Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

VÀI NÉT VỀ NHỮNG ĐỒNG TIỀN THỜI LÝ
( 1009 -1225)

                                                                          
              Những đồng tiền được đúc và đưa ra lưu hành của các triều đại buổi đầu độc lập dưới triều Đinh – Lê đã đặt nền móng vững chắc cho lịch sử tiền tệ Việt Nam. Sự có mặt của các đồng tiền đã góp phần khẳng định chủ quyền dân tộc – chủ quyền về tài chính.  Những đồng tiền độc lập, tự chủ   đã góp phần gìn giữ nền độc lập  dân tộc và xây dựng đất nước.
                   Sau hai triều đại (Đinh – Tiền Lê) xây dựng và củng cố nền độc lập tự chủ dân tộc kéo dài hơn 40 năm (968 – 1009), những đồng tiền Việt Nam đúc dần có ảnh hưởng rộng lớn trong cuộc sống của dân cư. Năm 1010, khi Lý Công Uẩn lên ngôi,  tháng 2 khi về thăm quê hương đã “ ban tiền, lụa cho các bô lão trong làng theo thư bậc khác nhau - Đại Việt sử ký toàn thư tập I- tr 240”. Tháng 7, dời đô về Thăng Long “nơi thắng địa, bốn phương tụ hội.”, xây dựng một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, ông “xuống chiếu phát 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức- Đại Việt sử ký toàn thư tập I- tr 241 ” Những tư liệu cho thấy lúc đó trong cung Vua đã có kho tiền lớn và tiền được sử dụng khá rộng rãi trong dân.Vương triều Lý  trị vì đất nước 215 năm (1009 -1225), kéo dài 8 đời vua mở đầu là Lý Công Uẩn, kết thúc là Lý Huệ Tông là một thời kỳ phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của dân tộc. Sự phát triển ấy được thể hiện qua hầu như các vua nhà Lý đều đúc tiền để lưu thông trong nước và buôn bán.Trong 8 đời vua nhà Lý hiện biết có 5 đời với  8 lần đúc tiền mang niên hiệu của mình.
I Những đặc trưng cơ bản của tiền thời Lý.
1. Lý Công Uần lên ngôi lấy niên hiệu là Thuận Thiên kéo dài 19 năm( 1010 -1029), thời kỳ này ông cho đúc tiền Thuận Thiên Đại Bảo.
Tiền đúc hình tròn, đường kính khoảng 2,5cm; bên ngoài có vành trơn. Chính giữa là lỗ vuông có gờ nổi,  chữ đúc  nổi đối xứng nhau qua tâm, cách đọc trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Mặt sau có đúc chữ Nguyệt. Chữ đúc nổi nét chữ khá gọn sắc.
Mặt trước và sau tiền Thuận Thiên Đại Bảo
 Trong 19 năm cầm quyền, cho đến nay sử liệu chưa cho biết Lý Công Uẩn có bao nhiêu lần đúc tiền, nhưng cho đến nay chỉ tìm thấy một loại tiền duy nhất và số lượng chưa nhiều lắm.
2. Năm 1029 Lý Thái Tông lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Thiên Thành, trị vì 26 năm (1054) 6 lần đổi niên hiệu và  sử cũ  ghi lại có 3 lần đúc tiền. Năm 1039 đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu đạo, niên hiệu này kéo dài đến năm 1042. Thời gian này vua Lý cho đúc tiền Càn Phù Nguyên bảo.
Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,15cm – 2,35cm. Vành ngoài khá rộng để trơn, chính giữa là lỗ vuông, có gờ nổi. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Chữ viết gọn,
Tiền Càn Phù Nguyên Bảo
nét sắc sảo, chất lượng đồng tốt. Mặt sau để trơn nhẵn. Năm  1042 Lý Thái Tông “ đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo- Đại Việt sử ký toàn thư tập I- tr 263”. Năm 1043 “Năm ấy lại đúc tiền Minh Đạo ban cho các quan văn võ- Đại Việt sử ký toàn thư tập I- tr 245”. Trong hai năm Lý Thái Tông cho đúc tiền hai lần chứng tỏ nhu cầu tiền bạc trao đổi đòi hỏi rất lớn. Những đồng tiền này ngày nay được khảo cổ học biết đến với hai loại khác nhau. Một loại nét chữ nổi to, thô; một loại nét chữ gọn mảnh mai hơn. Nhìn chung tiền Minh Đạo Nguyên Bảo được đúc có hình tròn, đường kính 2,15cm – 2,35cm. Vành ngoài nhỏ trơn nhẵn. Giữa lỗ vuông có gờ nổi. Chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc vòng tròn
theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau để trơn nhẵn. Cuối năm 1044 Lý Thái Tông lại đổi niên hiệu là Thiên Cảm Thánh Vũ sử dụng đến năm 1049. Thời kỳ này nhà Lý có đúc tiền. Sử liệu Việt Nam không ghi chép nhưng sử liệu nhà
Mặt trước và sau tiền Minh Đạo Nguyên Bảo
Nam Tống  cho biết “chữ trên tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo có hai loại to nhỏ khác nhau, nét chữ khỏe khoắn, mạnh mẽ...” Đây cũng có lẽ là những đồng tiền được đúc theo truyền thống tiền Minh Đạo Nguyên Bảo. Loại tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo đúc hình tròn, vành ngoài rộng để trơn. Giữa lỗ vuông có gờ nổi.  Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ
. Mặt sau để trơn.  Tiền được tìm thấy có hai mẫu lớn nhỏ khác nhau. Loại lớn đường kính 2,37cm – 2,4cm; loại nhỏ đường kính 2,1cm. Chữ viết  nổi gọn, nét sắc sảo. Loại mặt sau không để trơn có đúc chữ “Càn vương”. Theo một cách lý
Mặt trước và sau tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo
giải, đây là loại tiền Lý Thái Tông cho đúc để kỷ niệm  con trai là Lý Nhật Trung được triều đình  phong Càn Vương (?)
3. Lý Nhân Tông lên ngôi  1072, ở ngôi 55 năm (1127) có 5 lần đổi niên hiệu. Thời kỳ này cho đến nay, khảo cổ học tìm được tiền  Thiên phù Nguyên Bảo, niên hiệu của Lý Nhân Tông (1120 – 1126 ;Thiên Phù Duệ Vũ và  1127-Thiên Phù Khánh Thọ).
 Tiền Thiên Phù Nguyên Bảo chắc được đúc từ năm 1120 – 1127.Tiền được đúc hình tròn, đường kính 2,1cm – 2,25cm. Vành ngoài rộng phẳng.  Giữa có lỗ vuông, gờ nổi rõ. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn
Mặt trước và sau tiền Thiên Phù Nguyên Bảo
theo chiều kim đồng hồ. Chữ đúc nổi, nét gọn. Mặt sau để trơn nhẵn.
4. Lý Anh Tông lên ngôi năm 1139- 1175 với 3 lần đổi niên hiệu. Dù sử liệu không ghi chép về việc đúc tiền, những khảo cổ học phát hiện thời kỳ này có  2 loại tiền được đúc mang niên hiệu của thời kỳ này.
- Tiền Đại Định Thông Bảo  được đúc trong niên hiệu Đại Định của Lý Anh Tông (1140 -1162). Tiền được đúc hình tròn, đường kính loại lớn
Tiền Đại Định Thông Bảo và
 Chính Long Nguyên Bảo
3,75cm, loại nhỏ 2,15cm. Vành biên tiền nhỏ phẳng. Giữa lỗ hình vuông với gờ nổi lên. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc trên trước dưới sau, phải trước dưới sau.  Chữ viết gọn đẹp sắc sảo.Mặt sau thường để trơn
-  Tiền Chính Long Nguyên Bảo được đúc trong niên hiệu Chính Long Bảo ứng của Lý Anh Tông (1163 – 1174). Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,02cm – 2,53cm. Viền biên tiền nhỏ phẳng. Giữa có lỗ hình vuông, gờ nổi . Mặt trước viết chữ đối xứng qua tâm. Cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau để trơn phẳng.
5. Lý Cao Tông lên ngôi năm 1176, trị vì đến năm 1210. Trong 35 năm trị vì có 4 lần đổi niện hiệu, trong đó có 4 lần đúc tiền theo niên hiệu
- Tiền Trị Bình Thông Bảo được đúc theo niên hiệu Trị Bình Long ứng (1205 – 1210). Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,4cm. Vành biên rộng phẳng; giữa có lỗ vuông với gờ nổi. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Mặt sau để trơn phẳng.

Trị Bình Thông Bảo
Trị Bình Nguyên Bảo
 Trị Bình Thánh Bảo
- Tiền Trị Bình Nguyên Bảo được đúc theo niên hiệu Trị Bình Long ứng. Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,03cm – 2,13 cm. Vành biên hẹp; giữa có lỗ vuông , gờ viền nổi. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau lưng phẳng nhẵn.
- Tiền Trị Bình Thánh Bảo đúc theo niên hiệu Trị Bình Long ứng. Tiền đúc hình tròn, đường kính 2,03 – 2,13cm. Vành biên tiền rộng và phẳng, giữa có lỗ vuông, có gờ nổi. Mặt trước chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Mặt sau trơn nhẵn.
 Sự xuất hiện của 3 đồng tiền thời Lý Cao Tông dưới niên hiệu Trị Bình Long ứng ngắn ngủi ( 1205 -1210) đã khiến cho các nhà nghiên cứu nghi ngờ về tính chân thực của nó, nhưng có lẽ đây là những giả thiết cần nghiên cứu sau hơn về tiền tệ thời Lý khi có tài liệu. Có một loại tiền Thiên Tư Nguyên bảo được đúc theo niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy (1186 – 1202) thời Lý Cao Tông, đường kính 2,45cm – 2,5cm, chữ đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ và một loại đọc chéo, nhưng do sự hiếm hoi của nó cho nên chúng ta mới chỉ được biết đến mà chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu.
II. Tiền tệ thời Lý và những “cú hích” cho nền kinh tế
 Với hơn hai thế kỷ quản lý đất nước, có thể thấy tiền tệ thời Lý luôn có sự phát triển, bổ xung tạo nên nguồn ngân quỹ chính quốc gia.Đồng tiền dần đóng vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. Ngay từ khi lên ngôi Lý Thái Tổ đã xuống chỉ “Tiền là huyết của dân, không thể thiếu”. Chính vì thế khi về quê hương đã “ ban tiền, lụa cho các bô lão trong làng ” hay sử dụng đến “ phát 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức”. Tiền thời Lý được qui định 1 tiền là 50 đồng. 1 quan có 10 tiền = 500 đồng. Như vậy cho thấy số tiền được sử dụng lưu hành khá lớn. Để có được số tiền lớn, đầu tiên là phải thúc đẩy khai thác các mỏ đồng lấy nguyên liệu, thứ đến phải tập trung thợ giỏi lập nên các phường đúc và thứ ba là phải quản lý được số lượng tiền phát ra. Trong điều kiện buổi đầu độc lập chỉ có nhà nước tập quyền trung ương mới đáp ứng được các yêu cầu. Nhà Lý đã có những kho tiền quốc gia lớn. Lượng tiền ấy được sử dụng  xây dựng các công trình kiến trúc cung điện, chùa chiền tạo nên diện mạo mới cho nền văn hóa đất nước. Các kiến trúc chùa Trấn Quốc, chùa Một cột, đền Bà Tấm (Hà Nội); chùa Phật tích, chùa Dạm (Bắc Ninh);  chùa tháp Tường Long (Hải Phòng); chùa Long Đội, tháp Chương Sơn (Nam Hà) vv.. năm 1031 “ xuống chiếu phát tiền thuê thợ làm chùa quán ở các hương ấp, tất cả 150 chỗ” hay các hoạt động tôn giáo khác như “ vua sai thợ tạc hơn 1000 pho tượng phật, vẽ hơn nghìn bức tranh phật, làm bảo phướn hơn một vạn lá”...  đã cho thấy số lượng tiền được sử dụng lớn, đưa vào thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đặc biệt là sự phát triển của các ngành tiểu thủ công nghiệp
 Đầu thời Lý, cuộc cải cách hành chính lớn; đổi 10 đạo thành 24 lộ lấy Thăng Long làm trung tâm kinh tế đã tạo nên sức sống mới cho vùng đất. Với nền kinh tế sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, thời nhà Lý ban hành  nhiều chính sách khuyến nông cởi mở đã tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, hàng hóa sản xuất tăng lên, nhu cầu trao đổi các vùng ngày càng lớn, nhu cầu mua và bán đẩy mạnh lưu thông tiền tệ thông qua hệ thống chợ tại kinh đô cũng như các vùng quê. Sử liệu cho biết ngoài chợ Đông trong kinh thành, năm  1035 “Mở chợ Tây Nhai và dãy phố dài ở chợ ấy”. Những hoạt động kinh tế trong một thời kỳ dài khá ổn định như sử liệu ghi chép , năm 1016 “ 30 bó lúa giá 70 đồng”.Đồng tiền giữ vị thế vững chắc trong đời sống xã hội . Thăng Long đã trở thành một trung tâm kinh tế thương mại về hàng nông nghiệp và thủ công nghiệp của cả nước. Giá cả ổn định, tiền tệ lưu thông phản ánh nền kinh tế nói chung và nội thương có bước phát triển. Đồng tiền đã kích thích nền kinh tế  sản xuất hàng hóa tạo nên ngành kinh tế nội thương  phát triển rộng khắp.
 Kinh tế hàng hóa phát triển là tiền đề để thúc đấy ngoại thương phát đạt, các thương điếm buôn bán ven biển xuất hiện. Năm 1149 “Mùa xuân tháng 2. thuyền buôn ba nước Trảo Oa; Lộ Lạc; Xiêm La vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn để buôn bán hàng hóa quý”.  Như vậy vào thời Lý bên cạnh những thương nhân Trung Hoa, ngoại thương Việt Nam đã có sự tham gia của các thương nhân các nước trong khu vực Đông Nam á. Bên cạnh  ngoại thương đường biển, ngoài thương đường bộ cũng đẩy mạnh với  “Bạc dịch trường” dọc tuyến biên giới vơi các địa điểm: Vĩnh Bình, Như Hồng, Hoành Sơn, Tô Mậu vv... Để có được nền ngoại thương nhộn nhịp, sống động, sự đóng góp của tiền tệ – vật trung gian là không thể thiếu.Số vốn một chuyến đi buôn bán trong một năm lên đến hàng nghìn quan. Như vậy, ở thời Lý, tiền đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nội thương và ngoại thương  để xây dựng đất nước.
Không những là mạch máu trong hoạt động kinh tế, tiền còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lịch vực được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tiền là nguồn thu ngân sách của vương triều.Năm 1013 định các lệ thuế : tiền  và thóc về bài dâu. Hay là vật ban thưởng mỗi khi lên ngôi:  Năm 1028 nhân việc mới lên ngôi “ xuống chiếu lấy tiền lụa trong kho lớn ban cho thiên hạ”; ban phát  thưởng cho quan lại “ phát quần áo, tiền lụa trong Nội phủ để ban cho”, hay chẩn cấp cho dân nghèo khi đói kém “ năm 1070 phát thóc và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo” vv..
 Tóm lại, tiền tệ thời Lý đã trở thành công cụ hữu hiệu được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đưa vương triều Lý phát triển toàn diện, trên mọi mặt kinh tế, văn hóa, tạo nên một thời kỳ có tiếng là văn minh trong lịch sử dân tộc. Từ vật trung gian, tiền tệ đã chi phối, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi cộng đồng người trong xã hội và là động lực thúc đẩy xã hội phát triển đi lên. Đó là những đóng góp  của tiền tệ thời Lý góp phần đặt nền tảng cơ bản cho xã hội Việt Nam phát triển vào những giai đoạn sau của lịch sử dân tộc.
Kỳ sau: Tiền tệ trong lịch sử Việt Nam – tiền thời Trần( 1225- 1400)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét