Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

VÀI NÉT VỀ TIỀN TỆ THỜI LÊ
 SỰ TRỞ LẠI CỦA ĐỒNG TIỀN CHẤT LIỆU ĐỒNG

 Sau cuộc  khởi nghĩa kháng chiến trường kỳ “nếm mật nằm gai” giành lại độc lập dân tộc, năm 1428 Nhà Lê chính thức được thành lập với ông vua đầu tiên là vị thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn- Lê Lợi. Cuộc xâm lược tàn khốc của giặc Minh với chính sách vơ vét tận diệt cả kinh tế và văn hóa đã làm cho nền kinh tế dân tộc bị suy kiệt. Cùng với việc khuyến khích phục hồi nền kinh tế, xây dựng lại đất nước bị đổ nát sau chiến tranh,  nhà Lê đã dùng đồng tiền làm động lực để phục hưng lại nền kinh tế dân tộc. Nhà Lê giai đoạn đầu ( hay gọi là Lê Sơ) kéo dài  100 năm( 1428 -1527) với 8 đời vua với nhiều lần đúc tiền để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.  Ngay sau khi lên ngôi để đảm bảo lưu thông kinh tế trong cả nước vua Lê đã cho “ Đúc tiền Thuận Thiên thông bảo, cứ 50 đồng là một tiền”. Đồng tiền đúc thời điểm này có hai ý nghĩa, khẳng định sự xuất hiện của một triều đại mới, bước đầu khẳng định lại sự quay lại của tiền chất liệu đồng. Quy định này còn nâng cao giá trị của đồng tiền bởi nhà Trần trước kia có “ quy định trong dân gian tiêu tiền  thì mỗi tiền là 69 đồng, dùng chính thức là 70 đồng”. Năm tháng sau, quan điểm đúc tiền của thời Lê được thể hiện rõ trong tờ chiếu viết ngày 5  tháng 7 năm Thuận Thiên thứ hai ( 1429) của Lê Thái Tổ khi “ra lệnh cho các đại thần và các quan văn võ trong ngoài họp bàn về quy chế đồng tiền”. Chiếu viết “ Tiền là mạch máu của sinh dân, không thể không có. Nước ta vốn có mỏ đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị nhà Hồ hủy bỏ, trăm phần chỉ còn được một. Đến nay việc nước, việc quân thường hay bị thiếu. Muốn cho tiền được lưu thông sử dụng để thuận lòng dân há chẳng khó sao...” Tờ chiếu cho biết “ Mới rồi có người dâng thư trình bày, xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra cách gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng, lại được lưu hành như vật hữu dụng trong dân thực không phải là ý nghĩa yên dân dùng của”. Và “ Truyền cho các đại thần trăm quan và những người hiểu việc đời ở trong, ở ngoài đều nghị bàn quy chế đồng tiền cho thuận lòng dân...để làm phép hay của một đời”. Nội dung tờ chiếu đã đánh dấu chấm hết, khai tử cho sự có mặt của tiền giấy ở Việt Nam trong lịch sử và sự quay trở lại của tiền đồng- phép hay của một đời- trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.
I Các đồng tiền đúc thời Lê ( 1428 -1527)
1.Lê Thái Tổ ở ngôi  5 năm ( 1428 -1433).  Khi vừa lên ngôi ông đã chú trọng việc mở xưởng đúc tiền và sử dụng đồng tiền trong nền kinh tế quốc dân. Sử cũ  ghi lại,  cuối năm 1428, ông đã cho đúc tiền Thuận Thiên thông bảo và quy định  50 đồng là một tiền. Đồng tiền này hiện nay chưa  thấy có  mặt khi nghiên cứu

khảo cổ và trong sưu tập của các nhà sưu tập tiền. Niên hiệu Thuận Thiên  thấy xuất hiện tiền Thuận Thiên nguyên bảo. Tiền hình tròn, đường kính 2,5cm, vành biên rộng trơn; giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc trên trước, dưới sau, phải trước, trái sau, nét chữ sắc gọn. Mặt sau để trơn. Đồng tiền này có lẽ được đúc sau năm 1429 khi triều đình bàn xong quy chế
Thuận Thiên nguyên bảo
đúc tiền và chính thức đúc tiền mới lưu hành rộng rãi trong nhân dân.
2. Lê Thái Tông ở ngôi 9 năm ( 1434 – 1442). Mặc dù khi lên ngôi mới 11 tuổi nhưng là người “ thiên tư sáng xuốt, nối vận thái bình”,  ngay sau khi cầm quyền, nhận rõ vai trò đồng tiền trong mạch máu lưu thông, giá trị của đồng tiền trong nền kinh tế cùng với sự khan hiếm của đồng tiền trong giao lưu hàng hóa xã hội ông ra lệnh chỉ: “ Từ nay về sau, tiền đồng sứt mẻ nhưng còn xâu dây được thì phải lưu thông tiêu dùng, không được chê bỏ, nếu đã mẻ gãy không xâu dây được nữa thì thôi không tiêu. Người nào trái lệnh từ chối không nhận, hay kén chọn tiền lành thì phải tội như nhau”. Chính vì thế ở ngôi 9 năm ông đã cho
đúc hai đồng tiền mang niên hiệu triều đại mình. Năm 1434 ông đổi niên hiệu là Thiệu Bình và cho đúc tiền Thiệu Bình thông bảo.Tiền Thiệu Bình thông bảo có hình tròn, vành biên rộng nhẵn, đường kính 2,5cm. Giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Mặt sau phẳng nhẵn.
Thiệu Bình Thông bảo
 Năm 1439 vua Lê lại có quy định mới về tỷ lệ quy đổi đồng tiền “ Tháng 3 ra lệnh chỉ quy định số đồng của một tiền... Hễ tiền đồng thì 60 đồng là một tiền”.
Năm 1440 ông lại đổi niên hiệu mới là Đại Bảo ( 1440 – 1442 và cho đúc đồng tiền mới theo quy định trên – tiền Đại Bảo thông bảo. Đại bảo thông bảo có hình tròn, đường kính 2,5cm; vành biên hơi hẹp để trơn. Giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm. Cách đọc  trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Chữ viết gọn, nét sắc sảo. Năm 1442, Lê Thái Tông mất. Lê Nhân Tông Lên ngôi.
Đại bảo thông bảo
3. Lê Nhân Tông ở ngôi 17 năm (1443 -1459), ngay khi lên ngôi ông cho đổi niên hiệu là Thái Hòa, niên hiệu này kéo dài đến năm 1453, và cho đúc tiền Thái
Hòa thông bảo. Tiền Thái Hòa thông bảo có hình tròn, đường kính 2,5cm cách thể hiện thống nhất với đồng tiền Đại Bảo thông bảo trước đó, chỉ khác về niên hiệu đúc. Năm 1453 “ vua bắt đầu đích thân coi chính sự, đổi miếu hiệu” là Diên Ninh và năm Diên Ninh thứ nhất 1454 “ Mùa xuân tháng giêng đúc tiền Diên Ninh”. Tiền Diên Ninh thông bảo hiện nay tìm thấy có đến 4 loại
Thái Hòa thông bảo
khác nhau thể hiện qua những chữ viết trên tiền, điều này cho thấy có thể có 4
lần đúc loại  tiền này, hoặc có 4 xưởng hay 4 loại khuôn dùng để đúc tiền. Điều này cho thấy số lượng tiền loại này được đúc và lưu hành khá nhiều trong đời sống kinh tế.
4. Lê Nghi Dân ở ngôi 2 năm(1459 -1460) và đúc tiền một lần. Năm 1459 Lạng Sơn vương Nghi Dân thoán
Diên Ninh thông bảo
nghịch giết vua Lê Nhân Tông tự lập làm vua. Đổi niên hiệu là Thiên Hưng, đồng tiền đến giai đoạn này  đã được coi là sự biểu hiện của quyền lực, cho nên Nghi Dân dù chỉ cầm quyên 2 năm nhưng đã kịp cho đúc tiền để khẳng định niên hiệu ngôi báu của mình. Tiền Thiên Hưng thông bảo được đúc mang đặc điểm của tiền thời Lê Sơ với hình tròn, đường kính 2,5cm. Giữa có lỗ vuông. Chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc trên trước, dưới sau, phải trước, trái sau. Nét chữ sắc gọn. Mặt sau trơn phẳng.
5. Lê Thánh Tông ở ngôi 38 năm ( 1460 -1498), có 2 đồng tiền được đúc trong thời gian này. Sau sự biến Nghi Dân, các công thần nhà Lê đấu tranh giành giật lại ngôi báu. Năm 1460 Lê Thành Tông lên ngôi đổi niên hiệu là Quang Thuận cho đúc tiền mang niên hiệu Quang Thuận thông bảo và ra lệnh “ Nghiêm cấm việc
Thiên Hưng thông bảo
loại bỏ tiền đồng”. Tiền Quang Thuận thông bảo được đúc có vành biên hơi rộng nhẵn, đường kính 2,5cm, chữ viết như các đồng tiền trước thời Lê Sơ. Theo các
nhà nghiên cứu tiền cổ phân tích tiền Quang Thuận thông bảo  có nhiều loại tiền to chữ to, tiền to chữ mảnh, tiền nhỏ chữ to, tiền to chữ nhỏ. Chữ viết cũng khác nhau, chữ thông và chữ bảo có nhiều cách viết khác nhau. Chính vì thế cho rằng trong 9 năm niên hiệu Quang Thuận, năm nào cũng có đúc tiền và có nhiều xưởng đúc tiền khác nhau, đủ số lượng đưa đồng
Quang Thuận thông bảo
tiền ra lưu hành trên thị trường trong nền kinh tế phát triển. Năm 1470 Lê Thánh Tông đổi niên hiệu là Hồng Đức. Niên hiệu Hồng Đức kéo dài 28 năm; đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc Việt trên nhiều lĩnh vực, kinh tế văn hóa, xã hội. Thăng Long- Đông Đô trở thành trung tâm thương mại lớn, buôn bán nhộn nhịp, nhiều ngành nghề, thuyền buôn các nước ra vào nhộn nhịp, nhu cầu sử dụng đồng tiền lớn và Lê Thánh Tông cho đúc tiền  Hồng Đức thông bảo .
Tiền Hồng Đức thông bảo được đúc nhiều lần, liên tục trong lịch sử. Những đồng tiền Hồng Đức Thông Bảo tìm được cho thấy có nhiều loại tiền khác nhau. Về cơ bản tiền hình tròn, kích thước tương đồng nhau, đường kính 2,5cm, giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm cách đọc trên trước, dưới sau, phải trước trái sau. Mặt
Hồng Đức thông bảo
sau để trơn. Các đồng tiền khác nhau thể hiện qua chữ viết, to nhỏ; biên tiền rộng hẹp. Đồng tiền được đúc chất lượng đồng cao, chữ viết gọn sắc, tiền dày đẹp. Đúng như sắc chỉ  vua ban ngày 1 -5 năm 1486 nói rõ “ Việc dùng tiền, quý ở chỗ trên dưới lưu thông; chứa ở kho tàng quý ở chỗ để lâu không hỏng”. Những đồng tiền thời Hồng Đức được đúc ra đã đảm bảo yêu cầu này của nhà nước


HHHHH





6. Lê Hiến Tông ở ngôi 7 năm (1498 -1504) thừa hưởng những thành tựu mà vua cha để lại. Để kích thích nền kinh tế phát triển ông đã nhiều lần cho đúc tiền
theo niên hiệu triều đại mình: Cảnh Thống Thông bảoTiền Cảnh Thống thông bảo vẫn duy trì theo kích thước, mẫu tiền  Hồng Đức thông bảo. Tiền được đúc hình tròn, đường kính 2,5cm. Giữa có lỗ vuông, chữ viết đối xứng qua tâm, cách đọc trên trước dưới sau, phải trước trái sau. Chữ viết gọn, nét sắc xảo. Mặt sau trơn phẳng. Tiền  đúc
Cảnh Thống Thông bảo
chất liệu đồng tốt, thường dày nặng có đồng nặng đến 5- 6gram . Tiền Cảnh Thống thông bảo có nhiều loại, sự khác nhau thể hiện qua chữ viết cho thấy tiền có thể được đúc nhiều lần với nhiều khuôn khác nhau chứng tỏ nhu cầu sử dụng tiền khá rộng rãi phổ biến.
7. Lê Uy Mục ở ngôi 4 năm ( 1505 -1509) đúc tiền Đoan Khánh thông bảo.
Lê Hiến Tông mất, Lê Túc Tông lên ngôi 1 năm thì mất. Dù cố gắng “ sửa sang nghiệp lớn, dựng đặt gốc lớn” như “ tha tù nhân, thả cung nữ, ngừng những việc
không cần kíp, giảm những việc nặng nhọc” nhưng có lẽ thời kỳ này ông không phát hành tiền mới, mặc dù khi lên ngôi ông cho đặt niên hiệu mới là là Thái Trinh. Cho đến nay chưa tìm thấy sự có mặt của đồng tiền mang niên hiệu Thái Trinh. Lê Uy Mục lên nối ngôi đổi niên hiệu là  Đoan Khánh. Vua Uy Mục ăn
Đoan Khánh thông bảo
chơi xa xỉ “ xây cung thất to, làm vườn hoa rộng” cho nên cần nhiều tiền và ông cho đúc tiền Đoan Khánh thông bảo bổ xung tiêu dùng vào hệ thống tiền tệ nhà Lê. Tiền Đoan Khánh thông bảo được đúc theo thể thức tiền nhà Lê, chỉ khác có niên hiệu đề ghi trên mặt trước tiền, đường kính tiền 2,5cm, chữ viết tuân thủ theo phép đúc tiền nhưng đồng tiền mỏng nhẹ hơn tiền Cảnh Thống Thông bảo
 7.Lê Tương Dực ở ngôi 6 năm ( 1510 -1516) lấy niên hiệu là Hồng Thuận. Vua “ chơi bời vô độ, xây dựng liên miên” bị giết ở cửa nhà Thái học. Trong những
năm cầm quyền, Lê Tương Dực cho đúc tiền Hồng Thuận thông bảo. Tiền Hồng Thuận thông bảo được đúc theo điển lệ tiền nhà Lê. Đây là lần đúc  tiền theo niên hiệu để khẳng định ngôi báu của mình bởi Lê Tương Dực giết vua tự lập làm vua. Tiền Hồng Thuận thông bảo, hình tròn, kích thước đường kính 2,5cm, chữ viết nét gọn sắc sảo.
Hồng Thuận thông bảo
8.Lê Chiêu Tông ở ngôi 7 năm ( 1516 -1522) lấy niên hiệu là Quang Thiệu. Đây là thời kỳ loạn lạc rối ren của xã hội Việt Nam. Các vua Lê càng về sau càng chơi bời vô độ, cuộc trành giành quyền bính trong nội bộ cung đình quyết liệt, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp, vua phải bỏ các kinh đô đi lánh nạn. Kinh tế Việt Nam có phần sa sút điêu tàn.
Mặc dù vậy, thời kỳ này Lê Chiêu Tông cho đúc tiền  Quang Thiệu thông bảo làm đồng tiền lưu hành đánh dấu niên hiệu của mình. Tiền Quang Thiệu thông bảo  được đúc theo điển lệ tiền thời Lê với kích thước tương tự, đường kính 2,5cm. Niên hiệu viết trên mặt trước theo quy tắc. Chữ viết gọn, nét sắc sảo.
Quang Thiệu Thông bảo
Sự biến loạn cung đình ngày càng khốc liệt, năm 1522 Lê Chiêu Tông phải bỏ chạy. Mạc Đăng Dung lập em vua Chiêu Tông là Lê Cung Hoàng, húy là Xuân lên làm vua, đổi niên hiệu là Thống Nguyên. Cung Hoàng Đế ở ngôi 5 năm ( 1522 -1527). Thời kỳ này sử cũ ghi lại không thấy có sự đúc tiền, nhưng trong hệ thống tiền cổ có tiền Thống Nguyên. Theo các nhà nghiên cứu, đồng tiền này còn phải tiếp tục nghiên cứu mới khẳng định được niên đại.
II. Những đồng tiền thời Lê- sự quy chuẩn của tiền tệ Việt Nam.
 Trong 100 năm buổi đầu nhà Lê với 8 triều đại đúc tiền cho thấy đồng tiền Việt Nam đã có vai trò quan trọng trong đời sống. Tiền giấy đời Hồ đã hoàn toàn được thay thế bởi tiền đồng, tiền giấy mặc dù buổi đầu có ý kiến nên duy trì bởi sự tiện ích trong sử dụng nhưng vẫn bị coi là “ thứ vô dụng” và tiền đồng là hữu dụng “chứa ở kho tàng quý ở chỗ để lâu không hỏng”.
Sự trở lại của tiền chất liệu đồng được chuẩn hóa bằng những quy chế của nhà nước. Nhà nước ban hành các quy chế cụ thể về đồng tiền và độc quyền đúc tiền. Chính vì thế các đồng tiền đúc thời này khá thống nhất về kích thước, cách thể hiện. Dù ở triều đại nào, các đồng tiền đếu đúc khá quy chuẩn, chỉ khác nhau về niên hiệu . Đây là lần đầu tiên đồng tiền Việt Nam có quy định chặt chẽ trong chế tác, được bảo trợ bởi pháp luật. Sự trở lại của tiền đồng, hạn chế được việc đúc tiền giả đã manh nha xuất hiện tiền giấy giả dưới triều Hồ.
Tiền được đúc nhiều, lưu thông khá phổ biến trong nhân dân. Đồng tiền giai đoạn này đã phát huy hết năng lực đảm nhận. Tiền được trả lương bổng cho quan lại, tiền dùng làm vật ban thưởng, tiền sử dụng đóng thuế các loại, tiền được sử dụng mua quan bán chức, tiền sử dụng nộp phạt, tiền lưu thông trong buôn bán vv... Và nhà nước có những kho tiền lớn dự trữ cho ngân khố quốc gia. Có thể nói đồng tiền đã trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội và ngược lại đồng tiền bắt đầu làm rối ren quan hệ xã hội bởi ma lực từ nó. Đồng tiền ra đời đẻ phục vụ con người thì cuối giai đoạn này con người đã bị phụ thuộc vào đồng tiền và mọi hoạt động xã hội, các mối quan hệ dần bị đồng tiền chi phối. Đó là những yếu tố tiềm ẩn để giai đoạn sau đồng tiền phát huy hết ma lực của nó trong đời sống xã hội./.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét