Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

TỪ THÀNH HỒ( THANH HÓA) - NHÌN VỀ PHƯƠNG NAM


Năm 1497, dưới danh nghĩa nhà Trần một trung tâm chính trị văn hoá kinh tế mới của nhà nước Đại Việt được dựng xây theo ý đồ của Hồ Quý Ly trên vùng đất phía nam. Sử cũ ghi lại:" Mùa xuân, tháng giêng, sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh( có sách chép là Mẫm) đi xem đất và đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hoá, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó..." Đó là chủ ý của Hồ Quý Ly, mặc cho các quan can ngăn nhưng" Quý Ly nói: Ý ta đã định từ trước rồi, ngươi còn nói gì nữa!". Với ý đồ chuẩn bị trước, chỉ trong vòng 3 tháng thành Hồ đã được xây dựng cơ bản xong, với toà thành có quy mô lớn, xây dựng kiên cố vững chắc nhất trong lịch sử dân tộc và  trở thành một trung tâm chính trị, quân thành vào bậc lớn nhất của các vương triều vùng Đông Nam á. Tháng 11 năm 1397 " Quý Ly bức vua  dời đô đến phủ Thanh Hoá"  gọi đây là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô đất cũ Thăng Long. Cuộc chuyển đô lần này trong bối cảnh lịch sử khá  đặc biệt. Trong nước vua quan nhà Trần ngày càng tha hóa, mải ăn chơi sa đọa, ít quan tâm đến đất nước, xã hội rối ren, sức dân mòn mỏi." Nhà Trần từ sau khi Dụ Tông hoang dâm phóng túng, lại thêm Chiêm Thành xâm lược quấy rối, thì giặc cướp rất nhiều. Chúng cướp của bắt người giữa ban ngày, pháp luật không thể ngăn cấm được". Ngoài nước: phía Bắc nhà Minh ngày càng vững mạnh, hàng ngày hàng giờ dòm ngó tìm cách xâm lăng hòng đô hộ nước ta một lần nữa . Phía Nam quân Chiêm Thành luôn quấy nhiễu biên thùy; 3 lần đem quân ra tàn phá Thăng Long, khiến cho đất nước rơi vào cảnh quyệt quệ  Cuộc chuyển đô dưới danh nghĩa nhà Trần, nhưng thực chất quyền lực dần chuyển sang tay nhà Hồ.
 Thành Nhà Hồ
Năm 1400 Hồ Quý Ly chính thức lên ngôi đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, tên nước là Đại Ngu, xác định quyền lực chính thống của vương triều Hồ trong lịch sử. Toà thành xây  dựng ở phủ Thanh Hoá trở thành kinh đô của vương triều Hồ- Đại Ngu. Đây là cuộc chuyển đô lần thứ hai trong lịch sử dân tộc.  Lần thứ nhất từ  kinh đô Hoa Lư ra trung tâm đất nước Thăng Long. Lần thứ hai sau gần 4 thế kỷ kinh đô của đất nước  lại chuyển dịch về phương nam mang khát vọng của cả một vương triều trong lịch sử dân tộc.
. Khát vọng xây dựng một quốc gia độc lập hùng cường, đủ sức " cự bắc - bình nam", là một nhu cầu bức thiết đặt  trọng trách lên vai người sáng lập vương triều là Hồ Quý Ly. Việc chuyển đô là một xu thế tất yếu của lịch sử để đáp ứng được nhu cầu ấy.
Sau cuộc mở rộng lãnh thổ xuống phương nam của nhà Trần, năm 1306 hai châu Ô Lý( vùng đất Thừa Thiên - Huế ngày nay) hộp nhập vào quyền quản lý chung của  nhà nước Đại Việt. Trên vùng lãnh thổ trải dài ấy, vùng đất phương nam xa xôi trở thành vùng biên viễn xa chính quyền Trung ương quản lý. Chính vì thế việc dời đô về trung tâm vùng đất quản lý là việc làm cấp thiết và địa bàn phủ Thanh Hoá là thích hợp. Đây không những là nơi " cố thổ" của họ Hồ mà định đô nơi đây nằm ở vị thế cân độ đường nam- bắc. Từ kinh đô, Hồ Quý Ly  có đủ điều kiện thực hiện khát vọng phục hưng dân tộc sau một thời kỳ xã hội rối ren vào cuối thời Trần.
Trong thời gian ngắn ngủi 1400 - 1407 ấy với mục tiêu chấn hưng đất nước, nhà Hồ đã tiến hành nhiều cải cách thể chế quan trọng. Khởi hưng từ lúc Hồ Quý Ly với tư cách Phụ chính cai giáo Hoàng Đế đã tiến hành nhiều cải cách kinh tế quan trọng: phát hành tiền giấy đổi tiền đồng,  thực thi chính sách hạn nô cùng chính sách hạn điền để nới rộng sức sản xuất trong dân, tiến hành thanh lọc quan lại " bí mật dò hỏi người hay kẻ dở trong quan lại, việc lợi việc hại ở dân gian để tiến hành việc giáng truất hay thăng bổ, quy định thành thể thức lâu dài" và cao hơn năm 1401 " Hán Thương định hình luật và quan chế nước Đại Ngu". Năm 1402" Hán Thương định lại các lệ thuế và tô ruộng.. Đặt nhã nhạc .Năm 1404 tổ chức thi chọn nhân tài vv... Những chính sách tiến bộ đó nhằm  xây dựng một  nhà nước hùng cường với mục tiêu Cự Bắc - bình Nam, giữ vững nền độc lập dân tộc, mở cõi xuống phương Nam.
1. Nhà Hồ với chủ trương Cự Bắc:
Năm 1368 Chu Nguyên Chương lên ngôi, sáng lập ra nhà Minh một triều đại thịnh trị của Trung Quốc.Sau khi thống nhất ổn định trong nước, nhà Minh luôn tìm cách nhòm ngó láng giềng hòng biến nước ta lệ thuộc một lần nữa. Hiểu rõ dã tâm xâm lược, ngay từ khi lên ngôi nhà Hồ với ý thức bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc đã ra sức củng cố binh bị nhằm chuẩn bị chống xâm lăng giữ vững chủ quyền .
 Việc xây dựng quân đội và chuẩn bị binh bị là chủ tâm xuyên xuốt trong thời gian nhà Hồ quản lý đất nước. Sử cũ ghi lại với khát vọng "làm thế nào có được 100 vạn quân để chống giặc Bắc". Năm 1401 " Hán Thương sai làm sổ hộ tịch trong cả nước" để chủ động quản lý dân số, huy động quân binh khi tổ quốc bị xâm lăng. Tổ chức quân đội biên chế chặt chẽ giữ kỷ luật thống nhất "Hán Thương định quân Nam ban và Bắc Ban chia thành 12 vệ; quân Điện hậu đông và tây chia thành 8 vệ; mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người; đại quân thì 30 đội, trung quân thì 20 đội, mỗi doanh là 15 đội, mỗi đoàn là 10 đội; cấm vệ đô thì 5 đội. Đại tướng quân thì thống lĩnh cả.".
 Đạn đá các loại dùng cho súng Thần công tại thành Hồ
 Tiến hành xây dựng trang bị quân dụng , xây thành, bố phòng nơi hiểm yếu là việc làm thường xuyên.Năm 1404" Hán Thương đóng thuyền đinh sắt để phòng giặc phương bắc, có hiệu là Trung Tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương, chỉ mượn tiếng là chở lương thôi, nhưng bên trên có đường sàn đi lại để tiện việc chiến đấu". Năm 1405"... cho các quân đóng cọc ở các cửa biển và những nơi xung yếu trên sông cái để phòng giặc phương Bắc"
"Hán Thương đặt 4 kho quân khí. Không kể là quân hay dân, hễ ai khéo nghề đều xung vào làm việc". Đặc biệt thời kỳ này Hồ Nguyên Trừng đã sáng chế cải tiến súng Thần công thành một hoả lực lợi hại.
Hán Thương sai Thái thú Đông lộ là Hoàng Hối Khánh đốc xuất dân phu đắp thành Đa Bang để chống giặc." Sai quân vệ Đông Đô đóng cọc chặn cửa sông Bạch Hạc để chống giặc từ Tuyên Quang đến..."
Khi nạn ngoại xâm cận kề " Hán Thương chiếu truyền An phủ xứ các lộ về triều cùng với các quan ở kinhbàn nên đánh hay nên hoà. Hội nghị " Diên Hồng lịch sử lần ths hai chống ngoại xâm diễn ra tại thành Hồ, kinh đô thuở ấy. Nơi đây đã ghi lại câu nói bất hủ của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng" Thần không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo thôi"
Mặc dù có ý thức, chuẩn bị khá đầy đủ, nhưng những hạn chế của lịch sử đã khiến triều Hồ  chống xâm lăng thất bại. Nước ta rơi vào vòng nô lệ của giặc Trung Hoa lần nữa. Nhưng bài học lịch sử vẫn thấm đẫm tinh thần dân tộc ngoan cường Cự Bắc của một triều đại, mà thành Hồ là hạt nhân, tâm điểm của cuộc kháng chiến bi thương ấy.
 Tượng rồng đá thành Hồ bị chặt đầu
2. Từ thành Hồ nhìn về phương Nam.
Là quan đại thần nhà Trần từng cầm quân đi chinh phục phương Nam, Hồ Quý Ly hiểu rõ, sự mở cõi, thống nhất lãnh thổ là nhu cầu tất yếu, hội nhập dân tộc  để tạo nên nền tảng sức mạnh tự cường. Chính vì thế nhìn về phương nam là hành động xuyên xuốt chi phối những hoạt động của nhà Hồ trong  thời gian cầm quyền dân tộc. Việc chuyển đô về thành Hồ, ngoài ý nghĩa xây dựng kinh đô mới trên vùng đất "cố thổ" thì đây cũng là vùng đất trung tâm gần hơn nhìn về phương nam trong quá trình mở cõi. Từ thành Hồ nhiều cuộc hành binh đã tiến xuống phương nam. sử cũ ghi lại trước khi nhường ngôi cho con, tự xưng là Thượng Hoàng, cuối năm 1400 từ thành Hồ, " Quý Ly lấy hành khiển Đỗ Mãn làm Thuỷ quân đô tướng, tướng chỉ huy quân Thánh dực là Trần Văn( sau được ban họ Hồ) làm đồng Đô tướng; tướng chỉ huy quân Long Tiệp là Trần Tùng( được ban họ Hồ) làm Bộ quân đô tướng; tướng chỉ huy quân Tả Thánh Dực là Đồ Nguyên Thác làm Đồng đô tướng đem 15 vạn quân đi đánh Chiêm Thành". Năm 1401 lại cử "Hồ Tùng đi đánh Chiêm Thành". Đặc biệt hơn khi Hồ Hán Thương lên ngôi đã đích thân cầm đại quân đi đánh Chiêm Thành. Năm 1402  tháng 7 Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm thành, phần đất Chiêm Động( Quảng Nam- Đà Nẵng) ngày nay được sát nhập vào lãnh thổ chung dân tộc. Cùng năm đó phần đất động Cổ Luỹ( Quảng Ngãi ngày nay) lại hội nhập vào lãnh thổ chung do nhà Hồ quản lý. Thừa thắng năm  1403 Hán Thương đóng thuyền đinh nhỏ để đánh Chiêm Thành. Một đạo quân đông đảo gồm thuỷ bộ 20 vạn người được huy động tiến đánh đến tận kinh đô Chà Bàn( Bình Định ngày nay) với dự định sát nhập một vùng lãnh thổ phương nam rộng lớn" dự định phân chia các đất Bản Đạt Lang, Hắc Bạch và SaLi Nha từ Tư Nghĩa ( Quảng Ngãi)trở  về nam đến biên giới Xiêm La làm châu huyện.. Nhưng tiếc thay " các quân vào đất Chiêm làm nhiều chiến cụ, vây thành Chà Bàn sắp lấy được, nhưng vì quân đi đã chín tháng, hết lương ăn, không thắng phải rút về". Như vậy trong vòng 7 năm cầm quyền, nhà Hồ đã  4 lần rầm rộ tiến quân về phương nam mở rộng lãnh thổ.
Để xây dựng củng cố vùng đất mới nhà Hồ thi hành nhiều chính sách tích cực khẳng định vị thế của vương triều. Năm 1402 "Hán Thương cho đắp sửa đường xá từ thành Tây Đô đến Hoá Châu" để thuận tiện đi lại đẩy mạnh giao thông từ kinh đô đến vùng đất mới. Vùng đất mới gia nhập được nhà Hồ" chia đất ấy thành 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa". Cắt cử quan lại cai quản" đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị". Cùng với việc cử quan lại, nhà Hồ còn sử dụng những quan lại cữ người Chăm tham gia quản lý vùng đất" Hán Thương lấy Hiệu Chính Hầu Chế Ma Nô Đà Nam làm Cổ Luỹ huyện thượng hầu, trấn giữ châu Tư Nghĩa, chiêu dụ, vỗ về dân chúng người Chiêm". Tổ chức chia phần đất mới được sát nhập thành những đơn vị hành chính Lộ, phủ, châu huyện để quản lý chặt chẽ, thống nhất.
 Cùng với chính sách an dân, để tăng cường sức sống cho vùng đất mới năm 1403 nhà Hồ còn thực hiện chính sách khuyến khích  di dân đến ở vùng đất mới " đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa biên chế thành quân ngũ. Quan lại ở các lộ, phủ, châu, huyện chia đất cho họ ở... mộ dân nộp châu để cấp cho dân mới dời đến ở Thăng Hoa, người nộp được ban tước.".
 Kể từ  đầu thế kỷ XIII( năm 1306) khi vùng đất Thuận châu, Hoá Châu ( Thừa Thiên - Huế ngày nay)hội nhập vào cộng đồng lãnh thổ chung, thì đây là thời kỳ sự hội nhập lãnh thổ mạnh mẽ nhất, với không gian rộng lớn cả một vùng Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa( Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay) rộng lớn, màu mỡ, giàu sản vật đã trở thành một phần lịch sử và văn hóa chung của dân tộc. Đó chính là những thành tựu mở cõi mà nhà Hồ từ thành Tây Đô nhìn về phương nam với khát vọng thông nhất lãnh thổ chung dân tộc. Tiếc thay, sự nghiệp này gián đoạn, bởi cuộc xâm lăng của nhà Minh. Nhưng giá trị lịch sử về tầm nhìn của vương triều Hồ từ thành Tây Đô đã chuyển tải khát vọng thống nhất lãnh thổ cho thế hệ sau thực hiện để có diện mao giang sơn đất Việt thống nhất ngày nay.
Một vương triều dù thời gian tồn tại không dài, nhưng thể hiện những khát vọng của một dân tộc tự cường, nhà Hồ đã điểm một dấu son trong lịch sử dân tộc, mà thành Tây Đô là hạt nhân, nơi hội tụ và thể hiện những khát vọng ấy./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét