Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

KHẢO CỔ HỌC CHAMPA- THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG

Văn hóa Champa một nền văn hóa lớn, đặc sắc, một thành tố quan trọng đóng góp vào văn hóa dân tộc trong lịch sử, từ lâu đã được nhiều ngành khoa học quan tâm nghiên cứu trong đó có khảo cổ học.
 Với 15 thế kỷ tồn tại và phát triển ( thế kỷ II đến thế kỷ XVII)  tộc người Chăm đã để lại một tài sản văn hóa khổng lồ trên các lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc, thành cổ, bi ký, gốm sứ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ vàng bạc vv… và trở thành tài sản văn hóa vô giá, không những có giá trị trong văn hóa dân tộc mà còn đóng góp vào thành quả văn hóa chung của nhân loại
Trước đây, mặc dù là một nền văn hóa riêng biệt, mang sắc thái riêng nhưng vốn có mối quan hệ mật thiết, đa chiều với văn hóa Việt theo suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển, cho nên sự hiện diện của nền văn hóa này đã được các sử gia trong lịch sử quan tâm  ghi chép. Những sử liệu  ghi chép về văn hóa của người Chăm có thể thấy có mặt trên khắp các trang sử của các thời đại, dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng chủ yếu là về sử liệu, đặc biệt là mối quan hệ bang giao giữa hai tộc người Chăm – Việt cùng sống chung trên dải đất hình chữ S. Những ghi chép này không những thấy trong các tài liệu lịch sử Việt Nam, mà trong các tài liệu lịch sử Trung Hoa cũng quan tâm dành phần ghi chép đáng chú ý..
Văn hóa Champa được đặc biệt quan tâm, nghiên cứu có hệ thống kể từ khi có sự tham gia của các học giả phương tây khi họ có mặt và tiếp xúc với các di tích Champa trên dải đất này. Công trình đề cập đến văn hóa Champa đầu tiên là  vấn đề ngôn ngữ của nhà nghiên cứu J. Crawford vào năm 1852, của A.Bastian vào năm 1868, 1870 và A. Morice năm 1875… Những công trình nghiên cứu về di tích dưới góc độ khảo cổ được mở đầu là  Ch. Lemire  thông báo về các di tích và kiến trúc tháp ở Bình Định năm 1887, 1890. Đặc biệt sau khi “tái phát hiện” ra khu di tích Mỹ Sơn ( Quảng Nam) năm 1898 thì việc nghiên cứu các di tích Champa được tiến hành đồng bộ trên nhiều vùng đất, dọc theo dải đất miền trung và cả cao nguyên rộng lớn, nơi người Chăm quản lý trong lịch sử. Nhiều cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành tại Mỹ Sơn 1901 -1904, Chánh Lộ ( Quảng Ngãi) 1904;  Đồng Dương ( Quảng Nam) 1904…. Rầm rộ hơn là các cuộc khai quật tại các phế tích kiến trúc tại Đại Hữu; Trung Quán ( Quảng Bình) năm 1927 -1928; Trà Kiệu ( Quảng Nam) 1927 -1928,  Khánh Lễ ( Bình Định) vv… và sau cùng là cuộc khai quật  Gò Tháp Mắm ( Bình Định) năm 1934. Bên cạnh đó là nhiều cuộc khai quật khác phục vụ cho việc tu sửa, gia cố các kiến trúc tháp ở Mỹ Sơn, Tháp Bà ( Ponaga – Nha Trang).
Từ kết quả những cuộc điều tra, khảo sát, khai quật nhiều báo cáo khoa học, nhiều công trình nghiên cứu về nền văn hóa này được công bố. Có thể thấy các công trình nghiên cứu về tổng thể các di tích của H.Parmentier: Inventaie descriptif monuments Chams de L’ AnNam.Paris 1909 – 1918. Hay nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc tháp của Ph.Stern : L’ art du Champa et son Evolution. Toulouse 1942; nghiên cứu về điêu khắc của  J. Boisselier: La Statuaire de Champa. Paris 1963. Các chuyên khảo về di tích Mỹ Sơn  H.Parmentier: Le Cirque de Mĩ Sơn .Hà Nội 1904;  về các tác phẩm điêu khắc đá được sưu tầm H.Parmentier: Catalogue du musse Cam de Tourane. Hà Nội 1919; về bia ký của L.Finot: Les inscription du Cirque de Mĩ Sơn .Hà Nội 1904 vv… Và tựu trung những thành tựu nghiên cứu để viết nên cuốn Vương quốc Champa (G.Maxpero: Le Royaume de Cham . NXB Van Oest.Paris 1928.) Đây có thể coi là những công trình nghiên cứu tầng nền để sau này các nhà nghiên cứu tiếp tục bổ xung, phát triển những công trình nghiên cứu tiếp theo của mình. Những hiện vật tìm được qua khảo sát, sưu tầm, khai quật khảo cổ học được chọn lọc, tập hợp lại hình thành nên các sưu tập trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Hà Nội, Bảo tàng  Mỹ thuật cung đình Huế, Bảo tàng lịch sử thành phố Sài Gòn ( nay là Bảo tàng lịch sử thành phố HCM). Đặc biệt hơn thành một bảo tàng chuyên đề điêu khắc đá Champa tại Đà Nẵng.Thành tựu cơ bản của các học giả đi trước về văn hóa Champa có thể khái quát:

-  Lập được hệ thống bản đồ các di tích văn hóa Champa, cơ bản là các  di tích kiến trúc( thành, tháp, các vùng đô cũ)- Về kiến trúc, dựa vào mặt bằng, hình dáng, khối kiến trúc, hoa văn trang trí xác lập nên 6 phong cách kiến trúc cơ bản trong tiến trình phát triển của nghệ thuật kiến trúc tháp Champa. Nêu bật các đặc trưng của các phong cách và quá trình  phát triển của nó- Về điêu khắc, xác lập nên 7 phong cách nghệ thuật điêu khắc đá, nêu lên những đặc trưng riêng của mỗi phong cách và nội dung thể hiện- Công bố được cơ bản về hệ thống tư liệu bi ký Champa.Bên cạnh đó còn nhiều công trình nghiên cứu công bố về phong tục, tập quán tín ngưỡng của người Chăm trong lịch sử vv…Điểm qua đôi nét có thể thấy trước đây việc nghiên cứu văn hóa Champa đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và bảo tồn, trưng bày giới thiệu  những giá trị đặc sắc của nền văn hóa này. Nhưng kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy những vấn đề chưa được quan tâm.Các nhà nghiên cứu chỉ quan tâm đến khảo cổ học nghệ thuật, nghệ thuật tôn giáo là chủ yếu, nhiều lĩnh vực khác tầng nền của văn hóa Champa chưa được quan tâm đúng mức như các đô thị những tòa thành cổ, di chỉ cư trú, các trung tâm thương mại, các cảng biển cổ, nghề sản xuất thủ công gốm sứ, kim loại vv…Sau thời kỳ này, hai cuộc chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, vùng đất này luôn luôn bị chiến tranh can thiệp cho nên việc nghiên cứu có phẫn chững lại. Thi thoảng chỉ có đôi cuộc điều tra khảo sát cùng những thông báo khoa học không nhiều về các di tích của nền văn hóa này.Sau năm 1975 khi nước nhà được thống nhất, hòa chung trong công cuộc tái thiết đất nước, phục hưng văn hóa dân tộc; văn hóa Champa được các nhà nghiên cứu quan tâm nhằm tìm hiểu sâu hơn, khẳng định giá trị văn hóa của văn hóa Champa trong nền văn hóa chung dân tộc.

Trước hết là việc điều tra khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tổng thể các di tích văn hóa Champa còn lại sau chiến tranh, từ đó làm cơ sở hoạch định cho các chương trình nghiên cứu trong tương lại được tiến hành. Dựa vào nguồn tài liệu hiện biết, qua nghiên cứu nhiều công trình nghiên cứu được công bố bổ xung cho những kết quả nghiên cứu trước đây như: Tháp cổ Champa, Văn hóa cổ Champa của Ngô Văn Doanh. Di tích Champa ở Bình Định; văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Kiến trúc điêu khắc ở Mỹ Sơn- Di sản văn hóa thế giới của Lê Đình Phụng; Di tích Chăm Quảng nam của Hồ Xuân Tịnh vv… Nghiên cứu về lĩnh vực này còn có sự tham gia của các học giả nước ngoài như : Temples of Champa in VietNam của J.C Shama. Hay các tác phẩm : Po Dharma: The History of Champa. Cham art. Bangkok 2001; R.C. MaJumdar: The inscription of Champa. Dechi 1985 vv…

Khai quật khảo cổ học tại Đồng Dương và Mỹ Sơn
 Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu về điêu khắc như: Điêu khắc Champa của NXBKHXH; Điêu khắc Champa của Nguyễn Văn Thục và Ngô Văn Doanh vv… cùng nhiều công trình các bài nghiên cứu khác đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Phục vụ cho việc trùng tu tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành tại các  các di tích như: Mỹ sơn; Khương Mỹ Chiên Đàn ( Quảng Nam); Bánh ít, Dương Long, tháp Đôi, cánh Tiên, Bình Lâm ( Bình Định) Tháp Nhạn ( Phú Yên), Ponaga ( Khánh Hòa); Hòa Lai ( Ninh Thuận); Phố Hài (Bình Thuận). Các cuộc khai quật này đã cung cấp nguồn tư liệu quý chân xác phục vụ cho việc trùng tu tôn tạo, nhiều hiện vật quý phục vụ cho công tác trưng bày và đặc biệt là đẩy mạnh những nhận thức mới về hệ thống kiến trúc tôn giáo đặc sắc này.
Khắc phục những khuyết thuyết khi tiếp cận nghiên cứu Champa giai đoạn trước, trong nhiều năm gần đây các cuộc khai quật nghiên cứu về thành cổ, di chỉ cư trú của người Chăm được tiến hành như khai quật Trà Kiệu ( Quảng Nam), nam Thổ Sơn ( Đà Nẵng); Cổ Lũy ( Quảng Ngãi); Thành Hồ (Phú Yên) cung cấp nhiều tư liệu quý,  chân thực hiểu về đời sống kinh tế, văn hóa của người Chăm trong mỗi giai đoạn lịch sử. Đặc biệt việc nghiên cứu đồ gốm sứ Champa được đặc biệt quan tâm, các cuộc khai quật tại Núi Chồi( Quảng Ngãi), Gò Sành, Gò Hời ( Bình Định) trong nhiều năm gần đây từng bước cung cấp diện mạo hoàn chỉnh phục dựng tiến trình phát triển của đồ gốm Champa trong lịch sử. Công trình nghiên cứu “ Đồ gốm Champa ở Bình Định” của Đinh Bá Hòa là kết quả ban đầu của hệ thống nghiên cứu  về đồ gốm Champa trong lịch sử.
Có thể thấy từ năm 1975 cho đến nay thành tựu nghiên cứu về văn hóa Champa đã từng bước khắc phục những khuyết thiếu của giai đoạn nghiên cứu trước. Bức tranh toàn cảnh về Văn hóa Champa trong lịch sử dần được bổ xung, điền đầy tiến tới hoàn chỉnh. Thành tựu này được phản ánh qua các công trình nghiên cứu và cụ thể hơn là hệ thống trưng bày về hiện vật Champa được thể hiện qua các phòng trưng bày tại các Bảo tàng địa phương như : Quảng Trị; Thừa Thiên – Huế; Quảng Ngãi ( Bình Định);  Nha Trang( Khánh Hòa)… cung cấp hình ảnh chân thực về nền văn hóa đã từng tồn tại và thăng hoa trong lịch sö.
Khai quật thỏp Khương Mỹ ( Quảng Nam)
Khai quật thỏp Mỹ Khỏnh ( Thừa Thiờn – Huế)
Như đã trình bày, văn hóa Champa cho đến nay đã có hơn một thế kỷ nghiên cứu với nhiều thành tựu đạt được. Giá trị của nền văn hóa này đã được khẳng định không những trong nền văn hóa dân tộc mà còn được khẳng định trong nền văn hóa chung của nhân loại. Di tích Mỹ Sơn nơi tựu trung những tinh hoa nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, lịch sử tôn giáo của tộc người Chăm được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chính vì thế, việc nghiên cứu và giới thiệu giá trị của nền văn hóa này là một việc làm không những của hiện tại mà cả trong tương lai.
Từ những thành tựu nghiên cứu trên, có thể nói  lịch sử văn hóa Champa là lịch sử văn hóa của miền Trung. Đây là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của lịch sử và văn hóa Việt Nam cần được quan tâm. Lược trình về văn hóa miền trung có thể thấy trên dải đất này có cả một tiến trình văn hóa lịch sử lâu dài từ thời tiền sử đến lịch sử. Khởi đầu cho việc nghiên cứu  thời lịch sử có thể thấy văn hóa Sa Huỳnh là tầng nền, một nguồn quan trọng tạo nên văn hóa Champa phát triển rực rỡ trên miền đất cát trắng, biển xanh này.Dựa trên cơ tầng văn hóa bản địa, khi văn hóa, tôn giáo  Ấn Độ ảnh hưởng đến vùng đất, cư dân ở đây đã tiếp thu một cách có chọn lọc, kết hợp hài hòa với văn hóa tôn giáo tín ngưỡng bản địa, từng bước xây dựng nên một nền văn hóa riêng biệt mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Nền văn hóa ấy có cả một quá trình tồn tại và phát triển lâu dài và đã từng tỏa sáng trong lịch sử.  Chính vì thế khi hội nhập chung vào nền văn hóa dân tộc, văn hóa Champa vẫn giữ được bản sắc riêng và duy trì tồn tại cho đến ngày nay. Như vậy có thể khái quát trên dải đất miền Trung cho đến nay có 3 cơ tầng văn hóa lớn: Văn hóa Sa Huỳnh- văn hóa Champa và văn hóa Việt.  Trong lịch sử, văn hóa Champa chiếm một không gian rộng, thời gian dài, do vậy những thành tựu nghiên cứu trên mới chỉ coi là những bước khởi đầu. Còn nhiều việc cần được nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về nền văn hóa này như các vùng kinh đô, cảng thị, nghề sản xuất gốm, những hoạt động kinh tế tầng nền để tạo nên kiến trúc thượng tầng là các kiến trúc đền tháp, điêu khắc đã từng được đề cập đến.  Ngược lại các đền tháp, các tác phẩm điêu khắc cũng cần được nghiên cứu sâu hơn để bổ xung những nhận biết về lịch sử xã hội, tôn giáo, kinh tế văn hóa Champa trong lịch sử.

Một nền văn hóa cổ nằm gọn, dưới và trong một nền văn hóa đương đại là một hiện tượng đặc sắc trong tổng thể văn hóa Việt nam hiện nay. Trong khi nền văn hóa đương đại đang tồn tại và phát triển, thì ảnh sạ của nền văn hóa cổ vẫn lấp lánh tỏa sáng, đó chính là sự độc đáo của văn hóa Champa. Trong tổng thể nền văn hóa đa sắc màu của Việt Nam, văn hóa Champa nổi bật lên với gam màu lộng lẫy, tôn vinh những giá trị vĩnh hằng  của nền văn hóa dân tộc, do nhiều tộc người anh em tạo nên trong lịch sử . “ tộc Chàm từng đã ở ngọn nguồn của lịch sử dân tộc Việt nam ngày nay, đã xây dựng nên một nền văn hóa riêng rất cao, không thua kém bất kỳ nền văn hóa cao đẹp nào thời cổ đại và trung cổ ở Đông Nam á. Nền văn hóa đó là một thành phần khăng khít của nền văn hóa Việt nam ngày nay”.Vén dần những lớp bụi của lịch sử, từng bước làm lộ rõ và làm cho nền văn hóa này có vị trí xứng đáng trong nền văn hóa dân tộc là một việc làm lâu dài, cần thiết của nhiều ngành khoa học, trong đó có khảo cổ học./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét