CHUYỆN GẪU 10 VÀ THƠ CON CÓC
ĐÈO NGANG
Đèo Ngang là tên gọi một con đèo nằm trên đường Thiên lý Bắc - Nam thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh sang Quảng Bình.Đèo uốn lượn quanh co khúc khủy khá hiểm trở vượt qua dãy Hoành Sơn nổi tiếng.
Hoành sơn là dãy núi từ dãy Trường Sơn chạy ngang vươn ra tới biển sừng sững như một dãy trường thành ngăn chia nam - bắc. Với địa hình hiểm trở, núi cao và dốc, vượt qua qua dải Hoành Sơn là một thử thách.Vị thế đặc biệt đó, Hoành Sơn có một sứ mệnh khá ly kỳ trong lịch sử.
-Vào những thế kỷ đầu tiên trong lịch sử, dựa vào địa hình hiểm trở, với tinh thần độc lập dân tộc, những tộc người ở phía Nam đã nổi dậy chống lại sự đô hộ của phong kiến phương Bắc lập nên nhà nước Lâm Ấp( LinY) vào năm 192.Sau nhiều thế kỷ củng cố nền độc lập, người Chăm đã "bắt buộc" chính quyền phong kiến Trung Quốc phải công nhận nền độc lập và chuẩn nhận lấy Hoành Sơn làm biên giới. Người Chăm đã xây đắp trên đỉnh dãy núi này, chạy dài một lũy phòng thủ gìn giữ cương thổ, mà ngày nay dấu tích vẫn còn, được lịch sử ghi nhận và nhân dân truyền lại đến ngày nay với tên gọi "Lâm Ấp thế Lũy". Những năm tháng đó, khi dân tộc Việt bị chìm đắm trong tăm tối nô lệ của các triều đại phong kiến Trung Hoa ở phía bắc, thì phía nam dải Hoành Sơn, tộc người Chăm cùng các tộc người khác đã giành được độc lập tự chủ, tiếp thu văn minh Ấn Độ xây dựng nền văn hóa dân tộc sáng lòa mà nhiều di tích, di vật còn lưu giữ đến ngày nay.
- Khi dân tộc Việt giành được độc lập, vùng đất này hội nhập vào lãnh thổ chung dân tộc từ Thuận châu, Hóa Châu, đến Quảng Nam thừa tuyên xứ, lãnh thổ dân tộc mở rộng đến tận Phú Yên. Sự tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến khiến cho địa thế hiểm yếu của dải Hoành Sơn lại được sử dụng. Nguyễn Hoàng vào Nam trấn thủ Hóa Châu sau kiêm luôn Quảng Nam luôn mang theo câu Sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm căn dặn" Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Ông đã sử dụng Trường Lũy tự nhiên này để cát cứ phương Nam lập nên xứ Đàng Trong chia cắt với Đàng Ngoài kéo dài 200 năm trong lịch sử.Trên dải Hoành Sơn được các chúa Nguyễn xây đắp làm nên Lũy Thầy kiên cố vào năm 1631
- Vào đầu thế kỷ 19 khi nhà Nguyễn thắng thế lập nên vương triều thống nhất quản lý đất nước từ bắc vào nam. Nhà Nguyễn đã định đô ở Phú Xuân với vị thế là trung tâm đất nước, cân độ đường hai đầu bắc- nam. Nhà Nguyễn đã sử dụng hai dải Hoành Sơn ôm trọn vùng đất Kinh đô. Phía Nam là dải Hoành Sơn với đèo Hải Vân hùng vĩ trên đó có xây Hải Vân quan được coi là "đệ nhất hùng quan". Vùng đất phía nam được coi là Tả Kỳ. Phía Bắc là dải Hoành Sơn với đèo Ngang trên đó có xây Hoành Sơn Quan. Vùng đất phía Bắc bên ngoài được gọi là Hữu Kỳ.
Sau này do các điều kiện xã hội và chiến tranh, những di tích xưa hầu như mất mát hoặc bị tàn phá nhưng Di tích Hoành Sơn quan vẫn còn sừng sững trên đỉnh dãy Hoành Sơn và trở thành di tích lịch sử- Văn hóa. Có chuyện khá vui được kể lại: sau này khi đi khảo sát các di tích hiện còn, một vị giáo sư Sử học khi đi với cán bộ văn hóa tỉnh Quảng Bình đứng nhìn Hoành Sơn quan từ đất Quảng Bình nói rằng di tích lịch sử này thuộc tỉnh Quảng Bình.Khi đi với cán bộ văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, đứng trên đất Hà Tĩnh, ngắm Hoành Sơn Quan ông lại bảo di tích này thuộc về tỉnh Hà Tĩnh. Từ chuyện đó "suýt" có cuộc hội thảo khoa học liên tỉnh để xác định di tích đó thuộc địa phương nào quản lý. Dù thuộc địa phương nào thì di tích đó vẫn thuộc văn hóa chung của dân tộc trong lịch sử.
Địa danh lịch sử ấy, nên có nhiều nhiều văn nhân tài tử đến thăm và để lại những bài thơ khá nổi tiếng như Bà huyện Thanh Quan. Ông bạn tôi vốn thích thơ phú, khi đi qua đèo Ngang cũng để lại bài thơ khá Ngang mà gọi là thơ con cóc cũng không oan:
Không đi, chưa biết đèo Ngang
Đi rồi cũng thấy Y chang đèo nhà
Đèo nhà tuy thấp tà tà
Nhưng là đèo Dọc, như là đèo Ngang
Có lẽ, khi đi qua đèo Ngang vốn quanh co hiểm trở, ông cũng thấy vất vả như mỗi khi ông đi đèo nhà. Cao thấp không đáng kể, nhưng vượt đèo Ngang hay vào đèo Dọc ở nhà đều mệt khổ, sự vất vả ấy ngang nhau,
Ngày nay, đèo Ngang đã được con người đục thủng, xuyên qua làm cho giao thông con đường Bắc - Nam thuận lợi. Nhưng còn hắn vẫn trường chinh đục đèo Dọc, mỗi năm tháng lại thêm cực nhọc, vất vả mà không thấy ánh sáng cuối đường hầm. Mỗi lần đi qua đèo Ngang, tôi lại nhớ bài thơ của hắn và thương cho thằng bạn một đời vất vả với cái đèo Dọc ám ảnh cuộc đời khốn khó của hắn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét