Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

VÀI NÉT VỀ TIỀN TỆ THỜI LÊ
 SỰ TRỞ LẠI CỦA ĐỒNG TIỀN CHẤT LIỆU ĐỒNG

 Sau cuộc  khởi nghĩa kháng chiến trường kỳ “nếm mật nằm gai” giành lại độc lập dân tộc, năm 1428 Nhà Lê chính thức được thành lập với ông vua đầu tiên là vị thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn- Lê Lợi. Cuộc xâm lược tàn khốc của giặc Minh với chính sách vơ vét tận diệt cả kinh tế và văn hóa đã làm cho nền kinh tế dân tộc bị suy kiệt. Cùng với việc khuyến khích phục hồi nền kinh tế, xây dựng lại đất nước bị đổ nát sau chiến tranh,  nhà Lê đã dùng đồng tiền làm động lực để phục hưng lại nền kinh tế dân tộc. Nhà Lê giai đoạn đầu ( hay gọi là Lê Sơ) kéo dài  100 năm( 1428 -1527) với 8 đời vua với nhiều lần đúc tiền để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.  Ngay sau khi lên ngôi để đảm bảo lưu thông kinh tế trong cả nước vua Lê đã cho “ Đúc tiền Thuận Thiên thông bảo, cứ 50 đồng là một tiền”. Đồng tiền đúc thời điểm này có hai ý nghĩa, khẳng định sự xuất hiện của một triều đại mới, bước đầu khẳng định lại sự quay lại của tiền chất liệu đồng. Quy định này còn nâng cao giá trị của đồng tiền bởi nhà Trần trước kia có “ quy định trong dân gian tiêu tiền  thì mỗi tiền là 69 đồng, dùng chính thức là 70 đồng”. Năm tháng sau, quan điểm đúc tiền của thời Lê được thể hiện rõ trong tờ chiếu viết ngày 5  tháng 7 năm Thuận Thiên thứ hai ( 1429) của Lê Thái Tổ khi “ra lệnh cho các đại thần và các quan văn võ trong ngoài họp bàn về quy chế đồng tiền”. Chiếu viết “ Tiền là mạch máu của sinh dân, không thể không có. Nước ta vốn có mỏ đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị nhà Hồ hủy bỏ, trăm phần chỉ còn được một. Đến nay việc nước, việc quân thường hay bị thiếu. Muốn cho tiền được lưu thông sử dụng để thuận lòng dân há chẳng khó sao...” Tờ chiếu cho biết “ Mới rồi có người dâng thư trình bày, xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra cách gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng, lại được lưu hành như vật hữu dụng trong dân thực không phải là ý nghĩa yên dân dùng của”. Và “ Truyền cho các đại thần trăm quan và những người hiểu việc đời ở trong, ở ngoài đều nghị bàn quy chế đồng tiền cho thuận lòng dân...để làm phép hay của một đời”. Nội dung tờ chiếu đã đánh dấu chấm hết, khai tử cho sự có mặt của tiền giấy ở Việt Nam trong lịch sử và sự quay trở lại của tiền đồng- phép hay của một đời- trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.
I Các đồng tiền đúc thời Lê ( 1428 -1527)
1.Lê Thái Tổ ở ngôi  5 năm ( 1428 -1433).  Khi vừa lên ngôi ông đã chú trọng việc mở xưởng đúc tiền và sử dụng đồng tiền trong nền kinh tế quốc dân. Sử cũ  ghi lại,  cuối năm 1428, ông đã cho đúc tiền Thuận Thiên thông bảo và quy định  50 đồng là một tiền. Đồng tiền này hiện nay chưa  thấy có  mặt khi nghiên cứu

khảo cổ và trong sưu tập của các nhà sưu tập tiền. Niên hiệu Thuận Thiên  thấy xuất hiện tiền Thuận Thiên nguyên bảo. Tiền hình tròn, đường kính 2,5cm, vành biên rộng trơn; giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc trên trước, dưới sau, phải trước, trái sau, nét chữ sắc gọn. Mặt sau để trơn. Đồng tiền này có lẽ được đúc sau năm 1429 khi triều đình bàn xong quy chế
Thuận Thiên nguyên bảo
đúc tiền và chính thức đúc tiền mới lưu hành rộng rãi trong nhân dân.
2. Lê Thái Tông ở ngôi 9 năm ( 1434 – 1442). Mặc dù khi lên ngôi mới 11 tuổi nhưng là người “ thiên tư sáng xuốt, nối vận thái bình”,  ngay sau khi cầm quyền, nhận rõ vai trò đồng tiền trong mạch máu lưu thông, giá trị của đồng tiền trong nền kinh tế cùng với sự khan hiếm của đồng tiền trong giao lưu hàng hóa xã hội ông ra lệnh chỉ: “ Từ nay về sau, tiền đồng sứt mẻ nhưng còn xâu dây được thì phải lưu thông tiêu dùng, không được chê bỏ, nếu đã mẻ gãy không xâu dây được nữa thì thôi không tiêu. Người nào trái lệnh từ chối không nhận, hay kén chọn tiền lành thì phải tội như nhau”. Chính vì thế ở ngôi 9 năm ông đã cho
đúc hai đồng tiền mang niên hiệu triều đại mình. Năm 1434 ông đổi niên hiệu là Thiệu Bình và cho đúc tiền Thiệu Bình thông bảo.Tiền Thiệu Bình thông bảo có hình tròn, vành biên rộng nhẵn, đường kính 2,5cm. Giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Mặt sau phẳng nhẵn.
Thiệu Bình Thông bảo
 Năm 1439 vua Lê lại có quy định mới về tỷ lệ quy đổi đồng tiền “ Tháng 3 ra lệnh chỉ quy định số đồng của một tiền... Hễ tiền đồng thì 60 đồng là một tiền”.
Năm 1440 ông lại đổi niên hiệu mới là Đại Bảo ( 1440 – 1442 và cho đúc đồng tiền mới theo quy định trên – tiền Đại Bảo thông bảo. Đại bảo thông bảo có hình tròn, đường kính 2,5cm; vành biên hơi hẹp để trơn. Giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc  trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Chữ viết gọn, nét sắc sảo. Năm 1442, Lê Thái Tông mất. Lê Nhân Tông Lên ngôi.
Đại bảo thông bảo
3. Lê Nhân Tông ở ngôi 17 năm (1443 -1459), ngay khi lên ngôi ông cho đổi niên hiệu là Thái Hòa, niên hiệu này kéo dài đến năm 1453, và cho đúc tiền Thái
Hòa thông bảo. Tiền Thái Hòa thông bảo có hình tròn, đường kính 2,5cm cách thể hiện thống nhất với đồng tiền Đại Bảo thông bảo trước đó, chỉ khác về niên hiệu đúc. Năm 1453 “ vua bắt đầu đích thân coi chính sự, đổi miếu hiệu” là Diên Ninh và năm Diên Ninh thứ nhất 1454 “ Mùa xuân tháng giêng đúc tiền Diên Ninh”. Tiền Diên Ninh thông bảo hiện nay tìm thấy có đến 4 loại
Thái Hòa thông bảo
khác nhau thể hiện qua những chữ viết trên tiền, điều này cho thấy có thể có 4
lần đúc loại  tiền này, hoặc có 4 xưởng hay 4 loại khuôn dùng để đúc tiền. Điều này cho thấy số lượng tiền loại này được đúc và lưu hành khá nhiều trong đời sống kinh tế.
4. Lê Nghi Dân ở ngôi 2 năm(1459 -1460) và đúc tiền một lần. Năm 1459 Lạng Sơn vương Nghi Dân thoán
Diên Ninh thông bảo
nghịch giết vua Lê Nhân Tông tự lập làm vua. Đổi niên hiệu là Thiên Hưng, đồng tiền đến giai đoạn này  đã được coi là sự biểu hiện của quyền lực, cho nên Nghi Dân dù chỉ cầm quyên 2 năm nhưng đã kịp cho đúc tiền để khẳng định niên hiệu ngôi báu của mình. Tiền Thiên Hưng thông bảo được đúc mang đặc điểm của tiền thời Lê Sơ với hình tròn, đường kính 2,5cm. Giữa có lỗ vuông. Chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc trên trước, dưới sau, phải trước, trái sau. Nét chữ sắc gọn. Mặt sau trơn phẳng.
5. Lê Thánh Tông ở ngôi 38 năm ( 1460 -1498), có 2 đồng tiền được đúc trong thời gian này. Sau sự biến Nghi Dân, các công thần nhà Lê đấu tranh giành giật lại ngôi báu. Năm 1460 Lê Thành Tông lên ngôi đổi niên hiệu là Quang Thuận cho đúc tiền mang niên hiệu Quang Thuận thông bảo và ra lệnh “ Nghiêm cấm việc
Thiên Hưng thông bảo
loại bỏ tiền đồng”. Tiền Quang Thuận thông bảo được đúc có vành biên hơi rộng nhẵn, đường kính 2,5cm, chữ viết như các đồng tiền trước thời Lê Sơ. Theo các
nhà nghiên cứu tiền cổ phân tích tiền Quang Thuận thông bảo  có nhiều loại tiền to chữ to, tiền to chữ mảnh, tiền nhỏ chữ to, tiền to chữ nhỏ. Chữ viết cũng khác nhau, chữ thông và chữ bảo có nhiều cách viết khác nhau. Chính vì thế cho rằng trong 9 năm niên hiệu Quang Thuận, năm nào cũng có đúc tiền và có nhiều xưởng đúc tiền khác nhau, đủ số lượng đưa đồng
Quang Thuận thông bảo
tiền ra lưu hành trên thị trường trong nền kinh tế phát triển. Năm 1470 Lê Thánh Tông đổi niên hiệu là Hồng Đức. Niên hiệu Hồng Đức kéo dài 28 năm; đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc Việt trên nhiều lĩnh vực, kinh tế văn hóa, xã hội. Thăng Long- Đông Đô trở thành trung tâm thương mại lớn, buôn bán nhộn nhịp, nhiều ngành nghề, thuyền buôn các nước ra vào nhộn nhịp, nhu cầu sử dụng đồng tiền lớn và Lê Thánh Tông cho đúc tiền  Hồng Đức thông bảo .
Tiền Hồng Đức thông bảo được đúc nhiều lần, liên tục trong lịch sử. Những đồng tiền Hồng Đức Thông Bảo tìm được cho thấy có nhiều loại tiền khác nhau. Về cơ bản tiền hình tròn, kích thước tương đồng nhau, đường kính 2,5cm, giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm cách đọc trên trước, dưới sau, phải trước trái sau. Mặt
Hồng Đức thông bảo
sau để trơn. Các đồng tiền khác nhau thể hiện qua chữ viết, to nhỏ; biên tiền rộng hẹp. Đồng tiền được đúc chất lượng đồng cao, chữ viết gọn sắc, tiền dày đẹp. Đúng như sắc chỉ  vua ban ngày 1 -5 năm 1486 nói rõ “ Việc dùng tiền, quý ở chỗ trên dưới lưu thông; chứa ở kho tàng quý ở chỗ để lâu không hỏng”. Những đồng tiền thời Hồng Đức được đúc ra đã đảm bảo yêu cầu này của nhà nước


HHHHH





6. Lê Hiến Tông ở ngôi 7 năm (1498 -1504) thừa hưởng những thành tựu mà vua cha để lại. Để kích thích nền kinh tế phát triển ông đã nhiều lần cho đúc tiền
theo niên hiệu triều đại mình: Cảnh Thống Thông bảoTiền Cảnh Thống thông bảo vẫn duy trì theo kích thước, mẫu tiền  Hồng Đức thông bảo. Tiền được đúc hình tròn, đường kính 2,5cm. Giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Chữ viết gọn, nét sắc xảo. Mặt sau trơn phẳng. Tiền  đúc
Cảnh Thống Thông bảo
chất liệu đồng tốt, thường dày nặng có đồng nặng đến 5- 6gram . Tiền Cảnh Thống thông bảo có nhiều loại, sự khác nhau thể hiện qua chữ viết cho thấy tiền có thể được đúc nhiều lần với nhiều khuôn khác nhau chứng tỏ nhu cầu sử dụng tiền khá rộng rãi phổ biến.
7. Lê Uy Mục ở ngôi 4 năm ( 1505 -1509) đúc tiền Đoan Khánh thông bảo.
Lê Hiến Tông mất, Lê Túc Tông lên ngôi 1 năm thì mất. Dù cố gắng “ sửa sang nghiệp lớn, dựng đặt gốc lớn” như “ tha tù nhân, thả cung nữ, ngừng những việc
không cần kíp, giảm những việc nặng nhọc” nhưng có lẽ thời kỳ này ông không phát hành tiền mới, mặc dù khi lên ngôi ông cho đặt niên hiệu mới là là Thái Trinh. Cho đến nay chưa tìm thấy sự có mặt của đồng tiền mang niên hiệu Thái Trinh. Lê Uy Mục lên nối ngôi đổi niên hiệu là  Đoan Khánh. Vua Uy Mục ăn
Đoan Khánh thông bảo
chơi xa xỉ “ xây cung thất to, làm vườn hoa rộng” cho nên cần nhiều tiền và ông cho đúc tiền Đoan Khánh thông bảo bổ xung tiêu dùng vào hệ thống tiền tệ nhà Lê. Tiền Đoan Khánh thông bảo được đúc theo thể thức tiền nhà Lê, chỉ khác có niên hiệu đề ghi trên mặt trước tiền, đường kính tiền 2,5cm, chữ viết tuân thủ theo phép đúc tiền nhưng đồng tiền mỏng nhẹ hơn tiền Cảnh Thống Thông bảo
 7.Lê Tương Dực ở ngôi 6 năm ( 1510 -1516) lấy niên hiệu là Hồng Thuận. Vua “ chơi bời vô độ, xây dựng liên miên” bị giết ở cửa nhà Thái học. Trong những
năm cầm quyền, Lê Tương Dực cho đúc tiền Hồng Thuận thông bảo. Tiền Hồng Thuận thông bảo được đúc theo điển lệ tiền nhà Lê. Đây là lần đúc  tiền theo niên hiệu để khẳng định ngôi báu của mình bởi Lê Tương Dực giết vua tự lập làm vua. Tiền Hồng Thuận thông bảo, hình tròn, kích thước đường kính 2,5cm, chữ viết nét gọn sắc sảo.
Hồng Thuận thông bảo
8.Lê Chiêu Tông ở ngôi 7 năm ( 1516 -1522) lấy niên hiệu là Quang Thiệu. Đây là thời kỳ loạn lạc rối ren của xã hội Việt Nam. Các vua Lê càng về sau càng chơi bời vô độ, cuộc trành giành quyền bính trong nội bộ cung đình quyết liệt, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp, vua phải bỏ các kinh đô đi lánh nạn. Kinh tế Việt Nam có phần sa sút điêu tàn.
Mặc dù vậy, thời kỳ này Lê Chiêu Tông cho đúc tiền  Quang Thiệu thông bảo làm đồng tiền lưu hành đánh dấu niên hiệu của mình. Tiền Quang Thiệu thông bảo  được đúc theo điển lệ tiền thời Lê với kích thước tương tự, đường kính 2,5cm. Niên hiệu viết trên mặt trước theo quy tắc. Chữ viết gọn, nét sắc sảo.
Quang Thiệu Thông bảo
Sự biến loạn cung đình ngày càng khốc liệt, năm 1522 Lê Chiêu Tông phải bỏ chạy. Mạc Đăng Dung lập em vua Chiêu Tông là Lê Cung Hoàng, húy là Xuân lên làm vua, đổi niên hiệu là Thống Nguyên. Cung Hoàng Đế ở ngôi 5 năm ( 1522 -1527). Thời kỳ này sử cũ ghi lại không thấy có sự đúc tiền, nhưng trong hệ thống tiền cổ có tiền Thống Nguyên. Theo các nhà nghiên cứu, đồng tiền này còn phải tiếp tục nghiên cứu mới khẳng định được niên đại.
II. Những đồng tiền thời Lê- sự quy chuẩn của tiền tệ Việt Nam.
 Trong 100 năm buổi đầu nhà Lê với 8 triều đại đúc tiền cho thấy đồng tiền Việt Nam đã có vai trò quan trọng trong đời sống. Tiền giấy đời Hồ đã hoàn toàn được thay thế bởi tiền đồng, tiền giấy mặc dù buổi đầu có ý kiến nên duy trì bởi sự tiện ích trong sử dụng nhưng vẫn bị coi là “ thứ vô dụng” và tiền đồng là hữu dụng “chứa ở kho tàng quý ở chỗ để lâu không hỏng”.
Sự trở lại của tiền chất liệu đồng được chuẩn hóa bằng những quy chế của nhà nước. Nhà nước ban hành các quy chế cụ thể về đồng tiền và độc quyền đúc tiền. Chính vì thế các đồng tiền đúc thời này khá thống nhất về kích thước, cách thể hiện. Dù ở triều đại nào, các đồng tiền đếu đúc khá quy chuẩn, chỉ khác nhau về niên hiệu . Đây là lần đầu tiên đồng tiền Việt Nam có quy định chặt chẽ trong chế tác, được bảo trợ bởi pháp luật. Sự trở lại của tiền đồng, hạn chế được việc đúc tiền giả đã manh nha xuất hiện tiền giấy giả dưới triều Hồ.
Tiền được đúc nhiều, lưu thông khá phổ biến trong nhân dân. Đồng tiền giai đoạn này đã phát huy hết năng lực đảm nhận. Tiền được trả lương bổng cho quan lại, tiền dùng làm vật ban thưởng, tiền sử dụng đóng thuế các loại, tiền được sử dụng mua quan bán chức, tiền sử dụng nộp phạt, tiền lưu thông trong buôn bán vv... Và nhà nước có những kho tiền lớn dự trữ cho ngân khố quốc gia. Có thể nói đồng tiền đã trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội và ngược lại đồng tiền bắt đầu làm rối ren quan hệ xã hội bởi ma lực từ nó. Đồng tiền ra đời đẻ phục vụ con người thì cuối giai đoạn này con người đã bị phụ thuộc vào đồng tiền và mọi hoạt động xã hội, các mối quan hệ dần bị đồng tiền chi phối. Đó là những yếu tố tiềm ẩn để giai đoạn sau đồng tiền phát huy hết ma lực của nó trong đời sống xã hội./.
 
VÀI NÉT VỀ TIỀN TỆ VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ
          Tiền tệ xuất hiện  khi nào trong lịch sử xã hội loài người? Vị trí, vai trò  chi phối của tiền tệ trong đời sống kinh tế, xã hội và tình cảm của con người như thế nào từ khi xuất hiện cho đến nay vẫn là một đề tài kinh tế và xã hội luôn được mọi người quan tâm tìm hiểu và tìm cách lý giải.Trước hết, trong xã hội loài người từ buổi đầu kinh tế khai thác tự nhiên, do nhu cầu trao đổi vật dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống đã xuất hiện vật trung gian.  Vật trung gian  xuất hiện  để thuận lợi cho việc trao đổi đạt mục đích sử dụng là một nhu cầu tất yếu. Vật trung gian quy định được cộng đồng người chấp nhận làm cơ sở giao dịch. Ban đầu con người lựa chọn vật có giá trị trao đổi  sẵn có trong tự nhiên đến khi xuất hiện vật trung gian được con người chế tác ra với mục đích thay thế vật trung gian tự nhiên-  từ đó con người gọi đó là Tiền. Tiền từ khi xuất hiện cho đến nay không chỉ dừng lại vai trò là vật trung gian kinh tế mà còn tham gia vào các hoạt động xã hội, tín ngưỡng khác như: tiền sử dụng trong các trò chơi; sử dụng trong tín ngưỡng, chôn theo người mất, tiền thưởng công cao, tiền bùa vv.... Đồng tiền ngày càng khẳng định giá trị qua các thời kỳ lịch sử cho đến ngày nay.
Tại Trung Quốc vật trung gian ban đầu được sử dụng là Vỏ Sò. Vỏ sò dùng làm tiền ngày càng hiếm, sau này người ta dùng đá, gỗ, xương tạo nên hình con sò để thay thế.Tài liệu khảo cổ học và dân tộc học  ở Việt Nam cho thấy cùng như nhiều tộc người trên thế giới ban đầu  một số tộc người cũng lấy ốc làm vật trung gian trao đổi.  Ốc tiền  dùng để trao đổi sản phẩm thu lượm, trồng trọt, mua bán lương thực, thực phẩm, công cụ sản xuất .Hai con ốc tìm được bỏ trong hốc mắt của một sọ người ở ngôi mộ tại địa điểm Phai Vệ(Tuyên Quang) thuộc thời đại đồ đá mới là loại ốc Cypriea arabica, có thể đây là một loại tiền; hay ốc sử dụng làm tiền được phát hiện ở  các di tích xóm  Thàm – Quảng Bình, Mán Bạc – Ninh Bình, Quảng Ninh thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí. Đây có thể coi là giai đoạn nguyên thuỷ của tiền.
Bước vào thời kỳ lịch sử, cùng với sự chuyển biến về kinh tế sản xuất, tiền kim loại xuất hiện, thay thế cho các loại tiền từ tự nhiên ( vỏ ốc). Như vậy về cơ bản tiền là vật trung gian trao đổi xuất hiện từ thời nguyên thủy và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa cho đến ngày nay.
 Tại Việt Nam, do điều kiện lịch sử từ những năm đầu công nguyên đến năm 938 tộc người Việt bị đô hộ, nước ta trở thành quận huyện của các triều đại phong kiến phương Bắc. Những đồng tiền sử dụng trong nền kinh tế nước ta đều do các triều đại phong kiến Trung Hoa chế tác và sử dụng lưu thông. Vào những năm  trước công nguyên  loại “đao tiền” thời Tây Hán xuất hiện. Tiền được chế tác bằng chất liệu sắt, có hình con dao nhỏ. Loại hình này cho đến nay tìm được không nhiều tại mộ Việt Khê (Hải Phòng). Bên cạnh đao tiền còn có tiền Bán Lạng( nửa lạng), tiền Ngũ Thù. Tiền Bán Lạng tìm được tại nhiều khu vực được coi là những trung tâm kinh tế buổi đầu như :Luy Lâu(Bắc Ninh); Cổ Loa (Hà Nội); Đông Sơn (Thanh Hóa). Tiền Ngũ Thù tìm được nhiều tại các ngôi mộ cổ tại Đông Triều (Quảng Ninh) Luy Lâu; Tiên Sơn; Yên Dũng (Bắc Ninh) Hội Thống (Hà Tĩnh)... xa hơn là  Điện Bàn; Hội An (Quảng Nam). Sự có mặt rộng khắp của các đồng tiền Trung Quốc trên địa bàn nước ta đã nói lên sự giao lưu trao đổi khá phổ biến có tính khu vực hình thành nền kinh tế thương mại phát triển. Các triều đại về sau xuất hiện các loại tiền:Tiền Hoá tiền,  Thái Bình Bách tiền, Đại tuyền ngũ thập vv...Đầu thế kỷ VII nhà Đường (năm 621), Đường Cao tổ bắt đầu có sự cải cách lớn về hệ thống tiền tệ. Trên đồng tiền đúc ngoài niên hiệu, tiền có chữ Thông bảo, Trọng bảo  như : Khai Nguyên thông bảo, Càn nguyên trọng bảo. Cuộc cải cách này là cơ sở để các đồng tiền đúc về sau tuân thủ, mặc dầu mỗi thời đại có sự biến, cách tân  khác  nhau.  Cho đến nay, trong một nghìn năm tối tăm trong đêm trường Bắc thuộc có thể thấy đồng tiền lưu hành trong xã hội cơ bản là do các triều đại phong kiến Trung Hoa phát hành. Các đồng tiền này được chế tác từ kim loại đồng, hình tròn, giữa có lỗ vuông hoặc tròn tùy theo thời đại, trên tiền có đúc các dòng chữ biểu thị niên đại sự xuất hiện của đồng tiền. Nhiều đồng tiền được chế tác chất lượng cao, tiền dày, chất lượng đồng tốt, chữ đúc gọn đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng mãi về sau như đồng Khai Nguyên thông bảo.
 Bước vào kỷ nguyên độc lập, cùng với việc xây dựng chính quyền, quân đội thường trực Trung ương, các triều đại phong kiến Việt Nam khẳng định nền tài chính dân tộc riêng bằng cách đúc và lưu thông những đồng tiền của triều đại mình.
 Triều đại độc lập đầu tiên Ngô Quyền, chúng ta chưa tìm thấy được đồng tiền Việt Nam riêng. Đến thời Đinh Tiên Hoàng sau khi  dẹp loạn các sứ quân, thống nhất lãnh thổ, xây dựng chính quyền tập quyền trung ương “dựng đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện đặt triều nghi – theo Đ VSKTT tr 211” ông đã cho phát hành đồng tiền riêng của triều đại mình đó là đồng Thái Bình Hưng Bảo
Tiền Thái Bình Hưng bảo  đúc từ chất liệu đồng, khá mỏng, có hình tròn đường kính 2,2cm – 2,35cm, bên ngoài có riềm tròn rộng phẳng. Chính giữa là lỗ có hình vuông, chữ được viết nổi đối xứng qua lỗ vuông (Thái trên- Bình dưới; Hưng bên phái, Bảo bên trái). Hình dáng tiền  có thể  biểu hiện tư duy cội nguồn về vũ trụ: Trời tròn, đất vuông, bắt nguồn từ thuở Vua Hùng dựng nước. Sau lưng đồng tiền có một chữ Đinh. Các nhà nghiên cứu tiền cổ đều thừa nhận, đó là đồng tiền nhà Đinh sản xuất lưu hành, không thể nhầm  với bất kỳ đồng tiền nào khác trong và ngoài nước. Tiền Thái Bình Hưng bảo là đồng tiền đầu tiên của Việt Nam, góp phần khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc trên các lĩnh vực. Tiền lần đầu tiên xuất hiện nên số lượng  tìm được chưa nhiều và hạn chế bởi không gian  chủ yếu tìm thấy ở Hoa Lư – vùng kinh đô cũ và đồng bằng Bắc Bộ.

 Mặt trước tiền thời Đinh
Mặt sau tiền thời Đinh
Thời Tiền Lê, năm 984 trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế và giao thương trao đổi; Lê Hoàn cho lập xưởng đúc tiền Thiên Phúc trấn bảo. Tiền Thiên Phúc kế thừa hình dáng và kích thước như tiền thời Đinh, có hình tròn, đường kính 2,2cm -2,4cm. Giữa có lỗ hình vuông, mặt trước có chữ viết chân phương niên hiệu của triều đại. Mặt sau lưng có chữ Lê , chữ đúc gọn nổi sắc nét. Tiền Thiên Phúc sau này tìm được ở nhiều nơi: cố đô Hoa Lư, thành Thăng Long, thương cảng Vân Đồn và nhiều nơi khác, những trung tâm kinh tế của đất nước thời bấy giời. Sự có mặt của tiền Thiên Phúc ở nhiều nơi, không gian lưu thông rộng cho thấy tiền được đúc và sử dụng nhiều rộng rãi, khẳng định giá trị  tiền tệ của nhà nước độc lập.
Tiền Thiên Phúc Trấn bảo
 ( thời Tiền Lê)
Tiền Thiên Phúc Trấn bảo
 ( thời Tiền Lê)
Bên cạnh những đồng tiền do nhà nước độc lập Việt phát hành, các đồng tiền Trung Quốc cũng được sử dụng trong thông thương trao đổi với tư cách là
“ ngoại tệ”. Trong các hoạt động kinh tế, thượng mại hai đồng tiền Việt Nam và Trung Quốc được sử dụng song song, nhất là các vùng thương cảng biên viễn. Sự có mặt của các đồng tiền Việt Nam ngay từ buổi đầu giành độc lập, đã góp phần khẳng định ý thức dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ của các triều đại Việt Nam. Đây là những cơ sở ban đầu để sau này tiền tệ Việt Nam được các triều đại sau phát huy và phát triển./.
 
VÀI NÉT VỀ TIỀN THỜI HỒ( 1400 - 1407)
TIỀN GIẤY - CUỘC CẢI CÁCH VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU
Năm 1400, sau nhiều biến động chính trường, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần. Mặc dù thời gian tồn tại ngắn ngủi (1400 -1407) nhưng nhà Hồ đã tiến hành nhiều cuộc cải cách kinh tế, trong đó có cải cách tiền tệ, đánh một dấu ấn quan trọng trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.
Nhà Hồ lên ngôi trong hoàn cảnh đất nước khá  đặc biệt. Trong nước vua quan nhà Trần ngày càng tha hóa, mải ăn chơi sa đọa, ít quan tâm đến đất nước, sức dân mòn mỏi. Ngoài nước: phía Bắc nhà Minh ngày càng vững mạnh, hàng ngày hàng giờ dòm ngó tìm cách xâm lăng nước ta. Phía Nam quân Chiêm Thành luôn quấy nhiễu biên thùy; 3 lần đem quân ra tàn phá Thăng Long, khiến cho đất nước rơi vào cảnh quyệt quệ. Trước hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly một viên quan có tư tưởng tiến bộ tìm mọi cách phục hưng đất nước. Trưởng thành từ một quan đại thần với quan hệ thân tộc con rể vua Trần Minh Tông, sau nhiều năm củng cố lực lượng, Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần tự lập làm vua, mở đầu triều đại nhà Hồ trong lịch sử. Trước khi lên ngôi, năm 1394 được  Thái thượng hoàng nhà Trần bật đèn xanh “ sau khi Trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua- Đại Việt sử ký toàn thư tập II tr 187”, Hồ Quý Ly dần nắm lấy quyền hành và tiến hành những cuộc cải cách mong phục hưng lại sức sống của dân tộc. Cùng với việc cải cách quân sự, những cuộc cải cách kinh tế được tiến hành, việc đầu tiên cải cách kinh tế dưới quyền ông là phát hành tiền giấy. Năm 1396 “ Mùa hạ tháng 4, bắt đầu phát tiền giấy Thông bảo hội sao. In xong ra lệnh cho người đến đổi, cứ một quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Thể thức tiền giấy: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ Lân, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất tài sản bị tịch thu. Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về
kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như làm tiền giả”. Tiền giấy lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện, đánh dấu một chương mới trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Đồng tiền phát hành có hai yếu tố mới. Tiền không ghi niên hiệu vua. Đây là một phép thử ngoại lệ trong tiền tệ Việt Nam khai tử niên hiệu của triều đại Trần, chuẩn bị cho một triều đại mới. Chất liệu tiền là giấy chưa hề có trong tiền lệ lịch sử chế tác tiền Việt Nam. Tiền giấy sẽ góp phần giúp cho nhà Hồ thu về số lượng đồng lớn dùng để đúc vũ khí, đặc biệt là súng Thần công, một loại binh khí mới được ra đời trong thời gian này. Chính vì thế tiền giấy được nhà Hồ phát huy hiệu quả triệt để thời gian khi cầm quyền.
Tiền giấy  có nguồn gốc từ tờ giấy Khoán thời Đường, do tiền đồng nặng khi sử dụng số lượng lớn không thuận tiện nên sáng tạo ra tờ Khoán dùng“ để nhận tiền thực, đổi tiền giấy, nhận tiền giấy đổi tiền thực” có giá trị như tiền cho dễ mang đi trao đổi. “ Thời Tống gọi là giao hội, đời Kim mới gọi là sao”. Đời Tống, bộ lạc Nữ Chân vì ít đồng nên  theo tờ Giao hội làm ra tiền giấy. Nhà Trần giai đoạn cuối cũng sử dụng tờ Hội giao thay tiền và Hồ Quý Ly đã phát triển từ Hội Giao thành tiền giấy vừa tiết kiệm đồng vừa thuận lợi trong giao thương. Cho đến nay chúng ta chưa tìm được đồng tiền giấy nào cho nên chưa rõ kích thước, chất lượng giấy, kỹ thuật in ấn, cách thể hiện hình vẽ mà chỉ biết được qua ghi chép trong lịch sử. Nhưng những hiện vật thời Trần tìm được qua các cuộc khai quật khảo cổ học như hình rồng, thủy ba (sóng nước), tản vân (vân mây) khắc tạc trên các bệ đá thời Trần đã phần nào cho biết sự phức tạp của các họa tiết trang trí trên đồng tiền này. Tiền giấy cũng cho thấy, nghề sản xuất giấy có sự phát triển đặc biệt  với kỹ thuật cao sản xuất ra loại giấy để in tiền.
Tiền giấy được phát hành, kỹ thuật chế tác tiền giấy giả cũng xuất hiện. Năm 1399 chi sau 3 năm tiền giấy  giả xuất hiện. Sử chép  năm 1399 “tên cướp Nguyễn Như Cái trốn vào núi Thiết Sơn làm giả tiền giấy”
Năm 1400 Hồ Quý Ly lên ngôi cùng với hàng loạt cải cách kinh tế, chính sách hạn điền, hạn nô, thì việc sử dụng tiền giấy luôn được nhà Hồ quan tâm. Để kích thích lưu thông, trong chính sách hạn nô, ngoài số nô được cấp
có số lượng khác nhau số còn thừa phải dâng lên,“ mỗi tên được trả 5 quan tiền”. Năm 1401 “ Hán Thương đặt kho thường bình, phát tiền giấy cho các lộ theo giá cả để mua thóc lúa chứa vào kho”. Năm 1402 nhà Hồ thu thuế bằng tiền giấy “ người nào chỉ có 5 sào ruộng thì thu 5 tiền giấy; từ 6 sào đến 1 mẫu thì thu 1 quan; 1 mẫu 1 sào đến 1 mẫu 5 sào thu 1 quan 5 tiền; từ 1 mẫu 6 sào đến 2 mẫu thu 2 quanvv...” Năm 1403 “Đặt chức thị giám, ban hành cân thước, thưng, đấu, định giá tiền giấy cho mua bán với nhau.Bấy giờ, người buôn bán phần nhiều chê tiền giấy. Lại lập điều luật để xử tội không tiêu tiền giấy, bán giá cao, đóng cửa hàng, bao che giúp nhau.”. Lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện luật pháp bảo vệ giá trị của tiền tệ
 Chính sách ngoại thương nhà Hồ cũng thu thuế bằng tiền giấy có giá trị như tiền đồng “ đánh thuế các thuyền buôn, định 3 mức thượng, trung, hạ. Mức thượng đánh thuế mỗi thuyền 5 quan, mức trung 4 quan, mức hạ 3 quan”.
Như vậy tiền giấy được phát hành năm 1396 đến nay đã được lưu thông khá phổ biến trong nhân dân và trở thành “quốc tệ” được nhà nước sử dụng trong các chính sách kinh tế của mình và đưa đồng tiền vào luật pháp bảo vệ. Chính vì những biện pháp kinh tế, luật pháp đồng tiền giấy được phát hành thời Hồ được sử dụng mãi về sau này trong tiền tệ Việt Nam. Tiền giấy là một bước phát triển mới với tính chất gọn nhẹ, dễ lưu thông trao đổi là tác nhân quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong giai đoạn này đặc biệt là thương nghiệp buôn bán trong và ngoài nước.
Bên cạnh tiền giấy là chủ đạo, nhà Hồ cũng cho đúc tiền đồng, đó là đồng Thánh Nguyên thông bảo. Đồng tiền này không thấy ghi chép trong chính sử, nhưng sự hiện diện của đồng tiền tìm được mang đặc điềm giống những đồng tiền thời Trần giai đoạn cuối, mặt tiền đề ghi chữ  Thánh Nguyên, niên hiệu Thánh Nguyên của Hồ Quý Ly năm 1400 cho thấy đây là tiền được đúc năm 1400.  Đồng tiền này được đúc chỉ có tính chất biểu tượng, đánh dấu niên hiệu của một triều đại mới. Tiền được đúc nhỏ, đường kính dưới 2,1cm, mỏng, chất lượng đồng kém cho thấy việc đúc rất tiết kiệm nguyên liệu đồng. Việc đúc tiền này chỉ có tính chất biểu tượng của một vương triều mới theo truyền thống tiền tệ Việt Nam, cho nên số lượng tiền đồng này không nhiều. Thời Hồ tiền giấy vẫn giữ vai trò chủ lực trong lưu thông tiền tệ. Cuối năm 1406 quân Minh xâm lược vào chiếm kinh thành “ thu lấy hết tiền đồng ở các xứ, cho chạy trạm đưa về Kim Lăng” thì những tiền đồng cuối cùng của nhà Hồ không còn. Lưu thông tiền tệ chỉ còn tiền giấy trong nền kinh tế.
Sau hơn 10 năm khởi nghĩa giành thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi lấy niên hiệu mới là Thuận Thiên, buổi đầu nhà Lê vẫn sử dụng tiền giấy nhà Hồ “ Ban tiền giấy và chi phí dọc đường cho bọn Nhữ Kính, đồng thời ban tiền giấy và áo lót vóc hoa cho sứ nước ta là bọn Lê Quốc Khí, sai họ cùng đi với bọn Nhữ Kính”. Cuối năm 1428 nhà Lê mới cho đúc tiền Thuận Thiên thông bảo, đồng tiền mang niên hiệu mới của triều đại mới, đánh dấu một giai đoạn mới của lịch sử tiền tệ Việt Nam. Tiền giấy nhà Hồ sau 32 năm phát hành và tồn tại cho đến nay đã chấm dứt vai trò lịch sử./.
 

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

VÀI NÉT VỀ ĐỒNG TIỀN THỜI TRẦN
(1226- 1400)
Hơn hai thế kỷ, những đồng tiền thời Lý được phát hành, sử dụng thường xuyên đã phát huy tác dụng kích thích nền kinh tế dân tộc phát triển, tạo nền móng vững chắc cho nền tài chính quốc gia độc lập tự chủ. Bước vào thời Trần, những đồng tiền Việt Nam đã vững mạnh trở thành mạch máu lưu thông cho nền kinh tế, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc.

 Sau những biến động thăng trầm cuối vương triều Lý, năm 1225 nhà Trần kế tục sự nghiệp nhà Lý bằng diễn tiến hòa bình. Lý Chiêu Hoàng vị vua cuối cùng của nhà Lý nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh sáng lập nên vương triều Trần đầy võ công hiển hách trong lịch sử 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của dân tộc. Nhà Trần kéo dài 176 năm ( 1225 -1400) với 13 đời vua về cơ bản vẫn ổn định duy trì phát triển một cơ cấu xã hội như thời Lý, nền kinh tế dần được phục hưng. Những hoạt động nội thương và ngoại thương được xây dựng đặt tiền đề cơ sở từ thời Lý đến triều Trần đã phát huy tác dụng. Xã hội xuất hiện  tầng lớp con buôn trong đó có vương công quý tộc nhà Trần (Trần Khánh Dư ). Nhiều ngành nghề liên quan đến tiền xuất hiện như đánh bạc, cầm cố, cho vay nặng lãi, mua bán chức tước vv... chứng tỏ đồng tiền đã phát huy tác dụng và chi phối đời sống xã hội khá sâu sắc. Trong 13 vua đời Trần có 5 đời vua cho đúc tiền, có vua cho đúc nhiều lần với số lượng lớn. Những lần đúc tiền là những thời điểm bước ngoặt trong đời sống kinh tế cộng đồng, những đồng tiền được đúc ra đã phát huy tác dụng, làm ổn định xã hội, tăng cường ngân khố quốc gia, tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế thời Trần trong lịch sử.
INhững đồng tiền thời Trần
1.Trần Thái Tông ( 1226 – 1258) lên ngôi kế thừa di sản cuối mùa của vương triều Lý với nền kinh tế suy đốn, kho tàng trống rỗng vì loạn lạc. Để phục hưng kinh tế sau khi ổn định xã hội Trần Thái Tông cho điều chỉnh giá trị đồng tiền và đúc tiền lưu hành. Sử cũ ghi lại năm 1226 “ Xuống chiếu cho dân gian dùng tiền “tỉnh bách” mỗi tiền là 69 đồng. Tiền nộp cho nhà nước (tiền thượng cung) thì mỗi tiền là 70 đồng - Đại Việt sử ký toàn thư tập II tr 9”. Hơn 30 năm cầm quyền với 3 niên hiệu, Trần Thái Tông đã nhiều lần cho đúc tiền mang  3 niên hiệu của thời đại . Hiện nay khảo cổ học còn tìm thấy 3 niên hiệu tiền thời Trần Thái Tông.
- Niên hiệu Kiến Trung (1226 -1232) là tiền Kiến Trung Thông Bảo.
Tiền đúc hình tròn, đường kính2,1cm – 2,14cm. Vành biên hơi rộng, phẳng. Giữa lỗ vuông có gờ nổi.Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau phẳng
     
Tiền Kiến Trung Thông Bảo       
- Niên hiệu Thiên ứng Chính Bình ( 1232 -1251) đúc tiền Chính Bình thông
bảo.Tiền đúc hình tròn. Vành biên rộng phẳng, giữa có lỗ vuông. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau trơn phẳng.
        
Tiền Chính Bình thông bảo
- Niên hiệu Nguyên Phong ( 1251 -1258) đúc tiền Nguyên Phong thông bảo
Tiền đúc hình tròn. Vanh biên rộng, giữa có lỗ vuông. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm. Chữ có hai loại chữ chân và chữ thảo, điều này cho thấy đồng tiền này có hai lần đúc học khi đúc sử dụng hai khuồn đúc khác nhau
     
Tiền Nguyên Phong thông bảo.
. Cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau trơn phẳng
2. Trần Thánh Tông ( 1258-1278 )ở ngôi 20 năm có hai niên hiệu là Thiệu Long
và Bảo Phù. Hiện nay mới tìm được tiền Thiệu Long thông bảo. Tiền đúc hình tròn, vành biên rộng phẳng, giữa có lỗ vuông. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau phẳng nhẵn.Đây là đồng tiền duy nhất được đúc dưới thời Trần Thánh Tông
Tiền Thiệu Long thông bảo
3. Sau một thời gian dài các đời Vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông không thấy sử cũ ghi lại việc đúc tiền tệ và cũng chưa tìm được đồng tiền đúc vào thời này đến thời Vua Trần Minh Tông  nhà Trần lại tiến hành đúc tiền cho lưu thông ngoài xã hội.  Trong những niên hiệu được sử dụng, niên hiệu Khai Thái ( 1324 -1329) nhà Trần cho đúc tiền Khai thái nguyên bảo. Tiền đúc hình tròn, đường

kính 2,37cm. vành biên rộng phẳng, giữa có hình vuông có gờ, lỗ hơi tròn.Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc trên trước, dưới sau; phải trước trái sau. Mặt sau tiền Khai Thái nguyên bảo có hai loại, một loại mặt sau trơn phẳng; một loại mặt sau trơn những có chữ Trần.
Khai Thái nguyên bảo
4. Trần Dụ Tông là đời vua Trần đúc nhiều tiền nhất, nhiều lần đúc với số lượng lớn. Niên hiệu Thiệu Phong( 1341- 1357) có hai lần đúc tiền: Thiệu Phong nguyên bảo và Thiệu Phong thông bảo. Tiền Thiệu Phong nguyên bảo có đến 4 loại khác nhau. Điều này cho thấy có khả năng nhà nước có 4 xưởng đúc tiền khác nhau, hoặc 4 lần đúc loại tiền này với thời gian khác nhau. Tiền Thiệu phong
thông bảo có đến 20 loại khác nhau đã cho thấy nhu cầu sử dụng tiền và đúc tiền rất rầm rộ, trước nhu cầu đòi hỏi của sự phát triển kinh tế.Niên hiệu Đại Trị ( 1358 -1369) Trần Dụ Tông lại cho
Thiệu Phong nguyên bảo và thông bảo
đúc liên tiếp các đồng tiền Đại Trị nguyên bảo; Đại Trị thông bảo. Tiền Đại trị nguyên bảo có đến 5 loại tiền với các lối chữ viết khác nhau. Tiền Đại Trị thông
bảo còn phong phú hơn với nhiều loại. Những đồng tiền này cơ bản có kích thước giống nhau, đường kính 2,35cm – 2,38cm. Mặt trước viết chữ, cách đọc trên dưới, phải trái.
Tiền Đại Trị thông bảo
5. Sau Trần Dụ Tông, Trần ( Dương) Nhật Lễ lên ngôi lấy niên hiệu Đại Định ( 1369 -1370), ông đã cho đúc tiền Đại Định thông bảo. Tiền Đại Định thông bảo
 được đúc hình dáng và kích thước như các đồng tiền thời Trần khác. Tiền hình tròn, giữa có lỗ vuông. mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm,  cách đọc trên trước dưới sau, phải trước trái sau, nét chữ sắc sảo. Mặt sau để trơn nhẵn.
6. Trần Nghệ Tông lên ngôi ( 1370 -1372), niên hiệu
Đại Trị thông bảo
Thiệu Khánh ông cho đúc tiền Thiệu Khánh thông bảo. Đồng tiền này được sử liệu ghi chép, nhưng cho đến nay còn lại rất hiếm hoi
II. Tiền tệ thời Trần và những hệ quả.
Trong lịch sử, thời gian cầm quyền của nhà Trần không kéo dài như thời Lý, nhưng việc đúc và sử dụng đồng tiền nhiều hơn, rộng rãi hơn. Đồng tiền lưu thông trở thành động lực chính để phát triển kinh tế. Có tiền kinh tế hàng hóa phát triển, các ngành sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, mua bán ngoại thương được đẩy mạnh. Đồng tiền được sử dụng mua bán ruộng đất. Năm 1253 nhà nước “ bán ruộng công, mỗi diện là 5 quan tiền( bấy giờ mẫu gọi là diện) cho phép nhân dân mua làm ruộng tư”.Năm 1266 “ Xuống chiếu cho vương hầu công chúa phò mã cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng bỏ hoang thành lập điền trang.”. Tiền hoạt động kinh doanh thương nghiệp trong nước. Hệ thống chợ phát triển rộng rãi khắp nơi , từ kinh kỳ đến thôn quê. Sứ nhà Nguyên Trần Phu cho biết “ Chợ ở thôn xóm hai tháng họp một lần, trăm thứ hàng hóa tụ họp ở đây. Cứ năm dặm thì dựng một cái nhà, bốn mặt đều đặt chỗng để làm nơi họp chợ ”. Hoạt động thương mại góp phần kích thích nền sản xuất hàng hóa phát triển. Tiền sử dụng trong hoạt động ngoại thương buôn bán với thương nhân nước ngoài.Ngoài thương cảng Vân Đồn ( Quảng Ninh)  xuất hiện từ thời Lý do nhà nước kiểm soát thì các thương cảng ven biển cũng hoạt động khá sôi nổi như cảng Diễn Châu ( Nghệ An); Hội Thống ( Hà Tĩnh). An Nam tức sự của Trần Phu cho biết “ Phủ Thanh Hóa...cách thành Giao Châu hơn hai trăm dặm. Các thuyền phiên hải ngoại tụ tập ở đấy, họp chợ ngay trên thuyền rất đông vv... với lái buôn các nước Xiêm ; Java; Lộ Hạc; Hồi Hột; đặc biệt là các thương nhân Trung quốc. Kích thích nền thương nghiệp phát triển, nhà Trần luôn cho đúc tiền bổ xung làm vật trung gian trao đổi thuận lợi.Nhiều ngành nghề liên quan đến tiền xuất hiện như đánh bạc, cầm cố, cho vay nặng lãi, mua bán chức tước, phạt lỗi quan lại vv... chứng tỏ đồng tiền đã phát huy tác dụng và chi phối đời sống xã hội khá sâu sắc. Đồng tiền đã  góp phần làm tha hóa một bộ phận cư dân cho đến vua quan trong xã hội.  Năm 1362 vua “ gọi các nhà giàu trong nước như ở làng Đình Bảng thuộc Bắc Giang, làng Nga Đình thuộc Quốc Oai vào cung đánh bạc. Có tiếng bạc đặt tới 300 quan tiền, ba tiếng thì đã tới gần nghìn quan rồi”. Các quan cũng đua nhau đánh bạc “thua vài chục quan là vò đầu bứt tóc khổ sở”. Quan hệ tiền tệ đã kích thích sự phát triển nền kinh tế trong các lĩnh vực công và ngược lại sự tác quái của đồng tiền cũng xuất hiện chi phối đời sống của con người.
Cuối thời Trần vào thế kỷ 14, xã hội phong kiến lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Kinh tế  dần suy yếu. Thiên tai địch họa luôn xảy ra, các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành và Ai Lao kéo dài liên miên làm cho Vương triều Trần  dần suy yếu. Hồ  Quý Ly dần tập hợp lực lượng, thâu tóm quyền hành, tạo ra những uy thế đầu tiên để dần nắm lấy chính quyền. Năm 1400, Quý Ly truất  ngôi Vua Trần Thiếu Đế, tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Trong 7 năm ở ngôi, Quý Ly đã thực hiện nhiều cuộc cải cách kinh tế, trong đó có cải cách tiền tệ, đánh dấu một chương mới trong lịch sử tiền tệ Việt Nam./.
 

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

VÀI NÉT VỀ NHỮNG ĐỒNG TIỀN THỜI LÝ
( 1009 -1225)

                                                                          
              Những đồng tiền được đúc và đưa ra lưu hành của các triều đại buổi đầu độc lập dưới triều Đinh – Lê đã đặt nền móng vững chắc cho lịch sử tiền tệ Việt Nam. Sự có mặt của các đồng tiền đã góp phần khẳng định chủ quyền dân tộc – chủ quyền về tài chính.  Những đồng tiền độc lập, tự chủ   đã góp phần gìn giữ nền độc lập  dân tộc và xây dựng đất nước.
                   Sau hai triều đại (Đinh – Tiền Lê) xây dựng và củng cố nền độc lập tự chủ dân tộc kéo dài hơn 40 năm (968 – 1009), những đồng tiền Việt Nam đúc dần có ảnh hưởng rộng lớn trong cuộc sống của dân cư. Năm 1010, khi Lý Công Uẩn lên ngôi,  tháng 2 khi về thăm quê hương đã “ ban tiền, lụa cho các bô lão trong làng theo thư bậc khác nhau - Đại Việt sử ký toàn thư tập I- tr 240”. Tháng 7, dời đô về Thăng Long “nơi thắng địa, bốn phương tụ hội.”, xây dựng một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, ông “xuống chiếu phát 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức- Đại Việt sử ký toàn thư tập I- tr 241 ” Những tư liệu cho thấy lúc đó trong cung Vua đã có kho tiền lớn và tiền được sử dụng khá rộng rãi trong dân.Vương triều Lý  trị vì đất nước 215 năm (1009 -1225), kéo dài 8 đời vua mở đầu là Lý Công Uẩn, kết thúc là Lý Huệ Tông là một thời kỳ phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của dân tộc. Sự phát triển ấy được thể hiện qua hầu như các vua nhà Lý đều đúc tiền để lưu thông trong nước và buôn bán.Trong 8 đời vua nhà Lý hiện biết có 5 đời với  8 lần đúc tiền mang niên hiệu của mình.
I Những đặc trưng cơ bản của tiền thời Lý.
1. Lý Công Uần lên ngôi lấy niên hiệu là Thuận Thiên kéo dài 19 năm( 1010 -1029), thời kỳ này ông cho đúc tiền Thuận Thiên Đại Bảo.
Tiền đúc hình tròn, đường kính khoảng 2,5cm; bên ngoài có vành trơn. Chính giữa là lỗ vuông có gờ nổi,  chữ đúc  nổi đối xứng nhau qua tâm, cách đọc trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Mặt sau có đúc chữ Nguyệt. Chữ đúc nổi nét chữ khá gọn sắc.
Mặt trước và sau tiền Thuận Thiên Đại Bảo
 Trong 19 năm cầm quyền, cho đến nay sử liệu chưa cho biết Lý Công Uẩn có bao nhiêu lần đúc tiền, nhưng cho đến nay chỉ tìm thấy một loại tiền duy nhất và số lượng chưa nhiều lắm.
2. Năm 1029 Lý Thái Tông lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Thiên Thành, trị vì 26 năm (1054) 6 lần đổi niên hiệu và  sử cũ  ghi lại có 3 lần đúc tiền. Năm 1039 đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu đạo, niên hiệu này kéo dài đến năm 1042. Thời gian này vua Lý cho đúc tiền Càn Phù Nguyên bảo.
Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,15cm – 2,35cm. Vành ngoài khá rộng để trơn, chính giữa là lỗ vuông, có gờ nổi. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Chữ viết gọn,
Tiền Càn Phù Nguyên Bảo
nét sắc sảo, chất lượng đồng tốt. Mặt sau để trơn nhẵn. Năm  1042 Lý Thái Tông “ đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo- Đại Việt sử ký toàn thư tập I- tr 263”. Năm 1043 “Năm ấy lại đúc tiền Minh Đạo ban cho các quan văn võ- Đại Việt sử ký toàn thư tập I- tr 245”. Trong hai năm Lý Thái Tông cho đúc tiền hai lần chứng tỏ nhu cầu tiền bạc trao đổi đòi hỏi rất lớn. Những đồng tiền này ngày nay được khảo cổ học biết đến với hai loại khác nhau. Một loại nét chữ nổi to, thô; một loại nét chữ gọn mảnh mai hơn. Nhìn chung tiền Minh Đạo Nguyên Bảo được đúc có hình tròn, đường kính 2,15cm – 2,35cm. Vành ngoài nhỏ trơn nhẵn. Giữa lỗ vuông có gờ nổi. Chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc vòng tròn
theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau để trơn nhẵn. Cuối năm 1044 Lý Thái Tông lại đổi niên hiệu là Thiên Cảm Thánh Vũ sử dụng đến năm 1049. Thời kỳ này nhà Lý có đúc tiền. Sử liệu Việt Nam không ghi chép nhưng sử liệu nhà
Mặt trước và sau tiền Minh Đạo Nguyên Bảo
Nam Tống  cho biết “chữ trên tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo có hai loại to nhỏ khác nhau, nét chữ khỏe khoắn, mạnh mẽ...” Đây cũng có lẽ là những đồng tiền được đúc theo truyền thống tiền Minh Đạo Nguyên Bảo. Loại tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo đúc hình tròn, vành ngoài rộng để trơn. Giữa lỗ vuông có gờ nổi.  Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ
. Mặt sau để trơn.  Tiền được tìm thấy có hai mẫu lớn nhỏ khác nhau. Loại lớn đường kính 2,37cm – 2,4cm; loại nhỏ đường kính 2,1cm. Chữ viết  nổi gọn, nét sắc sảo. Loại mặt sau không để trơn có đúc chữ “Càn vương”. Theo một cách lý
Mặt trước và sau tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo
giải, đây là loại tiền Lý Thái Tông cho đúc để kỷ niệm  con trai là Lý Nhật Trung được triều đình  phong Càn Vương (?)
3. Lý Nhân Tông lên ngôi  1072, ở ngôi 55 năm (1127) có 5 lần đổi niên hiệu. Thời kỳ này cho đến nay, khảo cổ học tìm được tiền  Thiên phù Nguyên Bảo, niên hiệu của Lý Nhân Tông (1120 – 1126 ;Thiên Phù Duệ Vũ và  1127-Thiên Phù Khánh Thọ).
 Tiền Thiên Phù Nguyên Bảo chắc được đúc từ năm 1120 – 1127.Tiền được đúc hình tròn, đường kính 2,1cm – 2,25cm. Vành ngoài rộng phẳng.  Giữa có lỗ vuông, gờ nổi rõ. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn
Mặt trước và sau tiền Thiên Phù Nguyên Bảo
theo chiều kim đồng hồ. Chữ đúc nổi, nét gọn. Mặt sau để trơn nhẵn.
4. Lý Anh Tông lên ngôi năm 1139- 1175 với 3 lần đổi niên hiệu. Dù sử liệu không ghi chép về việc đúc tiền, những khảo cổ học phát hiện thời kỳ này có  2 loại tiền được đúc mang niên hiệu của thời kỳ này.
- Tiền Đại Định Thông Bảo  được đúc trong niên hiệu Đại Định của Lý Anh Tông (1140 -1162). Tiền được đúc hình tròn, đường kính loại lớn
Tiền Đại Định Thông Bảo và
 Chính Long Nguyên Bảo
3,75cm, loại nhỏ 2,15cm. Vành biên tiền nhỏ phẳng. Giữa lỗ hình vuông với gờ nổi lên. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc trên trước dưới sau, phải trước dưới sau.  Chữ viết gọn đẹp sắc sảo.Mặt sau thường để trơn
-  Tiền Chính Long Nguyên Bảo được đúc trong niên hiệu Chính Long Bảo ứng của Lý Anh Tông (1163 – 1174). Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,02cm – 2,53cm. Viền biên tiền nhỏ phẳng. Giữa có lỗ hình vuông, gờ nổi . Mặt trước viết chữ đối xứng qua tâm. Cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau để trơn phẳng.
5. Lý Cao Tông lên ngôi năm 1176, trị vì đến năm 1210. Trong 35 năm trị vì có 4 lần đổi niện hiệu, trong đó có 4 lần đúc tiền theo niên hiệu
- Tiền Trị Bình Thông Bảo được đúc theo niên hiệu Trị Bình Long ứng (1205 – 1210). Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,4cm. Vành biên rộng phẳng; giữa có lỗ vuông với gờ nổi. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Mặt sau để trơn phẳng.

Trị Bình Thông Bảo
Trị Bình Nguyên Bảo
 Trị Bình Thánh Bảo
- Tiền Trị Bình Nguyên Bảo được đúc theo niên hiệu Trị Bình Long ứng. Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,03cm – 2,13 cm. Vành biên hẹp; giữa có lỗ vuông , gờ viền nổi. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau lưng phẳng nhẵn.
- Tiền Trị Bình Thánh Bảo đúc theo niên hiệu Trị Bình Long ứng. Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,03 – 2,13cm. Vành biên tiền rộng và phẳng, giữa có lỗ vuông, có gờ nổi. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau trơn nhẵn.
 Sự xuất hiện của 3 đồng tiền thời Lý Cao Tông dưới niên hiệu Trị Bình Long ứng ngắn ngủi ( 1205 -1210) đã khiến cho các nhà nghiên cứu nghi ngờ về tính chân thực của nó, nhưng có lẽ đây là những giả thiết cần nghiên cứu sau hơn về tiền tệ thời Lý khi có tài liệu. Có một loại tiền Thiên Tư Nguyên bảo được đúc theo niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy (1186 – 1202) thời Lý Cao Tông, đường kính 2,45cm – 2,5cm, chữ đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ và một loại đọc chéo, nhưng do sự hiếm hoi của nó cho nên chúng ta mới chỉ được biết đến mà chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu.
II. Tiền tệ thời Lý và những “cú hích” cho nền kinh tế
 Với hơn hai thế kỷ quản lý đất nước, có thể thấy tiền tệ thời Lý luôn có sự phát triển, bổ xung tạo nên nguồn ngân quỹ chính quốc gia.Đồng tiền dần đóng vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. Ngay từ khi lên ngôi Lý Thái Tổ đã xuống chỉ “Tiền là huyết của dân, không thể thiếu”. Chính vì thế khi về quê hương đã “ ban tiền, lụa cho các bô lão trong làng ” hay sử dụng đến “ phát 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức”. Tiền thời Lý được qui định 1 tiền là 50 đồng. 1 quan có 10 tiền = 500 đồng. Như vậy cho thấy số tiền được sử dụng lưu hành khá lớn. Để có được số tiền lớn, đầu tiên là phải thúc đẩy khai thác các mỏ đồng lấy nguyên liệu, thứ đến phải tập trung thợ giỏi lập nên các phường đúc và thứ ba là phải quản lý được số lượng tiền phát ra. Trong điều kiện buổi đầu độc lập chỉ có nhà nước tập quyền trung ương mới đáp ứng được các yêu cầu. Nhà Lý đã có những kho tiền quốc gia lớn. Lượng tiền ấy được sử dụng  xây dựng các công trình kiến trúc cung điện, chùa chiền tạo nên diện mạo mới cho nền văn hóa đất nước. Các kiến trúc chùa Trấn Quốc, chùa Một cột, đền Bà Tấm (Hà Nội); chùa Phật tích, chùa Dạm (Bắc Ninh);  chùa tháp Tường Long (Hải Phòng); chùa Long Đội, tháp Chương Sơn (Nam Hà) vv.. năm 1031 “ xuống chiếu phát tiền thuê thợ làm chùa quán ở các hương ấp, tất cả 150 chỗ” hay các hoạt động tôn giáo khác như “ vua sai thợ tạc hơn 1000 pho tượng phật, vẽ hơn nghìn bức tranh phật, làm bảo phướn hơn một vạn lá”...  đã cho thấy số lượng tiền được sử dụng lớn, đưa vào thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đặc biệt là sự phát triển của các ngành tiểu thủ công nghiệp
 Đầu thời Lý, cuộc cải cách hành chính lớn; đổi 10 đạo thành 24 lộ lấy Thăng Long làm trung tâm kinh tế đã tạo nên sức sống mới cho vùng đất. Với nền kinh tế sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, thời nhà Lý ban hành  nhiều chính sách khuyến nông cởi mở đã tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, hàng hóa sản xuất tăng lên, nhu cầu trao đổi các vùng ngày càng lớn, nhu cầu mua và bán đẩy mạnh lưu thông tiền tệ thông qua hệ thống chợ tại kinh đô cũng như các vùng quê. Sử liệu cho biết ngoài chợ Đông trong kinh thành, năm  1035 “Mở chợ Tây Nhai và dãy phố dài ở chợ ấy”. Những hoạt động kinh tế trong một thời kỳ dài khá ổn định như sử liệu ghi chép , năm 1016 “ 30 bó lúa giá 70 đồng”.Đồng tiền giữ vị thế vững chắc trong đời sống xã hội . Thăng Long đã trở thành một trung tâm kinh tế thương mại về hàng nông nghiệp và thủ công nghiệp của cả nước. Giá cả ổn định, tiền tệ lưu thông phản ánh nền kinh tế nói chung và nội thương có bước phát triển. Đồng tiền đã kích thích nền kinh tế  sản xuất hàng hóa tạo nên ngành kinh tế nội thương  phát triển rộng khắp.
 Kinh tế hàng hóa phát triển là tiền đề để thúc đấy ngoại thương phát đạt, các thương điếm buôn bán ven biển xuất hiện. Năm 1149 “Mùa xuân tháng 2. thuyền buôn ba nước Trảo Oa; Lộ Lạc; Xiêm La vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn để buôn bán hàng hóa quý”.  Như vậy vào thời Lý bên cạnh những thương nhân Trung Hoa, ngoại thương Việt Nam đã có sự tham gia của các thương nhân các nước trong khu vực Đông Nam á. Bên cạnh  ngoại thương đường biển, ngoài thương đường bộ cũng đẩy mạnh với  “Bạc dịch trường” dọc tuyến biên giới vơi các địa điểm: Vĩnh Bình, Như Hồng, Hoành Sơn, Tô Mậu vv... Để có được nền ngoại thương nhộn nhịp, sống động, sự đóng góp của tiền tệ – vật trung gian là không thể thiếu.Số vốn một chuyến đi buôn bán trong một năm lên đến hàng nghìn quan. Như vậy, ở thời Lý, tiền đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nội thương và ngoại thương  để xây dựng đất nước.
Không những là mạch máu trong hoạt động kinh tế, tiền còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lịch vực được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tiền là nguồn thu ngân sách của vương triều.Năm 1013 định các lệ thuế : tiền  và thóc về bài dâu. Hay là vật ban thưởng mỗi khi lên ngôi:  Năm 1028 nhân việc mới lên ngôi “ xuống chiếu lấy tiền lụa trong kho lớn ban cho thiên hạ”; ban phát  thưởng cho quan lại “ phát quần áo, tiền lụa trong Nội phủ để ban cho”, hay chẩn cấp cho dân nghèo khi đói kém “ năm 1070 phát thóc và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo” vv..
 Tóm lại, tiền tệ thời Lý đã trở thành công cụ hữu hiệu được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đưa vương triều Lý phát triển toàn diện, trên mọi mặt kinh tế, văn hóa, tạo nên một thời kỳ có tiếng là văn minh trong lịch sử dân tộc. Từ vật trung gian, tiền tệ đã chi phối, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi cộng đồng người trong xã hội và là động lực thúc đẩy xã hội phát triển đi lên. Đó là những đóng góp  của tiền tệ thời Lý góp phần đặt nền tảng cơ bản cho xã hội Việt Nam phát triển vào những giai đoạn sau của lịch sử dân tộc.
Kỳ sau: Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam – tiền thời Trần( 1225- 1400)