Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

GIẢNG VÕ TRƯỜNG -  HỌC VIỆN QUÂN SỰ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM

              Đầu thế kỷ XV, sau khi  khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Minh thắng lợi. Nhà Lê được thành lập, cùng với sự phục hưng phát triển kinh tế văn hóa thì việc quan tâm đến xây dựng và phát triển quân đội cũng được triều  đình quan tâm chú ý  để bảo vệ nền độc lập trong đó có việc xây dựng Giảng Võ trường nơi đào tạo chỉ huy và quân sĩ quân đội. Theo tài liệu lịch sử ghi chép từ đầu thời Lê, khu vực phía tây Thăng Long đã được sử dụng, xây dựng thành một trung tâm huấn luyện khảo hạch và diễn tập quân sự của quân đội “ Lê Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ hai ( 1429) ra lệnh cho các tường hiệu và quân nhân các vệ quân 5 đạo tập trận thủy và bộ... niên hiệu Thuận Thiên thời Lê Thái Tổ ở trên núi Khán Sơn dựng điện Giảng Võ, vua thường tới ngự duyệt quân xem bắn”. Thời Lê Thái Tông năm Thiệu Bình thứ nhất ( 1434) ra lệnh cho các quân Ngự Tiền và các vệ quân 5 đạo, đến đầu mùa xuân đều phải đến địa phận Đông Kinh để điểm mục và tập võ nghệ.. Năm 1437 Lê Thái Tông đặt luật lệ khảo thí võ nghệ các tướng hiệu trong các quân vệ như sau: phép thi gồm 3 môn bắn cung, ném tên, đánh mộc... Việc này sau định làm lệ thường. Đời vua Lê Thánh Tông việc huấn luyện quân sĩ trở thành quân lệnh và thể thức đào tạo tướng lĩnh của trường dạy võ Thăng Long được quy định chặt chẽ: các con, cháu trưởng các tước công, hầu, bá, tử, nam và con trưởng các quan văn võ hàm nhị phẩm, tam phẩm nếu xin học võ nghệ sẽ được giao cho các quan thuộc vệ Cẩm Y huấn luyện. Võ sinh hàng ngày phải đến trường Giảng Võ ở phía tây kinh thành tập luyện các môn bắn cung, phóng lao, đâm khiên, cưỡi ngựa... Qua một năm tập luyện, đến tháp chạp võ sinh phải thi sát hạch. Sau 3 năm tập luyện, võ sinh được thi dự tuyển chọn do Bộ Binh đứng ra tổ chức, tùy theo đức tài, công lao mà cất nhắc dần lên...”. Để đáp ứng cho nhu cầu tập luyện, thi, diễn võ bị, tại Giảng Võ Trường, năm 1481 Lê Thánh Tông cho xây dựng điện Giảng võ với quy mô lớn hoàn chỉnh phục vụ cho việc đào tạo tướng sĩ “ Mùa đông tháng 10, đào hồ Hải Trì, hồ này quanh co đến trăm dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ để tập luyện điểm binh mã”. Như vậy đến thời kỳ này toàn bộ  những hoạt động, tuyển chọn, đào tạo, tập luyện và thao diễn quân sự đều được tập trung về một địa điểm đó là  Giảng Võ trường. Giảng Võ trường hoạt động cho đến năm 1664 mới dần mất vai trò của nó, điện Giảng Võ trở thành trường thi văn với tên gọi là Hội thi trường. Trong hơn 300 năm tồn tại, được xây dựng và dần phát triển, Giảng Võ trường là nơi đào tạo tướng lĩnh, huấn luyện binh sĩ của nhà Lê. Đây có thể coi là trường Võ Bị Quốc Gia đầu tiên trong lịch sử quân sự Việt Nam. Việc tuyển chọn, huấn luyện tướng sĩ được quy định nghiêm chỉnh, học đi đôi với hành (thao diễn) để chọn những người có tài đức, công lao mà cất nhắc dần lên. Sau mấy trăm năm biến đổi bể dâu, Giảng Võ trường chỉ còn lại trong ký ức và sử sách ghi chép, người đời sau chỉ biết có một Giảng Võ trường ở phía Tây kinh thành, nơi súng nổ, ngựa hý, quân reo mang âm hưởng hào hùng của một thời vang vọng. Một quá khứ huy hoàng bị chìm trong màu xanh biếc của vườn cây ao cá trong những ngôi làng bình dị ven đô: Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Giảng Võ, Kim Mã, Vạn Phúc của quận Ba Đình, trong đó Ngọc Khánh nổi lên với các gò đất cao trên những vùng đầm hồ quanh khu vực như hồ Ngọc Khánh, hồ Năm Diệm. Năm 1979 làng Ngọc Khánh xã Giảng Võ chuyển thành Phường Giảng Võ, năm 1983 công trường cải tạo hồ Ngọc Khánh phường Giảng Võ được khởi động, dấu vết của một Giảng võ trường xưa dần xuất lộ. Quá trình cải tạo lòng hồ Ngọc Khánh đã phát hiện nhiều di tích kiến trúc cổ, vật liệu xây dựng, vũ khí các loại, đồ gốm sứ của nhiều thời đại; 507 hiện vật thu được được xử lý khoa học, bảo quản và nghiên cứu. Một giả thiết về di tích điện Giảng Võ,  Giảng Võ trường được ghi nhận và được giới khoa học chấp nhận.
Trên một khu đất cao vuông vắn kích thước 60m x 60 m nằm chìm dưới lòng hồ Ngọc Khánh đã tìm thấy dấu tích của 3 nền kiến trúc với dấu vết nền đắp đất tôn cao, đá chân tảng, gạch lát nền trong đó có kiến trúc được xây dựng quy mô lớn 7 gian hai trái. Nhiều đồ gốm sứ có niên đại thế kỷ XV – XVIII... Đặc biệt tại đây đã phát hiện bộ sưu tập vũ khí lớn thời Lê với  hai loại Bạch khí và Hỏa khí. Bạch khí  gồm  400 hiện  vật là vũ khí bằng sắt với nhiều loại hình khác nhau gồm vũ khí
Bản đồ: An Nam bình thắng đồ ( A 2531)
đánh gần và vũ khía đánh xa. Vũ khí đánh gần có dao găm, dao, kiếm các loại, đinh ba, câu liêm... Vũ khí đánh tầm xã có lao, móc câu chùm, mũi tên sắt ba cạnh các loại. Đáng chú ý ở đây còn tìm được dấu tích lò rèn, sỉ sắt, các loại vũ khí rèn chưa hoàn chỉnh, có thể đây là xưởng rèn vũ khí phục vụ huấn luyện cho quân đội tại Giảng Võ trường. Hỏa khí tìm được 29 hiện vật là súng; chủ yếu là súng Lệnh kích thước nhỏ, trong đó có nhiều khẩu đã bị vỡ nòng khi sử dụng. Đạn sử dụng cho súng chủ yếu là đạn đá hình cầu tròn đường kính lớn 5 – 5,5cm, nhỏ nhất 2,5cm – 3cm.. Súng có hai loại : thân súng  hình ống tròn chia làm hai phần, thuôn dần về phía đầu nòng, chuôi cầm liền với thân và thân súng chia làm 3 phần nòng súng, bầu thuốc và chuôi súng. Kỹ thuật chế tác súng là sắt rèn cuộn. Đây là các loại súng được sử dụng huấn luyện binh sĩ, chính vì thế có nhiều khấu bị vỡ nòng khi bắn tập. Có thể nói đây là bộ sưu tập vũ khí phong phú, có giá trị đặc biệt trong việc tìm hiểu trang bị quân đội thời Lê trong lịch sử. Địa điểm,  quy mô kiến trúc, số lượng loại hình vũ khí tìm được,  đối chiếu với ghi chép trong lịch sử có thể thấy đây chính là Giảng Võ trường xưa, nơi đào tạo huấn luyện quân sĩ trong một thời kỳ dài lịch sử. Có thể coi đây là học viện quân sự đầu tiên của quân đội Đại Việt trong thời kỳ gìn giữ độc lập tự chủ.

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam, việc củng cố quân đôi bảo vệ nền độc lập là việc làm quan trọng, thường xuyên của các triều đại. Thời Lý vua Lý Anh Tông thường tập bắn và cưỡi ngựa ở phía nam thành Đại La, gọi là Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện phép đánh giặc phá trận. Thời Trần, Trần Quốc Tuấn thường khuyên bảo các tướng “ Hãy huấn luyện quân sĩ tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ”. Nhưng có lẽ việc huấn luyện quân sĩ có tổ chức quốc gia, quy củ phải đến thời Lê mới được kiện toàn hoàn chỉnh, thể thức đào tạo có bài bản, quy định chặt chẽ, trở thành  quân lệnh. Như vậy Giảng Võ trường được coi là học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét