Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014



ĐỘNG PHONG NHA( QUẢNG BÌNH) VÀ CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN


Từ thị trấn Hoàn Lão huyện Bố Trạch, rẽ về phía tây bắc khoảng 17 km sẽ gặp một dòng sông nhỏ chảy quanh co, uốn lượn qua vùng đồi cỏ, lau sậy và rừng thưa, đó là con sông Son - một nhánh của sông Gianh. Qua bao thời gian lặng lẽ chảy qua những miền núi đá vôi của miền tây tỉnh Quảng Bình, sông Son đã tạo nên một kỳ quan tròng lòng núi: Động Phong Nha. Động Phong Nha nằm trên địa bàn thôn Phong Nha, xã Sơn Trinh, huyện Bố Trạch, được biết đến từ lâu dưới tên gọi động Chân Linh. “Động Chân Linh ở nguồn Chân Linh, châu Bố Chính, sau lưng là núi, trước mặt là nước, cửa động hẹp chỉ lọt một cái xuồng, trong động rộng rãi. Người đi xem cầm đuốc men trên bộ mà vào, đi bộ 100 dặm thì có một cái cửa, vào trong ấy thấy trời đất, mặt trời, mặt trăng, mây ráng cỏ hoa, rõ ràng là một thế giới. Có phiến đá to bằng phẳng như bàn cờ, có con cờ. Bốn bề là vách đá như ngọc đẽo thành. Cảnh vật lạ đẹp, trong đó có nhiều bài thơ đề vịnh” (Lê Quý Đôn toàn tập. Tập I, tr 95).
 Động Phong Nha nằm ẩn trong lòng núi, núi này trước gọi là núi Phong Gia. “Núi Phong Gia ở cách huyện Bố Chính 40 dặm về phía tây bắc, vách đá cheo leo, phía bắc kề sông Cái, phía tây là núi Tiên Cốc” (Đại Nam nhất thống chí. Tập II, tr 22).
Theo tài liệu khảo sát cho biết, động Phong Nha dài hơn 1451m với nhiều khúc đoạn, phong cảnh khác nhau. Gần đây, khi đo vẽ chi tiết có tài liệu cho biết, chiều dài động tới 7729m. Nếu đi thuyền ngược dòng sông Son, nhìn từ xa, cửa động gần như rà sát xuống mặt sông, mặc dù cửa động cao gần 10m, rộng gần 25m. Vào sâu bên trong, lòng động mở rộng gần 40m, vòm trần nâng cao 15m. “Động hình tròn. Đường kính rộng đến vài mươi mét. Trần động khum tròn lại buông xuống từng chùm thạch nhũ”. Vượt qua vòm cửa động nằm là sát mặt nước cao 2,2m dẫn đến vòm động trong “rộng chừng vài mươi mét, trần lúc thì khum tròn, lúc thì vòm cung nhọn, cao đều từ 15m đến 18m”, và sau cùng là “một cái phòng dài hơi thu hẹp lại, trần hạ thấp xuống, kết thúc bằng một ngách con hẹp”.
Suốt chiều dài của động là “những dòng thạch nhũ đông lại thành chùm đồ sộ” dưới “ánh sáng phản chiếu trên mặt gương xanh biếc của làn nước tô những màu sắc rực rỡ trên vòm động”.
Dưới vẻ đẹp kỳ tú, động Phong Nha được nhiều người đánh giá là “đệ nhất kỳ quan” của dải đất miền Trung và có thể là của cả nước. Tiến sĩ John Lunbeit cùng các chuyên gia của Hội địa lý Hoàng gia Anh khi khảo sát đã đánh giá “Đây là hang động dài nhất Việt Nam và vào loại nhất nhì thế giới, có sông ngầm dài nhất Việt Nam và dài đẹp nhất thế giới, có những nhũ đá đẹp nhất thế giới chưa từng thấy, có hang khô, bãi đá rộng và đẹp nhất thế giới…”.
I.2
Việc phát hiện ra các di tích văn hoá trong lòng động Phong Nha có thể nói công đầu thuộc về các học giả người Pháp. Nếu trước kia chỉ biết “trong động có nhiều bài thơ đề vịnh” thì những cuộc khảo sát sau này, linh mục Cadiere thấy rõ “Hai bên vách ở lối vào phủ một lớp bụi diêm tiêu đóng khá dày. Trên lớp bụi trát đó có những vết chữ khắc vội vàng, không chau chuốt của những người khách đã đến đây từ thời rất xa xưa. Các khách đó hình như là người Chàm…”.
C.Paris - một trong những người đầu tiên đến thăm động đã cung cấp tư liệu tìm được trong động “… bên phải lối vào một bệ thờ xây bằng gạch Chàm do người An Nam lắp ráp hồi xưa nâng một pho tượng đá, chân vắt chéo, đeo ruột Svastika trước ngực, đội mũ che gáy. Chắc là pho tượng bị đẩy xuống sông. Ở giữa động, cạnh nơi có bi ký chắc hẳn còn một bệ thờ và một pho tượng nữa”. Thật vậy “ông C.Paris đã tìm ra được những phế vật của bệ thờ với pho tượng đó. Nhiều dấu tích Phật giáo khác nhau trên những tảng đất nung đã tìm thấy trên nền động này”.
Một pho tượng phật nhỏ ngồi trên bệ sen bằng đất nung tìm được trong động cho thấy: tượng thể hiện hình người ngồi xếp bằng trên toà sen, cao từ 8cm đến 10cm, bàn tay trái duỗi ra đặt nằm trong lòng, bàn tay phải chỉ xuống đất. Búi tóc buộc thành túm trên đỉnh đầu, vai phải và bàn tay trái để trần…”.
Về bi ký trong động có 97 bi ký, dạng chữ bất thường và những khó khăn trong việc lập lại chính xác khiến việc phiên dịch của các bi ký kia chưa thể tiến hành được. Tuy vậy, cũng đã đọc được tên Cariputra phù hợp với tính chất Phật giáo của các hang động này.
I.3
Sau một thời gian dài, đặc biệt là qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, do vị thế đặc biệt, động Phong Nha trở thành căn cứ trú ngụ của nhiều cơ quan trong nhiều thời kỳ, các dấu tích văn hóa ở đây ít được chú ý đến. Từ những năn 90 trở lại đây, động Phong Nha thực sự được các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu quan tâm, chú ý. Năm 1995, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Quảng Bình, trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức khảo sát động Phong Nha. Cuộc khảo sát (7/1995) cho thấy “ở đây đã gặp nhiều mảnh thân và miệng của gốm Champa với các mảnh gốm thô có lõi đen, áo vàng, phần miệng loe rộng bẻ so với thân tạo thành một góc gần vuông”. “Bên cạnh đó còn có những mảnh gốm có tráng men, có mảnh men lông thỏ hồng nhạt (Poilde lievre). Xuất hiện các viên gạch Champa đã bị vỡ và mềm ra như đất”.
Ở lòng hang thứ hai “gặp các mảnh gốm Chàm và một vài mảnh gốm men trắng kiểu Bạch Định… một loạt các viên gạch Champa vỡ…. dấu vết của một móng gạch Champa…”.
“Trên nền hang thứ 2 và 3 có nhiều các phiến đá không phải là đá vôi được cắt mài (dấu vết vỡ) bị lớp cacbonnat canxi (CaCO­­3) bao phủ gần kín. Có thể đây là các phiến đá thuộc một kiến trúc trong hang nay đã sụp đổ. Nói  chung, các dấu vết trong hang này cho thấy trước đây đã có một kiến trúc gạch đá khá quy mô”.
Về niên đại, các tác giả cho rằng “Tất cả các di vật và phế tích Champa này phải có niên đại muộn nhất là thế kỷ XI”.
II.1
Cho đến nay, khi nghiên cứu các dấu tích văn hoá để lại trong động Phong Nha, tài liệu có thể phân ra:
+ Dấu tích văn hoá người Chăm: bi ký, bệ thờ, tượng, các mảnh gốm. Những di vật này phù hợp với tính chất Phật giáo của hang động này.
+ Dấu tích văn hoá của người Việt: “các bệ thờ bằng gạch Chàm do người An Nam lắp ráp” hay trong đó “có nhiều bài thơ đề vịnh”.
Như vậy, có thể nói động Phong Nha là một địa điểm văn hoá được tồn tại sử dụng liên tục với hai tộc người chủ nhân kế tiếp nhau, kéo dài suốt chiều dài lịch sử dân tộc. 
II.2
Cùng với những phát hiện trong động Phong Nha, các cuộc khảo sát ở các vùng phụ cận cho thấy xung quanh Phong Nha là một quần thể di tích liên quan; trong đó, động Phong Nha có thể được coi là một trung tâm.
Qua các tài liệu, có thể thấy các di tích văn hoá Champa tìm được ở dây như sau:
a) Động Chùa Hang (tổng Cao Lao, huyện Bố Trạch)
Trong hang “có một pho tượng đặt trên một chiếc bệ bằng gạch lớn. Pho tượng có kích thước cao 0,35m, ngồi xếp bằng, tay phải đặt trước ngực cầm một chuỗi hạt buông xuống trong lòng bàn tay trái… Trên đỉnh đầu có một búi tó. Trang phục gồm một chiếc sampốt thắt vào người bằng một chiếc thắt lưng đính ngọc. Cổ đeo vòng rộng, cánh tay đeo vòng có hai dãy hạt châu, bắp tay có ba dãy vòng có gắn miếng chạm”.
b) Nhóm tượng tìm được ở Kẻ Nai (làng Thanh Ba, tổng Cao Đài, huyện Bố Trạch).
Nhóm tượng tìn được trong “một cái vò bằng đất, có men ở ngoài, cao chừng 0,8m. Trong vò có độ 40 tượng nhỏ, tượng lớn nhất chỉ cao gần 0,3m bằng đồng đỏ, có tượng bằng vàng ngồi hoặc đứng, một tượng có hai mặt và bốn tay. Ngoài ra, trong vò còn có hai bông sen…”. “Những tượng Chàm nhỏ bằng đồng thếp vàng khảm men đen, thể hiện nữ thần Uma Lăcxmi, những thần hai mặt, rồng. Một vị vua Chăm trong tư thế duyên dáng. Vợ Siva mang hình ảnh chồng trên mũ miện ba tầng. Quanh đầu rực sáng ánh hào quang hình bầu dục, có hình chữ thập chéo. Tóc tết thành xoắn dài, cánh tay, cổ tay, cổ chân đều đeo vàng, cổ đeo kiềng. Thân cánh tay, bàn chân để trần, váy thắt vào bụng bằng một chiếc thắt lưng có khoá nạm ngọc. Vóc người mảnh đứng nghiêng, bộ mặt có nét thanh tú giống người Arian. Một tượng cũng to như vậy quấn một cách tuyệt diệu trong tấm cà sa áp vào hình dáng cơ thể”.
“Một tượng bằng đồng thau thếp vàng tuyệt đẹp, cao 0,2m. Tượng thể hiện tư thế đứng, thân nghiêng sang phải trong một động tác đẹp. Tượng có bốn cặp tay đưa ra phía trước, bàn tay phải đưa lên, các ngón tay trỏ chạm ngón cái. Bàn tay trái cầm một cái lọ cổ dài. Cặp tay sau đưa bàn tay lên cao gần vai, tay trái cầm một cái tù và, tay phải cầm một cái đĩa. Đầu bỏ tóc xoã, đội một cái búi tó rất to, xung quanh có vòng hào quang rực sáng. Thân để trần, phần dưới quấn một tấm sa rông dày, gấp thành nếp rũ ra được, một kiểu khăn làm thành thắt lưng buông từ hông xuống. Đôi hoa tai nặng kéo dài xuống đến tận vai. Một chiếc kiềng kép và chiếc đai ngực khoanh lấy vú. Cánh tay đeo vòng gắn miếng chạm. Bắp tay và cổ chân đeo vòng đơn…”.
c) Vết tích ở Cao Lao Hạ (tổng Cao Lao, huyện Bố Trạch) “có những tường thành An Nam hình như xây chồng lên những bức tường Chàm vì người địa phương gọi nó là thành Lồi…’.
III.3
Khi nghiên cứu các di tích văn hoá Champa nói chung và các di tích văn hoá Champa ở Quảng Bình nói riêng, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đưa ra mô hình quy hoạch một vùng văn hoá Champa ở đây: Thánh địa Phật giáo, Phong Nha - Thành cổ, Thành Cao Lao - Cảng thị: Cảng Gianh; và thấy rằng “Khu vực được gọi là chùa Hang có tượng phật ngồi kiết già có chữ Vạn trước ngực… Paris đọc được một chữ Chàm “Campimala”, nó xác định tính chất Phật giáo của hang ấy (nếu đúng campimala = Kampimala thì là tên của một vị La hán, tổ thứ 13 trong Phật giáo). Về niên đại, đây là vùng thánh địa Phật giáo bắc Champa khoảng thế kỷ 9 - đầu thế kỷ 10”.
Trước đây, dựa vào nguồn tài liệu tìm được trong động Phong Nha và vùng phụ cận, đặc biệt là nhóm tượng ở Kẻ Nai, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhóm tượng này mang đậm tính chất Phật giáo Đại thừa (Mahayana) có niên đại vào thế kỷ 9-10. Gần đây, người ta đẩy niên đại sớm hơn vào thế kỷ 5-6. Mặc dù có sự khác nhau về niên đại, điều thống nhất các nhà nghiên cứu đều cho rằng: có một trung tâm Phật giáo của vùng bắc Champa ở địa phận tỉnh Quảng Bình, trong đó có động Phong Nha là một trung tâm quan trọng.
III.1
Như đã trình bày, tài liệu về dấu tích văn hoá tìm được trong động Phong Nha mới dừng lại ở mức độ khảo sát ban đầu. Nguồn tài liệu đó bị thất tán nhiều nơi, mỏng, chưa được nghiên cứu tường tận. Điều đó không chỉ đối với các dấu tích văn hoá Champa ở động Phong Nha mà đối với cả các di tích văn hoá Champa ở Quảng Bình. Là di tích văn hoá Champa duy nhất tồn tại trong hang động, lại mang tính chất Phật giáo, có niên đại tồn tại khá sớm, có thể coi đây là tài liệu quan trọng góp phần tìm hiểu quá trình tồn tại phát triển của Phật giáo trong văn hóa Champa. Trung tâm Phật giáo Phong Nha có khả năng niên đại sớm hơn, là tiền đề cho sự ra đời của các trung tâm Phật giáo sau này mà trung tâm Phật giáo Đồng Dương (Quảng Nam) là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất.
III.2
Để động Phong Nha trở thành một danh thắng, cùng với những giá trị phong cảnh tự nhiên vốn có, các di tích văn hoá ở đây cần được nghiên cứu, trả lại đúng giá trị của nó, xứng đáng với quy mô cùng giá trị của di tích.
Nếu trước kia, chúng ta mới biết những phần nổi của di tích hay thông qua những phát hiện ngẫu nhiên liên quan thì trong tương lai cần có những kế hoạch nghiên cứu từng bước cụ thể.
Ngoài những tư liệu đã biết, cần có những cuộc khảo sát các di tích trong tổng thể vùng, thẩm định giá trị của từng di tích, xác lập vùng văn hoá, lấy động Phong Nha làm trọng tâm. Tiến hành các cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học bổ sung tư liệu mới, hiểu biết mới về Phong Nha và các di tích liên quan để có cơ sở khoa học trả lại đúng vị trí ban đầu của di tích quan trọng này. Để làm được việc đó “vai trò khảo cổ học là có tầm quan trọng quyết định đối với văn hoá Champa” (Trần Quốc Vượng 1995) cũng như đối với các di tích còn lại ẩn mình trong lòng đất./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét