc Bình, Bình
Thuận) được coi là công chúa cuối cùng của Hoàng tộc Chăm. Dấu ấn văn hóa Chăm
ngày nay chỉ trong những ngày lễ hội truyền thống, ma chay, cưới hỏi... mới bộc
lộ nổi trội.
Như
vậy, về cơ bản, trong quá trình hội nhập dân tộc, đa số người Chăm đã ở lại
sinh sống trên dải đất miền Trung, bằng nhiều nẻo đường khác nhau, người Chăm
đã hội nhập vào và đa phần sau nhiều thế hệ họ đã trở thành người Việt. Nếu
tính từ năm 1072 khi bộ phận phía Bắc hội nhập vào lãnh thổ, đến năm 1471 là
vùng đất vùng đất phía nam từ Bình Định trở ra, những cộng đồng người Chăm ở
lại có gần 400 năm sống chung và dưới quyền quản lý của chính quyền Đại Việt. Theo
thời gian, áp lực dân số của người Việt gia tăng, tăng nhân khẩu tự nhiên và
tăng cơ học do triều đình cùng với người dân di cư vào khai phá quản lý vùng
đất mới. Sự tiếp cận thường xuyên với văn hóa Việt, sự áp đặt của mô hình quản
lý, người Chăm từng bước hòa vào khối cộng đồng chung sau gần 4 thế kỷ đã trở
thành người Việt. Một con đường dễ tiếp nhận nhất là sự hòa huyết giữa hai tộc
người. Người Việt lấy vợ, chồng người Chăm và ngược lại, những thế hệ sau dần
trở thành người Việt khi họ sống dưới chính quyền do người Việt quản lý.
Giai
đoạn lịch sử sau năm 1600, sự sáp nhập lãnh thổ, chúa Nguyễn để cho người Chăm
quy chế tự trị cộng đồng người Chăm riêng, người Chăm được tự quản lý dưới sự
bảo trợ của chúa Nguyễn, các cộng đồng được giữ nguyên đơn vị cư trú, địa bàn
sinh sống cùng duy trì phong tục tập quán, văn hóa của mình nên người Chăm vẫn
tồn tại với tư cách tộc người độc lập. Môi trường sống xen cư, sự quan hệ mật
thiết giữa hai tộc người dưới cùng một chính quyền quản lý là điều kiện để
người Chăm dần Việt hóa. Có lẽ nhận ra điều này, những giai đoạn lịch sử sau,
người Chăm đã cố gắng tránh cuộc sống xen cư, những cuộc hôn nhân Việt - Chăm
để gìn giữ gốc Chăm của những người đang sinh sống. Khảo sát các làng Chăm ở
Ninh Thuận - Bình Thuận, dù không thành quy định bắt buộc nhưng những cuộc hôn
nhân Chăm - Việt hầu như không được các làng, dòng họ người Chăm hoan nghênh. “
Sức hút” của mỗi cá nhân trong những cuộc hôn nhân Việt - Chăm vẫn diễn ra
nhưng điều kiện cư trú riêng rẽ đã giữ cho người Chăm còn lại đến ngày nay. Bên
cạnh đó, thời gian hội nhập vùng đất này chưa dài nên người Chăm vẫn bảo lưu
được văn hóa tộc người và giữ được bản sắc làm phong phú thêm bản sắc văn hóa
của dân tộc Việt Nam.
Người Chăm hiện nay là
một trong những tộc người trong 54 dân tộc anh em. Theo Tổng điều
tra dân số và nhà ở
năm 2009, người Chăm ở Việt Nam có dân số 161.729 người, cư trú
tại 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành
phố. Người Chăm cư trú
tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận ( 67.274 người, chiếm 41,6% tổng số người Chăm tại Việt Nam),
Bình Thuận ( 34.690 người, chiếm 21,4% tổng số người Chăm tại Việt Nam),
Phú Yên ( 19.945 người), An Giang ( 14.209 người), thành
phố Hồ Chí Minh ( 7.819
người), Bình Định ( 5.336 người), Đồng Nai
( 3.887 người), Tây Ninh ( 3.250 người) [92].
Sự hòa hợp tộc người trong lịch sử với thời gian khác nhau nên ở Việt Nam ngày
nay còn 3 nhóm người Chăm chính:
Nhóm
Chăm Hroi bao gồm
những người Chăm hiện đang sống rải rác từ Nha Trang trở ra, chủ yếu là Phú Yên
và Bình Định;
Nhóm Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận gồm những người Chăm cư trú ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nhóm
Chăm Nam Bộ bao gồm
những người Chăm sinh sống chủ yếu ở An Giang, thành phố Hồ Chí Minh và một số
tỉnh Đông Nam Bộ; cư trú ở các tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây
Ninh, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước... Trong đó tập trung chủ
yếu ở An Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Người Chăm ở đây có cùng nguồn gốc với
người Chăm Hroi và người Chăm ở Ninh Thuận - Bình Thuận.
Lễ hội của người Chăm
(
Nguồn: Trung tâm nghiên cứu văn hóa Champa - Ninh Thuận)
Gần một thiên niên kỷ hội nhập, cho đến nay có thể nói,
về cơ bản, đa số người Chăm ở miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hoà, sau nhiều
thế hệ chuyển hóa, họ đã trở thành người Việt, dòng máu chảy trong cơ thể họ có
phần nào dòng máu Chăm từ xa xưa lưu lại, như một nhà nghiên cứu nói “
mang trong người năm mươi
phần trăm dòng máu của người Chăm” [93]
. Cho đến nay, những người Chăm chuyển hóa thành người Việt sống chung cùng
người Việt thường mang các họ Trà, Bố, Chế, Ông mà theo lịch sử Champa, những
họ này thường là Hoàng tộc. Sao những người bình dân ấy lại có họ danh tính cao
quý đó, có nhà nghiên cứu cho rằng, người Chăm bình dân không có họ. Chỉ khi họ
hòa hợp, theo phong tục Việt mới có họ, cho nên đa phần người Chăm Việt hóa có
họ Việt. Những người Chăm Việt hóa muốn giữ lại ký ức về Chăm xưa tự nhận các
dòng họ Hoàng tộc trong lịch sử. Đó là nguyên nhân có những người Việt mang họ
Chăm. Trong khi đó những người Chăm thuộc Hoàng tộc lại mang họ Việt, như họ
Nguyễn ở Bình Thuận. Phải chăng khi hội nhập lãnh thổ, triều đình ban họ Hoàng
gia Việt, trao quyền quản lý cộng đồng cho họ và con cháu họ duy trì về sau để
tỏ phần tôn quý. Trường hợp này, xảy ra cũng giống như quan lại người Chăm ra Bắc
được chính quyền ban cho họ Việt
4. Những người Chăm ra đi.
Cho đến nay chưa tìm thấy nguồn tài liệu nào
ghi chép về số người Chăm ra đi trong khu vực nhưng sự hiện diện của các nhóm
người Chăm trên các quốc gia ngoài Việt Nam hiện nay đặt ra câu hỏi, họ ra đi
lúc nào và họ đi đâu? Bằng những mối quan hệ lịch sử, chúng ta có thể bước đầu
tìm hiểu về nhóm người Chăm này.
Định cư trên dải đất hẹp miền Trung, một bên là núi, một
bên là biển, trong không gian mở, người Chăm đã có xu hướng vươn ra biển. Nằm
trên con đường buôn bán trên biển giữa các vùng trong khu vực với nhau, lại
khai thác nguồn tài nguyên rừng, biển phong phú với những sản vật quý hiếm,
người Chăm sớm tham gia buôn bán trên biển. Kinh tế biển trở thành một phần quan
trọng, tư liệu sản xuất của người Chăm. Theo sử liệu ghi lại, vua Phạm Văn trưởng
thành từ người buôn bán: “ Văn theo con buôn đến Trung Quốc rồi đến Lâm Ấp bày cho Phạm Dật
làm cung thất, thành ấp, khí giới, do đó được làm tướng... Phạm Dật chết, Phạm
Văn bèn chiếm ngôi vua” [94]. Những cuộc cướp phá từ biển đi vào của người Mã Lai, Java
vào thế kỷ VIII đã cung cấp một lối nhìn, bổ sung cho nhận thức của người Chăm
về các tộc người cư trú vùng đa đảo. Chính vì thế từ trong lịch sử, người Chăm
đã có tư duy gắn bó với cư dân biển, nơi có những tộc người cùng ảnh hưởng văn hoá từ Ấn
Độ. Dưới triều vua Bhadravarman II một vị quan người Chăm là Po Klun Pilil
Rajadvara đã hai lần đi Java để học khoa học thần bí [95]; hay thế kỷ VIII, theo văn bia tại Mỹ Sơn cho biết vua
Champa Gangarraja “ coi việc nhìn thấy sông Hằng là một niềm vui lớn, nói thế
rồi Người ra đi từ đây đến sông Hằng” 2. Vào thế kỷ XI, người Chăm
còn cử các thương nhân sang đào Hải Nam ( Trung Quốc) mua ngựa để xây dựng đội
quân kỵ binh nhằm phối hợp với ngưới Tống đánh Đại Việt, hay vào thế kỷ XII
người Chăm đưa thủy quân sang đánh Ăngko ( Khmer). Đặc biệt cuối thế kỷ XIII
đầu thế kỷ XIV, vua Chăm Chế Mân còn cưới một công chúa Java làm vợ và phong
làm Hoàng hậu. Như vậy, người Chăm có cái nhìn ra biển, biết và có mối quan hệ
truyền thống với các quốc gia xung quanh liên quan đến biển. Truyền thống đi
biển và buôn bán xuyên xuốt trong lịch sử người Chăm, mà sau này có nhận xét:
“Người Chăm là những người giỏi đi biển. Họ là những thủy thủ dũng cảm”
3. Những
điều kiện đó khiến cho mỗi khi xã hội Champa có thay đổi đã khiến có một bộ
phận người Chăm đi ra biển và ra cư trú ở bên ngoài.
Sự có mặt của người Chăm ở bên ngoài do các yếu tố: Sự
tranh giành địa vị trong Hoàng tộc Champa khiến những nhóm người thất thế phải
ra đi. Nhóm người đi ra phía Bắc nương nhờ Đại Việt. Nhóm người vượt biển ra cư trú tại lãnh thổ khác trong vùng.
Quá trình sáp nhập
lãnh thổ vào Đại Việt khiến cho một bộ phận người Chăm, Hoàng tộc, người bình
dân rời mảnh đất sinh sống vượt biển sang cư trú tại các vùng các nước láng
giếng.
Những người Chăm do ra ngoài buôn bán với các nước trong
khu vực, khi tình hình trong nước bất ổn thì họ ở lại nơi buôn bán.
Theo tài liệu lịch sử cho biết, khi vùng đất Châu Ô, châu
Lý sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, một số người Chăm đã vượt biển sang cư trú
tại đảo Hải Nam ( Trung Quốc). Họ là những thương nhân thông thạo con đường hải
thuyền buôn bán từ miền Trung sang đảo Hải Nam, được lệnh vua Champa sang nhà
Tống mua ngựa để xây dựng lực lượng kỵ binh. Khi kế hoạch thất bại họ ở lại
sinh sống.
Vào thế kỷ XIII thế kỷ XIV, người Chăm có mối quan hệ mật
thiết với các quốc gia quần đảo. Vua Chăm Chế Mân cùng với việc cưới cô công
chúa nhà Trần Huyền Trân thì còn cưới một bà vợ người Giava và phong làm Hoàng
Hậu. Mối thân tình Hoàng tộc ấy là chỗ dựa cho tầng lớp trên người Chăm khi mà xảy
ra các cuộc biến động, người Chăm lại có một bộ phận tìm về nơi quen ấy cư trú.
Theo nguồn tài liệu khác cho biết: vào thế kỷ
XV khi Lê Thánh Tông đánh chiếm thành Chà Bàn năm 1471, hoàng tộc Champa của Vijaya
phải sống lưu vong ở Malacca ( khoảng 20.000 người). Năm 1481 - 1482 một sứ
thần được vua Cổ Lai, một vị vua Champa lưu vong, cử đến triều đình nhà Minh
dâng sớ nhờ giúp đỡ để lấy lại lãnh thổ đã mất vào tay Đại Việt, trong sớ kể
rằng lãnh thổ Champa bao gồm vùng đất như sau: “ Đất nước của chúng tôi bao gồm
27 xứ, 4 phủ, 1 châu, và 22 huyện. Lãnh thổ này trải dài về phía Ðông giáp
biển, phía Nam giáp Chân Lạp, Tây giáp Núi Rừng của người Lê ( Lê Nhân Sơn), và
Bắc giáp A- mu- la- bu” (Wade 2003: 14).
Theo thống kê hiện nay số người Chăm định cư trong các
nước Đông Nam Á như: Campuchia khoảng trên 270.000 người, được gọi là Khmer
Islam; Thái Lan trên 15.000 người; Malaysia trên 10.000 người. Một số người Chăm
di cư sang các nước khác, như tộc Utsul ở đảo Hải Nam ( Trung Quốc), đến bang
Terengganu ( Malaysia). Inđonêxia hay vùng Hạ Lào, nhưng số lượng không đông so
với dân bản địa [96] . Người Chăm còn sống ở
Myanma rất nhiều, là một trong bốn dân tộc lớn nhất Myanma. Hầu hết mang họ
Aung cùng họ với họ Ung của người Chăm ở Việt Nam ( đã bị Việt hoá).
Do nhiều nguyên nhân lịch sử, người Chăm rời miền Trung Việt
Nam đến các nước như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonêxia hay Myanma vv. . vào
những thời gian khác nhau. Dù sinh sống nơi đâu, hoà vào cuộc sống của cộng
đồng cư dân bản địa, nhưng người Chăm vẫn giữ một số truyền thống văn hoá
riêng, họ vẫn ý thức mình là người Chăm, nơi cội nguồn ra đi từ dải đất miền
Trung Việt Nam trong lịch sử. Chính vì thế cuối thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ
thứ XX, một bộ phận người Chăm ở Campuchia do mâu thuẫn với người Khmer bản địa
và sự ngược đãi của chính quyền Campuchia nên đã tìm về cư trú ở An Giang và Tây
Ninh tạo nên cộng đồng người Chăm ở hai tỉnh này. Những năm sau đó, một bộ phận
nhỏ người Chăm này chuyển đến một số tỉnh khác ở Nam Bộ để sinh sống. Nguyên
nhân sự có mặt của người Chăm ở các vùng trong khu vực có thể do nguyên nhân từ
các cuộc sáp nhập lãnh thổ, những tầng lớp trên Hoàng Tộc, quan lại chạy đi; những
người Chăm buôn bán ở nước ngoài không trở về, họ định cư lại nơi buôn bán; hay
những cuộc di dân ồ ạt do chiến tranh họ chạy sang các nước lân cận như
Campuchia, Thái Lan, nhưng số lượng này không nhiều so với số lượng người Chăm
ra phía Bắc, hay ở lại quê cha đất tổ. Đa số người Chăm ở lại đất quê hương và
họ trở thành một bộ phận trong cộng đồng cư dân đa sắc tộc trong khối cộng đồng
chung của dân tộc Việt Nam ngày nay. Dù số người ra đi không nhiều, nhưng dù đi
đến đâu, sinh sống ở đâu họ vẫn là người Chăm, mang theo những tập tục văn hóa,
mà trải qua năm tháng cho đến nay họ còn giữ được.
Điểm qua nguồn gốc, cùng những sự biến động của người
Chăm trong lịch sử mong góp phần nhận diện tộc người Chăm qua những biến động
lịch sử làm tiền đề để đối thoại với nền văn minh người Chăm đã dựng xây, góp
một bản sắc riêng độc đáo vào văn hóa dân tộc để lại cho đến ngày nay.
Bảng Thống kê dân số
Chăm tại Việt Nam
( theo tài liệu Tổng điều tra dân số ngày 1- 4- 2009)
Số
TT
|
Tên
tỉnh (thành phố)
|
Số
dân
|
Ghi chú
|
1
|
Ninh
Thuận
|
67.
274
|
|
2
|
Bình
Thuận
|
34.
690
|
|
3
|
Phú
Yên
|
19.
945
|
|
4
|
An
Giang
|
14.
209
|
|
5
|
Hồ
Chí Minh (Sài Gòn )
|
7.
819
|
|
6
|
Bình
Định
|
5.
336
|
|
7
|
Đồng
Nai
|
3.
887
|
|
8
|
Tây
Ninh
|
3.
250
|
|
9
|
Bình
Dương
|
837
|
|
10
|
Gia
Lai
|
659
|
|
11
|
Bình
Phước
|
568
|
|
12
|
Lâm
Đồng
|
473
|
|
13
|
Kiên
Giang
|
400
|
|
14
|
Đắc
Lắc
|
290
|
|
15
|
Khánh
Hoà
|
271
|
|
16
|
Long
An
|
218
|
|
17
|
Bà
Rịa - Vũng tầu
|
198
|
|
18
|
Cần
Thơ
|
173
|
|
19
|
Trà
Vinh
|
163
|
|
20
|
Sóc
Trăng
|
106
|
|
21
|
Cà
Mau
|
106
|
|
22
|
Vĩnh
Long
|
91
|
|
23
|
Đồng
Tháp
|
90
|
|
24
|
các
tỉnh khác
|
676
|
[1] Nguyễn Đình Khoa: Nhân chủng học Đông Nam Á, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, tr.
56-57, tr 59-60.
[2] M. Colani: Nocropole de Sa
Huỳnh, Hà Nội, 1937, tr 8-12. Bản dịch Tư liệu Viện Khảo cổ
2 Vũ Công Quý: Văn
hóa Sa Huỳnh, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1991, tr 181.
- M. G Lêxin & N. N. Tchêbôcxarôp: Sự phân
bố cư dân thời cổ đại ở miền Đông Á và Đông Nam Á. Tập công trình của Viện Dân
tộc học, T XVI, Mátxcơva. 1951.
- W. G. Sotheim II: Reflections on the new
data of Southeast Asian Prehistory: Austronesian origin and consequence -
Paperpresen ted at the fist Internationnal conference on comparative
austronnesian Linguisties, January 1974; Honolulu - Hawai.
[6] Tạ Đức: Nguồn gốc người Việt - Người Mường (Phụ lục
4D: Nguồn gốc người Chăm) Nxb. Tri Thức. Hà Nội, 2013, tr 603-632.
[8] Nguyễn Thị Hậu: Di tích mộ chum miền Đông Nam Bộ -
Những phát hiện mới tại Cần Giờ. Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Thành Phố Hồ Chí
Minh, 1996.
[9] Vũ Công Quý: Văn hóa Sa Huỳnh, Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Hà Nội, 1991, tr 174.
[10] Tham khảo thêm Vũ Công Quý: Văn hóa Sa Huỳnh, Nxb.
Văn hóa Dân tộc. Hà Nội, 1991, tr. 187-190.
[11] Vũ Công Quý: Văn hóa Sa Huỳnh, Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Hà Nội, 1991, tr 184.
[12] Những di tích thời tiền sử và sơ sử Quảng Nam - Đà
Nẵng. Nxb Đà Nẵng 1992.
[13] Những di tích thời tiền sử và sơ sử Quảng Nam - Đà
Nẵng. Nxb Đà Nẵng 1992.
2 Vũ Công
Quý: Văn hóa Sa Huỳnh, Nxb. Văn hóa Dân tộc. Hà Nội, 1991, tr 187-190.
[17] Trịnh Sinh và những người khác: Báo cáo khai quật di
chỉ Khảo cổ học Trà Kiệu (Quảng Nam). Tư
liệu Viện Khảo Cổ học.
[18] Trịnh Sinh và những người khác: Báo cáo khai quật di
chỉ Khảo cổ học Trà Kiệu (Quảng Nam). Tư
liệu Viện Khảo cổ học.
[19] Trịnh Sinh và những người khác: Báo cáo khai quật di
chỉ Khảo cổ học Trà Kiệu (Quảng Nam). Tư
liệu Viện Khảo cổ học.
[20]
Nguyễn Thị Kim Dung: Khai quật Hoàn Châu - Trà Kiệu năm 2000. Những phát hiện
mới về khảo cổ học, Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội, 2001.
[21] Nguyễn Thị Kim Dung: Khai quật Hoàn Châu - Trà Kiệu
năm 2000. Những phát hiện mới về khảo cổ học, Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội,
2001.
2 Lê Đình Phụng: Kiến
trúc điêu khắc ở Mỹ Sơn- Di sản văn hóa thế giới. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội
2004.
[22] Tham khảo thêm:
“Quảng Ngãi tỉnh chí”. Đăng trên Tạp chí Nam Phong năm 1933. Tài liệu lưu trữ
tại Thư viện tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
[23] Phan Khoang: Việt sử xứ Đàng Trong. Nxb Văn học. Hà
Nội 2000, tr 31.
[24] Phạm Chánh Trung: Lâm
Ấp không phải là Champa. Theo Việt Sử ngày 28- 5- 2007.
[25] Tạ Đức: Nguồn gốc người Việt - Người Mường (Phụ lục
4D: Nguồn gốc người Chăm) Nxb. Tri Thức. Hà Nội, 2013, tr 603-632.
[26] Geetesh. Sharma: Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại
Việt Nam. Nxb.Văn hóa văn nghệ. Thành phố
Hồ Chí Minh, 2012, tr 33- 45- 64.
[27] Tùy Thư Quyển 82, Liệt
truyện 47. Dẫn theo G Maxpero: Vương quốc Chàm. Nxb VanOest.Pari1928. Lương
Ninh: Vương quốc Champa. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội 2004.
[28]Tùy Thư Quyển 82, Liệt truyện 47. Dẫn theo
G Maxpero: Vương quốc Chàm Nxb VanOest. Pari 1928. Lương Ninh: Vương quốc
Champa.Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội 2004.
[29]
Nguyễn Đình Khoa: Nhân chủng học Đông Nam Á, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, tr 56-57, tr 59-60.
[30] Theo tài liệu thống kê trong cuộc Tổng điều tra dân số
năm 2009, dẫn nguồn: http://Vi. Wikipedia. org?Wiki? Người
Chăm.
[34] Nguyễn Duy Hinh: Người
Chăm xưa và nay. Nxb Từ điển Bách Khoa. Hà Nội, năm 2010.
[35] Lương
Ninh: Vương quốc Champa.Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội 2004 ( phần Phụ lục II:
Cổ sử Trung Hoa).
[38] Tỉ lệ này chúng tôi dựa
theo tỉ lệ mà Ph. D Ăng ghen đưa ra trong Tuyển tập luận văn: Vấn đề quân sự ở
Phổ và đảng công nhân Đức. Trong tuyển
tập Mak - Ph. D Ăng ghen. Tập III. NXB Sự Thật. Hà Nội 1982.
3 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998, tr 274 -275.
4 Dẫn theo Li Tana: Xứ Đàng Trong. NXB Trẻ. TPHCM 1999, tr 54.
5- 6 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa
học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 448 - 449.
2Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998, Tập I, tr 266
3Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998, Tập I, tr 274-275
4 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập II, tr 357
5 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập II, tr 449
2 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập III, tr 47
3 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập III, tr 47
4.Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập III, tr 75
[46] Đại Việt sử ký
toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 204
2 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa
học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập I, tr 224
3 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa
học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập I, tr 260
4 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa
học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập I, tr 262
5 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập I, tr 292 -293
2 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập I, tr 293.
3
Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập I, tr
304.
4 Đại
Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 320.
5 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa
học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập III, tr 321.
6 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa
học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập I, tr 331.
7 Việt sử lược. Nxb Thuận Hóa. Hà Nội 2005, tr 167.
8 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa
học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 44.
9
Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 133.
10 Đại Việt sử ký toàn thư.
Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 181.
2 Đại
Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 193.
[51] Tham khảo thêm: Thuyền uyển tập anh. Nxb
Văn học. Hà Nội 1990.
[52] Thích Thanh Từ: Thiền sư
Việt Nam. Thành Hội Phật giáo TP HCM - 1995.
Theo nhiều nguồn tài liệu cho biết: Thiền sư
Thảo Đường gốc người Trung Hoa, có mặt tại Chiêm Thành. Ông là đệ tử của thiền
sư Trùng Hiển ở Tuyết Đậu (Tuyết đậu trung Hiển, nhằm đời pháp thứ ba của phái
Vân Môn).
2 Đại Việt sử ký toàn thư.
Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 88.
2 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà
Nội, năm 1998. Tập II, tr
267.
3 Đại
Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 268.
4 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr 331.
[55] Nguyễn Hồng Dương:
Về pho tượng Chàm ở đền Hồng Sơn (Nghệ An). Những phát hiện mới về khảo cổ học,
Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 2001, tr 815- 816.
[56] Hoàng Xuân Chinh: Một chùy kinh
cương đồng mới được phát hiện.Những phát hiện mới về khảo cổ học, Nxb Khoa học
Xã hội. Hà Nội, 1998, tr 693.
[57] Nguyễn Tiến Đông:
Tác phẩm điêu khắc Champa tại Bảo tàng Vĩnh Phúc. Những phát hiện mới về khảo
cổ học, Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội, 2006, tr 838- 839
[58] Đinh Đức Tiến:
Những dấu ấn văn hoá Chăm ở Hà Nội. Luận án cao học. Trường Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn. Hà Nội 2010
[59] Tống Trung
Tín:Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý và thời Trần (Thế kỷ XI - XIV). NXB
KHXH. Hà Nội 1997
[60] Lê Đình Phụng: Bàn
thêm về dấu tích văn hóa Chăm trong không gian văn hóa Thăng Long. T/C Dân Tộc
học số 4- 2010, tr 15 - 21
[61] Đinh Đức Tiến:
Những dấu ấn văn hoá Chăm ở Hà Nội. Luận án cao học. Trường Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn. Hà Nội 2010
[62] Bò ( Nandin) là linh vật
- Vật cưỡi của thần Shiva, một vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo, nên những
người Chăm theo tôn giáo này đều có tục kiêng ăn thịt bò
[63] Theo tài liệu khảo
sát Khảo cổ tại địa bàn miền Trung, trong công trình kiến trúc Champa, sự có
mặt của vật liệu đá ong khá muộn vào thế kỷ X - XI do họ học được cách khai
thác đá ong từ người Khmer.
[64] Đại Nam Quốc sử Diễn ca viết về
cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 - 43 với mục đích:
Một xin trả sạch thù nhà
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng.
[65] Tham khảo thêm:
Đại Việt Sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1998. Tập I, tr 222.
[68] Lương Duy Tâm: Địa
lý - Lịch sử Quảng Bình. Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình xuất bản năm 1998.
[69] Tham khảo thêm: Hà Văn
Tấn - Phạm Thị Tâm. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ
XIII. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1975.
3 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập I, tr 89.
4 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa
học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập I, tr 90.
5 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa
học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập I, tr 91.
2 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập II, tr 91.
3 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm
1998. Tập II, tr 142.
4 Lê Quý Đôn toàn tập. Tập
I: Phủ biên tạp lục.Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1997, tr 37 - 38.
2 Dương Văn An: Ô châu cận lục.Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1997, tr 45.
3 Dương Văn An: Ô châu cận lục.Nxb Khoa học Xã
hội. Hà Nội, năm 1997, tr 46.
4 Dương Văn An: Ô châu cận lục.Nxb
Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1997, tr 49.
[76] Tham khảo thêm Cao
Xuân Phổ ( chủ biên): Nghệ thuật Đông Nam Á. Hà Nội 1983, tr 159
4 Dương Văn An: Ô châu cận lục.Nxb.
Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1997, tr 44.
5 Dương Văn An: Ô châu cận lục.Nxb. Khoa học Xã hội. Hà
Nội, năm 1997, tr 47.
6 Cao Xuân Phổ ( Chủ biên): Nghệ
thuật Đông Nam Á. Xem phần Trần Văn Khê: Âm nhạc tại các nước trong vùng Đông
Nam Á. Hà Nội 1983, tr 223.
3 Lê Quý Đôn toàn tập. Tập I: Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội
1977, tr 35.
4 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội,
năm 1998. Tập II, tr 202 - 203.
5 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội,
năm 1998. Tập II, tr 203.
[82] Tham khảo thêm Hồ Trung
Tú: Có 500 năm như thế - Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử. Nxb Đà Nẵng 2011.
[84] Mai Thúc Long:
Giọng nói xứ Quảng. Trong: Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng. Sở Văn
hóa, Thể thao & Du lịch Quảng Nam 2001
[85] Huỳnh Công Bá:
Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến
giữa thế kỷ XVIII. Luận án PTS Sử học. 1996. Tư liệu Khoa Lịch sử Trường Đại
học Sư Phạm I - Hà Nội
[86] Tham khảo thêm Hồ Trung
Tú: Có 500 năm như thế - Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử. Nxb Đà Nẵng 2011.
[87] Đại Việt sử ký
toàn thư. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội 1998. Tập II, tr 219.
[88] Tham khảo thêm Hồ Trung
Tú: Có 500 năm như thế - Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử. Nxb Đà Nẵng 2011.
2 Đại Việt sử ký toàn thư.
Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr
357.
2 Lê Quý Đôn toàn tập. Tập
I: Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học Xã hội. Hà
Nội 1977, tr 44.
3 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội, năm 1998. Tập II, tr
460
[91] Theo tài liệu
thống kê trong cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009 dẫn nguồn: http://Vi. Wikipedia. org?Wiki? Người Chăm.
[92] Theo tài liệu
thống kê trong cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009 dẫn nguồn: http://Vi. Wikipedia. org?Wiki? Người Chăm.
[93] Tham khảo thêm Hồ Trung Tú: Có 500 năm như thế - Bản sắc
Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử. Nxb Đà Nẵng 2011.
[94] Tấn thư. Truyện
67.Tấn Thư do Phòng Kiều biên soạn trong niên hiệu Trinh Quán ( 627 -649). Dẫn
theo Nguyễn Duy Hinh: Người Chăm xưa và nay. Nxb Từ điển Bách khoa & Viện
Văn hóa. Hà Nội 2010, tr 495 -496
2
Văn bia Mỹ Sơn III. Mặt A. Dẫn theo
Lương Ninh: Lịch sử vương quốc Champa. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội 2004, tr
244.
3 Dẫn theo G. Maxpero: Vương quốc Chàm ( Bản dịch tư liệu Viện Khảo cổ học)
[96] Theo tài liệu thống kê
trong cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009 dẫn nguồn: http://Vi. Wikipedia. org?Wiki? Người
Chăm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét