Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014


KINH THÀNH VIJAYA

 Trước hết phải nói kinh thành ViJaya là tên gọi theo theo bia ký của người Chăm để lại nói về một tòa thành cổ- kinh đô của người Chăm trong lịch sử trên vùng đất châu ViJaya xưa. Kinh thành này theo các nguồn sử liệu của Việt Nam, gọi đó là thành Phật Thệ, Chà Bàn, tên này được sử dụng  trong các bộ chính sử nhà Nguyễn ( 1802 -1945) trong đó có Đại Nam nhất thống chí. Tòa thành này còn nhiều tên gọi khác nhau: thành Cũ, thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế. Mỗi tên gọi đều có nguồn gốc và ẩn chứa nội dung của một thời kỳ, nhưng nhìn chung đều chỉ một tòa thành cổ nằm trên địa bàn xã Nhơn Hậu và một phần thị trấn Đập Đá huyện An Nhơn ( Bình Định) ngày nay.
Tên gọi kinh thành Vijaya theo tài liệu lịch sử dân tộc Chăm có hai nguồn gốc. Một là tòa thành cổ là trung tâm kinh tế, chính trị quân sự của một vùng đất lãnh thổ của châu Vijaya xưa. Đây là một trong 38 châu mà trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1443 cho biết “ Tổng cộng các châu lớn nhỏ cả thảy là 38 châu, chiều dọc rộng độ 600 dặm”.Hai là kinh thành Vijaya, kinh đô của cả tộc người Chăm trong lịch sử. Năm 998  trước nhu cầu phát triển trong điều kiện lịch sử mới, người Chăm chuyển đô từ Inđrapura(Đồng Dương – Quảng Nam) về châu Vijaya. Sự chuyển đô này là cả một quá trình. Sau nhiều biến động của lịch sử, sự tranh giành quyền lực trong vương triều, nhiều thủ lĩnh ở các châu nổi lên xưng vương, trong đó có thủ lĩnh trị vì châu Vijaya.Theo nhiều nguồn sử liệu cho biết vị vua trị vì đầu tiên ở ViJaya là Harivarman II lên ngôi năm 989, những người Chăm “ ...kéo người đó về ViJaya, họ công nhận người ấy làm vua”. Vị vua này có lẽ định đô tại thành Tra ( xã Nhơn Lộc) hiện nay. Từ Vijaya vua Harivarman II  tiến tới quản lý toàn bộ lãnh thổ Chămpa và vẫn duy trì kinh đô ở Inđrapura. Có thể coi vùng đất ViJaya là vùng đất cơ bản của vương triều này để đến khi con ông lên nối ngôi năm 999, mới chính thức từ bỏ Indrapura  và năm 1000  kéo quân về ViJaya thì vai trò kinh đô của vùng đất được xác lập vững vàng.Về địa lý đây là vùng đất trung tâm của dải đất miền Trung do người Chăm quản lý kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Nơi đây đồng ruộng rộng rãi, màu mỡ, sản vật phong phú, dựa lưng vào vùng cao nguyên giàu có, nhìn ra biển rộng với hải cảng Thi Nại thuận giao thương, hội tụ đủ điều kiện để phát triển, tạo nên một thời kỳ mới của tộc người Chăm. Vị vua mới lên ngôi lấy tên hiệu là Yang.Po ku ViJaya Sri mở đầu cho vương triều mới –Vương triều ViJaya- kinh đô là Vijaya.  Vương triều ViJaya mở đầu vào cuối thế kỷ X( 1000),kết thúc vào cuối thế kỷ XV (1471) với nhiều triều đại, nhiều khúc quanh, nhiều bước thăng trầm khác nhau nhưng đã để lại nhiều dấu ấn huy hoàng trong lịch sử Champa, trong đó văn hoá thời kỳ ViJaya phát triển rực rỡ. Như vậy, có thể thấy khi mới chuyển đô về đây vương triều đã có sẵn một đô thành của của châu Vijaya( Thành Tra- Nhơn Lộc).Tòa thành này được sử dụng, trong nhiều thế kỷ, có thể sau thế kỷ XIII, khi người Chăm giành lại được quyền  độc lập từ sự thống trị của đế quốc Khmer, thì người Chăm chuyển đô về vị trí mới, xây dựng một kinh đô mới là : thành Chà Bàn, hay Đồ Bàn trên vị trí ngày nay, trong xu hướng tiến ra biển chung của người Chăm trong lịch sử. Chính vì thế khi viết Đồ Bàn thành ký, Nguyễn Văn Hiển đã viết “Đồ Bàn có tự lâu đời, khắc phục tự nhà Trần, bị phá vỡ tự đời nhà Lê…” đã lược trình về thời gian tồn tại của tòa thành này. Theo khảo tả của các sử gia cũ “ Thành Đồ Bàn là nơi vua cũ nước Chiêm ở đó, lộng lẫy kiên cố nay dấu cũ hay còn”. Theo sách Thiên nam tứ thư lộ đồ chi  thời Lê cho biết” xã Phú Đa xưa có thành xây bằng gạch, gọi là thành Đồ Bàn. Thành vuông mỗi bề dài một dặm. Có 4 cửa. Trong thành có điện có tháp. Điện đã bị đổ, tháp còn lại 12 tòa gọi là tháp con gái”. Theo Đại Nam nhất thống chí “ Thành cũ Chà Bàn ở địa phận 3 thôn: Nam Định; Bắc Thuận và Bả Canh về phía đông huyện Tuy Viễn, xưa là quốc đô xưa của Chiêm Thành, chu vi 30 dặm trong thành có tháp cổ, có nghê đá, voi đá đều là của người Chiêm Thành”.
Sau thế kỷ XV, phần đất này sát nhập vào lãnh thổ dân tộc tòa thành này bị bỏ hoang; đến thế kỷ XVIII ( 1778) Nguyễn Nhạc lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn lại dựa trên dấu vết thành cũ, tôn tạo mở rộng thêm đặt tên thành là Thành Hoàng Đế làm kinh đô của vương triều Tây Sơn. Vậy trên cùng một địa điểm, tòa thành này hai lần giữ vị trí vai trò kinh đô, trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của hai tộc người, hai triều đại khác nhau, cách xa nhau hơn 300 năm. Bị bỏ hoang phế hơn 300 năm dãi dầu mưa nắng, bị xã hội và tự nhiên can thiệp, sau này lại bị cải tạo, dấu vết kinh thành Hoàng Đế phủ trùm lên, do vậy việc tìm lại dấu vết kinh thành xưa là một việc làm khó khăn.
Trước đây khi nghiên cứu văn hóa Champa, dựa vào dấu vết vật chất, các công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc,  các nhà nghiên cứu đã cố tách bóc để tìm lại diện mạo kinh thành Vijaya xưa. Từ tài liệu khảo sát đã dựng nên cấu trúc thành Vijaya xưa có mặt bằng hình chữ nhật hướng đông – tây, dài 1400m, rộng 1.100m, còn dấu vết 4 cửa thành phân bố khá cân xứng. Mặt bằng tòa thành này thoát hẳn mặt bằng của thành Hoàng Đế để lại. Nếu so sánh số đo của thành Hoàng Đế với thành Đồ Bàn có thể thấy thành Hoàng Đế rộng gần gấp đôi kinh đô Vijaya xưa.
 Bản vẽ Thành Chà Bàn( Nguồn : H.Parmentier 1909 –1918)
Như vậy có thể thấy, việc sử dụng lại thành cũ Vijaya xây dựng nên thành Hoàng Đế  chỉ có tính kế thừa về địa điểm. Theo bản vẽ của H. Parmentier cho thấy về dấu tích vật chất  tháp Cánh Tiên được xây dựng tại trung tâm Kinh thành Vijaya xưa, bổ xung cho nguồn tư liệu là những phát hiện về giếng Chăm; tương voi, sư tử được chôn lấp xung quanh khu tháp này gần đây khẳng định giả thiết khoa học này của ông là đúng. Về mô hình,  với những tài liệu phát hiện có thể chấp nhận thành Đồ Bàn được xây dựng sau thế kỷ XIII, được quy hoạch theo mô hình ảnh hưởng của Khmer là có cơ sở, nhưng có thể là hình vuông mà tháp Cánh Tiên là trung tâm. Nếu lấy tháp Cánh Tiên làm trung tâm thì những tác phẩm nghệ thuật Champa hiện còn như tượng voi, tượng sư tử đều không xa , quần tụ quanh tháp

Bản vẽ thành Hoàng Đế -2006
Bảng so sánh kích thước
Kích thước
Dài(m)
Rộng(m)
Ghi chú
Thành Vijaya (Đồ Bàn )
1.400
1.100
H. Parmentier
Thành Hoàng Đế
2230- 2353
1627- 1630
Số đo năm 2006




Hệ thống tường thành Hoàng Đế hiện nay do chưa có điều kiện cắt tường thành, để làm rõ cấu trúc; nhưng qua dấu vết đoạn tường thành phía nam cho thấy ruột tường xây bằng đá ong, giữa các lớp đá ong phát hiện thấy kè ngói mũi lá có tráng men. Với vật liệu đá ong trong kiến trúc Champa chỉ xuất hiện sau khi có mặt của người Khmer, cùng với ngói mũi lá của người Chăm được sản xuất tại các trung tâm gốm cổ như Gò Sành, Gò Cây Me, Trường Cửu, cho biết khả năng đoạn tường này được xây dựng từ thời Champa là có cơ sở. Đúng như sử liệu Việt Nam sau này ghi: thành xây bằng gạch. Từ tường thành xây đá ong ban đầu, sau này được Nguyễn Nhạc tận dụng cho bồi đắp đất lên thành tường thành Hoàng Đế ngày nay. Dấu vết những đọan tường thành hiện nay, chủ yếu là diện mạo của thành Hoàng Đế xưa, mà cho đến nay chúng ta chưa có tài liệu và hiểu về tường thành Vijaya.
Hai tượng Voi
Gần đây trong chương trình nghiên cứu  thành Hoàng Đế của Sở Văn hóa và thông tin tỉnh Bình Định, cuộc khai quật khảo cổ học tại nền cung cũ, nền hậu cung đã cho thấy một lớp văn hóa thuộc kinh thành Vijaya cũ. Nằm sâu dưới lòng đất đỏ dày 0,35m là một tầng văn hóa đất màu đen dày từ 0,45m đến 0,6m. Đây chính là tầng văn hóa của Vijaya xưa. Các hiện vật tìm được tại độ sâu này là các mảnh bát, đĩa, ngói, vật liệu trang trí kiến trúc liên quan  của người Chăm sản xuất và có liên quan đến kinh thành Vijaya . Do việc tôn tạo thành Hoàng Đế, lớp đất đỏ tôn nền lấp phía trên để lại tầng văn hóa ở đây khá ổn định
ngãi, vËt liÖu trang trÝ kiÕn tróc liªn quan  cña ng­êi Ch¨m s¶n xuÊt vµ cã liªn quan ®Õn kinh thµnh Vijaya . Do viÖc t«n t¹o thµnh Hoµng §Õ, líp ®Êt ®á t«n nÒn lÊp phÝa trªn ®Ó l¹i tÇng v¨n hãa ë ®©y kh¸ æn ®Þnh
Gạch và gốm trang trí Chămpa trong hố khai quật
Tấ cả những tài liệu hiện còn trên mặt đất và tìm được trong nhiều năm gần đây  trên nhiều chất liệu đá, gốm đều cho thấy chúng có cùng niên đại vào thế kỷ XIII – XV. Như vậy niên đại kinh thành Vijaya ( Đồ Bàn) tồn tại từ thế kỷ XIII – XV là hợp lý. Điều này khác hẳn với các hiện vật phát hiện tại thành Tra có niên đại vào thế kỷ XII. Bổ xung cho nhận định trên là những phát hiện tại gò Tháp Mẫm, gò Thập Tháp là những tác phẩm điêu khắc đá gồm đủ các loại hình đều có niên đại vào thế kỷ XIII – XIV.

Điêu khắc phát hiện tại thành Tra
Nguồn tư liệu vật chất để lại trên vùng đất An Nhơn ngày nay, đất trọng yếu của châu Vijaya xưa, hiện còn hai tòa thành đều có quy mô lớn, liên quan đến hai tòa thành là hệ thống di tích, di vật được tìm thấy . Hệ thống hai nguồn tư liệu này cho biết có hai giai đoạn khác nhau khi người Chăm định đô trên vùng đất này. Mặt bằng cấu trúc thành Tra được xây dựng theo truyền thống kỹ thuật xây thành cổ Champa, các hiện vật có niên đại sớm hơn thành Đồ Bàn. Đây chính là vùng đất Kinh đô Vijaya gai đoạn đầu cuối thế kỷ X- XII. Mặt bằng  thành Đồ Bàn,  do ảnh hưởng của văn hóa  Khmer có thể có mô hình hình vuông đó là  kinh đô Vijaya thế kỷ XIII – XV. Sự chuyển dịch kinh đô này do yếu tố lịch sử chi phối, người Chăm bị sự xâm chiếm của người Khmer mất quyền độc lập tử chủ.Thời gian tồn tại của kinh thành Vijaya trong lịch sử Champa kéo dài gần 500 năm( 1000 – 1471) với hai kinh đô của hai giai đoạn lịch sử khác nhau, thông qua tài liệu vật chất đã nói lên hai giai đoạn phát triển của văn hóa Champa trên đất Bình Định để hình thành nên nền văn hóa Champa phát triển rực rỡ.

Thành Đồ Bàn- kinh thành Vijaya giai đoạn sau, sau hơn 300 năm bị lãng quên, sau này kinh thành Hoàng Đế được xây dựng phủ trùm lên, quy mô lớn hơn, dấu vết kinh thành Vijaya bị mờ dần, ẩn chìm trong lòng đất, mà cho đến hôm nay chúng ta chỉ được thấy những mảnh vỡ từ một kinh thành hoa lệ xưa kia để lại. Để  tìm hiểu rõ hơn về một cố đô cổ  thời Champa thế kỷ XIII – XV của người Chăm, trước hết cần phải hiểu về quy hoạch một kinh đô của người Chăm lấy tháp Cánh Tiên làm trung tâm tòa thành, từ đó mở rộng ra các khu cư trú, hoàng cung, xu hướng này theo truyền thống của người Chăm là gần sông nước, hướng ra biển. Dấu tích các khu di tích gò Thập Tháp, gò Tháp Mẫm  tìm được đã phần nào phản ánh ý thức này. Nhưng muốn hiểu  sâu hơn, toàn diện hơn, cần có nhiều cuộc khai quật khảo cổ học nơi đây để làm rõ. Hiểu về một vùng đất kinh đô, một nền văn hóa, đại diện là một tòa thành kinh đô kéo dài hơn hai thế kỷ của người Chăm trong lịch sử, đó là cả một quá trình, đây chỉ là đôi điều cảm nhận  khoa học, mong muốn được gợi bày, chia xẻ với những người nặng lòng tình yêu với miền đất./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét