Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Về loại hình “giếng Chăm” tại địa bàn Đà Nẵng

 Trong tổng thể các di tích văn hóa Champa trên dải đất miền Trung, giếng là một loại hình di tích đặc biệt, có mặt ở khắp nơi, trên mọi vùng đất với chức năng khai thác nguồn nước phục vụ cho cuộc sống của con người. Cũng như các tộc người khác, nguồn nước tự nhiên được con người khai thác, sử dụng dựa trên hai nguồn nước chính:  khai thác nước mặt trên các sông suối, đầm ao hồ, những nơi lưu giữ nước thiên nhiên và khai thác nước ngầm trong lòng đất với kỹ thuật đào sâu xuống lòng đất tìm nước ngầm phục vụ cuộc sống. Sinh sống chủ yếu trên địa bàn dải đất miền Trung với khi hậu hai mùa mưa nắng, mùa mưa vấn đề khai thác nước trở nên đơn giản, nhưng mùa khô lượng mưa ít, hệ sống sông suối ngắn và dốc nên hệ thống lưu giữ nước mặt không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt nên việc khai thác nước ngầm trở nên bức thiết,và người Chăm đã sớm biết khai thác nguồn nước ngầm phục vụ cho đời sống. Trong quá trình khai thác nước ngầm người Chăm đã xây dựng một hệ thống giếng trên dọc dải đất miền Trung trong đó các địa bàn Đà Nẵng.
PHẦN I. HỆ THỐNG GIẾNG CHĂM Ở ĐÀ NẴNG
Theo khảo sát bước đầu, trên địa bàn Đà Nẵng ngày ngay còn lưu giữ hàng loạt các giếng Chăm hay các giếng có nguồn gốc Chăm được sử dụng cho đến ngày nay. Những giếng này tập trung chủ yếu phía nam Đèo Hải Vân( địa phận Phường Nam Ô hiện nay). Theo thống kê của địa phương nơi đây còn khoảng trên 20 chiếc giếng cổ. Hiện tại, do cuộc sống thay đổi nhiều giếng không sử dụng, nhưng vẫn còn nhiều giếng vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Ngoài ra còn rải rác trên địa bàn còn một số giếng Chăm khác. Dưới đây là một số giếng Chăm tiêu biểu.
1.Giếng Lăng (thôn Năm Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), ở khoảng vị trí tọa độ 16006'54,8" vĩ độ Bắc và 108007'50,0" kinh độ Đông.
Lòng giếng hình vuông, được xây dựng bằng các phiến đá xếp chồng lên nhau. Miệng giếng phía trên mới được xây dựng lại bằng gạch và xi - măng cát, đè lên thành giếng cổ.Lòng giếng cổ, 4 góc có 4 cột đá hình vuông ốp, đầu các cột đá được khấc tạo cổ, đầu trên cùng hình chóp nhọn. 4 thanh đá nối với nhau bằng 4 thanh ngang khóa miệng giếng phía trên cùng, ở các thanh này đều có dấu tích của vết mòn do kéo thừng, và vết cong võng do vết gầu trong quá trình sử dụng giếng. Kích thước lòng giếng 87cm x 87cm. Từ bề mặt giếng cổ đến đáy sâu 4,45m, đến đỉnh các cột ở góc là 4,98m. Được xây dựng bằng 11 tấm đá có kích thước dày trung bình 41cm xếp chồng lên nhau.Lòng giếng bên trong trên cùng hiện nay có kích thước 87cm x 87cm, bên ngoài là 1,26m x 1,26m, cao hơn thềm giếng xung quanh là 77cm.
2. Giếng Đình (thôn Năm Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) có cùng kiểu cách và kỹ thuật xây dựng với giếng Lăng.Hiện nay giếng nằm trong khu dân cư. Lòng giếng phía trên mới được xây dựng lại có kích thước 1,01m x 1,01m, cao 86cm tính từ mặt nền xung quanh.Phần giếng cổ bị thời sau xây đè lên. Bốn góc thành giếng có 4 cột đá ốp, trên đỉnh cột được đục tạo cổ của cột, đỉnh trên cùng có dạng hình chóp nhọn, kích thước của 4 trụ này dài 1,45m. Phía trên cùng thành giếng, các cột góc khóa chặt với nhau bằng các thành ngang.Lòng giếng cổ có kích thước 89cm x 89cm. Toàn bộ thành giếng được xếp đá tảng chồng lên nhau, từ trên xuống hiện còn quan sát được 10 lượt đá, mỗi tảng đá dày trung bình 0,5m.Độ sâu của giếng hiện nay khoảng 5,17m, tính từ đáy đến thành giếng cổ, và 5,31m tính từ đáy đến thành giếng mới xây dựng sau này.
3. Giếng Thành Cung (thôn Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), ở khoảng vị trí tọa độ 16006'50,34" vĩ độ Bắc và 108007'43,22" kinh độ Đông.Phần miệng giếng được xây dựng lại cao lên vào thời sau, kích thước bên trong rộng 0,96m x 0,96m, kích thước bên ngoài rộng 1,19m x 1,19m.Phần giếng cổ ở phía dưới có kích thước lòng rộng 1,00m x 1,00m, độ sâu hiện tại tính từ mặt nước lên đến phần miệng giếng cổ là 4,45m.Toàn bộ thành giếng hiện còn quan sát được 8 lượt đá xếp chồng lên nhau, tuy nhiên khác với các giếng trên, ở đây các tảng đá được xếp xen kẽ cứ một tảng đá mỏng (35cm) lại đến 1 tảng đá dày 74cm.Thành giếng hiện tại cao hơn bề mặt thềm giếng xung quanh khoảng 57cm.Về niên đại, theo các chữ Hán còn để lại ở thành bên ngoài, giếng được xây dựng năm Gia Long thứ 13 (năm 1814, Gia Long làm vua từ năm 1802 đến năm 1821). Chính vì niên hiệu này mà hiện nay nhiều người cho rằng các giếng ở Năm Ô không phải là giếng Chăm, tuy nhiên theo chúng tôi, đây có thể không phải là giếng Chăm nhưng được xây dựng theo kỹ thuật của người Chăm.
4. Giếng cổ Quán Hóa Ổ (thôn Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), ở khoảng vị trí tọa độ 16006'46,63" vĩ độ Bắc và 108007'38,3" kinh độ Đông.Về hình dáng, kỹ thuật xây dựng và kết cấu hoàn toàn giống các giếng đã tìm được ở Năm Ô. Phía trên, thành giếng mới được xây dựng cao thêm 1,14m, kích thước bên trong 0,96m x 0,96m, kích thước bên ngoài 1,15m. Nhìn chung, giếng cổ đã bị phá hủy mạnh ở phần trên, các cột ở 4 góc không còn nhận diện được, toàn bộ lòng giếng đã bị lấp gần lên đến bề mặt. Hiện chỉ còn quan sát được 2 lượt đá tảng xếp chồng lên nhau tạo thành giếng, các tảng đá có kích thước dày trung bình 41cm. Lòng giếng cổ hình vuông, kích thước rộng 96cm x 96cm.
5. Giếng cổ Nghĩa Trũng (thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), ở khoảng vị trí tọa độ 16001'25,86" vĩ độ Bắc và 108012'50,36" kinh độ Đông.Kết cấu, kiểu dáng và kỹ thuật xây dựng giếng tương tự như các giếng ở Năm Ô. Giếng nằm trong tổng thể chung của các công trình gồm miếu Nghĩa Trũng, nghĩa trang liệt sĩ của phường. Hiện nay, giếng vẫn được dùng để khai thác nước phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Bề mặt giếng được đậy bằng một tấm pano, thành giếng đặt máy bơm lấy nước từ dưới giếng lên. Thành giếng hoàn toàn chưa được cải tạo hay xây mới về sau này.Ở góc giếng còn có 4 cột đá cao trung bình 78cm, phía trên có cổ, đỉnh cột hình chóp nhọn. Bề mặt các cột được khóa với nhau bằng các thanh đá nằm bên trên của thành giếng. Lòng giếng hình vuông, kích thước 1,15m x 1,15m.Thành giếng cao hơn bề mặt xung quanh hiện nay khoảng 58,5cm. Độ sâu từ đáy lên đến thành giếng khoảng 5,5m, mực nước trong giếng hiện còn cao 2m.Thành giếng được xây dựng bằng các tảng đá xếp chồng lên nhau, hiện còn quan sát được 9 tảng, dày 39cm.Theo các cụ địa phương cho biết phần dưới giếng thành được xây xếp bằng đá ong.
6. Ngoài ra trong quá trình khảo sát còn cho biết có loại giếng hình tròn được xếp bằng đá tự nhiên tại di tích vườn Đinh Khuê Bắc. Giếng có hình tròn đường kính miệng giếng 1,25m. Hiện nay đã sụp đổ không sử dụng. Theo người địa phương cho biết đây là giếng được đào phục vụ cho công trình Đình Vường Khuê Bắc sau này.
Từ kết quả điều tra khảo sát cho thấy, di tích loại hình giếng  trên địa bàn Đà Nẵng có hai loại giếng khác nhau: giếng có mặt bằng hình vuông và giếng có mặt bằng hình tròn. Giếng mặt bằng hình tròn có nguồn gốc do người Việt tạo ra theo truyền thống văn hóa Việt. Giếng có mặt bằng hình vuông chủ nhân là người Chăm tạo ra theo truyền thống văn hóa Champa. Những giếng ở Đà Nẵng hiện nay về hình dáng cơ bản có mặt bằng hình vuông, được người Việt tôn tạo sử dụng sau này do vậy vấn đề chủ nhân còn những ý kiến khác nhau. Căn cứ vào kỹ thuật ghép đá, niên đại đề ghi trên thành giếng có ý kiến cho rằng đó là những giếng do người Việt khi tiếp thu vùng đất đã xây dựng phục vụ cho cuộc sống của mình.
Nhìn chung hệ thống giếng cổ hiện biết, cho đến nay nhiều giếng vẫn sử dụng có tính chất chung là lòng giếng hình vuông, được kè đá, nhiều giếng có đề ghi năm tháng, nhưng qua nghiên cứu chúng tôi cho rằng đây là những giếng nước được xây dựng theo truyền thống kỹ thuật khai thác nước ngầm của người Chăm. Cấu trúc giếng theo cấu trúc giếng Chăm, chính vì thế những giếng này có thể  có nguồn gốc giếng cổ Champa được người Việt sử dụng lại hoặc người Việt xây dựng theo truyền thống kỹ thuật Chăm khi vào định cư sinh sống ở đây.
PHẦN II. Giếng Chăm ở Đà Nẵng trong tổng thể hệ thống giếng Champa
Nước là nguồn gốc sự sống của con người, chính vì thế để phục vụ cuộc sống, con người đã chú trọng đến việc khai thác các nguồn nước tự nhiên phục vụ  hữu ích cho bản thân. Có thể thấy con người khai thác nguồn nước tự nhiên có hai phương thức: khai thác nguồn nước mặt( sông suối, ao, hồ, đầm vv...) và khai thác mạch nước ngầm( đào xuống tìm mạch nước trong lòng đất). Tùy theo điều kiện tự nhiên, địa hình, mà cách khai thác khác nhau, tạo nên truyền thống của mỗi tộc người. Với người Việt truyền thống khai thác nước ban đầu chủ yếu là nguồn nước mặt( sông suối, đào ao, hồ trữ nước) thì việc khai thác nguồn nước ngầm khá muộn. Chiếc giếng có niên đại sớm  của người Việt được khảo cổ học biết đến là giếng nước tại di tích Tức Mặc( Nam Hà) thời Trần( TK 14)(1). Đó là giếng có miệng hình tròn, được xây gạch. Sau này những giếng của người Việt  được tạo tác cơ bản đều có hình tròn. Giếng hình tròn đào sâu xuống lòng đất có ưu điểm  hạn chế tối đa lực đẩy vào thành giếng khi khai thác nguồn nước, tạo nên sự bền vững. Loại hình giếng này thường được sử dụng ở những vùng đất có nền đất yếu, đất cát, phù hợp với cấu tạo địa chất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Việc khai thác nước phục vụ cuộc sống của người Chăm trong lịch sử cũng có hai loại hình: khai thác nước mặt và nước ngầm. Do điều kiện địa hình dải đất cư trú dốc và ngắn, việc khai thác nước mặt rất ít. Hiện nay qua khảo sát chỉ thấy dấu vết  về những công trình xếp đá khai thác nước tại Quảng Trị.Trên địa bàn  huyện Gio An -Quảng Trị có mt hệ thống xếp đá dẫn nước tự chảy khá độc đáo được các nhà nghiên cứu quan tâm. Hệ thống dẫn nước xếp đá hiện còn đến 30 địa điểm trên địa bàn các thôn : An Nha, An Hướng, Hảo Sơn, Long Sơn, Thanh Khê, Tân Văn. Hệ thống dẫn nước xếp đá này hiện nay mang tên gọi thuần Việt như giếng ông, giếng bà, giếng máng vv…Hệ thống giếng này về chức năng là dẫn các nguồn nước tự chảy từ lòng đất đồi chảy ra. Hệ thống dẫn được xây dựng bằng cách xếp đá cuội tự nhiên theo chủ ý tạo thành. Để sử dụng được nguồn nước một các có hiệu quả, hệ thống dẫn nước này có 3 loại. Loại phức tạp nhất là khi nhận nguồn nước tự nhiên  để sử dụng người ta xếp nhiều hệ thống bể lắng trên nhiều cấp cao thấp khác nhau. Từ bể lắng có bộ phận bể tràn, bể chứa và sau cùng là hệ thống dẫn để sử dụng. Loại thứ hai là từ nguồn nước tự nhiên nhận được người ta tạo bể chứa và máng dẫn nước sử dụng và loại giếng đào như giếng bọng lấy nước rồi dẫn ra hệ thống máng tự chảy phục vụ cuộc sống sản xuất. Trư\ớc hết phải nói đây là một kỹ thuật khai thác mạch nước ngầm khá hiệu quả phục vụ cho cuộc sống và sản xuất. Hệ thống giếng này được sử dụng cho cuộc sống (  nước ăn, tắm giặt, sinh hoạt) phục vụ sản xuất dẫn tràn xuống các thửa ruộng phục vụ cấy trồng vv.. Cho đến nay về loại hình di tích này vẫn được các nhà nghiên cứu quan tâm về năm tháng xây dựng và chủ nhân của chúng. Có ý kiến cho rằng chủ nhân của những giếng nước và hệ thống dẫn có nguồn gốc Champa, bởi đây là vùng đất Champa quản lý trong lịch sử và người Chăm rất giỏi khai thác và sử dụng mạch nước ngầm. Như vậy về niên đại, hệ thống giếng này có trước thế kỷ XIV khi người Chăm còn quản lý vùng đất và có thể có niên đại còn sớm hơn.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hệ thống dẫn nước này được xây dựng khi người Việt vào quản lý vùng đất, cụ thể họ cho rằng chủ nhân là những tù binh quân Mạc bị  bắt đưa đi đày vào đây xây dựng đồn điền trong vùng đất mới được coi là Ô châu ác địa.Vấn đề này còn được tiếp tục tìm hiểu bởi bằng chứng về nên đại rất khó tìm. Đá xây dựng xếp kè là sử dụng đá tự nhiên, tại các di tích chưa tìm được các di vật liên quan như mảnh gốm sứ vv.. chưa đủ tư liệu thuyết phục về niên đại. Nên ở đây qua đợt khảo sát chúng tôi chỉ ghi về một loại hình di tích hiện còn trên địa bàn Qủang Trị. Trên những địa phương khác như Thừa Thiên – Huế; Quảng Ngãi; Quảng Nam; Bình Định vv... hiện nay vẫn có hệ thống nước tự chảy này, nhưng vấn đề chủ nhân vẫn bỏ ngỏ.
Khai thác nước ngầm hiện nay để lại số lượng giếng khá nhiều, có mặt hầu khắp trên các địa bàn với những giếng có mặt bằng lòng giếng hình vuông, thường được gọi là giếng Chăm, hay giếng Hời.Những giếng có hình vuông thường xuất hiện trên các vùng đất có nền đất cứng, đạc biệt là trên dải đất miền trung. Đặc điểm của giếng là miệng giếng hình vuông, lực đẩy vào thành giếng nhiều nên chỉ sử dụng trên vùng đất cứng. Loại hình giếng này có mặt từ vùng đất Hà Tĩnh trở vào đến Bình Thuận. Về chủ nhân loại hình giếng này thường được coi là sự sáng tạo của người Chăm trong lịch sử.Theo tài liệu khảo sát, hiện nay trên địa bàn miền Trung còn một số giếng Chăm khá thuần nhất do người Chăm xây dựng:
- Năm 2004 tại phường 7 thành Phố Tuy Hòa( Phú Yên) khi đào đất làm vườn người dân địa phương phát hiện một giếng cổ bị vùi lấp trong lòng đất. Giếng nằm dưới lớp đất dày 0,8m. Giếng có miệng hình vuông, kích thước 1,2m x 1,2m được xây bằng gạch. Gạch có kích thước trung bình  0,3mx 0,19m x 0,07m màu đỏ tươi. Kỹ thuật xây là những viên gạch được mài chập khít liền mạch không có chất kết dính như kỹ thuật xây dựng tháp Champa hiện còn.Phía dưới lòng giếng được kè gỗ dày tạo thành lòng giếng thẳng đứng vuông vức. Nước giếng khá sâu 1,1m, chất lượng nước tốt trong vắt. So sánh chất liệu, kỹ thuật xây với các kiến trúc Champa hiện còn cho thấy đây là chiếc giếng Champa thuần nhất được phát hiện.
- Tại địa điểm tháp Khương Mỹ( Quảng Nam) về phía Tây bắc cách tháp không xa hiện còn một chiếc giếng Champa. Mặc dù phần trên chủ nhà đã tu tạo lại nhưng phần dưới cho thấy thành giếng xây bằng gạch với kỹ thuật mài chập liền khít không có chất kết dính.Phía dưới là vách thành gỗ ghép vuông vức, thành thẳng đứng. Nước giếng trong và sâu. Đây được coi là chiếc giếng Champa thuần nhất có từ xa xưa trong lịch sử, được xây dựng phục vụ cho nghi lễ tại tháp Khương Mỹ. Niên đại giếng có vào thế kỷ IX.Từ 2 chiếc giếng Champa được coi là thuần nhất có thể thấy những đặc trưng của giếng Champa như sau:
- Miệng giếng có hình vuông
- Vật liệu xây giếng là gạch, kỹ thuật xây mài chập liền khít như kỹ thuật xây tháp.
- Đáy giếng thành gỗ, có khả năng lát đáy giếng là chất liệu gỗ ghép.
- Nước giếng khá dồi dào, sâu, trong đáp ứng cho nhu cầu sử dụng sinh hoạt.
- Giếng được xây liên quan đến các cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm cư trú của người Chăm trong lịch sử.
Trong quá trình hội nhập lãnh thổ, khi người Việt đến cộng cư cùng người Chăm trên dải đất, những giếng của người Chăm xưa trong lịch sử có hai xu hướng:
- Được chủ nhân mới tái sử dụng lại theo nhu cầu và mục đích mới trên vùng đất.
- Bị bỏ hoang phế dần vùi sâu vào lòng đất.
Hai  xu hướng này xu hướng sử dụng lại khá phổ biến bởi nhu cầu sử dụng nước là tất yếu cho cuộc sống vì những giếng của người Chăm thường có nguồn nước chất lượng nước tốt,dồi dào . Chính vì thế hiện nay còn một hệ thống giếng hình vuông có mặt hầu hết trên dải đất miền Trung trong đó có Đà Nẵng.
Trước hết nói về những giếng Chăm trên dải đất miền Trung.
Tại Quảng Bình cho đến nay  chúng tôi đã tiến hành khảo sát một loạt những giếng được coi là có nguồn gốc Chăm tại một số địa điểm như: Đại Hữu (1 chiếc); Hàm Ninh (1 chiếc); Quảng Phú (2 chiếc); Quảng Phương (3 chiếc)  .Kết quả cho thấy: Giếng Chăm là một công trình phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của một nhóm cộng đồng dân cư. Chúng đều có dạng hình vuông, gỗ lót đáy xung quanh và khai thác mạch nước ngầm rất tốt, nước trong giếng luôn ở mức rất cao, (hiện nay, khi người dân muốn cải tạo, việc hút cạn nước trong giếng là rất khó và phải dùng đến máy bơm). Sự phân bố của giếng Chăm đồng nghĩa với quá trình tụ cư, hình thành lên các xóm, làng.Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các giếng Chăm mà chúng tôi khảo sát đều đã được cải tạo làm lại toàn bộ. Tâm thức của người dân quanh khu vực giếng về truyền thuyết liên quan đến các giếng nước là  nguồn tài liệu cung cấp, bổ sung cho những nhận định của đoàn khảo sát.Các giếng đều có độ sâu từ 3,2m đến trên 4m, khối vuông của gỗ từ 1,1m đến 2,2m, và các khối vuông bằng gỗ dật cấp nhỏ dần xuống phía dưới.Đây là một nguồn tư liệu bổ sung với các nguồn tư liệu khác: Thư tịch, thành, luỹ, tháp....giúp chúng ta có một cái nhìn chung nhất, tổng quát hơn về đời sống tâm linh và vật chất của cư dân Chăm.
Tại Quảng Trị nhiều giếng vuông hiện nay vẫn được sử dụng tại các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh,những giếng có lòng giếng hình vuông
Tại Thừa Thiên Huế có khoảng 10 giếng hình vuông tại Phú Vang, Phú Lộc, Hương thủy và ngay cả trong lăng Thiệu Trị cũng có giếng vuông mà theo các nhà nghiên cứu cho rằng vốn có nguồn gốc Champa
Tại Quảng Nam còn khá nhiều giếng vuông trên địa bàn. Ngoài những giếng hình vuông như đã biết, còn có loại hình giếng miệng hình Tròn. Tại xã đảo Tam Hải, Núi Thành bên cạnh vách núi Bàn Than có hai giếng nước cổ xuất hiện từ thời Chămpa.Hai giếng cổ của người Hời thì nước ngọt và trong cực kỳ”,
Giếng sâu khoảng 12m, đường kính trên miệng là 2m. Giếng có mạch nước ngầm rỉ ra từ chân núi Bàn Than nên suốt bốn mùa nước giếng luôn xanh trong, đặc biệt có vị rất ngọt. Mùa hè nước cạn hơn những mùa khác. Chỉ cần thả dây gàu xuống là chiếc gàu tự lăn vào vách đá theo nguồn nước. Dù tồn tại lâu đời nhưng đến nay lịch sử hình thành và nguồn gốc, hay như cái tên của hai giếng cổ này vẫn là một ẩn tích. Vì thế người dân nơi đây vẫn chỉ gọi là giếng nước người Hời ở thôn Thuận An để phân biệt với các giếng khác. Cụ Trần Thị Cừ - một trong những người già nhất làng - kể rằng giếng đã có từ hơn bốn trăm năm trước, trước cả khi người dân xã Tam Hải về đây khai làng lập ấp, làng Thuận An còn chưa được đặt tên. Qua thế hệ người xưa ở làng truyền miệng lại, trước đây bên cạnh hai giếng có lưu bút tích là hai tấm bia đá cẩm thạch, có khắc chữ nhưng không một ai trong làng có thể dịch hay hiểu ý nghĩa viết trên đó. Và qua thời gian hai tấm bia đã bị mất, đến nay không còn bất cứ tài liệu nào về hai giếng cổ này ngoài lời của người dân làng Thuận An: “Giếng này trước đây là của người Hời”.Điểm qua một số địa phương cho thấy loại hình giếng vuông xuất hiện khá đậm đặc trên tòa bộ dải đất miền Trung, đặc biệt trên các vùng đất có vị thế là vịnh, vũng, cửa sông ven biển. Với đặc trưng là cung cấp nguồn nước trong, ngọt, dồi dào, các giếng Champa trở thành địa điểm tới lui của người dân sinh sống trong vùng cùng những thương nhân trên con đường bán buôn trên biển. Chính vì thế khi ghi chép về vùng đất Champa trong lịch sử cho biết,” Nước Chiêm Thành lập quốc tại mé biển, thương thuyền trung Quốc vượt bể đia qua các nước phiên phục, thường tập trung tại đấy để chứa củi và nước, là bến tàu lớn nhất tại phía Nam”
 Loại hình giếng hình vuông không những có nhiều nơi trên khắp dải đất miền Trung mà còn có mặt trên nhiều vùng đất Bắc Bộ tại Hà Tĩnh, Hà Tây( cũ) được người dân khai thác và sử dụng hàng trăm năm cho đến nay. Về chủ nhân chưa rõ, nhưng đây là những kỹ thuật đào giếng khai thác nước ngầm kế thừa  kỹ thuật của người Champa. Chính vì thế có ý kiến cho rằng, những người dân trong vùng có giếng hình vuông là hậu nhân của người Champa xưa trong lịch sử, họ có mặt ở đây sau các cuộc di dân  cưỡng bức, ngược ra phía bắc theo các triều đại và mang theo kỹ thuật của mình khi ra sinh sống trên vùng đất mới.

Dù sao đi chăng nữa, sự có mặt của các loại hình giếng hình vuông trên một không gian rộng, thời gian dài cho thấy đó là “dấu tích thật và mờ ” của người Chăm để lại trong lịch sử. Đó là một phần, một bộ phận cấu thành nên nền văn hóa Champa độc đáo, mang đậm bản sắc tộc người. Nghiên cứu giếng hình vuông là góp phần nghiên cứu văn hóa Champa cùng sức sống, sự lan tỏa của nền văn hóa này trong tổng thể văn hóa chung của dân tộc trong lịch sử./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét