Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

CHUYỆN GẪU...
MANG GƯƠM ĐI MỞ CÕI
                             Khá lâu rồi, nhân dịp Hà Nội làm đại lễ kỷ niệm 1.000 năm, có người hỏi: Hà Nội kỷ niệm 1000 năm; Huế kỷ niệm 700 năm; Sài Gòn kỷ niệm 300 năm, vậy các thành phố nước ta " già không đều" à ?
Xin thưa đó là kỷ niệm về một quá trình mở cõi của dân tộc Việt trường trinh xuống phương Nam. Không hiểu sao, những ngày như thế, tôi đều nhớ về câu thơ của cụ Huỳnh Văn Nghệ:
Từ thưở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Cụ viết quá đúng, chỉ có người hiểu lịch sử mới viết được như vậy và buồn thay sau này nhiều người trích lại thay đổi thành:
 Từ thưở mang gươm đi mở nước
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Chỉ có những người hiểu lịch sử dân tộc như cụ Huỳnh mới có lòng yêu nước nồng nàn, yêu dân tộc mình và trở thành danh tướng một thời của miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng
Mở cõi khác mở nước.
Nam quốc sơn Hà Nam đế cư
 Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Bản tuyên ngôn độc lập được coi là đầu tiên của dân tộc đã viết như thế. Dù bây giờ còn tranh luận nhau bài thơ thần ấy do Lý Thường Kiệt, hay có từ thời Lê Hoàn viết...
Sau này bản tuyên ngôn độc lập được coi là thứ hai chỉ rõ
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc - Nam cũng khác.
 Đại cáo bình ngô của Nguyễn Trãi đã nói lên bờ cõi, không gian sinh tồn của mỗi dân tộc. Như vậy mỗi tộc người có một cõi khác nhau và dân tộc ta đã đi mở cõi, mở rộng không gian lãnh thổ sinh tồn của dân tộc mình. Để mở được cõi phải có những điều kiện, yếu tố nhất định trong lịch sử dân tộc.
Sau hơn một nghìn năm bi thương chống đô hộ phong kiến Bắc phương, những cuộc đấu tranh giành độc lập bị tắm mình trong máu và nước mắt: cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn... Thế kỷ X dân tộc ta giành được độc lập, xây dựng nhà nước phong kiến độc lập đầu tiên với chiến công chống xâm lăng lừng lẫy trên sóng nước Bạch Đằng của Ngô Quyền, mở đầu cho thời kỳ độc lập. Những tao loạn buổi đầu qua các triều đài Ngô- Đinh - Tiền Lê để đến thế kỷ XI( 1010) nhà Lý chuyển đô về Thăng Long tạo nên nhà nước độc lập vững chắc làm tiền đề, mở đầu cuộc trường trinh cho quá trình mở cõi xuống phương Nam
Chính vì thế sau này Huỳnh văn Nghệ mới viết: mang gươm đi mở cõi từ khi Thăng Long là kinh đô của dân tộc. Để có diện mạo lãnh thổ hành chính nước ta hiện nay, quá trình mở cõi ấy kéo dài gần một thiên niên kỷ với nhiều khúc thăng trầm, máu và nước mắt của bao lớp người đã ngã xuống, đã bồi đắp nên hình hài lãnh thổ Việt Nam. Đây là lý do tôi bắt đầu viết về quá trình mang gươm mở cõi xuống phương Nam. Là ý kiến cá nhân, mọi đăng tải, sử dụng lại đều không có giá trị
( tiếp theo): Bài 1: Vượt ải ngàn năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét