Champa - Óc Eo
Hai chỉnh thể văn hóa
Trong nền văn hoá dân tộc đương đại đa sắc màu hiện nay, ẩn chứa trong đó
hai nền văn hoá cổ có bề dày lịch sử góp phần làm phong phú đa dạng bản sắc văn
hoá dân tộc trong lịch sử đó là văn hoá Champa trên dải đất miền Trung Tây
Nguyên và văn hoá Óc Eo trên vùng đất
Nam bộ. Trước khi hội nhập vào nền văn
hoá chung ; văn hoá Champa – Óc Eo có
nguồn gốc và phát triển theo bình tuyến riêng nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành một
khu vực văn hoá
I Văn hoá Champa.
Cho đến nay hơn một thế kỷ nghiên cứu khảo cổ học văn hoá Champa với trên một trăm di tích kiến trúc hiện còn,
hàng nghìn tác phẩm điêu khắc đá, 12 toà thành cổ với 3 cố đô; 2 cảng thương mại cổ chính cùng hàng chục các khu sản xuất gốm
cùng nhiều loại hình khác...Có thể khái quát diện mạo văn hoá Champa như sau:
- Không gian văn hoá Champa kéo dài từ Quảng
Bình đến Bình Thuận và cả vùng Tây nguyên rộng lớn kéo dài từ bắc Kontum đến
nam Lâm Đồng. Hay có thể thấy giới hạn tự nhiên từ nam đèo Ngang đến bắc sông Đồng
Nai.
-
Thời gian di tích văn hoá Champa có mặt sớm từ thế kỷ II- IV ( Bia Võ Cạnh);
bia Mỹ Sơn I ( thế kỷ IV – V) và kéo dài đến thế kỷ XVII ( tượng Kút ở Bình Thuận).
- Loại hình di tích văn hoá Champa để lại
phong phú, nhiều loại hình chất liệu, quy mô và kích cỡ khác nhau. Nổi bật lên
là các loại hình: kiến trúc tháp có mặt từ thế kỷ VII ( Mỹ Sơn E1) và muộn
nhất vào thế kỷ XVII ( tháp Porome – Ninh Thuận). Đây là những kiệt tác trong
nghệ thuật kiến trúc Champa về nghệ thuật kiến trúc và khắc tạc trên gạch, tựu
trung tinh hoa của loại hình kiến trúc này là khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO
công nhận là di sản văn hoá thế giới.Về các tác phẩm điêu khắc có mặt sớm vào
thế kỷ IV ( nhóm tượng tìm được tại Cao Lao hạ - Quảng Bình), định hình và tạo
nên phong cách nghệ thuật đầu tiên vào thế kỷ VII ( Phong cách Mỹ Sơn E1) và
kéo dài đến hết thế kỷ XVI ( Phong cách nghệ thuật muộn). Đồ gốm có mặt sớm với
nhiều loại hình, đồ dân dụng, vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc đất nung,
nổi trội lên là gốm sản xuất giai đoạn thế kỷ XI – XV với nhiều trung tâm, điển
hình là gốm Gò Sành ( Bình Định.
Trong quá trình hình thành và phát triển,
văn hoá Champa đã có mối qua hệ giao lưu đa chiều với các nền văn hoá trong khu
vực: văn hoá Đại Việt; văn hoá Óc Eo; văn
hoá Khmer, văn hoá Java...Nhìn chung văn hoá Champa là một nền văn hoá lớn, có
bề dày lịch sử, mang đậm bản sắc tộc người và đã từng toả sáng trên vùng Đông
nam á.
Bản đồ
không gian phân bố các di tích tháp văn hoá Champa
II. Văn hoá Óc Eo.
Văn hoá
Óc Eo được những người dân Việt “đi mở cõi” biết đến khi họ có mặt sinh
cơ lập nghiệp trên vùng đất; nhưng được nghiên cứu có hệ thống từ năm 1942 và dần
hình thành diện mạo sau những cuộc điều tra khai quật khảo cổ học, mở đầu là cuộc
khai quật năm 1944 tại di tích óc Eo ( Ang Giang). Sau năm 1975 việc nghiên cứu
văn hoá Óc Eo có hệ thống và cho đến nay
đã có trên 90 di tích được biết đến cùng trên 20 di tích được tiến hành tổ chức
khai quật khảo cổ học. Tài liệu thu được khẳng định đây là một nền văn hoá lớn
không chỉ có đóng góp trong lịch sử văn hoá dân tộc mà còn có vai trò quan trọng
trong lịch sử phát triển văn hoá văn minh khu vực Đông Nam á và lịch sử giao lưu
giữa các nền văn minh lớn đương thời trên thế giới. Có thể khái quát những nét
cơ bản của văn hoá Óc Eo:
- Không gian văn hoá Óc Eo chủ yếu tập
trung ở đồng bằng Nam Bộ ( Đông và Tây nam bộ), chủ yếu tập trung dọc theo hệ
thống sông lớn, hạ nguồn sông MeKong và lưu vực sông Đồng Nai. Giới hạn không
gian từ phía nam sông Đồng Nai đến hết vùng đất Nam Bộ ; phía bắc tiếp giáp nam
cao nguyên; phía tây đến hết khu vực địa
lý hành chính hiện đại.
-
Thời gian văn hoá óc Eo có lịch sử khá dài, giai đoạn sớm trước và sau
công nguyên các nhà nghiên cứu cho rằng đây là giai đoạn Tiền Óc Eo; giai đoạn
sau thế kỷ VIII gọi là giai đoạn Hậu Óc Eo và thường cho rằng các di tích thuộc
thế kỷ III – VII là giai đoạn chính của văn hoá óc Eo, phù hợp với lát cắt lịch
sử của nhà nước cổ Phù Nam.
-Về loại hình di tích để lại khá phong phú,
các kiến trúc hầu hết bị sụp đổ có quy
mô lớn. Các kiến trúc tháp hiện còn ít, bị hư hại nhiều không còn hình dáng ban
đầu. Hiện vật vô cùng phong phú gồm nhiều loại hình, kích cỡ, chất liệu khác
nhau. Đáng chú ý là các hiện vật điêu khắc đá thờ, các tác phẩm điêu khắc nghệ
thuật. Đặc biệt là các hiện vật chế tác từ kim loại quý tìm được trong lòng các
kiến trúc vô cùng phong phú với nội dung thể hiện đa dạng, nhiều đề tài, mang đậm
bản sắc văn hoá vùng đất. Đồ gốm nhiều loại hình, mang đặc trưng riêng. Trong
quá trình hình thành, tồn tại và phát triển nền văn hoá này có nhiều mối giao lưu
với các nền văn hoá lớn trong khu vực và trên thế giới, hình thành nên một nền
văn hoá độc đáo mang đậm bản sắc tín ngưỡng, văn hoá của vùng đất.
Bản đồ
phân bố các di tích văn hoá Óc Eo
III.Văn hoá Champa – Óc Eo: Hai chỉnh thể và mối quan hệ văn hoá.
Trước hết phải nói văn hoá Champa – Óc Eo là hai chỉnh thể văn hoá nằm trên không
gian chung của phần đất phía nam từ nam đèo Ngang trở vào và chiếm thời gian
khá dài trong lịch sử trước khi hội nhập vào văn hoá chung dân tộc. Từ những
nguồn tài liệu thu được, qua nghiên cứu
cho thấy, mặc dù đây là hai chỉnh thể văn hoá, mang sắc thái riêng nhưng
có mối quan hệ mật thiết với nhau và nhiều
nét tương đồng trong quá trình tồn tại và phát triển trong lịch sử. Mối quan hệ
đó thể hiện trên các lĩnh vực:
1. Nguồn gốc của hai nền văn hoá
Theo tài liệu khảo cổ học và lịch sử ghi chép vùng đất phương nam từ xa xưa đã có những cộng
đồng người sinh sống và để lại những dấu ấn vật chất khá phong phú, nhất là đồ
gốm thể hiện trình độ kỹ thuật cao. Về đời sống tinh thần họ có những tín ngưỡng
ban đầu thờ những hiện tượng tự nhiên liên quan đến đời sống, sản xuất của họ. Trên
vùng đất miền Trungsau một thời gian chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc;
vào thế kỷ II, khi người Chăm giành được độc lập, họ đã tiếp thu những ảnh hưởng
của nền văn minh Ấn Độ xây dựng nên nền văn hoá của sắc tộc mình. “ Người Chăm đồng
hoá nhanh với nền văn minh ấy; họ theo tôn giáo và phong tục, chữ viết và tư tưởng,
hành chính và pháp .luật
của nền văn minh ấy”
Trên vùng đất Nam Bộ tư liệu lịch sử cho
biết vào những thế kỷ đầu công nguyên
những cộng đồng người cư trú tại đây đã
co hình thức nhà nước sơ khai, khi văn hoá
Ấn Độ ảnh hưởng đến vùng đất họ đã tiếp thu và từ cơ sở tín ngưỡng bản địa
ban đầu họ đã xây dựng nên nền văn hoá riêng mang đậm sắc tộc với ảnh hưởng thấm đậm của
văn hoá từ biển đưa vào.
Như vậy
có thể thấy văn hoá Ấn Độ đã ảnh hưởng
bao trùm vùng đất phía nam ngay từ buổi đầu trong lịch sử. Nằm trên con đường giao thương biển thuận lợi , thương
nhân Ấn Độ đã sớm có mặt trên vùng đất,
sự lan toả ảnh hưởng của nền văn hoá này là hằng xuyên trong lịch sử, không những
từ buổi đầu mà còn luôn được tăng cường,
bổ xung theo suốt chiều dài lịch sử. Chính vì thế văn hoá của hai vùng đất được hình thành phát
triển trên hai cơ sở văn hoá tín ngưỡng bản địa
tiếp thu, hội nhập với văn hoá
tôn giáo Ấn Độ hình thành nên bản sắc của
hai nền văn hoá và có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Bản đồ
về con đường giao thương văn hoá Ấn Độ đến
vùng đất Champa – Óc Eo
2. Tính độc lập và mối quan hệ giữa hai nền
văn hoá.
Hơn một thế kỷ nghiên cứu văn hoá Champa
và gần 7 thập niên nghiên cứu văn hoá Óc
Eo cho đến nay, có thể thấy mối quan hệ giữa hai nền văn hoá có nhiều nét tương
đồng trên các lĩnh vực vật thể và phi vật thể.
2.1. Mối quan hệ về di tích và di vật.
Trước
hết nói về di tích, do điều kiện địa hình đa dạng các công trình kiến trúc
Champa có mặt khắp nơi, trong vùng thung lũng ( Mỹ Sơn), xây dựng ven sườn núi
( Po Dam); trên đỉnh các ngọn đồi (
Porome - PoNaga- Bánh ít- Phú Lốc
– Linh Thái); hay đồng bằng ( Đồng Dương- Chiên Đàn- Khương Mỹ – Bình Lâm Hoà Laivv..). Những công trình kiến trúc
trong văn hoá Óc Eo được xây dựng chủ yếu
ven các sườn núi, gò cao bởi hệ thống địa hình của Nam Bộ khá bằng phẳng. Nhưng
điểm chung nhất các kiến trúc được xây dựng đều liên quan đến hệ thống sông nối
biển; các con sông chính ở miền Trung hay hệ thống sông thuộc sông Tiền sông Hậu
hay sông Đồng Nai.
Những công trình kiến trúc sớm của Champa
và Óc Eo là những dạng đền thờ. Kiến
trúc này thường có mặt bằng hình chữ nhật; nhưng quy mô của kiến trúc Champa thường
nhỏ hơn so với quy mô các kiến trúc đền thờ trong văn hoá Óc Eo.
Di tích kiến trúc Nền Chùa có mặt bằng hình chữ nhật dài 25,6m, rộng
16,3m. Di tích đền thờ Mỹ Sơn E1 chỉ dài 11m và rộng 9m. Điều này do điều kiện kinh tế từng vùng quy định.
Trong khi các công trình kiến trúc Champa
có một bình tuyến phát triển liên tục kéo dài thì những công trình kiến trúc
trong văn hoá Óc Eo có sự gấp khúc. Sự
chuyển biến từ dạng kiến trúc đền thờ sang tháp thờ thuộc văn hoá Champa diễn
ra rầm rộ đạt được nhiều thành tựu với
các phong cách nghệ thuật kiến trúc nổi tiếng như Mỹ Sơn A1; Bình Định; thì sự
chuyển biến này ở văn hoá Óc Eo diễn ra
không rõ nét. Các cuộc khai quật khảo cổ học chủ yếu tìm thấy dấu vết kiến trúc
các dạng móng đền thờ. Các kiến trúc tháp còn laị khá ít : Vĩnh Hưng; Chóp Mạt,
Bình Thạnh. Điều kiện này do điều kiện tự nhiên ( biển tiến) và lịch sử chi phối.
Lịch sử nhà nước cổ Champa có sự kế tiếp phát triển liên tục; lịch sử nhà nước
cổ Phù Nam có sự chuyển về quyền lực tộc người; sự kế tiếp là nhà nước cổ Chân
Lạp. Sự khác biệt này dẫn đến hệ quả di tích văn hoá Châmp còn lại cho đến nay
vô cùng phong phú nhiều loại hình; di tích văn hoá Óc Eo cơ bản chỉ còn lại phế tích. Điểm chung
dễ nhận thấy trong lòng các công trình kiến trúc trong Champa hay óc Eo thường
xuất hiện hộp thiêng chứa các hiện vật
liên quan đến tôn giáo
Thứ hai nói về di vật; văn hoá Champa để
lại số lượng tác phẩm điêu khắc đá nhiều phong phú, loại hình đa dạng, kích cỡ
khác nhau có giá trị nghệ thuật cao, hình khối, hoạ tiết thể hiện tinh mỹ và có
niên đại theo suốt chiều dài lịch sử.Trước đây khi nghiên cứu điêu khắc đá
Champa, có ý kiến chia nghệ thuật điêu khắc đá Champa làm hai giai đoạn trước
và sau thế kỷ X với hai phong cách thể hiện khác nhau. Trước thế kỷ X nghệ thuật
điêu khắc đá Champa mang đậm ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ và có nét tương đồng với nghệ thuật điêu
khắc đá trên các vùng cùng chịu ảnh hưởng
từ Ấn Độ sang. Sau thế kỷ X nghệ thuật điêu
khắc đá Champa mang đậm tính bản địa có bản sắc riêng độc đáo. Văn hoá Óc Eo số lượng tác phẩm để lại chưa phong phú
bằng, nhưng được thể hiện với hình khối gọn nổi, ít chú trọng về chi tiết, tập
trung chủ yếu vào chủ đề nội dung thể hiện, hình thành phong cách nghệ thuật riêng. Điểm chung nhất
về tượng điêu khắc giai đoạn sớm của hai
nền văn hoá này; văn hoá Champa trước thế kỷ X và văn hoá Óc Eo có nhiều nét tương đồng với khối tượng
thanh thoát. Chính vì thế họ gọi các tác phẩm điêu khắc giai đoạn này thuộc
giai đoạn nghệ thuật Tiền AngKo. Nhưng sự phân biệt này chỉ có tính ước lệ, bởi
Champa hay Óc Eo tính khu vực vẫn là nét
nổi trội, vì vậy bình tuyến phát triển của hai dòng nghệ thuật này cùng phát
triển song song hình thành nên bản sắc riêng của hai nền văn hoá.
Một trong những loại hình di vật quan trong được biết đến đó
là nghệ thuật chế tác kim loại trong văn hoá Champa và Óc Eo. Nếu văn hoá Champa các hiện vật kim loại được biết đến chưa nhiều bởi những lý do khác nhau; nhưng sự hiện diện của
các di vật loại hình này cho thấy một kỹ thuật chế tác cao, giàu tính thẩm mỹ
và mang đậm dấu ấn của chủ nhân chế tác ra. Văn hoá Óc Eo xuất trình một bộ sưu tập vô cùng phong
phú bằng kim loại vàng gồm hàng nghìn hiện vật với các kích cỡ khác nhau thể hiện
nội dung đặc sắc, vô cùng phong phú với trình độ chế tác cao, phản ánh khá đầy đủ
toàn diện về đời sống tinh thần tôn giáo có giá trị nghệ thuật cao phản ánh
trung thực bản sắc của nền văn hoá này
2.2 Mối quan hệ về nội dung.
Trên một nền cảnh chung là hai nền văn
hoá này cùng chịu ảnh hưởng từ văn hoá tôn giáo
Ấn Độ, các di tích, di vật của hai nền văn hoá đều phản ánh nội dung tôn
giáo từ Ấn Độ. Dấu ấn của Ấn Độ giáo thể hiện qua các đền, tháp thờ các
vị thần chính của Ấn Độ giáo. Hệ thống tượng
thờ là hình ảnh hay biểu tượng các vị thần tôn giáo Ấn Độ. Những hiện vật liên quan đến tôn giáo,
hệ thống bệ, tượng thờ, các tác phẩm điêu
khắc đá, các trang trí trên lá vàng đều bắt gặp hình ảnh chung của các vị thần
như Bhrama- Visnu –Shiva hay các vị thần liên quan Indra; surya; Skanda; Agni
Vayu cùng các vật linh như thần Ganesa,
voi, rùa, bò Nandin, ngỗng Hamsa,
chim Garuda, rắn Seka hoặc các hình ảnh vật biểu trưng của các vị thần như ốc, đinh
ba, Vijaya, vòng Caka, bánh xe hay hoa văn
thực vật như hoa sen vv... Trong đó nổi bật lên hình ảnh hay biểu tượng
của 3 vị thần chính Bhrama- Visnu – Shiva.
Cùng một nội dung đó những cách thể hiện ở các nền văn hoá có khác nhau.
Nếu văn hoá Champa nội dung tôn giáo thể
hiện tính trội thờ thần Shiva thì ở văn hoá
Óc Eo tính nổi trội thể hiện ở thần Visnu. Đó là sự khác nhau mặc dù hai
nền văn hoá này có chung một nguồn ảnh hưởng.
IV. Vài ý kiến trong việc định hướng bảo
tồn phát huy giá trị của nền văn hoá Óc Eo
Từ những khái lược về những nét cơ bản
trong hai nền văn hoá, có thể thấy mỗi nền văn hoá cần những định hướng khác nhau trong việc bảo tồn
và phát huy giá trị của các di tích trong đời sống văn hoá hiện nay. Văn hoá
Champa với hệ thống đền tháp phong phú, phân bố rộng, có nhiều điểm nhấn, được
gìn giữ còn lại cho đến ngày nay; đặc biệt là khu đền tháp Mỹ Sơn đỉnh cao của
nghệ thuật kiến trúc Champa hiện còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế
giới; hay hàng nghìn tác phẩm điêu khắc đá tinh tế được lưu giữ bảo quản tại
các Bảo tàng lớn trong nước và thế giới; đặc biệt tập trung điển hình tại Bảo
tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng được vinh danh, toả sáng. Văn hoá Óc Eo sau 65 năm
phát hiện nghiên cứu; dù chưa đầy đủ, nhưng tài liệu cho thấy các công trình kiến
trúc của nền văn hoá này hầu như chỉ còn ở dạng phế tích khảo cổ học. Một số kiến trúc tháp còn lại cho thấy đa phần
đều hư hại nặng, phân tán trên địa bàn rộng, không điển hình cho loại hình kiến
trúc của nền văn hoá. Các cuộc khai quật khảo cổ học cho thấy những quy mô kiến
trúc đền thờ to lớn, xây dựng khá kiên cố minh chứng cho một thời kỳ vàng
son trong lịch sử cần được bảo quản tại
chỗ.Những hiện vật điêu khắc đá, đồ gốm, trang trí kiến trúc đất nung liên quan
đến kiến trúc khá phong phú đa dạng, phản ánh điển hình nhiều giai đoạn lịch sử. Đặc biệt là
những hiện vật kim loại vàng là một bộ sưu tập không có một nền văn hoá
nào được ở nước ta. Những hiện vật kim loại này đa phần tìm được qua các cuộc
khai quật khảo cổ học, có nguồn gốc khoa học rõ ràng; phản ánh nội dung đa chiều,
văn hoá tín ngưỡng tộc người, sự giao lưu văn hoá với khu vực, với thế giới. Đây là nguồn tư liệu quý có nhiều đóng góp vào diện mạo nền văn minh
nhân loại trong lịch sử. Điều hạn chế cho đến nay những hiện vật này nằm rải
rác trong nhiều Bảo tàng trên địa bàn không gian văn hoá Óc Eo xưa,
các hiện vật chưa được tập trung có hệ thống. Khắc phục tình trạng này, điều
cần có là việc xây dựng một Bảo tàng chuyên về văn hoá Óc Eo hoà nhập với những bảo tàng tại chỗ
trên những địa điểm kiến trúc cổ được
khai quật để tạo nên một hệ thống trưng bày đầy đủ toàn diện góp phần nhận diện
giá trị của nền văn hoá này trong lịch sử
Hai nền văn hóa cổ nằm gọn, dưới và trong
nền văn hóa đương đại là một hiện tượng đặc sắc trong tổng thể văn hóa Việt nam
hiện nay. Trong khi nền văn hóa đương đại đang tồn tại và phát triển, thì ảnh sạ
của nền văn hóa cổ vẫn lấp lánh tỏa sáng, đó chính là sự độc đáo của văn hóa
Champa – Óc Eo. Bảo tồn và phát huy giá
trị của hai nền văn hoá là một việc làm cấp thiết không những trước mắt mà còn
là một công việc lâu dài nhằm góp phần vào việc xây dựng một nền văn hoá tiên
tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét