Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

VÀI NÉT VỀ TIỀN THỜI HỒ( 1400 - 1407)
TIỀN GIẤY - CUỘC CẢI CÁCH VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU
Năm 1400, sau nhiều biến động chính trường, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần. Mặc dù thời gian tồn tại ngắn ngủi (1400 -1407) nhưng nhà Hồ đã tiến hành nhiều cuộc cải cách kinh tế, trong đó có cải cách tiền tệ, đánh một dấu ấn quan trọng trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.
Nhà Hồ lên ngôi trong hoàn cảnh đất nước khá  đặc biệt. Trong nước vua quan nhà Trần ngày càng tha hóa, mải ăn chơi sa đọa, ít quan tâm đến đất nước, sức dân mòn mỏi. Ngoài nước: phía Bắc nhà Minh ngày càng vững mạnh, hàng ngày hàng giờ dòm ngó tìm cách xâm lăng nước ta. Phía Nam quân Chiêm Thành luôn quấy nhiễu biên thùy; 3 lần đem quân ra tàn phá Thăng Long, khiến cho đất nước rơi vào cảnh quyệt quệ. Trước hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly một viên quan có tư tưởng tiến bộ tìm mọi cách phục hưng đất nước. Trưởng thành từ một quan đại thần với quan hệ thân tộc con rể vua Trần Minh Tông, sau nhiều năm củng cố lực lượng, Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần tự lập làm vua, mở đầu triều đại nhà Hồ trong lịch sử. Trước khi lên ngôi, năm 1394 được  Thái thượng hoàng nhà Trần bật đèn xanh “ sau khi Trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua- Đại Việt sử ký toàn thư tập II tr 187”, Hồ Quý Ly dần nắm lấy quyền hành và tiến hành những cuộc cải cách mong phục hưng lại sức sống của dân tộc. Cùng với việc cải cách quân sự, những cuộc cải cách kinh tế được tiến hành, việc đầu tiên cải cách kinh tế dưới quyền ông là phát hành tiền giấy. Năm 1396 “ Mùa hạ tháng 4, bắt đầu phát tiền giấy Thông bảo hội sao. In xong ra lệnh cho người đến đổi, cứ một quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Thể thức tiền giấy: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ Lân, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất tài sản bị tịch thu. Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về
kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như làm tiền giả”. Tiền giấy lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện, đánh dấu một chương mới trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Đồng tiền phát hành có hai yếu tố mới. Tiền không ghi niên hiệu vua. Đây là một phép thử ngoại lệ trong tiền tệ Việt Nam khai tử niên hiệu của triều đại Trần, chuẩn bị cho một triều đại mới. Chất liệu tiền là giấy chưa hề có trong tiền lệ lịch sử chế tác tiền Việt Nam. Tiền giấy sẽ góp phần giúp cho nhà Hồ thu về số lượng đồng lớn dùng để đúc vũ khí, đặc biệt là súng Thần công, một loại binh khí mới được ra đời trong thời gian này. Chính vì thế tiền giấy được nhà Hồ phát huy hiệu quả triệt để thời gian khi cầm quyền.
Tiền giấy  có nguồn gốc từ tờ giấy Khoán thời Đường, do tiền đồng nặng khi sử dụng số lượng lớn không thuận tiện nên sáng tạo ra tờ Khoán dùng“ để nhận tiền thực, đổi tiền giấy, nhận tiền giấy đổi tiền thực” có giá trị như tiền cho dễ mang đi trao đổi. “ Thời Tống gọi là giao hội, đời Kim mới gọi là sao”. Đời Tống, bộ lạc Nữ Chân vì ít đồng nên  theo tờ Giao hội làm ra tiền giấy. Nhà Trần giai đoạn cuối cũng sử dụng tờ Hội giao thay tiền và Hồ Quý Ly đã phát triển từ Hội Giao thành tiền giấy vừa tiết kiệm đồng vừa thuận lợi trong giao thương. Cho đến nay chúng ta chưa tìm được đồng tiền giấy nào cho nên chưa rõ kích thước, chất lượng giấy, kỹ thuật in ấn, cách thể hiện hình vẽ mà chỉ biết được qua ghi chép trong lịch sử. Nhưng những hiện vật thời Trần tìm được qua các cuộc khai quật khảo cổ học như hình rồng, thủy ba (sóng nước), tản vân (vân mây) khắc tạc trên các bệ đá thời Trần đã phần nào cho biết sự phức tạp của các họa tiết trang trí trên đồng tiền này. Tiền giấy cũng cho thấy, nghề sản xuất giấy có sự phát triển đặc biệt  với kỹ thuật cao sản xuất ra loại giấy để in tiền.
Tiền giấy được phát hành, kỹ thuật chế tác tiền giấy giả cũng xuất hiện. Năm 1399 chi sau 3 năm tiền giấy  giả xuất hiện. Sử chép  năm 1399 “tên cướp Nguyễn Như Cái trốn vào núi Thiết Sơn làm giả tiền giấy”
Năm 1400 Hồ Quý Ly lên ngôi cùng với hàng loạt cải cách kinh tế, chính sách hạn điền, hạn nô, thì việc sử dụng tiền giấy luôn được nhà Hồ quan tâm. Để kích thích lưu thông, trong chính sách hạn nô, ngoài số nô được cấp
có số lượng khác nhau số còn thừa phải dâng lên,“ mỗi tên được trả 5 quan tiền”. Năm 1401 “ Hán Thương đặt kho thường bình, phát tiền giấy cho các lộ theo giá cả để mua thóc lúa chứa vào kho”. Năm 1402 nhà Hồ thu thuế bằng tiền giấy “ người nào chỉ có 5 sào ruộng thì thu 5 tiền giấy; từ 6 sào đến 1 mẫu thì thu 1 quan; 1 mẫu 1 sào đến 1 mẫu 5 sào thu 1 quan 5 tiền; từ 1 mẫu 6 sào đến 2 mẫu thu 2 quanvv...” Năm 1403 “Đặt chức thị giám, ban hành cân thước, thưng, đấu, định giá tiền giấy cho mua bán với nhau.Bấy giờ, người buôn bán phần nhiều chê tiền giấy. Lại lập điều luật để xử tội không tiêu tiền giấy, bán giá cao, đóng cửa hàng, bao che giúp nhau.”. Lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện luật pháp bảo vệ giá trị của tiền tệ
 Chính sách ngoại thương nhà Hồ cũng thu thuế bằng tiền giấy có giá trị như tiền đồng “ đánh thuế các thuyền buôn, định 3 mức thượng, trung, hạ. Mức thượng đánh thuế mỗi thuyền 5 quan, mức trung 4 quan, mức hạ 3 quan”.
Như vậy tiền giấy được phát hành năm 1396 đến nay đã được lưu thông khá phổ biến trong nhân dân và trở thành “quốc tệ” được nhà nước sử dụng trong các chính sách kinh tế của mình và đưa đồng tiền vào luật pháp bảo vệ. Chính vì những biện pháp kinh tế, luật pháp đồng tiền giấy được phát hành thời Hồ được sử dụng mãi về sau này trong tiền tệ Việt Nam. Tiền giấy là một bước phát triển mới với tính chất gọn nhẹ, dễ lưu thông trao đổi là tác nhân quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong giai đoạn này đặc biệt là thương nghiệp buôn bán trong và ngoài nước.
Bên cạnh tiền giấy là chủ đạo, nhà Hồ cũng cho đúc tiền đồng, đó là đồng Thánh Nguyên thông bảo. Đồng tiền này không thấy ghi chép trong chính sử, nhưng sự hiện diện của đồng tiền tìm được mang đặc điềm giống những đồng tiền thời Trần giai đoạn cuối, mặt tiền đề ghi chữ  Thánh Nguyên, niên hiệu Thánh Nguyên của Hồ Quý Ly năm 1400 cho thấy đây là tiền được đúc năm 1400.  Đồng tiền này được đúc chỉ có tính chất biểu tượng, đánh dấu niên hiệu của một triều đại mới. Tiền được đúc nhỏ, đường kính dưới 2,1cm, mỏng, chất lượng đồng kém cho thấy việc đúc rất tiết kiệm nguyên liệu đồng. Việc đúc tiền này chỉ có tính chất biểu tượng của một vương triều mới theo truyền thống tiền tệ Việt Nam, cho nên số lượng tiền đồng này không nhiều. Thời Hồ tiền giấy vẫn giữ vai trò chủ lực trong lưu thông tiền tệ. Cuối năm 1406 quân Minh xâm lược vào chiếm kinh thành “ thu lấy hết tiền đồng ở các xứ, cho chạy trạm đưa về Kim Lăng” thì những tiền đồng cuối cùng của nhà Hồ không còn. Lưu thông tiền tệ chỉ còn tiền giấy trong nền kinh tế.
Sau hơn 10 năm khởi nghĩa giành thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi lấy niên hiệu mới là Thuận Thiên, buổi đầu nhà Lê vẫn sử dụng tiền giấy nhà Hồ “ Ban tiền giấy và chi phí dọc đường cho bọn Nhữ Kính, đồng thời ban tiền giấy và áo lót vóc hoa cho sứ nước ta là bọn Lê Quốc Khí, sai họ cùng đi với bọn Nhữ Kính”. Cuối năm 1428 nhà Lê mới cho đúc tiền Thuận Thiên thông bảo, đồng tiền mang niên hiệu mới của triều đại mới, đánh dấu một giai đoạn mới của lịch sử tiền tệ Việt Nam. Tiền giấy nhà Hồ sau 32 năm phát hành và tồn tại cho đến nay đã chấm dứt vai trò lịch sử./.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét