Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

NGUYỄN NHẠC VỚI VÙNG ĐẤT QUY NHƠN

I Vài nét về vùng đất Quy Nhơn trong lịch sử.
Năm 1472 vùng đất Quy nhơn chính thức gia nhập vào cộng đồng lãnh thổ chung dân tộc, dưới sự quản lý của Quảng Nam thừa tuyên Trấn. Hạt nhân của vùng đất này là huyện Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhân trong đó huyện Tuy Viễn xa nhất về phía nam tiếp giáp với vùng đất người Chăm quản lý. Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và sau đó kiêm luôn trấn thủ Quảng Nam, hình thành nên vùng cát sứ xứ Đàng Trong. Năm 1604, chúa Nguyễn đổi tên phủ Hoài Nhơn là phủ Quy Nhơn. Năm 1611, chúa Nguyễn lấy được phần đất Phú Yên thì vùng đất này mới thực sự nằm sâu trong lãnh thổ người Việt. Lương Văn Chánh làm tri huyện Tuy Viễn .
 Do đồng ruộng màu mỡ, sông biển dễ giao lưu, người Việt đến vùng đất mới ngày càng gia tăng đông đúc, tạo nên sự phồn thịnh trên vùng đất cố đô cũ của người Chăm.Theo Lê Quý Đôn vào cuối thời chúa Nguyễn, phủ Quy Nhơn số người là 26.769, ruộng thực trưng là 72.600 mẫu 5 sào 12 thước 8 tấc 2 phân, Theo Phan Huy Chú: phủ Hoài Nhân “ của cải trong một phủ có phần đầy đủ, cùng với phủ Tư Nghĩa, phủ Thăng Hoa đều gọi là hạt giàu có. Sản vật có nhiều, như: trầm hương, tốc hương, sừng tê, vàng, bạc, đồi mồi, châu báu, sáp ong, đường, mật, dầu, sơn, cau tươi, hồ tiêu, cá, muối, và các thứ gỗ đều rất tốt; thóc lúa không biết bao nhiêu mà kể. Ngựa sinh ra ở trong hang núi, có từng đàn đến trăm nghìn con.” . Cùng với kinh tế nông nghiệp với chính sách mở cửa giao thương với nước ngoài cởi mở của chúa Nguyễn, sự có mặt của các tàu buôn, thương nhân người ngoại quốc: Trung Hoa, Nhật Bản,  Ấn Độ, Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,ở cảng Nước Mặn, phủ Quy Nhơn cũng trở nên tấp nập,  trở thành một thương cảng lớn ở phía nam. Những hoạt động kinh tế cho thấy vùng đất này khá trù mật, là phủ quan trọng, cung cấp nguồn sức người sức của cho chúa Nguyễn.   
II. Nguyễn Nhạc với vùng đất Quy Nhơn
1.Nguồn gốc:
Theo tài liệu lịch sử cho biết, tổ tiên  Nguyễn Nhạc ở đất Tây Sơn vốn là họ Hồ, người “huyện Hưng Nguyên – Nghệ An, trong khoảng niên hiệu Thịnh Đức ( 1653 –1657) nhà Lê, ông tổ 4 đời của Nguyễn  Văn Nhạc bị quân ta ( chúa Nguyễn) bắt đem cho ở  Nhất  ấp vùng Tây Sơn ( đất Tây Sơn có hai ấp Nhất và Nhị, nay là hai thôn An Khê và Cửu An), đất Quy Ninh..”.Cuộc chiến năm 1648, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan, quân Trịnh vượt sông Gianh vào nam, quân Nguyễn phản công, quân Trịnh đại bại, 3 vạn quân bị bắt sống, chúa Nguyễn chia tù binh thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 50 người, cấp trâu bò, nông cụ, giống má đưa về các vùng để khai khẩn đất hoang. Như vậy khả năng tổ tiên anh em nhà Tây Sơn vốn xuất thân từ tầng lớp quân sự của quân Trịnh bị bắt trong cuộc chiến 1648.Truyền thuyết địa phương  cho biết “ ông cố tên là Hồ Phi Long, vào ở giúp việc nông trang cho nhà họ Đinh thôn Bằng Châu huyện Tuy Viễn.Thấy người họ Hồ  trung hậu cần mẫn, họ Đinh cưới vợ cho(có thuyết bảo là gả con gái) nuôi cả vợ chồng coi như người thân quyến. Họ Hồ sinh được một người con trai đặt tên là Hồ Phi Tiễn. Lớn lên, Hồ Phi Tiễn tỏ ra là người khôn ngoan, lanh lợi, song vì sức yếu nên không thể làm nghề nông. Họ Đinh bèn giúp vốn để đi buôn. Hồ Phi Tiễn gặp người vừa ý là bà Nguyễn Thị Đồng sinh một người con trai là Hồ Phi Phúc. Để con mình được hưởng gia tài và đời đời hương hoả cho họ Nguyễn. Ông bà xin đổi họ cho con mình sang họ Nguyễn. Hồ Phi Phúc đổi họ là Nguyễn Phi Phúc tiếp tục nối nghiệp cha đi buôn trầu, và trở thành một thương gia lớn có uy tín trong vùng.Tại Phú Lạc ông kết duyên với bà Mai Thị Hạnh. Hồ Phí Phúc cùng vợ dời nhà về đất Kiên Thành ven bờ sông Côn để thuận tiện việc kinh doanh. Sinh sống tại ấp Kiên Thành ông Hồ Phi Phúc đã đổi sang họ Nguyễn và cùng bà Mai Thị Hạnh sinh được ba người con. Sử nhà Nguyễn cho biết “ Cha tên Phúc dời về ở ấp Kiên Thành ( nay là thôn Phú Lạc thuộc huyện Tuy Viễn) sinh ra ba người con trai, con trưởng là Nhạc, kế là Lữ, kế nữa là Huệ”
Phổ hệ nguồn gốc Nhà Tây Sơn
Hồ Phi Long
(Vợ là con gái họ  Đinh)

Hồ Phi Tiễn
Vợ Nguyễn Thị Đồng

Hồ Phi Phúc
 (sau đổi họ Nguyễn)
Vợ Mai Thị Hạnh
           
Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ – Nguyễn Lữ


Kể từ khi họ Hồ có mặt trên vùng đất Bằng châu, huyện Tuy Viễn ( 1648)đến đời Nguyễn Nhạc là 3 đời đã sinh sống trên vùng đất Quy Nhơn và có mối liên hệ mật thiết, rộng rãi với người dân sinh sống ở đây. Như vậy có thể thấy, Nguyễn Nhạc  sinh ra  và gắn bó với vùng đất "chôn nhau cắt rốn" từ năm tháng tuổi thơ
2. Những hoạt động của Nguyễn Nhạc.
2.1. Về năm sinh
Cho đến nay, năm sinh của Nguyễn Nhạc  chưa được biết.
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập cho biết nhà có 3 anh em trai"...con trưởng là Nhạc, kế là Lữ, kế nữa là Huệ". Nhưng Nguyễn Huệ có tên là gọi khác là Ba Thơm, Nguyễn Lữ có tên gọi là Tư Lữ do vậy có ý kiến cho rằng, nguyễn Huệ là con thứ hai sau Nguyễn Nhạc.
Nếu đúng như theo ghi chép của Đại Nam Liệt truyện thì  Nguyễn Huệ mất "ngày 29 tháng 9 năm 1792 tuổi mới  40"  thì có thể thấy, ông sinh năm 1752 hoặc năm 1753( tính theo tuổi ta) và khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra năm 1771, Nguyễn Huệ mới 18 hay 19 tuổi .
Theo Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn thì cho biết Nguyễn Nhạc mất vào tháng 9 năm 1793. Dựa vào sự kiện xảy ra tại thành Hoàng Đế, do bị quân chúa Nguyễn vây thành, Nguyễn Quảng Toản cừ đại binh do Thái Úy Phạm Công Hưng, Hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Đại Tư lệ Lê Trung, Đại tư mã Ngô Văn Sở dẫn đại quân vào giải vây, quân chúa Nguyễn phải rút thì cho thấy Nguyễn Nhạc chết vào nửa cuối tháng 9 là hợp lý.Ghi chép của sử nhà Nguyễn những dòng cuối tháng 9 là ghi lại sự kiện này.
 Từ năm mất có thể  suy ra, nếu Nguyễn Huệ là em út thì ít nhất phải kém Nguyễn Nhạc 5 - 6 tuổi và nếu là em kế thì phải kém 2- 3 tuổi. Nếu đúng như thế ông phải sinh khoảng năm 1746 đến 1748. Ông là đời thứ 4 của họ Hồ, năm sinh vào thời kỳ ấy có thể tạm chấp nhận. Như vậy khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra Nguyễn Nhạc chừng 22 -25 tuổi.
2.2 Về hành trạng và sự nghiệp
Có thể thấy cả cuộc đời Nguyễn Nhạc gắn với vùng đất Quy Nhơn. Theo nhiều nguồn tài liệu lịch sử cùng truyền thuyết dân gian cho biết: Tuổi nhỏ, ông được cha mẹ gửi đi học võ tại lò võ Bằng Châu( Đập Đá- Anh Nhơn), học văn võ cùng  hai em tại ấp An Thái( Tây Sơn) với thày giáo Trương văn Hiến, một môn khách của Ngoại Hữu Trương Văn Hạnh và được phát hiện có tư chất khác người" Hiến lấy làm lạ lùng tài năng của Nhạc". Ông thày đã khuyến khích  với lời sấm" Khởi nghĩa ở Tây( Tây Sơn), thu chiến công ở Bắc" làm động lực ban đầu cho cuộc khởi nghĩa.
Lớn lên kế nghiệp nhà ông đi buôn Trầu “ lấy việc buôn bán Trầu làm nghề nghiệp, thường buôn bán ở miền người Thượng” và âm thầm chuẩn bị xây dựng lực lượng, căn cứ địa trên vùng núi Thượng đạo Tây Sơn. Ông tổ chức các trại khai hoang sản xuất, thu nạp người nghèo khó, cơ nhỡ, những người bị quan quân nhà Nguyễn áp bức truy đuổi lên tham gia. Ông biên chế người thành các trại, lập thành những đội ngũ như dân binh vừa sản xuất vừa luyện binh để phòng khi dùng đến.  Ông lập các kho tích trữ lương thảo, nuôi ngựa
Sơ đồ Trại Ông Nhạc
( Tây Sơn- Thượng đạo)
Suối ông Nhạc
trâu bò. Tranh thủ sự giúp đỡ của những tộc người thiểu số, Nguyễn Nhạc ra sức vận động những người thiểu số, ông mua muối cung cấp cho các buôn làng, đưa trâu bò, giống lúa ngô giúp mọi người cùng sản xuất.Mối quan hệ giữa Nguyễn Nhạc với đồng bào các dân tộc ở đây rất chặt chẽ. . Dấu vết căn cứ địa hiện vẫn còn trên vùng núi Tây Nguyên với những ngọn núi mang tên, núi ông Nhạc, hòn đá ông Nhạc, Sa ông Nhạc... Đồng bào dân tộc ở đây  kính trọng thường gọi ông là Bok Nhạc.
Trên vùng đất Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc tham gia làm Biện Lại ở tuần Vân Đồn. Với mối quan hệ đó Nguyễn Nhạc là người nắm rõ, hiểu về địa hình toàn vùng đất Quy Nhơn từ cửa biển đến vùng núi Tây Nguyên. Đây là điều kiện  thuận lợi cho việc sau này chỉ huy  tiến hành cuộc khởi nghĩa,
Năm 1771 ông dựng đàn tế trời đất phát động cuộc khởi nghĩa trên vùng đất Tây Sơn. Năm 1773 ông tiến quân xuống vùng hạ lưu xung là Đệ Nhất Trại chủ quản lý hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn, tiến đánh phủ Quy Nhơn. Trong các trận chiến ông luôn đi đầu" tự ngồi vào cũi...phá cũi mà ra, mở to cửa doanh, đồ đảng thình lình sấn vào, đốt doanh giết tướng mà chiếm giữ thành Quy Nhơn."chiếm cứ được một vùng rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận
Năm 1775 Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Yên. Năm 1776 Nguyễn Nhạc cho sai sửa thành Đồ Bàn là trụ sở Bộ chỉ huy nghĩa quân. Ông tự xưng là Tây Sơn vương, đúc ấn vàng, phong cho Nguyễn Huệ làm Phụ chính; Nguyễn Lữ làm Thiếu Phó điều hành quân Tây Sơn. Từ đại bản doanh ông trực tiếp điều hành các đạo quân vào nam ra bắc, điều Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ vào đánh Gia định đập tan cuộc nổi dậy của tàn quân chúa Nguyễn.
 Năm 1778 Nguyễn Nhạc xây xong quốc thành "tự lập làm Hoàng Đế, gọi năm đầu niên hiệu là Thái Đức, gọi thành Đồ Bàn là thành Hoàng Đế” chính thức khai mở một vương triều mới trong lịch sử Việt Nam. Sau khi lên ngôi lập nên vương triều Nguyễn  Nhạc phong cho Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế trong triều đình.
. Năm 1784, quân  Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ vào nam dẹp tàn quân chúa Nguyễn cùng đánh tan  3 vạn quân Xiêm La thâm nhập lãnh thổ bảo vệ chủ quyền dân tộc vùng đất phía Nam.
Năm 1786 nhận lệnh từ Nguyễn Nhạc,Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dẫn hai đạo thủy bộ tiến đánh Phú Xuân, sau khi giành được  thắng lợi, chớp thời cơ, thừa thắng xốc tới, Nguyễn Huệ để Nguyễn Lữ giữ Phú Xuân còn ông đem đại quân tiến ra Bắc, lật đổ chúa Trịnh, giành  đất Bắc Hà.
Năm 1786  Hoàng đế Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương “ lấy từ cửa Hải Vân ra ngoài cho thuộc về Huệ, Phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương “ cho Gia Định thuộc về Lữ” còn tự mình cai quản vùng đất từ Nam hải Vân đến Bình Thuận “ tự xưng là Trung ương Hoàng đế” thành lập hai ban văn võ quản lý đất nước.
Trong cuộc đời cầm quyền chính của mình, Nguyễn Nhạc chỉ một lần ra đất Bắc với cương vị Hoàng Đế Tây Sơn. Theo Hoàng Lê nhất thống chí cho biết ngày 14 tháng 7 năm 17 năm 1786 Nguyễn Nhạc thân chinh ra Bắc tiếp kiến vua Lê và ở lại đến ngày 17 tháng 8 thì lại về thành Hoàng Đế.
Như vậy có thể thấy, cả cuộc đời Nguyễn Nhạc gắn bó máu thịt với vùng đất kể từ khi sinh ra đến nay ông chỉ mới rời xa Quy Nhơn hơn một tháng. Năm 1793 Nguyễn Nhạc mất tại thành Hoàng đế. Cuộc đời ông đều " sinh tử" trên vùng đất này, vì vùng đất này.
3.Nguyễn Nhạc với vùng đất Quy Nhơn
Những tài liệu lịch sử cùng những bằng chứng vật chất để lại cho thấy, Nguyễn Nhạc là người con sinh ra, trưởng thành gắn bó với  vùng đất. Từ một người buôn trầu với lòng yêu nước, thương dân đã đứng lên trở thành lãnh tụ một cuộc khởi nghĩa. Từ một "Đệ nhất trại chủ" đã vươn lên xây dựng một vương triều mới trong lịch sử Việt Nam. Những năm tháng đó  từ người thương dân, ông đã " cướp của nhà giàu chia cho người nghèo". Khi quản lý vùng đất ông đã tập hợp, quy tụ nhiều nguồn nhân tài, vật lực xây dựng nơi đây thành một trung tâm chính trị văn hóa của dân tộc. Nhiều ngành nghế sản xuất thủ sông hiện còn xung quanh thành Hoàng Đế còn  truyền lại cho đến ngày nay. Thành Hoàng đế sừng sững còn lại đến ngày nay chính là dấu ấn một thời của Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc định đô.
Ông là người khởi xướng một phong trào nông dân, xây dựng một vương triều nông dân trên chính vùng đất quê ông. Ông là người khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của một thời đại, làm nền tảng cho những chiến công huy hoàng . Ông là người giải phóng tài năng cho những con người làm nên lịch sử như Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Vũ Văn Dũng, Ngô Văn Sở...  . Tầng nền "Bệ Phóng" cho những chiến công " nam bình Xiêm, bắc phá giặc" bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất lãnh thổ dân tộc thu về một mối. Chính vì thế, vương triều Nguyễn sau này dù không phủ nhận tài năng, công lao của Nguyễn Huệ đối với lịch sử dân tộc, nhưng hết sức cừu thù với Nguyễn Nhạc, viết nên những dòng lịch sử " nhọ nhem" về ông, cho ông là " chủ mưu" nguồn gốc của tai họa với nhà Nguyễn.Sự trả thù đó tàn độc đến 3 đời sau.
Đối với vùng đất Quy Nhơn kể từ năm ông dựng cờ tế trời đất khởi nghĩa( 1771) đến năm ông mất(1793) là một thời gian không dài lắm, nhưng những năm tháng đó là những tháng năm được ghi vào sử sách dân tộc.  Ngày nay, dấu vết thành Hoàng Đế còn đó, người dân nơi đây vẫn nhớ về, tri ân một con người làm dạng danh một thời kỳ lịch sử- Nguyễn Nhạc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét