Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

PHẬT GIÁO VÀ HỆ THỐNG CHÙA TỨ PHÁP

I Sự truyền bá của Phật giáo vào Việt Nam và Tứ Pháp ở Luy Lâu
1.Sự truyền bá của Phật giáo vào Việt Nam
 Phật giáo ra đời vào thiên niên kỷ I trước Công nguyên( năm 528 – hoặc 529 trước công nguyên) tại  Ấn Độ và có một quá trình liên tục lan tỏa đến các cộng đồng người tại Đông Nam á, trong đó có Việt Nam. Đạo Phật  có mặt tại Việt Nam từ khi nào, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến bàn luận, có thể thấy một số luận điểm. Theo Lê Mạnh Thát Phật giáo có mặt tại Việt Nam khá sớm bởi hai lý do: những năm trước công nguyên thương nhân Ấn Độ đã có mặt buôn bán tại Việt Nam, các di tích, di vật thuộc văn hóa óc Eo ( Nam bộ) là một bằng chứng, điều đó có nghĩa là ngoài buôn bán họ còn truyền bá Phật giáo. Phía bắc dẫn theo trong Lĩnh Nam chích quái có ghi chép “ Thời Hùng Vương có có Đồng Tử lên thảo Am. Trong am có nhà sư tên là Phật Quang. Đó là người Thiên Trúc, tuổi hơn 40, truyền pháp cho Đồng tử đó là một cái nón và một cây gậy, nói rằng linh dị và thần thông ở đây cả. Đồng Tử đem đạo phật truyền cho Tiên Dung. Vợ chồng Tiên Dung bèn học đạo...”  thảo am đó được dựng ở núi Quỳnh Viên nằm tại cửa Sót hay cửa biển Nam giới ( Nghệ An); hoặc dẫn theo Thiên Nam ngữ lục cho rằng thời Lữ Gia( năm 110 trước công nguyên) đã có chùa Trúc Viên ở núi Thầy( Sài sơn) và cho rằng Phật giáo gia nhập vào đời sống tinh thần của người dân  đất Việt khá sớm – từ thời Hùng Vương(1). Đa phần các nhà nghiên cứu phật giáo đều cho rằng“ Đạo phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm phật giáo phồn vinh và quan trọng rồi” (2); đó chính là trung tâm phật giáo Luy Lâu (Thuận Thành- Bắc Ninh). “ Pháp sư Đàm Thiên tâu: Xứ Giao châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật giáo đến Giang Đông chưa khắp  thì ở Luy Lâu đã có tới hai mươi bảo tháp , độ được hơn năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi” (3). Như vậy có thể thấy Phật giáo có mặt sớm trong đời sống tinh thần cộng đồng cư dân. Theo nhiều nhà nghiên cứu  cho rằng Phật giáo thịnh vào giai đoạn Luy Lâu làm trị sở; thời Sĩ Nhiếp ( 187-226) “Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người..” (4).Người Hồ đây chỉ những người Ấn Độ có mặt tại Luy Lâu, những người góp phần truyền bá Phật giáo vào vùng đất. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất đạo phật truyền bá vào nước ta theo đường biển, mà Luy Lâu là một trong những địa điểm quan trọng tiếp nhận. Đây là vùng đất trị sở, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa nên có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Trước khi Phật giáo du nhập Luy Lâu, các cộng đồng cư dân ở đây đã có những tín ngưỡng. Nhân dân- những cư dân làm nông nghiệp, khai thác tự nhiên thì thờ hiện tượng tự nhiên: mây mưa, sấm, chớp, gió, sông nước, hòn đá, cây to (5). Quan lại thì theo đạo giáo tin quỷ thần, Trước Sĩ Nhiếp, thái thú nhà Hán Trương Tân ở đây “ thích việc quỷ thần, thường đội khăn đỏ, gảy đàn đốt hương, đọc sách đạo giáo ”(6) hay Sĩ Nhiếp là quan lại Nho học nhưng vẫn thích đạo giáo tu tiên chữa bệnh kéo dài tuổi thọ. Trong điều kiện đó, phật giáo du nhập vào vùng đất, với giáo lý Phật giáo có nét tương đồng, phương pháp truyền bá hòa bình, đã được người dân dần tiếp thu hòa nhập với tín ngưỡng địa phương. Sự kết hợp giữa tín ngưỡng địa phương với Phật giáo đã hình thành nên hệ thống chùa Tứ Pháp ở Luy Lâu.
2. Hệ thống chùa Tứ Pháp ở Luy Lâu
Hiện nay về nguồn gốc hệ thống chùa Tứ Pháp tại Luy Lâu ( Thuận Thành- Bắc Ninh) các nhà nghiên cứu dựa vào hai nguồn tài liệu: Cổ châu phật bản hạnh và truyện Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái. Hai văn bản chuyển tải nội dung thông điệp về nguồn gốc hệ thống chùa Tứ Pháp ở Luy Lâu. Có thể tóm tắt như sau:
 Vào thời Hán, khi Sĩ Nhiếp ở Luy Lâu có một nhà sư Ấn Độ  là Khâuđàla( Giàlaxàlê)đến cư trú và truyền giáo trong vùng, trong những người theo học đạo Phật có Tu Định và con gái là Man Nương. Một hôm Man Nương ngủ quên ở cửa chùa, nhà sư bước qua từ đó Man Nương có thai, sau sinh ra được một bé gái. Man Nương đen con trả cho nhà sư, nhà sư đặt đứa bé vào gốc cây đa, hộc cây khép lại. Sau này vào mùa mưa lũ, cây đa bị đổ trôi theo sông Dâu không sao vơt được. Man Nương ra sông giặt lấy dải yếm kéo cây đa vào bờ. Bà nhờ thợ chặt cây thành các khúc và tạc nên 4 pho tượng thờ. Khi chặt cây nhóm thợ tìm được hòn đá trong cây đặt tên là Thạch quang phật. Bốn khúc cây tạc thành 4 pho tượng  và dựng chùa thờ phụng. Bốn pho tượng gọi là tượng bà Pháp Vân ( chùa Dâu); Pháp vũ ( chùa Đậu) Pháp Lôi ( chùa Phi Tướng); Pháp Điện ( chùa Dàn) và  Thạch quang phật được thờ chung ở chùa Dâu( Pháp Vân). Bên cạnh hệ thống chùa Tứ Pháp ở đây còn có chùa Tổ thờ ông Tu Định và con là Man Nương( chùa Mãn Xá). Tất cả hệ thống chùa được xây dựng xung quanh thành Luy Lâu và hai bên bờ sông Dâu cổ hiện nay. Khảo sát quanh vùng còn có chùa Keo ( Gia Lâm – Hà Nội) nằm ven con đường từ Dâu dẫn đến kinh đô Thăng Long( quốc lộ 182) với truyền thuyết cùng văn bia kể lại  khi tạc xong 4 tượng thờ, nhóm thợ lấy một cành gỗ đa làm dùi đục, khi qua đây dùi đục rơi xuống nặng không mang đi được, người dân lấy gỗ đó tạc tượng bà Keo, dựng chùa thờ cúng(7).
 Hai tài liệu trên  về niên đại cho biết Lĩnh Nam chích quái viết vào khoảng thế kỷ  XIV và Cổ châu phật bản hạnh có vào  thế kỷ XVII mà một số bản khắc gỗ hiện còn lưu giữ tại chùa Tổ ( Mãn Xá). Từ tư liệu trên cho thấy Phật giáo ở Luy Lâu là sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo. Thờ Phật gắn với thờ hiện tượng tự nhiên: Mây; Mưa; Sấm ; Chớp và có liên quan với thờ Mẹ nông nghiệp: bà Dâu; bà Đậu... Đây có thể coi là nhóm chùa Tứ Pháp có niên đại sớm nhất trong hệ thống thờ Tứ Pháp ở Việt Nam.
 Trước hết về nguồn tư liệu lịch sử  tên chùa Pháp vân được ghi chép sớm nhất vào thời Lý. Năm 1034 “ Sư Hưu ở chùa Pháp Vân, châu Cổ Pháp tâu rằng, trong chùa ấy phát ra mấy luồng ánh sáng, theo chỗ ánh sáng đào xuống, được một cái hòm bằng đá, bên trong có cái hòm bằng bạc, trong hòm bạc lại có cái hòm bằng vàng, trong hòm vàng có bình lưu ly, trong bình đựng Xá lị. Vua sai rước vào cấm điện, xem xong lại trả lại (8). Từ sự kiện đó, chùa Pháp Vân luôn được biết đến ghi chép trong lịch sử.năm 1073 “ Bấy giờ mưa dầm, rước phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh”(9). Năm 1161 “ Dựng chùa Pháp vân ở châu Cổ Pháp ”(10).Năm 1188 “ Mùa hạ, tháng 5 đại hạn. Vua thân ngự đến chùa Pháp Vân ở Duềnh Bà*  để đảo vũ, nhân rước tượng Pháp Vân về chùa Báo Thiên (Buổi đầu bản triều Lê còn theo tục cũ này)” (11). Bên cạnh ghi chép về chùa Pháp Vân cụ thể, sử cũ còn ghi lại những lần rước tượng Pháp Vân khá chung chung như năm 1137 “ Vua ngự đến chuà Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa (12) mà chùa Báo Thiên được biết  có tháp báo Thiên dựng vào năm 1057 “ Mùa xuân tháng giêng, xây bảo tháp Đại Thắng Tự Thiên cao vài chục trượng theo kiểu 12 tầng( tức là tháp Báo Thiên).....”.Như vậy  chùa Báo Thiên có trước tháp và có thể thấy Phật Pháp Vân thời Lý  ngoài hệ thống Tứ Pháp ở Luy Lâu, có thể có những chùa quanh kinh thành Thăng Long thờ Phật Pháp Vân, mà chùa Báo Thiên là một địa điểm dừng chân. Tục rước phật Pháp Vân cầu mưa được duy trì tiếp tục các triều đại sau này và chùa Pháp Vân( Bắc Ninh) được các triều đại về sau: Trần – Lê- Nguyễn trùng tu tôn tạo và hiện còn cho đến ngày nay.
 Khảo sát hệ thống chùa Tứ Pháp tại vùng dâu hiện nay tại chùa Dâu ( Pháp Vân) cho thấy, dưới chân tháp Hòa Phong hiện còn một tác phẩm điêu khắc đá thể hiện

con Cừu trong tư thế nằm. Hiện vật này trước đây có 2 con, một đặt tại tháp Hòa Phong, 1 đặt tại Lăng Sĩ Nhiếp ( Tam á - Thuận Thành)  và có ý kiến cho rằng, tác phẩm này có từ thời Sĩ Nhiếp bởi liên quan đến người Hồ(?)
Tượng Cừu chùa Dâu
Những vết tích chùa xây dựng thời Lý xây dựng năm 1161 cho đến nay chưa tìm được dấu tích. Thời Trần, theo truyền thuyết ở đây cho biết, Mạc Đĩnh Chi là người đứng ra hưng công xây dựng lại chùa. Tháp Hòa Phong là một trong những công trình được xây dựng thời Trần; cho đến nay  nhiều người vẫn cho rằng 3 tầng tháp dưới được xây dựng từ thời Trần. Những di vật tại chùa như đôi sấu đá thềm bậc, Bệ đá Hoa sen và tượng Mạc Đĩnh Chi được thờ trong chùa là những di vật thời Trần
Rồng đá và bệ thờ Hoa sen chùa Dâu
Đa phần những hiện vật( Bia đá, tượng thờ bà Dâu, Ngọc nữ, tượng phật...) kiến trúc đều có niên đại vào thời Lê – Nguyễn. Ngoài chùa Dâu, tại chùa Giàn (Pháp Lôi) khi khảo sát còn tấm lá đề đất nung trên nóc chùa co  niên đại thời Trần.
Những hiện vật còn trong hệ thống chùa Tứ Pháp, cùng những truyền thuyết dân gian trong vùng Dâu cho thấy đây là một trung tâm Tứ Pháp đầu tiên và có mặt theo suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây là cơ sở ban đầu để tìm hiểu hệ thống chùa Tứ Pháp ở nước ta.
II Hệ thống phật Tứ Pháp tại Việt Nam.
1. Hệ thống chùa Tứ Pháp.
Trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp hiện nay, qua khảo sát cho thấy nhiều địa phương còn các chùa nằm trên nhiều vùng, địa bàn khác nhau.
Tại Hà Nội trên địa bàn huyện Thành Trì có các chùa: chùa Sét ( xã Thịnh Liệt- nay thuộc quận Hai Bà Trưng); chùa Dâu Thượng Phúc ( xã Tả Thanh Oai), hai chùa này đều thờ Phật Pháp Vân. Chùa Sét theo truyền thuyết trong vùng kể lại thời Lý khi rước tượng Pháp Vân về kinh đô cầu mưa, khi đi qua làng Thịnh Liệt, do sét đánh đổ cây đa lấp đường đi. Tượng phải dựng lại tại một gò đất Thổ tích sơn; khi rước tượng về chùa Dâu, nơi dừng tượng lập nên am thờ Phật Pháp Vân, sau này dựng nên thành chùa. Chùa Dâu Thượng Phúc, trong sử cũ có ghi: thời Lê rước tượng Pháp Vân về Thượng Phúc để cầu đảo. Đây có lẽ là nơi đặt tượng để cầu đảo và sau này dựng nên chùa thờ.(13).
Tại Hưng Yên có chùa Thái Lạc(huyện Mỹ Văn); chùa Đại Bi ( huyện Mỹ Hào) thờ phật Pháp Vân; chùa Thanh Xá ( Mỹ Hào) thờ Pháp Vũ nhưng hệ thống tư liệu và di vật ở đây đều muộn.
Tại Hà Tây ( cũ) có chùa Đậu( - Xã Nguyễn Trãi-Thường Tín) thờ Pháp Vũ; chùa Pháp vân ( xã Văn Bình – Thường Tín) thời Pháp vân. Chùa Đậu hiện nay hệ thống tư liệu cho biết chùa được xây dựng vào thời Lê. Chùa Pháp Vân có cả hệ thống truyền thuyết và tư liệu nói về sự kiện nhà Lý đưa tượng  Tứ Pháp  về kinh đô cầu đảo, khi đi đến đây trời nổi mưa gió, mưa tạnh chỉ có tượng Pháp Vũ , pháp Điện thì đi được, tượng Pháp Vân, Pháp Lôi thì không đi được, vua phán đất này ắt có linh khí nên cấp tiền để dựng chùa thờ hai tượng Pháp Vân và Pháp Lôi. Chùa tồn tại cho đến ngày nay.
2. Vài kiến giải về hệ thống chùa Tứ Pháp.
 - Trong những hệ thống chùa Tứ Pháp hiện nay, có thể thấy hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu ( Bắc Ninh) cung cấp nguồn tài liệu có hệ thống, hệ thống di vật phong phú theo chiều dài lịch sử. Có thể khẳng định đây là nguồn gốc hệ thống chùa Tứ Pháp Việt Nam.Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo cho biết người trụ trì chùa Pháp Vân  vào thế kỷ VI là nhà sư Quang Duyên ông ở đây dạy thiền học cho đại chúng. Năm 580 nhà Sư Tỳ Ni đa lưu chi đến đây dương danh phật học đến đây lập nên thiền phái Tỳ Ni đa lưu chi. Thiền phái này lưu truyền được 19 thế hệ đến thời Lý ( 1213) (14). Chùa Pháp Vân trở thành trung tâm của thiền phái, nơi đào tạo và phổ độ giáo lý cho các nhà sư và chúng sinh. Từ hội nhập ban đầu Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng dân gian để hình thành nên Phật Tứ Pháp đến thời Phật giáo Trung Hoa du nhập, hệ thống Tứ Pháp này vẫn được duy trì, chứng tỏ sức sống của tín ngưỡng dân gian ẩn mình trong Phật giáo và được phát huy trong buổi đầu xây dựng nền văn hóa dân tộc dưới thời kỳ độc lập tự chủ – thời Lý.
-  Điều tra khảo sát cho thấy hệ thống chùa tứ Pháp hiện biết có mặt trên một không gian khá rộng, nhưng tập trung chính ven vùng đất kinh đô Thăng Long hay ven vùng đất trung tâm Luy Lâu và đều liên quan đến Tứ Pháp vùng đất chính Luy Lâu.  Luy Lâu có hệ thống chùa Tứ Pháp hoàn chỉnh nhất. Các tượng thờ có chùa riêng, hình thành nên hệ thống chùa Tứ Pháp đầy đủ cùng những chùa liên quan đến nguồn gốc như chùa Tổ, trong khi đó hệ thống thờ Tứ Pháp các nơi khác cơ bản là thờ Pháp Vân, hoặc không đủ 4 Pháp. Cho đến nay ngày Phật Đản hàng năm ( 8 -4 âm lịch)  chùa Dâu vẫn duy trì lễ hội cùng hình thức cầu mưa nắng( rước nước). Điều đó khẳng định hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu là trung tâm sau đó lan tỏa các nơi theo thời gian lịch sử và đặc biệt phát triển vào thời Lý.
- Hệ thống chùa Tứ Pháp thực chất là tín ngưỡng dân gian, gia nhập vào chùa Phật giáo và đã phát huy sức sống trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Sức sống đó thể hiện truyền thống văn hóa dân tộc. Nguồn gốc tục thờ Mẹ, tục thờ các hiện tượng tự nhiên của cư dân nông nghiệp được duy trì và phát huy, mặc dù đến thời Lý, sự xuất hiện của nhiều thiền phái Phật giáo: Vô ngôn thông, Thảo đường... Nhà Lý xây dựng nhiều chùa chiền, quy mô lớn trên nhiều vùng đất, nhưng sức sống của thờ Tứ Pháp vẫn có ảnh hưởng lớn trong đời sống nhân dân và cả cung đình. Nhà Lý  sử dụng Tứ Pháp trong các nghi lễ cầu nắng, cầu mưa, được coi là nghi lễ quốc gia  góp phần hình thành nên hệ tư tưởng dân tộc độc lập.
- Cho đến nay, hệ thống chùa Tứ Pháp vẫn được bảo tồn và phát huy trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân. Nhiều lễ hội truyền thống được duy trì đã chứng tỏ sức sống của hệ thống Tứ Pháp trong văn hóa dân tộc. Đây là  những tài sản văn hóa quý cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa  đương đại, góp phần xây dựng một nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
(1)Tham khảo thêm : Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam. NXB TP Hồ Chí Minh. 2003
(2)Nguyễn Lang:  Việt Nam phật giáo sử luận.NXB Văn học .Hà Nội 2000.
(3) Thuyền Uyển tập anh: Truyện  Quốc Sư Thông Biện. NXB Văn học. Hà Nội 1990 tr 89
(4-6) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I. NXBKHXH. Hà Nội 2004 tr 163- 165
(5) Tạ Chí Đại Trường: Thần người và đất Việt. NXBVHTT. Hà Nội 2006 tr 31-45
( 7) Nguyễn Duy Hinh – Lê Đình Phụng: Chùa Keo ( Hà Nội). NPHMVKCH 1984, tr 207 -210
(8- 9- 10- 11- 12)Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I. NXBKHXH. Hà Nội 2004 tr 257- 277- 323 -329- 309
* Duềnh Bà theo chú thích là chép nhầm từ chữ Luy Lâu. Nhưng Duềnh Bà cũng có thể là tên nôm  thời bấy giờ của vùng này ( Duềnh chỉ sông Dâu, Bà chỉ Bà Dâu)
(13) Nguyễn Mạnh Cường: Chùa Dâu – Tứ Pháp và hệ thống các chùa Tứ Pháp.NXBKHXH. Hà Nội 2000. tr 92-96
(14)Nguyễn Lang:  Việt Nam phật giáo sử luận.NXB Văn học .Hà Nội 2000.tr 113-115

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét