Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

CHUYỆN GẪU 13 VÀ THƠ CON CÓC

BÀI THƠ VỀ LINGA - YONY
Năm 1998, sau nhiều lần khảo sát và khai quật thăm dò, chúng tôi quyết định tiến hành khai quật địa điểm chính trong các phế tích kiến trúc của khu di tích Cát Tiên( Lâm Đồng). Địa điểm mang tên đồi Khỉ.  Đây là quả đồi khá cao khoảng gần 50m, nằm sát ven dòng sông Đồng Nai.Theo người dân đến khai phá vùng đất này cho biết trước kia quả đồi này cây cối rậm rạp, hàng đàn Khỉ thường tập trung ở đây. Buổi chiều chúng thường xuống sông Đồng Nai tắm táp, nên khi tiếp xúc vùng đất người dân gọi là Đồi Khỉ. Sau khi phát quang toàn bộ quả đồi, chúng tôi lựa địa điểm khai quật. Diện tích khai quật khoảng 200m2 trên chính giữa diện tích mặt đỉnh đồi. Khi bóc lớp đất sâu khoảng 0,4m, làm xuất lộ hệ thống tường kiến trúc hiện còn, chính giữa lòng kiến trúc xuất hiện bộ đồ thờ to lớn. Do nằm trong lòng đất, hiện vật đá đen bóng. Lúc phát hiện phần trên, màu đen bóng cứ ngỡ là quả bom sót lại sau chiến tranh. Bộ đồ thờ tìm được là một bộ ngẫu tượng Linga Yony hoàn chỉnh
Yony và Linga tìm được gồm hai phần ghép với nhau tạo nên một bộ tượng thờ . Các hiện vật này bị sụp đổ những nằm nguyên tại lòng kiến trúc. Yony được tạo  bởi hai tấm đá ghép với nhau theo kỹ thuật xếp khít liền nhau thành Yony hoàn chỉnh .Yony có hình vuông, các góc cắt vuông vức, thành mặt được mài nhẵn bóng. Kích thước các cạnh dài 2,26m x 2,26m; dày 0,24m, vòi vươn dài khỏi thân 0,69m. Vòi được chế liền khối với thân Yony, giữa vòi có khe dẫn nước sâu 0,05m, rộng 0,09m. Lòng Yony đục sâu xuống 0,04m tạo nên lòng hình vuông với gờ thành rộng 0,22m. Giữa lòng Yony đục thủng xuyên qua là một lỗ mộng hình lục giác dùng để gá lắp với Linga. Lỗ mộng hình lục giác, các cạnh đối dài bằng nhau 0,25m và 0,28m dày 0,24m. Lỗ mộng này cho thấy khi gá lắp với Linga sẽ gắn với phần giữa hình lục giác của thân Linga. 
Linga được chế tác từ một khối đá thống nhất màu xám đen, tạo dáng hình trụ khối với 3 phần khác nhau, có kích thước lớn, dài toàn bộ 2,1m. Phần đầu Linga là khối trụ tròn  đều, mài nhẵn bóng dài 0,73m, chu vi khối tròn 0,65m. Phần giữa hình lục giác dài 0,68m, các cạnh đối xứng nhau có độ dài 0,25m và 0,28m. Đây là phần gá lắp với Yony. Phần đế hình khối hộp trụ vuông dài 0,66m, cạnh dài 0,38m. Đây là phần Linga chôn sâu vào bệ thờ, tạo nên sự ổn định vững chắc khi sử dụng.
Với kích thước hiện thấy, có thể coi là bộ ngẫu tượng thờ Linga- Yony lớn nhất Việt Nam trong các nền văn hóa cổ chịu ảnh hưởng từ văn hóa tôn giáo Ấn Độ. Sau này có nhà nghiên cứu nói quá lên đây là bộ Linga- Yony có kích thước lớn nhất Đông Nam á.( Nhưng tôi thấy ở Bảo tàng Thái Lan có trưng bày hiện vât Linga dài hơn nhưng nhỏ, trông không to, khỏe " vĩ đại" bằng Linga ở Cát Tiên).
Ngày ấy khai quật khảo cổ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa được chính quyền và  nhân dân địa phương quan tâm. Chính quyền UBND huyện Cát Tiên lúc ấy, chủ tịch là anh Trần Đình Nhung, hầu như luôn có mặt trên công trường và quan tâm đến anh em khảo cổ. Anh cử hai cán bộ cùng tham gia trong đó có anh Trưởng phòng văn hóa huyện tên là Hồ( tôi không nhớ họ nữa). Anh Hồ  người Phù Cát( Bình Định) đưa ra đình lên đây xây dựng kinh tế mới. Anh là người vui tính, hay hát hò, yêu văn nghệ và làm thơ. Có lẽ vì thế anh được làm trưởng phòng văn hóa chăng?. Cũng như những người dân, từ nhiều vùng trong nước về đây xây dựng kinh tế mới( Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Định, Cao Bằng vv..), anh Hồ không biết nội dung của hiện vật tìm được. Anh và bà con  chỉ là những người đứng bên lề của nền văn hóa cổ tìm được trên vùng đất. Đối với chúng tôi tìm được hiện vật này quả là vô cùng quý giá, không có lần thứ hai. Chúng tôi cứ ngẩn ngơ,  lau chùi, đo vẽ, chụp ảnh, ghi chép tỉ mẩn. Hiện vật tìm được đúng là một bảo vật quốc gia.Chúng tôi chuyển tải về nội dung của hiện vật cho anh Hồ và bà con có mặt: Linga là biểu tượng của ba vị thần tối linh( tam vị nhất thể) trong đó trong đó vị thần Shiva ở vị trí tối cao( phần đầu tròn, có trang trí mi thiêng) thể hiện Dương tính - giống như của cánh mày râu. Yony thể hiện phần âm- Âm tính. Âm dương kết hợp tạo ra sự sinh sôi nảy nở. Tác phẩm nghệ thuật này thể hiện Dương tính- Nam tính( to quá nên lắp vào làm vỡ cả Âm tính( nữ tính) mặc dù phần âm cũng mênh mông( 2,26m x 2,26m) với cái vòi thè lè vươn ra.Anh Hồ nghe xong cười ngất, rồi mặt cứ thần ra, anh xoa xoa, vuốt ve thành kính.Tôi đùa, anh phải ôm chặt vào, được "hấp lực" sau đợt này có khi sinh con trai( nghe nói anh sinh sáu hay bảy cô con gái gì đó).
Ngày hôm sau anh đến công trường, tặng tôi bài thơ anh sáng tác tối hôm đó. Bài thơ viết:
Khen ai đẽo đá tạc nên
Linga ôm chặt mối tình Yony
Hiện vật ấy, nói cái chi.
Nếu ta suy luận cái gì cũng ra
Vật ấy của quý chúng ta
Nếu để mất nó chẳng ra cái gì
Bài thơ viết tay ấy, cho đến nay gần 20 năm tôi vẫn giữ như một kỷ niệm. Nhiều lúc nghĩ lại cũng buồn cười vì câu kết: 
Vật ấy của quý chúng ta
 Nếu để mất nó chẳng ra cái gì.
Ai mà mất nó chắc thành công công chăng? Không biết bây giờ anh Hồ thế nào, đã lâu không có điều kiện gặp lại, nhưng bài thơ anh tặng vẫn ở bên tôi. Hay nhiều ý nghĩa, nhưng cũng một dạng thơ con cóc./.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét