Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

CHUYỆN GẪU II
                         Ngày ấy, năm nào mùa hè ngành sư phạm cũng tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên các môn học, trong đó môn Lịch sử. Vị giáo sư già kể lại:
Năm đó mình được mời đi bồi dưỡng cho giáo viên hè. Mình giảng Lịch sử Việt Nam. Học viên là các giáo viên giảng dạy lịch sử khối cấp III( bây giờ gọi là Trung học phổ thông). Đang giảng thao thao bất tuyệt về lịch sử hào hùng của Việt Nam. Bài giảng hay đến thế, cả lớp im lặng lắng nghe. Bỗng có một cô giáo trẻ giơ tay, mình tưởng cô ấy hỏi gì chăng? Cô ấy đứng dậy hỏi:
- Thưa thầy. Bao giờ thầy về hưu?.
Mình ớ người ra. Từ đó bài giảng kém hấp dẫn....
Phải chăng môn lịch sử bây giờ không hấp dẫn với chính những người dạy lịch sử, người truyền lửa dân tộc cho thế hệ sau?
Bình Luận
 Nghe vị giáo sư già kể lại câu chuyện, mình cũng bùi ngùi. Theo thiển ý của riêng, câu chuyện có những vấn đề:
- Lịch sử là một môn khoa học, nó là gương mặt của dân tộc qua mỗi thời kỳ. Lịch sử phải là tấm gương trung thực phản ánh đúng gương mặt đó cả mặt phải và mặt trái. Sự trung thực đó đòi hỏi người làm và viết sử phải có ý thức và lòng tự trọng. Thiếu sự trung thực, lịch sử dân tộc đó bị hiểu méo mó. Chính sự trung thực của các sử gia thời trước đã để lại cho thế hệ sau những tài liệu cơ bản để kết luận một thời kỳ, hay một vị vua cầm quyền thời kỳ  nào đó là là Thịnh trị hay suy vong; Minh Quân hay Hôn Quân vv...
- Vị Giáo sư già đó có thể không hiểu vì sao cô giáo trẻ lại hỏi thế. Một là kiến thức thầy truyền đạt đã cũ quá, nói đi nói lại nhiều lần năm nào cũng thế mà thế hệ trẻ bây giờ với nhiều nguồn thông tin khai thác khác nhau không thấy có ý kiến gì mới. Hai là kiến thức thầy truyền đạt là thông tin một chiều, mà lịch sử là đa chiều, người nghe thấy không ổn khi mà họ có nhiều nguồn thông tin khác nhau. Vấn đề trình bày cần đa chiều, trung thực theo lịch sử để rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn sau. Có lẽ do không đáp ứng hai yêu cầu đó dẫn đến câu hỏi: Bao giờ thầy về hưu?
Mấy hôm trước báo Dân Trí điện tử có đưa tin một vị giáo sư già nổi tiếng Trung Quốc được mời đến giảng tại một trường Đại Học, khi ông giảng, đa số sinh viên ngủ gục trên bàn.
Phải chăng ở Việt Nam thế hệ trẻ thẳng thắn hơn khi đặt câu hỏi vậy. Đây cũng là điều may, bởi sự thẳng thắn, trung thực là nền tảng cho lòng tự trọng và là động lực để phát triển xã hội.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét