Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

VĂN HÓA XỨ QUẢNG
QUA NHỮNG DI TÍCH Ở CẨM LỆ

              Cẩm Lệ là một vùng đất thuộc không gian xứ Quảng xưa trong lịch sử. Một vùng đất hội tụ địa tự nhiên, núi ( núi Cẩm Lệ), sông( sông Yên- sông Cẩm Lệ), đồng bằng xen lẫn đầm phá, gò đồi với hệ thống giao thông thủy bộ khá thuận lợi. Đây là vùng đất   từ lâu đã được con người khai phá, sinh sống đắp bồi theo thời gian tạo nên một vùng văn hóa hòa chung  tạo nên một văn hóa xứ Quảng trong lịch sử.
Văn hóa xứ Quảng được hình thành từ nhiều nguồn trong lịch sử, nhưng hai dòng chảy chính góp nên diện mạo ngày nay từ văn hóa Champa và văn hóa Việt. Hai nền văn hóa này do điều kiện lịch sử đã hội nhập, kế thừa, chắt lọc để hình thành nên sự đặc sắc riêng biệt trên vùng đất Quảng, trong đó có Cẩm Lệ. Không gian văn hóa vùng đất này xuất hiện sớm, manh nha từ văn hóa Sa Huỳnh theo suốt tiến trình lịch sử với văn hóa Champa đằng đẵng hơn nghìn năm, cho đến nay gần ngàn năm văn hóa Việt. Hai nền văn hóa của hai tộc người, kế tiếp, hòa trộn nhau, đã góp thêm gam màu lộng lẫy vào nền văn hóa dân tộc đa sắc màu.
I. Văn hóa Champa tầng nền của văn hóa xứ Quảng.
 Văn hóa  Champa được hình thành và phát triển trên vùng đất từ thế kỷ II đến thế kỷ XV với vị thế xứ Quảng là  trung tâm, nơi định đô của vương triều từ thế kỷ V đến thế kỷ X với hai trung tâm lớn là Trà Kiệu( Simhapura và Đồng Dương( Inddrapuurra).Vùng đất Cẩm Lệ vốn là một phần đất của trung tâm ấy, chính vì thế nơi đây cho đến nay còn để lại nhiều dấu tích, di vật của nền văn hóa này. Những kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học cho biết nơi đây còn nhiều di tích được xây dựng có quy mô lớn, điêu khắc mỹ thuật đẹp đóng góp làm nên diện mạo văn hóa Champa trong lịch sử.
1. Di tích phế tích tháp Phong Lệ:
Khu di tích Chàm Phong Lệ phân bố trong 1 không gian rộng lớn, cách quốc lộ 1 khoảng vài trăm mét về phía Đông và cách sông Cầu Đỏ khoảng gần 500m về phía Bắc - Đông Bắc thuộc địa phận Thôn 3, Phường Hòa Thọ Đông, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng. Đây là vùng đất đồn điền Phong Lệ của ông chủ C.Paris – vị điền chủ kiêm học giả.(1)
Trên cơ sở của một kiến trúc tôn giáo Champa trước kia, khi sử dụng vùng đất này làm đồn điền của mình. C. Paris  đã  tìm thấy những tác phẩm điêu đá mà sau này đưa về trưng bày tại BT điêu khắc đá Đà Nẵng., trong đó có tấm trang trí vòm cửa tháp thể hiện điêu múa vũ trụ của thần Shiva có giá trị nghệ thuật cao. Bên cạnh đó là tượng bò Nandin, đá trang trí điểm góc được khắc tạc trang trí đẹp.
Trang trí vòm cửa tháp(Typam)- Phong Lệ
Một thế kỷ sau, trải qua những biến động xã hội cùng điều kiện tự nhiên di tích Phong Lệ lại được “tái phát hiện” và biết đến, nhưng phần nào rõ hơn bởi qua cuộc khai quật khảo cổ học “mở vào lòng đất”.Cuộc khai quật năm 2010 -2011 đã bước đầu xác định quy mô kiến trúc tháp cùng những "nghi lễ thiêng" khi xây dựng tháp với nhiều hiện vật đá trang trí kiến trúc.Những tác phẩm điêu khắc được biết cho thấy có cùng phong cách thể hiện như tác phẩm điêu khắc đá tìm được trước đây tại di tích
Từ tổng thể các di tích, di vật được phát hiện qua khai quật có thể thấy phế tích tháp Phong Lệ  là một khu di tích có quy mô lớn, trang trí mỹ thuật đẹp là một trung tâm tôn giáo lớn được người Chăm xây dựng và sử dụng lâu dài trong lịch sử.Dựa vào kết quả tìm được ban đầu có thể thấy di tích Phong Lệ được người Chăm xây dựng vào cuối  thế kỷ XII thuộc phong cách kiến trúc chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định.
.2. Chùa An Sơn, thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Chùa với được xây
dựng lại khoảng năm 2002 - 2004 kế thừa trên địa điểm của một di tích kiến trúc Champa trước đây.Qua cửa tam quan trước chùa dùng 4 trụ đá sa thạch thuộc kiến trúc Chăm, trong đó có 2 trụ dài ở giữa chạm khắc hoa văn xoắn hình sâu thành từng băng chạy chéo quanh thân trụ. Đây là hai cột cửa của vòm cửa dẫn thuộc kiến trúc tháp Chăm được tận dụng lại, chôn sâu xuống đất.  Hiện vật đá liên quan đến tháp xưa gồm: một bệ bằng đá sa thạch, chạm hai bông sen ngược chiều nhau, mỗi bông có 2 lớp cánh, 7 chân tảng đá kê cột hình vuông.Đặc biệt có một bệ Yoni hình vuông, kích thước 1,14m x 1,14m x 16cm (dài x rộng x dày), chính giữa mặt bệ có lỗ mộng hình vuông (12cm x 12cm) để gá lắp Linga- Yony  Ngoài ra tại địa bàn còn thu được nhiều viên gạch của Chăm màu đỏ từ kiến trúc tháp bị sụp đổ.Bên phải chùa có miếu thờ, trong đó có 1 pho tượng mang phong cách nghệ thuật Chăm có kích thước cao 45cm, rộng vai 25cm được đặt trên bệ bằng đá có kích thước rộng 24,5cm, dài 28cm, cao 11cm.
          Theo sư trụ trì của chùa An Sơn, các hiện vật này đều nằm trong phạm vi của chùa, được phát hiện và thu gom trong quá trình xây dựng chùa mới hiện này. Như vậy, với số lượng hiện vật nhiều, loại hình phong phú, thì có thể chùa An Sơn nằm bên trên một phế tích tháp Chăm.Dựa vào hiện vật thu được cho thấy phế tích kiến trúc tháp này được xây dựng vào thế kỷ IX- X thuộc phong cách nghệ thuật thời kỳ Đồng Dương.
  Nêu những di tích điển hình trên địa bàn Cẩm Lệ, có thể  thấy văn hóa Champa là một phần của văn hóa vùng đất trong lịch sử.
II. Văn hóa Việt- sự kế thừa và phát triển.
 Kể từ khi vùng đất này hội nhập vào lãnh thổ Đại Việt, bên cạnh văn hóa Champa,  con người Việt, văn hóa Việt dần hội nhập và phát triển. Trước hết người Việt vào định cư vùng đất mới, mang theo  biểu trưng văn hóa của dân tộc mình vào xây dựng trên vùng đất  đó là những ngôi đình. Đình ở Cẩm Lệ hiện nay còn khá nhiều, tập trung trên địa bàn người Việt sinh sống lâu đời như : Đình Trung Lương, Tùng Lâm, Lỗ Giáng( Phường Hòa Xuân); đình Hòa An( Phường Hòa An); đình Phong Lệ Bắc( Phường Hòa Thọ Tây) vv... Đây là những công trình tín ngưỡng, mang đậm tính dân tộc, nơi hội tụ tinh thần văn hóa Việt. Những ngôi đình được xây dựng theo kiến trúc truyền thống Việt, nơi thờ cúng tế tự vị thần hoàng bảo trợ cho cộng đồng. Trên vùng đất mới còn thờ các vị tiền hiền khai canh lập làng. Đây còn là nơi diễn ra các nghi lễ, phong tục, các sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng.
Bên cạnh đó là hệ thống di tích miếu thờ, chùa, nhà thờ họ được dựng xây đáp ứng nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của người dân Việt hình thành nên hệ thống di tích ở đây.
Các di tích Việt được xây dựng ở đây theo hai xu hướng:
Các di tích được xây dựng theo quan niệm văn hóa Việt về vị trí, phong thủy, phong cách kiến trúc, phong tục, tập quán cùng các nghi lễ khẳng định bản sắc văn hoá tộc người
 Nhiều di tích tín ngưỡng tôn giáo Việt được dựng xây kế thừa trên địa điểm vùng đất di tích văn hóa Champa. Miếu thờ  thần bên cạnh tháp Phong Lệ, hay chùa An Sơn được xây dựng kế thừa trên nền di tích tháp Champa cổ xưa
Kế thừa trên vùng đất thấm đậm văn hóa Champa, các di tích văn hóa Việt được xây dựng đều lấy các dòng sông chảy trên địa bàn làm trục chính. Dòng sông Yên trên địa bàn Cẩm Lệ cho thấy đây là dòng chảy xuyên xuốt trong nền văn hóa Chăm -Việt. Trước tiên phải khẳng định rằng, trước khi người Việt và văn hóa Việt được hội nhập, đây là địa bàn cư trú lâu đời và đã hình thành lên các đặc trưng văn hóa của cư dân Chăm. Trong suốt quá trình mở rộng lãnh thổ về phương Nam, các lớp cư dân Việt  dần dần tiến vào, sống cộng cư, tiếp thu và tiếp biến các nét văn hóa Chăm rồi dần cải biến hình thành lên những nét của văn hóa Việt, nhưng ẩn chứa trong di tích Việt có các tàn tích của văn hóa Chăm trước đó.
 Trong các loại hình di tích trên, đặc biệt lưu ý đến hai lại hình chính, đó là các miếu thờ - thể hiện sự tiếp biến từ văn hóa Chăm sang văn hóa Việt và các ngôi đình làng – thể hiện nét đặc trưng của văn hóa Việt. Một điều nhận thấy đó là về cơ bản địa bàn cư trú ban đầu của người Việt trùng khớp với địa bàn cư trú của người Chăm.Tuy nhiên, quá trình tồn tại và phát triển, không gian văn hóa của người Việt dần được mở rộng hơn, do vậy địa bàn phân bố các di tích cũng được mở rộng.
          Các di tích của người Việt có sự phong phú hơn với các loại hình thể hiện nét đặc trưng của sinh hoạt cộng đồng, như: miếu thờ, chùa, đình vv...
Về qui mô, các ngôi miếu thờ không thể so sánh được với sự rộng lớn, bề thế của các ngôi đình. Các ngôi miếu nói chung thường chỉ có một hoặc hai gian thờ, thì các ngôi đình thể hiện sự vững chãi với hệ thống kiến trúc khung cột gỗ chắc chắn, kết cấu bộ khung chắc chắn với các kết cấu ngang – dọc. Đồ thờ bên cạnh những di vật mang văn hóa Việt thì những đồ thờ trong các tháp Champa cũng được người Việt trân trọng đưa vào nơi thờ tự của mình. Bệ thờ tháp Champa được đưa vào làm bệ thờ đình Lỗ Giáng là ví dụ.
          Tín ngưỡng của cư dân Chăm là tín ngưỡng thờ mẫu - mẹ xứ sở, khi người Việt vào đây, tín ngưỡng này đã nhanh chóng được người Việt tiếp thu – người Việt cũng có tín ngưỡng thờ mẫu – Mẹ. Mẫu số chung này đã đưa đến sự hòa hợp, cộng cư đan xen giữa hai cộng đồng dân cư, phản ánh buổi đầu đi về phương Nam của người Việt. Các ngôi miếu thờ hiện nay có niên đại trong khoảng thế kỷ 16 – 17, đó cũng là giai đoạn nền móng, có những bước tiến vững chắc của cư dân Việt. Lịch sử ghi nhận, đây cũng là thời kỳ có các bước tiến mạnh mẽ của chính quyền phong kiến trong việc xác lập và quản lý các vùng đất của người Chăm trước đó.
          Các ngôi miếu này đều được xây dựng bởi người Việt, và nằm trên các địa bàn cư trú ban đầu của người Chăm. Phải chăng đây chính là sự ảnh hưởng, tiếp thu các tin ngưỡng của cư dân Việt, một số ngôi miếu có tượng thờ là các tượng mang phong cách văn hóa Chăm.
          Quá trình sinh sống, mật độ cư dân được mở rộng, tính chất cộng cư tăng lên đã hình thành lên các đơn vị xã hội lớn rộng hơn của người Việt, đây là nền tảng kinh tế ban đầu cho sự hình thành tín ngưỡng thờ Thành hoàng – Tiên hiền, hình thành lên các ngôi đình mang đặc trưng về kiến trúc và tín ngưỡng của người Việt. Các ngôi đình ở Cẩm Lệ có niên đại không sớm hơn thế kỷ 18 đã góp phần minh chứng cho vấn đề trên.
          Các ngôi đình ra đời và gắn liền với cộng đồng cư dân Việt quần cư trên một địa bàn rộng, do vậy nơi nào có tính chất quần cư đủ lớn thì nơi đó ngôi đình ra đời và trong một số ngôi đình đã có sự tận dụng, kế thừa các thành phần từ các kiến trúc văn hóa Chăm. Phải chăng điều đó khẳng định, mặc dù đã hình thành một nét kiến trúc mang đặc trưng của cư dân Việt, nhưng vẫn kế thừa yếu tố địa lý tín ngưỡng của cư dân trước đó. Đây có lẽ là sự kế thừa từ những lớp cư dân Việt vào đây sớm hơn – người Việt kế thừa văn hóa Chăm.

          Trong tổng thể văn hóa xứ Quảng nói chung và Cẩm Lệ nói riêng, có thể phân kỳ thành những cơ tầng văn hóa trong lịch sử theo tiến trình: văn hóa Champa - văn hóa Chăm Việt - văn hóa Việt. Các cơ tầng văn hóa kế thừa nhau thành một tổng thể thống nhất, có mối quan hệ khăng khít, tính kế thừa trên cùng vùng đất địa môi trường tạo nên vùng địa văn hóa.Văn hóa Chăm-pa có chiều dài có chiều dài hơn 1000 năm phát triển đã để lại những thành tựu rực rỡ, những đền đài to lớn, mỹ lệ, những tác phẩm điêu khắc tinh xảo mang đậm bản sắc văn hóa tộc người đã từng tỏa sáng trên vùng đất. Khi văn hóa Việt có mặt, những thành tựu văn hóa Chăm-pa được người Việt tôn trọng tiếp thu tôn thờ dần Việt hóa. Những kiến trúc tháp do thời gian đổ nát được người Việt coi là địa điểm thiêng dựng miếu thờ. Những tượng Chăm-pa được người Việt đưa vào các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo của mình, thờ trong miếu, trong chùa, đình… Theo thời gian, văn hóa Chăm hội nhập cùng văn hóa Việt, hai nền văn hóa này không có sự kỳ thị mà tương hợp nhau để hình thành nên văn hóa Việt mang bản sắc phương Nam. Đó chính là những giá trị lịch sử và văn hóa để lại cho đến ngày nay, bất chấp sự thăng trầm của lịch sử, thể hiện sức sống trường tồn của văn hóa Việt trong đó có sự góp mặt của văn hóa Chămpa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét