Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015




BÍ ẨN TRA THÀNH ( BÌNH ĐỊNH)
                                                                        
. Trên vùng đất cao  nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bình Định, ven bờ Nam sông Kôn thuộc địa bàn xã Nhân lộc, huyện An Nhơn có một toà thành cổ được nhiều sử sách cùng truyền thuyết địa phương ghi nhận:Thành An Thành. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi “ Thành cũ An thành: tục gọi là thành Bắc ở thôn An thành, phía Đông huyện Tuy viễn, do người Chiêm thành xây, nay đã đổ nát, dấu cũ vẫn còn.”. Sách Đồ Bàn thành ký có ghi chép sơ lược về những toà thành hiện biết của người Chăm nhưng ghi chép về toà thành này đến mức giản lược “…phía Tây Đồ bàn, chỗ ở thôn An thành, tục gọi là thành Tra…”. Truyền thuyết địa phương toà thành này còn nhiều tên gọi khác nhau: Thành Tra, thành Bắc, thành Cư, hay thành Phật Thệ và cho rằng thành An Thành là kinh đô Phật thệ khi người Chăm rời đô vào đây và được xây dựng cùng với cảng Thi nại vào cuối thế kỷ X.Có lẽ do năm tháng cùng sự đổ nát của toà thành, sự lãng quên của con người nên toà thành này hầu như hoang phế.
Cho đến nay trên vùng đất này dấu vết toà thành vẫn còn  như một minh chứng của lịch sử thời đã qua. Khảo sát dấu vết để lại cho thấy:đây là toà thành có quy mô lớn, cấu trúc phức tạp có vai trò quan trọng là trung tâm quân sự, kinh tế trong lịch sử Vijaya.Cấu trúc thành có hai khu độc lập nhưng hoà quyện nhau tạo thành một tổng thể thống nhất.Khu Đông thành Tra có bình đồ hình chữ nhật, hướng Đông Tây, các tường thành được đắp cân đối các góc vuông quy chỉnh.Tường thành phía Đông dài 345m chạy theo hướng Bắc Nam, cao 3m – 5m, mặt tường thành rộng 28m – 31m.Gần chính giữa tường thành phía Đông, cách tường thành phía Bắc 127m có cửa nước cắt ngang tường thành rộng 27m thông với hệ thống bàu nước bên ngoài. Hệ thống bàu nước này được nói thông thuỷ với hệ thống nước sông Kôn làm thành hệ thống hào tự nhiên dưới chân thành.Tường thành phía Nam chạy theo hướng Đông Tây dài 943m, hiện còn cao 2m – 3m, mặt rộng 27m – 32m, Tường thành phía Tây dài 352m chạy theo hướng Bắc nam song song với tường thành phía Đông, dấu vết hiện còn cao 2m – 3m, mặt tường rộng 7m – 10m được đắp bằng gạch vỡ trộn đất đầm lèn vững chắc, có khả năng ven tường thành xưa có công trình kín trúc với những gò đống gạch vỡ ngổn ngang. Tường thành Bắc dài 947m chạy theo hướng Đông Tây, song song với tường thành Nam, dấu vết hiện còn cao 0,7m – 1,0m, mặt tường rộng 3m – 5m. Tường được đắp bằng đất trộn gạch đầm lèn vững chắc. Chính giữa tường thành là một gò đất cao 6m – 8m, diện tích rộng khoảng trên 200m2 , trong lòng ẩn chứa toàn bộ gạch kiến trúc sụp xuống được gọi tên gò Cột Cờ. Bên ngoài dưới chân thành là sông Kôn cuộn chảy làm thành hào tự nhiên  bảo vệ  và cũng là con đường thuỷ lưu thông  thành với bên ngoài .                    
Khu phía Tây liên kết với khu Đông bởi tường thành phía Tây khu Đông. Khu phía Tây hình chữ nhật hướng Đông Tây. Tường thành phía Nam liên kết kéo dài với tường thành Nam khu Đông nhưng lùi xuống về phía Bắc 134m và bắt góc với tường thành phía Tây khu Đông. Tường thành dài 440m, dấu vết còn lại cao1,5m – 2m, mặt tường rộng 10m – 15m. Tường đắp bằng đất trộn gạch đầm lèn chắc , bên ngoài là hào, hào rông 3m – 5m , hiện sâu 1,8m – 2,5m ,nước hào lưu thông với hệ nước hào quanh thành và vùng nập nước phía Nam thành.Tường thành phía Tây chạy theo hướng Bắc nam dài 243m, dấu vết còn lại cao1,5m – 2,3m, mặt tường rộng 15m – 21m, đắp bằng đất trộn  gạch đầm lèn vững chắc.Tường thành Tây bắt góc với tường thành Nam uốn cong hình cánh cung. Chính giữa tường thành Tây cắt ngang là cửa rộng 30m. Đây có thể là cửa nhận nước từ sông Kôn vào thành. Bên ngoài tường thành là hệ thống hào rộng 3m – 5m , sâu 1,8m – 2,5m. Tường thành phía Bắc nói thẳng với tường thành Bắc khu Đông tạo nên dải tường thành thống nhất. Tường còn lại cao 1,2m – 1,5m, mặt rộng 8m – 10m chính giữa có cửa thông với sông Kôn. Trong lòng khu tây là vùng đất rộng phẳng, theo tên gọi hiện nay đây là khu đồng Máng mà tương truyền đây là vịnh thuỷ quân của Champa khi xưa. Tại đây khi khảo sát đã tìm thấy khá nhiều mảnh gốm sứ của nhiều thời đại, đa phần là các mảnh gốm sứ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Nhìn tổng thể thành Tra là toà thành quy mô lớn được đào đắp kiên cố, bên ngoài có hệ thống hào quanh thành nối liên kết hoàn chỉnh vây ba mặt, riêng phía Bắc sông Kôn là con hào tự nhiên hiểm trở che chắn mặt Bắc khu thành quan trọng này .
Trong long thành có các công trình kiến trúc quy mô lớn được trang trí đẹp. Hiện nay trong lòng thành còn các gò đống kiến trúc xưa sụp đổ mang tên Gò Gach, Gò Cây Me, Bàu Thị , Bàu Mẹt , Bàu Tròn…
Ngoài dấu vết kiến trúc thành hiện còn, kết quả khảo sát cho thấy trong lòng thành còn dấu tích nhiều công trình kiến trúc đổ nát chính giữa thành nội. Kiến trúc được xây chủ yếu bằng gạch, kích thước lớn dài 0,42m, rộng 0,24m , dày 0,12m có màu đỏ nhạt, độ cứng cao. Kỹ thuật xây như kỹ thuật xây các tháp Champa. Ngoài gạch là vật liệu xây dựng chủ yếu còn có nhiều mảnh ngói âm dương kích thước lớn, đầu ngói ống trang trí hình hoa thị, mảnh đất nung trang trí diềm mái vv.. Chứng tỏ đây là một công trình kiến trúc có quy mô lớn được trang trí đẹp. Bên cạnh đó là các thành phần kiến trúc đá, các thanh lanh tô ngang cửa, ngỗng cửa đục lỗ tròn, đặc biệt trong đống gạch đá đổ nát còn tìm thấy một phù điêu tượng thần phúc Lộc( Kubera) bán thân khá đẹp, một phù điêu thể hiện vũ nữ múa.
Phù điêu Nữ Thần Phúc Lộc( Kubera)
Tại địa điểm mang tên ngã ba bà Tề, ven tường thành đã tìm được nhiều phù điêu gốm nung thể hiện các vũ nữ, tu sĩ, các hình trang trí góc kiến trúc. Đây là thành phần gốm nung dùng để trang trí các công trình kiến trúc được xây dựng trong thành. Những hiện vật tìm được cho thấy trước kia tòa thành này có nhiều công trình xây dựng bên trong khá nguy nga lộng lẫy. Niên đại các hiện vật này đều có trước thế kỷ X , trước khi người Chăm chuyển đô về đây.
Là vùng đất trung tâm trên lãnh thổ người Chăm quản lý dọc dải đất miền Trung, châu ViJaya là một châu quan trọng, giàu sản vật, kinh tế phát triển với Thi Nại cảng giao lưu thuận lợi với bên ngoài. Thành Tra lại là hạt nhân của vùng đất, nối liền với thương cảng Thi Nại. Chắc chắn đây là trung tâm chính trị, kinh tế , văn hóa của châu ViJaya trong lịch sử. Thế kỷ XI sau nhiều biến động xã hội, người Chăm chuyển kinh đô về đây, có thể thành Tra giữ vai trò kinh đô trong những năm tháng đầu và trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của người Chăm. Sau nhiều năm dựng xây phát triển, người Chăm chọn và xây dựng một kinh đô mới- Thành Chà Bàn (Nhân Hậu - An Nhơn) cách Tra thành không xa , mở ra thời kỳ mới phát triển huy hoàng của người Chăm trong lịch sử.
Những hiện vật đất nung gốm thành Tra
Nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bình Định, được xây dựng quy mô lớn , kết cấu phức tạp, tạo dựng vững chắc, thành Tra chắc chắn có vị trí quan trọng trong lịch sử Champa và là kinh đô giai đoạn đầu khi nhà nước Champa chuyền về định đô trên vùng đất Vijaya, với những hiện vật tìm được hẳn là chưa đủ để hiểu về tòa thành.
 Theo tài liệu lịch sử ghi chép thời nhà Lý đã tiến quân vào đây, binh lửa đã hủy hoại tòa thành và sau đó người Chăm chuyển đô đến vùng đất Chà Bàn( Nhơn Hậu) ngày nay.  Nhưng một thời kỳ đây là kinh đô của người Chăm vẫn để lại nhiều dấu tích. Còn nhiều điều bí ẩn của tòa thành ẩn dấu trong lòng đất cần được quan tâm nghiên cứu./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét