Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

CHUYỆN GẪU 11

 SƯ TỬ
                     Dạo này hơi ồn lên về chuyện các di vật "ngoại lai", ồ ạt, len lỏi vào đời sống văn hóa dân tộc trong đó có các di tích Lịch sử văn hóa. Di vật "ngoại lai" có nhiều loại, trong đó nổi lên là các di vật về  tượng Sư tử đá được bày trang trí. Di vật  được gọi là "ngoại lai" này có nguồn gốc ở đâu? Xin thưa là các tượng Sư tử đá được chế tác chủ yếu theo mỹ thuật Trung Quốc và một số được chế tác theo hình mẫu nghệ thuật phương tây. Vậy chuyện đưa các di vật này ra khỏi các di tích văn hóa dân tộc là điều nên làm. Nhưng chuyện về nội dung hình tượng Sư tử chuyển tải về tinh thần tín ngưỡng  thì cũng nên nói.
1. Trong những hình tượng nghệ thuật lấy từ tự nhiên thì hình tượng con Sư tử là có thật, khác với các hình tượng  như con rồng chỉ là sự biểu tượng. Tài liệu lịch sử ghi chép quá nhiều về các con Sư tử được sử dụng làm vật tiến cống của các triều đại phong kiến. Nhiều nơi, giống này đã tuyệt diệt, nhưng một số nơi khác vẫn còn đến ngày nay, ví như ở châu Phi.
2.Có lẽ sự dũng mãnh của loài thú này trong tự nhiên, được con người cảm nhận và đưa vào đời sống tín ngưỡng, tinh thần của mỗi tộc người.Ở Ấn Độ, hình tượng con sư tử được khắc tạc khá nhiều trên các công trình kiến trúc tôn giáo. Tượng Sư tử được coi là Hộ pháp gìn giữ bảo vệ chốn linh thiêng, nên được trang trí bên ngoài các kiến trúc: Cửa ra vào, tường góc kiến trúc với tư thế vô cùng dũng mãnh. Hình tượng Sư tử cũng được thiêng hóa qua một lần là hóa thân của thần Visnu. Một trong ba vị thần chính của Ấn Độ giáo với chức năng "Bảo tồn" thế giới.
3. Khi văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến các nước Đông Nam á, hình tượng Sư tử cũng được phổ biến khá rộng rãi: Indonexia; Campuchia; Singapo.... và Việt Nam. Singapo còn coi hình tượng Sư tử là biểu tượng của quốc gia. Ở Việt Nam, hình tượng Sư tử có sớm trong văn hóa Champa. Các tác phẩm điêu khắc trên gạch đá hình tượng con Sư tử xuất hiện nhiều như: góc chân tháp Mỹ Sơn F1, góc đế tháp G1( Quảng Nam); Dương Long( Bình Định) hay khắc tạc trang trí trên kiến trúc tháp như Khương Mỹ; Dương Long, Tháp Đôi vv... Sự phổ biến và kính trọng hình tượng ấy đến mức độ, kinh đô của người Chăm cũng được ghi lại là thành phố Sư tử( Simhapura)- Trà Kiệu - Quảng Nam.
4.Trong văn hóa Việt, ngoài sự ghi chép về sử liệu về việc dùng Sư tử làm vật tiến cống, thì trong nghệ thuật, hình tượng Sư tử cũng được khắc tạc khá nhiều nơi. Tượng sư tử đền Bà Tấm( Hà Nội); Hương Lãng( Hưng Yên) có từ thời Lý và sau này còn được sử dụng. Những tượng sư tử này thường liên quan đến Phật Giáo.Và trong phật giáo có tượng Phật cưỡi Sư tử như tượng Văn Thù Bồ tát chùa Bút Tháp( Bắc Ninh) ; chùa Bối Khê( Hà Nội - Hà Tây cũ)vv..
5.Trong văn hóa dân gian, một số nơi cũng lấy hình tượng Sư tử gán cho các bà vợ, được gọi là "Sư tử Hà Đông" ám chỉ người phụ nữ tìm mọi cách mọi biện pháp bảo vệ cho "hạnh phúc gia đình"
6. Nói tóm lại, hình tượng Sư Tử là biểu hiện sự dũng cảm để bảo vệ sự tốt lành trong cuộc sống. Nội dung tư tưởng là hình tượng đáng quý, đáng trân trọng. Điều đáng nói là biểu hiện nghệ thuật ấy thế nào mà thôi. Mỗi tộc người có nhận thức thẩm mỹ khác nhau và hình tượng nghệ thuật ấy thể hiện khác nhau mang bản sắc tộc người đó. Hình tượng Sư tử Champa khác sư tử Việt, lại khác sư tử Ấn Độ hay Singapo.
7. Một số ý kiến cho rằng, biểu tượng con Sư tử trong nghệ thuật Trung Quốc chủ yếu chế tác được sử dụng đặt canh cửa các ngôi Lăng, mộ... Thì đấy là tín ngưỡng của họ, có liên quan gì đến tín ngưỡng văn hóa của  tộc người khác. Biểu tượng Sư Tử với nội dung mà  nó chuyển tải là tốt còn nhận thức thẩm mỹ khác nhau trên cùng một biểu tượng có gì là lạ.
8. Sư tử Trung Quốc được thể hiện nhe răng vuốt, dáng hùng hổ, mang tính bạo lực đó là bản chất của một nền văn hóa, đưa nó đi là phải. Nhưng Sư tử Việt với nội dung tốt, thể hiện hiền hòa, mang thẩm mỹ của một dân tộc hòa bình thì việc gì phải thay bằng vật khác?. Có chăng các nhà nghiên cứu, các thợ thủ công cần  tìm. xây dựng, đưa ra mẫu hình, chế tác con Sư tử mang đậm văn hóa Việt thì tốt hơn. Đấy mới là định hướng đúng: xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét