Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014



CẢNG THANH HÀ( THỪA THIÊN - HUẾ) - QUA TƯ LIỆU KHẢO CỔ HỌC




Trong lịch sử xứ Đàng Trong nói chung và lịch sử xứ Huế nói riêng, cảng Thanh Hà được coi là một trung tâm thương mại quan trọng trong lịch sử vùng đất.
Từ lâu cảng Thanh Hà không còn, nhưng nơi đây vẫn là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong suốt nửa thế kỷ qua. Bằng nhiều nẻo đường tiếp cận: tư liệu lịch sử, sử liệu dân gian, bi ký, gia phả, địa danh… các nhà nghiên cứu đã cố công phục dựng lại gương mặt một thời vang bóng của phố cảng nay đã chìm vào dĩ vãng.
Cảng Thanh Hà xưa, ngày nay nằm trên địa phận xã Hương Vinh (huyện Hương Trà) toạ lạc trên bờ tả ngạn sông Hương. Giới hạn không gian kéo dài từ Đền Ông đến Đền Bà khoảng 1000m, chiều rộng khoảng 300-400m, bao gồm địa phận làng Minh Thanh và Địa Linhvới bao nếp nhà nho nhỏ nằm ẩn mình dưới tán cây. Một vùng đất phố nhỏ, chợ không, phố cảng xưa chỉ còn trong ký ức, với con đường trải nhựa phẳng lỳ lặng lẽ.
Nghiên cứu cảng Thanh Hà nay, ngoài nguồn tư liệu thư tịch để lại, có lẽ chỉ còn lòng đất ẩn chứa những dấu tích xưa mách bảo về một phố cảng một thời sầm uất.
* Để góp phần nghiên cứu cảng Thanh Hà, từ năm 1992 Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học từng bước nghiên cứu cảng Thanh Hà qua tư liệu vật chất để lại.
Năm 1992, cuộc đào thám sát lần đầu cảng Thanh Hà được thực hiện. Hố thám sát có diện tích 6m2 (3 x 2m), hướng bắc - nam dọc theo bờ sông Hương, trên địa bàn thôn Minh Thanh.
Địa tầng hố đào cho thấy:
Lớp trên dày 0,2m, đất màu vàng nhạt tơi xốp,  hiện vật lẫn nhiều gạch ngói, mảnh sứ nhiều thời đại.
Lớp dưới 0,3m, đất màu xám đen nhạt, mềm nhưng khá chặt, đất lẫn nhiều mảnh sành sứ.
 Từ 0,3m chếch về phía tây dọc hố đào xuất lộ vỉa gạch móng chạy dài 3m, hướng bắc - nam theo sông, rộng 0,45m. Gạch có màu đỏ nhạt, kích thước nhỏ (0,25 x 0,12 x 0,07m), các viên gạch liên kết với nhau bằng vữa màu trắng ngà dày 1-1,5cm xếp so le nhau tạo nên khối vững chắc dày 0,65m. Vữa gạch này được xây trên phần móng của lớp dưới, so le nhau 0,2m. Lớp móng dưới dài 2,4m, rộng 0,4m, dày 0,4m, bẻ vuông góc về hướng tây. Gạch và kết cấu xây cất lớp dưới như lớp móng trên. Đây là móng của hai công trình kiến trúc nhẹ xây chồng lên nhau trong khoảng thời gian ngắn.
Dưới 1,2m là lớp đất sinh thổ màu vàng mịn có lẫn nhiều hạt sạn nhỏ. Trong hố thám sát còn thu được nhiều mảnh sành, sứ, gốm…
Dọc theo bờ sông, lẫn trong các vách lở là những tầng gốm sứ ken khá dày với nhiều loại hình khác nhau. Cùng với việc sưu tầm, chúng tôi đã thu gom nhiều hiện vật mà nhân dân địa phương thu nhặt trong một thời gian dài, tạo nên một bộ sưu tập với 365 hiện vật, gồm 329 đồ gốm sứ, 36 đồ sành, trong đó có 4 hiện vật có nguồn gốc sứ Nhật Bản (1640-1690). Đồ sứ ở đây chủ yếu là sứ Trung Quốc, có niên đại sớm muộn khác nhau (thế kỷ XVI-XVIII) với các loại hình bát, ấm, đĩa, lọ, bình hoa… men trắng hoa lam, được trang trí đẹp.
  * Năm 1993, đợt điều tra lần thứ  hai được thực hiện. Ngoài cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh, Viện Khảo cổ học, còn có các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Dựa vào hố đào tự phát của ông Nhan Đạo Thống (thôn Minh Thanh), đoàn sưu tập được 77 hiện vật gồm: 25 hiện vật đồ sứ Trung Quốc, 47 hiện vật đồ sứ Nhật Bản và 5 hiện vật đồ sành. Tại vách tây hố đào dài khoảng 50m, độ sâu 0,7-1,5m còn dấu vết vỉa gạch chạy dài, móng của công trình kiến trúc xưa để lại.
* Năm 1997, để đẩy mạnh việc nghiên cứu phố cảng Thanh Hà, đặt cơ sở cho việc toàn diện cảng trong tương lai, Viện Khảo cổ cùng với Bảo tàng tỉnh trở lại Thanh Hà đào thám sát lần thứ hai.
Hố thám sát thực hiện tại vườn nhà ông Nhan  Đạo Thống 1m2 (1 x 1m) và vườn nhà bà Hoàng Thị Lan 2m2 (1x2m), trong đó hố 2m2 có địa tầng ổn định.
Hố đào 2m2 chạy dọc theo hướng bắc - nam. Địa tầng văn hoá cho thấy:
- Độ sâu 0,3m lớp trên là đất canh tác bị xáo trộn nhiều, nằu nâu nhạt, đất cứng lẫn nhiều mảnh sứ, gốm sành, gạch của nhiều thời đại.
 - Độ sâu 0,6-1,2m đất màu nâu nhạt, có chỗ đen nhạt lẫn gạch, sành sứ. Đặc biệt dưới lớp sát tầng sinh thổ có một lớp dày 0,25m ken đặc mảnh sứ, sành. Dưới cùng là lớp sinh thổ màu vàng nhạt khá mềm nghiêng dần từ tây sang đông.
Tổng số hiện vật thu được gồm 2.280 mảnh, trong đó phân ra: đồ sành 380 mảnh, đồ sứ Trung Quốc 93 mảnh, đồ sứ Nhật 1.804 mảnh, đồ gốm sứ Việt 3 mảnh. Phân theo đại tầng, diễn tiến hiện vật cho thấy:
- Lớp I: Tổng số 409 hiện vật gồm:
Đồ sành: 173 mảnh, gồm đáy 20 mảnh, thân 130 mảnh, miệng 21 mảnh (gồm miệng bẻ loe, miệng thẳng và miệng phẳng).
Đồ sứ Trung Quốc: 77 mảnh, gồm đáy 32 mảnh, thân 30 mảnh, miệng 15 mảnh. Sứ men trắng hoa lam, men dày bóng, xương trắng mỏng mịn. Trang trí rồng, phượng, hoa lá hiện thực và cách điệu…
Đồ sứ Nhật Bản: 156 mảnh, gồm các loại bát (đáy 73 mảnh, thân 61 mảnh. Một số hiện vật có kích thước khá lớn: bát cao 8cm, đường kính miệng 17,5cm, đường kính đáy 7cm, chân đế cao 0,5cm); Đĩa: 18 mảnh (đáy 10 mảnh, miệng 8 mảnh. Chú ý có 2 lòng đĩa viết chữ “Nhật”); Cốc 4 mảnh. Sứ men trắng hoa lam, men dày màu trắng đục, lam nhạt xương dày. Trang trí rồng phượng cách điệu, cá phun nước, hoa lá cách điệu.
- Lớp II: Tổng số 1029 hiện vật, gồm:
Đồ sành: 146 mảnh, có miệng 30 mảnh, thân 92 mảnh, đáy 22 mảnh, nắp 2 mảnh. Sành màu nâu xám, cứng, dày 0,5-0,7cm. Xương có nhiều hạt sạn sỏi, độ nung cao.
Sứ Trung Quốc 11 mảnh (5 mảnh miệng, 6 mảnh thân).
Sứ Nhật Bản có 907 mảnh, gồm 370 mảnh miệng, 410 mảnh thân, 92 mảnh đế cùng 35 mảnh đĩa vỡ ra. Trong 92 mảnh đế có 1 mảnh ghi “Đại Minh”, 1 mảnh ghi “Đại Minh thành hoá niên chế”. Một số lòng đĩa ghi chữ “Nhật”.
- Lớp III: Tổng số có 842 hiện vật, gồm:
Đồ sành: 60 mảnh và 1 bình còn nguyên vẹn. Bình có dáng thon cao, miệng thẳng, vai xuôi, thân thon tròn đều, đáy rộng phẳng. Sành màu nâu xám, xương dày cứng.
Sứ Trung Quốc: 5 mảnh. Sứ mỏng, xương trắng mịn, độ nung cao. Men trắng hoa lam dày bóng, nét vẽ gọn đẹp.
Sứ Nhật Bản: 776 mảnh, gồm bát: 248 mảnh, (miệng 164 mảnh, đáy 84 mảnh. Bát có kích thước lớn: cao 4,5cm, đường kính miệng 9cm, đường kính đáy 3,5cm, chân đế cao 0,5cm. Có 2 mảnh đáy ghi “Đại Minh thành hoá niên chế”); đĩa: 48 mảnh (miệng 22 mảnh, đáy 26 mảnh, có 2 lòng ghi chữ “ “Nhật”).
Ngoài ra còn có 480 mảnh thân từ các loại bát đĩa vỡ ra. Xương sứ thường dày, hơi mịn. Men trắng hoa lam nhạt, màu trắng nhẹ, lam nhạt. Đề tài trang trí: rồng phượng cách điệu, các loại hoa lá, hoa dây cách điệu.
Với diện tích hàng ngàn mét vuông, các cuộc đào thám sát diện tích còn rất khiêm tốn nhưng tài liệu thu được đã góp phần bước đầu hiểu về lòng đất phố cảng xưa.
Tài liệu cho thấy phố cảng Thanh Hà được hình thành ban đầu trên một nền đất sét sông vững chắc. Trong quá trình tồn tại và phát triển, cho đến ngày nay dày từ 1-1,2m. Có thể ban đầu nơi đây là một bến chợ sầm uất trong vùng, những giai đoạn sau của lịch sử, để đáp ứng với nhu cầu phát triển của xã hội nơi đây biến thành một thương cảng, phố xá được lập dựng. Dấu vết các công trình kiến trúc cho thấy cho thấy chúng được xây dựng dọc theo sông. Móng được xây dựng khá kiên cố chứng tỏ quy mô kiến trúc lớn. Riêng về vật liệu lợp bộ mái, chúng tôi chưa tìm thấy dấu vết, có thể khi  cảng Thanh Hà mất vai trò lịch sử, phần kiến trúc trên được dời theo đến nơi tụ cư mới cùng chủ nhân của chúng.
Điều dễ nhận thấy qua các cuộc đào thám sát ở đây, hay trong các tầng đất lở tự nhiên là các hiện vật đồ gốm, sành, sứ chiếm tỷ lệ khá lớn. Tính bền vững của loại hiện vật này đã thách đố thời gian, trở thành những chứng cớ vật chất quan trọng khi nghiên cứu khu cảng cổ này.
Đồ gốm sứ ở đây có nguồn gốc từ nhiều nguồn khác nhau: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, đồ sành địa phương (Mỹ Xuyên -  Phong Điền), trong đó đồ gốm sứ Nhật Bản chiếm vai trò quan trọng.
Đồ gốm sứ Trung Quốc có nhiều loại hình: Bát, đĩa, cốc, chén, bình, lọ…, được chế tác khá tinh mỹ: nguyên liệu tốt, kỹ thuật cao, hình dáng đẹp, trang trí hoa văn tinh tế (rồng phượng, hoa lá hiện thực, cách điệu). Đồ sứ ở đây có gốm sứ celadon, men trắng hoa lam, tam thái… niên đại từ thế kỷ XV-XIX, đa phần có niên đại thế kỷ XVII-XVIII.
Đồ gốm sứ Nhật Bản chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hiện vật tìm được, chủ yếu là bát, đĩa, cốc, bình… men trắng hoa lam. Men trắng thường có màu trắng đục, hoa lam đậm nhạt. Trang trí thường gặp như rồng cách điệu, phượng cách điệu, cá phun nước, hoa lá cách điệu và hiện thực… Niên đại thuộc nửa cuối thế kỷ XVII.
Đồ sành Việt Nam chiếm tỷ lệ không nhiều. Các hiện vật có nguồn gốc từ các trung tâm sản xuất gốm ở địa phương như Phước Tích, Mỹ Xuyên (Phong Điền) với các loại hình bình vôi, bình, chậu… có niên đại thế kỷ XVII-XVIII.
Với nguồn tài liệu thu được góp phần khẳng định cảng Thanh Hà là thương cảng sầm uất, một trung tâm thương mại lớn không những ở trong nước mà còn giao lưu với nhiều nước trong khu vực. Thế kỷ XVII-XVIII là thời gian thịnh đạt, đỉnh cao trong hoạt động thương mại của cảng Thanh Hà. Điều này phù hợp với những tư liệu lịch sử ghi chép về một cảng Thanh Hà xưa dưới thời các chúa Nguyễn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét