VĂN HÓA LÀNG QUÊ
Truyền thống văn hóa dân tộc, được xây dựng lâu dài và gom góp trên nền tảng văn hóa của các làng quê. Những tinh hoa được tựu trung lại hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Trên đất nước tồn tại và phát triển của nền kinh tế nông nghiệp có biết bao nhiêu làng quê và mỗi đơn vị cư trú ấy lại có bao nhiêu nét văn hóa riêng để hình thành nên "lệ làng" đến nỗi nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều khi " phép vua thua lệ làng". Văn hóa làng- liên làng- siêu làng trở thành văn hóa dân tộc.Trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ngày nay, xây dựng làng văn hóa là một tiêu chí quan trọng để thực hiện mục tiêu: xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy làng văn hóa có mặt phải và mặt trái không?
Văn hóa làng xưa có gì.
Xin thưa một làng được coi là có nền nếp xưa trên đồng bằng Bắc bộ có những tiêu chí cơ bản sau:
1. Cơ sở vật chất:
- Vào làng có cổng làng, nơi vào ra không gian cư trú chung của cộng đồng. Các thành viên trong làng vào ra khi sống và khi chết đều qua cổng làng. Chính vì thế các làng rất chú trọng xây cổng làng to đẹp như biểu tượng của sự phồn vinh bề thế làng mình.
- Đường làng thường to rộng, được lát vật liệu bền vững: đá tảng, gạch xếp nghiêng vững chắc. Số vật liệu này do quỹ làng đóng góp và nhiều làng có quy định con gái làng đi lấy chồng, nhà trai phải nộp cho làng một số vật liệu lát đường theo quy định. Ví dụ như bao nhiêu tảng đá khối hay mấy trăm viên gạch để lát đường. Qua năm tháng, số đường làng được lát ngày càng dài ra. Vào làng thấy đường được lát đá, gạch rộng, sạch, nhiều cũng là một tiêu chí cho sự có văn hóa.
- Đình làng là cơ sở thờ cúng tín ngưỡng của mỗi làng. Đình càng to, cao rộng, nhiều công trình liên quan , điêu khắc trang trí đẹp, càng được tự hào.
- Chùa: làng nào cũng có chùa"đất vua chùa làng". Chùa càng to, quy mô lớn, tượng thờ nhiều được coi là làng văn hóa sùng đạo?
- Hệ thống công trình công cộng khá đầy đủ, đặc biệt là hệ thống giếng cung cấp cho dân làng....
- Hệ thống nhà ở của cư dân cộng đồng khá khang trang, đời sống ổn định ....
Đây là một số tiêu chí cơ bản về cơ sở vật chất của một làng
2. Tinh thần:
- Làng thờ vị bảo trợ tinh thần làm Thần Hoàng thờ ở đình là một người có danh tiếng trong lịch sử; Danh tướng có công đánh giặc giữ nước. Ông tổ nghề làng nên sự thịnh vượng của nghề
- Làng có những dòng họ lớn, danh tiếng: dòng họ đỗ đại khoa, dòng họ sản sinh ra những người có danh trong lịch sử. Dòng họ có người đang làm quan đương thời vv.....
Những tiêu chí trên là câu chuyện tự hào của mỗi làng và là của "khoe tinh thần" mỗi khi nói về làng tôi.
Nhưng làng xưa cũng có những" tinh thần lạ"ẩn chứa trong ngôi làng truyền thống đó, xin kể một số cái có trong đó:
Trong khối cộng đồng dân cư sinh sống trong làng, tuân theo" lệ". Chi tiết ra có những cái rất phổ biến:
1. Trong làng xưa bao giờ cũng xuất hiện anh " Chí Phèo". Tuy không lắm, song đời nào cũng có. Nghề của anh là uống rượi, trộm cắp vặt" trộm chó câu gà". Dân làng ai cũng biết, nhưng không ai nói, bởi nói ra là anh chửi. Nhiều lúc uống rượi say anh chửi cả làng. Nhưng dân làng ai cũng nghĩ" chắc nó chừa mình ra" nên không ai chấp. Chính quyền làng, hay có người can thiệp là anh lăn ra ăn vạ, phiền phức thêm. Dân làng có câu " vừa ăn cắp vừa la làng".
2. Làng bao giờ cũng có một hoặc vài cô lẳng lơ " chân dài, tốn giai". Sau này được khái quát chung gọi là Thị Mầu. Những cô này thường có nhan sắc được, tính tình phóng khoáng," mắt lá khoai, liếc chồng chồng chết, liếc giai giai mù". Các cô này thường chê chồng, chán chồng, góa chồng hoặc ở vậy chơi bời. Đối tượng chơi bời của các cô từ anh lực điền đến ông chức sắc. Hành vi câu giai của các cô khiến nhiều lúc dân làng toán loạn, bởi những vụ đánh ghen chửi bới ầm làng, mất trật tự. Nhưng các cô vẫn tồn tại bởi có cho làng thêm vui, cánh đàn ông có chỗ vui vẻ. Dân làng ai cũng không thích, ban ngày ai gặp cũng tỏ vẻ lạnh nhạt, nhưng tối đến thì mấy bà có việc giữ chồng. Cổng nhà các cô luôn luôn mở, cánh đàn ông đi qua cứ rầm rập. Nhóm người này sau lại được nghệ thuật hóa lên thành Thị Hến, bởi sức hút của nó không những trong làng mà phổ rộng ra ngoài làng. Tham gia vui vẻ không những có giai làng mà có cả chức sắc làng, xã, nhiều khi cả huyện ,phủ...
3.Trong làng bao giờ cũng có ông " Thày Đồ". Ông là người dạy học cho lũ trẻ trong làng. Thầy Đồ có thể là người làng, có thể là người nơi khác đến được những gia chủ có máu mặt đưa về dạy cho con cháu cái chữ. Được coi là người có học vấn nhất trong làng, các ông thường sống đạo mạo, song cũng không hiếm chuyện thị phi, ví như buồn buồn ông cũng đến thăm Thị Hến.Nhưng ông là người lắm chuyện nhất làng, dân làng hay đến hỏi các ông tư vấn các việc. Ông là tác giả của những bài vè dân gian mà nhiều người làng ưa thích, truyền khẩu, nhưng chức sắc không ưa. Bài vè về đôi voi đắp trước cổng làng được truyền lại là của Cao Bá Quát viết lúc trẻ nhưng có lẽ là của mấy ông đồ:
Khen ai khéo đắp đôi voi
Có đủ bốn chân đủ cả vòi
Chỉ có cái kia là không thấy
Hay là Lý trưởng lấy đi rồi
4. Để đảm bảo đời sống tinh thần, làng nào cũng có ông " thày điạ". Ông là người giải quyết đời sống tinh thần cho dân làng, ví như xem đất cát đặt mồ mả, động thổ làm nhà, ngày đặt nóc, hay xem ngày lành tháng tốt cho hôn nhân. Ông bấm ngón tay nói như" thánh", dân làng ai cũng tin kể cả chức sắc. Thường ông thày địa này có khi là thày đồ kiêm luôn, nhưng nhiều nơi thày địa vẫn là một lãnh địa riêng có người chuyên nghiệp.
5. Thày thuốc: làng thường có hai người, một ông thì cắt thuốc trị bệnh, một bà thì đỡ đẻ. Ông cắt thuốc trị bệnh thì " thập phần đại giỏi" Bệnh gì ông cũng bắt mạch, cắt thuốc, trúng thì khỏi, trật thì thôi. Thuốc nam đủ các loại lá lẩu biết thế nào. Nhưng do làm lâu năm có kinh nghiệm, thường hay được gia truyền nên ông cũng được bà con tín nhiệm lắm. Bà đỡ thì cứ nhà ai có người sinh đẻ là đón bà đến đỡ, sau khi sinh bà đến tắm rửa cho cháu bé. Nghề này đòi hỏi kiên nhẫn, khéo tay nên cũng có bà được coi là mát tay. Bên cạnh hai thày thuốc dân làng chính, làng còn có nhiều thày thuốc khác chuyên về một khoa có thể gọi là chuyên khoa. Một làng thấy có hai bà lang: một bà gọi là "lang Liếm" bà chuyên trị về bệnh Hậu sản, phụ nữ sau khi sinh. Bà hái thuốc lá về phơi sao tẩm, nhào luyện chế thành thứ thuốc viên tễ. Bà lấy giấy bản gói lại từng viên rồi lấy lưỡi liếm dán lại nên có tên gọi thế. Một bà gọi là "Lang Nhá" chuyên chữa bệnh mụn nhọt. Trẻ con, người lớn bị mụn nhọt đến bà xem sau đó bà đi hái lá thuốc, gọi người bệnh đến bà nhá các loại lá vào với nhau thành miếng dán vào chỗ mụn nhọt. Thế mà bệnh cũng khỏi. Bí quyết của các bà là hái loại lá gì, vào giờ nào, sao ủ ra sao có hiệu quả nhất. Chính vì thế chữa khỏi thì được dân làng khen, chữa không được dân làng gọi là " Lăng Băm"
6. Các vị chức sắc.
Với quan niệm" Sống trong làng hơn sang thiên hạ", tranh giành chức sắc là bệnh phổ biến của mỗi làng. Thường chức sắc trong làng do các dòng họ lớn có vị thế tranh nhau. Người dựa vào của cải, người dựa vào thế gia, các dòng họ tranh giành nhau kịch liệt. Chả thế mới có chuyện của cụ Ngô Tất Tố " cái bát từ mâm ông Lý Cựu bay vèo sang mâm ông Lý Đương, cái bát từ tay ông Lý Đương đập đánh chát vào cột đình bên ông Lý Cựu ngồi" Đương và Cựu là hai ông lý trưởng đương chức và ông đã nghỉ.
Đây là một vài ví dụ về văn hóa làng xưa đã và từng có. Nay làng văn hóa với bao nhiêu tiêu chí, kế thừa và loại bỏ cái gì ,có gì nên giữ, có gì nên bỏ quả là câu chuyện dài kỳ. Những gì kể trên đều tiềm ẩn trong mỗi làng hiện đại?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét