Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

CHUYỆN GẪU: 5
TÀU ĐIỆN Ở HÀ NỘI
Trong các phương tiện di chuyển, giao thông ở nước ta có nhiều loại gọi là tàu:
- Bay trên trời gọi là tàu bay
- Chạy dưới sông gọi là tàu thủy.
- Chạy trên đường ray gọi là tàu lửa
- Xe tăng chiến đấu gọi là tàu bò
- Chạy trên đường ray nhưng bằng điện gọi là tàu điện
- Lặn dưới nước gọi là tàu ngầm vv... Lắm loại tàu.
Có người hỏi, người ta hay hoài niệm về một Hà Nội cổ kính  xưa là có tiếng tàu điện chạy với chuông reo leng keng. Tàu điện ở Hà Nội bây giờ không còn nữa. Vậy  Tàu điện xưa thế nào?
Tàu điện là phương tiện giao thông xưa được sử dụng khá phổ biến, bình dân trong khu vực nội thành. Tàu điện do người Pháp xây dựng từ trước. Sau này tiếp quản thủ đô, tàu điện vẫn được sử dụng cho đến những thập kỷ cuối của thế kỷ XX.
Gọi là tàu vì toa chở khách, hàng hóa được đóng như toa tàu lửa nhưng nhỏ hơn, ngắn hơn. Toa đầu máy phía trên có cần móc vào đường dây điện  giăng phía trên để kéo tàu chạy. Tàu có bánh sắt như tầu hỏa, chạy trên đường ray. Đầu toa là buồng điều khiển của người lái tàu. Tàu chạy thường có hai hoặc ba toa: gồm toa đầu kéo và một hoặc 2 toa chở khách không có buồng lái phía sau. Thân toa bên ngoài, phía dưới sơn màu đỏ nhạt, nửa trên thường sơn trắng và có những ô cửa kính để đóng mở, lên xuống theo thân tàu che mưa nắng. Trong lòng toa có hai hàng ghế  gỗ nan đặt dọc  theo chiều dài toa để mọi người đi tàu ngồi. Giữa là lối đi. Hai đầu toa có hai cửa lên xuống, bậc thấp rất thuận lợi. Sau này có một số toa cải tiến đặt ghế ngang nhưng không thuận tiện lắm.
Hà Nội có 3 đường tàu điện chính. Lấy Bờ Hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm nơi có nhà ga ( Nhà ga mà sau này cải tạo thành tòa nhà thương mại bây giờ mà người Hà Nội hay gọi là Hàm cá Mập) làm tiêu chí tính thì có những tuyến sau. 
- Từ Bờ Hồ đi chợ Mơ theo các phố Đinh Tiên Hoàng- Phố Huế- Bạch Mai bây giờ và kết thúc trước cửa chợ Mơ. Nơi đây có đường ray tránh, đổi đầu tàu kéo các toa. 
- Từ Bờ Hồ đi Yên Phụ và Phố Thụy Khê. Tầu đi theo các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, ... đến đầu phố Hàng Đậu( chỗ tháp nước hiện còn) chia làm hai ngả. Một từ Hàng Đậu, theo phố Quán Thánh, Thụy Khuê về đây có xưởng của Nhà xe Điện. Đây là nơi tập kết của các tàu điện về tối đỗ ở đây.Một từ chỗ rẽ này chạy theo Hàng Than lên dốc Yên Phụ chạy đến cuối đường Yên Phụ( đầu đường Nghi Tàm bây giờ.  Đây là bến cuối có đường ray phụ để tàu quay đầu.
- Từ Bờ Hồ đi Cầu Giấy và Hà Đông. Tàu đi từ Bờ Hồ theo các phố Hàng Bông đến Cửa Nam theo đường Nguyễn Thái Học đến góc bắt tường Văn Miếu rẽ chia làm hai nhánh. (Góc tường Văn miếu xưa có cây gạo cổ thụ được người xưa thờ cúng hương khói quanh năm với nhiều truyền thuyết linh thiêng về ngôi miếu xây ở đây. Nay đã dỡ bỏ). Một nhánh đi theo phố  Hàng Bột( Nay đổi tên là Tôn Đức Thắng?) xuống Ô chợ Dừa, theo đường Nguyễn Trãi tới Đầu  cầu Hà Đông bên bờ sông Nhuệ( Trước cửa khách sạn sông Nhuệ hiện nay). Ở đây có đường ray tránh để tàu quay đầu.
Với đường phố hẹp, ray đường tàu được bố trí khá khoa học. Các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào... Quán Thánh....  Phố Huế, Bạch mai đường tàu đặt chính giữa chia hai bên bằng nhau. Hoặc được đặt bên một mép đường như Yên Phụ, Nguyễn Trãi hay lượn cong theo bờ hồ Hoàn Kiếm
Mặc dù không nhiều tuyến nhưng giá trị giao thông của tàu điện khá cao liên thông nhau đi từ đầu đến cuối thành phố  thuận lợi. Ngoài vận chuyển hành khách, tàu còn chở hàng hóa từ các vùng ngoại thành  vào nội thành.  Tuyến Mơ- Bờ hồ chở các gánh rau leo lên tàu vào, tuyến Yên Phụ chở các loại hoa từ Nghi Tàm, Yên Phụ đến. Tuyến Hà Đông, Cầu Giấy chở nông sản, hoa quả . Toa cuối đoàn tàu thường chở hàng hóa, người đi chủ yếu ngồi toa trên. Khi hết hàng, quanh gánh thường được các bà, các chị treo cuối toa cho gọn gàng. Tốc độ của tàu không cao lắm, khoảng 10km đến 15 Km/ h.Do đường đi chung với các phương tiện giao thông khác nên khi gặp chướng ngại vật, hay  sắp đến bến đỗ tàu thường kéo chuông kêu Leng keng báo hiệu. Người lái tàu và người bán vé lúc đầu còn mặc đồng phục, sau do chiến tranh nên ăn mặc cũng thay đổi cho phù hợp. Giá vé các tuyến tàu đầu tiên là 5xu, sau đó lên một hào. Nếu có quang gánh xếp rau, hoa quả thì tính thêm một vé. Do thuận lợi giao thông nên số người đi tàu điện khá đông: học sinh, công nhân, viên chức, nông dân. Nhiều người từ các tỉnh về Hà Nội chơi thường sử dụng phương tiện này đi thăm thú thành phố.
Đi tàu điện có thú vui, tốc độ  không nhanh, bậc tàu thấp dễ lên xuống nên người già đi lại cũng thuận lợi, giá vé bình dân nên người đi tàu đông, an toàn. Học sinh đi học thường lấy nhảy tàu làm trò vui nhưng cũng ít khi xảy ra tai nạn. Nhưng cũng có người mất chân vì nhảy, bánh tàu nghiến phải.
Có hai chuyện đáng nhớ về tàu điện:
- Sau năm 1973 và năm 1975  sau lễ duyệt binh mừng chiến thắng có xe tăng( tàu bò) tham dự, do trọng tải  xe tăng lớn, một số nơi nền đất yếu đường ray tàu điện bị lún nên có khi tàu điện chạy những khúc quanh bị trượt bánh lao ra ngoài. Do tốc độ chậm nên cũng ít có tai nạn. Khi xảy ra sự cố tàu điện trật bánh lao ra ngoài đường ray, người Hà Nội bảo tàu bò húc nghiêng tàu điện.
- Một số đoạn đường Hà Nội hơi dốc, như từ bờ Hồ lên Đồng Xuân hay từ Hàng Đậu lên đê Yên Phụ, chỗ dốc Hàng Than, nếu gặp trời mưa phùn,nhất là vào mùa Xuân,  đường ray trơn, tàu cứ leo lên lại tụt xuống. Nhiều hôm phải đấu hai đầu tàu kéo và đẩy. Khi tàu lên hay tụt xuống người lái tàu lại kéo chuông leng keng báo hiệu để mọi người chú ý. Vì chuyện này, khi  gặp người nói chuyện không đâu vào đâu người ta lại hỏi nhau: Thằng ấy, con ấy có leng keng không. Nghĩa là chuyện ấy như chuông tàu điện Leng keng nhưng không biết đi lên hay đi xuống.
Do sự phát triển của kinh tế, sau này Hà Nội xuất hiện tàu điện bánh hơi, nhưng tàu điện bánh hơi ít để lại trong ký ức người Hà Nội. Rồi tàu điện dần biến mất, đường ray bị dỡ bỏ, toa xe bỏ đi. Tàu điện chỉ còn lại trong hoài niệm của người Hà Nội, thấm vào thơ ca, nhạc họa như một kỷ niệm đã qua. Thuật ngữ ăn nói Leng keng cũng hầu như biến mất./.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét