Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

LINGA - YONY TẠI DI TÍCH CÁT TIÊN( LÂM ĐỒNG)
                                                                                             
            Di tích Cát Tiên ( Lâm Đồng) được phát hiện năm 1986 cho đến nay đã qua 8 lần khai quật, kết quả khai quật cho thấy đây là một quần thể phế tích kiến trúc lớn, gồm nhiều công trình kiến bị sụp đổ tạo nên những gò đống. Trải dài gần 15km ven bờ sông Đồng Nai ( huyện Cát Tiên – Lâm Đồng), các di tích tập trung đậm đặc nhất trên địa bàn xã Quảng Ngãi, nằm gọn trong một thung lũng hẹp giới hạn bởi dốc Khỉ đầu phía đông và dốc Đá Mài đầu phía Tây, các di tích ở đây đều có quy mô lớn, đa phần đều bị sụp đổ, kết quả khai quật khảo cổ học chỉ còn lại phần đế.
Sơ đồ các phế tích kiến trúc trên địa bàn xã Quảng Ngãi ( Cát Tiên)
 Điều đáng quý là mặc dù các di tích bị sụp đổ, hầu hết những hiện vật thờ tôn giáo liên quan đến tâm linh thì  hầu như còn khá nguyên vẹn với những bộ di vật thu được vô cùng phong phú gồm nhiều loại hình chất liệu khác nhau, trong đó có Yony và Linga vật được thờ cúng chính trong lòng kiến trúc. Để góp phần tìm hiểu giá trị văn hóa của khu di tích trên các lĩnh vực, chúng tôi xin giới thiệu về những bộ đồ thờ Linga – Yony thu được trong quá trình khai quật, góp phần tìm hiểu về niên đại,  tính chất văn hóa của khu di tích quan trọng trên vùng đất nam Tây Nguyên (1). Linga – Yony tìm được ở đây hầu hết đều được phát hiện qua khai quật khảo cổ học và trực tiếp liên quan đến kiến trúc cụ thể, những Linga – Yony này tìm được trong quá trình khai quật, trên bề mặt kiến trúc bị vùi lấp, được chôn trong trụ tâm linh lòng kiến trúc với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau, nhiều loại hình chất liệu: đá, vàng, bạc, đồng, đất nung, đá tự nhiên vv…
Để tiện theo dõi các loại hình Linga – Yony tìm được tại Cát Tiên, chúng tôi xin giới thiệu các nhóm hiện vật theo loại hình chất liệu.
I. Các nhóm Linga – Yony
1. Linga- Yony chất liệu đá.
1.1. Linga –Yony gò số I (2)
Linga- Yony gò số I tìm được trong quá trình khai quật được tiến hành năm 1997 do viện KCH và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Lâm Đồng tiến hành. Bộ đồ thờ này được tìm thấy trong lớp đất vùi lấp lòng kiến trúc, nằm  ở độ sâu 0,2m – 0,4m, bên cạnh nhau. Linga nằm giữa hai mảnh mặt bệ Yony, dưới chân bệ thờ chình giữa lòng tháp bị sụp đổ. Tư liệu cho thấy, hiện trạng này được giữ ổn định khi kiến trúc này bị sụp đổ.  Linga được chế tác từ một khối đá kích thước lớn, nguyên khối có màu xanh đen nhạt. Từ khối đá đó Linga được khắc tạc tạo dáng hình trụ khối chia 3 phần tương xứng,  kích thước cao toàn bộ 2,1m. Phần đầu Linga là khối trụ tròn   thon đều, đầu hơi phẳng được mài chuốt nhẵn bóng dài 0,73m, chu vi khối tròn 0,65m. Hiện trạng phần trụ tròn bị sứt vỡ một mảnh phần chóp. Phần giữa hình lục giác dài 0,68m, các cạnh không đều nhau, các cạnh đối xứng nhau có độ dài 0,25m và 0,28m. Đây là phần gá lắp với Yony. Phần đế hình khối hộp trụ vuông dài 0,66m, cạnh dài 0,38m đều nhau, góc cạnh vuông vức. Đây là phần Linga chôn sâu vào bệ thờ, tạo nên sự ổn định vững chắc khi sử dụng.
Hiện trạng Linga – Yony khi mới phát hiện
Yony có hình vuông, phần vòi ngắn vươn ra gồm hai phiến đá không đều ghép lại với nhau tạo thành. Trong hai nửa, phần nhỏ bị vỡ làm 3 mảnh khi ghép lại  vẫn cho thấy phần nửa này khá hoàn chỉnh. Nửa còn lại nguyên vẹn. Khi ghép lại tạo nên  hình ảnh Yony hoàn chỉnh.Yony tạo dáng hình khối  vuông, các góc cắt vuông vức, thành mặt được mài nhẵn bóng. Kích thước các cạnh dài 2,26m x 2,26m; dày 0,24m, vòi vươn dài khỏi thân 0,69m. Vòi được chế liền khối với thân Yony, giữa vòi có khe dẫn nước sâu 0,05m, rộng 0,09m. Lòng Yony đục sâu xuống 0,04m tạo nên lòng hình vuông với gờ thành rộng 0,22m, mặt mài nhẵn bóng. Giữa lòng Yony đục thủng xuyên qua là một lỗ mộng hình lục giác, kính thước cạnh tương ứng với cạnh Linga dùng để gá lắp với Linga. Lỗ mộng hình lục giác, các cạnh đối dài bằng nhau 0,25m và 0,28m dày 0,24m. Lỗ mộng này cho thấy khi gá lắp với Linga sẽ gắn với phần giữa hình lục giác của thân Linga với Yony tạo nên một bệ thờ hoàn chỉnh.
 
Hai mảnh Yony tại Gò số I
Đây là bộ ngẫu tượng thờ Linga- Yony có kích thước lớn nhất tìm được cho đến nay không những ở các di tích tôn giáo ảnh hưởng từ Văn hóa tôn giáo Ấn Độ ở Việt Nam mà cả vùng Đông Nam á
Bộ Linga – Yony lắp hoàn chỉnh
1.2.Linga – Yony gò số V.
 Linga – Yony gò số V được tìm thấy trên đình gò kiến trúc bị sụp đổ.. Yony - Linga  gồm hai phần chế tác riêng biệt gá lắp với nhau tạo nên bộ đồ thờ hoàn chỉnh. Yony được chế tác từ 2 phiến đá màu xám đen ghép lại tạo thành. Yony hình vuông, vòi ngắn, kích thước thân cạnh dài 1,39m x 1,39m, dày 0,12m. Lòng Yony đục trũng chênh với mặt gờ 4cm tạo nên lòng vuông phẳng, kích thước 1,15m x 1,15m. Mặt gờ rộng 12cm. Chính giữa là lỗ mộng hình lục giác đục xuyên qua. Mộng hình lục giác có cạnh đối đều nhau dài 15cm, sát lỗ mộng là gờ nổi nhô cao. Vòi Yony ngắn nhô khỏi thân 5cm, giữa có khe dẫn nước đục sâu.Linga được chế tác từ một phiến đá liền khối khắc tạc  hình trụ, cao 1,15m, được chia làm 3 phần cân xứng nhau. Phần trên hình  khối trụ tròn, đầu thon hơi thót lên vê tròn, dài 0,42m, trên thành trụ có tạc mặt thần Shiva( MukhaLinga) với gương mặt thanh tú mắt nhỏ dài, sống mũi cao, miệng hẹp, xung quanh là những lọn tóc chảy dài uốn xoăn.Phần giữa hình lục giác sáu cạnh đều nhau dài 0,37m, cạnh rộng 0,15m. Phần cạnh này ghép vừa khớp với mộng trên Yony. Phần dưới cùng hình trụ khối vuông dài 0,36m, cạnh dài 0,36m. Toàn thân Linga được mài nhẵn bóng.
Mảnh Yony khi phát hiện
Linga gò số V
1.3. Linga gò số VI
Linga gò số VI được phát hiện trên mặt gò .Linga được chế tác từ đá nguyên khối , màu xám đen, hình khối trụ tròn, cao1,18m chia làm 3 phần cân xứng. Phần trên hình trụ tròn, đầu vê tròn nhẵn dài 0,41m, ngăn cách với phần lục giác có tạc mi thiêng, cột thiêng theo dọc thân. Phần giữa  hình lục giác các cạnh đều nhau, cao 40cm, cạnh dài 18cm, các cạnh đối xứng nhau qua thân. Phần cuối hình trụ vuông cao 40cm, cạnh dài 38cm, các góc cắt vuông vức Toàn bộ Linga được mài nhẵn bóng, thể hiện các phần cân đối, tỷ lệ hài hoà là một tác phẩm tượng thờ đẹp. Linga  là hiện vật thờ duy nhất tìm được ở đây

Linga gò số VI khi phát hiện
1.4. Linga – Yony gò số VII.
Tại Gò số VII trong qúa  trình khảo sát tại hiện trường, trên mặt Gò số VII còn hai Linga và một Yony bị những người đào tìm cổ vật hất xuống chân đồi.
Yony được chế tác từ phiến đá màu đen nhạt, tạo dáng hình vuông, kích thước cạnh 0,8m x0,8m, dày  8cm.  Vòi dẫn nước vươn khỏi thân 0,3m, giữa có khe dẫn nước đục sâu 2cm, rộng 4,5cm. Lòng Yony đục trũng tạo mặt gờ rộng10cm. Giữa Yony có lỗ mộng đục xuyên qua dùng để gá lắp với Linga.
Linga gồm 2 hiện vật  có kích thước và được thể hiện tương tự nhau. Linga được chế tác từ một khối đá tạo dáng hình trụ, dài 1,2m chia thành 3 phần cân xứng: phần trên hình trụ tròn, dài 0,38m đầu vê tròn, thành đứng có dấu vết trang trí mặt thần Sihva nhưng  bị vỡ không nhận diện được; phần giữa hình lục giác 6 cạnh đều nhau dài 0,40m, cạnh 0,18m; phần đáy hình khối trụ vuông, dài 0, 42m, cạnh dài 0,22m. Một Linga được tạc gờ diềm tạo nên “trụ thiêng”
Linga gò số VII

1.5 Linga- Yony Đức Phổ.
Bộ ngẫu tượng thờ tìm được trong lòng một phế tích kiến trúc bị sụp đổ trên địa bàn xã Đức Phổ .Yony - Linga gồm hai bộ phận được ghép với nhau tạo nên  biểu tượng thờ hoàn chỉnh. Yony là một phiến đá khối  hình vuông, kích thước cạnh 0,56m x 0,56m, dày 9cm, thành được mài nhẵn , các góc cắt vuông vức. Mặt Yony đục trũng sâu 2cm, tạo nên lòng hình vuông cạnh 0,37m x 0,37m, mặt gờ rộng 9,5cm. Vòi Yony vươn dài khỏi thân 0,26m, khe dẫn nước sâu 2cm. Chính giữa Yony là một trụ đá tròn chế tác liền khối nhô lên cao 11,5cm. Trụ tròn thu nhỏ dần lên trên, đường kính đáy 11cm, đường kính mặt trụ 6,5cm. Thân trụ  tiện tròn nhiều nấc. Quanh trụ là vòng tiện tròn ăn sâu 2,5cm xuống bề mặt lòng Yony với đường kính 21cm. Đây là phần mộng chìm gắn với Linga phía trên. Linga được chế tác hình  khối trụ tròn, đáy cắt bằng, đầu thon tròn đều mài nhẵn bóng, kích thước cao 19cm, đường kính đầu tròn 18cm. Lòng Linga khoét rỗng như một chiếc mũ trụ. Đường kính đáy 19cm, đường kính phần khoét rộng 14cm tạo nên thành vỏ Linga
Yony - Linga tại Đức Phổ.
.Vỏ Linga dày 2,2cm, sâu 15cm. Phần Linga này úp lên trụ giữa lòng Yony tạo nên bộ ngẫu tượng Yony - Linga hoàn chỉnh
1.6. Bệ thờ Yony gò số IIa.
Tại gò số IIa trong quá trình khai quật đã tìm thấy một bệ thờ khá hoàn chỉnh. Bệ thờ chính vốn đặt thờ  trong lòng tháp, do biến động bị hất ra ngoài.Bệ tạo dáng hình khối hộp, gồm 4 phần gá lắp vào nhau. Mỗi phần bệ là một phiến đá khối hộp,
Bệ thờ Gò II a
các góc cạnh cắt vuông vức, có kích thước phù hợp khi lắp vào nhau tạo nên bệ thờ hoàn chỉnh.Mặt trên là một phần còn lại của Yony. Đây là phiến đá dày 0,14m, tạo dáng hình vuông, lòng được đục trũng xuống. Chính giữa có mộng hình vuông đục xuyên qua dùng để gá lắp Linga phía trên.Yony được đặt chồng khít lên phần phía
Bản vẽ bệ thờ gò II a
dưới. Bệ thờ tạo dáng khối hộp thắt giữa chia hai phần đăng đối nhau. Phần trên phiến đá hình khối hộp vuông cạnh dài 0,75m, dày 0,12m, giữa đục lỗ tròn xuyên qua đường kính 0,16m. Phần giữa khối hộp vuông, cạnh thu vào dài 0,6m, cao 0,2m, bốn mặt được tạo cột góc cạnh vuông đỡ phần trên. Chính giữa có lỗ mộng tròn xuyên qua, lỗ tròn hình côn trên to dưới nhỏ, đường kính 7cm đến 16cm. Phần đế khối hộp vuông cạnh dài 0,8m dày 0,18m, giữa có lỗ tròn xuyên qua, đường kính lỗ tròn 0,15m.  các khối đá ghép với nhau bởi các gờ nỗi với kỹ thuật chồng khớp tạo nên sự ổn định của bệ với  chiều cao toàn  bệ  0,64m. Với lỗ tròn chính giữa bệ có thể thấy trước kia Linga gá lắp bệ thờ phải là khối trụ tròn.
1.7. Bệ Yony gò số II.b
 Quá trình khai quật tìm được một phần bệ thờ trong lòng tháp. Bệ thờ này do di tích bị vi phạm nên đã dịch chuyển ra phía ngoài lòng tháp , sát tường phía đông bên ngoài. Phần bệ thờ này có 3 phần gá lắp với nhau tạo nên một phần bệ thờ hoàn chỉnh. Phần mặt trên là một Yony khá nguyên vẹn, được chế tác từ phiến đá hình khối có màu đen nhạt, cạnh hình vuông dài 55cm x55cm, dày 9cm, được cắt góc cạnh vuông vức, mài nhẵn bóng.  Lòng Yony trũng xuống, riềm tạo gờ nhô lên 2cm, mặt gờ rộng 10cm. Từ thân, vòi Yony vươn dài 30cm nhọn dần đều, đầu vòi vuông, giữa vòi có khe nước thiêng chảy. Chính giữa lòng Yony có lỗ mộng hình chữ nhật dài 17cm, rộng 8cm đục xuyên qua. Phần giữa là một phiến đá màu đen nhạt liền khối, được chế tác hình vuông, góc cạnh cắt vuông, thành mài nhẵn bóng, kích thước 68cm x 68cm, dày 8cm. Mặt được đục sâu xuống 2cm, gờ rộng 7cm, tạo nên lòng trũng kích thước 55cm x 55cm lắp vừa khít với tấm trên thành khối thống
Bệ thờ có mặt Yony tìm được
Bản vẽ Yony Gò IIb

nhất. Giữa lòng có đục lỗ mộng hình chữ nhật, kích thước dài 17cm x 8cm, phía dưới thu vào thành mộng côn hình thang ngược.Phần dưới cùng là phiến đá khối hộp hình vuông cạnh 75cm x75cm, dày 28cm, đáy vuông phẳng, phía trên hơi thót vào làm đế đỡ bộ phận phần trên. Từ 3 phần tìm được khi ghép lại chồng khít lên nhau sẽ thấy một phần bệ thờ sử dụng trong lòng tháp II b. Bệ thờ còn lại cao 43cm, thu nhỏ dần lên trên (đáy kích thước 75cm x75cm, mặt 55cm x 55cm), cho thấy bệ thờ này  nhỏ và thấp. Vậy có khả năng phần bệ thờ này được đặt trên một phần bệ gạch phía dưới.Với lỗ mộng để lại trên mặt Yony cho thấy khả năng đáy Linga phải có chốt nhô ra với kích thước tương xứng để tạo nên bộ thờ Linga – Yony hoàn chỉnh
1.8. Yony gò số IV.
Tại Gò số IV còn tìm thấy Yony bị vùi lấp, đây là  phần mặt bệ thờ trong lòng tháp. Yony được chế tác từ đá màu xám đen, hạt mịn, mài nhẵn bóng, thành cạnh vuông vức. Yony tạo dáng hình vuông, cạnh dài 0,74m x 0,74m, dày 0,09m, lòng trũng hình vuông  tạo gờ xung quanh, mặt gờ rộng 10cm, sâu 2,5cm.  Vòi dài vươn khỏi thân 0,17m, vòi có khe dẫn nước  rộng 5cm, sâu 2cm. Chính giữa Yony là một lỗ mộng đục thủng hình chữ nhật kích thước dài 19cm, rộng 12cm. Nếu theo như lỗ mộng mặt Yony để lại cho thấy, phần Linga gá lắp phía trên tạo nên bộ thờ hoàn chỉnh thì đáy Linga phải có mộng hình chữ nhật mới gá lắp được với lỗ mộng này như trường hợp Yony tìm thấy tại gò II.b.
Bản vẽ Yony – gò số IV
Yony gò số IV khi phát hiện
1.9.Yony gò số III.
.Yony tìm được qua khai quật dưới chân gò III, bị vùi lấp sâu 0,3m. Yony được tạo từ từ đá phiến nguyên khối, chất liệu đá cát hạt mịn màu hồng nhạt. Yony tạo hình vuông, cạnh 0,57m x 0,57m,  dày 0,27m, do bị sứt vỡ nên thành đứng các cạnh không đều. Mặt Yony đục trũng xuống hình vuông cạnh 34cm x 34cm, bốn phía là gờ nổi lên, mặt gờ rộng 11,5cm, sâu lòng 2,5cm. Chính giữa là hình tròn đục sâu xuống, đường kính 16,5cm, tại trung tâm nhô lên một chốt trụ tròn  đường kính 6,5cm, cao 2cm, dùng để gá lắp Linga. Điều khác biệt là Yony này không có khe dẫn nước.
Yony gò số III khi phát hiện
Bản vẽ Yony gò số III

1.10. Yony Đức Phổ II
Yony tìm được trong quá trình khai quật phế tích kiến trúc tại xã Đức Phổ cùng với bệ thờ Linga – Yony (1.4). Yony được chế tác từ phiến đá liền khối  thể hiện hai lớp , phía dưới thay chóp mặt bệ thờ đỡ Yony, phía trên tạc hình Yony chồng khít lên nhau.Tầng trên Yony hình vuông cạnh 0,26 m x 0,26 m, nhô cao dày 3cm. Vòi dẫn nước nhô ra 13cm. Tầng dưới cạnh dài 0,34m x 0,34m, vòi dẫn nước nhô dài 8,5cm. Giữa lòng Yony là lỗ mộng hình vuông, đục xuyên qua phiến đá, kích thước mộng cạnh dài 6cm x 6cm dùng để gá lắp với Linga
. Bệ Yony tại Đức Phổ
1.11. Yony tại Gia Viễn.
Yony tìm được dưới chân một gò đất thấp thuộc địa bàn xã Gia Viễn. Yony chế tác từ phiến đá có màu đen nhạt, hạt mịn. Yony tạo dáng hình vuông, cạnh dài 0,56m x0,56m, dày.0,12m; vòi vươn ra khỏi thân 7cm. Lòng Yony trũng so với mặt gờ 2,3cm; mặt gờ rộng 12cm. Chính giữa lòng có mộng tròn đục sâu xuống dùng để gá lắp Linga.
2. Linga – Yony  chất liệu đá Thạch anh( Crystal)
2.1 Linga Gò số I
Cuộc khai quật gò số I tìm được một Linga trong lòng bình gốm bị vỡ dưới chân vòi dẫn nước của Yony, bệ thờ thờ chính trong lòng tháp .Linga được chế tác bằng đá Thạch anh màu trắng trong suốt, hình trụ thon tròn, phần đầu to vê tròn đều, thân thon dần về đáy. Đáy được cát phẳng. Kích thước cao 2cm, chu vi lớn nhất 5cm.
2.2. Linga gò số IV
Đợt điều tra khảo sát năm 1993  tại di tích này  tìm được một Linga bằng đá thạch anh có kích thước lớn. Linga tạo dáng hình
Linga gò số I
trụ tròn, thon dần về đáy. Đầu  Linga vê tròn thon đều. Thân trụ tròn thon, đáy hơi thót dần cắt phẳng, mặt đáy cắt phẳng. Kích thước Linga dài 25cm, chu vi thân
Linga gò số IV
trung bình 28cm. Trên Linga tạc rõ chia hai phần, đầu và thân được ngăn cách bàng dải “mi thiêng”, phần đầu có biểu tượng “cột thiêng” nhô lên. Theo giám định của Trung tâm vật lý hạt nhân Đà Lạt Linga có trọng lượng 3,435kg, thể tích 1340ml, tỷ trọng riêng 2,63, độ cứng thuộc nhóm 7 nằm trong nhóm đá bán quý, thành phần hoá học nằm giữa nhóm đá Thạch anh và To paz ( Sio2 và Al2 (Sio4)( Fom)2..Đây là hiện vật Linga dạng đá bán quý có kích thước lớn nhất ở nước ta nói riêng và Đông Nam  Á nói chung(3)
2.3. Linga – Yony gò số II a
Hiện vật tìm được trong quá trình khai quật kiến trúc tháp gò IIa. Hiện vật tìm được trên mặt nền lòng kiến trúc. Linga – Yony được chế tác từ chất liệu đá Thạch anh màu trắng trong suốt.. Bộ ngẫu tượng này được chế tác liền khối, có kích thước nhỏ. Yony phía dưới thể hiện hình khối hộp vuông cạnh dài 2cm x 2cm, cao 1,7cm.  Lòng trũng, chính giữa là Linga nhô cao lên, Linga hình trụ khối  tròn,  đầu vê tròn đều,  giữa thắt,  chân rộng tương xứng với đầu. Linga cao 1,2cm. Toàn bộ hiện vật cao 2,9cm
Linga – Yony gò số II a
3. Linga – Yony chất liệu kim loại.
3.1. Linga chất liệu vàng.
- Linga gồm 1 bộ 5 chiếc tìm được trong lòng trụ thiêng chôn sâu giữa lòng tháp,  trong tổng số 166 hiện vật  bằng chất liệu vàng bạc, đá quý. Bộ Linga gồm 01 chiếc
kích thước lớn và 04 linga kích thước nhỏ được đúc bằng chất liệu vàng. Bốn linga bằng vàng có kích thước bằng nhau, thể hiện giống nhau về hình khối và mỹ thuật trang trí. Toàn bộ Linga cao 1,85cm, thể hiện thành ba phần đều nhau, phần trên hình trụ tròn, đầu khum nhọn cao 0,6cm, phần giữa hình lục
Đáy trụ thiêng trong lòng tháp
giác, các cạnh đều nhau  cao 0,65cm; phần đế hình vuông cao 0,6cm. Trên Linga có khắc tác cột thiêng và mi thiêng theo quan niệm   Ấn Độ Giáo
Linga bằng vàng gò số I
- Linga chất liệu vàng 02 chiếc tìm được tại lòng kiến trúc gò VIb.
Dưới chân bệ thờ, trong lòng kiến trúc ở độ sâu 1,5m trong  lớp đất màu xám sáng có  hố hình khối hộp vuông kích thước 0,3m x 0,3m đất màu xám nâu. Lòng hộp có chôn 4 chiếc hộp. Hộp  gốm được tạo tác hình  Linga,  3 chiếc chất liệu gốm màu xám đen, được nung già khá cứng, xếp theo hình tam giác cân đỉnh quay về hướng đông; chiếc còn lại chế tác từ chất liệu bạc đặt chính giữa.
Hộp gốm chứa Linga gò số VIb
 Trong hộp gốm một hộp chứa Linga bằng chất liệu sắt; một hộp chứa Linga bằng chất liệu đồng, hộp còn lại trong lòng có dấu vết màu trắng mịn, có khả năng là chiếc Linga bằng chất liệu ngà voi đã bị mủn nát. Hộp bằng bạc chính giữa bị mủn nát bên trong có chứa hai chiếc Linga một chất liệu bằng  vàng, một chất liệu bằng bạc. Linga được chế tác gồm 3 phần : đầu trụ thon tròn, giữa hình lục giác và đế hình trụ vuông. Kích thước các Linga nhỏ chỉ có giá trị biểu tượng.(4)
3.2 Linga chất liệu đồng.
-  Linga tìm được trong lòng trụ thiêng gò số I cùng với 04 Linga chất liệu vàng. Linga được đúc bằng chất liệu đồng màu đỏ sậm, bên ngoài bọc vỏ bạc màu trắng
 dài 3,1cm được chia làm 3 phần đều nhau, phần trên hình trụ tròn với đầu tròn đều,
Linga đồng bọc bạc bên ngoài
dài 1cm, phần giữa hình lục giác, các cạnh đều nhau cao 1,05cm, phần đáy hình vuông cao 1,05cm. Bên ngoài lõi đồng, Linga bên trong chất liệu đồng, bên ngoài được bọc bạc, riêng phần đáy do phần bộc bị mủn nát nên lộ rõ chất liệu đồng bên trong màu đỏ. Trên mặt lớp bạc được khắc trang trí hình chấm dải biểu hiện hình trụ thiêng trên thân Linga. Đây là  hình thức biểu hiện  Kosa( mũ thiêng)trùm lên đầu Linga được chế tác khá hiếm hoi theo quan niệm  Ấn độ giáo
- Kosa
Đây là chiếc Kosa chất liệu đồng duy nhất tìm được tại gò số VIb tại lòng của trung tâm kiến trúc. Kosa được úp lên một viên cuội hình trụ tròn thon dài, có thể là biểu
Hiện trạng  phát hiện Kosa tại gò VIb
tượng của Linga. Kosa có hình trụ tròn, đầu thon đều, thành mỏng, chất liệu đồng; cao  28cm, đường kính 23cm Trên thân Kosa có tạo đường cột thiêng và mi thiêng là những đường gân nổi uốn mềm mại.(5)
4. Các loại hình Linga – Yony khác.
Ngoài những Linga – Yony được chế tác hoàn chỉnh từ nhiều loại chất liệu khác nhau, các cuộc khai quật trên các di tích  tại Cát Tiên còn tìm được nhiều bộ Linga Yony chế tác từ chất liệu gạch và cuội tự nhiên được chọn lọc để tạo nên bộ ngẫu tượng thờ hoàn chỉnh. Những hiện vật này thường tìm thấy bên ngoài các kiến trúc.
- Bộ Yony - Linga  tìm được tại chân gò số I, mặt phía đông được chế tác, gá lắp từ hai hai chất liệu với nhau tạo nên. Yony  chế tác từ một viên gạch màu đỏ sậm, được nung già khá cứng. Kích thước viên gạch dài 16cm, mặt rộng 15cm, dày 7cm. Trên bề mặt viên gạch khắc chìm hình ảnh bệ thờ Yony. Bệ Yony  hình chữ nhật, cạnh dài 7,5cm, cạnh ngắn 7cm , vòi vươn dài khỏi thân 2cm, nét khắc đục chìm sâu tạo nên hình ảnh Yony rõ nét. Chính giữa lòng Yony là một lỗ đục  tròn hình côn nhỏ về đáy dùng để gá lắp Linga. Linga là một hòn cuội sông màu đỏ sậm, hình trụ tròn thon dần về hai đầu tạo nên hình thoi tròn dài.Trên thân viên cuội có khoan một lỗ nhỏ. Hai hiện vật này nằm cùng địa điểm với nhau, dựa vào dấu vết chế tác, sau khi gá lắp vào với nhau tạo nên một bộ ngẫu tượng thờ Yony- Linga hoàn chỉnh.
Linga – Yony gạch và cuội
-  Yony - Linga tìm được tại chân tháp mặt tường đông, gần cửa lên xuống. Yony được chế tác từ một viên gạch màu đỏ sậm, độ cứng cao vuông vức. Kích thước gạch dài 18cm, mặt rộng15cm, dày 6cm. Trên mặt gạch khắc chìm biểu tượng Yony hình vuông cạnh 10,5cm x 10,5cm chìm sâu xuống mặt gạch 0,3cm tạo nên hình ảnh Yony hoàn chỉnh. Chính giữa Yony đục lõm một lỗ tròn hình côn nhỏ về đáy dùng để gá lắp Linga. Kích thước lỗ tròn đường kính 6,5cm, sâu 2,5cm. Linga được  thể hiện là một viên sỏi sông hình trụ tròn thon dài thót hai đầu dài 13cm, đường kính lớn 5cm. Khi gá lắp hai hiện vật vào với nhau tạo nên bộ ngẫu tượng thờ hoàn chỉnh.
Hai bộ Yony - Linga biểu tượng này tìm được bên ngoài tháp  được chế tác  có kích thước nhỏ, với chất liệu giản đơn, sử dụng gạch xây tháp và tận dụng sỏi sông có hình dáng tương tự  như Linga được chế tác, cho thấy có khả năng đây là những bộ ngẫu tượng Yony - Linga của các tín đồ khi hành hương đến viếng đền đã thành tâm tạo ra dâng hiến. Với 3 bộ Yony - Linga tìm được, được chế tác tự nhiên không tuân thủ quy tắc tôn giáo đã cho thấy đền tháp này giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân trong vùng. Đây chỉ là những hiện vật tiêu biểu được biết đến.Ngoài ra còn nhiều hiện vật Yony được đục từ các viên gạch, hay các Linga được lựa chọn từ các viên sỏi tự nhiên  liên quan đến các kiến trúc.
 Yony – Linga chế tác từ  cuội Gò số I
II. Những đặc trưng cơ bản và niên đại .
          Trước hết phải nói về Linga – Yony được thờ trang trọng giữa  lòng các kiến trúc  là biểu tượng thờ  các vị thần có nguồn gốc từ văn hoá tôn giáo Ấn Độ. Trong văn hóa  Ấn Độ,  xuất phát đầu tiên từ tín ngưỡng nguyên thủy,  thần thoại tục  thờ cúng âm lực, coi âm vật của đàn bà là nguồn gốc của mọi sự s¸ng t¹o- ®­îc coi lµ thần Mẹ. Bên cạnh thần Mẹ còn có vị thần nam, biểu hiện bằng phiến đá hình dương vật. Sự hợp nhất âm dương thành biểu tượng của sinh thực khí, sự hoà hợp này được coi là một trong những nguồn gốc tạo nên sự sinh sôi nảy nở của văn minh nông nghiệp. Hình tượng  Yony- Linga đầu tiên xuất hiện tìm được tại di chỉ văn hoá Harappa Nam  Ấn Độ. Sau này khi người Aryan tràn vào cơ trú trên đất  Ấn  thì  những tín ngưỡng này được đưa vào hệ thống thần thoại  Ấn Độ. Đến thời kỳ ra đời bộ sử thi  Ramayana và Mahabharata thì hệ thống thần linh đã khá hoàn chỉnh trong đó có ba vị thần chính cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các vị thần liên quan đến đời sống xã hội, tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của cư dân. Trong ba vị thần chính được tôn thờ thần Sihva được coi là vị thần có năng lực phá huỷ; thần Brahma được coi là vị thần sáng tạo và thần Visnu được coi là vị thần bảo tồn. Trong ba vị thần này thần Sihva được coi là vị thần tối cao, bởi vì ngoài thuộc tính phá huỷ, thần Sihva còn có quyền lực sáng tạo và bảo vệ như thần Brahma và thần Visnu. Sự hiện diện của vô số vị thần với các chức năng khác nhau trong cộng đồng dân cư đã khiến cho hình thành nhiều giáo phái, phái thờ thần Sihva, phái thờ thần Brahma, hay thờ thầnVisnu làm chủ đạo. Sau này để tránh sự bài xích giữa các giáo phái, người ta thống nhất thờ ba vị thần dưới một biểu tượng chung gọi là Tam Vị nhất thể ( Trimurti) thông qua một thần thoại kể về cuộc thi tài giữa ba vị thầnmà phần thắng cuộc thuộc về thần Sihva. Khi văn hoá, tôn giáo Ấn Độ ảnh hưởng sang các nước vùng Viễn đông, tuỳ theo tín ngưỡng bản địa mà cư dân ở đây tiếp thu khác nhau, nơi thờ thần Sihva là chính( như người Chăm), nơi thờ thần Brahma, Visnu( Campuchia)…Hình ảnh các vị thần này khi được thờ thể hiện thông qua hình ảnh cụ thể  như con người thì còn được thể hiện dưới các hình thức biểu tượng, ngẫu tượng Linga – Yony; Yony được coi là phần âm tính, Linga coi là phần dương tính.  Yony có thể có hình chữ nhật, hình vuông hay hình tròn. Linga có loại chỉ có phần trụ tròn thể hiện thần Shiva, hai phần gồm trụ tròn và hình lục giác phía dưới thể hiện sự kết hợp giữa thần Shiva và Visnu. Tượng Linga thể hiện ba phần  được cho rằng, phần trụ tròn  trên cùng thể hiện biểu tượng của thần Sihva,  phần lục giác ở giữa là biểu tượng của thần Visnu; phần đế hình khối vuông thể hiện biểu tượng của thần Brahma( Tam vị nhất linh). Biểu tượng này ngoài sự thể hiện năng lực của các thần thì còn ẩn chứa nội dụng thể hiện chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ, hay chu kỳ tuần hoàn của tự nhiên đó là sinh ra, bảo tồn phát triển, phá huỷ lại tái tạo sinh ra, lớn lên huỷ diệt(6). Theo triết lý cổ xưa bất kỳ sự vật nào cũng sinh ra phát triển rồi bị huỷ diệt. Huỷ diệt cái cũ để sáng tạo cái mới. Những Linga – Yony tìm được ở Cát Tiên cũng phản ánh chung theo tiến trình phát triển này.
1. Những đặc trưng loại hình cơ bản:
1.1.Linga
Như tài liệu tìm được cho thấy ở đây có 3 loại Linga:
- Linga thể hiện là một khối trụ tròn ( mục 2; 4). Những Linga này được chế tác từ đá quý hay sử dụng đá cuội tự nhiên tạo nên hình ảnh của Linga – biểu tượng cho thần Shiva. Loại hình này còn có thể thấy được sử dụng trong bệ thờ gò số IIa với lỗ gắn Linga với Yony có hình tròn.
- Linga có hai phần : trụ tròn và bát giác cho thấy tại phế tích kiến trúc Đức Phổ  và gò số IIa ( mục 1.5 và 2.3). Đây là biểu tượng của thần Shiva và thần Visnu.
- Linga có 3 phần chiếm hầu hết các Linga tìm được tại Cát Tiên. Loại hình này vô cùng phong phú, có kích thước lớn và chế tác từ nhiều loại chất liệu khác nhau. Đây là biểu tượng Tam vị nhất linh của 3 vị thần Shiva – Visnu – Bhrama.
1.2.Yony
Trong những Yony tìm được tại Cát Tiên có thể  thấy với chức năng thể hiện biểu tượng phần âm, các Yony được chế tác phù hợp với các Linga gắn phía trên tạo nên bộ ngẫu tượng thờ hoàn chỉnh. Tài liệu cho thấy các Yony gồm các loại hình sau:
-  Yony có lỗ hình lục giác. Yony loại hình này thường gá lắp với Linga có cấu trúc 3 phần; phần lục giác gá với phần giữa lục giác của Linga. Yony loại hình này thường được chế tác từ chất liệu đá, có kích thước lớn phù hợp với kớch thước Linga ( mục 1.1 đến mục 1.4). Đây là loại hình phổ biến chiếm đa số hiện vật tìm được ở Cát Tiên.
- Yony có lỗ gá lắp hình chữ nhật. Loại hình này không nhiều ( mục 1.7 và 1.8), kỹ thuật chế tác này cho thấy khả năng đáy Linga có chốt hình chữ nhật ( phần nhô ra) phù hợp với lỗ mộng để lại trên mặt Yony ( phần âm) gắn vào nhau thành bộ thờ hoàn chỉnh.
- Yony có lỗ mộng hình vuông. Loại hình này có một chiếc duy nhất ( mục 1.10), kỹ thuật chế tác cho biết đáy Linga phải có chốt hình vuông, gá lắp vào lỗ mộng âm ở Yony để tạo nên bộ thờ hoàn chỉnh.
- Yony có mộng tròn. Loại hình này có hai chiếc ( mục 1.5 và 1.9) được chế tác khá đặc sắc. Mộng Yony nổi lên hình trụ tròn( chốt dương), Linga được khoét như hình mũ chụp lên trên. Linga úp khớp vào mộng để tạo nên bộ thờ hoàn chỉnh

Linga – Yony

2. Thử tìm về niên đại qua loại hình Linga – Yony.
Cho đến nay đã qua 8 cuộc khai quật, các phế tích kiến trúc ở Cát Tiên hầu như đã được xuất lộ phần còn lại của kiến trúc, nhưng việc định niên đại cho nhóm di tích này vẫn là  một trong những vấn đề cần được tiếp tục đi sâu nghiên cứu.(7). Khung niên đại chung cho tổng thể di tích và niên đaị riêng cho mỗi kiến trúc được nhiều tham luận khoa học đưa ra trong đó có dựa vào hình dạng, cấu trúc, kỹ thuật chế tác của ngẫu tượng Linga – Yony. Thực ra việc định niên đại cho mỗi kiến trúc phải dựa vào chính phần kiến trúc còn lại và tồng thể di vật tìm được.Ngẫu tượng Linga – Yony chỉ là một phần tư liệu góp thêm vào định niên đại cho các di tích này. Để hiểu về loại hình di vật này chúng tôi muốn đề cập đến nét tương đồng của các loại hình với các di tích khác tìm được cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa, tôn giáo  Ấn Độ
 
Linga trong văn hóa Champa
 Linga trong văn hóa Óc Eo
 
Linga ở Cát Tiên
 Linga văn hóa                                              Khmer
- Về loại hình Linga được chế tác gồm 3 phần ( trụ tròn- lục giác và khối vuông). Trong văn hóa Champa, loại hình này được chế tác thờ phụng khá phổ biến trong các đền tháp, niên đại tập trung chủ yếu vào thế kỷ IX – XI. Trong văn hóa Óc Eo  có13 Linga loại hình này, niên đại thường có mặt vào thế kỷ VII – IX. Loại hình Linga trên cũng có mặt  phổ biến trong văn hóa Khmer có niên đại khá dài từ thế kỷ VIII – XII. Như vậy có thể nói loại hình Linga có 3 phần được chế tác thờ khá phổ biến trong các nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ văn hóa tôn giáo  Ấn Độ và có khung niên đại khá dài. Mặc dù chúng có nhiều nét tương đồng nhau về khối, nhưng cách thể hiện trên mỗi nền văn hóa lại có sự riêng biệt, sắc sảo riêng mà rất dễ nhận thấy không thể nhầm giữa các nền văn hóa.
- Yony tìm được tại Cát Tiên về kỹ thuật gá lắp với Linga có 4 loại khác nhau: mộng gá hình lục giác, mộng tròn, mộng hình vuông và mộng hình chữ nhật. Về các loại mộng hình chữ nhật hình vuông và hình tròn chỉ thấy có mặt trong các di vật thuộc văn hóa Khmer và có niên đại thế kỷ IX – XI.(8)
Mộng vuông và tròn trong Yony Khmer
Riêng loại hình mộng tròn nhô lên, trên úp Linga hiện nay mới chỉ thấy trong di tích Cát Tiên và có duy nhất tại tháp Mỹ Sơn A10 có niên đại vào cuối thế kỷ X
Yony mộng tròn tại Mỹ Sơn A10
Yony mộng tròn tại Cát Tiên
Nếu so sánh các loại hình di tích, di vật tìm được ở Cát Tiên nói chung; Linga – Yony nói riêng có thể thấy dù có nét tương đồng  với các nền văn hóa xung quanh cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo  Ấn Độ, nhưng vẫn mang nét riêng, độc lập, khẳng định vị trí riêng trong tổng thể các nền văn hóa cùng khu vực. Chính vì thế việc định niên đại loại hình di vật này  khá phức tạp, để xác định niên đại các kiến trúc ở đây phải dựa trên tổng thể di tích và hiện vật tìm được. Mặc dù vậy, trên loại hình Linga – Yony sẽ là một nguồn tư liệu quan trọng, tin cậy góp phần xác định không những tính chất tôn giáo mà còn cả về niên đại di tích.
Dựa vào tổng thể di tích và di vật tìm được tại mỗi kiến trúc qua các cuộc khai quật, chúng tôi cho rằng các loại hình Linga – Yony tìm được tại Cát Tiên có chung khung niên đại vào thế kỷ IX – X. Đây là thời gian các kiến trúc được xây dựng rầm rộ tại khu ti tích này và có quy mô lớn nhất. Một số Linga – Yony có niên đại sớm  vào thế kỷ VIII và muộn nhất vào thế kỷ XI là vào các thời kỳ hình thành và suy tàn của khu di tích này.
Có thể còn khuyết thiếu khi định niên đại cho các di tích khi chỉ nhìn phiến diện vào một loại hình di vật. Nhưng dù sao đây cũng là một nẻo đường tiếp cận để góp phần đi sâu, khẳng định giá trị văn hóa vô giá của di tích Cát Tiên trong nền văn hóa chung của dân tộc được dựng xây trong lịch sử./.


(1) Tham khảo thêm: Lê Đình Phụng : Linga – Yony ở Cát tiên ( Lâm Đồng). NPHMVKCH. NXBKHXH. Hà Nội 2000, tr 733 -734
(2). Khi giới thiệu hiện vật chúng tôi tuân thủ theo ký hiệu của các cuộc khai quật đặt ra
(3) Tham khảo thêm : Lê Đình Phụng:  Linga đá quý tại Cát tiên Lâm Đồng). T/C KCH số 4 – 1996
(4- 5) Tham khảo- Đào Linh Côn: Báo cáo kết quả điều tra, khai quật di tích Cát Tiên ( 2002 – 2004). Tư liệu Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng.
(6)Về nội dung thần thoại của các vị thần tham khảo thêm:
-          Cao Huy Đỉnh: Tìm hiểu thần thoại  Ấn Độ. NXB KH. Hà Nội 1964
-          Will Durant: Lịch sử văn minh  Ấn Độ. NXBVHTT. Hà Nội 2003
-          Wendy donier Of laherty: Thần thoại  Ấn Độ. NXB Mỹ Thuật. Hà Nội 2005
- L. Malleres: Tìm hiểu biểu tượng nghệ thuật đIêu khắc Phật giáo- Balamôn giáo ở Đông Dương. Bản dịch tư liệu Viện Khảo cổ học
(7) Tham khảo thêm:
- Sở Văn hóa thong tin Lâm Đồng: Kỷ yếu hội thảo khoa học di tích Khảo cổ học Cát Tiên. Tháng 3 -2001.
- UBND tỉnh Lâm Đồng- Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Hội thảo khoa học Di tích khảo cổ Cát Tiên lần thứ II. Đà Lạt 12 -2008
(8) Tham khảo thêm:
 Khun Samen:  - National Museum Collections Phnom Penh -2005
                       - The New Guide to the National Museum – Phnom Penh – 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét