Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

VÀI NÉT VỀ TIỀN TỆ VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ
          Tiền tệ xuất hiện  khi nào trong lịch sử xã hội loài người? Vị trí, vai trò  chi phối của tiền tệ trong đời sống kinh tế, xã hội và tình cảm của con người như thế nào từ khi xuất hiện cho đến nay vẫn là một đề tài kinh tế và xã hội luôn được mọi người quan tâm tìm hiểu và tìm cách lý giải.Trước hết, trong xã hội loài người từ buổi đầu kinh tế khai thác tự nhiên, do nhu cầu trao đổi vật dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống đã xuất hiện vật trung gian.  Vật trung gian  xuất hiện  để thuận lợi cho việc trao đổi đạt mục đích sử dụng là một nhu cầu tất yếu. Vật trung gian quy định được cộng đồng người chấp nhận làm cơ sở giao dịch. Ban đầu con người lựa chọn vật có giá trị trao đổi  sẵn có trong tự nhiên đến khi xuất hiện vật trung gian được con người chế tác ra với mục đích thay thế vật trung gian tự nhiên-  từ đó con người gọi đó là Tiền. Tiền từ khi xuất hiện cho đến nay không chỉ dừng lại vai trò là vật trung gian kinh tế mà còn tham gia vào các hoạt động xã hội, tín ngưỡng khác như: tiền sử dụng trong các trò chơi; sử dụng trong tín ngưỡng, chôn theo người mất, tiền thưởng công cao, tiền bùa vv.... Đồng tiền ngày càng khẳng định giá trị qua các thời kỳ lịch sử cho đến ngày nay.
Tại Trung Quốc vật trung gian ban đầu được sử dụng là Vỏ Sò. Vỏ sò dùng làm tiền ngày càng hiếm, sau này người ta dùng đá, gỗ, xương tạo nên hình con sò để thay thế.Tài liệu khảo cổ học và dân tộc học  ở Việt Nam cho thấy cùng như nhiều tộc người trên thế giới ban đầu  một số tộc người cũng lấy ốc làm vật trung gian trao đổi.  Ốc tiền  dùng để trao đổi sản phẩm thu lượm, trồng trọt, mua bán lương thực, thực phẩm, công cụ sản xuất .Hai con ốc tìm được bỏ trong hốc mắt của một sọ người ở ngôi mộ tại địa điểm Phai Vệ(Tuyên Quang) thuộc thời đại đồ đá mới là loại ốc Cypriea arabica, có thể đây là một loại tiền; hay ốc sử dụng làm tiền được phát hiện ở  các di tích xóm  Thàm – Quảng Bình, Mán Bạc – Ninh Bình, Quảng Ninh thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí. Đây có thể coi là giai đoạn nguyên thuỷ của tiền.
Bước vào thời kỳ lịch sử, cùng với sự chuyển biến về kinh tế sản xuất, tiền kim loại xuất hiện, thay thế cho các loại tiền từ tự nhiên ( vỏ ốc). Như vậy về cơ bản tiền là vật trung gian trao đổi xuất hiện từ thời nguyên thủy và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa cho đến ngày nay.
 Tại Việt Nam, do điều kiện lịch sử từ những năm đầu công nguyên đến năm 938 tộc người Việt bị đô hộ, nước ta trở thành quận huyện của các triều đại phong kiến phương Bắc. Những đồng tiền sử dụng trong nền kinh tế nước ta đều do các triều đại phong kiến Trung Hoa chế tác và sử dụng lưu thông. Vào những năm  trước công nguyên  loại “đao tiền” thời Tây Hán xuất hiện. Tiền được chế tác bằng chất liệu sắt, có hình con dao nhỏ. Loại hình này cho đến nay tìm được không nhiều tại mộ Việt Khê (Hải Phòng). Bên cạnh đao tiền còn có tiền Bán Lạng( nửa lạng), tiền Ngũ Thù. Tiền Bán Lạng tìm được tại nhiều khu vực được coi là những trung tâm kinh tế buổi đầu như :Luy Lâu(Bắc Ninh); Cổ Loa (Hà Nội); Đông Sơn (Thanh Hóa). Tiền Ngũ Thù tìm được nhiều tại các ngôi mộ cổ tại Đông Triều (Quảng Ninh) Luy Lâu; Tiên Sơn; Yên Dũng (Bắc Ninh) Hội Thống (Hà Tĩnh)... xa hơn là  Điện Bàn; Hội An (Quảng Nam). Sự có mặt rộng khắp của các đồng tiền Trung Quốc trên địa bàn nước ta đã nói lên sự giao lưu trao đổi khá phổ biến có tính khu vực hình thành nền kinh tế thương mại phát triển. Các triều đại về sau xuất hiện các loại tiền:Tiền Hoá tiền,  Thái Bình Bách tiền, Đại tuyền ngũ thập vv...Đầu thế kỷ VII nhà Đường (năm 621), Đường Cao tổ bắt đầu có sự cải cách lớn về hệ thống tiền tệ. Trên đồng tiền đúc ngoài niên hiệu, tiền có chữ Thông bảo, Trọng bảo  như : Khai Nguyên thông bảo, Càn nguyên trọng bảo. Cuộc cải cách này là cơ sở để các đồng tiền đúc về sau tuân thủ, mặc dầu mỗi thời đại có sự biến, cách tân  khác  nhau.  Cho đến nay, trong một nghìn năm tối tăm trong đêm trường Bắc thuộc có thể thấy đồng tiền lưu hành trong xã hội cơ bản là do các triều đại phong kiến Trung Hoa phát hành. Các đồng tiền này được chế tác từ kim loại đồng, hình tròn, giữa có lỗ vuông hoặc tròn tùy theo thời đại, trên tiền có đúc các dòng chữ biểu thị niên đại sự xuất hiện của đồng tiền. Nhiều đồng tiền được chế tác chất lượng cao, tiền dày, chất lượng đồng tốt, chữ đúc gọn đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng mãi về sau như đồng Khai Nguyên thông bảo.
 Bước vào kỷ nguyên độc lập, cùng với việc xây dựng chính quyền, quân đội thường trực Trung ương, các triều đại phong kiến Việt Nam khẳng định nền tài chính dân tộc riêng bằng cách đúc và lưu thông những đồng tiền của triều đại mình.
 Triều đại độc lập đầu tiên Ngô Quyền, chúng ta chưa tìm thấy được đồng tiền Việt Nam riêng. Đến thời Đinh Tiên Hoàng sau khi  dẹp loạn các sứ quân, thống nhất lãnh thổ, xây dựng chính quyền tập quyền trung ương “dựng đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện đặt triều nghi – theo Đ VSKTT tr 211” ông đã cho phát hành đồng tiền riêng của triều đại mình đó là đồng Thái Bình Hưng Bảo
Tiền Thái Bình Hưng bảo  đúc từ chất liệu đồng, khá mỏng, có hình tròn đường kính 2,2cm – 2,35cm, bên ngoài có riềm tròn rộng phẳng. Chính giữa là lỗ có hình vuông, chữ được viết nổi đối xứng qua lỗ vuông (Thái trên- Bình dưới; Hưng bên phái, Bảo bên trái). Hình dáng tiền  có thể  biểu hiện tư duy cội nguồn về vũ trụ: Trời tròn, đất vuông, bắt nguồn từ thuở Vua Hùng dựng nước. Sau lưng đồng tiền có một chữ Đinh. Các nhà nghiên cứu tiền cổ đều thừa nhận, đó là đồng tiền nhà Đinh sản xuất lưu hành, không thể nhầm  với bất kỳ đồng tiền nào khác trong và ngoài nước. Tiền Thái Bình Hưng bảo là đồng tiền đầu tiên của Việt Nam, góp phần khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc trên các lĩnh vực. Tiền lần đầu tiên xuất hiện nên số lượng  tìm được chưa nhiều và hạn chế bởi không gian  chủ yếu tìm thấy ở Hoa Lư – vùng kinh đô cũ và đồng bằng Bắc Bộ.

 Mặt trước tiền thời Đinh
Mặt sau tiền thời Đinh
Thời Tiền Lê, năm 984 trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế và giao thương trao đổi; Lê Hoàn cho lập xưởng đúc tiền Thiên Phúc trấn bảo. Tiền Thiên Phúc kế thừa hình dáng và kích thước như tiền thời Đinh, có hình tròn, đường kính 2,2cm -2,4cm. Giữa có lỗ hình vuông, mặt trước có chữ viết chân phương niên hiệu của triều đại. Mặt sau lưng có chữ Lê , chữ đúc gọn nổi sắc nét. Tiền Thiên Phúc sau này tìm được ở nhiều nơi: cố đô Hoa Lư, thành Thăng Long, thương cảng Vân Đồn và nhiều nơi khác, những trung tâm kinh tế của đất nước thời bấy giời. Sự có mặt của tiền Thiên Phúc ở nhiều nơi, không gian lưu thông rộng cho thấy tiền được đúc và sử dụng nhiều rộng rãi, khẳng định giá trị  tiền tệ của nhà nước độc lập.
Tiền Thiên Phúc Trấn bảo
 ( thời Tiền Lê)
Tiền Thiên Phúc Trấn bảo
 ( thời Tiền Lê)
Bên cạnh những đồng tiền do nhà nước độc lập Việt phát hành, các đồng tiền Trung Quốc cũng được sử dụng trong thông thương trao đổi với tư cách là
“ ngoại tệ”. Trong các hoạt động kinh tế, thượng mại hai đồng tiền Việt Nam và Trung Quốc được sử dụng song song, nhất là các vùng thương cảng biên viễn. Sự có mặt của các đồng tiền Việt Nam ngay từ buổi đầu giành độc lập, đã góp phần khẳng định ý thức dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ của các triều đại Việt Nam. Đây là những cơ sở ban đầu để sau này tiền tệ Việt Nam được các triều đại sau phát huy và phát triển./.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét